71 - 72

     êm kịch đã tàn. Dân làng lũ lượt ra về. Đêm kịch nào cũng đông, chẳng kể trời mưa hay tạnh, trời nóng hay lạnh. Nếu bộ đội qua làng, ở lại một đêm diễn kịch, đêm kịch ấy, đình làng muốn nứt ra. Khán giả phải đến thật sớm chiếm chỗ ngồi. Tiếng trống chèo trở thành xa lạ. Xa như dĩ vãng. Ngay cả những ngày hội hè cũng được quên đi. Dân làng giống hệt bụi sắt, bị thỏi nam châm kháng chiến thu hút. Đời sống cần cù, âm thầm, quen thói đã biến mất. Luống cầy tưởng chừng có linh hồn. Kháng chiến thay đổi hầu hết sinh hoạt thôn dã. Người thôn quê, bây giờ, là người hậu phương. Tiền tuyến giết giặc. Hậu phương tăng gia sản xuất. Tăng gia sản xuất là yêu nước. Thành phố về với thôn quê, gần gũi người quê. Cái mặc cảm quê mùa ngàn đời bị xóa dần. Người quê hãnh diện, niềm hãnh diện xây tương lai trên bông lúa vàng đầy đồng. Người quê không còn an phận, thụ động. Họ cựa mình. Sự cựa mình vươn lên quá nhanh, nên quá tội nghiệp. Họ chân thành. Người quê tham gia kháng chiến sôi nổi. Họ là khán giả trung thành của những đêm kịch hậu phương.
- Thằng con ông cả Hùng đóng hay thật!
- Nó nói tiếng Tây... như Tây.
- Nó hát giọng cao vút.
- Hôm nay, nó đóng thằng Việt gian bù nhìn rất tài.
- Nó hơn hẳn thằng Huệ thôn mình.
Dân làng trẻ già, trai gái nức nở khen con ông cả Hùng. Thằng Khoa đó. Nó được khen nhiều rồi, không thích nghe ai khen nữa, trừ một đứa con gái tản cư, tên là Liên.
Con Liên ở Hà Nội, tản cư về làng Tường An, ở nhà thằng Đường. Chú thằng Đường làm thư ký cho nhà in Lê Thăng, quen biết gia đình con Liên. Chắc chú thằng Đường đã rủ gia đình con Liên, tản cư về Thái Bình, chứ dễ gì gia đình nó tản cư xa thế. Những người Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng có tản cư về Thái Bình, thì cũng sang Đống Năm [13] buôn bán. ít ai chịu sống đời áo nâu sồng, nơi thôn ổ. Con nhà Đường bảo Liên khen Khoa hát bài Nhớ thủ đô. Đêm nay, Khoa không hát Nhớ thủ đô, mà hát Hà Nội cháy. Nó đã nhờ thằng Đường hỏi con Liên xem, nó hát bài Hà Nội cháy còn hay không. Thằng Đường chưa trở lại. Khoa đứng nhìn. Để nghe khán giả khen tài diễn kịch của mình.
Vở kịch Bán nước cầu vinh, anh Lý giao vai Việt gian cho Hoa. Thằng Huệ đóng vai Bolaert. Mở màn, Khoa vung tay, vỗ ngực, kiêu hãnh:
- Ta tự thấy rất đáng vì thiên tử
Nhờ Bô la được cử làm vua
So với Tường Tam thì mưu không thua
Sánh với Nguyễn Hải lại lắm mưu cao cùng chước lạ
Lũ hội tề tôn ta là bệ hạ
Ta vuốt râu Bảo Đại chết vì ghen...
Tội của Việt gian đã là tội thích thuốc phiện, là cuỗm hai triệu bạc trốn sang Tầu. Nay, đến lượt tên Việt gian mới. Khoa không thích bọn Việt gian. Hễ anh Lý bảo ai là Việt gian, nhi đồng đả đảo nó, căm giận nó. Nó dám bán nước cầu vinh. Khoa đóng vai Việt gian, đụng độ Bolaert, cao ủy Pháp ở Đông Dương. Bolaeret dậm chân, la hét:
- A la ba xi a la ba xô Viet gian!
Việt gian cúi mọp:
- C’est moi le coq
Cocorico
Ma crête sur mon bec se dresse
Rouge comme un coquelicot
Bolaert:
A la ba xi a la ba xô tao khong cho Viet Nam doc lap.
Việt gian:
- Voici ma main
Elle a cinq doigts
En voici deux
En voici trois
Khoa cứ đem những bài rê xi ta si ông lớp năm ra đọc. Khán giả vỗ tay, khen Khoa nói tiếng Tây như Tây, dù khán giả, cả đời, chưa nghe Tây nói ra sao. Màn hài kịch chấm dứt, Bolaert Huệ lại biểu diễn bài mai hoa quyền, và Việt gian Khoa đua tài bằng bài hát, mới học thuộc. Tay vê đàn banjo, miệng hát Hà Nội cháy [14]:
... Hà Nội đẹp sao ôi nước hồ Gươm xanh thắm lòng
Bóng tháp Rùa thân mật êm ấm lòng
Hồng Hà tràn đầy
Hồng Hà cuốn tràn đầy sóng ngàn đời dâng
Hà Nội vui sao những cửa đầu Ô tíu tít gánh gồng
Đây ô Chợ Dừa
Kia ô Cầu Rền
Làn áo xanh mơ
Hà Nội tươi thắm sống vui phố hè
Bồi hồi chàng trai những đôi mắt nào
Xen quanh rộn ràng Đồng Xuân
Xanh tươi bát ngát Tây hồ
Hàng Đào ríu rít hàng Đường, hàng Bạc, hàng Gai
Ôi thiết tha lòng
Ta nhớ bao nhiêu mỗi tấc đất Hà Nội nhuộm thắm máu hồn ta
...
Hà Nội cháy
Khói lửa ngập trời
Hà Nội hồng ầm ầm rung
Vang trong ta
Tiếng hô xung phong
Căm hờn sôi gầm nòng súng bụi đường reo cuốn khô xác thù
Từng thịt máu tung từng bờ tường mái hiên từng mô đất từng căn gác từng khu phố từng khe cống
Hà Nội vùng đứng lên
Sông Hồng reo
Hà Nội vùng đứng lên
Khoa hát bài mới, được vỗ tay rất lâu. Nó chỉ mong, trong tiếng sóng rào rạt đó, có tiếng vỗ của đôi tay con bé Liên. Hay, một mình con bé Liên vỗ tay hoan hô nó. Là đủ. Khoảnh khắc, Khoa muốn quên bác Hồ, anh Kim Đồng, anh Lý, Nguyễn Hải Thần, Lê văn Hoạch, bộ trống đồng, những giải thi đua... Tất cả đều xa với, vô nghĩa.
Con nhà Đường đã dẫn xác tới. Khoa rối rít hỏi:
- Nó nói sao hở, mày? Nó có chê tao hát dở không?
Đường cười toe:
- Nó bảo mày hát ma nó cũng chê!
Khoa tiu nghỉu:
- Thế là nó chê tao hát dở quá, chứ gì? Tại bài Hà Nội cháy khó, tao đánh đàn sai be bét.
Đường lắc đầu:
- Mày hát ăn giải thi đua mà. Con Liên nó thích lắm.
- Mày nói nó bảo tao hát ma cũng chê.
- Ở. Tao hỏi nó mày hát hay không. Nó bảo...
- Nó bảo sao?
- Thì nó bảo mày hát ma chê.
- Mày nhớ rõ, hở?
- Rõ. Nó bảo ma chê hay ba chê, bốn chê... À, đúng rồi, nó bảo mày hát ba chê.
Khoa đưa tay vuốt tóc. Nó ngẩng mặt nhìn trăng, và huýt sáo. Đường chẳng hiểu gì, đập khẽ Khoa:
- Nó chê mày à?
- Ừ.
- Hôn mọ, nó khen mày hát hay.
- Hôm nay, tao hát ba chê.
Đường an ủi bạn:
- Lần sau, mày cố hát thật hay nhé, Khoa nhé! Thôi, tao về đây. Tao đưa con Liên về.
Khoa hỏi:
- Tao về với mày được không?
