Dịch giả: Dương Tường
Chương 107

Thoạt tiên nghe thấy tiếng động, rồi tiến nhanh tới, bà Emili Hâut giật mình trông thấy cô hầu phòng Airin yêu quý của mình ngồi thu lu, khóc nấc lên đằng sau chỗ cầu thang nhà dưới uốn thành hình vòng cung. Lập tức, bà chủ hoảng lên: “Cái gì thế, Airin?”. Bà Emili cúi xuống, nắm lấy đôi vai thổn thức, lắc mạnh. “Đứng dậy khỏi đây ngay lập tức và kể ta nghe! Cái gì thế?”.
Airin cố gắng loạng choạng đứng dậy, đồng thời hổn hển thổ lộ với bà chủ về mối tình của cô với Tôm, nói rằng cô muốn lấy anh, chứ không thể tiếp tục chống lại mấy cậu công tử cứ theo đuổi cô hoài. Bà Hâut, đột nhiên bị kích động, thúc cô nêu đích danh bọn ấy, và, qua hàng nước mắt, Airin phun ra hai cái tên.
Tối hôm ấy, trước bữa ăn, ông bà Hâut, qua phút dao động, đã nhất trí rằng cần mau chóng bán Airin cho mexừ Marê, việc đó rõ ràng là phù hợp nhất với lợi ích của gia đình.
Tuy nhiên, vì ông bà Hâut chân thành yêu mến Airin và rất tán thành việc cô chọn Tôm làm bạn trăm năm, nên họ một mực yêu cầu ông bà Marê để cho họ đăng cai hôn lễ và tiệc cưới. Tất cả các thành viên của hai gia đình Hâut và Marê, da trắng cũng như da đen, sẽ dự lễ ở sân trước đại sảnh nhà Hâut, với linh mục hành lễ và đích thân mexừ Hâut trao cô dâu cho nhà trai.
Nhưng giữa cái dịp vui đầy xúc động này, điều nổi bật gây xôn xao nhất chính là đóa hoa hồng bằng sắt có cuống dài, gò tay một cách tinh vi, hoàn hảo mà chú rể Tôm rút ra từ trong túi áo véttông và âu yếm trao tặng cho cô dâu tươi roi rói. Giữa những tiếng “ồ”, “à” của cả đám cưới, Airin hôn đóa hoa bằng mắt, rồi ép nó vào ngực, cô thì thào “Tôm rành là quá đẹp! Em sẽ không bao giờ xa rời bông hoa hồng này – cũng như anh!”.
Trong bữa tiệc cưới linh đình ở ngay trong sân, sau khi hai gia đình da trắng hân hoan rút lui vào dùng bữa trong đại sảnh, bà Matilđa, sau cốc rượu vang ngon thứ ba sôi nổi nói với Airin: “Con còn hơn là một đứa con gái xinh đẹp! Con đã cứu mẹ khỏi lo lắng là Tôm quá nhút nhát không dám cầu hôn với cô gái nào...” Airin nhanh nhảu và lớn tiếng đáp: “Anh í có dám đâu!” Và các khách ngồi trong tầm tai nghe rộ lên cười theo họ ầm ĩ.
