Chương 9
ĐỒN BIÊN PHÒNG

Trên cột cao của đồn biên phòng Ind, lá cờ đầy sao bay phần phật: nó trải cái bóng uốn lượn của mình lên những cảnh trí hết sức đặc sắc.
Đây chính là bức tranh của cuộc sống thật sự nơi biên ải. Để truyền đạt nó một cách trung thực chỉ có thể là cây bút lông của Verne Em mà thôi. Đó là cuộc sống nửa quân sự, nửa dân sự, nửa hoang dã, nửa văn minh. Ở đây bạn sẽ thấy những người da trắng và những người da màu trong những bộ quần áo khác nhau nhất, những con người có các nghề nghiệp khác nhau nhất, những lớp người cách biệt nhau nhất trong xã hội.
Và bản thân đồn biên cũng có vẻ gì thật khác thường.
Lá cờ sao không phải tung bay trên một pháo đài với những bức tường hình răng cưa. Nó ném bóng của mình không phải xuống hầm tránh đạn hay những lối đi bí hiểm. Ở đây không có tường thành, không có lũy, không có gì làm người ta có ấn tượng là một pháo đài. Ngoài cùng là một bờ giậu làm bằng thân cây algarôbô có mái che. Đó là chuồng dành cho hai trăm con ngựa. Sau nó là khoảng mười công trình xây dựng rất đơn giản, những ngôi nhà bình thường với những bức tường phên đan, trát đất sét, những ngôi nhà lớn trong số đó là doanh trại, sau đó là nhà khách, kho quân nhu, một phía là nhà giam. Còn phía kia, nơi có thể nhìn thấy rõ hơn là nhà ăn sĩ quan và các căn hộ. Tất cả đều rất mực đơn sơ: những bức tường trát vữa được quét vôi trắng, một loại nhà khá phổ biến trên bờ sông Lêông. Mọi thứ đều sạch sẽ, chỉnh tề, như ở trong một pháo đài, trong đó có các quân nhân mặc quân phục của một dân tộc văn minh lớn. Đồn biên Ind là như vậy đó.
Cách đó một khoảng, có thể nhìn rõ một nhóm công trình khác cũng không lớn hơn công trình mà người ta gọi là đồn biên bao nhiêu, nó cũng nằm dưới lá cờ bảo hộ của nước Mỹ. Mặc dầu lá cờ không trực tiếp bay phấp phới ngay trên đầu chúng, nhưng sự sinh ra và lớn lên của chúng liên quan tới lá cờ. Đó là mầm mống của một trong những khu thường dân xuất hiện gần những đồn quân sự Mỹ, mà theo người ta biết chúng vẫn thường phát triển nhanh chóng, và trong phần lớn trường hợp chúng trở thành những thị trấn nhỏ, và đôi khi thành những thành phố lớn cũng chưa biết chừng.
Thời bấy giờ dân cư khu đó thường là các thương nhân phục vụ cho quân đội. Trong kho của họ có cả lô hàng dự trữ không tính trong cổ phần quân sự. Chủ các khách sạn, các quán rượu thường lôi kéo những kẻ nhàn cư bằng những chiếc giá xếp đầy chai lóng lánh. Một nhóm nhữngkẻ lọc lõi làm sạch túí các sĩ quan đồn trú với những trò Faraông hay Monte (những kiểu chơi bài). Khoảng hai chục quý cô với danh giá đáng ngờ, cũng một số lượng như vậy là thợ săn, người nài ngựa, thợ săn ngựa hoang và những người không có nghề nghiệp xác định, mà trong bất cứ một đất nước nào, như theo một quy luật, thường lúc nào cũng lẩn quất bên các trại lính.
Những ngôi nhà của khu cư dân nho nhỏ này cũng có một trật tự nào đó. Chúng quây quần quanh một “quảng trường” nơi đáng ra phải dựng một cái cột đèn và một pho tượng thì lại chỉ là một đám cỏ bị giẫm nát, một thân cây trắc bá khô cằn giữa vài bụi cây nhỏ.
Ở nơi đây sông Lêông mới chỉ là một con suối, nó chảy phía sau đồn biên và khu cư dân. Phía trước là một đồng cỏ trải rộng với màu xanh ngọc bích rực rỡ, phía xa thẫm lại với những dải rừng, nơi những cây sồi hùng vĩ, những cây hồ đào, cây du cạnh tranh để sinh tồn với những bụi xương rồng gai và với rất nhiều những loài thân leo ăn bám vặn vẹo mà những nhà thực vật học còn chưa biết đến. Về phía nam và phía đông, trên bờ sông rải rác những ngôi nhà. Đó là những dinh cơ của những chủ đồn điền, một vài dinh cơ được xây dựng cách đây không lâu song chẳng ra kiểu cách gì cả. Những cái khác thì có vẻ cầu kỳ hơn, rõ ràng chúng đã có khá lâu. Một trong số đó đặc biệt làm người ta chú ý. Đó là một tòa nhà lớn có mái bằng và bức thành răng cưa bao bọc. Những bức tường trắng bao quanh ngôi nhà về ba phía nổi bật trên nền xanh của rừng. Đây là dinh cơ Kaxa-Korvô.
Nếu bạn quay mặt về hướng bắc, trước mắt bạn sẽ bất ngờ hiện lên một ngọn núi đơn độc hình nón, cách đó vài trăm dặm. Phía sau nó, trong làn sương mù xa xa hiện lên đường gãy khúc của dãy núi Gvađalup – nơi kết thúc của mạch núi Lianô – Extakađô cao, thẳng, hầu như chưa ai đặt chân đến.
Nhìn lên cao hơn, bạn sẽ thấy vòm trời nửa như màu ngọc xaphia, nửa như màu lam. Ban ngày bầu trời sạch tinh không một gợn mây, ở đó chỉ có quả cầu vàng chiếu sáng rực rỡ. Ban đêm nó được rắc đầy sao, như được rèn bằng thép sáng, và đĩa mặt trăng như bạc ròng hiện lên thật rõ nét.
Bạn hãy nhìn vào lúc mặt trăng và các ngôi sao đang biến dần đi, khi ngọn gió đẫm mùi hoa thổi từ vịnh Matagôđra tới vờn trên lá cờ sao và chuyện trò cùng nó trong ánh sáng ban mai – Hãy nhìn và bạn sẽ thấy một bức tranh thật sinh động và rực rỡ, luôn thay đổi, nhiều màu sắc và đường nét, đủ vẻ sặc sỡ của áo quần mà người ta không thể mô tả được hết.
Bạn hãy chú ý tới các quân nhân: đồng phục xanh da trời của bộ binh Hợp chủng quốc, những chiếc áo xanh thẫm của những tay kỵ binh, màu xanh lá cây khó tả là áo choàng của các xạ thủ kỵ binh. Chỉ có những sĩ quan trực nhật, đội tuần tra và đội gác mới bận sắc phục. Còn những đồng đội của họ tận dụng thời gian rỗi, đi dạo quanh doanh trại hay dưới mái chuồng ngựa trong những chiếc sơmi vải planel đỏ, những chiếc mũ mềm và những đôi ủng không được lau chùi.
Họ tán gẫu với những người ăn bận hoàn toàn không theo lối quân nhân. Đấy là những thợ săn cao lớn bận áo da hươu và đi ghệt cũng bằng da hươu, những người chăn gia súc, những người săn ngựa hoang ăn vận như dân Mếchxích, dân Mếchxích chính hiệu bận những chiếc quần rộng, khoác xerap trên vai, đi những đôi ủng có cựa lớn, đội lệch một cách cẩu thả những chiếc mũ rộng vành xômbrêrô bóng loáng bị bóp méo mó. Họ nói chuyện với những người da đỏ tới đồn điền để buôn bán và thương thuyết hòa bình. Lều bạt của họ thấy rõ cách đấy không xa. Thân hình họ với những bộ đồ xanh lam, xanh da trời hay đỏ phủ lên vai trông thật sống động, họ đẹp một cách cổ điển, thậm chí những hình vẽ kỳ quái mà họ bôi khắp người, những bím tóc đen, dài, bết vào vì bẩn, càng dài thêm bởi những món lòng đuôi ngựa cũng không làm hỏng vẻ đẹp hoang dã của họ.
Bạn hãy tưởng tượng đám đông sặc sỡ này trong những bộ quần áo muôn vẻ. Những bộ quần áo biểu hiện dân tộc, nghề nghiệp, địa vị của chủ chúng. Hãy thêm vào đó một vài đứa con đen của Êtiôpia, những kẻ hầu ngựa của các sĩ quan hay gia nhân của những chủ đồn điền. Họ hay tụ tập thành những nhóm nhỏ tán chuyện hay đi vơ vẩn trên đồng bằng. Bạn hãy tưởng tượng hai khẩu đại bác sáu fut có bánh xe cạnh những xe tải quân trang, một hoặc hai chiếc lều vải trắng dành cho những sĩ quan, bị coi là những tay lập dị ưa ngủ dưới những tấm vải buồm, những khẩu súng trường của những đội tuần tra dựng chụm lại với nhau. Nếu bạn tưởng tượng được tất cả những điều này thì trước mắt bạn sẽ trải ra bức tranh cảnh đồn biên nằm trên biên giới Tếchdơt, nơi tận cùng của thế giới văn minh.
Một tuần sau khi ngài chủ đồn điền từ Luziana về đến dinh cơ mới, trên bãi duyệt binh trước đồn Inđ có ba sĩ quan đứng nhìn về phía dinh cơ Kaxa-del-Korvô.
Tất cả bọn họ đều còn trẻ – người nhiều tuổi nhất cũng chưa quá ba mươi.
Cấp hiệu trên hai chiếc lon của người thứ nhất cho thấy anh ta là đại úy, người thứ hai là trung úy, người thứ ba, xét theo cái lon trơn mà anh ta đeo thì chỉ mới là thiếu úy.
Chưa phải phiên trực, họ còn rảnh rỗi và đang bàn tán về những kẻ mới dọn đến Kaxa-del-Korvô, ông chủ đồn điền từ Luziana và gia đình ông ta.
- Sẽ có lễ ăn mừng nhà mới – Viên đại úy bộ binh cất tiếng, ngụ ý về lời mời tất cả các sĩ quan đồn trú đã nhận được - Đầu tiên là tiệc, sau đó là khiêu vũ. Một sự kiện thực sự: Ở đó chúng ta sẽ gặp tất cả các nhà quý tộc địa phương và các hoa khôi.
- Những nhà quý tộc ư? – Viên thiếu úy kỵ binh thốt lên. Tôi không nghĩ rằng ở đây có nhiều nhà quý tộc đến như vậy, các hoa khôi có lẽ còn ít hơn.
- Anh nhầm rồi, Henkôt ạ. Trên bờ Lêông này vẫn có thể tìm thấy mọi cái. Lưu lạc đến đây có những người khác quan trọng trong xã hội. Chúng ta sẽ gặp họ trong ngày lễ ở nhà Pôinđekter, tôi không nghi nghờ chút gì về điều đó cả. Liên quan đến xã hội quí tộc thì chớ lo: chỉ một chủ nhân là đủ cho số khách khứa còn lại. Còn về các hoa khôi, tôi sợ rằng, con gái ông ta đẹp hơn bất kỳ cô gái nào ở phía bên này bờ sông Xabinat! Cháu gái của viên sĩ quan quân nhu đến phải nhường vị trí hoa hậu của mình cho cô ta mất thôi.
- Thế đấy!... – Viên trung úy xạ thủ kỵ binh kéo dài giọng đầy vẻ diễn cảm, đề tài này làm anh ta hoạt bát hẳn lên – Có nghĩa là cô Pôinđekter phải mỹ lệ cực kỳ.
- Cô bé đẹp khác thường, nếu không kém đi kể từ dạo tôi nhìn thấy cô ta lần cuối cùng ở vũ hội tại nhà ngài Laphus. Tại đó có vài anh chàng người Krêôl muốn thu hút sự quan tâm của cô đến nỗi suýt nữa thì xảy ra đấu súng.
- Cô bé hẳn là õng ẹolắm? – Viên sĩ quan xạ thủ ước đoán.
- Không chút nào, Kroxmen ạ. Ngược lại, các anh hãy tin rằng cô ta thật đoan chính và không cho phép một sự đùa cợt quá trớn nào. Cô bé thừa hưởng tính kiêu hãnh của cha mình. Đấy là đặc điểm của dòng họ Pôinđekter.
- Quả là một cô gái hợp khẩu vị của tôi – Chàng kỵ binh nhận xét vẻ đùa cợt – Và nếu cô bé xinh đẹp đúng như anh nói, đại úy Xlôumen ạ, thì có lẽ tôi sẽ mê cô ta. Trái tim tôi, ơn Chúa, còn tự do, chứ không như trái tim của Kroxmen.
- Nghe đây, Henkôt ạ - Viên sĩ quan bộ binh, một người rất thực tế trả lời – Tôi không muốn đánh cá, nhưng tôi sẵn sàng đặt một món tiền lớn để sau khi nhìn thấy Luiza Pôinđekter, các anh sẽ không nói được gì hơn. Tất nhiên, nếu các anh thành thật.
- Xin anh đừng lo cho tôi, Xlôumen ạ! Tôi vẫn thường lâm vào hỏa lực của những cặp mắt đẹp, để không còn có gì phải sợ cả.
- Nhưng chưa phải những cặp mắt đẹp đến thế.
- Quỉ quái! Anh bắt người ta mê một cô gái trước khi nhìn thấy cô ta. Nếu tin lời anh nói, cô ta phải là một mỹ nhân hiếm có.
- Đúng, các anh không nhầm đâu. Tôi nhớ rằng khi tôi nhìn thấy cô ta lần cuối, cô ta mới đẹp làm sao.
- Đã lâu chưa?
- Vũ hội ở nhà ngài Laphus? Để tôi nhớ lại xem … khoảngmột năm rưỡi trước. Ngay sau khi chúng ta từ Mếchxích trở về. Khi cô bé vừa xuất hiện, người ta đã nói về cô: “Một ngôi sao sinh ra cho ánh sáng và vinh quang cháy lên”.
- Một năm rưỡi, đó là thời gian khá dài đối với một cô gái, đặc biệt là các nàng krêôl, bởi vì người ta thường gả chồng vào tuổi mười hai thay vì tuổi mười sáu. Sắc đẹp của cô ta có thể mất đi vẻ tươi mát.
- Không một chút nào. Tôi có thể ghé tới chỗ họ để kiểm tra, nhưng tôi nghĩ rằng hiện nay họ bận bịu với bao việc nhà, họ không có thời giờ cho khách khứa. Thêm nữa vài ngày trước một viên thiếu tá đã đến thăm họ, và ông ta đã nói quá nhiều về sắc đẹp của cô Pôinđekter đến nỗi suýt nữa là cãi nhau với vợ.
- Tôi thề rằng – Viên sĩ quan kỵ binh kêu lên – Anh làm tôi háo hức quá, đến nỗi hình như tôi đã hoàn toàn mê cô ta mất rồi!
- Trước khi anh quả quyết yêu, tôi cần phải báo trước – Viên sĩ quan bộ binh nói giọng nghiêm nghị - Rằng xung quanh hoa hồng bao giờ cũng có gai đấy, nói cách khác, trong gia đình họ có một người có thể gây cho anh những điều khó chịu.
- Chắc là anh trai chứ gì? Người ta thường nói như vậy về các ông anh trai.
- Cô ta có em trai, nhưng sự việc không phải ở đó. Đấy là một chàng trai tuyệt vời, một thanh niên hào hiệp, một người duy nhất của dòng họ Pôinđekter không bị nhiễm tính kiêu ngạo.
- Thế thì là ông cha quí tộc của cô bé chăng? Tôi không nghĩ rằng ông ta sẽ từ chối sống chung với Henkôt dưới một mái nhà.
- Tôi cũng không tin lắm vào điều này… Các vị đừng quên rằng Henkôt là người Mỹ, còn ngài chủ đồn điền là một nhà quí tộc miền Nam! Nhưng tôi không nói về ông già Pôinđekter.
- Vậy nhân vật bí hiểm này là ai vậy?
- Người anh họ của cô ta – Kacxi Kôlhaun. Một đối tượng rất khó chịu.
- Hình như tôi đã nghe ở đâu cái tên này rồi.
- Tôi cũng vậy – Viên sĩ quan xạ thủ nói.
- Bất cứ người nào, bằng cách này hay cách khác, tham gia vào cuộc chiến tranh Mếchxích, có nghĩa là tham gia vào cuộc hành quân Xcôt đều biết tiếng anh ta. Kacxi Kôlhaun đã để lại những kỷ niệm xấu về mình. Hắn sinh ra ở bang Mixixipi và trong thời gian chiến tranh là đại úy trong trung đoàn tình nguyện. Chỉ có điều người ta thường gặp hắn ở chiếu bạc, ở nhà trò hơn là ở doanh trại. Một vài vụ việc làm hắn nổi danh là một kẻ ham đấu súng và gây sự. Nhưng vinh quang này hắn đã kiếm được từ trước cuộc chiến tranh Mếchxích cơ. Ở bang Niu Orlêăng hắn có tiếng là một con người nguy hiểm.
- Thì đã sao nào? – Chàng kỵ binh trẻ tuổi nói hơi vẻ kích động – Ai có việc nấy chứ, ngài Kacxi Kôlhaun là con người nguy hiểm hay vô thưởng vô phạt! Điều này đối với tôi, nói cho cùng cũng thế thôi. Mà theo anh, hắn ta chỉ là anh họ của cô bé thôi mà.
- Không hoàn toàn thế… Tôi có cảm giác rằng hắn chẳng thờ ơ với cô ta chút nào.
- Và hắn được đền đáp lại?
- Điều này tôi không rõ. Nhưng rõ ràng hắn được người cha cô gái quý mến. Thậm chí người ta còn giải thích cho tôi: nguyên nhân thật sự của mối cảm tình này là cả một bí mật. Ấy là sự dính dáng về tiền nong. Pôinđekter giờ đây không còn giàu như trước nữa, chứ khôg thì làm sao gặp được ông ta ở đây.
- Nếu con gái ngài chủ đồn điền quyến rũ đến như vậy và mọi việc đúng như anh nói, thì chắc rằng Kacxi Kôlhaun sắp xuất hiện.
- “Sắp”! Đấy là tất cả những điều các anh biết ư? Hắn đã ở đây rồi. Hắn tới đây cùng với gia đình họ và giờ đang ở cùng họ. Người ta đồn rằng họ đã chung vốn tậu đồn điền. Sáng hôm nay tôi đã nhìn thấy hắn trong quầy rượu khách sạn. Hắn say, gây sự với mọi người và ba hoa như thường lệ.
- Hắn có khuôn mặt ngăm ngăm, khoảng ba mươi tuổi, tóc và ria mép sẫm màu, hắn mang chiếc áo choàng da xanh cắt kiểu ban quân sự, thắt lưng đeo khẩu súng côn, đúng không?
- Hắn đấy! Và còn một con dao cong nữa, nếu nhìn vào trong mép áo choàng. Chính là hắn.
- Một đối tượng chẳng mấy dễ chịu! – Viên sĩ quan xạ thủ nhận xét – Và nếu hắn là một thằng cha ba hoa và hay gây gổ thì bề ngoài của hắn cũng không đánh lừa được ai.
- Bề ngoài là cái quái gì? – Chàng kỵ sĩ trẻ tuổi giận dữ kêu lên – Các sĩ quan quân đội của bác Xema không lẽ lại sợ cái bề ngoài. Thậm chí những tay hay gây sự nhất cũng thế thôi. Chỉ cần hắn gây sự với tôi, thì hắn sẽ biết rằng tôi còn giật cò súng nhanh hơn hắn nữa kia.
Lúc ấy tiếng tù và vang lên báo hiệu đã đến giờ tập hợp điểm danh buổi sáng, nghi lễ này trong đồn biên được lưu ý cũng khắt khe hệt như ở đây là cả một quân đoàn vậy. Ba sĩ quan giải tán để chuẩn bị cho binh lính của mình chịu sự kiểm tra của thiếu tá trưởng đồn.