85 - 86

     ột đêm mịt mùng của tháng 9, trung đội 23 sang bên kia sông Trà Lý. An toàn. Những chiếc đò của nông dân thay phiên nhau chở bộ đội cặp bến Đợi của làng Tường An. Sóng sông Trà, ma cửa Hộ. Sông Trà Lý sóng to hãi hùng. Ngày trở gió, nước lớn, những con sóng to bằng cái nhà nối tiếp nhau đè kín dòng sông. Chỉ ở khúc sông sắp ra cửa biển Tiền Hải, những bãi hoang mênh mông hai bên bờ, sóng sông Trà mới đáng sợ. Những khúc sông từ Giai, Lạng chảy qua Tường An, Đồng Đức, Ô Mễ, Đoan Túc đến thị xã Thái Bình thường hiền lành. Mùa nước lũ mới đang lo ngại. Lính Pháp đóng ở Ô Mể thỉnh thoảng mới đi tuần hành lúc chập tối. Và, chỉ đi tới cống Hào Điển, ráp ranh Ô Mễ-Thụy Bình là về. Tầu chiến của Pháp cũng hay qua lại trên sông Trà Lý. Ban ngày thôi. Ban đêm, trả lại Trà Lý sự u hoài trong vắng lặng.
Đến điểm đích của cuộc chuyển quân là miễu Vang, cạnh hồ Mơ của Tường An, trung đội 23 chia làm ba tiểu đội, rải rác khắp ba làng. Qua một đêm mệt mỏi, đêm thứ hai, chính ủy trung đội 23, bí danh Kỳ Bá, thăm Ủy ban kháng chiến và hành chính và Hội Tề Đồng Đức. Đêm thứ ba, chính ủy Kỳ Bá thăm Đại Đồng. Đêm thứ tư, thăm Tường An và nhân dân.
Ở Tường An, chính ủy Kỳ Bá phát biểu những ý kiến y hệt Đại Đồng, Đồng Đức, không sai một chữ. Người ủy viên chính trị của trung đội 23 còn trẻ, ăn nói lưu loát, hấp dẫn nhân dân. Thằng Đường may mắn có dịp chứng kiến buổi gặp gỡ này. Nó đã nghe chính ủy Kỳ Bá lên tiếng.
- Nhân dân Tường An kính mến...
Đường gãi tai và kéo banh ra.
- Vì nhân dân trách móc Bác, Đảng và Nhà nuớc đã bỏ rơi nhân dân để nhân dân sống kham khổ với giặc Pháp, thằng địch ghê gớm của nhân dân, và nhân dân mất hết niềm tin vào Bác Hồ vĩ đại, người lãnh tụ duy nhất dìu dắt nhân dân tới chỗ vinh quang, nên Bác đã chuyển Quân đội nhân dân về Tường An, sát cánh với nhân dân trong làng, tiêu diệt thằng địch.
Nhân dân vỗ tay. Vỗ tay thật lớn. Đồn Ô Mễ không thấy được. Chó chẳng thể sủa nổi, vì bị giết hết từ năm 1947. Chó sủa phát hiện niềm bí mật của du kích, chết cả giống nòi là đáng kiếp. Thằng Đường há hốc miệng kinh ngạc những tiếng Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân, nó không hiểu là cái thứ gì.
- Bác thay đổi một số chính sách lỗi thời, lạc hậu không làm vừa lòng nhân dân. Chẳng hạn, chính sách quân đội. Từ nay, ta chấm dứt Vệ quốc quân mà gọi là Quân đội nhân dân. Quân đội nhân dân ở nhân dân mà ra nên được dân mến, dân yêu, dân ủng hộ, dân gửi con cháu vào Quân đội nhân dân. Bộ đội ta vẫn dùng, vì chữ của ta. Từ nay, Bác quyết định không gọi là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nữa. Mà gọi là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đảng ta mới ra đời, gọi là Đảng lao động. Hồ Chí Minh, Bác của chúng ta, vừa là chủ tịch Đảng, vừa là chủ tịch Nhà nước.
Nhân dân vỗ tay phấn khởi. Đường nghệt mặt ra. Nó chả hiểu cái gì lạc hậu, cái gì không lạc hậu. Nghe những tiếng Đảng, Nhà nước nó choáng tai. Thiếu nhi phải học lại rồi, học lại từ đầu.
- Bác muốn nhân dân phải đứng về phía bần cố nông, căm thù địa chủ gian ác. Chính sách này, ta chỉ học tập để biết rõ giai cấp và thành phần của mình. Đợi tiêu diệt xong giặc Pháp, ta mới phát động đấu tố.
Đến đoạn này, chính ủy Kỳ Bá vỗ tay một mình, nhân dân vỗ tay theo. Người ta nóng lòng chờ đợi chính ủy làm thịt đám Hội Tề ấm ớ. Đường mù tịt những chữ bần cố nông, địa chủ, giai cấp và thành phần.
- Quân đội nhân dân về làng Tường An lần này, mang theo một thông điệp hoan hỉ của Bác, Đảng và Nhà nước gửi cho nhân dân Tường An.
Vỗ tay rào rào.
- Trước hết, Bác tuyên dương Ủy ban kháng chiến và hành chính Tường An, nay sửa lại là Ủy ban nhân dân Tường An, đã trung kiên với Đảng như cá với nước. Sau hết, Bác tuyên dương các cụ trong Ủy ban Hội Tề. Bác, Đảng và Nhà nước khích lệ các cụ lập ban Hội Tề, vờ trá hàng Pháp để cho Ủy ban nhân dân hoạt động. Các cụ thông hiểu cách mạng, chính trị cao nên Pháp sẽ tan rã.
Vỗ tay sôi nổi. Nhân dân quá khích làng Tường An vỡ lẽ. Họ từ bóng tối ra ánh sáng. Nhà nước ta bảo các cụ vào Hội Tề, các cụ không hề hé răng, cứ im lặng chịu đựng lời ve tiếng ong. Nay chính ủy Kỳ Bá tiết lộ, nhân dân mới hối hận đã nghĩ sai về Hội Tề. Đường chỉ thắc mắc chính trị cao với chính trị thấp.
- Các cụ trong Hội Tề cần làm việc tích cực hơn. Để sự tuyển quân và huấn luyện quân của chúng tôi đạt chỉ tiêu. Cán bộ các ngành cần rèn luyện cho thật xác đáng. Để Bác và Đảng tin tưởng. Sau đây, tôi chuyển mấy lời vàng ý ngọc của Bác gửi cho nhân dân Tường An và cán bộ.
Vỗ tay say mê.
- Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ta nhất định thắng
Giặc nhất định thua
Tôi chấm dứt bài nói chuyện.
Tiếng vỗ tay không muốn dứt. Vỗ tay thật lòng. Mọi người bu quanh chính ủy Kỳ Bá hỏi han. Đường tiếc ghê, trong cuộc gặp gỡ thiếu thằng Khoa. Như thế, ngày mai hay ngày kia, chính ủy sẽ làm việc.
Tiểu đội 1 của trung đội 23 đang rải rắc khắp thôn trên, dạy nhân dân những bài hát mới. Bộ đội hôm nay khác hẳn bộ đội bốn năm trước. Khi Hà Nội thất thủ, nằm trong tay Pháp, bộ đội Thủ Đô, Ký Con đã về Tường An. Sau Thủ Đô, Ký Con, bộ đội ở Hải Phòng, Nam Định, với những tên nghe sáng mắt ấm lòng: Trung đoàn Thành Tô, Trung đoàn Sông Vỵ cũng đã về Tường An. Bộ đội đẹp giai, mặc quần áo nâu, đi chân đất, phong cách tiểu tư sản ngập đầy mắt họ. Bộ đội trí thức không tả nổi. Họ đúng là những người đi lang thang trên đường miên man. In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát. Lúc kháng chiến xa nhà nhịp theo đời sống mới. Người mơ về chân trời nơi đồng quê. Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa. Người vui đời áo nâu, quên hết u sầu. Và đoàn người đi lang thang trên đường gian nan. Bộ đội năm 1946 lãng mạn kháng chiến và mộng tưởng cuộc đời. Họ về làng dạy thiếu nhi học, kể hàng trăm cổ tích, hàng ngàn truyện vui. Họ dạy Tường An những bài hát ngậm chất Ba Vì.