Sau tuần lễ đầu tiên trở về đồn điền Marê, gia đình Tôm bắt đầu nói đùa với nhau rằng, từ khi cưới, chiếc búa của anh như hát trên đe. Chắc chắn là trước nay chưa ai thấy anh chuyện trò nhiều như thế hoặc hay mỉm cười với nhiều người như thế, hoặc làm việc hăng say như từ khi Airin về với anh. Bông hoa hồng bằng sắt quý báu của cô ngự trên lò sưởi ngôi nhà gỗ mới của họ mà cứ rạng sáng, anh lại rời khỏi để ra nhóm lò rèn, sau đó những tiếng dụng cụ chí chát gò kim khí cứ rền rền chẳng mấy khi ngắt cho đến khi vật nung đỏ cuối cùng vào lúc sẩm tối được nhúng vào chậu nước ngầu ngầu, kêu xèo xèo và sủi bọt nguội dần. Có khách đến thuê chữa lặt vặt hoặc chỉ đơn thuần là để mài sắc một dụng cụ nào đó, anh thường đề nghị họ vui lòng chờ. Một số nô lệ thích ngồi trên những khúc gỗ cao độ ba mươi phân đặt ở một bên, tuy nhiên phần đông lại ưng quanh quẩn tụ thành một nhóm thoải mái trao đổi những chuyện cùng quan tâm. Bên phía đối diện, các khách hàng da trắng thường ngồi chờ trên những chiếc ghế dài làm bằng gỗ xẻ mà Tôm dành cho họ, thận trọng đặt vừa đúng tầm tai nghe, song vừa đủ xa để đám da trắng không nghi ngờ là trong khi làm việc, Tôm vẫn hóng chuyện họ. Vừa hút thuốc, vừa gọt gọt đẽo đẽo và thỉnh thoảng tợp một ngụm từ những cút rượu bỏ túi trong khi trò chuyện, họ đi đến chỗ coi cửa hiệu của Tôm như một nơi gặp gỡ nổi tiếng của địa phương, hàng ngày cung cấp cho anh một lô chuyện gẫu, đôi khi cả những tin mới toanh, quan trọng mà anh đem kể cho Airin và mẹ Matilđa của mình cùng số còn lại trong gia đình xóm nô sau giờ ăn tối.
Tôm kể cho gia đình biết người da trắng tỏ ra cay đắng sâu sắc biết mấy về chiến dịch đang rộ lên của những người theo chủ nghĩa bài nô ở miền Bắc chống chế độ nô lệ. “Họ biểu tổng thống Biucơnơn biết điều thì tách xa cái đám vô tích sự những tên yêu nhọ, nếu ông í chờ đợi một sự ủng hộ nào đó ở miền Nam nầy”. Nhưng các khách hàng da trắng của anh – Tôm nói – trút ra lời sự căm thù độc địa nhất của họ “đối mấy mexừ Ebrahơn Lincôn, người đang nói đến chuyện giải phóng dân nô lệ chúng ta”.
“Rành là thật!” Airin nói. “Cách đây ít cũng một năm, em đã nghe họ nói nếu ông í không im mồm thì sẽ đẩy miền Bắc lẫn miền Nam vào một cuộc chiến tranh!”.
“Phải nghe cái ông cụ chủ của tui to mồm nguyền rủa mới khiếp cơ!” Lili Xiu thốt lên. “Ông í biểu mexừ Lincôn chân, tay đầy hạch, mặt xấu xí, dài nghêu, lông lá đến nỗi khó mà nói ông í giống người hơn hay giống khỉ hoặc đười ươi hơn! Biểu ông í sinh ra và lớn lên nghèo rớt mồng tơi trong một căn lều gỗ, phải bắt cáo bắt chồn lấy cái ăn, mấy lị sẻ gỗ thuê thành ván hàng rào, y dư một tên nhọ vậy”.
“Anh Tôm, anh chả biểu mexừ Lincôn bi giờ làm luật sư là gì?” Kitzi-bé hỏi và Tôm ậm ừ gật đầu.
“Nầy, mẹ bất cần dững người da trắng í nói cái gì!”. Matilđa tuyên bố. “Mexừ Lincôn làm tốt cho chúng ta nếu ông í khiến bọn họ nháo nhác lên dư thế. Thật tình, mẹ càng nghe nói về ông í thì lại càng thấy ông í dư ông Môixê cố tìm cách giải phóng chúng ta là con dân xứ Ixrael vậy!”.
“Ấy thế, rành là ông í không thể làm thế thật nhanh chóng cho hợp nguyện vọng của con”. Airin nói.
