Dịch giả: Dương Tường
Chương 74

Một đêm ở trong lều, Bel nói với Kitzi: "Con đã lên bảy rồi đó! Bọn trẻ làm đồng hàng ngày đã ra ngoài kia cày cuốc - như cái thằng Nâuơ í - cho nên con cũng phải bắt đầu giúp mẹ tí ti trên đại sảnh thì vừa!". Giờ đây Kitzi đã biết bố nghĩ thế nào về  những chuyện như vậy, nên nó nhìn Kunta vẻ ngập ngừng. "Con nghe thấy mẹ nói gì đấy chứ", anh nói, không lấy gì làm rắn rỏi lắm. Bel đã bàn chuyện đó với anh và anh bất đắt dĩ phải đồng ý rằng nên để Kitzi bắt đầu làm một việc gì đó cho mexừ Uolơ trông thấy, thì hơn là chỉ tiếp tục làm bạn chơi đùa với "mămzen" An. Trong thâm tâm, anh còn khoái cái ý để cho nó tự rèn luyện thành hữu ích, bởi lẽ ở Jufurê, vào tuổi nó, các bà mẹ bắt đầu dậy con gái mình các ngón nữ công khéo léo để sau này cho chúng có thể thách cưới các chàng ngấp nghé làm rể một món tươm tươm. Nhưng anh biết Bel chẳng trông mong gì anh hào hứng với bất kỳ điều gì khiến Kitzi xích lại gần bọn tubốp hơn nữa - và tách nó ra xa hơn nữa khỏi anh, khỏi cái ý thức về phẩm cách và thừa kế mà anh vẫn quyết tâm truyền vào huyết mạch nó. Một buổi sáng sau đó ít hôm, khi Bel thuật lại là Kitzi đã biết đánh bóng các đồ bằng bạc, cọ sàn, đánh suy các đồ gỗ, thậm chí còn dọn giường cho ông chủ nữa, Kunta thấy khó mà chia sẻ niềm tự hào của chị về những thành tích đó. Nhưng đến khi trông thấy con gái đi đổ và rửa cái bô tráng men trắng mà ông chủ dùng vào việc đại, tiểu tiện ban đêm thì Kunta giận đến rúm người lại, tin chắc những mối lo sợ kinh khủng nhất của mình thế là đã thành sự thật.
Anh cũng bất bình khi nghe thấy Bel bảo ban Kitzi cách thức để trở thành một cô hầu riêng của chủ. "Nào con gái, hãy lắng nghe mẹ cho kỹ! không phải tất cả dân nhọ đều may mắn được làm với những người da trắng thượng hảo hạng như ông chủ đâu. Chỉ riêng thế, tức khắc là con đứng trên những bọn trẻ khác rồi. Vậy cái cốt yếu là học cách làm sao biết được ông chủ cần cái gì mà không để ông í phải sai bảo bao giờ. Con sẽ bắt đầu tập dậy sớm đi ra ngoài í với mẹ, từ lâu trước khi ông chủ dậy. Chính thế mà mẹ mới đón đầu được ông í - bao giờ mẹ cũng tin thế. Trước hết, mẹ sẽ bày cách cho con rũ bụi ở quần áo ông í như thế nào khi đem ra phơi lên dây. Cốt nhất là làm sao chắc chắn không đứt, không xước một cái khuy nào hết,…" vân vân và vân vân, đôi khi kéo dài hàng giờ liền.
Kunta thấy hình như không tối nào là Bel không dặn dò thêm, đến tận những chi tiết kỳ cục  nhất. "Khi nào đánh giày đen cho ông í," một đêm chị bảo Kitzi, "mẹ trộn nước quả hồng vàng mấy muội đèn, mấy ít dầu ngọt và đường bánh vào một cái bình, đem lắc mạnh lên. Để qua đêm, rồi lại lắc kỹ một lần nữa, đem đánh giày ông í cứ gọi là sáng như gương". Trước khi anh ớn không chịu được thêm nữa, phải rút sang lều bác vĩ cầm cho đỡ bực, Kunta còn được nghe những bí quyết nội trợ vô giá như: "nếu con cho một thìa nhỏ hạt tiêu đen và đường nâu trộn thành bột quánh với một ít kem sữa bò vào một cái đĩa tách đặt trong buồng, thì không ruồi nào dám vào!". Và cọ giấy phủ tường bị lấm bẩn thì không gì tốt bằng lớp ruột bở bục của bánh bích quy để hai ngày.
Mặc dầu Kunta tỏ ra dửng dưng nhưng xem ra Kitzi rất chú ý đến những bài học ấy vì mấy tuần sau, một hôm Bel kể lại rằng ông chủ tỏ ý hài lòng thấy các vỉ ở lò sưởi được Kitzi đánh bóng lộn.
Nhưng hễ "mămzen" An đến chơi thì đương nhiên ông chủ chả cần phải bảo Kitzi được miễn làm việc trong thời gian cô cháu ở lại đó. Rồi như mọi khi, hai bé gái lại chạy quanh, nô rỡn, nhảy dây, chơi đi trốn tìm và một số trò chơi chúng tự đặt ra. Một buổi chiều, "chơi làm nhọ", chúng bửa một trái dưa chín, vục mặt vào lớp ruột xốp và ướt nhèo, bẩn hết cả ngực áo khiến Bel điên tiết tát trái Kitzi một cái làm nó kêu rống lên và thậm chí còn quát cả "mămzen" An nữa: "Em phải biết mình là con nhà có dạy dỗ chứ! Mười tuổi đầu, đi học rồi và chẳng mấy chốc sắp thành một tiểu thư thượng lưu!"
Tuy Kunta không buồn phàn nàn về chuyện này nữa, Bel vẫn thấy hết sức khó đối xử với anh trong những lần "mămzen" An đến chơi và ít nhất là một ngày sau nữa. Nhưng hễ Kunta được sai đánh xe đưa Kitzi đến nhà mexừ Jon, là anh phải cố hết sức mới khỏi để lộ sự hăm hở muốn được một mình với con gái trong cỗ xe. Thời kỳ này, Kitzi đã hiểu rằng bất kỳ điều gì được nói trong những chuyến xe đó đều là chuyện riêng giữa hai cha con, cho nên bây giờ anh coi việc dạy cho nó biết thêm về quê cha đất tổ là an toàn hơn, không sợ Bel khám phá ra nữa.
Vừa cho xe lăn bánh theo những con đường tỉnh lỵ Xpotxylvaniơ, anh vừa nói cho con gái biết tên gọi của các vật gặp dọc đường bằng tiếng Manđinka. Chỉ vào cái cây, anh nói: "yirô", rồi chỉ xuống mặt đường: "xilô". Đi qua một con bò cái đang gặm cỏ, anh nói: "ninxêmuxô" và vượt qua một cái cầu nhỏ: "xalô". Có lần, bất chợt bị mưa rào, Kunta vừa kêu: "xanjiô", vừa vẫy tay về phía màn mưa và khi mặt trời lại hiện ra, anh chỉ tay nói: "tilô". Trong khi anh nói mỗi chữ, Kitzi theo dõi miệng anh thật chăm chú, rồi mấp máy môi bắt chước, lặp đi lặp lại kỳ đến lúc đọc thật đúng. Chẳng bao lâu, nó bắt đầu tự mình chỉ vào các vật để hỏi anh tiếng Manđinka gọi bằng gì. Một hôm, vừa mới ra khỏi bóng râm của ngôi đại sảnh, Kitzi đã thúc vào mạng sườn anh, lấy ngón tay đập đập lên phía trên tai và thì thào: "Cái đầu con gọi bằng gì?". "Kungô", Kunta đáp khẽ. Nó giật giật tóc, anh nói: "Kantingô". Nó bóp mũi, anh bảo: "nungô"; nó beo tai, anh nói: "tulô". Cười khúc khích, Kitzi hất bàn chân lên và đập đập vào ngón cái: "Xinkumba". Kunta thốt lên. Túm lấy, và lắc lắc ngón tay trỏ tọc mạch của nó, anh nói: "bulôkônđinh". Sờ vào miệng nó, anh nói: "đa". Rồi Kitzi nắm lấy ngón tay trỏ của Kunta, chĩa vào anh: "Fa" nó kêu lên. Anh cảm thấy tràn ngập tình yêu đối với nó.
Lát sau, qua một con sông nhỏ chảy lờ đờ. Kunta chỉ tay: "Cái kia là một bôlôngô". Anh kể cho nó nghe hồi ở quê nhà, anh sống bên một dòng sông gọi là " bôlôngô Kămbi!". Tối hôm ấy, trên đường về, khi đi qua đó một lần nữa, Kitzi chỉ tay kêu lớn “Bôlôngô Kămbi!" Cố nhiên, nó không hiểu khi anh cố giảng đó là sông Matiapôni chứ không phải là sông Gămbia, nhưng việc nó nhớ được cái tên kia khiến anh khoái đến nỗi mọi chuyện đó dường như chẳng quan trọng gì. Bôlôngô Kămbi, anh nói lớn hơn, nhanh hơn và mạnh hơn cái mẫu sài đẹn này nhiều. Anh muốn nói cho nó biết con sông đem lại sự sống kia được dân tộc anh tôn kính như một biểu trưng của sự phì nhiêu, song anh không tìm ra lời lẽ thích hợp, nên anh đành kể về các thứ cá đầy rẫy trong đó - kể cả giống cá kujalô rất khỏe, ngon thịt, thỉnh thoảng vẫn nhảy tọt vào xuồng - về những bầy chim đậu đầy mặt sông như tấm thảm sống, mênh mông, trôi bập bềnh cho đến lúc một chú bé nào đó, như chính anh chẳng hạn, từ bụi cây trên bờ nhảy tùm xuống, gào rầm rĩ để xem chúng cất cánh bay lên đầy trời như một cơn bão tuyết bằng lông vũ. Điều đó khiến Kunta nhớ lại có hồi bà nội Yaxai kể cho anh nghe là có một lần Chúa Ala cho một đàn giặc châu chấu khủng khiếp xuống Gămbia, chúng làm tối đen cả mặt trời, ngốn ngấu tất cả những gì xanh tươi cho đến khi gió chuyển hướng, cuốn chúng ra biển, ở đó, cuối cùng chúng rụng xuống và bị cá ăn thịt.
"Con có bà không?", Kitzi hỏi.
"Con có hai bà - mẹ của bố mí mẹ của mẹ"
"Sao các bà không ở với chúng ta?"
"Các bà không biết chúng mình ở đâu", Kunta nói.
"Con có biết chúng mình ở đâu không?", lát sau anh hỏi nó.
"Chúng mình đang ở trong xe", Kitzi nói.
"Bố muốn nói chúng mình sống ở đâu cơ?"
"Ở nhà mexừ Uolơ"
"Thế nhà í ở đâu?"
"Lối này", nó nói, tay chỉ xuôi theo đường cái. Rất hứng thú với cái đề tài đó, nó bảo: "Bố kể nữa cho con nghe về dững thứ ở quê bố đi".
"Ờ, có giống kén đỏ to tướng bết lấy lá làm thuền qua sông, bết đi thành đội ngũ và đánh nhau dư một đạo quân, bết xây tổ để ở cao hơn đầu người nhớn".
"Kinh nhỉ. Bố có giẫm lên nó không?"
"Không, trừ phi bắt buộc. Mọi vật đều có quền ở thế gian này dư ta. Ngay cả ngọn cỏ cũng sống và có linh hồn dư người".
"Vậy thì ta không bước lên cỏ nữa. Con cứ ở nguyên trong xe".
Kunta mỉm cười, "ở quê bố chả có cái xe đâu. Đi đâu cũng đi bộ thôi. Một lần, bố đi bộ mí bố của bố suốt từ Jufurê đến làng mới của bác của bố".
"Ju-fa-rê nào?"
"Bố đã bỉu con không bết bao nhêu lần đấy là quê bố mà".
"Con tưởng bố ở châu Phi. Cái Gămbia bố vẫn nói là ở châu Phi à?"
"Gămbia là một nước ở châu Phi, còn Jufurê là một làng ở Gămbia"
"Thế nó ở đâu, bố?"
"Bên kia bờ con nước nhớn"
"Cái con nước nhớn í nhớn chừng nào?"
"Nhớn đến nỗi phải mất bốn tuần trăng mới vượt qua nổi"
"Bốn gì?"
"Tuần trăng. Dư người ta nói tháng í mà"
"Sao bố không nói tháng?"
"Vì tiếng của bố gọi là tuần trăng"
"Bố gọi một “năm” là gì?"
"Một vụ mưa"
Kitzi trầm ngâm một thoáng
"Bố làm thế nào đi qua cái con nước nhớn í được?"
"Trong một cái xuồng to tướng"
"To hơn cả cái xuồng chèo mà người ta thường dùng để đánh cá í à?"
"To đủ chứa cả trăm người"
"Thế làm sao mà nó không đắm?"
"Dạo í, bố cứ ước là giá nó đắm cho xong"
"Sao thế?"
"Là vì tất cả bọn bố đều ốm tưởng dư sắp chết đến nơi"
"Làm sao bố với các người lại ốm?"
"Ốm là vì nằm ngay trên cứt đái của mình, người nọ chồng lên người kia"
"Sao bố mí các người không đi toa-lét?"
"Bọn tubốp đã xiềng bọn bố lại"
"Tubốp là ai?"
"Người da trắng"
"Sao bố lại bị xiềng? Bố làm cái gì không phải à?"
"Bố chỉ ra rừng gần làng bố ở - Jufurê í - kiếm miếng gỗ làm trống, thế là bọn nó túm lấy bố và bắt bố đi"
"Dạo í bố mấy tuổi?"
"Mười bảy"
"Thế họ có hỏi bố mẹ bố, xin phép mang bố đi không?"
Kunta nhìn nó, vẻ không tin là nó có thể đặt câu hỏi như vậy
"Nếu có thể bọn nó còn bắt luôn cả bố mẹ bố í chứ lị. Cho đến bi giờ, gia đình bố vẫn không biết hiện nay bố ở đâu"
"Bố có anh chị em gì không?"
"Có ba em trai. Bi giờ có thể còn nhều hơn thế nữa. Dù sao, tất cả các chú í đều nhớn rồi, có lẽ đã có con dư con í".
"Hôm nào bố con mình đến thăm các chú í đi?"
"Chúng mình không thể đi đâu được"
"Chúng mình chả đang đi đây đi đó là gì đấy?"
"Chỉ được đến nhà mexừ Jon thôi. Chúng mình không được thò mặt ra, lặn mặt trời là họ thả chó canh chừng chúng ta".
"Vì họ lo cho chúng ta à?"
"Vì chúng ta thuộc về họ. Cũng dư dững con ngựa đang kéo chúng ta í".
"Cũng dư con thuộc về bố mẹ í à?"
"Con là con của bố mẹ. Cái í khác"
"Mămzen" An bỉu nó muốn con là của riêng nó".
"Con không phải là con búp bê cho nó chơi"
"Con cũng chơi nó chứ. Nó bỉu nó là bạn tốt nhất của con"
"Con không thể vừa là bạn, vừa là nô lệ của ai sất"
"Làm sao, bố?"
"Là vì bạn thì không thể là vật sở hữu của nhau".
"Mẹ mí bố chả thuộc về nhau là gì? Cả hai bố mẹ chả phải là bạn sao?"
"Cái í khác. Bố mẹ thuộc về nhau vì bố mẹ mún thế, vì bố mẹ yêu nhau".
"Ờ, thế con yêu "mămzen" An nên con muốn thuộc về nó".
"Không thành cái gì đâu".
"Bố nói thế nghĩa là thế nào?"
"Khi cả hai nhớn lên, con mí nó chả sung sướng được".
"Con cuộc là bố cũng chả sung sướng được"
"Con nói rất đúng"
"Bố, con chả bao giờ bỏ được bố mẹ đâu"
"Con ạ, bố mẹ cũng chả bao giờ để con bỏ đi đâu!"

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley