So với vợ mà nói, tình cảm của chồng có phần không tế nhị bằng. Có nhiều anh chồng không phải kém quan tâm đến vợ nhưng không biết cách, kết quả chỉ là uổng công vô ích. Tốn bao công sức, rút cục chỉ làm cho vợ mất vui. Vì vậy có anh chồng chẳng biết làm thế nào, chỉ than thân "Không lấy vợ không chịu được mà có vợ cũng không chịu được". Muốn thoả mãn nhu cầu tình cảm của vợ, trước hết người chồng cần biết vợ mình có nhu cầu gì về tình cảm. Đó là điều vô cùng đơn giản mà cũng vô cùng chính xác. Theo điều tra của các nhà tâm lý học nước ngoài, nhu cầu về tình cảm của phụ nữ đã kết hôn hầu như giống nhau hoàn toàn. Họ cần chuyện trò dịu dàng, vuốt ve phi tính giao. Họ có tâm lý tự ái và cũng có dục vọng nhất định. Mấy khía cạnh đó là “khu vực nhạy cảm tình dục" của họ, nếu chồng biết nhằm vào đó mà tác động thì anh ta sẽ có hình tượng bội phần đáng yêu trong tâm khảm người vợ. Đánh giá xem chồng có dịu dàng và quan tâm tới vợ không, một tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu là xem anh ta có chịu nghe vợ nói năng dây cà ra dây muống không. Phần lớn phụ nữ sau khi kết hôn đều thích nói dai nói dài, một trong những nguyên nhân là do việc nhà phiền toái đều do vợ đảm đang, nhiều việc dễ kể lể dài dòng, một nguyên nhân nữa là do tình cảm phụ nữ dồi dào, không như nam giới cứ nén sâu trong lòng, nên người vợ cần nói năng dài dòng để kể lể bộc bạch và oán trách. Biết được nguyên nhân như vậy thì người chồng quan tâm đến vợ không nên trách vợ nói dài nói dai. Dù vợ có nói toàn những điều chẳng đâu vào đâu, thậm chí nói cả những lời lẽ dông dài vô bổ, người chồng cũng không nên tỏ vẻ thờ ơ, vì đối với người vợ mà nói điều quan trọng không phải là nói cái gì mà là được nói hay không, cứ nói ra được là vui lòng rồi. Chỉ nói dông dài còn khá, có một số chị vợ còn vừa nói dài vừa chì chiết oán trách. Ví dụ vừa giặt quần áo vừa kêu ca việc nhà vất vả, trách chồng không giúp đỡ. Thực ra không phải họ giận chồng mà không thực sự cần chồng giúp đỡ, mà chỉ cảm thấy nói ra được là thoả lòng. Có khi sự oán trách đó chẳng qua chỉ là một phương pháp nghịch đảo để người vợ bộc lộ tình yêu chồng mà thôi. Miệng thì oán chồng không giúp đỡ nhưng trong lòng thì lại thông cảm không để chồng phải bận tâm vì việc vặt trong nhà. Gặp trường hợp này, chồng nên tươi cười, vui vẻ nghe vợ oán trách nói dai. Người chồng thông mình thì dù công tác bận thế nào, khi về đến nhà cũng nên chú ý lắng nghe xem vợ nói gì, nhẫn nại nghe dù đó chỉ là những chuyện vui nho nhỏ hoặc chuyện buồn tí chút của vợ. Nên tán tụng thành tích của vợ, đồng tình và động viên vợ khi chị ta gặp trắc trở. Khi vợ phiền muộn hoặc cảm thấy cô đơn, cần giúp đỡ giải khuây. Tất nhiên chỉ nghe thôi vẫn chưa đủ mà còn phải tranh thủ thời gian trò chuyện tâm tình với vợ. Chuyện này không cần quá đắn đo đến thời điểm, khi ăn cơm cũng được, khi đang nghỉ ngơi cũng được. Và cũng không cần hạn chế thời gian, một vài phút cũng được, một vài giờ cũng không sao. Cũng không cần hạn chế nội dung chuyện trò. Có thể nói chuyện nhà, chuyện con cái, kể cả chuyện công tác, học tập. Tóm lại là đủ mọi chuyện trên trời dưới biển, chỉ cần chuyện trò vui vẻ là được. Chuyện trò thân ái giữa hai vợ chồng có tác dụng kích thích tình cảm, củng cố được sinh hoạt tình dục. Học giả nước ngoài phát hiện các phụ nữ ngoại tình về căn bản không phải để tính giao mà là để trao đổi tình cảm dịu ngọt. Họ cũng biết chồng mình là quan trọng nhưng người tình có thể làm cho họ nhận được cái mà chồng họ không có đó là chuyện trò dịu dàng. Điều phát hiện này đáng để cho tất cả các ông chồng không thích hoặc không khéo chuyện trò với vợ phải nhớ kỹ. Muốn làm một người chồng dịu dàng, quan tâm đến vợ, còn cần biết cách luôn luôn cống hiến cho vợ những pha êm dịu, ngọt ngào. Nữ khác với nam, họ dung hợp sinh hoạt tình dục với sinh hoạt đời thường, bình thường không mặn mà với nhau thì họ sẽ không thích sinh hoạt tình dục. Chuyên gia nổi tiếng về khoa học tình dục là bà Mastess chỉ rõ, đối với nữ mà nói TÍNH GIAO và TÌNH YÊU không thể tách rời nhau. Nhưng có nhiều ông chồng đã không thoả mãn tâm lý đó của vợ. Chỉ khi sắp làm tình họ mới ôm ấp hôn hít, còn khi bình thường là rất ít khi làm như vậy. Cách làm đó rất dễ gây cho vợ tâm lý chán ghét cho rằng anh chồng chỉ cần giao hợp, ngoài ra chẳng có tình cảm gì hết. Chúng ta thường nghe thấy các bà vợ oán trách đức ông chồng kém quan tâm, chủ yếu là muốn nói về mặt này. Biện pháp tỏ ra dịu đàng, thân mật có nhiều lắm nhưng nên chú ý tới các việc nhỏ vì đặc điểm tâm lý của phụ nữ là thích sự chu đáo, tỷ mỉ. Ví dụ vợ đi chợ về, chồng vội ra cửa đón, cầm ngay lấy mấy thứ trên tay vợ. Hoặc khi vợ làm cơm, đã chuẩn bị xong bữa ăn tươm tất, vừa ngồi xuống bàn ăn thì chồng đã xới cơm cho vợ, gắp thức ăn ngon vào bát vợ. Hoặc khi vợ làm việc mệt nhọc, chồng đưa ngay cho vợ một chiếc khăn mặt đã ngâm nước nóng. Những việc nhỏ như vậy nếu do người vợ làm thì chồng có thể thấy cũng hay, nếu do chồng làm thì chắc vợ sẽ cảm thấy chan chứa yêu đương. Nhà bệnh học tình dục nổi tiếng Luci khuyên các ông chồng rằng, dù không làm tình cũng vẫn phải tỏ cái tình với vợ. Nếu không phải là tình hình đặc biệt, chồng bất ngờ tặng vợ một bó hoa tươi hoặc một quà tặng khác, hoặc giúp vợ trông con một ngày thì sự quan tâm đó chắc chắn sẽ làm tăng thêm hạnh phúc hôn nhân và thú vui tình dục. Người chồng còn cần chú ý tăng thêm một số cảm giác cận thể với vợ. Cận thể là tiếp xúc xác thịt, như ôm ấp, hôn hít, vuốt ve, hoàn toàn giống như vuốt ve trước khi giao hợp nhưng mục đích khác nhau. Tiếp xúc xác thịt như vậy chưa phải là động tác chuẩn bị giao hợp, mà là để vợ cảm thấy tình yêu của chồng. Cách làm này đối với vợ thường còn quan trọng hơn cả chuyện làm tình. Qua việc làm như vậy làm cho vợ cảm thấy chồng yêu mình và tình yêu đó đã được chứng thực, họ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bạn có thể làm một thí nghiệm nhỏ, bạn vừa nói: "hôm nay em mặc đẹp quá" lại vừa vỗ nhẹ vào vai vợ, xoa xoa mái tóc hoặc khuôn mặt vợ, ôm ấp vợ một lúc. Bạn sẽ thấy việc đó làm cho vợ vui vẻ, thoải mái đến mấy giờ liền và tỏ ra thân mật với bạn hơn lúc bình thường nhiều. Các nhà tâm lý học cho rằng, nói chung nam giới có “tâm lý yêu người", nữ giới có “tâm lý yêu mình". Nghĩa là nam giới yêu người khác mình, còn nữ giới lại thích được người khác yêu thích. Người chồng cần biết tâm lý này và vận dụng vào cuộc sống thực tế. Ví dụ người vợ mới mua một chiếc áo mới vội vàng mặc ngay vào cho chồng xem, vậy lúc đó người chồng cần hiểu rõ trạng thái tâm lý của vợ, nên khen vài câu nói kiểu áo đẹp, màu sắc cũng thích hợp, rồi lại còn khen vợ khéo mua, biết chọn hàng. Lại ví dụ khi vợ có một chút thành tích trong công tác, chồng nên nhiệt tình động viên vài câu làm thoả mãn “tâm lý yêu mình" của vợ. Người chồng thỉnh thoảng nên mua một thứ tặng phẩm nhỏ mới lạ, tinh xảo cho vợ. Bạn sẽ thấy lúc đó vợ rất phấn khởi. Có người không thấy rõ cái hay của việc này, cho rằng phụ nữ chỉ tham lam hám vật chất, thực ra không phải như vậy. Người vợ phấn khởi vì thấy cái quá nhỏ đó thể hiện tình yêu của chồng, và cũng chứng tỏ là mình được yêu. Có khi người vợ muốn mua một thứ gì đó nhưng không chịu nói ra, đã dăm ba lần gợi ý với chồng, có anh chồng lại tỏ ra rất bực bội thật là không nên một chút nào, anh ta không biết rằng vợ anh đã tạo ra một cơ hội cho anh ta được thoả mãn yêu đương. Nữ cũng như nam đều có tính thích biểu lộ. Do sau khi kết hôn, việc nhà và trách nhiệm nuôi dạy con cái nặng nề, phạm vi giao du xã hội thu hẹp lại, nên tính thích biểu lộ này bị hạn chế. Để bù đắp lại, họ tỏ ra rất cố chấp trong việc nhà, mọi việc lớn nhỏ việc nào cũng thích nói. Người chồng nên thông cảm, nhất là những người chồng thành đạt trong sự nghiệp càng cần chú ý để vợ có nhiều cơ hội biểu hiện. Trong nội bộ gia đình, nếu không phải là việc thật quan trọng thì đều nên nghe theo ý kiến của vợ. Có người sợ làm như vậy sẽ bị coi là “sợ vợ”, nên việc gì cũng có ý kiến khác với vợ, nhận thức như vậy hẹp hòi quá. Nữ có thái độ câu nệ hơn đối với tình cảm của chồng so với nam, nếu quan hệ vợ chồng bình thường thì họ quyết không bao giờ lấn át chồng, càng không làm khó dễ cho chồng. Nếu bạn được thỏa mãn được ý thích biểu hiện của vợ, chị ta nhất định sẽ tôn trọng và bảo vệ lòng tự tôn của bạn. Ở ngoài gia đình cũng vậy, ví dụ hai vợ chồng đang đi ngoài phố chợt gặp bạn quen, chồng nên chủ động giới thiệu vợ với bạn. Khi chuyện trò với người quen, nếu không có gì trở ngại thì nên để vợ cùng tham gia, mời vợ phát biểu ý kiến. Bạn có thể làm một thí nghiệm nhỏ: hỏi ý kiến vợ về một vấn đề trong công tác, nếu chị ta nói đúng thì chồng nên làm theo. Từ đó về sau, bạn sẽ thấy chị ta quan tâm đến công việc của bạn nhiều hơn. Khi bạn lập được thành tích trong công tác, vợ bạn sẽ phấn khởi không kém bạn đâu mà thường còn hơn cả bạn đó. Tâm lý của nữ giới khá phức tạp. Họ vừa có tính thích biểu hiện đồng thời lại vừa có tính ỷ lại mạnh mẽ, người nào càng hiền dịu lại càng thích một anh chồng mạnh mẽ, quyết đoán. Người chồng nên hiểu rõ phép biện chứng này. Khi gặp trắc trở lớn trong đời, khi phải chọn lựa quyết định một việc quan trọng trong các thời điểm nguy cấp, gay cấn đó, người đàn ông chân chính phải trở thành một cột trụ vững chắc mang lại niềm tin cậy và an ủi to lớn cho vợ. Lúc đó thoả mãn được tính ỷ lại của vợ mới là sự quan tâm lớn nhất đối với chị ta. Việc gì cũng phải xem xét từ hai mặt, người chồng cần biết vợ thích cái gì và không thích cái gì. Kết hợp hai mặt đó lại là sẽ trở thành người chồng hợp cách về các mặt trong sinh hoạt vợ chồng. Theo điều tra của một chuyên gia hôn nhân nước ngoài, người chồng không được vợ thích chủ yếu gồm mấy loại sau: Về tính cách nóng nảy, thô bạo, ích kỷ, hẹp hòi, thích bới móc. Về tác phong sinh hoạt lười biếng, ăn mặc nhếch nhác, không biết quản lý tài chính. Về đối xử với gia đình con cái, thiếu hứng thú, quá nghiêm khắc, chểnh mảng việc nhà. Về công tác, không có chí tiến thủ, thiếu thành tựu nổi bật. Về tình cảm, thích oán trách, không hiểu thú vui của vợ, không thích bàn công việc một cách cởi mở, không thích bàn chuyện sinh hoạt hàng ngày, không chung thuỷ. Các ông chồng nên đối chiếu mình với các điều nói trên xem mình có phải là người không được vợ ưa thích hay không.