Khách ngoại quốc đến thăm điện Kreml thường ngạc nhiên nói rằng, không như ở Paris, ở Viên, ở London, ở Warsawa hay ở Stockholm, triều đình Sa hoàng giống một cửa hiệu buôn thì đúng hơn. Những cuộc giải trí lịch sự, những buổi khiêu vũ, những trò chơi, những thú vui tế nhị đều không có. Trong những căn phòng thấp nóng hầm hập của điện Kreml, bọn quý tộc đại thần mình mặc áo dài bằng gấm thêu kim tuyến, bọn vương hầu kiêu kỳ và bọn tổng trấn lừng danh chỉ tụm nhau lại mà nói rặt những chuyện mua bán gai, bột tạt, dầu hải cẩu, lúa mì, da… Họ mặc cả gắt gao. Họ thở ngắn than dài rằng đất đai của họ phì nhiêu, thứ gì cũng dồi dào, nhưng sự buôn bán lại đình trệ, và tuy dinh cơ của những người quý tộc rộng thênh thang nhưng lại chẳng sản xuất được thứ gì để bán cả. Ở Hắc Hải thì người Tarta thống trị. Ra biển Baltic thì không được. Nước Trung Hoa thì xa lắc xa lơ và cả một dãy miền Bắc nằm trong tay người Anh. Nhẽ ra phải chiếm lấy biển cả nhưng việc nầy quá sức họ.Vả lại người Nga bản chất chậm chạp vụng về, quen sống ru rú xó nhà. Họ sống như loài gấu, ẩn trong những ngôi nhà kín cống cao tường ở Moskva.Mỗi ngày họ đứng dự ba khoá lễ. Mỗi ngày họ ăn uống no say bốn lần rồi lại còn ngủ trưa nữa để tỏ ra có tư cách và giữ gìn sức khỏe. Chẳng còn mấy thì giờ để làm những công việc khác: bọn quý tộc đại thần thì phải vào triều túc trực để Sa hoàng sai bảo; bọn lái buôn thì ngồi trước cửa hàng chào khách; bọn thơ lại các bộ, các vụ thì vùi đầu vào nghiên cứu văn kiện.Người Nga hẳn còn phải than thở lâu nữa, miệng húng hắng ho, tay gãi sườn nếu không có một sự việc bất ngờ xảy ra: vận may đã đến với họ. Vua Jean Xobieski nước Ba Lan phái mấy sứ thần danh tiếng đến Moskva để ký kết với nước Nga một liên minh chống Thổ Nhĩ Kỳ. Với một giọng ngọt ngào, mấy người Ba Lan nói rằng không thể nào để cho bọn Thổ đê tiện hành hạ người theo đạo Thiên chúa được và người Nga chính thống mà chung sống hoà bình với vua Thổ Nhĩ Kỳ và phiên vương xứ Krym thì thật không hợp đạo lý chút nào. Ở Moskva, người ta hiểu ngay rằng người Ba Lan đang gặp khó khăn và bây giờ là lúc nên mặc cả với họ. Đúng như vậy: nước Ba Lan đồng minh của hoàng đế Áo đang phải chật vật chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ và về phía Bắc lại bị người Thuỵ Điển hăm dọa. Mọi người còn nhớ in trong óc những cảnh tàn phá của cuộc chiến tranh Ba mươi năm, khi đế quốc Áo nghiêng ngả, nước Đức kiệt quệ và Ba Lan trở thành một thái ấp của Thuỵ Điển hay cũng gần như vậy. Làm bá chủ biển cả hiện nay là người Pháp, người Hà Lan, người Thổ Nhĩ Kỳ và trên suốt bờ biển Baltic là người Thuỵ Điển. Người ta hiểu rõ người Ba Lan muốn gì: sử dụng quân đội Nga để bảo vệ những vùng thảo nguyên ở Ukraina chống lại vua Thổ Nhĩ Kỳ.Vương hầu Vaxili Vaxilievich Golixyn, quan đại chưởng ấn của Sa hoàng, bộ trưởng các sứ quán và là tổng trấn tỉnh Novgorod, đòi người Ba Lan phải trả lại Kiev. "Hãy trả lại chúng tôi đất Kiev với những pháo đài nhỏ của nó, xưa nay vẫn thuộc về Sa hoàng, có như vậy thì sang năm, chúng tôi sẽ gửi quân đến Krym để đánh phiên vương". Người Ba Lan thương lượng ròng rã ba tháng rưỡi trời: "Thà chúng tôi mất hết còn hơn phải trả lại Kiev". Người Nga chẳng có gì phải vội, nên nhất định không chịu rút lui ý kiến, họ đọc cho người Ba Lan nghe tất cả những sử liệu viết từ hồi nước Nga thần thánh lập quốc. Rút cuộc người Nga thắng.Jean Xobieski bị người Thổ Nhĩ Kỳ đánh thua ở Bexarabi vừa khóc vừa ký hoà ước đời đời với triều đình Moskva vả trả lại Kiev với những pháo đài nhỏ cho người Nga. Thành công quả là lớn, nhưng ngược lại, không thể lùi được nữa: phải tập hợp một đạo quân đi đánh phiên vương xứ Krym.