Cả cô và Lili Xiu đều được mexừ Marê mua về tăng cường lực lượng lao động làm đồng. Mới đầu, cô làm đủ lệ bộ như vậy. Nhưng chưa được bao tháng, Airin đã đề nghị với anh chồng si mê làm cho mình một chiếc khung cửi – và cô bèn được toại ý ngay trong thời gian ngắn nhất mà đôi tay khéo léo của anh có thể thực hiện. Thế rồi, ở cách xa khoảng ba căn nhà, người ta có thể nghe thấy tiếng lách cách đều đặn của chiếc khung cửi trong khi cô làm việc đến tận đêm khuya, sau cả giờ đi ngủ của mọi người khác trong xóm nô. Chẳng bao lâu, đã thấy anh chàng Tôm hãnh diện ra mặt, tuy nhiên cũng có phần ngượng nghịu, mặc một chiếc sơ mi mà Airin đã cắt và may từ tấm vải do chính bàn tay cô dệt nên. “Chỉ là em thích làm dững việc gì mẹ em đã dậy em” cô khiêm tốn đáp lại những lời khen ngợi. Sau đó, cô chải, se, quay sợi, dệt và may đôi áo dài có diềm xếp nếp thật xứng hợp cho Lili Xiu và Kitzi-bé làm cho hai cô nàng sướng ngây ngất – Kitzi-bé, nay đã gần hai mươi tuổi, tỏ ra hoàn toàn không quan tâm gì đến chuyện “yên bề gia thất”, mà dường như chỉ thích nhởn nhơ hết cuộc yêu đương này đến cuộc giăng gió khác, người tình mới nhất của cô, Amôx, là một công nhân làm đủ mọi việc ở cái khách sạn mới hoàn thành của công ty đường sắt Bắc Carôlina, ở khu cơ xưởng của công ty cách đấy mười dặm.
Rồi Airin lại mang cơm cho từng người trong các anh em chồng – điều khiến cho bọn họ, kể cả Asfođ thực sự xúc động – và cuối cùng là những tạp dề, áo “blu” và mũ mềm cho Matilđa và bản thân cô. Cả bà chủ rồi đến mexừ Marê cũng không kém thích thú ra mặt với những váy áo và sơ mi với đường kim mũi chỉ đẹp lạ lùng mà cô may cho họ bằng vải dệt từ bông mọc ngay trên đồn điền của họ.
“Ồ, quả là đẹp!” Bà Marê kêu lên, xoay một vòng để phô chiếc áo váy với Matilđa mặt tươi như hoa. “Tôi không hình dung ra được tại sao ông bà Hâut lại bán nó cho chúng tôi, mà lại với giá phải chăng như thế!”. Khéo léo tránh không bộc lộ sự thật mà Airin đã tâm sự với bà, Matilđa nói: “Thưa bà, cùng lắm tui chỉ có thể đoán là tại họ rất chi là thích Tôm”.
Vốn rất yêu màu sắc, Airin hăm hở thu nhặt các thứ cây, lá cô cần để nhuộm vải và vào những dịp cuối tuần đầu thu năm 1859 người ta thấy những tấm vải các màu xanh, lục, đỏ, tía, nâu và nhất là màu vàng ưa thích của cô, hong khô trên những sợi dây mây phơi quần áo. Chẳng cần ai chính thức quyết định hoặc thậm chí để ý thấy, Airin dần dà rút hẳn không làm việc đồng áng nữa. Từ ông chủ, bà chủ cho chí thằng bé Iuriơ bốn tuổi, cung cách khác thường, của Vơjơl và Lili Xiu, ai nấy đều nhận thức rõ thêm nhiều là bằng những cách ngày càng phong phú, Airin đang góp một khía cạnh tươi sáng mới vào cuộc đời của tất cả bọn họ.
“Con cho rằng cái chính làm con muốn lấy anh Tôm đến thế, là vì con thấy cả hai chúng con đều thích làm các thứ cho mọi người”, cô nói với Matilđa đang ung dung đu đưa trong chiếc ghế trước lò sưởi ánh lên mờ mờ, một buổi tối lạnh giá cuối tháng mười. Ngừng một lát, Airin ranh mãnh liếc nhìn mẹ chồng. “Biết tính anh Tôm”, cô nói, “nên con chả cần hỏi xem anh í có biểu mẹ là chúng con đang làm một cái gì khác nữa...”
Phải mất một giây, ý nghĩa câu nói mới ngấm. Mừng rú lên, chồm dậy và ôm chặt lấy Airin, bà Matilđa sướng ngây ngất cả người, “Làm một đứa con gái trước đã, cưng ạ, để mẹ có thể ôm ấp, ru nó như một con búp bê!”.
Airin làm vô số thứ, nhiều đến mức không tin được, suốt những tháng mùa đông trong khi bụng cô mỗi ngày một chửa to. Đôi bàn tay của cô dường như có thể tạo nên một phép mầu phút chốc khiến cho trong đại sảnh lẫn từng căn lều ngoài xóm nô đều hoan hỉ. Cô lấy vải vụn tết thành thảm, cô làm những cây nến Nô-en và Tết dương lịch vừa rực rỡ mầu sắc vừa thơm ngát, cô đẽo gọt sừng bò khô thành những chiếc lược xinh xinh, vỏ bầu thành môi múc nước và biến những tổ chim thành họa tiết trang trí. Cô năn nỉ bằng được Matilđa để cho cô tiếp thu nhiệm vụ hàng tuần nấu giặt và là quần áo cho tất cả mọi người. Cô bỏ mấy chiếc lá húng quế hoặc hoa hồng khô ngào ngạt hương giữa những nếp quần áo gấp gọn, làm cho dân đồn điền Marê, da trắng cũng như da đen, đều thơm phức.
Tháng hai năm ấy, Airin bị Matilđa xúi giục tham gia vào một âm mưu tay ba; trước đó, bà đã tranh thủ được sự giúp đỡ của Asfođ, anh chàng có vẻ thú cái trò này. Sau khi giải thích kế hoạch của mình, Matilđa đe Airin “Đừng có hở câu nào mấy Tôm đấy, mầy lạ gì tính nó cứng nhắc và đúng mực dư thế nào!”. Thâm tâm thấy không có hại gì trong việc thực hiện những chỉ thị của bà, Airin nắm lấy cơ hội đầu tiên để kéo riêng cô em chồng Kitzi-bé (vốn công khai tôn sùng bà chị dâu) ra một chỗ và trịnh trọng nói: “Chị nghe nói một đều mà chị đồ là em không muốn. Cái anh Asfođ í cứ thì thà thì thầm khắp rằng thì là tuồng dư có một đứa con gái xinh thật là xinh đang định cướp của em cái anh chàng Amôx làm ở khách sạn đường sắt...” Airin ngần ngừ một lát vừa đủ để xác định rõ đôi mắt Kitzi-bé nheo lại vì ghen, rồi tiếp tục: “Anh Asfođ biểu con bé ở ngay cùng đồn điền mấy gã kia. Anh ấy biểu Amôx hàng tuần đến gặp nó mấy đêm, còn chủ nhật mới gặp em. Con bé nói chả mấy nữa nhất định nó sẽ cùng Amôx nhẩy chổi”.
Kitzi-bé đớp mồi ngay như một con cá đói, tin đó làm cho Matilđa vô cùng mãn ý, bà đã kết luận rằng, theo sự quan sát ngấm ngầm của bà về đám người tình trước của cô con gái đổi thay xoành xoạch, Amôx có vẻ là triển vọng vững vàng nhất, chân thành nhất để Kitzi-bé thôi lăng nhăng và ổn định một bề với anh ta.
Airin thấy ngay cả anh chàng Tôm khắc kỷ của mình cũng phải nhướn lông mày lên trong buổi chiều chủ nhật tiếp đấy, khi Amôx cưỡi con la mượn tới, trung thành thực hiện cuộc đi thăm thường lệ. Chưa ai trong gia đình thấy Kitzi-bé sôi nổi phô bày sự vui tươi hóm hỉnh cùng những ngón gợi ý kín đáo như lần này, trong khi cô tới tấp chầm bập anh chàng Amôx hồ như líu lưỡi lại, mà trước đây, ít nhiều cô thường tỏ ra chán ngấy. Sau mấy chủ nhật như vậy nữa, Kitzi-bé thú nhận với nữ thần tượng Airin của mình là cuối cùng, cô đã yêu thật sự và Airin mau chóng kể lại điều đó với Matilđa, làm bà hài lòng sâu sắc.
