Được hưởng bao ân huệ

Nhớ lại những ngày gian khổ đã trôi qua mà thấy tự hào về niềm tin tất thắng của mẹ. Lòng dũng cảm và sự hy sinh của mẹ bước theo con đường Bác Hồ đã mở để tạo điều kiện cho cha tôi yên tâm lo việc nước… Tất cả những điều đó tôi nhìn thấy trên đường đi, những người, những vật, những sự việc đã giúp tôi cảm nhận được cái đơn giản và mãnh liệt của cuộc sống, để trụ lại trong tôi sự thiêng liêng của nghĩa lớn? Hồi ở làng Trường Thành gia đình tôi vô cùng sửng sốt được tin ông Hoàng Hữu Nam đã từ trần. Hồi ký của ông Lê Văn Hiến ngày 25 tháng 4 năm 1947, khi ông còn ở châu Tự Do - nơi cơ quan Bộ Giáo dục đang tản cư, ông đã viết: “Trời ơi! Một tin sét đánh là Hoàng Hữu Nam trong lúc tắm ở sông Tuyên Quang bị ngã và chìm nghỉm dưới dòng… Cùng lúc có tin cụ Huỳnh Thúc Kháng bị bệnh tại Quảng Ngãi… Thế là Bộ Nội vụ cả Bộ, Thứ trưởng đều từ trần cùng một lúc”.
Sau đó chúng tôi dọn vào làng Ỷ La (xã Trường Thành). Đường vào làng rất hẹp, gập ghềnh những vết chân trâu. Chúng tôi sống ở đây với bà con lối xóm rất êm ấm, yên tĩnh lạ thường. Cạnh gia đình chúng tôi là gia đình bác Kon Tum, chúng tôi như không hề hay biết mọi việc xảy ra của cuộc chiến đang tiếp diễn, vẫn đang ngày một tiến lại gần… Bà con xóm làng cho bọn trẻ chúng tôi bao nhiêu ân huệ! Nào là được ăn những nắm xôi trứng kiến. Nào là được ăn thịt con nhím, thịt hươu… mà phường săn mang về. Hà Nội những thứ đó đâu có!
Chúng tôi ríu rít vây quanh con nhím được đặt giữa chiếc nong to:
- Sao mà nó lắm lông cứng thế. Thế mà gọi là lông? To bằng chiếc kim đan, mà lại gọi bằng lông!? Cho con vài cái lông nhím mẹ ơi!
- Lông nhím giống cái rẽ tóc của mẹ ở Hà Nội thì có.
- Chính cái rẽ tóc là lông nhím đấy con ạ.
- Nó có đốm trắng, đốm nâu, đốm đen đẹp quá mẹ nhỉ.
Chúng tôi vội cất nắm lông nhím nhặt được vào túi sách của riêng mình. Nhọn ơi là nhọn! Thế mà đứa nào cũng giữ vật kỷ niệm mà trên đời nếu ở Hà Nội đâu có được nắm lông lấy ngay trên lưng con nhím thật như thế này!
Tôi đã mang nó theo lên tận Việt Bắc, rồi mẹ tôi đã mang theo về Hà Nội sau ngày tiếp quản Thủ đô. Trên bàn gương lúc nào mẹ cũng để chiếc lông nhím đã mang từ chiến khu Việt Bắc về. Tuy ngày nay mọi người đều “phi dê” không ai cần đến để rẽ ngôi. Ai đã được ăn thịt nhím chưa nào? Mẹ tôi phi tỏi thơm phức rán lên ăn ngon mà mềm chứ không dai như tôi tưởng: “Lông nó mà cắm chắc thế thì thịt phải cứng lắm”. Chẳng biết da nhím ra sao nhưng lúc bấy giờ đầu óc tôi chỉ biết có vậy. Cuộc hành trình làm tăng kiến thức con trẻ: kỳ đà ăn như thịt gà, sao nó to như con thằn lằn khổng lồ; thịt hổ, thịt hươu…
Có lần bác Tú Cương kể về chuyện săn bắn của ông ngoại: “Năm bác 13 thổi, ông đã bắt bác chịu trách nhiệm đứng ra chia phần một con hươu mà ông săn được. Hồi ấy bác cứ cầm dao đứng trước con hươu mà khóc. Khóc cũng mặc, ông không cho ai tham gia hộ một tay, bắt phải làm quen với việc ăn chia cho công bằng không để thiếu một ai trong hội trong xóm!”.
Kể đến đây tôi lại nhớ một hôm tôi đi làm về thấy em Hà đang ấm ức kể cho mẹ tôi nghe chuyện em chia thịt ở cơ quan. Chuyện là em Hà đến lượt phải đi nhận thịt lợn trên Trường rồi về chia cho cán bộ công nhân viên trong Bộ môn mình. Em tôi nghĩ đơn giản là chia theo đủ cân, lại còn hãnh diện nghĩ lần này mỗi người sẽ nhận được một miếng thịt to chứ không bị cắt vụn như mọi khi. Sau khi mọi người nhận được phần của mình, mới có người thắc mắc tại sao người này được toàn thịt. thăn, người kia toàn được thịt “bụng”… Khi mẹ tôi hiểu ra vấn đề mới ôn tồn giải thích cho em giá trị của từng loại thịt và khái niệm chia đều.
Thì ra ngày hội mổ nhím cũng vậy. Con nhím được đặt trên nong to giữa sân, cả phường săn tụ họp, trẻ con đứng xem. Cả làng xóm, cả dân tản cư như bọn tôi cũng được chia phần. Điều đó chứng tỏ dân tộc ta có lập tục từ xưa trong gia đình cũng như trong xã hội luôn giữ gìn một đạo đức “ăn chia công bằng”. Một khi trong gia đình và xã hội mất đi đạo đức đó ắt là mất đoàn kết, đạo lý sẽ đảo lộn ngay. Gia đình chúng tôi sau này khi đã có đủ dâu đủ rể, cháu nội ngoại tổng cộng 20 người, mẹ tôi không bao giờ bỏ qua nguyên lắc công bằng phân chia. Tất nhiên là sự công bằng không có nghĩa là cào bằng. Mỗi người trong gia đình phải có nghĩa vụ hiểu điều đó. Hơn nữa mẹ tôi luôn dạy tôi là chị luôn phải nhường nhịn các em.