Dịch giả: Dương Tường
Chương 76

Đã nhiều năm nay, sáng nào Kunta cũng dậy trước rạng đông, sớm hơn bất kỳ ai khác trong xóm nô - sớm đến nỗi một số người đâm tin rằng các "gã châu Phi í" có thể nhìn xuyên bóng tối như mèo. Họ muốn nghĩ thế nào cũng được, miễn là họ để yên cho anh lẻn ra chỗ chuồng ngựa, ở đó anh quay mặt về phía  những tia đầu tiên yếu ớt của ngày mới, phủ phục giữa hai đụn lớn cỏ khô, dâng bài kinh Xuba thường nhật lên chúa Ala. Sau đó, khi anh đã hất chút cỏ khô lên máng cho ngựa ăn, anh biết lúc này Bel và Kitzi hẳn đã rửa ráy, mặc quần áo và sẵn sàng bắt tay vào công việc trong đại sảnh, còn tay trùm lực điền Catô ắt đã dậy và ra khỏi nhà cùng với Nâuơ, con trai Ađa, thằng nhỏ này sắp rung chuông đánh thức những nô lệ khác dậy.
Hầu như sáng nào, Nâuơ cũng gật đầu nói: "Chào buổi sáng!" với một vẻ dè dặt, long trọng khiến Kunta nhớ đến người Ualôf ở Châu Phi. Tuy ít nói chuyện với nhau, song anh vẫn ưa Nâuơ vì nó khiến Kunta nhớ đến bản thân mình hồi trạc tuổi ấy - cái bộ điệu nghiêm túc, cái cách bắt tay vào việc và lo toan công chuyện  của chính mình, cái kiểu nói ít nhưng nhìn ngóng theo dõi mọi sự. Anh thường hay thấy Nâuơ làm một điều giống như anh - đứng ở một chỗ nào đó, đưa mắt lặng lẽ nhìn theo Kitzi và "mămzen" An đùa nghịch quanh đồn điền. Một lần, khi Kunta từ cửa chuồng ngựa theo dõi hai đứa đánh vòng qua sân sau, vừa rúc rích cười vừa la hét, anh đã sắp đi vào thì chợt thấy Nâuơ đứng cạnh lều Catô đằng kia, cũng đang quan sát. Luồng mắt hai người giao nhau và họ nhìn nhau hồi lâu trước khi cả hai cùng quay đi. Kunta tự hỏi không biết Nâuơ nghĩ gì - và có cảm giác Nâuơ cũng đang tự hỏi là anh nghĩ gì. Cách nào đó, Kunta biết rằng cả hai đều nghĩ những điều như nhau.
Lên mười, Nâuơ hơn Kitzi hai tuổi, song sự chênh lệch đó không đủ để cắt nghĩa tại sao hai đứa thậm chí không thân nhau, chưa nói đến chuyện đánh bạn cùng chơi đùa, vì chúng là những đứa bé nô lệ duy nhất ở đồn điền. Kunta đã để ý thấy cứ mỗi lần đi qua gần nhau, đứa nọ làm như không trông thấy đứa kia, và anh không thể hình dung ra tại sao lại thế - trừ phi là vì ngay ở cái tuổi ấy, chúng đã bắt đầu cảm thấy cái tục lệ ngăn không cho gia nô hầu hạ trong nhà và nô lệ làm ngoài đồng hòa hợp với nhau.
Bất kể lý do là thế nào, thì Nâuơ ngày ngày vẫn ở ngoài đồng với các lực điền khác trong khi Kitzi quét dọn, chải bụi và đánh bóng các đồ đồng trong buồng ngủ của ông chủ đế lát sau Bel kiểm tra, với một cành hồ đào lăm lăm trong tay. Vào những ngày thứ bảy là dịp "mămzen" An thường đến chơi, không biết bằng phép màu nào, Kitzi bao giờ cũng xoay sở làm xong phần việc vặt của nó trong nửa số thời gian thường lệ và hai đứa chơi với nhau suốt phần còn lại trong ngày - trừ lúc trưa, nếu ông chủ có nhà để ăn trưa. Khi đó, ông chủ và "mămzen" An ngồi dùng bữa trong phòng ăn, còn Kitzi đứng đằng sau, phe phẩy một nhành lá để xua ruồi, trong khi Bel ra ra vào vào, bưng thức ăn, đôi mắt sắc sảo giám sát cả hai đứa bé gái mà chị đã đe trước: "Tui mà bắt được hai cô định cười trước mặt mexừ tại đây, thì tui sẽ lột da cả hai đấy!"
