Giọng kể

    
ôi đã từng có những lần thức giấc yên ả hơn nhiều. Khi ý thức trở lại vào buổi sáng cuối tháng Giêng hôm ấy, tôi thấy một người đàn ông đang nghiêng người bên trên để khâu mi mắt phải của tôi với chỉ và một cây kim, như thể người ta vá một chiếc tất rách vậy. Một nỗi sợ vô lý xâm chiếm tôi. Nếu giả dụ tay bác sĩ chuyên khoa mắt này hứng lên và khâu nốt mắt trái của tôi, mối liên hệ duy nhất của tôi với bên ngoài, cánh cửa duy nhất của địa ngục, cửa sổ trên chiếc áo lặn của tôi? May thay, tôi đã không bị nhấn chìm vào đêm tối. Hắn đã cẩn thận xếp thứ đồ nghề nhỏ bé của mình vào chiếc hộp sắt tây lót bông. Và bằng giọng của một viên biện lý đòi trừng phạt làm gương một kẻ chuyên tái phạm, hắn ném lại một câu: “Sáu tháng”. Một loạt tín hiệu dò hỏi phát ra từ con mắt lành của tôi nhưng tay này, dầu suốt ngày săm soi tìm hiểu đồng tử người khác, lại không biết cách đọc ánh mắt được như vậy. Đúng là nguyên mẫu của kiểu bác sĩ Ta-cóc-cần, ngạo mạn, độc đoán, kiêu căng lệnh cho bệnh nhân tám giờ đến khám, còn mình chín giờ mới có mặt và đi lúc chín giờ năm phút sau khi dành cho mỗi người 45 giây trong khoảng thời gian quý báu của mình. Bề ngoài, hắn có cái đầu tròn to trên thân thể ngắn trông rõ từng khúc. Vốn đã ít cởi mở với bệnh nhân nói chung, hắn lại càng tránh xa những bóng ma như tôi. Rốt cuộc tôi cũng biết vì sao hắn bịt mắt tôi lại sáu tháng: Mí mắt không còn thực hiện được vai trò mành che di động và có nguy cơ bị loét màng mắt.
Qua nhiều tuần, tôi tự hỏi có lẽ bệnh viện không cố tình dùng một nhân vật dễ sợ như vậy để làm tăng thêm nỗi nghi ngờ ngấm ngầm mà đội ngũ các nhân viên y tế đã gieo vào lòng các bệnh nhân nằm viện dài ngày. Một kiểu đề tài gây cười. Nếu tay bác sĩ này ra đi, đây cũng là điều băn khoăn, tôi sẽ lấy cái quái gì để chế giễu nữa đây. Mỗi khi nghe câu hỏi muôn thuở: “Anh có nhìn một thành hai không?”, tôi sẽ không còn niềm vui cô độc và vô tội khi nghe mình trả lời từ đáy lương tâm: “Vâng, có, tôi thấy hai thằng ngốc thay vì một”.
Cũng như việc hít thở, tôi cần được xúc động, yêu và ngưỡng mộ. Thư từ một người bạn, một bức tranh của Balthus trên tấm thiệp, một trang viết của Saint-Simon khiến thời gian trôi qua có ý nghĩa hơn. Nhưng để vẫn - sống và không chìm đắm trong nỗi nhẫn nhục ấm áp, tôi vẫn giữ lại một lượng tức giận, ghét bỏ, không quá nhiều và không quá ít, như nồi áp suất có van an toàn chống nổ.
Nào, “Nồi Áp Suất”, đó có thể là tên vở kịch một ngày nào đó tôi sẽ viết dựa trên những trải nghiệm của mình. Tôi cũng nghĩ đến việc đặt tên nó là Con mắt và tất nhiên là Chiếc áo lặn nữa. Các bạn đã biết chi tiết và cả bốn cảnh của nó rồi đấy. Phòng bệnh viện nơi ngài L., một ông bố của gia đình đang trong ở tuổi mạnh khoẻ nhất, học cách sống chung với hội chứng “bị nhốt”, hậu quả của một tai biến mạch máu não nghiêm trọng. Vở kịch kể về các cuộc phiêu lưu của ngài L. trong vũ trụ là bệnh viện và những quan hệ của ngài với vợ, con, bạn bè và đồng nghiệp trong một hãng quảng cáo lớn mà ngài là một trong những người sáng lập đã thay đổi và tiến triển thế nào. Là người tham vọng và kiên cường, chưa từng thất bại cho tới giờ phút đó, ngài L. đã học được cảm giác tuyệt vọng là thế nào, mọi niềm tin sụp đổ và khám phá rằng người thân với mình chỉ là những con người xa lạ. Ta có thể theo dõi thay đổi chậm chạp này ngay từ những lớp kịch đầu tiên nhờ giọng kể từ ngoài tái tạo lại những lòi độc thoại nội tâm của ngài L. trong mọi tình huống. Không cần phải viết vở kịch ấy nữa. Tôi đã ở màn cuối rồi. Cảnh vật chìm trong bóng tối, chẳng còn gì ngoài ngọn đèn halo rọi sáng chiếc giường giữa sân khấuệ Ban đêm, tất cả đều đã ngủ. Đột nhiên ngài L., vẫn không nhúc nhích từ lúc mở màn, lật chăn ga, nhảy ra khỏi giường. Bóng tốt chợt bao phủ và giọng kể vang lên lần cuối, lời độc thoại của ngài L.: “Bò khỉ! Chỉ là một giấc mơ”.