Nhưng rồi khi thấy chủ nhật nữa qua đi mà không thấy đả động gì đến chuyện nhẩy chổi, Matilđa tâm sự với Airin: “Mẹ thấy lo lo. Mẹ biết chả mấy nữa, hai đứa nó sẽ làm cái gì đấy. Con xem, lần nào thằng í đến đây, chúng nó cũng đi dạo, tách hẳn khỏi tất cả bọn ta, đầu chụm sát vào nhau...” Matilđa ngừng một chút, “Airin ạ, mẹ lo hai cái. Thứ nhất, chúng nó cứ đú đởn và gần gũi nhau quá, con bé có thể đi đến chỗ chung gối chung chạ. Cái nữa là thằng í vốn quen chuyện đường xe lửa mấy người nọ người kia đi đây đi đó, mẹ không biết liệu chúng nó có thể nghĩ đến chuyện chạy trốn lên mạn Bắc hay không? Bởi vì Kitzi-bé rành là đủ liều lĩnh để toan tính bất kỳ cái gì, con biết đấy!”.
Chủ nhật sau, Amôx vừa đến, Matilđa đã mau chóng xuất hiện, mang một chiếc bánh kem lớn nhiều tầng và một bình limônát tướng. Bà lớn tiếng rành rọt mời Amôx, nói rằng nếu như bà nấu nướng không cừ bằng Kitzi-bé đi nữa, thì chẳng gì Amôx cũng chịu khó nếm một miếng bánh và trò chuyện tí chút. “Quả thật, bọn ta cũng chả còn được gặp cháu mấy nữa, tuồng dư vậy!”.
Kitzi-bé vừa hừm một tiếng, đã vội nín bặt ngay lập tức khi cô thấy Tôm lừ mắt nghiêm nghị, trong lúc Amôx không còn cách nào khác, đành phải ngồi xuống chiếc ghế được kéo ra mời anh. Rồi trong khi gia đình vừa giải khát, vừa chuyện gẫu, Amôx cũng phải tham gia đôi ba tiếng ngượng ngập, gượng gạo. Sau một lát, rõ ràng là Kitzi-bé quyết định phải chứng tỏ người yêu của mình bội phần hay hơn là gia đình cô có thể đánh giá.
“Amôx, sao anh không kể cho mọi người nghe về dững cái cột cao vút mấy lại dây thép mà dững người da trắng công ty đường sắt mới dựng cách đây không lâu?” Giọng cô có vẻ đòi hỏi hơn là đề nghị.
Amôx luống cuống một chút rồi nói: “À, thật quả chả biết cháu có thể tả đích xác nó là cái gì không. Dưng mà mới tháng qua, họ đã kéo dây thép qua suốt các đỉnh cột cao thật là cao, chạy dài tít tắp đến hết tầm mắt...”
“Thế dững cây cột mấy lại dây thép í để làm gì?” Matilđa hỏi.
“Mẹ, anh í đang sắp sửa nói đến chỗ í!”.
 Amôx có vẻ bối rối. “Điện tín, đâu dư họ gọi nó thế, thưa bác. Cháu đã đi theo đường dây, xem nó dẫn vào nhà ga xe lửa, ở đấy người ký ga có trên bàn giấy, một cái máy kỳ cục với một thứ cán ngồ ngộ lệch về một bên. Thi thoảng, ông ta lấy ngón tay ấn nó kêu tanh tách. Dưng mà nhều lần, cái máy í tự nó kêu tạch tạch. Cái này làm dân da trắng náo nức thật lực. Bi giờ, sáng nào cũng có một lô một xốc bọn họ đến, buộc ngựa, tha thẩn quanh đấy, chỉ chờ nghe cái vật í bắt đầu tạch tạch. Họ biểu đó là tin tức từ nhiều nơi khác nhau truyền qua dây thép tận trên các đầu cột kia”.
“Amôx, khoan đã, nầy...”, Tôm chậm rãi nói “Chú bẩu nó truyền tin dưng không nói, mà chỉ tạch tạch thôi ư?”.
“Vâng, thưa ông Tôm, y như một con châu chấu gộc í. Tôi thấy tuồng dư ông ký ga làm cách nào đấy để ghi từ cái í ra thành chữ cho đến khi nó dừng lại. Rồi loáng sau, ông í bước ra ngoài và nói cho dững người kia biết mọi chuyện trong đó”.
“Dững cái người da trắng í quả là một cái gì!” Matilđa thốt lên. “Chúa đã phán mà!” Bà nhìn Amôx, hớn hở gần như Kitzi-bé.
Amôx, rõ ràng là thoải mái hơn trước nhiều, lúc này không cần ai giục cũng tự động kể thêm một điều kỳ diệu nữa. “Ông Tôm, ông đã bao giờ vào xưởng sửa chữa hỏa xa nào chưa?”
Tôm đang thầm khẳng định là anh ưa gã trai trẻ này, vẻ như, cuối cùng, em gái anh đã chọn gã để cùng nhau nhảy chổi, gã có cốt cách đáo để. Xem ra gã là người chân thật, vững vàng.
“Không, chú ạ, tui chưa từng,” Tôm nói – “Vợ chồng tui thường đánh xe qua khu cơ xưởng của công ty, dưng mà tui chưa bao giờ vào bên trong một ngôi nhà nào ở đó”.
“Ấy, tui đã nhiều lần bưng khay đựng thức ăn từ khách sạn đến cho các người ở cả mười hai xưởng khác nhau và tui cho xưởng rèn là bận rộn nhất. Ở đấy, họ làm dững việc dư là uốn thẳng lại những cái trục toa to tướng bị cong, chữa đủ mọi thứ hỏng hóc của toa xe, mấy lị làm đủ các loại bộ phận làm cho tầu chạy. Dững cái tời ở đấy to dư dững khúc gỗ, bắt vít vào trần nhà, và ước chừng mười hai đến mười lăm thợ rèn mỗi người có một nhọ giúp việc quay dững cái vồ và búa tạ to chưa từng thấy. Họ có dững lò rèn đủ to để quay được đến hai ba con bò nguyên cả con, và một nhọ giúp việc bẩu tui là dững cái đe của họ nặng tới tám trăm pao!”.
“Huýt!” Tôm huýt gió rõ ràng là bị ấn tượng mạnh.
“Đe của anh nặng bao nhêu, anh Tôm?” Airin hỏi.
“Khoảng hai trăm pao và không phải ai cũng nhấc nổi nó”.
“Amôx...” Kitzi-bé nhắc, “anh không kể gì về cái khách sạn mới của anh, nơi anh làm việc!”.
“Khoan đã nào, đâu phải khách sạn của tui!” Amôx cười nhe cả hai hàm răng. “Rành là tui dững hước hao giá nó là của tui! Họ hốt bạc! Lạy chúa! Phải, chắc mọi người đều biết cái khách sạn í xây dựng chưa được bao lâu. Người ta biểu một số ông lền ông cáu tiết là vì ông chủ công ty đường sắt nói chuyện mấy họ, dưng lại chọn bà Nanxi Hilơđ làm quản lý khách sạn. Chính bà là người đã tuyển tui vào vì nhớ hồi đang nhớn, tui làm cho gia đình bà rất cần cù. Đại khái, khách sạn có ba mươi phòng với sáu buồng vệ sinh ở sân sau. Khách phải giả một đôla một ngày tiền thuê phòng, chậu rửa mặt, khăn tắm cùng với các bữa ăn sáng, trưa, tối và ghế ngồi chơi ở cổng tiền. Thi thoảng, tui nghe thấy bà Nanxi rầy la về chuyện phần lớn công nhân đường sắt làm rây bê bết dầu mỡ và bồ hóng vào dững khăn trải giường trắng bốp của bà, dưng bà lại nói, thôi được, chí ít họ cũng tiêu hết mọi thứ họ kiếm được, cho nên họ góp phần làm cho khu cơ xưởng của công ty phát đạt lên!”.