Bây giờ, Kunta đã khá nhẫn nhịn, cam chịu chia sẻ Kitzi của anh với mexừ Uolơ, Bel và "mămzen" An. Anh cố không nghĩ đến chuyện họ sai bảo nó làm những gì ở trong đại sảnh và tiêu đến mức tối đa thời gian ở chuồng ngựa mỗi lần có "mămzen" An đến chơi. Nhưng đó là tất cả những gì anh có thể làm để chờ đợi đến chiều chủ nhật, khi xong lễ ở nhà thờ, "mămzen" An sẽ cùng với cha mẹ trở về nhà. Những buổi chiều ấy, muộn hơn chút nữa, mexừ Uolơ thường đang nghỉ ngơi hoặc tiêu thì giờ với bạn bầu trong phòng khách, Bel thì cùng thím Xuki và chị Manđi đến cuộc “họp Jêxu" hàng tuần của họ - và thế là Kunta được tự do một mình với con gái trong khoảng hai tiếng đồng hồ quý giá nữa.
Những lúc đẹp trời, hai bố con đi dạo - thường thường là dọc theo hàng rào phủ đầy nho, nơi cách đây gần chín năm, anh đã ra tha thẩn và lần đầu tiên nghĩ đến cái tên "Kitzi" để đặt cho đứa con gái mới đẻ. Ra đến chỗ khuất mắt mọi người, Kunta thường nắm chặt bàn tay bé nhỏ, mềm mại của Kitzi trong tay mình, trong khi hai bố con lững thững đi xuống tới một con suối nhỏ, cảm thấy không cần phải nói năng gì, và ngồi sát bên nhau dưới một cây có bóng mát, họ ăn những thức Kitzi mang theo từ nhà bếp - thường thường là bánh bơ tròn nguội, nhồi đầy món mứt quả mâm xôi ưa thích của anh. Rồi hai bố con bắt đầu trò chuyện.
Phần lớn là anh nói, và nó luôn luôn ngắt lời anh bằng những câu hỏi mà đa số đều mở đầu: "Làm sao mà…". Nhưng một hôm, Kunta chưa kịp mở miệng, nó đã hăm hở nói: "Bố muốn nghe hôm qua "mămzen" An học [1] con gì hông?"
Anh chẳng thiết nghe bất cứ cái gì dính dáng đến con nhỏ hay cười như nắc nẻ ấy, song vì không muốn xúc phạm tình cảm của Kitzi, anh nói: "Bố nghe đây!"
"Pitơ, Pitơ", nó đọc. "Có vợ không biết giữ - Đem bỏ vào vỏ sò - Rất là đảm bảo…"
"Thế đấy à?", anh hỏi.
Nó gật đầu, "Bố thích hông?"
Anh nghĩ đó quả là điều anh chờ đợi ở "mămzen" An chí ngu.
"Con đọc giỏi thật!", anh trả lời thoái thác.
"Đố bố đọc hay bằng con đấy", nó nháy mắt nói.
"Bố không đọc!"
"Nào, bố đọc thử con nghe một lần thôi mà"
"Quẳng xa khỏi tui cái trò rắc rối này đi!", giọng anh có vẻ cáu hơn trong thực tế. Nhưng con bé cứ nài và rốt cuộc cảm thấy hơi ngồ ngộ là Kitzi của anh có thể vầy vò cưỡi đầu, cưỡi cổ anh dễ dàng đến thế, Kunta cố gắng ngắc ngứ nhắc lại mấy câu vè lố bịch nọ, cốt sao nó để cho mình yên thân, anh tự nhủ vậy.
Trước khi nó kịp thúc anh thử lại lần nữa, Kunta vụt nghĩ là mình có thể đọc cho nó nghe một cái gì khác - có thể là vài câu thơ trong kinh Kôran cho nó biết bộ kinh nghe hay như thế nào - thế rồi anh nhận ra rằng những câu thơ ấy đối với nó cũng chẳng có nghĩa gì hơn câu "Pitơ, Pitơ" đối với anh. Cho nên anh quyết định kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Truyện con cá sấu và chú bé, nó nghe rồi, nên anh kể chuyện con rùa lười dỗ con báo ngu cho cưỡi lên lưng, viện cớ ốm quá không đi được. "Tất cả những truyện bố kể, bố nghe ở đâu hứ?", khi anh kể xong, Kitzi bèn hỏi vậy.
