Dịch giả: Dương Tường
Chương 3

Ba vụ mưa đã qua và đây là cái mùa còm cõi khi mà dự trữ thóc cùng các loại lương khô khác từ mùa gặt trước đã gần cạn. Cánh đàn ông đã đi săn nhưng chỉ vác về được vẻn vẹn dăm ba con linh dương nhỏ và mấy chú chim rừng vụng dại, vì vào cái mùa nắng thiêu đốt này, rất nhiều vũng nước ở vùng xavan đã khô cạn chỉ còn bùn, thành thử các thú săn lớn và quý đã rút vào rừng sâu – vào đúng lúc dân làng Jufurê cần tận dụng mọi sức lực để làm mùa cho vụ gặt mới. Các bà vợ đã phải độn mầm tre nhạt thếch và lá bao-báp khô hôi xì vào lương thực chính là mạch kê và gạo. Những ngày đói kém đã bắt đầu sớm đến nỗi phải mổ năm con dê và hai con bò đực – nhiều hơn lần trước – để tế lễ, gia tăng sức mạnh cho lời cầu nguyện của mọi người xin đức Ala che chở cho làng bản khỏi chết đói.
Cuối cùng, bầu trời nóng bức phủ đầy mây, những cơn gió thoảng trở thành mạnh và cũng đột ngột như mọi lần, những trận mưa nhỏ bắt đầu rơi, ấm áp và nhẹ nhàng, khi đám nông dân cuốc xới lớp đất đã mềm đi thành những hàng dài thẳng tắp sẵn sàng đón hạt giống. Họ biết rằng phải làm xong việc gieo trồng trước khi những trận mưa lớn tới.
Mấy buổi sáng tiếp theo, sau khi điểm tâm, thay vì chèo xuồng đến ruộng lúa của mình, những người vợ nông dân, theo tục lệ cổ truyền để cầu cho đất đai mầu mỡ, mặc những bộ trang phục tết bằng lá cây to tươi tốt, tượng trưng cho mầm xanh của những gì đang lớn lên, và đi ra những mảnh ruộng đã xới thành luống của cánh đàn ông. Họ chưa ló dạng, đã nghe thấy tiếng họ lên bổng xuống trầm đọc những lời cầu nguyện do tổ tiên truyền lại, xin cho những hạt kê, củ lạc và những hạt giống khác đựng trong những bát sành đội lên đầu sẽ mọc rễ cứng cáp và lớn mạnh.
Chân không, bước theo nhịp đều đặn, toán phụ nữ xếp thành hàng dọc vừa đi vừa hát ba lần quanh mỗi thửa ruộng. Rồi họ giải tán và mỗi chị đứng vào sau một nông dân trong khi anh ta tiến dọc theo một luống đất, cứ dăm phân lại lấy ngón chân cái thọc xuống đất thành một lỗ. Cứ mỗi lỗ, chị em bỏ vào một hạt giống, lấy ngón chân cái lấp đất lên, rồi lại tiếp tục tiến. Thậm chí, phụ nữ làm việc còn vất vả hơn đàn ông, vì họ không những phải giúp chồng mà còn phải chăm sóc cả những thửa ruộng lúa lẫn những mảnh vườn rau, trồng ở cạnh bếp.
Trong khi Binta trồng hành, khoai mỡ, bầu, sắn, và cà chua, bé Kunta ban ngày chơi nhổng dưới sự trông nom cẩn thận của mấy bà già chịu trách nhiệm toàn thể trẻ con làng Jufurê thuộc lứa kafô[1] đầu, nghĩa là bao gồm những đứa tuổi dưới năm vụ mưa. Bầy trẻ, trai cũng như gái, trần truồng như những con thú nhỏ, chạy tung tăng – một số mới bắt đầu bập bẹ những tiếng đầu tiên. Tất cả, cũng như Kunta, đều mau lớn, cười đùa và la hét trong khi chúng nối đuôi nhau chạy quanh thân cây bao-báp khổng lồ trong làng, chơi đi trốn đi tìm và đuổi chó, gà chạy tán loạn.
Nhưng tất cả bọn trẻ con – kể cả những đứa bé như Kunta – hễ thấy một trong mấy bà già hứa kể chuyện, là vội vàng giành nhau xí chỗ, ngồi im phăng phắc. Tuy có nhiều chữ nó chưa hiểu được, Kunta vẫn tròn xoe mắt theo dõi các bà diễn xuất câu chuyện của mình bằng nhiều điệu bộ và tiếng động nhộn nhạo đến nỗi tưởng như sợ việc đang diễn ra thực.
