Paris

    
ôi đang rời xa. Chậm nhưng chắc chắn. Tựa như viên thuỷ thủ trên chuyến tàu đi xa nhìn lại bờ biển nơi mình đã có những giờ phút vui tươi biến mất dần, tôi cảm thấy quá khứ của mình đang dần mờ nhạt. Cuộc đời xưa vẫn còn cháy trong tôi nhưng nó đang tàn lụi dần thành tro bụi của kỷ niệm.
Từ khi “định cư” trong tấm áo lặn, tôi vẫn có hai chuyến đi chóp nhoáng từ bệnh viện ở Berck tới bệnh viện ở Paris để thu nhận ý kiến của các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới. Lần đầu tiên, tôi vô cùng xúc động khi chiếc cứu thương tình cờ đi ngang toà nhà siêu hiện đại nơi mới đây tôi vẫn còn làm công việc tội lỗi của một tổng biên tập một tuần báo phụ nữ nổi tiếng. Ban đầu, tôi nhận ra toà nhà cổ lỗ sĩ bên cạnh từ thời những năm 60 sắp bị phá như thông báo trên tấm panô treo tường, sau đó mới đến mặt ngoài hoàn toàn bằng gương phản chiếu mây và máy bay bay ngang nơi toà nhà chúng tôi làm việc. Ở khoảng sân phía trước có một vài khuôn mặt quen thuộc, những người ngày nào ta cũng đi ngang qua trong suốt 10 năm mà không thể gọi ra được một cái tên. Tôi vặn ngược cổ để quay lại nhìn xem liệu còn thấy gương mặt nào quen thuộc hơn ngang qua sau người phụ nữ búi tóc và một anh chàng vạm vở mặc áo choàng xám dài không. Nhưng số phận không muốn vậy. Nhưng biết đâu ai đó lại nhìn thấy cỗ tứ mã của tôi từ văn phòng tầng năm? Ngang qua quán bar đôi khi vẫn vào ăn món đặc biệt trong ngày, tôi rơi vài giọt nước mắt. Tôi có thể khóc khá kín đáo. Mỗi lần như vậy họ nghĩ vấn đề là do mắt tôi thôi.
Bốn tháng sau, lần thứ hai tới Paris, tôi đã gần như thờ ơ. Trên phố, không khí tháng Bảy tràn ngập, nhưng với tôi, vẫn đang là mùa đông thôi, cảnh sắc kia chỉ là cảnh phim được chiếu lên kính xe cứu thương. Trong điện ảnh, người ta gọi thế này là màn ảnh suốt: Ô tô của nhân vật chính lao trên con đường dẫn thẳng tới bức tường studio. Phương pháp này tạo nên chất thơ cho các bộ phim của Hitchcock ngay từ khi nó còn chưa hoàn thiện. Chuyến đi ngang Paris lần này chẳng khiến tôi nóng hay lạnh. Nhưng cũng không thiếu gì cả. Các bà nội trợ mặc váy hoa và đám thiếu niên đi giày trượt. Tiếng xe bus chạy ầm ầm. Tiếng càu nhàu của các nhân viên chạy việc vặt trên xe scooter. Quảng trường Nhà hát Lớn bước ra từ tranh Dufy. Cây cối lấn vào mặt tiền các khu nhà và một chút bông trên bầu trời xanh. Không thiếu gì cả, ngoài tôi. Tôi ở ngoài những thứ đó.

Thực vật
Ngày mùng Tám tháng Sáu, đã sáu tháng từ khi cuộc sống mới của tôi bắt đầu. Thư các bạn gửi đến được dồn vào tủ, tranh thì treo trên tường và vi tôi không thể trả lời từng người một, nên tôi đã nảy ra ý tưởng viết đám tài liệu mật này để kể lại những ngày của tôi đã trôi qua thế nào, tiến bộ và hi vọng. Ban đầu, tôi không muốn tin đã có chuyện xảy ra. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ sau hôn mê, tôi nghĩ mình sẽ sớm quay lại với nhịp sống quay cuồng của Paris dù vẫn sẽ chống hai cái nạng”.
Đó là những dòng đầu tiên trong lá thư đầu tiên gửi từ Berck hồi cuối mùa xuân khi tôi quyết định viết cho bạn bè và người thân. Lá thư gửi đến 60 người nhận đã gây tiếng vang nhất định và sửa chữa đôi chút tác hại của tin đồn. Thực tế, thành phố, con quỷ trăm miệng nghìn tai không biết mà cái gì cũng nói được này đã quyết định kết liễu tôi luôn rồi. Trong quán Flore, một trong những đại bản doanh của giới học đòi Paris, nơi phát tán những lời đồn ác ý ra khắp nơi, người thân của tôi đã nghe thấy những kẻ ba hoa không quen biết hau háu trao đổi với nhau với vẻ tham lam của đàn kền kền khi phát hiện ra con linh dương bị mổ toang bụng, “ông biết B. giờ chỉ còn sống thực vật được thôi chưa?”, một kẻ nói - Tất nhiên, tôi biết mà. Thực vật, ừ, giờ chỉ như thực vật được thôi”. Từ “thực vật” chắc phải mềm nhũn ra trong miệng của những nhà tiên tri này vì nó được nhai đi nhai lại giữa hai miếng bánh mì rán phomát. về ngữ điệu, nó ngụ ý chỉ những người kém tinh tế mới không biết là từ nay về sau, tôi thuộc ngành buôn bán rau quả hơn là thuộc về xã hội loài người. Chúng ta đang trong thời bình. Những kẻ phao tin nhảm không bị bắn. Nếu muốn chứng minh tiềm năng trí tuệ của mình vẫn hơn cây diếp củ, tôi chỉ có thể trông cậy vào bản thân mà thôi.
Vậy là sinh ra chuyện thư từ với mọi người mà tôi thực hiện từ tháng này sang tháng khác, cho phép tôi vẫn hoà họp với những người tôi yêu quý. Tội kiêu ngạo của tôi cũng mang đến kết quả. Ngoài một số kẻ không khoan nhượng vẫn bướng bỉnh im lặng, tất cả mọi người đều đã hiểu họ có thể đi qua chiếc áo lặn để gặp tôi cho dù điều đó đôi khi dẫn tôi tới sát những vùng đất chưa từng khám phá.
Tôi nhận được những lá thư tuyệt diệu. Người ta mở thư, mở và đưa chúng ra trước mắt tôi theo một nghi thức cố định theo thời gian, khiến mỗi lần nhận thư có dáng dấp của một buổi lễ im lặng và thiêng liêng. Tôi tự đọc cẩn thận từng lá một. Một số khá nghiêm trọng, nói về ý nghĩa cuộc sống, ưu thế của tâm hồn, về bí ẩn trong mỗi sự tồn tại và tò mò thế nào, một hiện tượng đảo ngược bề ngoài, những người tôi có quan hệ xã giao lỏng lẻo nhất lại là người tiến sát nhất đến những câu hỏi trọng yếu này. Sự hời hợt của họ lại che giấu một tâm hồn sâu sắc. Trước đây tôi có phải mù hay điếc hay cần phải có ánh sáng từ nỗi bất hạnh mới rọi sáng được giá trị đích thực của một người?
Các bức thư khác kể về những điều nhỏ nhặt đánh dấu thời gian. Đó là những đoá hồng hái lúc hoàng hôn, vẻ uể oải của một Chủ nhật mưa, một đứa trẻ khóc trước khi thiếp ngủ. Được bắt lấy từ cái hàng ngày, những mẩu nhỏ của cuộc sống ấy, những miếng hạnh phúc ấy khiến tôi xúc dộng hơn hết thảy. Ba dòng hay tám trang, từ Levant xa xôi hay từ Levallois-Perret, tôi giữ tất cả chúng như báu vật. Một ngày nào đó, tôi có thể muốn dán chúng nối tiếp nhau thành một dải ruy băng dài một kilômét phấp phới bay trong gió như lá cờ đuôi nheo biểu trưng cho tình bạn.
Lá cờ sẽ tống bọn kền kền(1) ra xa.
Chú thích
______________________
(1) Tên gọi chung của một nhóm các loài chim ăn thịt và ăn xác chết.

còn tiếp