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều sa buông
Gió về hương núi thơm
Ru hồn về đêm
Tư xa xa mờ hương
Đồi lau úa chen hơi mùa ướt
Suối róc rách đâu đây
Gió đưa bâng khuâng lướt về ngàn mây
Ba Vì ơi
Thu mùa xưa
Tà áo em mùa thu
Từ xa mong nhớ Ba Vì ơi
Thời gian như muốn phai lòng người
Giang hồ ngừng bước
Nhớ nhung Ba Vì ơi
Chiều buông
Chiều buông
Tiếng chuông vang sớm chiều
Tiếng chuông vang tháng ngày
âm u
âm u
Những khi chiều ngã chìm lòng ta
Vầng trăng úa soi mầu hoa
Từ xa mong nhớ Ba Vì ơi
Thời gian như muốn phai lòng người
Giang hồ ngừng bước
Nhớ nhung Ba Vì ơi
Thương quê hương ai đó,
Đường về làng tôi xa xôi lắm
Cách mấy con sông dìu mấy lá đò,
dìu mấy lá đò
Một chiều xuân chìm ru say đắm
Bóng tre xanh in tà áo thơ
Nghe như đàn quyến luyến
ngàn hoa lối đi
Tơ đồng ôi thiết tha
mắt say chiều gió quê
Ôi mùa xuân đàn réo rắt Phượng Hoàng
đào ngát lối đi
Lòng bâng khuâng nhớ
đây mùa chinh chiến ngập ngừng lá nhớ hoa
Tàn giấc lửa khói
sa trường phai tiễn đưa
Và gửi hồn về bên kia sông Đuống:
Để con đi đánh giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm trong tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng anh chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu xương thịt tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu cuộc đời
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mang yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
Họ đấy. Bộ đội năm xưa, lãng mạn cách mạng ngời ngời. Họ đi đâu rồi nhỉ? Họ mất hút trong gió lộng mù khơi. Anh Vệ quốc quân, dân chúng vẫn nhớ anh.
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn
Anh từ phương nào lại
Tôi từ đất dấy lên
Chúng ta chung một Mẹ hiền
Lúa thơm bầu sữa bông mềm áo tơ
Vẫn nhớ anh hào sảng và sống đời đáng sống, chết đời đáng chết. Anh không sợ chết nếu chết cho quê hương. Anh không sợ sống nếu sống gian khổ cho kháng chiến. Từ quán bên đường, người dân nồng nhiệt mời anh.
Mời anh Vệ quốc dừng chân bên quán
Từ miền chiến chinh bụi đường thấm áo nâu
Sóng mắt căm thù còn vương khói súng
Lời đồng vang thắm ý sao Thu...
Ai vui tà áo rách vui ngày tháng
Bầy em tôi đang quay xa
Ngày mai yên vui chim ca
Mùa thu ơi đừng lưu luyến nhớ
Em có nghe từng tiếng hát hành quân ca
Bao gái trai chinh chiến xa quê nhà...
Anh đúng là lính tiểu tư sản hào hùng và lãng mạn. Anh đã làm ra chiến thắng sông Lô, chiến thắng sông Đà, chiến thắng sông Thao... Người người mơ thành người sông Lô, mơ bước chân anh đi diệt giặc Pháp. Bộ đội năm xưa, những người kháng chiến năm xưa, đã in dấu ấn trong lòng dân tộc.
Bô đội năm nay, thế quyền lính tiểu tư sản, trung thành theo lính vô sản. Lính vô sản cũng hiền hòa và đôn hậu như lính tiểu tư sản. Nhìn đến mỏi mắt, không thấy một tia trí thúc nào toát ra và áng lên trong con người họ. Họ lại không sống, không bao giờ sống bằng mộng ước, kiếm chất lãng mạn ở họ chỉ uổng công.
Đêm nay, Khoa đi tìm chính ủy Kỳ Bá. Không gặp. Vì chính ủy Kỳ Bá công tác bên Đồng Đức. Khoa buồn tình ghé đến sân đình xem bộ đội dạy nhân dân hát.
Chỗ này, bộ đội phổ biến bài ca cho thanh niên:
Hoan hô bàn tay anh Kồng sô môn
Đã khơi dòng Von ga, Đông
đã mang về hạnh phúc cho toàn dân
Hoan hô bàn tay anh bạn Trung hoa
chắn sông Hoài
ngăn đau thương
Nước không tràn toàn dân no ấm
Tay anh khơi nắng thiêu trong mạch thủy nông
Tôi cố tranh lấy từng cánh đồng
Ta sống trong trường kỳ kháng chiến
Bàn tay anh đem về thêm bông
Bàn tay anh đem về thêm lúa
Bàn tay tôi băng niềm thương xót
Dắt dìu nhau tiến lên
Chỗ nọ bộ đội phổ biến bài ca cho phụ nữ:
Dân Liên xô vui hát trên đồng hoa
Kia Trung Hoa thơm ngát cho mọi nhà
Hoa bay sang Triều Tiên khói lửa
Hoa bay trong lòng người Việt Nam ta
Đấu tranh từng bừng địa chủ bóc lột
Sẽ mai thanh bình còn nhiều đồng hoa
Chỗ kia, bộ đội phổ biến bài ca cho nhi đồng:
Ta yêu hòa bình
Lòng ta mến yêu hòa bình
Chống quân thù chung
Dẹp tan âm mưu chiến tranh
Diệt thực dân Pháp
Là đấu tranh cho hòa bình
Hòa bình có chúng ta tiền phong
Hòa bình có Liên Xô vĩ đại
Hòa bình có Việt Nam anh dũng
Cùng đoàn kết đắp xây hòa bình
Quê hương chúng ta xanh ngát cánh đồng bao la
Noi gương Trung quốc, Liên xô ta xây cuộc đời
Quê hương chúng ta toàn dân trường kỳ kháng chiến
Tiến bước dưới cờ Ma lén cốp quang vinh
Khoa chán nản xem tập hát. Nó đang muốn về nhà đi ngủ, thì ở chỗ không xa mấy, dưới ánh trăng mờ, Đường nhìn thấy nó, gọi om sòm:
- Khoa ơi Khoa, mày đến đây mà coi. Hấp dẫn lắm. Đáng đồng cơm bát gạo lắm.
Khoa rời chỗ nhi đồng, sang chỗ Đường, chỗ chính ủy tiểu đội phổ biến bài ca cho nông dân:
- Hay tuyệt cú mèo, mày ạ!
Nhân dân Trung quốc đang ca hát rằng (à)
Đời ta ấm no sướng vui từ đâu (a)
Vì chúng ta có Đảng cộng sản (à)
Vì chúng ta có Bác Mao Trạch Đông (a)
Đã đứng dậy nắm tay phát động (à)
Ta lấy ruộng đất về cầy cấy tăng gia (a)
Noi gương Trung quốc dân ta hát rằng (à)
Bền gan đấu tranh chúng ta chung niềm tin (a)
Vì chúng ta có Đảng lao động (à)
Vì chúng ta có Bác Hồ Chí Minh (a)
Ta đứng dậy đồng thanh phát động (à)
Diệt địa chủ cường hào ác ôn lưu manh (a)
- Hay ba chê không?
- Hay, nhưng tao phải về.
- Về làm cái gì?
- Về ngủ.
- Thế thì không ba chê rồi. Tao cũng về với mày.
- Mày nên ở lại.
- Làm đếch gì! Nhiều câu hát tao không hiểu nghĩa.
- Thật hả?
- Ừa.
- Về thôi.
Hai thằng bé đi bên nhau, bước khỏi sân đình. Đêm nay, mới là đêm rã rời nhất của Khoa. Nó đã thấy bộ đội. Bộ đội mới toanh, không dính dáng tí nào với bộ đội cũ. Cũng quần áo nâu, bộ đội cũ mặc gọn gàng, quý phái; bộ đội mới mặc luộm thuộm, tiều tụy làm sao. Mới là không lạc hậu, cũ là lạc hậu. Bộ đội cũ, bài hát cũ: Lạc hậu. Bộ đội mới, bài hát mới: Không lạc hậu. Bài hát cũ hay, dễ hiểu: Lạc hậu. Bài hát mới dở, khó hiểu: Không lạc hậu. Lạc hậu là gì? Không lạc hậu là gì?
- Khoa ơi, bộ đội ở nông thôn mà ra cả đấy.
Khoa đang muốn so sánh bộ đội cũ với hạng người nào trong xã hội. Đường tương câu nói may mắn.
- À, thế chứ!
- Quân đội nhân dân mà lỵ, mày ạ!
- Tao cần gặp anh chính ủy trung đội.
- Mày có thắc mắc, hả?
- Không, tao muôn biết anh ta cũ hay mới.
- Tao cũng muốn gặp. Để tỏ thắc mắc lung tung beng.
- Thí dụ?
