Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 112

- Anh là ai? Anh muốn gì? Anh cần cái gì?
Một người đàn bà khắc khổ, vai rộng, gườm gườm nhìn Andrey Golikov. - hoạ sĩ vẽ tranh thánh ở Palekh) từ đầu đến chân. Dưới chiếc áo vải thô thủng lỗ chỗ và rách bươm, làn da sởn gai ốc của anh run rẩy. Gió tháng ba ẩm ướt thổi mành. Những lùm cây trơ trụi rít trên bức tường tróc vôi, nham nhở của thành phố Trắng. Những con quạ lông bù xù và đói ăn, từ các đống rác vừa bay lên vừa kêu những tiếng "quạ, quạ" khắc khoải. Những hàng giậu khó vượt qua của nhà Vaxili Reviakin chạy dọc tường thành Moskva.
Nơi đây thật buồn thảm, phố xá chật hẹp, vắng tanh.
- Thánh lão Avraami sai tôi đến đây, - Andrey vừa khẽ nói vừa ấn mạnh hai ngón tay lên trán. Sau lưng người đàn bà, trong sân chằng chịt vết bánh xe, trước những kho hàng đổ nát, những con chó gầy nhom đang giằng xích lồng lên… Andriuska lạnh run cầm cập, chỉ riêng có cặp mắt sáng quắc. Sau một lát do dự, người đàn bà để anh vào trong sân và bảo anh đi theo: qua những tấm ván đặt trên bùn, hai người đi về phía một toà nhà dài và cao, không có cầu thang, thếm cũng không. Các cánh cửa sổ nhỏ lắp mi-ca dập lạch cạch tít trên cao, sát ngay mái.
Họ bước xuống một lối đi tối om sặc mùi thùng rượu. Người đàn bà huých cánh tay vào người Andriuska: "Chùi chân vào rơm kia, đây không phải là chuồng ngựa". Một lát sau, mụ nói tiếp, vẫn cái giọng khó chịu đó: "Nhân danh Cha, Con và Thánh thần". Mụ mở một cánh cửa thấp ở tầng dướt. Ở đây thật là nóng bức, ánh lửa than trong lò chiếu sáng những tấm ván mờ tối vẽ hình thánh treo trong một gốc. Andrey làm dấu rất lâu, đưa cặp mắt kinh hãi nhìn các bức tranh cổ. Anh e dè đứng lại ở bên cửa. Người đàn bà ngồi xuống. Sau bức tường, có tiếng nhiều người đang hát âm vang.
- Tại sao thánh lão lại sai anh tới đây?
- Để thực hiện một sự việc lớn.
- Việc gì?
- Sống ba năm tại nơi thánh lão Nectari.
- Ở nơi Nectari, - người đàn bà nói, giọng kéo dài.
- Thánh lão sai tôi tới đây để người ta chỉ cho tôi đường đi tới đó. Tôi không thể sống ở nơi trần tục nầy được nữa, thể xác tôi đói khát, linh hồn tôi kinh hoàng.
- Tôi sợ. Tôi muốn tìm một nơi hiu quạnh, vắng vẻ, một đời sống thiên đường… - Andriuska khịt khịt mũi - Thưa mẹ, mẹ thương con, mẹ đừng đuổi con đi.
- Thánh lão Nectari sẽ tạo cho anh cái nơi vắng vẻ hiu quạnh đó, - người đàn bà dằn từng tiếng, vẻ mặt bí ẩn. Đôi mắt bị ánh than chiếu vào, nheo lại.
Andrey kể lể: đã sáu tháng nay anh lang thang không cửa không nhà, đói khát và rét mướt. Anh đã giao du với đủ hạng người. Họ đã đẩy anh vào nghề cướp bóc. "Nhưng tôi không thể làm thế được, linh hồn tôi kinh sợ". Anh kể lại là mùa đông năm đó trong bão tuyết anh đã trải qua những đêm nằm dưới mái thủng lỗ chỗ của những bức tường thành như thế nào: "Tôi đi kiếm rơm trải ra nằm ngủ, mình đắp một chiếc chiếu gai. Gió gầm thét, tuyết quay cuồng, xác bọn xtreletz lắc lư ở đầu dây va đập vào tường. Những đêm đó, tôi đã sinh lòng khao khát một nơi yên tĩnh, một cuộc đời trầm lặng".
Người đàn bà hỏi anh cặn kẽ về thánh lão Avraami rồi thở dài một cái, mụ đứng dậy: "Đi theo ta". Mụ lại dẫn Andriuska qua lối đi tối om và đưa anh xuống một cầu thang. Sau khi ra lệnh cho anh phải đứng vào chỗ những người nghèo khổ, mụ dẫn anh xuống hầm, nơi có tiếng hát. Anh ngửi ngay thấy mùi sáp và hương ấm áp. Khoảng hơn ba mươi người đang quỳ trên sàn nhà nham nhở. Một người, vai lệch, mặc áo thầy tu ngắn và đội mũ tròn đen đang đọc trước một giá tán kinh phủ nhung. Khi giở những trang giấy cũ nát của bản kinh viết tay, lão vểnh bộ râu bù xù về phía ánh sáng những ngọn nến. Trên suốt bức tường, từ sàn trở lên, những cây nến thắp sáng trước những bức tranh thánh lớn nhỏ của trường phái hoạ cổ thành Novgorod.
Buổi lễ không có giáo sĩ. Các con chiên hát ê a, buồn tham. Vaxili Reviakin, người bé nhỏ, với bộ râu dê quỳ trên những người khác, ở bên phải vị thánh lão.
Tay lần một tràng hạt bằng da, khi thì hắn đưa mắt nhìn lên tranh thánh, khi thì hơi quay người lại hắn liếc nhìn về phía sau và dưới con mắt hắn, các con chiên càng ra sức lạy sì sụp, trán dập mạnh xuống đất đến vỡ đầu.
Lão già vai lệch gập sách lại, giơ sách lên trên đầu và quay lại: râu lão bơ phờ, mũi gẫy trên bộ mặt còn trẻ. Con ngươi lão mở to như đang đăm đăm nhìn vào một ảo ảnh khủng khiếp; lão há to miệng để lộ ra những chiếc răng sứt và gào lên:
- Hãy nhớ lại những lời của Hypolit người chính trực, giáo hoàng La Mã: "Khi thời Qui vương tới, nhà thờ của Chúa sẽ suy tàn. Sự cám dỗ sẽ lan tràn khắp các thành phố, xóm làng, các nhà tu kín và các nơi sa mạc. Và sẽ không một ai được cứu thoát, trừ một số nhỏ…".
Giọng lão nghe thật khủng khiếp. Các con chiên nằm mọp xuống, mặt sát đất, vai rung mạnh. Lão già cứ đứng như vậy với quyển sách giơ cao cho đến lúc mọi người cùng gào cả lên.
