Ông Lập rời khỏi cơ quan làm việc vào lúc năm giờ chiều. Ông cho xe chạy chầm chậm hòa vào dòng người xe cộ đông như mắc cửi. Đến ngã năm có vòng xoay thì bị kẹt xe. Trên tuyến đường này chiều nay bị mất điện. Đèn tín hiệu không hoạt động nên xãy ra ùn tắc. Gần hai chụt phút trôi qua mà xe chỉ nhích lên được vài mét. Lát sau có chiếc mô tô trắng chở hai cảnh sát giao thông xuất hiện. Tình hình có vẻ được cải thiện tuy nhiên cũng mất gần hai mươi phút mới thông đường. Trong lúc chờ đợi, ông Lập bèn lấy điện thoại gọi cho Trọng:- A lô! Chú Trọng đó hả? Chú đã về nhà chưa? Rồi à. Được rồi, anh sẽ đến nhà chú chừng ba mươi phút nữa. Chú đừng nấu nướng gì nhé, anh sẽ mang thức ăn đến. Ông Lập cất điện thoại vào túi và cho xe nhích lên phía trước. Qua khỏi ngã năm, ông cho xe tăng tốc rẽ về phía tay phải. Từ đây đến nhà Trọng khoảng hai cây số. Trước khi vào nhà Trọng, ông ghé phố Bùi Hữu Nghĩa mua một con vịt quay và vài ổ bánh mỳ cùng mấy lon bia. Lúc này Trọng đang tắm, ông Lập đẩy nhẹ cánh cửa bước vào nhà và ngồi xuống chiếc trường kỷ trong phòng khách. Nghe tiếng động, Trọng từ nhà tắm nói vọng ra:- Anh Lập đó hả? Chờ em một chút. Sắp xong rồi.Trong lúc chờ đợi, ông Lập tranh thủ bày thức ăn, ly tách ra bàn. Vịt mới quay xong còn nóng hổi. - Hôm nay anh không ăn tối với chị Thương à?- Không. Anh sẽ ăn với chú. Tắm lâu thế!- Anh đã gọi điện cho chị ấy chưa kẻo chị ấy chờ.- Chú không nhắc suýt nữa anh quên. Để anh gọi về nhà.Ông Lập gọi điện về nhà thông báo tối nay bận tiếp khách không thể về sớm được rồi tắt di động và cất vào túi quần. Trọng từ trong bước ra. Tóc tai ướt sũng. Nhìn thấy thức ăn bày sẵn, anh thốt lên:- Chà, ngon quá nhỉ! Anh không mang thức ăn đến, em đã chuẩn bị sẵn mấy gói mỳ tôm.Hai người đàn ông ngồi vào bàn. Trọng khui bia. Ông Lập gắp thức ăn. Và cùng nhau chạm cốc:- Nào, chúc sức khỏe!Đang khát, ông Lập uống một hơi cạn nửa ly. Trọng chỉ nhấp vài ngụm nhỏ rồi xé bánh mỳ cho vào mồm nhai ngấu nghiến. - Chỉ có hai người anh mua cả con vịt ăn sao hết.Ông Lập nói:- Ăn không hết chú cất vào tủ lạnh ăn dần. Thịt quay kho với cải chua là đúng gu nhất còn gì.- Nhưng em đâu biết kho như thế nào.- Đơn giản thôi, chú thái cải chua bằng quân cờ rồi cho vào ít xì dầu, nước, đường, bột ngọt và bắc lên bếp để sôi chừng mười phút thì nhắc xuống là có cái ăn. Trọng cầm miếng dưa chuột đưa vào mồm:- Anh cũng rành chuyện bếp núc nhỉ?- Thì cũng phải biết đấm đá một tý phòng khi vợ đi vắng còn biết cách chăm sóc cho mình. Chú ăn mạnh vào. Thịt quay để qua bữa ăn không ngon.Ông Lập liên tục gắp thức ăn cho Trọng. Sực nhớ buổi hòa nhạc vừa rồi, Trọng nói:- Buổi hòa nhạc thật tuyệt vời. Em đã từng nghe bản giao hưởng số Bảy của Dmitri Shotstakovich nhiều lần trên đài phát thanh, đĩa CD nhưng không thể nào sánh nổi khi được nghe trong phòng hòa nhạc. Tất nhiên nếu đó là phòng hòa nhạc lớn ở Sant Petersburg được mang tên Shotstakovich thì không gì tuyệt vời hơn. Tuy nhiên với em như thế là quá đủ rồi. Cám ơn anh nhiều lắm.- Nói thật với chú, anh chẳng hiểu gì cả. Thấy mọi người vỗ tay mình cũng bắt chước vỗ theo để khỏi bị chê là nhà quê mà thôi. Thật tình, anh vẫn chưa tiêu hóa nổi món ăn tinh thần khó nuốt này. Bản giao hưởng đó nói về cái gì vậy chú?- Đây là bản giao hưởng số 7 giọng đô trưởng, tác phẩm 60, Leningrad, là tác phẩm giao hưởng đầu tiên viết về chiến tranh, có 3 tác phẩm của Shotstakovich viết về chiến tranh trong thế chiến thứ hai. Âm hưởng chung của ba chương đầu tiên là sự khẳng định niềm tin vào cuộc sống và chiến thắng tất yếu vào sự phòng thủ của thành phố. Tuy nhiên ở mỗi phần đều có sự “ đứt quãng “ của chiến tranh.Trọng ngừng nói, nhấp một ngụm bia thấm giọng:- Chương đầu được sáng tác theo phong cách sonata được buông lửng bởi một sự lặp lại không ngưng nghỉ. Chương này dài khoảng ba mươi phút và chủ yếu bao gồm việc lặp lại của một chủ đề “ hành quân “ duy nhất, mỗi lần được lặp lại với một sự hòa âm khác, âm hưởng lớn hơn sau mỗi lần. Các nhà phê bình đã so sánh cách thức của Shotstakovich với Bolero của Maurice Ravel, nhưng ông cũng đã lường trước sự đánh giá này “ Hãy lượng thứ cho tôi nếu tác phẩm này nghe giống như Bolero. Đó chính là cách mà tôi cảm nhận chiến tranh.” Phần mở đầu là hai chủ đề mang tính đối lập. Chủ đề chính mạnh mẽ và dứt khoát như sự hùng vĩ của nước Nga yêu dấu; chủ đề hai lại là những nét lướt mềm mại, dịu dàng như tâm hồn Nga vĩ đại – có chút gì phảng phất “ Overture 1812 “ của Traikovsky. Tiếng flute huyền ảo cao vòi vọi được bao bọc trong sự ve vuốt của bè dây như sự kết tinh của thiên nhiên Nga tươi đẹp đang đắm mình trong sự bình yên ngọt ngào. Rồi giai điệu “ hành quân “ khắc nghiệt, lạnh lùng vang lên được xây dựng trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng tồi tệ. Và, âm hưởng của cuộc hành quân, thậm chí khi được làm cho inh tai bởi tất cả dàn kèn đồng, đã tạo ra một ấn tượng không phải là điều tồi tệ khủng khiếp, mà là một ấn tượng về một điều bình thường bị sử dụng cho mục đích tệ hại. Ở đây, thậm chí Shotstakovich cho phép phần này được ngắt quãng một cách có dụng ý như là sự xâm nhập của những bước hành quân của những kẻ xâm lược. Kèn bassoon buồn rầu hát lên nỗi đau vô tận. Shotstakovich đã miêu tả đoạn nhạc này”..Sau nỗi đau thương chung là nỗi đau riêng, có thể là, mỗi đau của người mẹ. Cái đau thương không còn nước mắt..”. Cuối chương, âm nhạc đã dần tươi sáng lên nhưng âm hưởng của cuộc hành quân vẫn vang lên ở phía xa. Chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn. Chương thứ hai là một khúc scherzo trữ tình, thể hiện một cách sầu sắc và trầm tư trong khi vẫn thấy hiện diện sự hài hước u ám của Shotstakovich. Đó là niềm say mê và sự tưởng niệm những người đã mất trong chiến tranh ở phần trước, nhưng không phải là sự nhạo báng chế giễu toàn bộ thế giới của chiến tranh. Chương này bắt đầu bằng sự nuối tiếc nhẹ nhàng, một cái gì đó giống như người anh em u sầu của bản giao hưởng số Tám của Beethoven. Tiếng kèn oboe réo rắt đầy suy tư được nối tiếp bằng một trio miêu tả cuộc đấu tranh nhức nhối không ngừng nghỉ giữa sự trống trải hoang vắng và một cuộc hành quân có vẻ như sẽ dẫn đến chiến thắng. Chương ba là một bi kịch nhưng không hề nhạo báng, tất cả đều là thực tế. Nó đã gợi lại nhịp điệu khoan thai trước đó của Shotstakovich, và nó đã khiến công chúng phải khóc. Chương bốn được viết ở một nơi an toàn xa mặt trận những tính chất của nó lại thấm đượm màu sắc của chiến tranh. Điều này có vẻ như mỉa mai châm biếm. Thế giới bên ngoài nhìn vào cuộc khủng hoảng đó thường bỏ qua ý nghĩa về tầm quan trọng của nó, thực tế và tiên đoán trước. Shotstakovich đã trải nghiệm hai khía cạnh đó trong sự phong tỏa đáng khiếp sợ của thành phố quê hương ông. Chủ đề chính của chương nảy sinh trong ánh sáng lờ mờ của phần mở đầu. Sự triển khai chủ đề này đã choán cả một không gian rộng lớn. Từ đây bắt đầu cuộc hành trình lâu dài, bền bỉ đi đến ánh sáng khi chủ đề chính của chương một được tái hiện trong âm thanh rực rỡ của kèn trumpet và trombone. Chương bốn cho thấy lí do tại sao những người Xô viết chân chính lại yêu thích bản giao hưởng này đến vậy. Nó nồng nhiệt và hoan hỉ, kết thúc bằng sự hoan ca và không còn nghi ngờ gì nữa đã để lại ấn tượng ai là người chiến thắng.Ông Lập nhìn Trọng và thốt lên thán phục:- Anh thật sự ngạc nhiên về kiến thức âm nhạc của chú. Làm sao chú biết được nhiều như thế nhỉ. Trọng nói:- Tất cả xuất phát từ niềm say mê. Nếu anh yêu thích một thứ gì đó nhất định anh sẽ cố công tìm hiểu chúng, thế thôi.