- Chẳng hạn anh Kồng sô môn là thằng nào, dòng Von ga, dòng sông Đông ra sao, Liên xô cao hay thấp, Triều tiên béo hay gầy, Ma lén cốp có hút thuốc phiện không?
- Sao không hỏi chính ủy tiểu đội?
- Chính ủy chính iếc cũng là con nông dân như tao, biết cái chó gì mà giảng nghĩa! À này, Khoa, Trung hoa và Trung quốc khác nhau, hở?
- Là một.
- Còn Tầu?
- Là Trung hoa, Trung quốc.
- Mày giảng lịch sử cho tao rằng, Mã Viện, Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Hốt Tất Liệt, Trương Phụ, Tôn Sĩ Nghị là tụi Tầu sang chiếm nước ta, đánh bỏ mẹ chúng nó đi ấy chứ! Nay, bài hát mới, chỗ thì hoan hô Tầu phù, chỗ thì noi gương Mao Trạch Đông là làm sao?
- Tao không biết.
- Mày đừng giả vờ.
- Không biết thật tình.
Đường chẳng hỏi gì nữa. Khoa hoàn toàn im lặng. Hai đứa vẫn sóng đôi, thong thả bước đều. Hai ông nhãi chìm trong bóng tối, thứ bóng tối điên đảo của cách mạng sang năm thứ 5, thứ bóng tối làm con người giẫy giụa. Vì lạc hậu rồi...
86
Đi tìm gặp chính ủy Kỳ Bá thật khó. Phải đợi đêm rằm, trăng thật sáng, nếu trời không mưa, mới biết rõ dung nhan chính ủy. Còn mươi hôm nữa sẽ đến rằm, chắc chính ủy ở Tường An lâu, sẽ có dịp cho Khoa đối diện.
Từ ngày Pháp về làng, phong trào thiếu niên nhi đồng đã tự nhiên dẹp bỏ. Ở thôn dưới, Khoa chỉ còn chơi với Đường thôi. Tường An vào tề, rồi bộ đội về Tường An, cũng Đường thông báo Khoa những tin tức xảy ra. Lần này, bộ đội dùng danh từ khó khăn như lời bài hát nên Đường nhớ không kịp. Trưa hôm qua, Đường lần sang nhà Khoa, nói lại chuyện chính ủy Kỳ Bá tuyên bố trước dân làng. Khoa hiểu Quân đội nhân dân ra đời, Vệ quốc quân bị giải tán. Nhân dân không được gọi Chính phủ. Mà phải kêu là Nhà nước. Bây giờ, câu nói thiêng liêng Bác, Đảng và Nhà nước phải nằm lòng. Và phải nói nghiêm túc. Chữ nghĩa có dâu biển của chữ nghĩa. Cái mới thay thế cái cũ. Nhóc con thở toàn danh từ của người lớn. Nói nghiêm túc. Nghe nghiêm túc! Phổ biến và báo cáo. Phát động và đấu tố. Mới đấy.
Nói đến mới, Khoa tiếc cũ vô vàn. Vệ quốc quân bỏ đi. Bài hát bốn năm trước bỏ đi. Quân đội nhân dân đâu có hay hơn Vệ quốc quân, bài hát mới quá dở. Bác, Đảng và Nhà nước tiêu diệt Vệ quốc quân và bài hát mới nhằm mục đích gì, Khoa chẳng cần biết. Chỉ biết cái để thay thế nó tệ mạt hơn cái bị thay thế. Bữa nay, Khoa buồn chán và tức tối, hát thầm nhạc cũ cho đỡ nhớ:
Vì nhân dân hy sinh
Anh em ơi vì nhân dân quên mình
Đoàn Vệ quốc chúng ta
ở nhân dân mà ra
được dân mến
được dân thương
dân ủng hộ
Thề vì dân suốt đời
Thề tranh đấu không ngừng
Vì đất nước thân yêu mà hy sinh...
Vì nhân dân quên mình
Ừ, đâu có cần làm Quân đội nhân dân đâu. Mà cũng được dân mến, dân thương. Vệ quốc quân từ nhân dân mà ra. Nó không được chết cho nhân dân. Nó bị đâm sau lưng, bởi những con người phản bội.
Đoàn quân chiến thắng đi suốt đêm ngày
Mẹ ơi con đã về đây
Cha già chót vót giơ tay đón mừng
Anh ơi anh tỉnh lại
Nước mắt tôi rưng rưng
Hình như tôi đã mơ màng
Phải rồi anh Vệ quốc đoàn
Đêm nay say tiệc liên hoan
Ngày mai xé xác moi gan quân thù
Bao giờ thu lại tới thu
Liên hoan bừng nở bốn mùa non sông
Rõ ràng thay, oai hùng như Vệ quốc quân! Lấy máu giặc Pháp bằng sự ngang tàng của mình. Chỉ có Vệ quốc quân.
Quân dân nhất trí tiếng kèn kết đoàn
Người Việt Nam mau vai sát kề vai
Quyết đem tâm trí giết loài tham tàn
Cùng Vệ quốc quân kết liên muôn đời
Ngoài tiền phương da ngựa bọc thây chiến sĩ
Sĩ nông công thương hợp lực xây nước nhà
Nào cùng đi ta đừng nề chi
Vai sánh vai trên đường vinh quang
Phá tan xích xiềng
Bấy lâu gông cùm
Đòi hạnh phúc xây nền tự do
Quân dân nhất trí tiếng kèn kết đoàn
Quân dân nhất trí xây tình đoàn kết
Cố sao nước Nam danh lừng bốn phương
Ở đâu cũng có Vệ quốc quân. Như thể Vệ quốc quân là tay vịn của nhân dân. Tại sao Bác, Đảng và Nhà nước lại giải tán Vệ quốc quân?
- Khoa ơi!
Đường lại mon men sang chơi.
- Ơi.
- Mày ở đâu?
- Trên cây sung.
Đường ra bờ ao, trèo lên cây sung.
- Năm ngoái, giờ này đang vui nhỉ.
Khoa đáp:
- Ừa.
- Tao ngỡ năm ngoái phải mất nhiều năm mới tới năm nay. Năm nay, buồn ghê thật. Thiếu nhi... thất nghiệp! Thì giờ rảnh rỗi chả biết làm gì.
- Học tập!
- Học tập cái gì?
- Bác, Đảng và Nhà nước!
- À, tao với mày đùa tí chơi.
- Gì?
- Báo cáo Bác, Đảng và Nhà nước cho đỡ buồn.
- Dạo này anh Đường khá không?
- Báo cáo, nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước cháu vẫn no nê.
- Đồng chí học hát ra sao?
- Báo cáo Bác, Đảng và Nhà nước, bài ca khó nuốt như cá rô sống ấy, lời ca thì rắc rối cuộc đời. Báo cáo cháu vẫn chẳng hiểu thằng Kồng sô môn là thằng nào, dòng Von ga là ký gì, cờ Ma lén cốp có đỏ sao vàng không?
- Sao không hỏi?
- Báo cáo Bác, Đảng và Nhà nước, bố cháu nhân dân i tờ biết cái gì mà hỏi!
- Hỏi chính ủy tiểu đội.
- Báo cáo Bác, Đảng và Nhà nước, chính ủy còn nói ngọng, biết cái đíu gì!
Khoa cười sằng sặc. Cười thích thú. Hai tay nó bám vào cành sung, sợ ngã xuống ao, ướt như lột, phải mất công thay quần ao. Đường cũng phá ra cười.
- Mày khôi hài tuỵêt.
- Như cú chó hay cú mèo?
- Tuyệt cú mèo! Mày khôi hài tự bao giờ đấy?
- Từ hôm Quân đội nhân dân chê Vệ quốc quân và bài hát cũ lạc hậu!
- Mày nghĩ sao?
- Tao không chê Vệ quốc quân. Vẫn nhớ Vệ quốc quân và bài hát cũ như thường. Mình học thuộc từ hồi bé nhỏ, khó lòng quên lắm. Nếu người ta không cho hát lớn, tao hát bé; cấm hát, tao lén lút hát thầm.
Khoa bảo Đường:
- Mình ra tha ma Ông Cả đi.
Khoa xuống khỏi cây sung trước. Đường xuống sau. Hai đứa bá vai nhau bước.
- Tao hỏi bố tao rồi. Kồng sô môn là Komsomol, thanh niên bên Liên xô, tương tự Thanh niên Hồ Chí Minh ấy; Von ga là con sông Volga, Đông là con sông Don ở bên Liên xô; Liên xô là nước Liên bang xã hội cộng hòa xô viết; Triều tiên là nước Cao ly đang đánh nhau; Ma lén cốp là Malenkov, tổng bí thư Đảng cộng sản Liên xô.
- Mẹ, rắc rối quá nhỉ!
- Ừa.
- Mình là Việt Nam, liên quan gì tới cộng sản bên Liên xô, bên Tầu phù, mà phải hát. Đúng là rắc rối tơ vò.
- Bố tao bảo cộng sản là vô sản.
- Cộng sản là củ đàn ông hay cái đàn bà?
- Mày thích cho nó làm củ hay làm cái?
- Một thứ à?
- Cả hai.
- Tao cho cộng sản và vô sản là cái đàn bà!
- Malenkov?
- Củ đàn ông.
- Mao Trạch Đông?
- Củ lõ thái tuế!
Hai thằng lại cười rộ. Sung sướng. Chúng nó đã rẽ vào con hẻm dẫn đến bãi tha ma Ông Cả. Hai đứa ngồi trên một ngôi mộ. Tường An vắng lặng. Ít ai ra đây. Ngày xưa, những cặp trai gái thường dẫn nhau tới bãi tha ma tình tự. Bây giờ, loạn ly, chẳng ai thiết chuyện tình mây mưa.
- Mày rủ tao ra đây làm cái gì?
- Hát thi.
- Thi đua theo lời Bác dạy, hả?
- Xem thằng nào nhớ kỹ.
- Hát cho ma nó nghe?
- Mày giỏi ghê. Ừ, người không nghe nữa thì ma nghe!
- Hát to hay bé?
- To.
- Tao hát trước nhé!
Đường hắng giọng, rồi lên tiếng:
- Vượt sông Đà tiến sâu vào Tây bắc đây.
Sông Đà cùng với sông Thao
chảy về xuôi
Nước sông Thao thắm hồng
hừng hực chảy về xuôi
Nước sông Đà băng băng trôi
giữa đôi bờ xứ Lạng
Bên kia sông Đà
giặc còn chiếm đóng
Bên kia sông Đà
dân còn tủi nhục lầm than
Có ruộng không được cầy
có nhà không được ở
Con trai phải đi phu đi lính
con gái đêm đêm phải đi ngủ rừng
Khoa bắt chước Đường nói:
- Du kích sông Thao đây.
Hồng Hà
mênh mông
trôi cát tới chân làng quê
Cuối sông
Ngoài bến ai về
có những đồng lúa xanh rì
bát ngát đồng mía
ven bờ đê
Hồng Hà
trôi xuôi
dòng nước trên ngàn về xuôi
Sông Thao
Ngoài bến Việt Trì
có những chàng áo nâu về
say sưa dòng nước
vui tràn trề
Bên sông
đoàn quân du kích ẩn từng lều
Nơi đây
người không tới họp chợ chiều
Sông Hồng Hà réo
Ú u u ù
Chiến binh
về đây đứng rợp một trời
Vui lên
lời ca sống ngập lòng người
Sông Hồng Hà réo
Sông Hồng Hà reo...
- Phiên tao này: Quê hương người bộ đội
- Phiên tao đây: Người lính bên kia...
Mỗi đứa hát hàng chục bài. Cho ma ở nghĩa địa nghe. Cho người đã nằm yên ở dưới mồ nghe. Có lẽ, ở nước Việt Nam, thời kháng chiến chống Pháp, chỉ hai thằng nhóc làng Tường An đã làm buổi tiễn đưa sự vĩnh biệt của chu kỳ rực rỡ âm nhạc. Hai thằng nhóc chưa dám nghĩ đến thế, không dám nghĩ đến thế. Vô tình, nó đã xảy ra như thế. Hai thằng nhóc đưa nhau ra bãi tha ma vắng lặng, hát những bài ca lạc hậu cho đỡ tức, cho bớt nhớ; ai dè đâu, chúng đã tạo nên cảnh tượng cảm động vô cùng.
Mọi người sẽ nhớ, cuối tháng 9 năm 1950, hai thằng nhóc Tường An, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, Đường và Khoa, đã rung một hồi chuông cáo phó nền âm nhạc lãng mạn kháng chiến tại bãi tha ma Ông Cả. Chúng rung chuông cho ma quỷ nghe, cho người đã chết hay vừa chết nghe, cho lũ phản bội nghe. Cho cả những kẻ đang lập công ta dâng lên Bác nghe...
Khoa và Đường còn muốn hát nữa. Bóng tối sắp trùm tha ma. Hai đứa phải về nhà.