"Khi bố bằng tuổi con - từ miệng một bà già bết mọi thứ  tên là Nyô Bôtô". Đột nhiên Kunta cười to khoái chá khi nhớ lại: "Đầu bà trọc lóc dư quả trứng! Răng cũng chả có, dưng mà được cái lưỡi dọn kéo lại! Vậy mà bà yêu bọn lau dau chúng tui dư con đẻ!"
"Thế bà hông có con à?"
"Hồi trẻ, bà có hai con, bao lâu trước khi đến Jufurê cơ. Dưng mà họ bị bắt đi trong một cuộc giao tranh giữa làng bà mấy một bộ lạc khác. Bố chắc là bà chả bao giờ nguôi quên chuện í".
Kunta im bặt, choáng ngợp bởi một ý nghĩ trước đó chưa từng đến trong đầu anh; điều đó cũng đã xảy đến với Bel hồi chị còn trẻ. Anh ước sao có thể kể cho Kitzi nghe về hai người chị gái cùng mẹ khác cha của nó, song anh biết làm thế chỉ khiến nó bàng hoàng - chưa nói chi đến Bel, từ cái đêm đẻ Kitzi, chị kể cho anh nghe về hai đứa con gái bị mất, chị không hề nhắc lại chuyện ấy. Nhưng chính anh - chính những người bị xiềng bên cạnh anh trên con tàu mãi nô, tất cả đã chẳng bị cướp đi khỏi mẹ mình đó sao? Tất cả muôn ngàn người khác, không sao tính xuể, đến đây trước anh và sau anh, đã chẳng bị như thế sao?
"Chúng nó mang bọn tui tới đây trần dư dộng!", anh nghe thấy mình bật ra nói. Kitzi hất đầu, nhìn chằm chằm; nhưng anh không thể ngừng lại được. "Còn xóa cả tên họ chúng ta đi nữa. Chúng nó muốn mọi người đẻ ở đây thậm chí không biết mình là ai! Tổ tiên chúng ta là dững thương khách, du khách, dững bậc thánh nhân - cả hàng mấy trăm vụ mưa trước ở cái vùng đất gọi là cổ Mali í! Con có hiểu bố đang nói gì không, hả bé?"
"Có, bố ạ", nó ngoan ngoãn nói, song anh biết nó chả hiểu nổi. Anh nảy ra một ý. Nhặt một cái que, gạt nhẵn một khoảng đất giữa hai bố con, anh vạch mấy chữ Arập lên đó.
"Đây là tên bố - Kunta Kintê", anh vừa nói vừa lấy ngón tay chậm rãi viết.
Nó nhìn trân trân, mê mẩn. "Bi giờ, bố làm tên con đi". Anh làm theo. Nó cười. "Cái này là Kitzi". Anh gật đầu. "Bố có học con viết như bố không?" Kitzi hỏi.
"Làm thế không hợp", Kunta nghiêm nghị nói.
"Sao lại không?", giọng nó có vẻ phật ý.
"Ở châu Phi, chỉ con trai mới học đọc, học vết. Con gái không cần cái í - ở đây cũng vậy".
"Vậy làm sao mẹ lại biết đọc, biết viết?"
Vẻ nghiêm khắc, anh nói: "Đừng có nói chuện í? Nghe không? Không việc gì đến ai sất! Người da trắng không thích bất cứ ai trong chúng ta bết đọc hay vết".
"Làm sao thế?"
"Là vì họ nghĩ chúng ta càng bết ít, càng đỡ gây rối"
"Con ứ gây rối gì cả", nó dẩu mỏ nói.
"Nếu chúng mình không nhanh nhanh đi về lều, thì mẹ sẽ gây rối cho cả hai bố con đấy"
Kunta đứng dậy và bắt đầu đi, rồi bỗng dừng bước quay lại vì nhận ra là Kitzi không theo sau mình. Nó vẫn ở bên bờ suối, đăm đăm nhìn vào hòn sỏi nó vừa thấy.
"Lại đây nào, đến giờ về rồi". Nó ngước mắt lên nhìn anh, anh bước lại và chìa tay ra. "Nói cho con nghe cái này nhé", anh nói "Con nhặt hòn sỏi í, mang về và giấu nó vào một chỗ nào chắc chắn, rồi nếu con giữ miệng không để lộ thì sáng hôm đầu tuần trăng sau, bố sẽ cho con bỏ nó vào quả bầu của bố".
"Ôi, bố!", nó cười tươi như hoa.
Chú thích:
[1] Đáng lẽ là "dạy" nhưng Kitzi nói ngược

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley