Đến tuổi học chữ

Mẹ dẫn tôi đi học
Ngày ở với ông ngoại, sáng nào mẹ tôi cũng đẫn tôi đến bến xe gần Gô đa (Bách hoá Tổng hợp Tràng Tiền) để tôi lên ôtô cùng các bạn nhỏ tới trường trong khu nhà thờ Liễu Giai một trường do các bà sơ chăm sóc. Chiều nào mẹ tôi cũng đến đón tôi về. Có lần cha tôi lái ôtô đưa mẹ tôi và Bích Hà lên trường tham quan và đón thẳng tôi về nhà.
Ở đây điều kiện sinh hoạt rất nền nếp, ăn ngủ đều rất nghiêm chỉnh. Phòng ngủ là một dãy giường sắt cao, mỗi giường hai trò ngủ trên đệm lò so êm ấm. Trước khi đi ngủ phải thay áo quần ngủ, mỗi người có một túi quần áo treo riêng trong từng phòng thay. Trường quy định đồng phục, từ lớp lớn đến lớp bé đều mặc một kiểu.
Ăn uống cũng rất nghiêm, không phải chỉ là tiện nghi mà kể cả kỷ luật ăn uống. Phần được chia là phải ăn hết, dù món ăn mình không thích. Tôi sợ nhất món rau xay nát mà ngày nào cũng phải ăn một muôi. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ những giờ học giao tiếp như cách chào, cách đưa dao kéo, cách mời nước… Hoặc những giờ thủ công, những buổi dã ngoại, những buổi cô giáo kể chuyện theo tranh… Ai thuộc bài được 8 - 9 điểm là cô cho lên bàn, cô để tự chọn phần thưởng trong một cái thùng to. Nào là sổ con bút chì bé xíu, dây chuyền có hình chúa… Chính vì những phần thưởng nhỏ xíu, hợp sở thích trẻ con nên chúng tôi rất tự nguyện phấn đấu đạt điểm cao để lên bảng nhận quà. Về sau này khi các con tôi lớn, bắt đầu tìm trường Mẫu giáo để gửi con vào học, mẹ tôi đã cẩn thận cùng tôi dẫn các cháu đến để làm quen với môi trường trước khi xin vào học, mẹ tôi đã gợi lại cho tôi nhớ cái ngày chuẩn bị cho tôi đi học, cha mẹ cho tôi dự buổi lễ bế giảng của một trường.
Đến nay tôi chỉ còn lại ấn tượng là được xem nhiều tiết mục do các bạn nhỏ biểu diễn. Cuối cùng tất cả các bạn cùng chạy xuống vây quanh đàn piano, cô giáo đệm đàn, các bạn cùng hát. Kết thúc là học trò nào cũng được phần thưởng toàn đồ chơi rất đẹp…
Sự kiện đó đã gieo vào lòng con trẻ một ước muốn mong chóng được đi học để được ca hát, được nhiều phần thưởng.
Tôi nhớ là hình như ngày đầu tiên đi học ở nhà thờ Liễu Giai tôi đã không phải mất giọt nước mắt nào. Mỗi lần đưa con hoặc cháu đến Mẫu giáo, điều kiện học tập, ăn ngủ đều chẳng được như tôi ngày xưa, tôi rất thương các cháu. Trong lòng những mong mỗi người Việt nam cố tiết kiệm một chút, làm việc tích cực hơn để đất nước mau chóng giầu có, con trẻ được hưởng điều kiện học hành tết nhất, tiện nghi hoàn thiện nhất. Cha tôi đã từng lo cho tôi có điều kiện học hành tốt nhất cho nên đã có lần tâm sự với mẹ tôi là thương cho các em tôi chẳng được bằng tôi ngày bé. Chắc là ở cương vị một Bộ trưởng ông có nhiều trăn trở về những điều chưa làm được cho con cháu mà ông gọi “Mẫu giáo là viên ngọc quý chưa được mài dũa”.
Ý tưởng của ông là: “Trồng cây thì có quả ăn trong vài chục năm, nhưng trồng người chẳng những được “ăn” ở đời mình mà cả đời con, đời cháu mãi mãi về sau”. (trong bài viết về “Vì tương hai và hạnh phúc của con em chúng ta” Báo Người giáo viên nhân dân, 1967).
Không những ông lo cho các con khi còn thơ bé mà khi ông giữ trọng trách vì tương hai và hạnh phúc của con em đất Việt cũng không ngoài tư tưởng chủ đạo trên.
Cho nên tôi hiểu lòng ông luôn trăn trở về sự “Trường không ra trường, lớp không ra lớp”. Ông thường phàn nàn “với trường sở như vậy gây cho học sinh thói xấu đáng tiếc như mất trật tự, luộm thuộm, thiếu nếp học tập, lao động nghiên cứu khoa học…”.
Mẹ tôi thì thấy tiện nghi của trường Mẫu giáo không đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Thỉnh thoảng vì ngủ đất, vì ngủ quạt mà sinh đau họng, ốm kéo dài. Mẹ than phiền: “Để sự chăm sóc thế này mắc bệnh viêm họng có khi gây thành bệnh kinh niên cho trẻ như thấp khớp, đau tim, đau thận… làm còi cọc giống nòi”. Nhưng biết làm sao được khi đất nước còn chiến tranh, còn nghèo nàn.
Tôi phải cảm ơn cha mẹ đã chăm sóc tôi trong điều kiện quá đầy đủ. Cho dù quãng thời gian học ở trường chẳng là bao nhưng đã có dấu ấn tốt đẹp về kỷ luật, nền nếp và ít nhiều ghi nhớ cô giáo uốn nắn phong cách giao tiếp đường hoàng mà lễ phép.