Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 120

Ở khu phố Kitai-gorod, người ta chỉ bàn tán về gia đình nhà Brovkin. Như vẫn thường xảy ra, thốt nhiên Sa hoàng say mê theo đuổi một ý đồ mới: gả cô quận chúa út nhà Buinoxov - thuộc dòng dõi vua Ruric(1) - cho Artamon Brovkin. Nhà vua bỏ bê mọi công việc. Các vị thượng thư và các quan triều thần uổng công đến hoàng cung yết kiến! Lần nào nội giám cũng trả lời: "Chẳng biết hoàng thượng ở đâu".
Một buổi tối, trong khi người ta đặt những bức rào chắn ở các phố, vua Piotr đi xe đến nhà Brovkin. Ivan Artamit đang ở nhà dưới, ngồi với mấy người mugic(2) trong bếp. Dưới ánh sáng của một cây nến mỡ bò, lão đang chơi bài "thằng ngốc"(3) - lão thích vui chơi như thuở còn hàn vi. Bỗng một cái đầu đội mũ ba cạnh cúi xuống thò vào qua khung cửa thấp. Thoạt tiên, mọi người tường là một anh lính gác kho muốn vào sưởi. Nhưng rồi ai nấy sửng sốt đờ cả người. Vua Piotr khẽ cười nhìn lão chủ nhà từ đầu tới chân: trông lão thực thảm hại, chiếc áo lót lông thỏ đã sờn, cái đầu hoa râm thụt vào vai vì hoảng sợ.
Piotr Alekseevich bảo lấy nước kvas. Nhà vua ngồi xuống ghế dài. Trước mặt mấy gã mugic và đám nhân viên, Sa hoàng nói rằng:
- Ivan, ta đã làm ông mối cho nhà ngươi một lần. Ta muốn làm ông mối một lần nữa. Hãy chào đi.
Không nói được một câu, Ivan Artemist, mặt đầm đìa mồ hôi dầu, quỳ thụp xuống nền nhà đất nện, dưới chân Sa hoàng.
- Ivan - vua Piotr nói - đưa thằng cháu ra đây cho ta.
Artamon đã ở đấy rồi, đứng sau lò bếp. Vua Piotr kéo Artamon đặt đứng vào giữa hai đầu gối mình, tò mò ngắm anh chàng thanh niên:
- Nầy Ivan sao ngươi lại giấu ta một thằng bé xinh trai như thế nầy? Ta xoay sở đến khổ, thế mà họ ở sờ sờ ngay trước mắt… - Nói với Artamon - Ngươi biết đọc chứ?
Artamoska hơi tái mặt, nói luôn một mạch bằng tiếng Pháp, không chút ngập ngừng, như ta rắc đậu:
- Thần nói được tiếng Pháp và tiếng Đức, thần đọc thông viết thạo hai ngoại ngữ nầy…
Piotr Alekseevich há hốc miệng:
- Trời đất ơi! Nhắc lại xem nào?
Artamoska nhắc lại câu đó bằng tiếng Đức. Anh chớp mắt nhìn cây nến, và nhắc lại câu đó bằng tiếng Hà Lan, nhưng lần nầy có ngắc ngứ.
Vua Piotr ôm lấy chàng thanh niên, hôn anh, đẩy anh ra, kéo anh vào, lắc anh ta.
- Thấy chưa kìa? A, thằng nhỏ nầy khá lắm. A, a! Cám ơn nhà ngươi, Ivan, về món quà nầy. Bây giờ ông hãy từ giã thằng nhỏ đi. Nhưng nhà ngươi sẽ không phải tiếc đâu: hãy đợi đấy ít lâu, những ai thông minh chẳng bao lâu ta sẽ phong tước bá cho họ.
Vua Piotr ra lệnh dọn bữa ăn tối. Ivan Artemist khẩn khoản xin nhà vua quá bộ lên nhà trên vào phòng khách:
- Ở đây không tiện?
Đứng sau lò bếp, lão vội vàng đội bộ tóc giả, mặc áo lễ. Lão đã bí mật sai đày tớ đi gọi Xanka. Người quản gia đã đứng ở cửa, tay cầm gậy cán bạc(4).
Vua Piotr chỉ cười:
- Ta không lên nhà trên đâu, ở đây ấm cúng hơn. Hê, cô đầu bếp đâu, có gì trong lò dọn tất cả ra đây!
Nhà vua đặt Artamon ngồi cạnh mình và nói chuyện với anh bằng tiếng Đức. Nhà vua bông đùa, thết vodka đám nhân viên và mugic. Nhà vua bắt họ hát.
Đứng cạnh cửa, mấy lão mugic già đành phải tuân lệnh cất tiếng hát, giọng như gấu kêu. Bỗng Xanka nhảy một bước vào bếp: mặt thoa phấn, bận đồ lụa hớ đến nửa người(5). Vua Piotr nắm tay nàng, đặt nàng ngồi một bên. Người thiếu phụ mạnh dạn hoà giọng cùng các mugic, giọng nàng dịu dàng ngân nga, mặt kề gần ngọn nến, nàng nhìn vua Piotr với đôi mắt hóm hỉnh, trong sáng… Mọi người vui chơi đến quá nửa đêm.
Sáng hôm sau, Piotr Alekseevich, cùng với các chàng phù rể, đến nhà vương hầu Buinoxov hỏi Natalia. Cuộc thương thuyết kéo dài cả một tuần lễ; đem theo một đoàn tới năm mươi người, khi thì vua Piotr đến bàn bạc với nhà Brovkin, khi thì đến nhà Buinoxov. Vừa thương lượng, vừa tiệc tùng ở các buổi dạ hội của thanh niên nam nữ. Đám cưới tổ chức linh đình vào ngày lễ Cầu xin. Ivan Artemist tiêu mất một món tiền lớn.
Mười lăm ngày sau, Xanka cùng chồng khởi hành đi Paris.
Cho đến Viazma họ đi thong thả cùng với nhiều đoàn xe khác. Họ mất nhiều thời giờ đỗ lại ở các quán cho ngựa ăn. Tuyết xuống khá nhiều, trời trong sáng, đường dễ đi.
Đến quán trọ ở Viazma, Alekxandra Ivanovna giận dỗi với chồng. Volkov muốn nghỉ lại đây, tắm hơi nước, và ngày hôm sau khi tan buổi lễ chầu, đến thăm viên tổng trấn là một người họ xa, và ăn bữa trưa ở đó. Rồi còn phải đóng lại móng ngựa làm việc nầy việc nọ.
- Tôi muốn đi nhanh hơn. Đi chậm như rùa thế nầy không chịu được - Alekxandra Ivanovna nói với chồng. - Đến Riga sẽ nghỉ.
- Xasa! Tôi báo là từ Viazma trở đi đường xá nguy hiểm. Nhiều đoàn xe đã ùn lại ở đó, có tới năm trăm cỗ xe trượt tuyết, khó mà đi qua được
- Tôi không biết.
Hai vợ chồng ăn ở trên gác, trong một gian phòng sạch sẽ có thắp mấy ngọn đèn thờ. Vaxili mặc áo ngắn lót lông cừu cởi khuy; Alekxandra Ivanovna mặc áo nhung nâu tay dài, vai khoác khăn len lông xổ, mái tóc vàng bện thành đuôi xam quấn quanh đầu. Nàng không ăn chỉ nhấm nhấm mẩu bánh mì. Chỉ vì nôn nóng mà mặt nàng hốc hác, mắt thâm quầng. Lạy Chúa, đàn bà đâu có một.
Volkov gượng gạo nhai miếng giăm-bông muối:
- Em là ai? Thật là tôi nợ! Không lúc nào sống cho yên ổn. Không bao giờ thấy dịu dàng, em không ngủ, không ăn, không nói năng như mọi người… Cái gì lôi kéo em đi đến cùng trời cuối đất? Để làm gì? Muốn nhảy điệu vũ nhịp ba với các vua chúa ư? Nhưng vua chúa họ có muốn khiêu vũ với em không đã?
- Tôi chịu ngồi nghe anh nói chỉ vì chúng ta bị nhốt trong cái quán nầy mà thôi.
Volkov buông chiếc đĩa còn cắm miếng giăm-bông muối, nhìn vợ hồi lâu, nhìn cặp lông mày cao trên vầng trán nhíu lại vì lo âu và thơ mộng, đôi mắt xanh thầm lơ đãng - nhìn đi tận đâu đâu ai mà biết được.
- Ồ Alekxandra, tính tôi lành và nhẫn nại.
- Anh có kêu lên tôi cũng không cần.
Volkov lắc đầu, vẻ trách móc. Hắn thấy xấu hổ, thậm chí có lẽ hắn thấy yêu vợ là sai, nhưng hắn yêu vợ; sự thực là thế. Trong những trận cãi cọ, khi vợ nói những lời xúc phạm, hắn cắm thấy bối rối. Bây giờ cũng vậy: hắn biết mình sẽ nhượng bộ tuy rằng có là điên mới liều mạng đi từ Viazma đến Smolensk, theo đường rừng không có bạn đường tin cẩn. Người ta kể những chuyện rùng rợn về quãng đường nầy: tên ataman Exmen Xokol tàn sát khách lữ hành. Ngay giữa ban ngày. Lữ khách thường trông thấy trên đường một người cao lớn, đội mũ nhọn, đi giầy bện bằng vỏ gai, dao găm giắt thắt lưng. Mồm hắn rộng đến mang tai, răng như bàn cuốc. Hắn huýt còi một cái là ngựa ngã quỵ ngay xuống. Lúc ấy thì chỉ còn có việc đọc kinh cầu hồn thôi.
- Nếu tôi sợ kẻ cướp, tôi đã ở lại Moskva rồi! - Alekxandra Ivanovna nói. - Chúng ta có ngựa tốt, có thể đi thoát được. Vả lại có xảy ra sự gì cũng còn hơn, tôi còn có chuyện mà kể. Chẳng lẽ lại đi kể chuyện anh ngáy ngủ như thế nào ở quán trọ.
Nàng gạt đĩa ăn, gọi người hầu gái, một cô gái người Kalmys, sai đi lấy quyển vở và chuẩn bị giường.
Quyển vở ấy là bản dịch chương nói về người xứ Gole trong bộ Sử ký của Xamuen Pufendorf, do em trai nàng, Actamos, viết. Nàng đặt quyển vở trên đầu gối, cúi xuống rất thấp để đọc. Volkov tì tay vào má, nhìn cái đầu xinh đẹp của Xanka, cái cổ với những búp tóc xoăn. Quả là một bà hoàng trong truyện cổ tích! ại bảo được rằng cách đây không lâu chính nàng còn cắt cỏ chở phân? Nàng sẽ đến Paris không chút sợ hãi, và sẽ kể đủ chuyện phù phiếm với nhà vua…
- A, Xania, Xania, nếu em có thể sống bình tĩnh lại và có mang, anh mong muốn biết bao được cùng em sống trong cảnh thanh bình ở nơi quê nhà?
Xanka đọc, môi mấp máy:
"Thêm vào đó, người Pháp tính tình vui vẻ, lanh lợi thích giao du và lịch sự; họ thạo cách ăn mặc, trang điểm, thạo cách đi đứng và có một vẻ đẹp tự nhiên.
Nhiều người Pháp tự hào là đệ tử trung thành của thần Vệ Nữ; họ tìm nguồn khoái lạc trong tay giai nhân và lấy làm cực kỳ sung sướng được miệt mài trong các chuyện đó. Dân tộc khác mà muốn học đòi người Pháp và bắt chước họ thì chỉ tự làm mất danh dự và trở nên lố bịch…"
- Đáng lẽ ngồi trơ như phỗng không làm gì… - Xanka ngẩng đầu lên. Volkov vừa định ngáp, hắn giật mình… Dọc đường, lẽ ra anh phải tập đánh gươm, đấu kiếm?
- Sao vậy?
- Đến Paris, anh sẽ biết tại sao?(6).
- Thôi, cô để cho tôi yên! - Volkov tức giận rời bàn ăn; hắn ấn chiếc mũ lông xụp xuống tận mắt, bước ra sân xem ngựa. Trên mái tuyết phủ của dãy nhà xe, vừng trăng mờ sương treo rất cao. Trên trời, không một vì sao, chỉ có những kim tuyết lấp lánh từ từ rơi xương. Không khí yên tĩnh làm lông mũi cũng giá cứng. Dưới mái hiên, những con ngựa đang nhai trong bóng tối đen như mực. Người đi tuần đêm uể oải đánh mõ ở ngôi nhà thờ nhỏ gần đấy.
Một con chó lại gần Vaxili, ngửi chiếc ủng cao bằng da nhuộm, và ngẩng đầu, - trông rõ cả hàng lông mi, nhìn hắn với một vẻ ngạc nhiên như chờ đợi cái gì.
Bỗng nhiên, Vaxili thấy thiết tha không muốn rời khỏi cái cảnh yên tĩnh nơi quê nhà nầy, không muốn đi Paris nữa… Buồn bã, hắn quay đầu lại, đôi ủng dạ khẽ kêu lạo xạo, - trên kia, trong gian nhà ghép bằng gỗ cây một ánh sáng dịu lọt qua cửa sổ lắp mi-ca: Xanka đang đọc Pufendorf… Thôi đành vậy, số trời đã định.
Trời hoàng hôn đỏ chói, rực một ánh sáng dữ dội, hiện ra ở bên trên các ngọn cây của cánh rừng. Hai bên đường, thân cây và những rễ cây vặn vẹo vùn vụt diễu qua, những cành cây nặng trĩu tím ngắt quất vào mui chiếc xe hòm rắc, xuống từng đám bụi tuyết.
Vaxili thò người ra khỏi tấm yếm da đến ngực, cầm cương hò hét như điên. Xác người đánh xe bị đánh chết, nằm lăn trên đường, cách đây rất xa, trước chỗ đường ngoặt… Những con ngựa tốt, đóng thẳng hàng một nối đuôi nhau, phi nước đại, thở phì phì: con ngựa ô đóng đầu càng, mình phủ đầy sương giá, con ngựa hồng chân đen đóng ở giữa, và con ngựa cái nhỏ trắng và bất kham đóng sát xe. Chiếc xe nhảy chồm chồm, qua những ổ gà. Bọn cướp đuổi theo sau, rải rác trên đường. Khắp cánh rừng vang tiếng kêu la thất thanh
Năm phút trước, ở chỗ đường ngoặt, nơi con đường làng vắt qua đường cái, một bọn mugic cao lớn nấp sau một đụn rơm đánh đống từ năm ngoái, nhảy bổ ra: chừng mười tên cầm rìu và gậy nhọn. Người đánh xe sợ chết khiếp, định kìm ngựa lại… Bốn tên cướp xông vào bầy ngựa, dữ tợn hét lớn: "Dừng lại, dừng lại!".
Những tên khác, chân thụt trong tuyết, chạy lại chỗ chiếc xe. Người đánh xe buông cương giơ tay đeo bao xua bọn cướp, bị một gậy giáng vào đầu.
Sự việc diễn ra trong khoảnh khắc, hành khách không kịp trấn tĩnh lại… Con ngựa cái nhỏ đóng sát xe đã cứu thoát họ: nó chồm lên, nhấc bổng hai tên cướp bám vào hàm thiếc, nó đá nó cắn. Xanka hất cái yếm da: "Cầm lấy cương?" Nàng giật lấy khẩu súng ngắn của chồng đeo ở ngực bên trong chiếc áo lông cừu, bắn vào một bộ mặt râu ria xồm xoàm. Nghe tiếng súng nổ và nhất là bị bất ngờ vì thấy một người đàn bà bắn súng, bọn mugic nhảy lùi lại… Mấy con ngựa phóng đi Volkov nắm lấy cương, xe lao đi như bay. Xanka lấy báng súng đập vào lưng chồng liên hồi: "Nhanh lên, nhanh lên!"
Cuộc săn đuổi đã chấm dứt. Mình ngựa bốc hơi.
Phía trước đã thấy đuôi một đoàn xe dài. Volkov cho ngựa đi bước một. Hắn ngoảnh lại tìm chiếc mũ trong xe và trông thấy cặp mắt tròn xoe, lỗ mũi phập phồng của Xanka:
- Thế nào, cô hài lòng rồi chứ? Cứ không tin là có Exmen Xokol nữa đi? Rõ đồ ngốc, ngu như lợn! Không có xà ích thì xoay sở làm sao bây giờ? Tội nghiệp tên mugic ấy chịu thương chịu khó là thế… Chẳng qua chỉ tại cái đầu óc đàn bà ngu ngốc của cô, đồ quỷ cái!
Chồng nhiếc móc như vậy mà Xanka cũng chẳng để ý. A, đấy, sống thế mới ra sống chứ, đâu có phải là một giấc ngủ ù lì tẻ ngắt!
 
Chú thích:
 
(1) Thủ lĩnh bộ lạc Vareg, được coi như người sáng lập đế quốc Nga.
(2) Nguyên là nông dân lao động nhưng làm đủ nghề: lao công, đi ở và các nghề khác có tính cách bán chuyên nghiệp như làm thợ mộc, thợ nề, làm bánh… Tầng lớp lao động cùng khổ xuất thân từ nông dân
(3) Một lối chơi bài đơn giản, vui, của tầng lớp dưới.
(4) Ở các gia đình quyền quý, trong các buổi chiêu đâi trọng thề người quản gia bận chế phục tay cầm gậy cán bạc đứng trước cửa gõ gậy xuống sàn, hô tên tuổi chức tước quan khách và nghi tiết.
(5) Kiểu trang phục đề hở ức, vai lưng
(6) Ý nói: đến Paris, nhiều người sẽ ve vãn tôi, anh phải biết đọ kiếm để giữ lấy vợ anh và bảo vệ danh dự của anh.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)