Tuy còn bé tí, nhưng Kunta đã biết một số truyện mà bà nội Yaixa đã kể cho một mình nó nghe những lần nó được bế đến thăm lều của bà. Nhưng cùng với các bạn chơi nhởn cùng lứa kafô đầu, nó cảm thấy người kể chuyện tuyệt nhất trong tất cả là già Nyô Bôtô yêu dấu, bí ẩn và dị thường. Đầu không còn sợi tóc, mặt mày đầy những nếp nhăn sâu, da đen như nhọ nồi, một cái rễ chanh làm tăm giữa mấy cái răng còn sót lại, chòi ra khỏi miệng như cái vòi của một thứ côn trùng – già Nyô Bôtô mỗi lần ngồi vào chiếc ghế thấp lè tè, lại lầm bầm. Tuy thái độ bà cộc cằn, nhưng lũ trẻ biết bà yêu chúng như con đẻ và bà cũng tuyên bố rằng tất cả bọn chúng đều là con cháu bà.
Những lúc thấy chúng quây quần xunh quanh, bà thường làu bàu: “Để yên bà kể chuyện…”
“Bà kể đi!” bọn trẻ đồng thanh, đứa nào đứa nấy ngọ nguậy, dự cảm thấy trước nỗi thú vị.
Và bà lão bèn mở đầu theo kiểu của tất cả những người kể chuyện của dân tộc Mandinka: “Hồi ấy, ở một làng nọ, có một người”.
Đó là một chú bé trạc tuổi chúng, cũng chừng nấy vụ mưa – bà kể – một hôm, chú đi dọc bờ sông và thấy một con cá sấu mắc kẹt trong một cái lưới.
“Cứu tôi với”, con cá sấu kêu lớn.
“Để rồi mày giết tao à!” chú bé đáp.
“Không! Lại gần đây nữa nào!” con cá sấu nói.
Thế là chú bé lại chỗ con cá sấu – và phút chốc, bị ngoạm giữa hai hàm răng của cái miệng dài ngoằng.
“Thế là mày đem oán trả ơn tao đấy hả!” chú bé kêu lên.
“Dĩ nhiên rồi”, con cá sấu nói bằng khóe miệng, “Sự đời là thế”
Chú bé không chịu tin như vậy, và cá sấu đồng ý sẽ không nuốt chửng chú trước khi biết ý kiến của ba kẻ làm chứng đầu tiên đi ngang qua. Trước nhất là một bác lừa già.
Khi chú bé hỏi ý kiến bác, lừa ta bèn đáp: “Bây giờ tôi già không làm việc được nữa, chủ tôi đuổi tôi ra khỏi nhà cho beo ăn thịt”.
“Mày thấy chưa?” con cá sấu nói. Tiếp đó, một bác ngựa già đi qua cùng chung ý kiến.
“Mày thấy chưa?” con cá sấu nói. Rồi một chú thỏ bụ bẫm đến; chú ta bảo: “Chà, tôi không làm sao có ý kiến đúng đắn được nếu không thấy sự việc diễn ra từ lúc bắt đầu”.
Con cá sấu làu bàu há miệng ra để kể lại – thế là chú bé nhảy vọt lên bờ an toàn.
“Cậu có thích ăn thịt cá sấu không” chú thỏ hỏi. Chú bé trả lời có. “Thế bố mẹ cậu?” Chú bé lại trả lời có. “Thế thì đây đã có một con cá sấu sẵn sàng để cho vào nồi đấy thôi”
Chú bé chạy đi và trở lại với trai tráng trong làng, họ giúp chú giết chết con cá sấu… Nhưng họ lại mang theo một con chó ngao, nó đuổi bắt và giết luôn cả chú thỏ.
“Thế là con cá sấu vẫn có lý”, già Nyô Bôtô nói. “Sự đời là thế: làm phúc thường hay phải tội. Truyện ta kể cho các cháu là như vậy đó”.
“Cầu trời phù hộ bà mạnh khỏe và thịnh vượng!” bọn trẻ nói để cảm ơn.
Rồi các bà già phân phát cho lũ trẻ những bát bọ dừa và châu chấu vừa rán xong. Vào một thời kỳ khác trong năm, của này chỉ là miếng ngon nếm náp qua loa, nhưng bây giờ, vào đận trước những trận mưa lớn, khi mùa đói kém đã bắt đầu, món côn trùng rán được dọn làm bữa ăn trưa, vì trong kho của hầu hết các gia đình chỉ còn mấy nắm kê và gạo mà thôi.
Chú thích:
[1] Kafô: ngũ niên, quãng thời gian 5 năm.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 !!!13126_39.htm!!! Đã xem 126889 lần. --!!tach_noi_dung!!--

