Dịch giả: Dương Tường
Chương 78

Trong những tháng tiếp theo, với việc bắt bớ, xử án rồi hành quyết hết người này đến người khác trong vụ âm mưu, và cuối cùng là chính Ghêbriơl Proxơ, tin tức về cuộc nổi dậy ở Richmơnđ - và về những căng thẳng do nó gây ra - dần dần xẹp đi, và một lần nữa, chính trị lại trở thành đầu đề bàn cãi chính giữa đám ông chủ và bạn bè, do đó ở cả trong xóm nô nữa. Giỏi lắm, Kunta, Bel và bác vĩ cầm cũng chỉ khớp lại những gì họ nghe ngóng bằng nhiều cách khác nhau về việc bầu Tổng thống sắp tới, về một mexừ Aorơn Bơr đã ngang phiếu với mexừ  Thômax Jefơxơn trứ danh cuối cùng ông này đã giành được chức đó, rõ ràng vì ông được sự ủng hộ của mexừ Eliczanđe Hamilton đầy thế lực, còn mexừ Bơr, kình địch với mexừ Hamilton, thì được bầu làm Phó Tổng thống.
Xem ra không ai biết gì mấy về mexừ Bơr, nhưng về mexừ Jefơxơn thì Kunta được một lái xe sinh ở bang Vơjinia cách đồn điền Môntixelô của ông không bao xa cho biết rằng các nô lệ của ông tuyên bố là không thể có ông chủ nào tốt hơn thế.
"Lái xe í biểu tui là mexừ Jefơxơn không bao giờ cho phép xú-ba-dăng được đánh ai", Kunta thuật lại cho dân xóm nô cùng nghe. "Và tất cả bọn họ được ăn tốt, và ông í để cho lền bà quay sợi và may quần áo tốt cho tất cả, và ông í tin tưởng để cho họ học nhều nghề khác nhau". Sau một chuyến mexừ Jefơxơn đi xa trở về, Kunta nghe kể vậy, các nô lệ của ông ra cách đồn điền hai dặm để đón, họ tháo ngựa và vui vẻ kéo xe suốt quãng đường dài ấy về tới đại sảnh Môntixelô, tại đó họ công kênh ông lên vai đưa tới tận ngưỡng cửa.
Bác vĩ cầm cười hô hố: "Hồ dư mọi người đều bết có ói nhọ là con của mexừ Jefơxơn mấy mụ lai duôm duôm của ông tên là Xali Hêminh". Bác sắp sửa nói thêm thì Bel góp vào cái điều thú vị nhất mà chị biết: "Cứ dư lời một cô phụ bếp ở đấy", chị nói, "thì mexừ Jefơxơn không thích ăn gì hơn một con thỏ ngâm dầu, cỏ xạ hương, hương thảo mấy lại tỏi suốt đêm, rồi hôm sau ninh trong riệu vang kỳ đến lúc thịt róc khỏi xương".
"Nói dư thật", bác vĩ cầm thốt lên, giọng giễu cợt.
"Để xem chả mấy nỗi bác lại xin tui miếng bánh nhân đại hoàng!", Bel cáu kỉnh nói.
"Để xem bao giờ tau xin mày!", bác vặc lại.
Không chịu để mắc kẹt ở giữa như trước đây anh vẫn hay bị - do cố giảng hòa mỗi khi vợ anh và bác vĩ cầm cãi lộn rồi quay sang yêu cầu anh can thiệp - Kunta làm như không nghe thấy gì, mà chỉ tiếp tục câu chuyện từ chỗ anh bị họ ngắt quãng.
"Tui nghe là mexừ Jefơxơn bỉu  chế độ nô lệ cũng tệ hại cho người da trắng y dư cho cánh  ta đây và ông í đồng í với mexừ Hamilton rằng người da trắng với người da đen có quá nhiều dị bệt dân tộc, không thể sống hòa bình mấy nhau được. Họ bỉu mexừ Jefơxơn mún thấy chúng ta được trả tự do, dưng chớ có cố kết bám lấy đất nước này mà hứng lấy dững công việc của người da trắng nghèo - ông í ủng hộ đưa chúng ta lên tàu chở về châu Phi dần dần, không ầm ĩ, không rối loạn".
"Tốt hơn là mexừ Jefơxơn nói chuện mấy bọn buôn bán nô lệ í", bác vĩ cầm nói, "bỉ chưng xem vẻ bọn nó có dững ý kiến khác về hướng đi của các con tàu".
"Vừa rồi khi ông chủ đi các đồn điền khác, tui nghe nói có hàng lũ lỉ người bị bán", Kunta nói, "Hàng gia đình đã sống ở đây suốt đời bị chủ bán xuống miền Nam. Mới hôm qua, có một lái buôn nô lệ đi qua trên đường. Hắn ta vẫy vẫy, nhe răng cười và ngả mũ, dưng ông chủ làm dư không trông thấy".
"Hừm! Bọn lối buôn nô lệ đông như ruồi ở tỉnh", bác vĩ cầm nói, "Lần rồi, tau đến Friđiricxbơg, bọn nó vo ve bâu theo sau một lão già khọm, khô đét dư tau, cho đến khi tau rút thông hành chìa ra. Tau thấy một nhọ già khốn khổ, râu bạc bị bán lấy sáu trăm đôla. Thường thường trai trẻ khỏe mạnh được giá í. Dưng mà cái lão nhọ già í chắc chắn không yên thân đâu. Bọn họ vừa giằng lão khỏi bục đấu giá, lão liền gào lên: "Cả bọn da trắng các người đã biến trái đất của Chúa thành một ĐỊA NGỤC sống đối với đồng bào của ta! Cơ mà nhất định khi BUỔI SÁNG PHÁT XÉT sẽ đến, cái địa ngụ sẽ dội LẠI trên đầu tất cả các người đã mang nó đến! Không có sự VAN XIN nào sẽ ngăn nổi nó TIÊU DIỆT các người! Không có thứ THUỐC nào các người làm ra... không có sự TRỐN CHẠY nào... không SÚNG ỐNG nào của tất cả các người... không lời CẦU NGUYỆN nào. KHÔNG CÓ GÌ cứu giúp nổi cả lũ các người!”. Bấy giờ bọn họ bèn kéo lão đi. Lão nhọ già í, xem cái cung cách lão, coi bộ dư là mục sư truyền giáo hay gì gì đó”.
Kunta thấy Bel đột nhiên xúc động. “Cái ông già í...” chị hỏi, có phải ông í đen thật là đen và da bọc xương, kiểu dư còng gập xuống, râu bạc trắng có một cái sẹo to dưới cổ?”.
Bác vĩ cầm có vẻ giật mình: “Phải! Chắc chắn là thế! Hẳn thế! Tất cả dững cái đó đều đúng – mầy biết lão í là ai à?”.
Bel nhìn Kunta như sắp khóc. “Đấy là mục sư rửa tội cho Kitzi”, chị rầu rầu nói.
Cuối ngày hôm sau, Kunta đang ở trong lều bác vĩ cầm thì Catô gõ vào cánh cửa ngỏ. “Mầy làm gì ngoài í? Vào đây!” bác vĩ cầm nói lớn.
Catô vào. Cả Kunta lẫn bác vĩ cầm đều vui mừng thấy anh ta đến. Mới gần đây, họ đã nói lên ý nghĩ chung mong muốn tay lực điền chủ chốt Catô trầm lặng và chắc chắn ấy sẽ gần gũi họ hơn, cũng như ông lão gác vườn dạo trước.
Catô có vẻ không thoải mái. “Tui chỉ muốn nói tui cho là các bác đừng nên kể dững điều đáng sợ các bác nghe được về chuyện bao nhiêu người bị bán xuống miền Nam...”. Catô lưỡng lự. “Duyên do tại sao tui nói mới các bác sự thật là ngoài đồng, mọi người sợ bị đem bán đến nỗi không còn đầu óc đâu mà làm việc nữa”. Anh lại ngừng một quãng ngắn. “Chí ít cũng chả ai nhận tui mới cái thằng bé Nâuơ. Tui gẫm nếu mình bị bán, ừ thì tui bị bán thôi, tui chả biết làm thế nào được. Còn cái thằng Nâuơ – ngó bộ nó chẳng sợ gì cả”.
Sau mấy phút trò chuyện tay ba – trong đó Kunta cảm thấy thái độ nồng nhiệt của Catô, đáp lại sự hoan nghênh nồng nhiệt của hai người – họ nhất trí rằng có lẽ tốt nhất là chỉ nên nói riêng với nhau, thậm chí không cho cả Bel biết, những tin tức ghê gớm nhất chỉ tổ làm những người khác hoảng hốt một cách không cần thiết.