Đường nói:
- Ban kịch đi ăn bánh cuốn mà? Tao thèm ăn bánh cuốn, không ai cho đi ăn. Mày lại không muốn ăn. Lạ ghê!
Khoa nhún vai rất... nhô con thị xã:
- Tao không đói. Hay tao nhường mày đi ăn bánh cuốn, mày nhường tao đưa con Liên về?
Đường gạt phăng:
- Không diễn kịch, anh Lý không cho ăn. Đến nhìn mồm, ngượng chết.
Khoa vỗ vai Đường:
- Đi ăn thiếu mày, buồn bỏ bu. Chúng mình cùng về vậy.
Nó dìu Đường ra khỏi sân đình. Cái đám khán giả kịch đã thưa thớt. Chỉ còn tiếng cười nói vọng lại, từ đằng xa. Con Liên đứng chờ Đường, ở cầu đình. Cầu bằng những phiến đá dầy, lớn, bắc qua con ngòi hẹp. Bóng con bé một nửa in trên cầu, một nửa in dưới nước. Gió lạnh, và trăng cũng lạnh. Đôi tai thằng Đường lạnh ngắt. Nó không có áo sơ mi như Khoa, để kéo cổ trùm gáy cho bớt lạnh. Đường mặc chiếc áo cánh nâu, khoác ngoài chiếc áo bông, may theo kiểu trấn thủ. Thế mà nó vẫn rét. Khoa mặc trần xì cái áo sơ mi nhuộm mầu nâu, nó không hề thấy lạnh. Đôi tai nó âm ấm. Gần tới chỗ con Liên đứng chờ, đôi tai vị anh hùng chiến thắng Henri Rivière nóng ran. Hai tay nó đã thọc vào túi quần tây, nó ngỡ mình còn hai tay nữa. Trung đội trưởng Khoa, chiến sĩ tầu ngầm, ông nhóc mơ thành Kim Đồng, ông nhóc tay đàn miệng ca trước hàng trăm người không biết xấu hổ, đang xấu hổ ghê gớm. Cậu nhi đồng tháng tám [15] tương lai, cháu yêu của bác Hồ, bối rối quá thể. Cậu nghĩ làm Kim Đồng dễ hơn gặp con Liên. Nói chuyện với bác Hồ ngon ăn hơn nói chuyện với con bé đã khen cậu hát ba chê, hát không chê vào cái khổ nào được.
- Ê Đường...
- Gì?
- Tao đi ăn bánh cuốn đây.
- Mày mới vừa bảo ăn một mình buồn bỏ bu thôi?
- Tao đói.
- Về nhà tao ăn khoai nướng. Ông vùi bốn củ khoai gộc, cạnh nồi cá kho [16]. Trời lạnh, ăn khoai nướng ngon nhất trần đời.
Đường nắm chặt tay Khoa. Ông nhóc này nhà quê đấy, ngây ngô đấy, nó khỏe gấp hai lần Khoa. Nó chỉ thua Khoa sự khôn vặt. Tự nhiên, Khoa biến thành thằng bé quê mùa đần độn. Nó sợ hãi, ngượng ngùng. Khoa không can đảm bằng Đường. Thằng Đường dám nói chuyện hồn nhiên với con Liên, dám dẫn con Liên đi xem kịch, đưa con Liên về. Đường coi Liên chả là cái thớ gì hết. Đường giống hệt thằng Luyến. Chưa biết buồn, chưa biết vui vì con gái, như thằng Vũ, thằng Côn. Nên, nó chẳng rụt rè, lúng túng trước mặt con gái. Nó lôi Khoa đi.
- Này Khoa...
- Gì?
- Ông ức đau cả mạng mỡ.
- Ức ai?
- Con Liên. Rõ ràng nó khen mày bài hát Nhớ thủ đô hay, mà, tối nay, nó ba chê mày! Ông sẽ hỏi nó xem, ba chê có phải là nó chê mày ba lượt cả thẩy không?
Hai đứa đã đến cầu đình. Đường y hệt bà mẹ. Khoa là đứa con lần đầu tiên cắp sách đi học. Con Liên đợi lâu, trách móc:
- Bắt ngưòi ta chờ lâu quá.