- Hỡi anh em, đây là điều ta sắp nói với anh em. - lão già đã làm lễ xong và khi nói, ngón tay lão bấu chặt vào chiếc thập ác bằng gỗ đeo ở ngực - Chúa đã ban thánh ân cho ta. Người đã dẫn ta đến chỗ Vonozer trong sa mạc, tới bên thánh lão Nectari. Ta chào thánh lão và thánh lão hỏi: "Ngươi muốn gì: cứu vớt linh hồn ngươi hay thể xác ngươi?". Ta trả lời: "Cứu vớt linh hồn con, linh hồn con!" Và thánh lão đáp: "Thế thì được con ạ. Và thánh lão đã cứu vớt linh hồn ta và đã hành hạ thể xác ta… Thay thế cho bánh mì ta đã ăn lá cây dương xỉ, lá chua me dại, quả cây sồi. Ta bốc vỏ cây thông đem phơi khô. Vỏ thông giã với cá là một bữa ăn thịnh soạn. Và Chúa đã không để ta chết. Các ngươi không thể biết được tất cả những khổ cực tôn sư ta đã bắt ta chịu đựng ngay từ những ngày đầu: mỗi ngày ta bị người đánh cho hai trận. Thậm chí cả ngày chủ nhật lễ Phục sinh, người cũng đánh ta hai lần. Tính ra trong hai năm, cứ hai trận một ngày, tổng cộng là một nghìn bốn trăm ba mươi lần. Và ngày ngày biết bao lần ta đã được hai bàn tay đức hạnh của người đánh ta bị thương, ta không thể đếm xuể được. Tôn sư ta đã làm cho thịt da ta đau đớn ê chề: để đánh ta, đứa con côi và con chim non của người đánh ta bằng bất cứ cái gì người vớ được. Người dạy dỗ ta bằng gậy, bằng chầy, bằng que cời than, bằng nồi nấu thức ăn, bằng xẻng gỗ nhào lộn… Tôn sư ta làm cho thể xác ta đau khổ để linh hồn tối tăm của ta được sáng tỏ… Người đã đánh toạc bắp chân ta bằng đòn gánh nước để cho đôi chân ta phải ngoan ngoãn vâng lời… Người hành thể xác ta không những bằng gậy gỗ mà cả bằng gậy sắt cả bằng đá, người giật tóc ta và đôi khi cầm cả hòn gạch đánh ta. Người đã bẻ trẹo đất xương tay chân ta, đánh gẫy xương sườn và xương ta. Và Chúa đã không để ta chết. Giờ đây thể xác ta thì yếu nhưng linh hồn ta sáng tỏ… Hỡi anh em, hãy mưu cầu siêu thoát cho linh hồn của mình?
- Hãy mưu cầu siêu thoát cho linh hồn của mình? - lão già vừa gào lên ba lần vừa trừng trừng nhìn đàn con chiên kinh hãi.
Toàn thể cử toạ là anh em, họhàng và nông nô của Vaxili Reviakin: thư ký, người làm công ở các kho và các cửa hiệu của hắn. Họ lắng nghe và buông những tiếng thở dài não nuột. Nhiều người không chịu đựng nổi cái nhìn điên cuồng của vị thánh lão.
Andrey Golikov khóc nức nở, người gập lại làm đôi; bàn tay ôm lấy má, anh khóc; qua làn nước mắt, ánh sáng vàng hoe của những cây nến đang cháy, chập chờn trong phòng nguyện như những cánh thiên thần.
Vị thánh lão cúi rạp chào các con chiên và rút lui.
Đích thân Vaxili Reviakin, người bé nhỏ, tóc hoa râm, thế chân lão; ở chỗ mắt là hai nếp nhăn, con ngươi đảo người đáo xuôi. Vừa lần tràng hạt, hắn vừa khẽ nói, giọng tin tưởng:
- Các bạn thân mến… Thật là khủng khiếp! Các bạn thân mến của ta, thật là khủng khiếp! Giữa ban ngày sáng tỏ, một đám mây đã che lấp bầu trời và đầu độc tất cả cuộc đời chúng ta. - Hắn đưa mắt nhìn về phía sau, qua vai bên phải, rồi qua vai bên trái, như để xem có ai đằng sau hắn không. Hắn tiến một bước về phía trước trong đôi ủng mềm bằng dạ - Qui vương đã đến rồi. Các bạn có nghe thấy không? Nó ngồi trên những nóc tròn của Nhà thờ Nikon. Ba ngón tay chụm lại, đó là dấu ấn của nó, những kẻ làm dấu với ba ngón tay sẽ không được siêu thoát, những kẻ đó đã bại tiêu ma. Và những kẻ cùng uống cùng ăn với chúng sẽ không được siêu thoát. Những kẻ nào nhận bánh thánh và rượu thánh của một giáo sĩ sẽ không được siêu thoát. Bánh thánh của chúng mang dấu ấn của Quỷ vương và tính chất thần thánh của nó là hão huyền… Tìm đâu thấy sự siêu thoát. Chúng ta đã nghe thấy muốn cứu vớt linh hồn thì phải làm thế nào. Ta không giữ ai, ai đi cứ đi hỡi các bạn thân mến, hãy chịu đựng những nỗi đau khổ, hãy tẩy rửa linh hồn các bạn. Các bạn sẽ cầu xin cho chúng ta là những kẻ có tội và yếu đuối… Có thể ta cũng sẽ đi… Ta sẽ đóng cửa các kho, các cửa hiệu, ta sẽ phân phát hàng hoá của ta, gia súc của ta cho người nghèo. Chỉ có một con đường siêu thoát, đó là đức tin của tổ tiên, sự vâng lời và biết sợ… - Hắn lắc lắc bộ râu một cách chua xót, lấy cánh tay áo dạ quệt mắt. Các con chiên im lặng, nín thở, không ai dám động đậy - Sung sướng thay những ai sẽ được như ý… Nhưng những người khác không nên nản trí. Các thánh lão sẽ cầu nguyện cho họ. Hãy sợ điều nầy hơn cả cái chết: hãy sợ ác quỷ đẩy các bạn vào con đường xấu. Thời thế đã đổi thay: đám tay chân vô hình của nó ở chung quanh ta, rình mò cơ hội thuận lợi… Các bạn có lần nào lỡ phạm tội, nói dối, ăn cắp một kopeik của chủ không? Các bạn tưởng là chẳng đáng gì ư? Một kopeik! Không đâu… Chúng sẽ vồ lấy các bạn, thế là các bạn bị hại, bị đày vào nỗi khổ cực vô cùng… Hãy lo là các thánh lão sẽ thôi không cầu nguyện cho các bạn nữa… - Hắn lại tiến lên phía trước một bước nữa, quất chuỗi tràng hạt vào đùi - Các bạn có thấy mưu mô cám dỗ của quỷ không? Chính là cái Hội đồng các xã trưởng đấy! Địa ngục là ở đó, địa ngục thực sự… Đã từ bao đời nay các thương nhân vẫn đóng thuế cho Ngân khố. Còn mọi thứ khác: ta bán cái gì và ta bán như thế nào là việc bí mật của ta… Chúa đã ban cho một người nào đó óc suy xét và thế là anh ta trở thành thương nhân. Một tên ngu xuẩn sẽ suốt đời vất vưởng với cái kiếp làm thuê công nhật. Bầu các xã trưởng! Tên xã trưởng sẽ vào kho của ta, sẽ lục lọi hòm của ta… Ta phải nói hết với hắn, phải đưa cho hắn xem hết mọi thứ… Tại sao vậy? Ai cần cái đó kia chứ? Người ta tung lưới của Quỷ vương chụp lên các thương nhân. Rồi lại còn bưu vụ nữa! Để làm gì? Ta phái một người của ta, một người tin cẩn, đến Veleki Uxtiuc, ta thấy thích hơn: hắn sẽ tới nơi nhanh hơn người đưa thư và sẽ nói những điều cần thiết một cách bí mật… Còn gửi bằng đường trạm, biết được ai sẽ đem thư ta đi? Không, chúng ta chẳng cần đến bưu vụ, chẳng cần đến xã trưởng; chúng ta không muốn đóng thuế gấp đôi, hút thuốc lá với bọn ngoại quốc và bè đảng của Nikon.