Dịch giả: Dương Tường
Chương 38

--!!tach_noi_dung!!--
Giờ đây, trên boong, tốp phụ nữ đang hát rằng họ đã xoay sở đánh cắp được và giấu kín mấy con dao cùng một số dụng cụ có thể dùng làm vũ khí. Trở xuống dưới hầm, ý kiến đám tù nhân nam lại chia thành hai phe, thậm chí còn đối lập mạnh hơn trước. Đứng dầu nhóm cho rằng cần phải đánh ngay không lần lữa, là một người Uôlôf xăm mình, nom dữ tướng. Trên boong, ai nấy đều đã thấy anh ta vừa nhảy cuồng dại trong dây xiềng vừa nhe hàm răng giũa nhọn với bọn tubốp, những tên này thấy thế lại vỗ tay vì chúng tưởng anh cười. Những người cho rằng cần phải khôn ngoan, cảnh giác chuẩn bị kỹ hơn, chịu sự lãnh đạo của người Fula đã bị đòn vì bóp cổ chết tên hắc gian.
 
Có một số người theo anh chàng Uôlôf chủ trương tấn công bọn tubốp khi nào chúng xuống đông ở dưới hầm tàu, nơi mà đám tù nhân có thể nhìn tinh tường hơn chúng và nắm  yếu tố bất ngờ lớn nhất - nhưng kế hoạch này bị những người khác bác bỏ, coi là điên rồ, họ vạch rõ rằng đa số bọn tubốp vẫn còn ở trên boong và do đó có thể tiêu diệt những người bị xiềng bên dưới như một lũ chuột. Thỉnh thoảng, khi việc tranh cãi giữa người Uôlôf và người Fula đi đến chỗ to tiếng vị thủ chỉ lại can thiệp răn họ bình tĩnh hơn kẻo bọn tubốp có thể nghe thấy.
 
Bất luận ý kiến của thủ lĩnh phe nào cuối cùng sẽ thắng, Kunta vẫn sẵn sàng chiến đấu đến chết. Anh không thấy sợ chết nữa. Một khi đã xác định là mình sẽ chẳng bao giờ về nhà gặp lại gia đình được nữa, anh cảm thấy thế cũng coi như chết rồi. Nỗi lo sợ duy nhất của anh bây giờ là mình có thể chết mà không tự tay giết được ít nhất một tên tubốp. Nhưng người thủ lĩnh mà Kunta ngả theo ủng hộ - anh cảm thấy đa số anh em cũng vậy - là anh chàng Fula thận trọng, mình đầy vết roi đóng sẹo. Đến nay Kunta đã phát hiện ra phần lớn tù nhân ở trong hầm là người Manđinka và mọi người Manđinka đều biết rất rõ rằng dân Fula xưa nay vốn nổi tiếng là sẵn sàng bỏ hàng năm, thậm chí cả cuộc đời, nếu cần, để báo thù bằng cách giết bất cứ kẻ nào xúc phạm nặng nề đến họ. Nếu kẻ nào giết chết một người Fula và trốn thoát, các con trai người ấy sẽ không bao giờ chịu ngồi yên, kỳ cho đến một ngày nào họ tìm ra hung thủ và giết chết hắn.
 
"Chúng ta phải đoàn kết như một người đằng sau thủ lĩnh mà ta nhất trí lựa chọn", vị thủ chỉ khuyên như vậy. Những người theo anh chàng Uôlôf làu nhàu bực bội, song rõ ràng là đa số đã đứng về phe người Fula, nên bác ta mau chóng ra một mệnh lệnh đầu tiên. "Ta cần xem xét mọi hành động của bọn tubốp bằng đôi mắt của chim ưng. Và khi thời cơ tới, chúng ta phải là chiến sĩ". Bác dặn mọi người làm theo lời khuyên của người phụ nữ bảo họ nên làm bộ sung sướng khi nhảy xiềng trên boong. Điều đó sẽ làm cho bọn tubốp lơi lỏng việc canh phòng, dễ đánh úp hơn và người Fula còn bảo mọi người cần tỉnh mắt xác định vị trí mọi vật giống như vũ khí mà mình có thể nhanh chóng vớ lấy sử dụng. Kunta rất hài lòng với bản thân vì trong những lần lên boong, anh đã phát hiện thấy một cái cọc buộc lỏng lẻo dưới một quãng lan can mà anh định sẽ giựt ra dùng làm một ngọn giáo đâm vào bụng tên tubốp gần nhất. Mọi lần nghĩ đến, anh lại xiết chặt ngón tay quanh cái cán giáo tưởng tượng.
 
Những lúc bọn tubốp giật mạnh cửa hầm ra và đi xuống, vừa quát tháo vừa khoa roi, Kunta cứ nằm im phăng phắc như một con thú rừng. Anh nhớ tới lời kintangô hồi rèn luyện trưởng thành nhắc nhở rằng người đi săn phải học những gì chính Chúa Ala đã dạy cho thú vật: làm thế nào trốn và theo dõi những nhà đi săn đang lùng giết chúng. Kunta đã nằm  hàng giờ ngẫm nghĩ về chuyện bọn tubốp có vẻ thích gây đau đớn cho người khác. Anh kinh tởm nhớ lại những lần thấy bọn tubốp cười ha hả khi vung roi quất tù nhân - đặc biệt những người mang đầy những vết lở loét đau đớn trên mình. Kunta cũng chua xót hình dung trong óc cảnh những tên tubốp cưỡng bức đẩy phụ nữ vào những góc tối của con tàu ban đêm, anh tưởng như nghe thấy tiếng chị em la thét. Phải chăng bọn tubốp không có đàn bà của riêng chúng? Phải chăng vì thế mà chúng săn đuổi vợ người khác như đàn chó? Giống tubốp dường như không tôn trọng cái gì cả, dường như bọn chúng không hề có Chúa, thậm chí không hề có thần linh nào để mà thờ.
 
Điều duy nhất có thể khiến tâm trí Kunta lãng khỏi chuyện tubốp - và làm thế nào để giết chúng - là lũ chuột ngày càng trở nên táo tợn hơn. Ria mũi chúng cù nôn giữa hai cẳng chân Kunta mỗi khi chúng sục vào cắn một nốt đau rỉ máu hoặc mưng mủ. Nhưng bọ chét thì lại thích cắn trên mặt anh hơn và hút chất lỏng ở khóe mắt Kunta hoặc nhớt rãi chảy ra từ hai lỗ mũi. Anh cứ phải vặn mình, thọc ngón tay bấu hoài, bắt được con nào là lấy móng tay giết đôm đốp. Song tệ hơn cả chuột bọ là những chỗ đau ở vai, khuỷu tay và mông Kunta giờ đây rát như lửa đốt do bao tuần lễ liên tục nằm cọ mình vào những tấm ván gỗ cứng, sần sùi. Anh đã thấy những mảng trầy da tướp máu trên mình những người tù khác khi họ lên boong, và mỗi lần con tàu lớn hơi đảo hoặc chòng chành hơn bình thường một chút là chính anh lại đau rú lên cùng với họ.
 
Và Kunta thấy là khi lên boong, một số tù nhân đã bắ onClick="noidung1('tuaid=13126&chuongid=70">Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley