81 - 82

     uổi sáng đầy sương mù. Mặt trời đã nhô lên cao. Ánh nắng còn quá yếu, chưa đủ làm tan sương mù che kín làng thôn. Khoa thức dậy, thật muộn. Nó ra vườn, kiếm vài trái bòng đẹt rụng muộn, đem sang cho Liên đánh chuyền. Qua hàng dậu tre thưa, Khoa ngạc nhiên thấy, trên đường Lầy, lố nhố những người gồng gánh, chạy nhanh về Đồng Đức, Tường An. Những điểm đen nổi bật trong không gian mù sương. Khoa mở căng mắt nhìn. Cảnh tượng thật đẹp. Y hệt đứng xem người giấy chạy quanh chiếc đèn kéo quân. Những người gồng gánh đã như một hàng kiến dài, trên đường Lầy. Văng vẳng tiếng quát tháo, tiếng giục giã, và tiếng khóc. Khiến Khoa càng ngạc nhiên hơn. Nó chạy vào nhà, thưa chuyện với cha. Hai cha con, tất tả, chạy ra đầu làng, thăm hỏi sự tình. Mới tới nửa đường, đã gặp ông phó Đẩu, mặt mày tái ngắt, lắp bắp báo tin:
- Tây nó sang Thái Bình rồi!
Giặc Pháp dã chiếm thị xã Thái Bình. Dân ở các làng gần thị xã bồng bế nhau chạy giặc. Tin loan truyền rất nhanh. Khi sương mù tan, cả làng đều biết giặc đã kéo sang tỉnh mình. Sự sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Nhất là những người Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng tản cư về đây.
Pháp đã chiếm hết các tỉnh miền đồng bằng. Nay, chiếm nốt Thái Bình, không hiểu dân chúng sẽ tản cư đi đâu. Có thể, sắp tiêu thổ kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu đồng không nhà trống. Nhà cửa đốt cháy, ruộng vườn phá nát hoa mầu. Niềm vui hôm qua nhường chỗ cho kinh hoàng hôm nay. Đến trưa, làng thôn đông đầy người tản cư. Thành phố tản cư về thôn quê. Bây giờ thôn quê tản cư qua thôn quê.
Một ngày căng thẳng của dân làng Tường An. Gia đình nào cũng lo gói quần áo, sửa soạn chạy giặc. Bàn thờ ông bà, cánh cửa gỗ lim tháo gỡ, vất xuống ao, sợ giặc tới đốt nhà. Chưa ai nghe được một tiếng súng nhỏ. Giặc còn cách những mười cây số. Biết đâu bộ đội ta chẳng đã đào sẵm mồ chôn chúng. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp mà.
Một ngày qua. Hai ngày qua. Rồi, một tuần lễ qua. Giặc vẫn ở thị xã. Sự căng thẳng bớt đi. Du kích đeo dây mìn trên vai, lưng giắt lựu đạn; dân quân, mã tấu sáng ngời, tuần hành khắp thôn xóm, biểu dương lực lương, và trấn an dân làng. Những anh du kích trông oai lắm. Mìn đã gài ở cổng làng. Giặc đến đây, nó sẽ chết hết. Dân quân, du kích chuẩn bị đón giặc, giết giặc.
Đêm im lặng. Những con chó sống sót lại bị giết hết. Trống đồng của thiếu nhi thôi đánh. Đêm sợ hãi. Gió lạnh thổi dữ dội. Tiếng tre già cọ sát nhau nghe rụng rời. Không ai thiết nghĩ đón tết nữa. Ban ngày, dân làng kéo nhau lên miễu Vang. Nếu giặc tới từ ngả Giai, Lạng, thì chạy xuống Thụy Bình. Nếu giặc tới từ ngả Ô Mễ, thì chạy lên Giai, Lạng. Đứng miễu Vang, có thể, nhìn rõ đường số 10, nhìn rõ những chiếc xe căm nhông giặc chở quân. Những chiếc xe nhỏ bé, cơ hồ như những con bọ hung nhúc nhích.
Như vậy, là giặc Pháp sang Thái Bình, bằng đường số 10. Chúng từ Nam Định kéo quân qua bến đò Tân Đệ. Giặc Pháp không hề gặp sự kháng chiến của quân ta. Những cái ụ cao, đắp ở bên đây bến đò, chắc đã bị giặc san bằng. Những khúc đường đầy hầm hố, cũng được giặc lấp kín. Giặc chạy xe căm nhông, nối đuôi nhau, trên đường số 10. Chưa đụng trái mìn nào. Ta có mìn rùa, mìn đĩa giật tung cả xe tăng, tầu bò giặc. Khoa nghe kể chuyện vua mìn đưòng số 5, Sáu đậu [32]. Anh này gài mìn tuyệt vời. Vai đeo cái bánh xe ô tô cùng với mìn, một mình anh đi gài. Sáu đậu gài mìn giỏi, đến nỗi máy dò mìn của giặc không tìm ra. Mỗi trái mìn của Sáu đậu là một chiếc xe của giặc Pháp nổ tung. Sáu đậu được phong làm vua mìn đường số 5. Đường số 10, khúc Tân Đệ Thái Bình, chưa có vua mìn. Cũng chưa có trái mìn nào giật nổ tung xe căm nhông của giặc Pháp.