Hắn đã vô tình nổi nóng. Hắn luồn bàn tay tím ngắt và run rẩy vào trong túi, rút ra một chiếc khăn tay và thấm mồ hôi. Hắn lắc đầu nhìn những ngọn nến đang lụi. Hắn thở dài và kết luận:
- Thôi ta đi ăn!
Tất cả những người trong phòng nguyện đi qua tiền đình và nhà bếp xuống tầng dưới. Họ ngồi vào cái bàn làm bằng gỗ ván trên phủ một thứ vải thô sặc sỡ và bóng. Trong góc danh dự dưới những tranh thánh, Vaxili Reviakin và ba tên thư ký già của hắn anh em con chú con bác với hắn - ngồi ăn. Người ta mời vị thánh lão cùng ngồi dưới các tranh thánh. Nhưng đột nhiên lão khạc nhổ ầm ĩ và chạy ra phía cửa, nhập bọn những người nghèo ngồi dưới đất. Andrey cũng ở trong số đó.
Giữa bàn là một cây nến mỡ bò đang cháy. Người đàn bà khắc khổ từ trong bóng tối nhô ra, hai tay bưng những liễn đầy. Thỉnh thoảng lại có một con gián từ trên trần rơi xuống. Mọi người lặng lẽ ăn nhai một cách nghiêm trang, đặt thìa xuống không một tiếng động. Andrey lại gần vị thánh lão. Lão đang cúi xuống, bát để trên đầu gối đánh rớt những giọt thức ăn xuống bộ râu bù xù; lão nuốt một cách vội vã và bị bỏng; lão ăn bánh từng miếng nhỏ một. Ăn xong, lão cầu kinh và chắp tay trên bụng. Nhìn cặp mắt lão lờ dờ, người ta thấy rõ là lão đã chịu đi.
Andrey khẽ nói với lão:
- Thưa cha, con muốn đi gặp thánh lão Nectari.
- Cha cho con đi tới đó.
Lão già thở nhanh hơn. Rồi cặp mắt của lão lại lờ đờ mờ đi:
- Lát nữa, khi mọi người đã đi ngủ cả, hãy đến phòng nguyện. Ta sẽ thử thách nhà ngươi.
Andrey rùng mình. Buồn rầu và cảm thấy mình như bị kết án, anh cọ gáy vào bức tường gỗ súc sù sì.
°°°
Một làn gió ấm, từ miền Nam, từ cánh đồng Dikoe Pole thổi tới. Trong một tuần, tuyết tan hết. Bầu trời mùa xuân xanh biếc, trên mặt nước tuyết tan phủ kín cánh đồng. Nước sông lên to băng trên sông Đông tan vỡ.
Trong một đêm, nước sông Voronez tràn ngập các công trường đóng tàu. Các tàu lớn, thuyền nhỏ, thuyền buồm, thuyền chèo tay đều bỏ neo, đung đưa trên mặt nước từ thành phố đến sông Đông. Hắc ín chưa khô nhỏ giọt trên mạn thuyền, các đầu thần Neptun thếp vàng thép bạc sáng lóng lánh. Buồm căng lên để hong khô phần phật trước gió. Dưới lòng nước đục, những cục băng cuối cùng cũng chìm xuống rồi lại nổi lên rào rào. Bên trên tường thành bên hữu ngạn, trước mặt thành Voronez, những đám mây khói thuốc súng bốc lên, bị gió xé toang ra thành từng mảng. Súng trái phá nổ ầm ầm trên mặt nước, tựa hồ mặt đất cũng nở ra, vỡ thành bong bóng.
Trên các công trường, công việc vẫn dồn dập ngày đêm. Sắp hoàn thành tàu La Sitadell có gắn bốn mươi khẩu trái phá. Đuôi tàu cao và chạm trổ, có ba cột buồm, đang đung đưa bên những cọc néo tàu mới tinh, Thuyền bè chở thuốc súng, thịt muối, bánh, liên tục vượt qua sông tới áp vào hai bên mạn tàu đen sì. Nước chảy xiết căng các dây cáp, gỗ kêu răng rắc. Trên đuôi tàu ở cầu chỉ huy, thuyền trưởng Pambur chửi rủa bằng tiếng Nga và tiếng Bồ Đào Nha, át cả tiếng thùng lăn trên sàn tàu và tiếng ròng rọc nt ken két. Mặt Pambur đen sạm, ria lởm chờm, mắt như mắt cừu đực điên; đôi ủng lớn đầy bùn; ngoài áo nẹp, y khoác một áo cầu ngắn, đầu chít một chiếc khăn lụa đỏ. "Đồ vô tích sự! Đồ chó đẻ! Careja!"(Tiếng rủa Bồ Đào Nha). Đám lính thuỷ gò lưng ra kéo những túi bánh, thùng, hòm lên sàn tàu, họ vừa chạy vừa lăn nhanh các thứ tới hầm tàu, ở đấy, các thuỷ thủ trưởng, đầu đội mũ cao bằng dạ, quần trên bồng ống chẽn màu nâu, đang cáu gắt hò hét như đàn chó dữ.
Những tháp canh dựng bằng gỗ tròn uốn cong, mái nhọn, in bóng trên đồi, từ trên cao chế ngự cả dòng sông. Xa xa, phía ngoài những bức tường nham nhở là những mái hình củ hành gỉ nát của các nhà thờ. Trước thành phố cũ, những ngôi nhà nhỏ bằng đất nện và những lều bằng gỗ của thợ rải rác đây đó trên sườn đồi. Gần mé sông là những ngôi nhà gỗ của Golovin vừa mới được phong chức đô đốc, của Alekxandr Melsikov, của hải quân tổng tư lệnh Apraxin, của phó đô đốc Cornelix Cruyx. Bên kia sông Voronez, trên bờ sông thấp la liệt những mảnh gỗ và chằng chịt vết bánh xe, mọc lên những lò luyện sắt, - những ngôi nhà ám khói mái bằng đất, - những sườn tàu đóng dở, những chồng ván ngập nước đến nửa, những bè mảng, thùng tròn, dây cáp, mỏ neo gỉ, đã được kéo từ dưới nước lên. Từ những nồi nấu hắc ín sôi sùng sục bốc lên những đám khói đen ngòm mù mịt. Những bánh xe nhỏ của chiếc máy xe dây cáp kêu rin rít. Trên những giá gỗ cao, vai những người thợ xẻ nhô lên thụt xuống. Những người lái bè, tay cầm móc, chạy chân không dưới bùn, vớt những cây gỗ đang bị nước lên cuốn đi.
Phần lớn công việc đã xong. Hạm đội đã được hạ thuỷ. Chỉ còn lại tàu La Sitadell đang được hoàn thành với một sự chăm chú đặc biệt. Có lệnh ba ngày nữa sẽ kéo cờ đô đốc lên cột buồm.
Không lúc nào là không có những người mới đến mở cửa ầm ầm, bước vào: chẳng cởi bỏ áo ngoài, chẳng chùi chân, họ ngồi phịch xuống ghế; các thượng quan ngồi ngay vào bàn. Trong ngôi nhà gỗ của Sa hoàng hàng ngày người ta ăn uống suốt hai mươi bốn giờ liền.
Nhiều nến được thắp lên, cắm vào miệng những chai rỗng. Những bộ tóc giả treo trên tường; trong nhà rất nóng. Khói thuốc tẩu bay mù mịt.
Phó đô đốc Cornelix Cruyx ngồi ở bàn, gục đầu vào lai tay áo thêu vàng mà ngủ. Người Hà Lan Julius Retet, sutbij-nast(1) của hạm đội Nga, người giang hồ bốn bể táo bạo, đầu đã từng được đặt giải hai ngàn bảng Anh vì những thành tích lừng lẫy trên các đại dương xa xôi - nhấm nháp vodka pha hồi, con mắt độc nhất còn lại trên bộ mặt dữ tợn chằm chằm nhìn cây nến.
Các thợ cả đóng tàu Ioxif Ney và Jhon Dey, trong những ngày nóng bức nầy hai má râu đã mọc kín, rít tẩu thuốc, nhấp nháy cặp mắt nhạo báng về phía người thợ cả Nga Fedorxey Xkliaev. Fedorxey vừa bước vào, hắn bỏ khăn quàng cổ, cởi khuy áo lông cừu và đang ăn món xúp nấu mỡ với mì ống.
- Nầy Fedorxey, - Iosif Ney vừa nói vừa nháy nháy cặp lông mi hung hung đỏ, - kể cho bọn mình nghe cậu phè phỡn ở Moskva ra sao?
Fedorxey lặng thinh và cứ tiếp tục ăn. Quả tình hắn cũng đã chán lắm rồi. Tháng hai, khi ở nước ngoài về hắn đã phải tới ngay Voronez, theo lệnh trong thư của Piotr Alekseevich. Ma quỷ đã cám dỗ hắn sa ngã. Hắn đã đến chơi khắp lượt các bạn bè của hắn ở Moskva và thế là cả một cuộc vui chơi thoả thích. Suốt ba ngày liền, thôi thì bánh tráng, món nhắm, rượu say, không lúc nào ngừng. Sự việc kết thúc đúng như nó phải kết thúc: tại bộ Preobrazenskoe.
Sa hoàng được tin Fedorxey, người sủng thần mà nhà vua hằng trông ngóng, bị bắt giam ở nhà vương hầu chấp chính, cử ngay một người về Moskva đưa thư cho Romodanovski:
"Myn Herr Konig… Tại sao ngươi lại giữ các bạn ta. Fedorxey Xkliaev, và những người khác? Việc đó đã làm ta buồn vô cùng. Hơn tất cả những người khác, ta mong đợi Xkliaev, hắn là người đóng tàu lành nghề nhất. Vậy mà ngươi đã bắt giam hắn. Để Chúa xét xử ngươi. Thực ra, chẳng có ai giúp ta ở đây. Và ta nghĩ rằng đó chẳng phải là một vấn đề quốc sự. Vì Chúa, hãy thả hắn ra và đưa hắn tới đây! Pite".
Mười ngày sau, chính tay Xkliaev đem thư trả lời của vương hầu chấp chính: "Lỗi của hắn là như sau: hắn đi xe ngựa, say khướt, cùng với các bạn hắn và đã gây lộn với quân lính trung đoàn Preobrazenski đóng trước một hàng rào cự mã. Cuộc điều tra đã xác nhận là cả hai bên đều có lỗi. Sau khi điều tra, thần đã ra lệnh đánh Xkliaev bằng roi vì sự bậy bạ của hắn và cả bọn lính đã gây ra cuộc ẩu đả và đã khiếu tố. Bệ hạ không nên giận thần. Thần không có thói quen tha thứ những chuyện bậy bạ, không kể ở cấp bậc nào".
Được. Sự việc lẽ ra có thể ngừng lại ở đó. Khi Piotr Alekseevich gặp Xkliaev, nhà vua ghì chặt lấy hắn, ôm hôn hắn và vỗ đùi mình đen đét. Nhà vua không cười, nhà vua đã sằng sặc như ngựa hí đến chảy nước mắt.
"Fedorxey, đây không phải là Amsterdam!" Và trong bữa ăn tối, nhà vua đã đọc cho bức thư của vương hầu chấp chính.
Ăn xong món xúp nấu mì ống, Fedorxey gạt bát ra, giơ tay về phía Ioxif Ney xin thuốc lá:
- Thôi cười thế đủ rồi, đồ qui thọt, - hắn nói giọng gắt gỏng. - Hôm nay, các anh đã xuống hầm phía lái tàu chưa?
- Xuống rồi, - Iosif Ney trả lời.
- Không, các anh không xuống
Jhon Dey chậm rãi bỏ tẩu thuốc nõ bằng đất ra, nhếch mép và nói bằng tiếng Nga, giọng rít giữa hai hàm răng:
- Fedorxey Xkliaev, tại sao anh lại bảo bọn ta không xuống đến hầm tàu?
- Vì thế nầy… Đáng lẽ các anh không nên ngồi trêu tức tôi mà nên đi lấy đèn xuống xem mới phải.
- Có chỗ rò chăng?
- Đúng thế. Một chỗ rò. Khi người ta bắt đầu chuyển các thùng thức ăn muối lên tàu, dây néo không chịu nổi. Nước từ dưới vọt lên.
- Không thể thế được
- Được lắm chứ. Chính tôi nói thế. Các mộng ở phía lái tàu yếu lắm.
Iosif Ney và Jhon Dey nhìn nhau. Không vội vã, hai người đứng dậy, ấn chiếc mũ có tai sụp xuống tận mắt. Fedorxey cũng đứng dậy; vẻ cáu kỉnh, hắn quấn chiếc khăn quàng quanh cổ và cầm lấy đèn.
- Nào, đi nào, các tướng!
Ở bàn, các sĩ quan, thuỷ thủ, thợ cả, mệt nhọc, người lem luốc hắc ín, quần áo vấy bùn ngồi vào bàn trong chốc lát. Họ uống một cốc vodka nóng bỏng như lửa rót từ một hũ sành ra, và lấy tay bốc trong đĩa nào thịt quay, thịt lợn, lưỡi bò ngâm dấm. Nhiều người ăn qua loa vội vã, rồi bỏ đi, chẳng làm dấu thánh, chẳng kịp cảm ơn
Một thuỷ thủ, mắt lừ đừ ngái ngủ, đầu đội chiếc mũ dạ lệch sang một bên tai, đứng tựa vai vào trụ một cánh cửa trổ ở tấm vách gỗ ván. Một chiếc thừng buộc nút tẩm hắc ín - cái roi bằng thừng bện - lủng lẳng ở cái cổ gân guốc của anh ta. - Hắn thưởng roi cho những kẻ nào đáng đánh đòn - Ai lại quá gần cửa, hắn cũng khẽ bảo, giọng uể oải:
- Đi đâu thế, đi đâu thế, đồ lợn?
Sau bức vách, trong phòng ngủ, các chính khách đang ngồi bàn quốc sự: đô đốc Fedor Alekxevich Golovin, Lev Kirilovich Naryskin, Fedor Matveevich Apraxin, tổng tư lệnh Hải quân và Alekxandr Danilovich Melsikov. Sau khi Lơfo chết, Melsikov đã được phong ngay trung tướng và tổng trấn tỉnh Pskov. Người ta đồn rằng vua Piotr sau khi đi đưa đám trở về Voronez đã nói: "Trước kia ta có hai bàn tay, giờ chỉ còn một, thực ra có hay ăn cắp chút ít nhưng trung thành".
Alexaska, mặc áo nẹp dạ mỏng của trung đoàn Preobrazenski, ngang lưng thắt một dải băng lịch sự, đầu đội bộ tóc giả, cái cằm nhọn ngập trong đăng ten, tựa lưng vào chiếc lò sưởi bằng gạch rất nóng.
Apraxin và Golovin bụng phệ thì ngồi trên chiếc giường chăn nệm bừa bộn. Naryskin ngồi bên bàn, tay đỡ lấy trán. Họ đang nghe Prokofi Voznixyn, lục sự viện Duma và đại sứ thần vừa họp hội nghị của các sứ thần Áo, Ba Lan, Vơnidơ và Moskva để điều đình hoà ước với người Thổ Nhĩ Kỳ, ở Caclovitz trên sông Dunai về.
Voznixyn chưa được gặp Sa hoàng. Nhà vua đã cho người bảo các vị thượng thư cứ việc họp bàn: một lát sau nhà vua sẽ đến. Voznixyn đặt các sổ sách ghi những con số trên đầu gối; lão đã kéo tụt cặp kính xuống tận đấu mũi và kể:
- Tôi đã ký kết được với các sứ thần Thổ Nhĩ Kỳ, ngài Reix-Effendi Rami và viên tư vấn Mavrocordato, một hiệp ước đình chiến, nghĩa là tạm thời ngừng chiến. Tôi không thể làm hơn được. Thưa các vị thượng thư, các vị xét xem: trong lúc nầy ở châu Âu, có một việc mới chớm xảy ra và sẽ làm cho cả thế giới lo âu hoặc cũng gần như thế. Vua Tây Ban Nha đang lâm bệnh nặng sẽ chết nay mai mà không có con cái. Vua Pháp muốn đặt cháu ông ta là Philip lên ngai vàng Tây Ban Nha. Ông ta đã lấy vợ cho cháu và giữ cháu bên ông ta, ở Paris, hy vọng đặt được cháu lên ngôi nay mai.
Hoàng đế Áo, về phấn mình, muốn đặt con là Charles lên ngôi vua Tây Ban Nha.
- Chúng tôi biết, chúng tôi biết tất cả những chuyện đó rồi, - Alexaska nóng ruột ngắt lời.
- Hãy chịu khó nghe một chút, Alekxandr Danilovich, tôi biết gì thì tôi nói vậy. - Voznixyn, cặp mắt xám người qua cặp kính chăm chú nặng nề nhìn anh chàng đẹp trai - Đây là một cuộc tranh chấp lớn giữa nước Pháp và nước Anh… Nếu Tây Ban Nha về tay vua Pháp thì các hạm đội Pháp và Tây Ban Nha sẽ làm bá chủ tất cả các đại dương. Nếu Tây Ban Nha về tay Hoàng đế Áo thì người Anh sẽ đánh bại được hạm đội Pháp đơn độc. Người Anh đang làm rối rắm cục diện chính trị châu Âu. Chính họ đã làm môi giới cho người áo và người Thổ Nhĩ Kỳ ở Caclovitz. Muốn gây chiến tranh với vua Pháp, Hoàng đế Áo phải rảnh tay và bọn Thổ Nhĩ Kỳ thì rất sung sướng được có hoà bình để nghỉ ngơi và tập hợp lại lực lượng: Vương hầu Egien xứ Xavoa đã cướp mất của chúng nhiều đất đai và nhiều thành phố ở Hungary, ở Tranxinvania và ở More cho Hoàng đế Áo, và người Áo đã lăm le muốn chiếm lấy Constantinop… Bọn Thổ Nhĩ Kỳ thì nay chỉ lo lắng có một điều: đoạt lại những đất đai của chúng trước kia… Còn gây chiến ở những nơi xa xôi với người Ba Lan hoặc với ta thì lúc nầy chúng chưa nghĩ tới… Như Azop chẳng hạn, lúc nầy không đáng giá những tổn thất chúng sẽ phải chịu để chiếm lại.
- Vua Thổ Nhĩ Kỳ có thật suy yếu như ông khẳng định không? Tôi ngờ lắm, - Alexaska dằn từng tiếng nói. - Golovin và Aptaxin khẽ cười. Thấy thế, Lev Kirilovich cũng lắc đầu mỉm cười, Alexaska rung đùi, đinh thúc ngựa kêu lanh canh. - Nếu hắn suy yếu, sao ông không ký một hiệp ước hoà bình vĩnh viễn với hắn? Hay ông đã quên xtreletz của ta đang tránh mùa rét ở Ukraina; trung đoàn kỵ binh lớn của Sein đang đóng ở Akhtycka và ở Briansk, hạm đội sẵn sàng nhổ neo. Người ta đã không cử ông đi tay không… thế mà chỉ ký được hiệp ước đình chiến!
Prokofi Voznixyn chậm rãi bỏ kính ra. Lão thấy thật khó mà thích nghi được với trật tự mới, một tên vô danh tiểu tốt dòng dõi thấp kém dám nói như vậy với một đại sứ thần. Prokofi đưa bàn tay khô khan lên viết, bộ mặt run rẩy vì phẫn nộ và tập hợp lại ý nghĩ. Tất nhiên, lúc nầy, lão chẳng đạt được gì bằng những lời chửi rủa.
- Alekxandr Danilovich, đây là lý do tại sao tôi đã ký hiệp ước đình chiến chứ không ký kết hoà ước. Các sứ thần của Hoàng đế Áo đã không gặp ta lẫn người Ba Lan, cũng không gặp cả các sứ thần Vơnidơ, họ đã riêng rẽ và bí mật điều đình với bọn Thổ Nhĩ Kỳ. Người Ba Lan cũng bí mật thoả thuận với chúng không cho ta biết. Và họ đã để cho ta đơn độc. Lúc đầu bọn Thổ Nhĩ Kỳ đã thu xếp được ổn thoả với bọn Áo, chúng dương dương tự đắc đến mức từ chối cả hội đàm với ta… Nếu tôi không có ở bên đó một người quen thuộc cũ là Alekxandr Mavrocordato thì đến một hiệp định đình chiến ta cũng không ký được. Thưa các vị thượng thư, các vị ngồi đấy và các vị tưởng là toàn thể châu Âu chiêm ngưỡng các vị… Không. Đối với họ, chúng ta chỉ có một đường lối chính trị nhỏ mọn, hay đúng hơn là chẳng có một đường lối chính trị nào, có thể nói như vậy!
- À vấn đề đó thì còn phải bàn!
- Hãy khoan, đừng nổi nóng vội, Alekxandr Danilovich, - Golovin nhẹ nhàng ngăn lại.
- Tại khu các sứ thần, họ đã dành cho ta chỗ tồi nhất. Họ đã cho người bao vây canh gác ta, cấm ta đi lại bất cứ nơi đâu, cấm ta gặp người Thổ Nhĩ Kỳ, trao đổi thư từ với họ. Thời tôi còn ở Viên, tôi có đem theo một thầy thuốc người Ba Lan, khôn ngoan và thận trọng. Chính viên thầy thuốc nầy, tôi đã cử đến gặp Mavrocordato ở trong hành dinh Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cử ông ta đến lần đầu, Mavrocordato gửi lời chào tôi. Tôi cử ông ta đến lần thứ hai, Mavrocordato gửi lời chào tôi và nói thêm là hắn ta bị lạnh. Tôi rất lấy làm hài lòng về việc đó. Tôi bèn lấy tấm áo nẹp bọc dạ tía, trong lót lông cáo ánh bạc và sai viên thầy thuốc đi qua đồng cỏ, tránh đinh các sứ thần, đem đến biếu hắn. Mavrocordato đã nhận chiếc áo. Ngày hôm sau, hắn gửi đến biếu tôi thuốc lá, hai tẩu thuốc loại tốt, nửa cân cà-phê và giấy viết thư. Tôi tự nhủ: A, ra hắn trả nợ quà ta biếu… Và tôi lại cho một xe chở đến biếu hắn trứng cá ép, lườn cá chiên, năm con cá hồi lớn và đủ các loại rượu mùi. Đêm đến, tôi bận quần áo thường thân hành đến dinh người Thổ một mình. Đúng ngày hôm đó, người Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hoà ước với hoàng đế Áo.
- A! - Alexaska dậm chân thốt lên. Đinh thúc ngựa kêu lanh canh.
- Mavrocordato bảo tôi: "Rất có thể chúng ta không đạt được một giải pháp thoả đáng nếu các ông không trả lại chúng tôi các thành luỹ nhỏ của chúng tôi ở trên sông Dniepr, để chúng tôi có thể bịt được con sông đó, và vĩnh viễn ngăn đường các ông ra Hắc Hải. Các ông phải trả lại chúng tôi Azop và các ông phải nộp cống cho phiên vương Krym như xưa kia…". Đấy, Alekxandr Danilovich, ngay cuộc gặp gỡ đầu tiên bọn Thổ Nhĩ Kỳ đã treo giá cao như vậy đó… Còn tôi thì đơn độc có một mình. Các đồng minh của ta đã giải quyết xong công việc của họ và tếch về rồi… Tôi bắt đầu đem hạm đội Voronez của ta ra hăm doạ. Chúng cười: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe nói đóng tàu cách biển hàng ngàn dặm; thôi được, các ông cứ việc bơi trên sông Đông nhưng đừng có ra khỏi cửa sông". Tôi liền đem các đội quân của ta đóng ở Ukraina ra đe. Để đáp lời tôi chúng đưa bọn Tarta ra doạ lại: "Các ông hãy coi chừng, giờ đây bọn Tarta đang rảnh tay, chúng có thể gây nhiều tổn thất cho các ông như chúng đã làm dưới thời Devlet-Girey(2). Nếu bọn Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều chuyện phải lo nghĩ thì có lẽ chúng đã tuyên chiến với ta rồi… Alekxandr Danilovich ạ, không biết có phải vì trí tuệ tôi nghèo nàn quá nên không thể đạt được kết quả nhiều hơn không, nhưng một hiệp ước đình chiến, dù sao cũng không phải là chiến tranh".
°°°
Còn rất nhiều bộ phận chưa hoàn thành. Đinh thì thiếu. Mãi hôm qua mới có một phần đoàn xe trượt tuyết chở sắt vùng Tula tới, trên con đường tuyết đã tan. Các lò rèn làm việc suốt đêm. Môi ngày giờ đây rất quý giá: phải lợi dụng nước lũ để đưa những chiếc tàu chiến nặng nề ra cửa sông Đông.
Đèn thắp sáng trưng. Những người thợ rèn, tạp dề cháy xém, sơ-mi đẫm mồ hôi mặn, những người quai búa, người nào người nấy đều to lớn, mình trần đến tận thắt lưng, da khét lẹt, nhưng chú bé ám khói kéo bễ, ai ai cũng mệt mỏi rã rời, những cánh tay đen nhẻm của họ cử động như máy. Những người chỉ làm việc. - họ thay phiên nhau nhiều lần trong một đêm không rời khỏi lò; người thì ngồi ngay bên cánh cửa để ngỏ, nhai cá khô; người thì ngủ trên những đống than.
Kuzma Zemov, - người thợ cả đầu tiên Lev Kirilovich đã đưa từ xưởng của lão ở Tula đến đây. - người ta đã giải Zemov từ nhà tù Tula đến làm việc chung thân ở xưởng đó - bị thương ở tay. Một người thợ cả khác suýt chết ngạt; giờ đây nằm bên cạnh lò rèn trên những tấm ván ẩm ướt, mặt quay ra hướng gió ban đêm, hắn đang than vãn kêu rên.
Người ta hàn chân chiếc mỏ neo lớn của tàu La Sitadell. Chiếc mỏ neo treo vào ròng rọc ở xà trên trần, được đặt vào lò. Những người kéo bễ, lấy tay quệt mồ hôi trên trán, thở hổn hển, kéo cán của sáu chiếc bễ.
Hai người quai búa đứng đó sẵn sàng, những chiếc búa dài của họ dựng dưới chân. Với bàn tay lành còn lại, bàn tay kia quấn giẻ, Zemov vừa đảo than vừa nói:
- Gắng lên, gắng lên, kéo bễ mạnh nữa vào!
Vua Piotr đứng đó, mặc chiếc sơ-mi trắng nhớp nhúa, ngực đeo tạp dề bằng vải thô, mặt mũi hốc hác và lem luốc mồ hóng, môi chúm lại, tay cầm cặp kìm dài, nhà vua thận trọng quay đi quay lại chân chiếc mỏ neo trong lò Công việc hàn một bộ phận lớn như vậy thật khó khăn.
Zemov quay về phía những người thợ đang giữ thừng chiếc ròng rọc:
- Nào… nghe kỹ đây… - và nói với vua Piotr - Đúng lúc rồi đấy, nếu không thì cháy mất… - Cặp mắt lồi không rời khỏi lò than, nhà vua gật đầu đồng ý và ngoáy ngoáy cặp kìm - Nào, mạnh tay vào! Nào!
Những người thợ, chuyển tay thật nhanh, kéo thừng, ròng rọc kêu ken két. Chiếc mỏ neo nặng bốn mươi phút ra khỏi lò. Tia lửa tung tóe khắp nơi. Thân neo được nung đỏ, nổ lách tách, lơ lửng trên đe. Bây giờ phải để nghiêng chiếc neo, đặt xuống cho chắc chắn.
Lần nầy, Zemov nói khẽ:
- Nghiêng nó xuống, đặt nó xuống… Đặt nó xuống thật vững… - Chiếc neo được đặt nằm trên đe - Cạo hết cứt sắt đi. - Chính Zemov cầm một chiếc chổi nhỏ quét cứt sắt trên chếc neo, chiếc chổi bắt lửa - Chân neo?
Quay về phía nhà vua, Zemov thét lên, giọng dữ dội:
- Thế nào, còn đợi gì nữa? Đem chân neo lại chứ!
- Sẵn sàng!
Nhà vua vội vã rút cặp kìm nặng một phút từ trong lò ra định đặt lên đe nhưng trượt, suýt nữa đánh rơi mất chân neo nóng đỏ. Nhà vua gò người lại vì gắng sức răng nhe ra, đặt cái chân neo lên đe.
- Giữ chắc nữa vào?
Zemov vừa thét vừa đưa mắt nhìn những người quai búa. Hai người nầy liền quai búa xuống, miệng thở hồng hộc, búa vung thành những đường vòng tròn. Vua Piotr giữ chặt chân neo. Zemov lấy búa đập: tốc, tốc, tốc, tốc, tốc, tốc… Cứt sắt nóng bỏng bắn tung tóe vào các tạp dề.
Công việc hàn neo đã xong. Thợ quai búa thở phì phò, đã tránh ra một góc. Vua Piotr vứt bỏ kìm vào một cái thùng, lấy tay áo lau mặt. Mắt nhà vua nheo lại, hân hoan, nháy nháy Zemov. Zemov nhăn mặt:
- Làm thế nào được, thưa Piotr Alekseevich, việc ấy thường xảy ra… Nhưng lần khác, hoàng thượng đừng rút kìm ra vội như thế, có thể làm người khác bị thương và chắc chắn là sẽ trượt đe. Chính thần cũng đã từng bị đòn về lỗi lầm đó.
Không trả lời, nhà vua rửa tay trong thùng nước, lấy tạp dề lau, mặc chiếc áo nẹp vào rồi bước ra khỏi lò.
Không khí đượm hơi ẩm mùa xuân. Dưới những ngôi sao lớn, những cục băng rì rào trên dòng sông nhờ nhờ xám. Một ngọn đèn lồng đung đưa trên cột buồm tàu La Sitadell. Tay thọc vào túi, miệng khe khẽ huýt sáo, nhà vua men theo dọc sông, sát ngay bên bờ nước.
Trông thấy Sa hoàng, người lính thuỷ đứng gác bên tường ngăn, vội đẩy cửa vào báo cho các vị thượng thư biết. Nhưng vua Piotr không bước ngay vào phòng bên. Nhà vua thích thú hít không khí ấm áp và khói thuốc lá, cúi xuống bàn, xem xét các món ăn.
- Nầy, - nhà vua nói với một người để râu quai nón lộng mầy người lên vì kinh ngạc, cặp mắt xanh biếc rạng rỡ trên khuôn mặt nhỏ bé; đó là Aladuskin, người thợ mộc đóng tàu nổi tiếng - Miska, đưa cho ta đĩa kia - nhà vua vừa nói vừa chỉ món thịt quay hầm khoai ở phía bên kia bàn. Nhà vua ngồi xuống ghế, trước mặt vị phó đô đốc đang ngủ và chậm rãi uống một ly vodka như người ta uống khi trong người rất mệt mỏi; rượu dẫn nhanh vào mạch máu. Nhà vua chọn một trong những quả táo chắc nhất. Vừa nhai, nhà vua vừa nhổ hạt vào cái đầu hói của Cornelix Cruyx:
- Ông ta làm sao thế? Say chứ gì?
Vị phó đô đốc tức thì ngẩng bộ mặt nhăn nhúm lên và giọng trầm trầm khàn khàn, đáp:
- Có gió Nam thổi, gió Tây Nam cấp một. Đến phiên Pambur trực đấy. Thần thì thần nghỉ. - Rồi hắn lại vùi đầu vào ống tay áo thêu.
Ăn xong, nhà vua nói:
- Tại sao nơi các ngươi lại buồn thiu như vậy? - Nhà vua đặt hai nắm tay xuống bàn đợi một phút, ưỡn thẳng lưng lên rồi đứng dậy và sang phòng bên, ngồi xuống giường.
Các vị thượng thư kính cẩn đứng cả dậy. Nhà vua lấy ngón tay cái nhồi tẩu thật chặt với thứ thuốc lá Hà Lan, châm lửa ở ngọn nến do Alexaska đưa ra.
- À chào vị đại sứ thần.
Đôi chân già nua của Voznixyn, đi tất dạ khuỵu xuống; đuôi áo cứng đơ của chiếc áo may theo kiểu Pháp co lên, lão cúi rạp xuống chào, những chùm tóc ở bộ tóc giả xoã xuống tận đôi giầy đầy bùn của nhà vua. Lão giữ nguyên tư thế đó, đợi Sa hoàng nâng dậy. Vua Piotr chống khuỷu tay ngả người xuống gối và nói:
- Alexaska, nâng vị đại sứ thần dậy… Prokofi, đừng giận ta, ta mệt lắm… - Voznixyn bị nhục đấy!
Melsikov ra và tự mình đứng dậy.
- Ta đã đọc thư của nhà ngươi. Nhà ngươi xin ta đừng giận dữ. Ta không giận dữ đâu. Nhà ngươi đã làm tròn nhiệm vụ một cách chính trực, theo kiểu cũ. Ta tin nhà ngươi… - Vẻ khó chịu, nhà vua nhe răng ra - Bọn Áo! Bọn Anh! Được rồi. Đây là lần cuối cùng ta kính cẩn chào chúng… Nhà ngươi ngồi xuống và kể đi?
Voznixyn lại kể lại công việc của lão: lão nói đến những nỗi bực bội phải chịu dựng và những cố gắng lớn của lão tại hội nghị các sứ thần. Vua Piotr đã biết tất cả những điều đó qua thư của lão; nhà vua lơ đãng rít tẩu thuốc.
- Tâu bệ hạ, - Voznixyn nói, - kẻ tôi tớ của bệ hạ đã lý luận như sau, với cái trí thông minh nghèo nàn của mình: miễn là không khiêu khích bọn Thổ Nhĩ Kỳ, ta có thể kéo dài rất lâu hiệp ước đình chiến. Phải cử ngay một người rất mực thông minh, quỷ quyệt đến gặp bọn Thổ Nhĩ Kỳ… Người đó sẽ thương lượng với chúng, kéo dài thời gian, thậm chí hứa hẹn sẽ nhượng bộ cái gì đó, vì thực ra, tâu bệ hạ, chúng là bọn Hồi giáo, nói dối chúng cũng không có tội lỗi gì. Chúa sẽ tha thứ cho ta.
Vua Piotr cười gằn. Nửa bộ mặt nhà vua ở trong bóng tối nhưng cái nhìn của đôi mắt tròn xoe được ngọn nến chiếu sáng trông thật nghiêm nghị.
- Các vị đại thần các vị còn có điều gì nói nữa không nào?. - Nhà vua rít tẩu thuốc và nhổ qua khe răng xa đến một xagien.
Bóng hai bộ tóc giả nhọn hoắc của Apraxin và Golovin chuyển động trên tường. Quả thật khó mà trả lời được ngay tức thì.
- Nói năng như xưa kia ở viện Duma, với lời lẽ văn hoa, xoay quanh vấn đề, vua Piotr không thích. - Alexaska, vừa cọ vai vào cái lò nóng vừa bĩu môi.
- Cái gì thế? - Vua Piotr hỏi Alexaska.
- Prokofi tưởng hành động theo lề lối của ông cha ta là tốt: kéo dài và làm rối rắm vấn đề! Ngày nay, cái lối đó không ổn tí nào. - Lev Kirilovich nổi nóng, thở hổn hển, nói.
- Ngay cả Chúa cũng không cho phép ta ký kết hoà ước với bọn Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo trưởng ở Gierusalem van xin ta bảo vệ Mộ Thánh. Các phiên chúa ở Moldavia và Valasi gần như quỳ gối xin ta giải phóng họ khỏi nền đô hộ Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy mà ta, ôi lạy Chúa?. - Vua Piotr nói, giọng chế giễu: "Nào, đừng có khóc…"
Lev Kirilovich ngừng bặt, mồm mắt mở tròn xoe, rồi nói tiếp:
- Tâu bệ hạ, chúng ta không thể không có Hắc Hải được! Nhờ ơn Chúa, giờ đây chúng ta đã mạnh và bọn Thổ Nhĩ Kỳ thì yếu… Ta không nên đến Krym, như Vaska Golixyn, mà tiến thẳng đến Constantinop bằng đường sông Dunai, dựng cây thánh giá trên nhà thờ Đức thánh bà Sofia(3).
Các bộ tóc giả nhọn hoắc lắc lư, lo lắng. Mắt vua Piotr long lanh, vẫn bí hiểm; chiếc tẩu nhỏ rít lên. Lão Apraxin vốn tính bình tĩnh, khẽ nói:
- Hoà bình vẫn hơn là chiến tranh, Lev Kirilovich ạ. Chiến tranh tốn kém lắm. Ký kết hoà ước với bọn Thổ Nhĩ Kỳ trong hai mươi lăm năm hoặc ngay mười năm đi nữa mà không trả Azop, không trả những thành luỹ nhỏ trên sông Dniepr cho chúng, ta còn mong gì hơn nữa? - Lão liếc mắt về phía vua Piotr và thở dài.
Vua Piotr đứng dậy. Nhưng căn phòng bé quá không thể đi đi lại lại được, nhà vua ngồi lên bàn.
- Thế ra suốt đời ta, ta phải làm theo ý các chúa đất quý tộc? Đội cảnh vệ quý tộc? Chúng leo lên mình ngựa, bọn quỷ béo ấy, thậm chí cũng không biết cầm kiếm tay nào nữa. Toàn đồ vô tích sự, đồ vô tích sự chính tông! Nhà ngươi cần phải nói chuyện với đám thương nhân, Arkhagensk là cửa ngõ duy nhất đi ra thế giới: bọn Anh, bọn Hà Lan muốn định giá thế nào cũng được, chúng mua như lấy không… Mitrofan Sorin có kể cho ta nghe là hắn đã để thối tám nghìn pud gai trong kho, hắn đã đợi giá hời qua ba mùa thông biển. Bọn quái ác ấy diễu qua và chỉ cười… Lại còn, gỗ nữa! Ở ngoại quốc, người ta cần gỗ. Gỗ thì chỉ ta mới có thế mà ta vẫn phải van vỉ: xin các ngài mua cho. Còn vải nữa! Ivan Brovkin nói là thà hắn đốt hết vải ở trong kho tại Arkhagensk còn hơn là bán với giá hạ… Không? Chúng ta không phải bận tâm đến Hắc Hải… Ta phải có tàu của ta trên biển Ban Tích
Nhà vua đã nói xong… Vẫn ngồi trên bàn, người dài nghêu, mặt lem luốc, nhà vua nhìn các quan thượng thư với cặp mắt lồi. Các thượng thư sị mặt. Gây chiến với bọn Tarta, hay với bọn Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, là một công việc quen thuộc tuy có khó khăn. Nhưng chiến tranh trên biển Baltic ư? Đánh nhau với bọn Livoni, bọn Ba Lan ư? Gây chiến với quân Thuỵ Điển ư? Đi rúc vào cái mớ bòng bong ở châu Âu ư? Lev Kirilovich lấy bàn tay mập mạp thọc vào vạt áo nẹp, rút ra chiếc khăn tay lụa màu hạt dẻ, thấm mồ hôi trên mặt.
Voznixyn lắc lư bộ mặt choắc cheo khô đét. Vua Piotr rút trong túi quần ra một túi thuốc lá:
- Với bọn Thổ Nhĩ Kỳ, ta sẽ không làm như Prokofi, ta sẽ đòi hỏi hoà bình bằng một cách khác… Ta sẽ không đến đấy vẻn vẹn với một chiếc áo nẹp lót lông cáo ánh bạc.
- Nhất định rồi! - Alexaska bỗng nói lên, mắt long lanh.
 
Chú thích:
(1) Cấp bậc tương đương chuẩn đô đốc.
(2) Dưới thời Ivan Hung đế, người Krym đã đốt cháy Moskva, giết và bắt làm tù binh khoảng nửa triệu người. - chú thích của tác giả)
(3) Nhà thờ lớn ở Constantinop, Thổ Nhĩ Kỳ. - Năm 1953 người Thổ Nhĩ Kỳ đổi thành nhà thờ Hồi giáo.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)