Nhưng độ một tuần sau, một đêm ở trong lều, Bel đang ngồi đan bỗng ngước nhìn lên và nói: “Xem dư mấy người ở đây quẳng ráo lưỡi đi rồi – hoặc thế, hoặc người da trắng thôi không bán nhọ đi nữa, mà tui đây còn tinh hơn các người tưởng đấy!”.
Ầm ừ vì bối rối, Kunta ngạc nhiên thấy chị – và có lẽ tất cả những người khác trong xóm nô – đã đoán bằng trực giác là anh và bác vĩ cầm không kể hết cho bà con nghe những điều mình biết nữa. Cho nên anh lại bắt đầu thuật lại những chuyện bán nô lệ, chỉ bỏ những chi tiết não lòng nhất. Nhưng anh nhấn mạnh vào những tin đào tẩu trót lọt, mô tả những nô lệ tinh khôn, nhanh mồm nhanh miệng đã đánh lừa bọn cách-cơ “tuần cha” ngu dốt để trốn thoát. Một đêm, anh kể cho bà con nghe chuyện một đầu bếp người lai và một gã da đen coi ngựa đánh cắp nào xe, nào ngựa, lại kèm cả quần áo đẹp và mũ mà anh chàng lai trắng mặc luôn vào, giả làm một mexừ giàu có luôn miệng chửi rủa tên xà-ích da đen bất cứ lúc nào đến tầm tai nghe của một toán tuần tra da trắng nào họ gặp trên chuyến xe cấp tốc lên miền Bắc và đi đến tự do. Một lần khác, Kunta kể chuyện một nô lệ khác không kém táo bạo bao giờ cũng phóng la gần như lao thẳng vào mặt bọn “tuần cha” trước khi dừng lại và khoa tay giở cuộn tài liệu in chữ nhỏ mà anh ta nói trong đó có giải thích công vụ khẩn cấp anh đang chạy cho chủ – bao giờ cũng cao tay, đúng bài bản, khiến bọn cách-cơ mù chữ thà vẫy tay ra hiệu cho anh đi tiếp, còn hơn thừa nhận là mình không biết đọc. Dạo này, Kunta hay làm cho dân xóm nô cười bằng những câu chuyện thí dụ như một số người da đen chạy trốn khác đã giả mắc bệnh lắp kinh niên khéo đến nỗi bọn “tuần cha” phát ớn thà bảo họ xéo đi đằng họ còn hơn mất đứt hằng giờ hỏi han vô ích. Anh kể về những người chạy trốn cứ giả đò ngập ngừng sợ sệt mãi rồi cuối cùng mới phân trần thổ lộ rằng các ông chủ giàu có, thế lực của họ khinh rẻ cánh da trắng nghèo đến thế nào và xử sự khắc nghiệt như thế nào với mọi hành động can thiệp đến gia nhân của mình. Một đêm, Kunta khiến cả xóm nô cười rống lên vì câu chuyện một gã gia nô anh đã được nghe kể, gã này đã đến miền Bắc an toàn, chỉ một bước nhảy sớm hơn lão chủ đang truy nã ráo riết. Lão vội vàng gọi một viên cảnh sát. “Chính mày cũng biết mày là tên nhọ của tao!” Lão chủ điên cuồng tru tréo vào mặt gã nô lệ trong khi gã này cứ ngây đuỗn mặt mà kêu: “Lạy Chúa cứu giúp con, con chưa bao giờ trông thấy người da trắng này!” – thuyết phục được cả một đám đông xúm lại xem và viên cảnh sát ra lệnh cho lão da trắng dẹp cơn cuồng nộ và tếch đi, kẻo hắn buộc phải bắt lão vì tội phá rối yên tĩnh.
Đã nhiều năm nay, Kunta cố tránh không đi qua bất cứ nơi nào gần chỗ bán đấu giá nô lệ từ khi chứng kiến cảnh cô gái gào lên cầu cứu anh một cách vô hiệu. Nhưng mấy tháng sau cuộc nói chuyện với Catô và bác vĩ cầm, một bữa vào lúc sắp ngả chiều, Kunta đánh xe đưa ông chủ vào quảng trường ở tỉnh lỵ vào đúng lúc bắt đầu một cuộc bán đấu giá nô lệ.
