Ba tôi bị chứng mất ngủ. Mỗi tối, ông phải dùng thuốc ngủ với liều lượng mỗi ngày một tăng, và cho đến khi tất cả các loại thuốc dần trở nên vô tác dụng. Hậu quả của việc thiếu ngủ kéo dài là ba gầy đi trông thấy, gương mặt hốc hác, mắt thâm quầng trõm lơ. Ba thường hay cáu gắt, quát tháo ầm ĩ vì những chuyện không đâu. Trong nhà, vì thế chẳng lúc nào được êm ấm. Tình trạng ấy kéo dài khoảng hai tháng, bệnh tình của ba chuyển sang giai đoạn trầm trọng. Ba sợ tiếng động xung quanh, sợ ánh sáng và lúc nào cũng có cảm giác có ai đó đang theo dõi mình. Đi khám, bác sỹ kết luận ba bị chứng trầm cảm rất nặng:- Đây là chứng bệnh rất nguy hiểm, là nguyên nhân gây ra chứng tâm thần phân liệt. Người bệnh cần phải nghỉ ngơi, để cho đầu óc thư giãn…- Để điều trị căn bệnh này phải mất bao nhiêu thời gian, bác sỹ?- Một năm hoặc lâu hơn thế nữa. Điều quan trọng là phải uống thuốc đúng thời gian và liều lượng. Tuyệt đối không được ngưng sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sỹ điều trị. Uống thuốc theo toa bác sỹ, ba ngủ được vài hôm, chưa kịp mừng thì ông lại tiếp tục bị mất ngủ. Bệnh tình diễn biến mỗi ngày càng phức tạp. Có lúc ba liên tục nói nhảm, thậm chí có ý định tự tử. Mẹ đưa ba đi gặp chuyên gia tâm lý. Không biết kết quả như thế nào, chỉ thấy mẹ có vẻ buồn nhiều và thường ngồi trầm ngâm suy nghĩ hàng giờ liền. Có vẻ mẹ đang suy nghĩ để quyết định một việc hệ trọng. Vài lần tôi muốn hỏi nhưng thấy vẻ mặt quan trọng của mẹ lại ngại không dám hé môi. Việc học của tôi bắt đầu sa sút. Cả anh Khương cũng trong tình trạng như thế. Ba tôi đang bị bệnh. Mẹ đang lo lắng cho sức khỏe của ba nên chẳng còn thời gian để tâm đến chuyện khác. Không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề, u ám, nhiều lúc tôi không muốn về nhà nữa. - Đêm qua ba có ngủ được không?- Không, - ba lắc đầu thở dài:- Chắc ba sẽ điên lên mất. Ba ôm đầu rên rỉ. Thương ba, tôi chỉ biết khóc và khóc. Chứng mất ngủ cũng bắt đầu xuất hiện ở mẹ. Và mẹ phải thường xuyên dỗ giấc ngủ bằng rượu.