Sau ngày cưới, bác Phạm Văn Đồng cùng cô Cúc đến thăm gia đình tôi. Bác có tặng tôi chiếc khăn tay thêu rua và hỏi: “Bố cháu có mua quà cho cháu không?”. Tôi đã thưa với bác: “Cháu thích búp bê và kính đen thế mà bố cháu chẳng mua gì cho cháu cả”. Bác Đồng nói: “Tiếc quá, chú không biết để mua quà cho cháu”. (Tuy bác Đồng xưng là chú nhưng tôi được mẹ dạy gọi bạn cha mẹ dù già hay trẻ hơn cha mẹ đều là bác). Sau này nghĩ lại thấy mình có ý thích kỳ lạ là muốn có kính đen. Tại sao quá ngây thơ bày tỏ điều ngốc nghếch trong lúc Cách mạng đâu có tiền phát cho cha tôi để mua quà. Sau Tuần lễ vàng rồi đã có bao lần quyên góp khác để Chính quyền non trẻ lo củng cố nhà nước! Đúng là tôi trẻ con thật. Trong Nhật ký mẹ tôi viết: “… Đại diện cho những người cách mạng chân chính có anh Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đã mang lòng tin đến anh và em, với những người thân yêu của chúng ta, Di và Tùng (Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng)”.Lúc còn nhỏ, nghe mẹ tôi nói thì tôi cũng biết là như vậy. Sau này tôi mới được gặp bác Võ Nguyên Giáp và cô Hà ở trên nhà sàn làng Ải (1947). Vào buổi lễ long trọng kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cha tôi, bác Giáp đã có mặt và nói cho chúng tôi biết chính bác Giáp là người đã giới thiệu cha tôi với Bác Hồ để làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Lúc bấy giờ biên giới phía Bắc, 18.000 quân Tầu Tưởng núp bóng Đồng minh tràn sang nước ta giải giáp quân đội Nhật. Chúng như đội quân ốm đói và đáng khinh. Người ta gọi chúng bằng cái tên Tàu Phù, Tầu ô; nạn Tầu Tưởng vào Hà Nội là mối lo cho những nhà buôn như bác Tú Cương. Khi gặp mẹ tôi bác luôn nói về tiền “quan kim” và tôi được bác cho tiền gấp bươm bướm khi đồng tiền bị phá giá.Bấy giờ ông tôi đã về Lạng Sơn (từ 1942, ông tôi đã nghỉ hưu). Vào thời kỳ đó ở Hà Nội có xảy ra vụ Ôn Như Hầu, mọi người rất sợ hãi, không dám đeo đồ trang sức Mẹ tôi và cô Di phải dùng xà phòng để tháo vòng ngọc; người ta đồn rằng nếu chúng cướp không được thì chặt cả tay.Mẹ tôi nhận được thư cha tôi gửi về ngày 18-7-1946 (Fontainebleau) “Ngọc thử lên Lạng bẩm thầy lúc nào cũng nhớ thầy lắm. Phen này Huyên về dàn xếp xong công việc cũ. Thầy nên tĩnh dưỡng, Huyên hiểu thầy hơn tất cả mọi người tuy tất cả anh em trong nhà ai ai cũng yêu thầy”.Trong khi cha tôi vẫn còn tại bàn đàm phán ở phương xa thì ở nhà có cuộc họp gia đình họ Vi tại số nhà 75 Hàng Bông (gần Bệnh viện Phủ Doãn). Đó là nhà của cô chú Hồ Đắc Di. Vợ chồng bác Tú Cương, vợ chồng anh chị Tùng Hồ, mẹ tôi và chú Vi Văn Kỳ họp cùng ông Hoàng Hữu Nam (thứ trưởng Bộ Nội vụ) bàn về việc mời ông ngoại tôi về ngay.Ông Hoàng Hữu Nam cho biết Bác Hồ trước khi đi hội nghị ở Pháp đã có chỉ thị lại cho ông bàn cùng gia đình làm thế nào đón cụ Vi về Hà Nội thì tốt, kẻo hữu sự gì thì không kịp. Bác Tú Cương kể rằng sau khi nghe ông Nam phân tích nhiều điều ích lợi, cả nhà đều nhận thấy ý của Chính phủ đối với ông ngoại tôi là tốt đẹp nên đã tán thành. Ai cũng cho rằng ông ngoại tôi đã nghỉ hưu lâu không muốn rời quê. Khi ấy ông Ba Ngọ cũng có mặt ở buổi họp đã nói rằng: “Để tôi lên đón Cụ mới tin”.Tại buổi họp muốn cử ba cô con gái cùng lên đón. Nhưng lúc bấy giờ cả ba đều có con nhỏ, cho nên đã cử anh Tùng đại diện lên đường cùng ông Ngọ và hai người nữa. Việc Cách mạng tìm hai người phụ nữ cùng ông Ngọ lên đón ông ngoại tôi đã được ông Vũ Đình Huỳnh kể lại trong hồi ký đăng trên Tạp chí Văn (tháng 3-1990 TPHCM).Ông Vũ Đình Huỳnh thuật lại việc Bác Hồ đã quan tâm tới vấn đề đón ông tôi về Hà Nội. Sau khi biết ông ngoại tôi có con rể, cháu rể là Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng thì Bác có nói: “Con cháu Cụ Vi đều đi với Cách mạng cả, hãy mời cụ về Hà Nội”. Đồng thời Bác đã chỉ thị cho ông Vũ Đình Huỳnh tìm các đồng chí ngày xưa đã bị Cụ Tổng đốc bắt cầm giấy mời của Chính phủ lên trao tận tay, như vậy Cụ Vi sẽ hiểu ta không giữ hận thù mà thật lòng đoàn kết.Việc ông Ba Ngọ lên Lạng Sơn gia đình tôi nhắc tới nhiều lần. Nhất là cái buổi ông tổ chức liên hoan cùng bà con dân bản để chia tay. Tại đó ông Ba Ngọ thay mặt Cách mạng hứa bảo đảm an toàn cho ông ngoại tôi khi ông lên đường về Hà Nội.Bác Tú Cương kể rằng, hôm tiễn đoàn ở Bắc Bộ Phủ lên Lạng Sơn, các ông ấy muốn các cô con gái viết thư cho ông ngoại tôi. Mẹ tôi đã nhận lời viết.Mẹ tôi nhớ lại: “Ngồi viết thư có người là viên chức cũ ở Phủ Khâm sai nay vẫn làm ở Văn phòng Bắc Bộ Phủ còn đi qua ghé tai mẹ nói “bút sa gà chết đấy”, nhưng mẹ tin ở Cách mạng, tin Bác Hồ”.Sau khi cha tôi biết tin ông ngoại đã về Hà Nội đã có thư ngày 19-8- 1946: “Huyên chắc Ngọc mời thầy về Bác cổ rồi chứ? (nơi gia đình tôi đang sống). Thầy cứ ở đấy không ngại gì”.Khi Đoàn đón ông từ Lạng Sơn về Bác cổ thì con cháu đến đông đủ. Bác Tú Cương là người đến sau cùng. Khi bác tới ông chỉ vào bác mà nói với ông Ngọ: “Đây là con gái thứ hai của tôi. Có các con tôi đầy đủ, anh nói đi”.Thế là ông Ngọ kể cho tất cả cùng nghe chuyện năm 1930- 1931, ông đã giúp đỡ ông Ngọ như thế nào. Bấy giờ ông đang làm Tổng đốc Thái Bình. “Cụ Vi thường giam chính trị phạm ngay nhà tắm cạnh phòng nghỉ của Cụ. Trưa Cụ lại gọi lên đọc báo cho Cụ nghe”.Cho đến năm 1935, ông bà ngoại tôi gặp ông Ngọ tại hội chợ Đấu Sảo (gần ga Hà Nội). Hai bên gặp nhau hiểu nhau, ông đưa mắt để ông Ngọ ra chỗ vắng rồi dúi cho ông Ngọ 20 đồng Đông Dương và nhắc “trốn nhanh nó đang lùng bắt ông đấy!”. Rồi ông Ngọ nói: “Thế là tôi đi biệt cho đến nay, tôi đã được hân hạnh lên đón cụ”.Khi ông Ngọ vào Bản Chu bày tỏ việc mời Cụ về Hà Nội thì ông ngoại tôi đã trả lời: “Tôi nay già yếu rồi chắc không đóng góp được việc gì, xin cho lão giả yên chi”.Ông không nhận lời nên Đoàn lại ra khỏi Bản Chu. Sau 2 ngày, ông Ngọ lại lãnh Đoàn quay trở về gặp ông ngoại tôi. Lần này thì ông ngoại tôi đã nhận lời. Sau 1, 2 ngày thu xếp công việc nhà, bác Cả Diệm và chú Dư đã theo lệnh ông thông báo cho tất cả bà con trong làng và các trại là người Tày, người Nùng đến để dự một bữa liên hoan có tới vài ngàn người, phải mổ mấy con bò, mấy con lợn, hàng trăm mâm cỗ. Ông thông báo: “Chính phủ nước Việt nam am Dân chủ Cộng hoà cho đón tôi về Hà Nội. Khi vắng tôi mọi việc các con, các cháu và dân bản các trại vẫn làm ăn bình thường”.Mọi người nhao nhao lên hỏi Cụ đi thế có được đảm bảo không vì đang chiến tranh bom rơi súng nổ. Ông Ngọ liền đứng lên trả lời: “Đồng bào yên tâm, chính phủ đón đi là phải đảm bảo chứ!”.Đảng và Nhà nước giữ đúng lời hứa, chăm sóc ông tôi cho đến ngày ông tôi qua đời thọ 96 buổi (20-12-1975). Liên quan đến câu chuyện ông tôi được đón về Hà Nội, bác Tú Cương còn kể tiếp: “Chú Vi Văn Kỳ học bấy giờ còn ở Hàng Da. Bỗng một trưa hè, chú còn đang mặc quần cộc thì có người báo chú có khách không mời mà tới. Thì ra đó là một thằng Tây tên là “Chít Xo” (mật thám Pháp) xin gặp chú để mời chú về Lạng Sơn làm “Vua nước Nùng”. Chú Kỳ tôi đã lên tìm cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc bấy giờ thay Bác Hồ đang ở Pháp và gặp ông Hoàng Hữu Nam để báo về việc trên. Ngay sau đó cả gia đình được Cách mạng chuyển vào Thanh Hoá. Tại đây chú làm việc ở Bộ Nội vụ cho đến khi về hưu. Sự việc này xảy ra sau khi ông Ngọ đã đón ông tôi về Hà Nội. Điều đó càng chứng tỏ sự sáng suốt của Bác Hồ đã kịp thời “Kẻo hữu sự gì thì không kịp”.Gia đình tôi rất xót sa khi hay tin ông Hoàng Hữu Nam mất. Khi đó chúng tôi đang tản cư đến làng Trường Thành cách thị xã Tuyên Quang chừng 5 km. Tôi không biết ông Ba Ngọ mất năm nào xong chị em chúng tôi lại học với anh “Tu Căng” (Nguyễn Văn Căng) con trai ông. Mỗi lần Bác Hồ qua thăm Liên Xô thường gặp mặt các cháu thiếu nhi con cán bộ học bên đó. Em Bích Hà kể lại lần nào Bác cũng hỏi đến “Tu Căng” và Phan Nhã (con ông Hoàng Hữu Nam). “Tu Căng” sau này công tác tại Đại sứ quán Việt nam ở Liên Xô có kể cho chúng tôi biết, hồi còn ở nhà mẹ anh thường kể về chị em con cụ Vi đã đưa cơm và giấy bút cho ông Ba Ngọ khi ông bị bắt giam ở nhà tắm của ông ngoại tôi ở Dinh Tổng đốc Thái Bình. Tôi có hỏi lại mẹ tôi thì mẹ tôi nói là cô Di làm việc đó.