“Chú ý, chú ý quý ngài ở Xpotxilvanya, tôi xin trình một mớ nhọ hảo hạng chưa từng thấy trong đời các vị!”. Trong khi người bán đấu giá rao to với đám đông, gã phụ việc trẻ, lực lưỡng kéo giật một nữ nô lệ già lên bục. “Một mụ bếp cừ khôi”, hắn mào đầu, nhưng bà già bèn la lên, vung chân vung tay lồng lộn về phía một người đàn ông da trắng trong đám đông: “Mexừ Philíp! Philíp! Ông làm dư quên rằng tui đã làm cho cụ đẻ ra ông và anh em ông từ thuở các ông còn bé tí! Tui biết tui nay đã già và chả nghĩa lý gì mấy, dưng mà lạy Chúa, xin ông hãy giữ lấy tui! Tui đã làm lụng vất vả cho ông, mexừ Philíp! Xin ông đừng để họ đánh tui đến chết ở một nơi nào đó dưới miền Nam!”.
“Dừng xe lại, Tôbi!” ông chủ ra lệnh.
Máu Kunta lạnh toát đi khi anh ghìm cương ngựa cho xe dừng lại. Tại sao sau bao năm không hề tỏ ra quan tâm gì đến các cuộc bán đấu giá nô lệ, từ đây mexừ Uolo lại muốn theo dõi cuộc này? Phải chăng ông nghĩ đến chuyện mua một người nào đó, hay vì cớ gì? Vì cơn nổ bùng đau đớn đến nát lòng của người đàn bà đáng thương? Người mà bà ta kêu gọi đã hú lên đáp lại bằng một lời chế giễu và đám đông vẫn còn cười rộ lên khi một lái buôn mua bà già với giá bảy trăm đôla.
“Hãy cứu giúp con, Thượng đế, Jêxu, Chúa Trời, hãy cứu giúp con!” bà kêu lên khi gã giúp việc da đen của tay lái buôn đẩy bà rúi rụi về phía chuồng nhốt nô lệ. “Cất hai bàn tay đen của mầy khỏi người tao, đồ nhọ!” bà tru tréo và đám đông cười rung cả người. Kunta cắn môi chớp mắt ngăn dòng lệ khỏi trào ra.
“Con đực cực kỳ trong cả mớ, thưa quí vị!” Tiếp theo trên bục là một gã thanh niên da đen, rừng rực căm hờn dữ dội, bộ ngực vạm vỡ và thân hình cuồn cuộn bắp thịt hằn lên những vệt roi đỏ chằng chịt của một trận đòn phũ phàng rất gần đây. “Tên này vốn cần phải nhắc nhở tí chút thôi! Nó sẽ mau lành! Nó có thể cày lút một con la vào lòng đất! Mỗi ngày hái được hai tạ bông! Hãy nhìn nó mà xem! Một con ngựa giống tự nhiên – nếu đám tỳ nữ của các vị hàng năm không sinh sản đúng bổn phận! Món này trả giá nào cũng vẫn là hời!” Gã trai trẻ bị xiềng đó bán được ngàn tư.
Mắt Kunta lại nhòe đi khi một phụ nữ lai bụng chửa tướng, khóc sướt mướt, được dẫn lên bục. “Mua một được hai, hay là biếu không một, tùy theo cách nhìn của các vị!”. Người bán đấu giá rao lớn. “Ngày nay, tí nhau da đen cứ biết thở là đáng giá trăm đôla rồi!” Chị ta được giá một nghìn.
Sự thể đến mức không thể chịu nổi khi người tiếp theo bị lôi xềnh xệch lên bằng một dây xiềng – và Kunta gần như ngã nhào khỏi ghế ngồi. Em thiếu nữ da đen khiếp đảm la thét, vóc dáng, màu da, thậm chí nét mặt nó khiến anh nghĩ đó có thể là một Kitzi nhỉnh hơn! Kunta thấy mình như bị rìu chặt vào người khi nghe tay bán đấu giá bắt đầu quảng cáo: “Một con sen được luyện thuần thục – hoặc, nếu các vị muốn, một con nái tốt giống nhất hạng!” hắn nói thêm, vừa liếc vừa nháy mắt một cách đểu cáng. Để mời khách xem xét kỹ hơn, bất thình lình hắn tháo lỏng vành cổ cái áo váy bao tải của con bé cho tụt xuống chân trong khi nó rú lên, khóc lóc, phóng tay xuống để che sự lõa lồ của mình khỏi đám đông dòm ngó, trong đó  nhiều kẻ chen lên trước, với tay ra để sờ soạng nó.
“Đủ rồi! Ta ra khỏi đây thôi!” ông chủ ra lệnh – một khoảnh khắc trước khi Kunta cảm thấy dù sao anh cũng cứ phải làm thế.
Kunta chỉ hơi lơ mơ thấy con đường trước mặt trong khi đánh xe về phía đồn điền; đầu óc anh quay cuồng. Nếu như con bé thực sự là Kitzi của anh thì sao? Nếu như bà nấu bếp lại là Bel của anh thì sao? Nếu như cả hai mẹ con đều bị bán lìa khỏi anh thì sao? Hoặc nếu như anh bị bán lìa khỏi họ? Nghĩ về những cái đó, thật quá kinh khủng – song anh không thể nghĩ đến điều gì khác.
Ngay cả trước khi cỗ xe tới đại sảnh, Kunta đã linh cảm thấy có gì không ổn, có lẽ vì đó là một chiều hè nóng nực, tuy nhiên anh chẳng thấy người nào ở xóm nô đi dạo hoặc ngồi hóng mát quanh lều. Để ông chủ xuống xe, Kunta vội vã tháo ngựa dắt về chuồng, rồi hướng thẳng về nhà bếp, ở đó anh biết là Bel hẳn đang chuẩn bị bữa tối cho ông chủ. Chị không thấy anh tới, trước khi anh lên tiếng hỏi qua cửa che: “Mình yên ổn chứ?”.
“Ô, Kunta”. Quay phắt lại mắt mở to bàng hoàng, chị bật nói lớn: “Lái buôn nô lệ đã đến đây!” Rồi hạ giọng: “Tui nghe thấy tiếng còi tu huýt của Catô ở ngoài đồng và chạy ra cửa sổ đằng trước. Ngay khi trông thấy cái tay da trắng nom có vẻ người thành phố xuống ngựa, tui đã ngửi ra hắn là cái gì! Lạy chúa lòng lành! Tui mở cửa khi hắn bước lên bậc thềm. Hắn hỏi gặp ông chủ hoặc bà chủ. Tui biểu bà chủ ở dưới mồ, còn ông chủ là bác sĩ đi thăm nom người ốm, không nói mấy giờ đêm thì về. Thế rồi hắn gượng cười nhìn tui, đưa tui một tấm thiếp nhỏ có in chữ ở trên và biểu giao cho ông chủ, nói là hắn sẽ quay lại. Thế, tui sợ, chẳng dám không đưa ông chủ tấm thiếp – cuối cùng, rúi béng nó lên bàn giấy của ông”.
“Bel!” có tiếng gọi từ phòng khách.
Suýt nữa, chị đánh rơi chiếc thìa. Chị thì thào: “Đợi nhá! Tui quay lại!” Kunta đợi – hầu như không dám thở, đón chờ điều xấu nhất – cho đến khi anh thấy Bel trở lại với vẻ nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng lớn.
“Ông í biểu cần xong sớm bữa tối. Tấm thiếp không còn ở chỗ tui đặt nó trên bàn, dưng mà ông í chả nói gì về cái đó mà tui cũng không, dứt khoát thế!”.
Sau bữa tối, Bel kể cho các lực điền nghe những diễn biến sau tiếng huýt còi báo động của Catô và thím Xuki bắt đầu khóc: “Lạy Chúa, các người có nghĩ là ông chủ sắp bán một số trong chúng ta đi không?”.
Im lặng nặng nề hồi lâu. Kunta không nghĩ được ra điều gì để nói, song biết chắc là mình sẽ không đem câu chuyện bán đấu giá ra kể.
“À”, cuối cùng bác vĩ cầm nói, “ông chủ không phải loại có thừa hàng loạt nhọ, mà lại là người  nhiều tiền nên không phải bán nhọ để trả nợ dư một số đông đang làm”.
Kunta hy vọng những người khác thấy, hơn anh, cố gắng an ủi của bác vĩ cầm là thuyết phục. Nom Bel có vẻ hy vọng một chút. “Tui hiểu ông chủ, hay dù sao tui cũng cho là mình hiểu ông í. Chừng nào cả bọn ta ở đây, ông í không bán ai đi đâu – ít nhất là thế, trừ cái anh chàng lái xe Luthơ mà đó là vì Luthơ đã vẽ bản đồ giúp cho một người tìm cách trốn”. Bel ngập ngừng trước khi nói tiếp “Không!”. Chị nói: “Ông chủ chắc không loại bỏ ai trong chúng ta mà không có lý do thích đáng – ai biểu là có nào?” Nhưng không ai trả lời.

Truyện Cội Rễ LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chương I Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 TẬP II - Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 LỜI NGƯỜI DỊCH Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley