Sống cùng anh chị em họ

Ở tầng một, phòng đầu dành cho bác Cả thỉnh thoảng về nghỉ (bởi vì trong phần chia gia tài nhà “Hale” đứng tên bác Cả). Tôi nhớ được là bởi vì có lần tôi vào phòng có bác gái phải đứng trên ghế soi gương chải tóc. “Tóc bác dài quá chân, vấn khăn có đuôi gà rất đẹp”. Đó là mẹ tôi nhớ về bác như vậy. Trước phòng của bác cả Diệm là một giàn hoa phong lan. Các giò phong lan treo lủng liểng và nở nhiều hoa. Sau này khi bác cả Diệm sống ở 13 Lý Thường Kiệt cùng gia đình bác Tú Cương, tôi vẫn thấy sự đam mê của bác: bác dùng xi lanh tưới cho các giò phong lan bác treo quanh một cây cổ thụ. Anh Vi Văn Lân trạc tuổi tôi, thỉnh thoảng về thăm ông cũng ở phòng đó. Tết Trung thu, mẹ tôi mua cho hai anh em chơi các con tò he bột màu xanh, trắng, hồng rất đẹp. Anh rủ tôi chui xuống gầm giường “ăn con giống này ngọt lắm vớ!”. Quả là ngọt thật… Đó là ấn tượng duy nhất nhớ về anh. Sau này anh sang Pháp học lấy vợ và ở luôn bên đó. Ông Hoàng Xuân Hãn kể cho cháu Hiền biết ông là người xin việc cho anh làm thợ ở một xưởng in.
Dưới nhà có anh Cơ con bác Chinh bị ho lao phải sống cách ly. Còn đầu hồi là nơi anh Phiên ở. Phiên là con chú Dư, người cao gầy xanh. Mẹ tôi bảo: “Phiên bị đau tim đấy”. Còn anh Ái con bác Cả, anh Lục con bác Chinh, anh Phác, Mãn con chú Dư đều ở tầng một. Thỉnh thoảng còn có Thường, Cần, Linh, Hoàn con chú Dư cũng về chơi, về học. Tôi không còn nhớ nhưng biết các anh đã sống tại ngôi nhà Hale này. Chế độ ăn uống cho từng ấy người trong nhà đều do mẹ tôi sắp đặt cho bác Vi Thuận nấu ăn. Tôi nhớ một lần duy nhất vào bếp thấy bác mặc tạp dề, đội mũ trắng cao, cầm đũa rất dài đang nướng chả viên thơm ngon. Tôi có hỏi thì bác nói là “để cho chú CƠ và chú Phiên”. Khi hoà bình lập lại (1954), mẹ tôi đã đón bác Thuận từ Thái Bình ra nấu cơm cho cha tôi theo tiêu chuẩn Bộ trưởng có một cấp dưỡng. Chúng tôi đã đón chị Về con bác Thuận về Hà Nội khi tôi sinh cháu Hậu. Cha mẹ chúng tôi tiễn đưa con trai bác Thuận là em Lưu vào Nam chiến đấu như tiễn chân con em trong gia đình. Khi mẹ tôi bị ốm, chị đã về thăm rất chu đáo. Hàng năm giỗ ông ngoại, con cháu bác Thuận vẫn lên Hà Nội thắp hương.
Tôi không nhớ vào lúc nào thì anh Cơ và anh Phiên mất, nhưng tôi biết khi đó các anh còn rất trẻ. Ngày chúng tôi ngược dòng Sông Lô lên Việt Bắc có đỗ lại một bến gọi là “Quả Cảm”, mẹ tôi đã ghi lại nhật ký là “Các bác đi tìm mộ Phiên mà không thấy”. Các anh và chị Hồ đều đi học trường Pháp - Việt. Riêng cô Quý và chị Lạng (con bác Chinh) thì học trường Đồng Khánh. Chị Hồ luôn mặc váy đầm đi học, về nhà nhảy múa quay vòng cả ngoài hành lang. Còn cô Quý và chị Lạng thì mặc áo dài, về nhà hát “lá là la, đôi cánh của ta. Bấy lâu ta sống đời giam hãm, như trong chậu nuôi con cá ly, như trong lồng nuôi chim sơn ca…”. Tôi cứ theo các chị hát mà thuộc và diễn tích “Hươu Tuần Lộc”
Các anh các chị còn được ông dành cho một phòng học và một thầy giáo đến tận nhà ôn tập giảng thêm bài… Sở dĩ tôi còn nhớ được là bởi vì hôm đó tôi ngồi ngay trên bàn đầu và “dự giờ” của thầy giáo Khánh với hình ảnh ngón tay trỏ của thầy bị băng. Năm 1987, 1988, thầy vẫn qua thăm mẹ tôi. Tình cờ con tôi qua Pháp học lại gặp con thầy cũng đang học ở bên đó. Những lúc rỗi, mẹ tôi cùng tôi ngồi tập piano. Mẹ tôi lại “biểu diễn” cho tôi xem mẹ đánh đàn tam thập lục. Mỗi tuần một vài lần gì đó, chị Hồ dẫn tôi và Thể Lan (con cô Di) đến một bà giáo người Pháp vừa học nhạc vừa tập đàn.
Chị Hồ và cô Quý được một thầy đến tận nhà dạy đàn tam thập lục. Một hôm ông ngoại tôi phải tiếp thầy hết buổi mà không thấy các chị về. Sau này ông mới biết các chị không thích học đàn cổ. Các chị bị một trận đòn về tội vô lễ, rồi ông đã cho các chị chuyển sang học đàn piano. Chị Hồ và cô Quý đua nhau ngồi trên tay vịn cầu thang gác từ tầng ba tụt xuống tầng một. Ông tôi đứng chờ ngay dưới chân cầu thang rồi cho một bài thuyết giáo “con gái phải đoan trang…”. Tuy sống trong cùng một nhà, trẻ con ở các cỡ tuổi khác nhau, mà tôi không bao giờ thấy có sự ồn ào cãi cọ, luôn luôn giữ sự êm ấm như anh chị em một nhà. Ông tôi thường ăn cơm cùng cha mẹ tôi và các cháu. Thỉnh thoảng ông lại tổ chức cho các cháu ăn cơm Tây vào buổi chiều để các con cháu quen cách dùng nĩa dao. Bữa cơm thường khá nặng nề. Bởi vì ông tôi hay chờ lúc gặp mặt con cháu để nhắc nhở. Ngay cả khi đang ăn cũng phải chỉnh đốn từ cách ngồi đến cách và cơm hoặc phải vét sạch cơm trong bát… Ngày nay coi những sự uốn nắn hành vi theo phép lịch sự xã giao, đối nhân xử thế… là gò bó, câu thúc giả tạo, cổ hủ. Nhưng thực ra ở một chừng mực nào đó thay lời giáo huấn nguyên tắc chung chung vẫn là việc làm hợp lý. Để tạo thành tập quán, đào luyện con người dần dần tự giác hình thành những đức tính đáng quý.
Cũng không hẳn là do sự nhắc nhở đe nẹt của ông mà các anh các chị cảm thấy nặng nề. Điều quan trọng hơn, tuy ông tôi người bé nhỏ nhưng cái uy của ông lúc nào cũng làm cho mọi người vì nể thì phải. Riêng ông đối với tôi, lại hoàn toàn không có cảm giác đó, tôi chỉ thấy lúc nào ông cũng vui vẻ xoa đầu tôi và cù kí làm tôi rất buồn cười. Đến ngày ông đã già 96 tuổi, ông vẫn trò chuyện với tôi như người bạn. Ông kể cho tôi nghe ngày xưa cụ đẻ ra ông trong bọc như vỏ trứng non ấy, người ta phải cắt vỏ bọc thì mới đón ông ra đời được. Ông thường dặn tôi những chuyện đại loại: “ăn đu đủ phải nhớ giữ vỏ, nếu bị ngộ độc thì đốt lấy than mà uống mới thoát độc…”.
Ông quan tâm từ việc rất nhỏ. Ví như một hôm ông phát hiện cô Quý biết đi xe đạp, liền bảo mẹ lấy mấy chai rượu Tây bán đi để mua xe cho cô Quý. Áo bật chỉ ông nói cô Quý đính lại “con đỉa” làm tôi phải tò mò xem như thế nào là “con đỉa” của áo.
Sau 30, 40 năm lăn lộn với cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, nhìn lại quá khứ anh Chu Quang đã tâm sự: “Cụ Vi phải là Bonconski của Lép Tonstoi, bởi nhân vật đó là cơ sở của chế độ sản sinh ra con người đó có cái tích cực, cũng muốn Âu hoá nhưng đồng thời lại là một quan chức cao cấp, cho nên cuộc sống là một sự pha trộn giữa văn minh và đậm những nét lạc hậu của chế độ phong kiên đã có hàng nghìn năm”.