Làng Bình

Chạy vào lán lần thứ nhất
Bỗng một hôm chúng tôi lại thấy mọi người được lệnh khăn gói gọn gàng tiếp tục men sông vào làng Bình. Đến đâu các gia đình tản cư cũng đều được bà con dân bản tiếp đón niềm nở, thân tình. Bản làng vùng núi dân thưa, ở cách xa nhau lắm. Trên đường vào làng Bình ở ven sông nên có nhiều nhà dân hơn. Cô Ngôn con cụ Phong đã: “Cho cô Lan, cô Hạnh nón đội để đi vào lán trong rừng”. Ở trên đó đi chăn trâu, đi rừng người nào cũng gài dao vào thắt lưng. Dao cất trong một nửa vỏ làm bằng ống tre, dùng dây gai buộc qua người. Các cô đi chăn trâu thường chuốt sợi giang để đan bồ, đan nón. Các cô thường đan hai màu, giang nhuộm màu chàm và để nguyên màu trắng xanh. Hình đan trên nón, trên bồ có hoa văn rất đẹp. Mẹ tôi mua những cái bồ con để chúng tôi đựng đồ chơi. Đồ chơi của chúng tôi là những mụn vải cuốn thành hình trụ dài bằng ngón tay. Một đầu chít thành khăn mỏ quạ rồi quấn quanh thân một vòng vải hoa các màu. Bên ngoài buộc bằng những dải len màu… Chúng tôi có cả chục những con búp bê không tay không chân như vậy. Những con búp bê nhỏ tí xíu ấy đóng đủ vai ông bố bà mẹ, các con và hàng xóm láng giềng lũ lượt tản cư trên những chiếc thuyền giấy, ngủ trong những tấm chăn gối do chúng tôi tự làm. Đó là những đồ chơi gắn bó nhiều với Hạnh, Lan, Hà, Hiếu trong suốt những năm kháng chiến, vừa mới xa Hà Nội, lận đận trên những con thuyền gỗ dọc Sông Lô hoặc trong màn đêm buông xuống mà trẻ chưa thể ngủ ngay từ chập tối.
Nhà ông Phong to lớn và có chiếc trống treo ngay trên đầu cầu thang, gia đình tôi được phân chỗ ngủ tại cửa sổ nhìn ra cổng chính. Lúc này mẹ tôi cho tôi nuôi hai con gà mái vàng đẻ trứng. Mẹ tôi treo hai ổ ở ngay cửa đầu giường. Ngày ngày nhặt trứng cất vào hộp giấy. Sáng sớm tinh mơ, khi còn sương mù dày đặc cả nhà đã khăn gói sẵn sàng để đi vào lán trong rừng. Cha tôi vắng nhà chỉ có mấy mẹ con và cô Quý quanh quẩn bên nhau. Mỗi khi cha tôi về có qua lán thường căn dặn: “Phải giữ cho đường luôn cỏ xanh mượt như không có lối đi. Đến cửa rừng tạt vào nhiều hướng”. Chúng tôi đã răm rắp làm theo lời cha dặn. Thời bấy giờ việc giữ gìn bí mật đã được người lớn bảo ban kỹ. Ít ngày sau thấy yên, chúng tôi thường vào lán cất hành trang rồi tản ra bờ suối cạnh đấy để tắm, để nấu ăn và ngủ dưới các lùm cây cơi. Mẹ tôi thường dặn: “Cẩn thận kẻo lá han cứa vào chân thì ngứa lắm?”. Vì thế đi đâu làm gì trong rừng chúng tôi cũng rất thận trọng. Suốt mấy năm trên rừng Việt Bắc tôi chưa hề bị lá han cứa bao giờ.
Mùa cốm đã đến, bà con dân bản thi nhau giã cốm trên cối thuyền gỗ Chúng tôi được mẹ trang bị cho mỗi người một túi cốm rang cất vào ba-lô để phòng xa chạy Tây không về được nhà thì chống đói. Chiến sự mỗi ngày một căng, sinh viên lại nghỉ học, 10 anh sinh viên và các chị y tá hộ lý, cả cụ Ngọc người đỡ đẻ giỏi nhất Bệnh viện lại phải dựng lán bên suối gần cù lao đất cao của bờ suối đã được chúng tôi “chiếm lĩnh”. Mười anh sinh viên đó là các anh: Tỷ, Kỳ, Thìn, Hoán, Việt, Trác, Triết Phúc, Cự và Lộc thường cùng với các chị y tá Huyên, Nga, Nghị, Hải, Điền và Nhung. Tản cư vào trong này còn có gia đình ông Kon Tum, hai vợ chồng ông bác sĩ Chánh, hai vợ chồng ông bà Y Ngông… “Ông Y Ngông Niêm Đăm - niềm tự hào của Tây Nguyên” - đó là đầu đề một bài đăng ngày 11 tháng 5 năm 2001 trên tờ báo Lao Động để thông báo “Lúc 2 giờ ngày 9. 5-2001, Y Ngông Niêm Đăm, cây cổ thụ của núi rừng Tây Nguyên, hạt giống đỏ của Cách mạng… đã ra đi”. Tháng 5-1945, học xong Trường Y sĩ Đông Dương, Sài Gòn ông đã trở về Đắc Lắc và tham gia phong trào Việt Minh…
Như mọi sáng, hôm ấy mẹ tôi đã đánh thức chúng tôi dậy sớm chỉnh tề trong bộ quần áo và túi dết. Chúng tôi chưa kịp ra cổng đã nghe tiếng súng “cắc bụp” ở ngay ngoài đầu làng. Người lớn trẻ con gọi nhau ù té chạy ra phía cổng sau, rồi băng ra bìa rừng để vào lán.
Sáng mờ sương, chân tôi đi đôi giầy da mỏng ướt đẫm sương. Người cách nhau mười mét đã không nhìn rõ, thế mà tay tôi vẫn còn ôm hộp trứng gà của mình đã được dăm bảy quả chạy theo người lớn.
Sau người lớn thường nhắc về cái ngày hôrn Tây vào làng Bình. Sương mù dày đặc như ở Luân Đôn. Tôi thì chẳng biết Luân Đôn ở đâu và sương ở Luân Đôn thì ra sao, chứ hình ảnh sương mờ bao phủ của sáng hôm sau đó còn đọng mãi trong lòng tôi. Bấy giờ tôi chỉ biết chạy theo những bóng mờ phía trước, chẳng có ai ở bên cạnh và cũng không biết có người ở phía sau. Khi vào tới lán chưa kịp thở lại phải theo người lớn chạy tiếp vào trong rừng sâu, men theo một thung lũng. Ngước nhìn lên là thấy rừng cao sát ngay bên mình. Vắt xanh ngọ nguậy dưới lá cây, rừng rậm không có lối đi phải dẫm theo chân người lớn bước đè gẫy các cây dong để tạo thành lối đi.
Vào các dịp tết, người Hà Nội đón mua các cuộn lá dong từ miền rừng núi đưa về để gói bánh chưng làm cho tôi nhớ tới ngày chạy giặc ở làng Bình. Bạt ngàn lá dong, nhưng mà sao hồi ấy tôi thấy cây dong to và cứng lắm, lá dong cũng to lắm, đâu phải xếp vài lá mới gói được một cái bánh như bây giờ.
Lúc này tôi mới nhìn ra là mẹ tôi địu em Huy. tay dắt em Hiếu. Dần dần bọn trẻ được thu gom vào giữa những người lớn đang vây quanh. Lan, Thuyên đã có mặt, Hạnh, Hà, Hiếu, Huy đã bên mẹ. Rồi bá Liễu người vú từ tấm bé của Thể Lan đã tìm đủ hai con là Sẹo và Mão. Tiếng súng mỗi lúc một gần. Chờ mãi không thấy cô Quý đến. Mẹ tôi bắt đầu lo! Khi nhìn thấy cô Quý cả nhà mừng vô kể. Cô kể lại: “Vừa chạy đến cửa rừng để rẽ vào lán thì một làn đạn bay vèo làm một cành cây trước mặt gãy đổ xuống chắn ngay lối vào”. Thế rồi cô Quý vẫn chạy tiếp. Mẹ tôi bảo: “Nếu mà Tây bám đuổi vào rừng thì bắt được cả nút”. Cô Di nói: “May mà cửa rừng giữ không có vết đường mòn. Giặc sợ du kích trong rừng nên chỉ loanh quanh ở bìa rừng rồi lùng sục lung tung.
Khu lán bên cạnh bị Tây lần vào được, vợ chồng bác sĩ Chánh nấp trong bụi còn thấy chúng vây đuổi vịt còn nghe chúng bảo: “A-la-sô!”. Chính nhờ mấy con vịt đó mà khu lán đó thoát nạn. Chú Di kể: “Một buổi sáng, cái buổi sáng hôm ấy tôi không bao giờ quên được, tôi và cả gia đình vừa chạy vào ẩn trong một đám cây rậm thì bọn Pháp kéo ập đến. Chúng tôi chui trong bụi rậm, sương đọng trên cây cỏ làm ướt hết đầu tóc và quần áo. Tiếng súng nổ nghe to như hét bên tai, chúng tiến đến cách chỗ chúng tôi nấp chỉ độ 200 mét. Tôi nghe rõ tiếng một tên Việt gian gọi loa: “A lô, quân đội Pháp mời bác sĩ Hồ Đắc Di và bác sĩ Tôn Thất Tùng trở về làm việc với Chính phủ Pháp. Chúng tôi biết rõ bác sĩ Di và bác sĩ Tùng hiện đang ở đây. Quân đội Pháp sẽ hết sức trọng đãi. Nghe tiếng chúng, tôi rợn tóc gáy tim đập tưởng như muốn vỡ ra. Tôi lo quá. Vợ tôi đưa mắt nhìn tôi. Chúng biết rõ chỗ chúng tôi nấp thật chăng? Trong cơn hoảng hốt, tôi đã nói nhỏ với vợ tôi một câu mà tôi còn nhớ mãi, một câu nói hết sức tỉnh ráo: Chết thì chết chứ không để bọn Pháp “bắt lại” một lần nữa. Câu nói ngắn gọn trong giây phút căng thẳng đó không phải là ý nghĩ thoáng qua, mà là điều tôi đã nghiền ngẫm từ lâu, đã ăn sâu trong tiềm thức tôi, và đến giờ phút gay go nhất, đến giây phút quyết định nó đã bật ra”.
Khi trời hửng, cây lá đã khô dần, chúng tôi trải chiếu ngồi xuống đất. Huy và Bách còn bé, bú mẹ rồi lại chơi. Không để có tiếng khóc, mẹ tôi đem kéo ra cho chúng tôi cắt lá dong, cắt các hình các kiểu để chơi đồ hàng. Chỉ được nhấm nháp một vài hột cốm khô làm sao cho đỡ đói, có gạo cũng không thổi được cơm vì sợ khói lên Tây phát hiện. Người lớn nhịn đã đành, 8 - 9 đứa trẻ đói, khát làm nao núng lòng mẹ!
Gần tối các anh sinh viên lần vào đem cho chúng tôi mỗi người một nắm cháy cơrn tối hôm trước. Lúc ấy sao cháy nguội ngon mà ngọt thế, mỗi người chỉ được một nắm tí teo mà đã thấy ấm lòng. Đêm ấy chúng tôi lại về lán ngủ.
Ngày 19 tháng 9 năm 1985, mẹ tôi ghi nhật ký: “Nhớ lại 9 năm kháng chiến chống Pháp, dân tộc Việt Nam tuyệt vời, thực là “con người”. Tình nghĩa con người với con người sao mà cao cả đẹp đẽ thế. Nhắm mắt nhớ lại một bức tranh tuyệt mỹ như hiện ra trước mắt, ngắm mãi không chán, sâu đậm tình người. Có thế mới có Điện Biên Phủ, có thế mới có Hoà bình và thống nhất đất nước! Thế đó!”.
Chạy vào lán lần thứ hai
Tây đóng quân trong làng vài ngày, nếu ở quanh lán rất nguy hiểm cho nên mọi người lại bồng bế nhau men theo suối ngược lên nguồn.
Đúng là bước vào cuộc chiến tranh du kích toàn dân. Địch tấn công vào từng làng, từng bản, từng khu rừng. Đảng và Chính phủ đã có kế hoạch giải quyết vấn đề bảo vệ nhân dân rất chu đáo. Có nhiều phương án chạy và có rất nhiều lán rải rác ở từng khu vực. Chính vì thế mà chúng tôi có thể lánh lâu còn địch thì không thể kéo dài thời gian chờ tiếp tế.
Khi chạy vào lán thứ hai, không ngờ ngôi nhà sàn đã được xây cất trong hang. Nước theo ánh sáng từ lên núi lọt thẳng vào hang, ào ào đổ xuống lòng hang, chảy dưới gầm nhà sàn rồi chảy ra suối. Ở đây vào mùa hè chắc hẳn là mát lắm. Nhưng đang lúc chạy giặc lại là mùa đông! Rét vô cùng! Đêm ấy các gia đình ổn định, ngủ lại ở lán trong hang đá. Càng về đêm trong hang càng lạnh, lạnh buốt thấu xương. Em Hiếu tôi không chịu nổi lạnh nên đã lên cơn sốt cao rồi nôn ộc. Mẹ tôi thức suốt đêm. Còn chúng tôi chui hết vào trong “màn buồng” cuộn tròn trong chăn ôm nhau ngủ ngon lành. Suốt trong những năm kháng chiến mẹ tôi luôn lo tránh cho chúng tôi mắc bệnh sốt rét. Trước năm 1945, tôi đã thấy các anh Ái, Mãn… từ Lạng Sơn về Hà Nội bị những trận sốt rét run bần bật, thật kinh người. Ba bốn chăn bông trùm lên người mà vẫn run. Chập tối, mẹ tôi đã bắt chúng tôi phải vào “buồng màn”. Mẹ nói: “Muỗi anophen là loại muỗi truyền sốt rét, thường đột vào tôi, vào ban đêm”, rồi mẹ chỉ cho chúng tôi thấy giống muỗi chổng đít như thế nào để cho chúng tôi tránh. (Sau này chính mẹ tôi đã đi sâu vào công lác nghiên cứu chống sốt rét). Cả mấy chị em tôi cứ chập tối sau khi cơm nước xong là lại vào hai “buồng màn” để chơi. Cô Quý cùng Bích Hà và tôi ngủ chung một “buồng màn”, bố mẹ và Huy, Hiếu ngủ chung một “buồng màn”. Hai màn lại được mẹ tôi cuộn lên ở chỗ tiếp giáp để làm thành cửa tò vò cho chúng tôi có thể bò qua lại mà không bị muỗi lọt vào. Mọi việc diễn ra trong hai “buồng màn” như: học bài, đọc truyện, kiểm điểm công việc hằng ngày như ai có khuyết điểm gì cần nhắc nhở sửa chữa và giao việc cho ngày hôm sau… Tất cả đều diễn ra dưới ngọn đèn bão. Thú vị nhất là những ngày có mặt cha tôi ở nhà, thể nào chúng tôi cũng được nghe cha kể đôi ba câu chuyện. Trong suốt những năm đầu kháng chiến, mẹ tôi không bao giờ bỏ qua buổi sum họp gia đình như vậy. Cho đến khi tôi và Hà lên đường đi học xa, mẹ tôi bắt đầu bước vào công tác đi dạy bình dân học vụ, làm việc ở phòng nghiên cứu… thì không biết những buổi sinh hoạt gia đình diễn ra trong các buổi tối đã như thế nào.
Chạy giặc lại chui gần nách giặc
Ngủ ở hang con cái ốm hết, chú Di quyết định dọn đi nơi khác. Thế là tất cả các gia đình lại kéo nhau lên đường. Vượt sông bằng mảng sang bến. Lần này chúng tôi lại cõng nhau, đeo túi theo đồng bào Tày dẫn vào rừng sâu. Hiếu bị ốm nên hai chị em thay nhau cõng, hai chân Hiếu để lên hai túi dết, ôm em trèo lên đồi lại men xuống dốc. Lần đầu tiên vào sâu trong rừng nứa, rừng vầu. Rừng nứa nhiều vắt xanh! Rừng cây cao vút thẳng tắp, cây cọ sát vào nhau phát ra âm thanh kỳ lạ: “cò cọ”, “két xét”. Dưới chân toàn lá, đi thì êm nhưng lại ẩm thấp đến ghê người. Hết leo cao lại xuống thấp, có vùng toàn dong và sa nhân (như cây gừng) rồi mới chuyển sang rừng mơ, rừng quất. Trên đường đi gặp nhiều cối giã gạo không có người trông coi. Nước chảy ào ào đổ đầy cối thì lại giã một chày. Gạo để suốt ngày đêm mà không bị mất.
Quanh co từ sáng đến chiều tối mới dẫn đến nơi có độc một nóc nhà sàn, ở giữa là dòng nước chảy róc rách quanh nhà. Muốn vào nhà buộc phải lội qua suối. Nước suối trong veo, sỏi nhỏ li ti cạn đến bọng chân người lớn, chảy đều đều làm rạp cả cỏ hai bên bờ. Trẻ con đi bộ mệt lử lăn ra ngủ quên cả ăn. Đêm đó tiếng súng vẳng đến gần hơn trong làng Bình dồn dập liên tiếp suốt đêm. Sáng ra tôi lại thấy mẹ giục chuẩn bị đi. Thì ra nghe bà con nói rằng ở đây gần huyện Chiêm Hoá hơn nhiều. Như vậy sau khi vượt sông chúng tôi lại đi một vòng tròn để rồi tới gần chỗ Tây đóng quân hơn lúc trước. Đúng là rừng cây núi đá làm khoảng cách xa lại gần. Nhờ núi rừng đã làm cho địch không biết đâu mà lần tìm được ta. Sau này nhắc lại chuyện ấy được một trận cười về câu chuyện chạy giặc lại chui gần nách giặc. Quay trở về nơi cũ các anh chị sinh viên bảo: “Đêm cụ và gia đình chuyến đi chính là hôm súng nổ râm ran dồn dập nhất và cũng là đêm Tây bị đánh mạnh phải rút khỏi Chiêm Hoá”.