Một lần nữa Kitzi-bé lại gợi cho Amôx của mình: “Còn chuyện phục vụ ăn uống cho hàng bao nhêu người đi tầu thì sao?”.
Amôx mỉm cười: “À, việc này làm bầy tui bận bịu chưa từng thấy! Nầy nhé, hàng ngày có hai chuyến tàu khách, một chuyến chạy về phía đông, chuyến kia phía tây. Trên đường đến Mrếc Linxvil hoặc Hilxborô, tùy theo tầu đi theo hướng nào, trưởng tàu đánh điện tín trước cho khách sạn biết có bao nhêu hành khách và nhân viên trên tầu. Và khi chuyến tầu í đến ga bầy tui, xin nói để các vị biết, bà Nanxi đã cho bầy tất cả đồ ăn lên dững dãy bàn dài, nóng xốt, bốc hơi nghi ngút và tất cả cánh giúp việc bầy tui cứ là tíu tít hầu bàn! Xin nói là ê hề, nào chim cun cút, nào dăm bông, nào gà thỏ, nào thịt bò, thôi thì đủ các loại xà lách trộn, rau thì muốn kể thứ gì cũng có, cùng với cả một bàn toàn đồ tráng miệng! Người kéo ra ùn ùn từ đoàn tầu to tướng đậu ở đấy hai mươi phút để cho họ đủ thì giờ ăn uống trước khi trở lại toa và nó bắt đầu tu tu xịch xịch đi tiếp!”.
“Còn dững người chào hàng, anh Amôx!”. Kitzi-bé kêu và mọi người mỉm cười trước vẻ tự hào của cô.
“Phải”, Amôx nói. “Họ là dững người mà bà Nanxi rất thích cho trọ ở khách sạn! Thi thoảng, hai, ba người chào hàng cùng ở một chuyến tàu xuống ga, tui mấy một nhọ nữa vội vàng đến xách va-li cho họ cùng với những hòm đen nặng, bọc lưới da mà bầy tui biết là đầy dững mẫu hàng, và đưa họ về khách sạn. Bà Nanxi biểu họ là dững tay hào hoa phong nhã chính cống, luôn luôn sạch sẽ tinh tươm và thực sự trân trọng việc họ được săn sóc tử tế, và tui cũng thích họ. Một số rất nhanh nhẩu chi năm xu, một hào thưởng công xách cặp hoặc đánh giầy cho họ, hoặc dững việc gần dư không đáng kể! Họ tắm táp cẩn thận rồi dạo quanh thị xã, trò chuyện mấy mọi người. Ăn chiều xong, họ ngồi chơi ở cổng, hút hoặc nhai thuốc lá, ngắm nhìn hoặc nói chuyện cho đến lúc lên gác đi ngủ. Rồi sáng hôm sau, điểm tâm xong, họ gọi một người trong cánh nhọ bầy tui mang dững hòm mẫu hàng đến cửa hiệu thợ rèn thuê một con ngựa, một cỗ xe với giá một đôla một ngày và họ đánh xe đi bán hàng cho hầu khắp các cửa hàng dọc dững con đường trong quận này, là tui gẫm thế...”
Hoàn toàn thán phục Amôx được làm việc giữa những điều kỳ diệu như vậy, anh chàng Joóc-con phục phịch kêu lên hồn nhiên: “Amôx chú mầy, ta không ngờ chú mầy đang sống ra cái gì đấy!”.
“Bà Nanxi biểu hỏa xa là cái bất hủ nhất kể từ khi biết dùng ngựa”. Amôx khiêm tốn nhận xét. “Bà í biểu bao giờ có thêm nhều đường sắt nối liền nhau, mọi sự sẽ không bao giờ còn dư cũ nữa”.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley