Thông điệp

    
ếu góc của bệnh viện đó có vẻ gì giống một trường trung học Ănglô-Xắcxông thì những khách quen của quán cà phê lại thuộc Câu lạc bộ các nhà thơ đã mất tích. Bọn con gái với ánh mắt khó hiểu, con trai xăm mình và đôi khi đeo nhẫn. Chúng ngồi trên ghế, tụ tập nói chuyện về các cuộc ẩu đả và xe phân khối lớn, hút thuốc lá hết điều này đến điếu khác. Đôi vai vốn đã khom lại dường như còn phải gánh thêm cây thánh giá, kéo lê số phận khốn khổ mà ghé qua bệnh viện này chỉ là một biến cố nối giữa tuổi thơ thảm hại với tương lai của kẻ bị sa thải. Khi tôi ngang qua căn hầm ám khói của chúng, tất cả chợt im lặng đầy kính cẩn, nhưng trong mắt chúng, tôi không thấy có chút thương xót hay cảm thông nào cả.
Qua ô cửa sổ để ngỏ, “trái tim đồng” của bệnh viện đang đập, tiếng chuông làm run rẩy không trung bốn lần mỗi giờ. Trên chiếc bàn đầy những chiếc cốc không là một máy đánh chữ nhỏ với tờ giấy hồng đặt lệch. Hiện giờ nó hãy còn trắng không, nhưng tôi chắc chắn một ngày nào đó, tôi sẽ viết vào đó một thông điệp. Tôi sẽ chờ.

Bảo tàng Grevin
Đêm nay, tôi mơ màng đến thăm bảo tàng Grevin. Bảo tàng đã thay đổi nhiều. Vẫn còn lối vào theo phong cách của Thời kỳ Đẹp(1), những cửa kính, những phòng trưng bày huyền ảo. Những bộ sưu tập nhân vật đương thời đã không còn. Trong phòng đầu tiên, tôi không lập tức nhận ra các hình người được trưng bày. Vì người may trang phục đã khoác thường phục lên cho chúng nên tôi buộc phải kiểm tra từng bức một bằng cách tưởng tượng họ trong chiếc áo blu trắng trước khi hiểu ra rằng những kẻ rỗi việc mặc áo phông ngắn tay, mấy cô gái váy ngắn, tượng bà nội trợ với xe đẩy hàng, cậu thanh niên đội mũ bảo hiểm, tất cả thực ra đều là các y tá và điều dưỡng nam và nữ cứ thay nhau qua lại đầu giường tôi từ sáng đến tối. Tất cả họ đều ở đó, cứng đờ trong sáp, dịu dàng hay thô lỗ, nhạy cảm hay thờ ơ, chủ động hay lười biếng, những người cởi mở với tôi và những người chỉ coi tôi là một bệnh nhân như bao bệnh nhân khác.
Ban đầu, một số người khiến tôi kinh sợ. Tôi chỉ thấy họ như những kẻ gác ngục nơi tôi đang bị giam giữ, những kẻ giúp thi hành một âm mun ghê tởm. Sau đó, tôi căm thù những nhân viên khiến tay tôi bị vặn khi đặt tôi vào xe lăn, bỏ quên tôi cả đêm trước màn hình vô tuyến, bỏ tôi trong một tư thế đau đớn mặc cho tôi phản đối. Trong vài phút hay vài giờ, tôi đã muốn giết họ. Rồi thời gian cũng nhấn chìm những cơn tức giận lạnh lùng nhất, họ đần trở thành người thân của tôi, những người thực hiện một cách tàm tạm nhiệm vụ tế nhị của mình: dựng lại một chút cây thánh giá để nó không đè quá đau lên vai chúng tôi.
Tôi gán cho họ những biệt danh kỳ cục chỉ mình tôi biết để có thể gọi bằng giọng vang rền như sấm của mình khi họ bước vào phòng: “Hello, Mắt xanh! Xin chào, Em chã!” Hiển nhiên họ không biết gì về biệt danh của mình. Người hay nhảy quanh giường tôi và thỉnh thoảng đột ngột dừng ở tư thế biểu diên của các tay chơi rock để hỏi “Thế nào?”, là David Bowie(2). Giáo sư là người làm tôi cười với bộ mặt trẻ con, tóc muối tiêu và vẻ nghiêm trọng đáng yêu mỗi khi phát ngôn câu: “Không sao là được”. Rambo và Terminator(2) chắc hẳn không phải kiểu dịu dàng. Tôi thích Nhiệt kế(2) hơn bọn họ, nếu không thường xuyên quên rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi thì hẳn cô ấy phải là một nhân viên tận tuỵ mẫu mực.
Nhà nặn sáp của bảo tàng Grevin không nắm bắt thành công tất cả các khuôn mặt đỏ bừng và xinh xắn của những con người đã sống ở miền Bắc từ vài thế hệ giữa những cơn gió vùng bờ biển Opale và mảnh đất màu mỡ Picardie, những người luôn nói tiếng địa phương khi họ gặp nhau. Một số hầu như không có nét nào giống. Hẳn cần tài năng của các hoạ sĩ thời Trung Cổ với ngòi bút vẽ đám đông xứ Flandres sống động kỳ diệu mói có thể làm được điều ấy. Nhưng nghệ sĩ của chúng ta thì không. Tuy vậy, anh ta cũng đã biết nắm bắt một cách ngây thơ nét duyên dáng tươi trẻ của các y tá học việc, cánh tay chắc lẳn và màu son ửng trên đôi má tròn. Rời khỏi phòng, tôi tự nhủ mình yêu tất cả bọn họ, những đao phủ của tôi.
Sang phòng tiếp theo, tôi ngạc nhiên khi phát hiện đó là phòng của mình trong Bệnh viện Hàng hải, được làm giống hệt. Nhưng khi bước lại gần, tranh, ảnh, áp-phích lại có vẻ tạo thành những mảng chắp vá với những sắc màu không xác định, cách bài trí gây ảo giác về một khoảng cách nhất định, như chi tiết trên bức tranh toan trường phái ấn tượng. Trên giường không có một ai ngoài chỗ trũng giữa tấm vải trải giường và ánh sáng trắng nhợt nhạt bao quanh. Không khó khăn gì để nhận ra các nhân vật đang lố nhố hai bên chiếc giường bỏ không. Họ là một vài thành viên trong đoàn bảo vệ cự ly gần tự phát mọc lên quanh tôi ngay sau khi tôi bị tai biến.
Trên ghế, Michel cẩn thận ghi tiếp vào cuốn vở khách viếng thăm toàn bộ những gì tôi nói. Anne-Marie đang cắm một bó hồng 40 bông. Bernard, một tay cầm cuốn Nhật ký của một tuỳ viên đại sứ của Paul Morand, tay kia phác một cử chỉ của luật sư. Cặp kính mắt tròn gọng sắt đặt trên mũi cậu ta hoàn thiện nốt vẻ ngoài giống một nhà bảo vệ luật pháp chuyên nghiệp. Florence ghim tranh của bọn trẻ lên tấm panô bẩn thỉu, mái tóc đen của cô viền quanh nụ cười rầu rĩ và Patrick, dựa lưng vào tường, dường như đang mải miết suy tư. Bức tranh gần như sống động này gợi ra một cảm giác dịu dàng rõ rệt, một nỗi buồn lan toả và mối xúc động nặng nề cô đặc mà tôi cảm nhận được mỗi khi họ đến.
Tôi những muốn tiếp tục cuộc hành trình xem viện bảo tàng còn dành cho tôi những ngạc nhiên nào khác nữa, nhưng trong hành lang tối tăm, một nhân viên bảo vệ rọi thẳng đèn vào mặt khiến tôi hấp háy mắt. Tỉnh dậy, một nữ y tá bé nhỏ với cánh tay tròn bằng xương bằng thịt đang nghiêng người phía trên tôi, tay cầm đèn pin: “ông muốn uống thuốc ngủ luôn bây giờ hay một tiếng nữa?”
Chú thích
______________________
(1) Một giai đoạn trong lịch sử xã hội châu Âu, kéo dài từ nửa cuối thế kỷ 19 đến trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất: hoà bình và phồn vinh.
(2) Biệt danh tác giả đặt cho các nhân viên y tế, trong đó David Bowie là tên của một ca sĩ nhạc rock nổi tiếng người Anh.