Chương 2

Tôi vào lớp một cũng là lúc anh Khương học đến lớp năm, anh là học sinh giỏi toán nhất trường. Được đại diện trường đi thi học sinh giỏi cấp quận nhưng lần nào cũng trượt. Mẹ tôi không vì thế mà phiền lòng. Bà không muốn gây áp lực việc học nặng nề xuống đôi vai đứa con trai mười tuổi. Không học lu bù như những đứa trẻ khác, anh Khương có thời gian để vui chơi và đọc sách. Việc học đối với anh thật thoải mái như lúc chơi  đùa.
 
Sinh nhật lần thứ bảy của tôi, anh Khương mua tặng tôi bộ đồ chơi xếp hình. Tôi loay hoay cả buổi chiều vẫn không sao ráp được hình. Khó quá. Anh Khương bèn giằng lấy và múa tay thoăn thoắt. Chỉ trong chớp mắt anh đã xếp xong hình siêu nhân có chiếc áo choàng màu đỏ. Tôi phục anh Khương sát đất và nhìn anh bằng ánh mắt ngưỡng mộ.
 
Năm tôi học lớp tám, thì ba tôi xây nhà mới. Ngôi nhà chúng tôi đang ở đã xuống cấp thê thảm, mái tôn mục nát, tường thấm nước bong ra từng mảng lớn. Tháng mưa, bên trong bị dột như ngoài sân. Ba mẹ tôi định chịu trận đến kỳ nghỉ hè sẽ xây mới nhưng không thể nán đến ngày ấy. Nhiều đêm cả nhà phải ngồi dồn vào một góc tránh nước mưa từ trên rơi xuống. Sau mấy ngày bàn đi tính lại, ba mẹ tôi quyết định làm nhà.
- Chúng ta sẽ ở đâu trong thời gian xây nhà?
Ba tôi nói:
- Anh đã bàn với chú Trọng rồi. Cả nhà ta sẽ dọn đến chỗ chú ấy đến khi căn nhà hoàn tất.
- Liệu có phiền anh ấy không? Những bốn người, ấy là chưa kể đến cơ man là thứ.
- Em không phải lo lắng về điều này. Anh với Trọng còn thân thiết hơn tình cảm anh em ruột thịt. Trọng nhường cho chúng ta tầng trệt, chú ấy dọn lên gác.
- Em thấy ngại quá. Hay là mình mướn chỗ khác vậy. Vả lại chỗ ấy cũng hơi chật.
- Chẳng có gì phải ngại cả. Chú ấy đã mở lời và anh cũng đã đồng ý, bây giờ thay đổi quyết định, anh biết nói làm sao với Trọng. Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu, mỗi người chịu khó một chút rồi cũng qua thôi.
- Tùy anh, anh giải quyết như thế nào cho vẹn vẽ đôi đường. Em bao giờ cũng không muốn làm phiền người khác.
Ba suy nghĩ một lúc rồi quyết định:
- Chủ nhật này chúng ta sẽ dọn nhà. Cơ quan đã đồng ý cho mượn kiếc xe tải để di chuyển đồ đạc chỉ phải trả tiền xăng thôi, coi như đỡ một khoản chi phí.
 
Từ khi nhận thức được thế giới xung quanh, chú Trọng đã hiện diện trong tôi. Chú Trọng kém ba hai tuổi, bằng tuổi mẹ, là một người đàn ông cao dong dỏng, có mái tóc bồng nom rất nghệ sỹ. Gương mặt chú rất hài hòa nhưng đôi mắt thì rất buồn. Tôi chưa từng thấy ai có đôi mắt buồn đến thế.
 
Chú thường đến nhà tôi chơi, có khi còn dùng cơm với mọi người. Chú thường làm ngựa cho tôi cưỡi. Tôi treo lên lưng chú, hai tay nắm lấy hai vành tai đỏ hồng của chú rồi ra lệnh, ngựa phi nhanh lên. Chú bò quanh nhà, thỉnh thoảng chồm lên hí một tràng dài  như ngựa. Rồi hai chú cháu cười như nắc nẻ. Chú bò quanh vài chục vòng rồi nằm lăn ra thở dốc.
- Hãy lấy nước cho ngựa uống, nhanh lên!
Tôi lấy nước trong tủ lạnh đưa cho chú. Chú cầm ca nước tu ừng ực rồi nói:
- Ngựa đói rồi, hãy lấy cỏ cho ngựa ăn.
 
Thỉnh thoảng chú  dẫn tôi và anh Khương đi ăn kem. Quán kem là ngôi nhà xập xệ nằm nép mình dưới chân cầu, bên cạnh trường tiểu học. Bao giờ chú cháu chúng tôi cũng ngồi bên cạnh cửa sổ nhìn ra vườn hoa dại bên hông nhà. Anh Khương thích ăn kem sầu riêng. Còn tôi chỉ thích kem vani. Chú Trọng không thích các món ngọt. Trong lúc, anh em tôi ăn kem chú hút thuốc lá hết điếu này sang điếu khác và âm thầm quan sát chúng tôi. Lần nào cũng vậy, hễ tôi ăn xong cốc kem chú lại hỏi:
- Có ăn nữa không, nhóc con?
 
Tôi không thích chú gọi tôi là nhóc, tôi bèn cong cặp môi mỏng dánh lý sự với chú:
- Cháu không phải là nhóc con, cháu là người lớn.
Chú phì cười, cặp mắt hấp háy nhìn tôi một cách tinh nghịch:
- Vậy thì người lớn có ăn kem nữa không?
Anh Khương ăn hết kem nhưng vẫn còn thòm thèm, tuy nhiên anh lại ngồi im, hai tay đặt lên bàn nghiêm túc như cậu học trò chăm chỉ.
- Cu Khương có ăn kem nữa không?
- Cám ơn chú, cháu ăn chán rồi.
 
Chú Trọng gọi tôi là nhóc, gọi anh Khương là cu Khương. Cũng như tôi anh Khương không thích cách gọi như vậy nhưng anh không phản ứng như tôi mà chỉ cười trừ. Rồi thừa lúc chú day mặt sang nơi khác, anh Khương bèn giằng lấy chiếc thìa từ tay tôi và múc kem cho vào mồm lia lịa. Chú thấy tất cả nhưng tảng lờ vờ như không thấy rồi nhoẻn miệng cười một mình.
- Ăn kem rồi, bây giờ chú cháu ta đi đâu? – chú thanh toán tiền và nắm tay chúng tôi bước ra khỏi quán:- Đi ngả nào đây? Bên phải hướng ra công viên, bên trái về nhà sách, chọn hướng nào?
 
Anh tôi muốn chơi công viên nhưng tôi chỉ thích đọc sách, anh em tôi bao giờ cũng có những ý muốn trái ngược nhau. Thật tình cũng có những lần tôi có cũng sở thích giống anh Khương nhưng tôi cố tình làm khác đi để có cảm giác là người chiến thắng, bao giờ chú cũng chiều tôi.
- Anh phải nhường em. Chú quyết định chúng ta sẽ đi nhà sách.
Anh tôi xị mặt tỏ vẻ không vui:
- Tại sao lần nào chú cũng chiều bé Vy thế?
- Bởi vì Vy là em. Trẻ em phải được ưu tiên số một. Lúc còn nhỏ như bé Vy cháu chẳng được cưng chiều như thế là gì.
Chú bế tôi đặt lên xe. Tôi ngồi phía trước, anh Khương ngồi sau. Mái tóc của tôi che khuất tầm nhìn, chú phải rướn cổ lên mới quan sát được đường:
- Bé Vy chóng lớn quá. Năm tới, cháu phải ngồi phía sau xe rồi.
 
Đến nơi, chú dắt xe vào bãi làm thủ tục gửi xe thì hai anh em tôi chạy vội vào quầy sách thiếu nhi. Quầy sách thiếu nhi nằm bên cạnh khu bán hàng lưu niệm cách nhau bởi một lối đi nội bộ có lắp nhiều đèn ống. Quầy truyện tranh nằm ở dãy cuối cùng, đối diện với gian để sách tin học, phía trên có đặt tấm bảng “ Xin vui lòng không đọc truyện tranh. “. Tôi hỏi, anh Khương, tại sao người ta chỉ cấm đọc truyện tranh vậy, anh Hai, anh Khương cốc nhẹ lên đầu tôi, truyện tranh đọc rồi thì ai thèm mua. Có vậy mà không hiểu.
 
Hóa ra không chỉ có trẻ con như bọn tôi mới thích đọc truyện tranh, có rất nhiều anh chị sinh viên cũng đến đây đọc ké. Có chị vừa đọc vừa cười khanh khách. Tôi và anh Khương  mỗi người chọn một quyển rồi rúc vào một xó đọc ngấu nghiến. Tôi thích đọc truyện cổ tích, truyện thần thoại Hy Lạp. Anh Khương chỉ đọc truyện siêu nhân, người dơi, hiệp sỹ đầu sừng.
 
Chú Trọng gửi xe xong, bước vào bên trong mắt dáo dác tìm hai đứa chúng tôi. Vừa trông thấy chú, tôi kêu lên khe khẽ:
- Chú Trọng, cháu ở đây nè.
Chú nhìn tôi gật đầu:
- Đừng chạy lăng quăng kẻo lạc đường nhé. Chú sang quầy Văn học nước ngoài nhé, cần gì thì cứ đến đấy tìm chú.
 
Đoạn chú xoay người bước đi. Đọc xong quyển truyện, tôi đem trả lại chỗ cũ rồi vơ lấy quyển khác. Đang đọc say sưa thì chú nhân viên nhà sách xuất hiện. Chú bước đến vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Trả lại sách vào chỗ cũ đi bé. Cháu không thấy bản cấm đọc truyện tranh à?
Tôi tiu nghỉu đặt sách vào chỗ cũ rồi đi tìm chú. Tôi cố tạo ra gương mặt thật thảm não làm chú phải rối rít lên:
- Có chuyện gì à? Sao không ở đấy đọc sách? Tìm chú có chuyện gì?
- Chú bảo vệ lấy sách lại rồi. Cháu còn muốn đọc.
Chú nhét quyển sách vào giá rồi nắm tay tôi dắt đi:
- Chú sẽ giúp cháu. Đi với chú.
- Cháu không dám lấy đâu. Chú lấy cho cháu nhé. – tôi đề nghị.
 Chú gật đầu,  giả vờ bước rón rén đến quầy truyện tranh như tên trộm rồi chú chộp lấy một quyển nhét vào người và mang đến cho tôi.
- Phải quyển này không?
Tôi gật đầu. Chú lại đi tìm một chỗ kín đáo rồi bảo tôi nấp vào đấy:
- Chỗ này an toàn, cháu tha hồ đọc mà không phải sợ mấy chú bảo vệ.
 
Hầu như tuần nào chú Trọng cũng dắt tôi đi nhà sách. Có lúc có anh Khương đi cùng, cũng có lúc chỉ có hai chú cháu. Mẹ tôi do bận việc nhà, chẳng bao giờ dắt tôi đi đâu. Ba tôi thì lười kinh khủng, ông chỉ đi ra ngoài khi có việc cần kíp mà thôi. Hồi còn học ở trường mẫu giáo  thỉnh thoảng chú có đến đón tôi. Và lần nào cũng vậy, chú không bao giờ đưa tôi về nhà ngay mà ghé quán kem nào đó cho tôi ăn đến chán thì thôi. Chính vì thế, tôi bao giờ cũng thích chú Trọng đến đón tôi hơn ba mẹ.
 
Năm tôi học lớp lá. Một lần, đến đón tôi chú phát hiện tôi bị sốt, chú vội vã đưa tôi đến bệnh viện. Ở nhà chờ hoài không thấy  bèn tức tốc đi tìm. Gần nửa đêm, ba mẹ tôi mới tìm thấy hai chú cháu trong bệnh viện.