Trong khu cư dân, được dựng lên gần đồn biên Inđ, khách sạn là ngôi nhà trông rõ nhất. Thêm nữa đó là đặc tính của mọi thành phố ở Tếchdát, mọc lên trong khoảng bốn mươi năm gần đây. Chỉ có trong một số ít những thành phố cũ có nguồn gốc Tây Ban Nha – Mếchxich. Những pháo đài và tu viện mới thống trị những tòa nhà khác. Nhưng cả những thánh tích này của quá khứ cũng trở thành những khách sạn - tửu quán. Mặc dầu khách sạn của đồn biên là toà nhà lớn nhất trong khu cư dân những cũng chẳng vì thế mà người ta thấy nó lớn lắm. Bản thân nó cũng không có gì đặc biệt. Kiến trúc không theo một xu hướng nào. Đó là một công trình bằng gỗ ở dạng chữ T, làm nên từ những súc gỗ được đẽo gọt. Phần dài của ngôi nhà là những phòng trọ dành cho khách vãng lai, còn phần ngang là một phòng lớn, trong đó có quầy ăn, hay ở Mỹ người ta thường gọi là bar. Ở đây người ta uống, hút và nhổ bọt ra sàn nhà mà chẳng ngượng ngùng gì hết. Trước lối vào khách sạn, trên một cây sồi bị chặt cụt đầu đung đưa một tấm bảng, trên đó cả hai phía có vẽ chân dung của một người anh hùng, một người đã tìm được vinh quanh ở xứ này - tướng Zahari (Zahari-Tâylo – 1786-1850: Tướng Mỹ, tham gia chiến tranh Mếchxich 1846-1848 sau này là tổng thống Hoa Kỳ). Dưới bức chân dung là tên gọi của khách sạn “Dừng chân” Nếu bạn một khi nào đó đi du lịch ở các bang miền Nam hoặc Tây nam nước Mỹ, bạn chẳng cần phải hồi tưởng lại quầy ăn! Nếu có trường hợp đó thì mọi thứ trong bar của khách sạn mà bạn không may dừng chân lại sẽ không bao giờ bị xóa nhòa trong trí nhớ của bạn! Quầy rượu kéo dài suốt phòng dọc theo bức tường, trên đó rực rỡ những bầu, bình, chai chứa chất lỏng không chỉ đủ màu sắc cầu vồng mà còn tất cả những gam màu của chúng. Sau quầy là một chàng trẻ tuổi chạy lăng xăng – đó là người bán hàng, chỉ có điều đừng gọi anh ta là chủ quán, nếu không bạn có nguy cơ bị đập cho mẻ răng. Ngài trẻ tuổi lịch sự này bận một chiếc áo bằng satanh hoặc một chiếc áo khoác bằng vải gai trắng, hoặc có thể chỉ đơn giản là một chiếc sơmi bằng vải batit kẻ sọc có thêu ren, xếp nếp. Người trẻ tuổi lịch sự này sẽ pha cho bạn một thứ rượu hỗn hợp, anh ta vừa nhìn thẳng vào mắt bạn vừa bàn luận tình hình chính trị. Trong lúc đó đá, rượu, nước sáng lóng lánh chảy từ cốc nọ sang cốc khác và tạo thành một cái gì đó giống như một áng cầu vồng tương tự như vầng hào quang hắt ánh sáng lên cái đầu bôi sáp bóng loáng của anh ta. Nếu bạn đã chu du ở các bang miền Nam thì tất nhiên bạn khó mà quên được anh ta phải không? Mà bạn nếu có quên thì người ta sẽ nhắc cho bạn nhớ lại cảnh trí xung quanh anh ta! Bar mà anh ta điều khiển giữa những bầu, chai đủ màu sắc, sàn nhà rắt đầy cát trắng, la liệt những đầu mẩu xì gà, mùi vốtca ngâm ngải cứu, mùi vỏ chanh, tiếng vo ve của đàn nhặng và những cú châm đau nhói của bọn muỗi tép. Tất cả những cái đó hẳn là phải hằn sâu trong trí nhớ bạn. Mặc dầu khách sạn “Dừng chân” chẳng khác mấy những nhà hàng tương tự, nhưng dù sao nó cũng có những cái đặc biệt của riêng mình. Chủ của nó không phải là một người lanki chiều khách, mà là một người Đức, mang đầy đủ những phẩm chất của dân tộc mình, những con người coi trọng việc nhập những thực phẩm hảo hạng. Anh ta tự mình phục vụ trong bar, khi bạn vào đó, người chuẩn bị đồ uống cho bạn không phải là một người lịch sự với mái tóc dày sực mùi nước hoa, bận áo sơ mi cổ xếp mà là một người Đức đạo mạo, cái nhìn rất tỉnh táo, dường như chưa bao giờ anh ta nếm thử - cho dù là sự mời mọc khi giao dịch buôn bán - những thứ rượu thơm mà anh ta mời mọc khách hàng. Nhưng người dân ở đây gọi anh ta một cách ngắn gọn là “Đôppê”, mặc dầu ở Tổ quốc mình anh ta được biết đến với cái tên Ôbeđôphê. Còn một điều đặc biệt nữa ở bar này, không phải chỉ một mình nó có. Như chúng ta đã rõ, khách sạn có hình chữ “T”, bar nằm ở phần ngang, quầy rượu chạy dài suốt một bức tường áp sát vào tòa nhà chính. Ở mỗi đầu quầy rượu có cửa, thông ra sân. Sự bố trí các cửa ra vào như vậy là bắt buộc đối với những đặc điểm khí hậu địa phương, nơi trong sáu tháng của một năm nhiệt kế chỉ hơn ba mươi độ trong bóng râm, phải nhất thiết chăm lo tới việc thông gió. Các khách sạn ở Tếchdát, và nói chúng phần đông những khách sạn ở Hợp chủng quốc đồng thời là nơi giao dịch và là câu lạc bộ. Có lẽ chính vì dự tiện lợi và rẻ tiền của khách sạn nên câu lạc bộ ở Hoa Kỳ hầu như không có. Thậm chí trong những thành phố lớn bên bờ Đại tây dương câu lạc bộ là hoàn toàn không cần thiết. Giá cả phải chăng của các Ôtel, những bếp ăn tuyệt với và sự bố trí lịch sự của chúng đã ngăn cản sự phồn thịnh của các câu lạc bộ đang sống lay lắt ở nước Mỹ như một cái gì xa lạ với nó. Đặc điểm này cũng có ở những thành phố miền Nam hoặc Tây nam, nơi mà các tửu quán và các bar là nơi gặp gỡ và nghỉ ngơi yêu thích. Ở đây tụ tập các nhóm bạn hữu đủ các màu sắc. Ngài chủ đồn điền kiêu hãnh không thể từ chối, bởi không dám - uống trong cùng một phòng với những người nghèo mà họ cũng kiêu hãnh như ông vậy. Trong quầy rượu của khách sạn “Dừng chân” có thể gặp đại diện của mọi giai cấp và nghề nghiệp có được ở khu cư dân, chỉ trừ nông dân - ở vùng này không có nông dân. Họ không có ở Hợp chủng quốc, họ không có ở Tếchdát. Chắc rằng từ ngày mà Đôphê treo cái biển của mình lên, trong bar của anh ta chưa lần nào tập hợp được bằng ngần ấy người, vào buổi chiều sau cuộc pichnich mà chúng ta đã tả trên đây, khi những người tham gia nó trở về đồn Inđ. Hầu như tất cả họ, chỉ trừ các bà, đã trù tính nhất thiết phải kết thúc buổi chiều ở bar. Khi kim của chiếc đồng hồ Hà Lan đang khe khẽ tích tắc giữa những chai lọ đủ màu sắc tiến đến số mười một, người nọ theo sau người kia kéo nhau vào trong bar. Các sĩ quan đồn biên, các chủ đồn điền sống ở lân cận, những nhà buôn rượu, thực phẩm, các con bạc và những người không có nghề nghiệp xác định. Người nào cũng hướng thẳng tới quầy rượu, đặt thức uống ưa thích, rồi đến nhập vào một nhóm bạn hữu nào đó. Một trong số các nhóm làm mọi người chú ý. Nhóm có chừng mười người, nửa trong số họ bận quân phục. Ba người trong số cuối là ba sĩ quan mà bạn đọc đã quen: đó là viên đại úy bộ binh và hai trung úy - kỵ sĩ Henkốt và xạ thủ Kroxmen. Cùng với họ còn có một sĩ quan nữa tuổi và cấp bậc cao hơn. Ông ta mang hàm thiếu tá. Và bởi vì ông ta có cấp bậc cao nhất ở đồn biên Inđ nên việc bổ sung thêm rằng ông ta chỉ huy doanh trại là thừa. Câu chuyện mang tính chất hoàn toàn thoải mái, dường như tất cả họ đều là những trung úy trẻ tuổi. Họ bàn luận về những sự kiện xảy ra trong ngày. - Thưa thiếu tá, ngài hãy nói xem – Henkôt hỏi – Ngài chắc là biết tiểu thư Pôinđekter phi đi đâu chứ? - Làm sao mà tôi biết được? – Viên sĩ quan trả lời - Về điều này anh hãy hỏi người anh họ của cô bé, ngài Kacxi Kôlhaun. - Chúng tôi đã hỏi anh ta rồi, nhưng chẳng biết được gì hơn. Anh ta có lẽ cũng không hơn gì chúng ta. anh ta gặp họ đang trên đường về, tức là không xa nơi chúng ta tụ tập. Họ vắng mặt rất lâu và xét theo những con ngựa đẫm mồ hôi, họ đã tới một nơi nào đó rất xa. Với thời gian như vậy, họ có thể phi tới tận sông Riô-grand hay thậm chí còn xa hơn nữa. - Các ngài có để ý thấy khuôn mặt của Kôlhaun khi hắn quay về không? – Viên đại úy bộ binh hỏi - Hắn ảm đạm như mây mù, rõ ràng hắn đang khó chịu hoặc lo lắng. - Vâng, bộ dạng anh ta rất ủ dột – Viên thiếu tá đồng tình – Nhưng tôi tin rằng, đại úy Krôxmen, ngài sẽ không cho là… - Ghen chứ gì? Tôi chẳng nghi ngờ điều này! Không thể là cái gì khác. - Sao? Ghen với Moric Giêran ư? Ngài sao vậy! Không thể thế được! Dù sao điều đó cũng không giống sự thật! - Tại sao, thưa thiếu tá! - Xtônmen quí mến của tôi, Luiza Pôinđekter, một tiểu thư quí phái còn Moric-Muxtangher… - Có thể đó cũng là một trang công tử, bởi chúng ta đã biết gì về anh ta đâu. - Phì – Kroxmen nói với vẻ khinh bỉ - Bán ngựa! Thiếu tá nói đúng. - Ô, các ngài! – Viên sĩ quan bộ binh nói tiếp, sau khi lắc đầu đầy ý nghĩa – Quý vị không biết tiểu thư Pôinđekter như tôi biết đấy thôi. Đấy là một cô gái đặc biệt đến kỳ quặc. Quí vị, có thể, cũng đã để ý đến điều này. - Anh nói thế nào ấy chứ, Xloumen! – Viên thiếu tá phản đối – Tôi sợ rằng anh khỏi nói phóng đại. Chắc là anh cũng đã mê tiểu thư Pôinđekter, mặc dù anh tự xếp mình vào những người căm ghét cuộc sống gia đình rồi chăng? Anh ghen với trung úy Henkôt hay Kroxmen, nếu trái tim hắn không bị người khác chiếm mất, thì điều này còn có thể hiểu được, chứ ghen với chàng săn ngựa bình thường… - Nhưng chàng săn ngựa này là người Iếclăng, ngài thiếu tá ạ. Và tôi có cơ sở để giả định là anh ta… - Dù anh ta là ai đi nữa… - Viên thiếu tá ngắt lời, sau khi liếc nhìn ra cửa – anh ta đây rồi, hãy để anh ta tự trả lời. Là người thẳng thắn, từ anh ta các vị sẽ biết tất cả những gì mà cái vị quan tâm. - Chưa chắc – Xloumen lẩm bẩm, khi Henkôt và hai ba sĩ quan nữa quay về phía chàng Muxtangher với ý định thực hiện lời khuyên của viên thiểu tá. Lặng lẽ đi qua cái sàn nhà rắc cát, Moric hướng tới quầy rượu. - Làm ơn, một uýtki pha nước – Chàng khiêm tốn nói với chủ nhân. - Uýtki pha nước à? – Người này hỏi lại với vẻ lạnh nhạt – ngài muốn uýtki pha nước? Giá nó là hai penni một cốc đấy ạ. - Tôi không hỏi ngài giá bao nhiêu – Chàng Muxtangher trả lời – Tôi đề nghị mang cho tôi một cốc uýt ki pha nước. Ngài có hay không? - Vâng-vâng! – Người Đức trả lời bằng một giọng sợ hãi nghe rất chói tai – Ngài muốn thế nào cũng được, thế nào cũng được, uýtki pha nước! Xin mời! Trong thời gian người chủ rót rượu, chàng Muxtangher niềm nở trả lời những cái gật đầu hạ cố của các sĩ quan. Chàng quen phần đông trong số họ, bởi chàng thường xuyên tới đồn biên vì công chuyện. Các sĩ quan đã sẵn sàng đưa ra những câu hỏi mà viên thiếu tá khuyên họ, nhưng sự xuất hiện của một vị khách nữa buộc họ phải từ bỏ ý định ngay lập tức. Đấy là Kacxi Kôlhaun. Sự có mặt của hắn chắc gì đã thuận tiện để nói được câu chuyện như vậy. Tiến đến nhóm sĩ quan và dân sự với cái bộ dạng kiêu ngạo bẩm sinh của mình, Kacxi Kôlhaun cúi chào, như người ta vẫn thường chào khi đã cùng nhau cả ngày và mới chỉ chia tay trong một thời gian ngắn. Nếu viên đại úy giải ngũ không hoàn toàn say thì chắc là đang vui vẻ dữ. Đôi mắt hắn sáng rực khuôn mặt tái mét một cách không tự nhiên, chiếc mũ kết đội lệch,dưới đó thò ra hai ba món tóc – rõ ràng hắn đã uống quá cái mức mà sự khôn ngoan phải lẽ cho phép. - Uống đi các ngài! - Hắn vừa nói với viên thiếu tá và nhóm người vây quanh ông ta, vừa tiến đến quầy rượu - Cứ uống đi cho đã, để cho lão Tửu thần kia không nói được rằng lão đã thiêu đốt chúng ta vô ích. Tôi mời tất cả! - Được, được đấy! – Một vài giọng hưởng ứng. - Còn ngài, ngài thiếu tá? - Tôi sẵn sàng, đại úy Kôlhaun ạ. Theo cái lệ đã quy định sẵn, cả nhóm tập hợp lại kéo thành một dây trước quầy và mỗi người gọi tên thứ nước uống được đặt. Kôlhaun kêu lên: - Brenđi! – Và lập tức hắn thêm – Pha thêm uýtki vào đó. - Brenđi và uýtki là thứ ngài gọi, phải không, ngài Kôlhaun? - Chủ nhân vừa nói vừa khúm núm nghiêng người qua quầy hàng về phía con người mà người ta cho rằng có sở hữu chung với một ngài tên tuổi lớn. - Nhanh nhẩu lên một chút, thằng Đức ngu xuẩn kia! Ta đã nói là Brenđi. - Vâng Kôlhaun ạ, được rồi! Brenđi và uýtki, brenđi và uýtki! – Người Đức nhắc lại vừa vội vã đặt chiếc bình cổ thon trước mặt người khách thô lỗ. Nhóm của viên thiếu tá, cùng với hai ba người đã đứng sẵn trước quầy, không để lại một chỗ trống nào. Tình cờ hay cố ý, nhưng Kôlhaun, sau khi đặt tất cả những người được mời ra sau lưng mình, rơi vào ngay bên cạnh Moric Giêran, người đang bình thản đứng về một bên, uống uýtki pha nước và hút xì gà. Cả hai hầu như không để ý tới nhau. - Nâng cốc! – Kôlhaun vớ lấy ly rượu trên quầy, hét lên. - Nào! - Một vài giọng trả lời. - Nước Mỹ của người Mỹ muôn năm, chết tiệt hết bọn ngụ cư, đặc biệt là bọn Iếclăng đáng nguyền rủa! Sau khi nói xong lời nhục mạ trên, Kôlhaun lùi một bước và dùng cùi tay thúc vào chàng Muxtangher, người đang đưa ly rượu lên môi. Uýtki sóng sánh khỏi ly và xối lên áo sơ mi của chàng. Tình cờ chăng? Tất cả đều nghi ngờ điều đó. Kèm theo một lời nói như vậy, cử chỉ này chỉ có thể là cố ý. Tất cả chờ đợi Moric xông vào kẻ xúc phạm. Nhưng hành vi của chàng làm họ ngạc nhiên và thất vọng. Một vài người đã cho rằng chàng im lặng chịu đựng sự nhục mạ. - Nếu hắn chỉ làm ướt thôi – Henkôt thì thầm nơi tai Xloumen – Thì hắn cũng đáng xơi một cái tát. - Đừng sợ - Viên sĩ quan bộ binh cũng thì thầm trả lời – Không có điều đó đâu. Tôi không thích đánh cuộc, như anh đã rõ, nhưng tôi dám đặt một tháng lương của mình rằng chàng Muxtangher sẽ trị hắn ra trò. Và tôi còn cuộc thêm rằng Kacxi Kôlhaun sẽ chẳng vui vẻ gì với một đối thủ như vậy, mặc dù giờ đây Giêran dường như lo lắng cho chiếc áo sơ mi hơn là sự nhục mạ. Anh chàng thật kỳ lạ. Trong khi họ đang thì thầm với nhau, thì con người đang là trung tâm của sự chú ý, đứng cạnh quầy chẳng hề bối rối. Chàng đặt ly rượu xuống, rút từ trong túi ra một chiếc khăn tay bằng lụa và lau ngựa áo thêu hoa văn. Cử chỉ của chàng bình thản, không hề nóng giận, cử chỉ đó có thể bị nhìn nhận là sự hèn nhát. Và chỉ có những người nào nghi ngờ điều đó mới hiểu rằng nhận định đó là sai lầm. Họ im lặng chờ đợi cái tiếp theo. Họ không phải chờ lâu. Tất cả những điều đã xảy ra, kể cả những tiếng thì thầm trao đổi, kéo dài không quá hai mươi giây, sau đó màn kịch mới bắt đầu hay đúng hơn – là sự tiếp tục những lời lẽ được coi là nhập đề. - Tôi là người Iếclăng đây. – Chàng Muxtangher vừa nói vừa cất chiếc khăn vào túi áo. Câu trả lời rất đơn giản và còn hơi muộn màng. Nếu chàng thợ săn ngựa hoang túm ngay lấy mũi Kôlhaun thì điều này rõ ràng hơn là sự tự nhận đó. Cái cô đọng đó chỉ nhấn mạnh thêm sự nghiêm trọng trong dự định của người bị làm nhục. - Ngài? – Kôlhaun nói giọng khinh bỉ, sau khi đứng chống nạnh về phía chàng – Ngài? - Hắn vừa nói tiếp, vừa dùng cái nhìn đánh giá chàng – Ngài là người Iếclăng? Không lẽ tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Tôi tưởng ngài là người Mếchxich cơ, cứ nhìn vào quần áo và những hình thêu. - Nhân khi ngài nói đến quần áo của tôi, ngài Kôlhaun! Nhưng vì ngài đã tưới ướt áo sơ mi của tôi, vậy cho phép tôi cũng trả lời như vậy, tức là nhúng ướt cổ áo hồ bột của ngài. Cùng với những lời này chàng Muxtangher cầm lấy ly của mình và trước khi viên sĩ quan giải ngũ kịp quay đi, chàng hắt phần rượu uýtki còn lại vào mặt hắn khiến cho hắn phát ho, hắt hơi dữ dội. Phần đông những người có mặt ở đó rất lấy làm hài lòng. Những tiếng thì thào tán đồng lập tức im bặt. Giờ đây không còn là lời nói nữa. Những tiếng kêu bị thay thế bởi sự im lặng trong như nấm mồ. Xung đột phải kết thúc bằng quyết đấu. Không có một sức mạnh nào có thể ngăn nó lại.