Đường không thèm an ủi Liên, bi bô:
- Đây là thằng Khoa. Đằng ấy vẫn khen nó hát hay, cớ làm sao còn chê nó hát ba chê?
Nó buông tay Khoa ra:
- Chê những ba lần! Đằng ấy làm như đằng ấy hát hay hơn nó.
Con Liên cười thích thú. Khoa bỗng vui lây. Sự ngượng ngùng của nó trốn đâu mất. Đường ngẩn tò te:
- Chế người ta hát ba chê, còn cười!
Liên cười ròn rã hơn. Con bé nhìn Khoa, hỏi xách mé:
- Biết ba chê chứ?
Khoa gật đầu. Liên nháy mắt. Dưới ánh trăng sáng tỏ, Khoa nhìn rõ đôi mắt Liên. Đôi mắt long lanh, tinh nghịch. Liên nói:
- Cu Đường giỏi ghê! Ba chê là chê ba lần. Hát không hay, người ta chê cũng cáu. Cu Đường hát đấy à?
Cư Đường - ở nhà, cha mẹ nó gọi nó là thằng cu - ngó Khoa, tỏ vẻ thương hại. Khoa đang nhìn ánh trăng bạc giải đầy trên mặt nước ao đình. Tâm hồn nó xốn xang. Chợt Liên gọi:
- Cu Khoa!
Khoa quay lại:
- Khoa, không có cu.
Liên cọ sát hai bàn tay cho ấm, xuýt xoa:
- Ờ, ờ... Xin lỗi nhé! Lạnh khiếp, mình về thôi. Cu Đường đi trước, Liên đi giữa, Khoa đi sau. Liên sợ ma.
Ba đứa trẻ vui bước. Bóng chúng nó đổ trên đường trăng. Đứa nọ dẵm chân lên bóng đứa kia. Mọi tối, trong túi quần tây của Khoa đầy lạc rang, hay ngô rang. Những đêm trời lạnh, đi tập kịch về, móc lạc rang, ngô rang mà nhấm nhá, thì tuyệt cú mèo. Khoa giận nó đã quên món quà mùa đông của tuồi thơ. Giá túi quần Khoa có ngô rang, chỉ cần Khoa nhai ròn, là con Liên láu lỉnh sẽ gạ xin ngay.
- Rét ghê nhỉ, cu Đường nhỉ?
Đường ậm ừ:
- Ờ, rét.
Nó không hề giận Liên cứ gọi tên ở nhà của nó.
- Cu Khoa có rét không, hở?
Khoa hơi hơi ức. Nó đang muốn làm quen với Liên, nên chỉ nhấm nhẳn:
- Đã bảo Khoa thôi, không có cu,
Nó nói thêm:
- Dân ở tỉnh, không cần đặt tên ở nhà.
Ra cái điều ta là dân thị xã. Con Liên tỉnh bơ:
- Thế à? Xin lỗi nhé! Liên thích gọi Đường bằng cu Đường, nghe vui lắm.
Liên đi chậm dần. Rồi, con bé đi cạnh Khoa. Hai đứa sóng đôi bước. Cu Đường bỏ hai đứa một quãng xa. Trăng tỏ hơn. Cơn gió lạ, vô tình, luồn qua bờ tre, khóm lá. Tiếng gì đó xao động, cơ hồ tiếng thầm tình tự của cỏ cây. Con đường đã hẹp, tự nhiên, hẹp hơn. Cũng tự nhiên, nó chẳng còn dài như những đêm Khoa tập kịch, về một mình. Khoa ngoái nhìn khúc đường sau lưng. Nó, mơ hồ, thấy dấu chân nó in lên dấu chân Liên, và cả bóng hình nó in đầy dấu chân Liên. Khoa bỗng yêu con đưòng đất nhỏ nhễ nhãi ánh trăng. Yêu con ngòi bé. Yêu chiếc cầu đá. Yêu bụi tre, khóm lá, bờ cỏ. Có lẽ, tại con đường Liên đã in dấu chân, con ngòi Liên đã soi bóng, chiếc cầu Liên đã đứng chờ, bụi tre, khóm lá, bờ cỏ Liên đã nhìn, và đã nghe nổi dậy, từ đó, tiếng thầm tình tự của cỏ cây.
Khoa sẽ nhớ mãi đường trăng đêm nay, đường trăng dẫn nó vào miền mến yêu không cần ai chỉ dẫn. Tình yêu chỉ tự ta tìm thấy, chẳng ai có thể tìm cho ta được. Bác Hồ, anh Kim Đồng, em bé Nam Bộ... Khoa đã yêu, như mọi đứa bé vừa lớn trong kháng chiến đã yêu. Tình yêu đó không làm Khoa bồi hồi, cảm xúc. Bởi vì, nó ồn ào, nhộn nhịp. Tình yêu, mà Khoa chợt thấy, khi bước cạnh Liên, trên con đường làng ngập ánh trăng, nó nhẹ nhàng, man mác, lơ lửng. Và, có một niềm bí ẩn, không ai biết. Và, Khoa sẽ chẳng hiểu phải nói thế nào, về niềm bí ẩn đó.
- Về nhà tao chén khoai nướng nhé, Khoa nhé!
Đã qua cầu Chờ rồi. Qua lúc nào ấy nhỉ? Tiếng thằng Đường Vọng lại:
- Hai đứa đi chậm hơn rùa bò.
Liên nghiêng mặt nhìn Khoa. Khoa nghiêng mặt nhìn Liên. Bốn con mắt chớp nhanh. Hai đôi chân bước chậm. Mà, vẫn gặp thằng Đường đứng đợi. Đến con ngõ tách hai lối, Đường hỏi câu nó đã hỏi:
- Về nhà tao chén khoai nướng nhé, Khoa nhé!
Khoa ngẩng mặt trông trăng:
- Khuya rồi, tao phải về.
Đường dụ:
- Khoai nướng ngon nhất trên đời. Răng đang đánh cầm cập, ăn miếng khoai lùi vừa bới ra, hết run liền.
Khoa nói:
- Tao không rét. Tao ấm lắm.
Ba đứa đứng lại giây lát. Rồi, Liên bảo:
- Về ngủ đi, Liên để phần cho một miếng nhé, cu Khoa.
Khoa chẳng còn ức Liên gọi mình là cu Khoa, dù là ức một ly ông cụ. Liên và Đường chia tay Khoa. Hai đứa khuất dần trong lối xóm. Khoa đứng ngẩn ngơ. Tiếng con cá đớp bèo, nghe buồn lạ. Khoa không buồn. Đêm nay, nằm ngủ, Khoa sẽ mơ thấy miếng khoai nướng, của Liên để phần. Miếng khoai nướng ấy mới ngon nhất trần đời.
72
Mùa đông đã dẫn đến những ngày mưa dầm gió bấc. Mưa kéo dài cả mười ngày, nửa tháng. Đúng là mưa dầm. Mưa muốn ủng đất. Đưởng ngõ trơn như đổ mỡ. Đi phải bấm chặt mười đầu ngón chân xuống đất, cho khỏi ngã. Gió thổi hắt nước vào mặt. Lạnh cắt da thịt. Nước là lưỡi dao. Gió là bàn tay cầm dao chém. Ra khỏi nhà, dội nón, khoác áo tơi, giống con cò lặn lội ở bãi vắng.
Khoa chán tập kịch rồi. Nó sợ ghẻ. Tập kịch mùa mưa thường không về được. Ngủ chung trên ổ rơm, lây ghẻ dễ như bỡn. Mùa đông mà bị ghẻ, khổ vô cùng. Gãi rách da, rướm máu. Sau cơn ngứa, nước vàng đùn ra, sót khổ, sót sở. Nước vàng dính quần. Ngủ dậy, gỡ từng mụn, tê tái. Khoa ghét mưa dầm gió bấc. Hồi học lớp dự bị, tập đọc bài Mưa dần gió bấc trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư, mở đầu bằng câu: Ở nhà quê, gặp ngày mưa dầm gió bấc, cảnh tượng thật tiêu điều, buồn bã, Khoa chỉ, tưởng tượng thấy cái cảnh tượng tiêu điều, buồn bã thôi. Bây giờ, nó mới thấm thía cảnh tiêu điều, của những ngày mưa dầm gió bấc.
Khoa muốn qua nhà cu Đường chơi. Ngài ngại làm sao ấy. Khoa vẫn nhớ miếng khoai nướng, mà con liên bảo để phần cho nó. Con Liên không nói dối. Khoa nghĩ vậy. Lúc này, Khoa ngồi suốt buổi dưới bếp. Mùa đông, ngồi bên bếp lửa, nghe mưa gió đú đởn bên ngoài, chả còn gì thú vị bằng. Ăn ngô rang, lạc rang, khoai nướng không biết no. Khoa mong Vũ có dịp về làng. Nó chẳng thèm hãnh diện là em Vũ, em một liên lạc viên trung đoàn 44 đâu. Khoa mong Vũ về, để hỏi xem, dạo trước, Vũ làm quen với Thúy ra sao. Mấy tháng rồi, không có tin tức thằng Vũ. Hôm nọ, đại hội thanh niên Đại Đồng, Tường An, Ô Mễ, Côn theo ban nhạc sang giúp vui. Ban nhạc chơi mấy bài: Chào cờ, Mặc niệm, Suy tôn Hồ chủ tịch, Chiến sĩ Việt Nam., Bắc Sơn, Ngọn trào quay súng... Ban nhạc được ăn xôi với thịt kho tầu. Khoa đứng ngoài ngó Côn vê alto, đổi ác co như máy. Nó hỏi Côn về Vũ, Côn mù tịt. Tiêu thổ kháng chiến làm mỗi người lênh đênh một nơi. Đội bóng tròn của Vũ tan rã.
Vũ, hiện thời, đang sống với một đại đội thuộc trung đoàn 44, và di chuyển về Tiền Hải dưỡng sức, sau những trận thử lửa với quân Pháp, ở Hưng Yên. Đại đội của Vũ đóng tại làng Thư Điền. Vũ được đeo súng lục, chứ không thèm giắt lựu đạn thối. Khoa mà trông thấy, chắc nó phục anh sát đất. Đại đội của Vũ vừa có bảy anh bộ đội hy sinh cho tổ quốc, ở mặt trận Hưng Yên. Buổi lễ tưởng niệm tổ chức thật cảm động. Anh chính trị viên đại đội kể tiểu sử của từng người. Toàn là người Hà Nội. Phút mặc niệm, cả đại đội khóc. Dân làng Thư Điền cũng khóc nức nở. Các chị phụ nữ thấm nước mắt ướt khăn. Hào khí bùng dậy, khi mọi người nhìn lá cờ bay, say sưa hát:
Trung đoàn bốn mươi tư
Bóng cờ say trong gió bao lần nêu chiến công oai hùng
Lên đường hỡi chiến sĩ
Nước nhà bao yêu quí đang chờ ta tuốt gươm trả thù
Trời mịt mù binh đao lửa khói
Nỗi lầm than toàn dân uất ức căm hờn
Đi lên thôi kìa lời sông núi
Thề cùng nhau bao nhiêu bất bình phá tan
Trung đoàn bốn mươi tư
Hưng Yên, Hải Dương đứng ngang tài chốn
Một miền chiến khu ba
Xung phong hò reo bóng cờ trung kiên máu pha...
[17]
Vũ tưởng chừng nó đang xung phong trả thù cho Vọng. Nếu Vọng không bị chết đói, năm Ất Dận, nó đã đủ tuổi làm bộ đội. Đại đội của Vũ đi nhiều nơi. Nơi nào, nó cũng được hưởng trọn vẹn niềm yêu mến. Vũ chỉ còn mơ, sẽ có một ngày, đại đội của nó đóng tại Trực Nội, để nó đi tìm con Thúy, cầm tay con Thúy, hôn lên má con Thúy, hôn lên môi con Thúy, nói rằng, nó đi chiến đấu với nỗi ước mơ trở về thị xã Thái Bình, xây dựng căn nhà cũ, và tạo lại đời sống êm đềm thôi. Nó không thích chia lìa, ngăn cách. Ngăn cách, chia lìa làm con người buốn thảm. Đời sống phải đừng có chia lìa, ngăn cách. Đời sống phải gần gũi và thương yêu. Người ta đi chiến đấu là hy vọng trở về, cùng trái ước mơ chín vàng, ngọt lịm. Trái ước mơ của Vũ chỉ là vùng trời nhỏ bé, êm đềm, bên cạnh dòng sông Trà Lý, và Thúy của Vũ. Thúy yêu Vũ, yêu Vũ nhiều hơn, tha thiết hơn, sau những ngày chia lìa, ngăn cách.
- Khoai cháy thành than rồi, Khoa!
Mẹ Khoa vừa nói, vừa lấy que đun sắt khều củ khoai ra khỏi bếp.
- Con suy nghĩ gì thế?
Khoa hơ tay lên ngọn lửa củi:
- Me ơi!
- Gì?
- Tại sao mẹ lấy bố?
- Tại vì...
Mẹ Khoa vỗ nhẹ lên vai Khoa:
- Mày hỏi làm gì?
Khoa cười:
- Con muốn biết. Tại sao, hở mẹ?
Mẹ Khoa nhìn con âu yếm:
- Tại vì bố mày đẹp giai!
Khoa ngẩng mặt:
- Con có đẹp giai không?
Mẹ Khoa lườm yêu con:
- Thua bố mày một tí.
- Đẹp giai là lấy được vợ à?
- Còn phải biết tán gái nữa.
- Bố có tán mẹ không?
- Bố mày theo chân tao suốt ngày.
- Bố tán gái thế nào?
- Thì bố mày nói năng vẩn vơ.
- Mẹ còn nhớ câu nào của bố không?
- Mày hỏi làn gì, thằng nhãi ranh?
Bỗng, mẹ Khoa tặc lưỡi, giục Khoa:
- Đứng dậy, mẹ coi.
Khoa đứng dậy. Mẹ Khoa gật gù:
- Cu cậu trổ mã rồi. Muốn lấy vợ, mẹ lấy cho, không cần tán, mất công lắm, con ạ!
Khoa lắc đầu:
- Con chỉ muốn chơi thân với con Liên, như anh Vũ chơi thân với chị Thúy. Mẹ biết con Liên chưa? Nó tản cư về nhà thằng Đường ấy mà. Nó bảo để phần cho con miếng khoai nướng. Nó khen con hát hay.
Mẹ Khoa cười ròn rã:
- Mày oắt con mà đã mê gái, đến nỗi để khoai cháy thành than. Muốn quen nó, cứ tới để cho nó sai vặt.
Khoa chợt nhớ kỷ niệm cũ, hớn hở:
- Như anh Vũ ăn cắp cái lồng chim khuyên của con nhà Hội, đem cho chị Thúy chứ gì? Con hiểu rồi.
Mẹ Khoa nói đùa:
- Tao phải cất kỹ hũ lạc mới được, kẻo mày lấy rang, đem sang biếu nó hết.
Hai mẹ con vui vẻ. Tiếng than nổ tí tách. Khoa sà vào lòng mẹ, nũng nịu:
- Con ghét trời mưa.
Mẹ Khoa vuốt tóc con:
- Me biết. Bây giờ, con chỉ thích trời nắng.
Rồi, mẹ Khoa thở dài:
- Lạnh thế này, liệu thằng Vũ chịu nổi không? Chả hiểu nó ở đâu mà gửi áo len cho nó.
Khoa nói:
- Mẹ đừng lo. Anh Vũ là chiến sĩ.
Nó khe khẽ hát:
Người chiến sĩ dầm gió rít mưa bay
đắm mình trong khói súng
chiến trường áo mong manh
căm thù nuôi ấm thân...
[18]
Mẹ Khoa dứt một sợi tóc của Khoa:
- Thằng Vũ mà chiến sĩ cái gì. Chiến sĩ đái dầm. Bố giận nó lắm. Lần này, bắt được nó, bố lôi về, xích chân nó. Nó a dua...
Khoa muốn cãi cho anh. Nó không dám cãi. Bây giờ, Khoa không mong Vũ về Tường An nữa.
- Con chắc anh Vũ không khổ đâu, mẹ ạ. Anh ấy lớn rồi.
- Lớn à? Lớn kệ xác nó. Nó phải về đi học. Ông tú Lễ đã mở trường thành chung ở Ô Mễ. Phiên chợ trước, mẹ gặp thằng Côn, nó cho mẹ hay thế. Nó vắng nhà, bố mày cứ cằn nhằn mẹ. Con biết đó, anh con mồ côi mẹ sớm, nên bố con thương anh con lắm.
- Anh Vũ thích đi liên lạc, chứ anh ấy có giận mẹ hay giận bố, bỏ nhà ra đi đâu.
- Mày lại bênh cái thằng anh mày.
Khoa rời khỏi lòng mẹ. Nó bóc củ khoai nướng. Mùi khoai thơm nồng. Khoa vừa ăn, vừa xuýt xoa. Nó tưởng tượng đang ăn miếng khoai của con Liên để phần cho nó.
Khoa giầu mơ mộng hơn Vũ. Nó lớn lên, cùng với giấc mơ to lớn của dân tộc. Giấc mơ của Khoa trải rộng, như heo may lướt trên đồng lúa sữa, và không bị thành phố đánh đai. Giấc mơ ấy, được ướp thơm bằng mùi hoa lý, hoa bưởi, hoa cau, và, luôn luôn, lên tiếng gọi bằng lời thầm tình tự của cỏ cây đồng nội. Ngay cả tiếng buồn của hòa âm kèn đám ma, trống cơm đêm vắng cũng gây xúc động. Khoa yêu tiếng sáo diều. Lên cao, lan tỏa, ru ngủ êm đềm, chẳng làm ai thổn thúc. Tiếng quê hương của Khoa đó, tiếng nói yêu thương, tiếng nói khơi ở mỗi trái tim một dòng suối mộng mơ. Và, dòng suối mộng mơ róc rách chảy mãi, ở tâm hồn ta. Không bao giờ đầy. Chẳng bao giờ vơi. Dòng suối làm mát nỗi vui, làm ấm nỗi buồn. Vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ man mác như hoa lý, hoa cau, lơ lửng như sáo diều đêm hạ. Khoa không muốn rời xa cái không gian hiền hòa này. Rời xa, để đi đâu? Đi đâu tìm được mùi thơm của hoa cau, hoa lý. Đi đâu nghe được tiếng thầm tình tự luồn qua bụi tre, khóm lá. Quê hương ta đã thừa tất cả. Cố tình thoát ly kiếm cái đẹp, cái hay, rổi sẽ có lần trở về, mang tâm sự của kẻ du sơn du thủy, trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư: Chỗ quê hương là đẹp hơn cả. Khoa bằng lòng khung cảnh quen thuộc, tầm thường đến hèn mọn của quê hương. Lớn khôn, chắc chắn, Khoa sẽ không đi đâu xa. Nó muốn suốt đời được ướp hồn, bằng mùi thơm muôn thuở của quê hương mộc mạc. Nơi ấy, có con đường tắm ánh trăng, một đêm nào, nó và con bé Liên đã sóng đôi bước. Con đường đất nhỏ, câm nín đã dạy Khoa yêu thương, và dẫn nó tới miền yêu thương, dìu nó vào niềm bí ẩn không thể giải nghĩa.
- Con không đi đâu cả, mẹ ạ!
- Mày đi, bố mày bắt về, nọc xác mày ra.
- Bố đuổi di, con cũng không đi.
- Thằng Vũ đã nói thế.
- Con khác anh Vũ.
Khoa đứng dậy, bước đến cửa bếp. Nó lách tấm phên liếp, chạy qua sân gạch, lên nhà. Khoa mặc nước mưa bám trên quần áo, bông nhông xuống ổ rơm. Nó đắp chiếu kín mặt, để thòi chân, nhắm mắt mơ mộng. Khoa ước gì nó và con Liên cùng bé bỏng. Hai đứa sẽ chơi tùm hum. Tiếng cười nắc nẻ sẽ ròn tan trong chiếc chếu, cuộn như cái ổ con tò vò.