Nửa tháng trôi đi, giặc Pháp vẫn co ro trong thị xã. Chúng không dám về nông thôn. Sự sợ hãi bớt dần. Tuy thế, dân làng cứ chuẩn bị chạy giặc, cùng khẩu hiệu Chuẩn bị tổng phản công của chính phủ. Mỗi nhà, đào một cái hầm bí mật trốn giặc, nếu chạy không kịp. Hầm bí mật giấu đồ vật quí giá, đề phòng giặc đốt nhà. Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh. Khẩu hiệu mới này không gây được phấn khởi. Làng thôn đã ngưng hẳn mọi sinh hoạt hậu phương kháng chiến. Như một sửa soạn riêng, chờ đón một thiên tai.
Khoa đã hì hục đào riêng cho mình một cái hầm bí mật, ở bờ ao. Hầm bí mật của Khoa có Đường giúp sức. Khoa với Đường đào cho Liên một cái hầm bí mật. Hầm bí mật này, nhà kia biết, ở chỗ nào. Nó chỉ còn bí mật với giặc Pháp! Mà, giặc Pháp chưa về làng. Mỗi buổi chiều, đại đội chủ lực quân của huyện Thư Trì vác kèn đến gần thị xã, trêu tức giặc. Họ phân tán lực lượng, thỉnh thoảng nổ vài phát súng, rồi thổi kèn khiêu khích. Giặc Pháp hoảng sợ bắn thâu đêm. Sáng lớn, súng bé thi nhau khạc đạn. Chủ tịch Tường An hân hoan thuật chuyện, và đoan quyết giặc Pháp sẽ bắn hết đạn, bộ đội ta vào bắt sống trọn ổ! Chợ Mễ lại họp. Không có phiên chính. Chợ họp thưa thớt. Vừa họp, vừa lo chạy giặc. Một tiếng động ồn ào là đủ giải tán cả chợ. Người ta chạy bán sống, bán chết. Rồi, dần dà, đâm quen.
Tết đã đến. Tết buồn thảm. Nhà Khoa chật người họ hàng tản cư về, từ Đồng Thanh, Thắng Cựu, Đoan Túc. Chẳng ai nghĩ giặc thèm đặt chân tới cái làng nghèo xơ, nghèo xác. Sợ giặc thì vẫn sợ, song cứ vẫn tin tưởng sắp tổng tấn công đuổi giặc khỏi đất THái Bình. Mồng ba tết, trời lạnh, và nhiều sương mù, khiến mọi người dậy trể. Tất cả đều vụt thức, khi nghe tiếng súng nổ, ở phía đườhg Lầy. Giặc đã về làng! Không thể trốn chạy được. Giặc về âm thầm quá. Như thể từ trên trời rơi xuống. Dân làng thúc thủ, đành ngồi yên run sợ, cầu Trời khấn Phật, và phó thác số mạng cho tổ tiên. Súng nổ khắp làng. Cái lưới đã bủa vây. Dân làng giống hệt đàn cá. Giặc tiến gần. Tiếng Tây xí xa xí xố. Giặc vào làng. Mìn du kích chưa chịu nổ. Không hiểu dân quân, du kích đang làm gì, lúc này? Dân quân, du kích cách mạng bừng mùa Thu. Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu.
Làng xóm im lặng. Ngay cả những con chim chích chòe cũng hoảng sợ, bay trốn tận nơi nào. Nghe rõ từng bước chân giặc, từng tiếng nói của giặc. Không nghe rõ tiếng xung phong giết giặc của dân quân, du kích. Đạn bắn vun vút qua mái nhà. Tiếng chíu của đạn đi hãi hùng, ghê rợn. Cha Khoa bắt mọi người nằm úp mặt xuống nền nhà, không được chạy trốn, cứ ngồi chờ giặc đến. Sống chết có số. Bốn tiếng đó bỗng linh thiêng vô cùng. Nó an ủi mọi ngưòi, kể cả người luôn miệng thầm nhắc nó, nhắc run rẩy.
Một tràng đạn liên thanh quạt ròn rã, Khoa hoảng quá, chạy vụt ra khỏi nhà, vướng vào bức mành mành, và kéo đứt bức mành mành. Khoa ngã xuống sân gạch. Nó đứng ngay dậy, cắm cổ, chạy sang nhà ông Năm, quên hết các thế bò trận giả, các thế nằm tránh đạn máy bay. Đạn nổ ròn rã. Tiếng chân giặc chạy huỳnh huỵch đã thật gần. Khoa rồi trí, nó chạy thục mạng qua con ngòi, lách dậu, vào vườn dâu của bác Hạch. Khoa nằm ở góc vườn, đôi mắt nhắm chặt. Kim Đồng sợ giặc Pháp. Anh quên luôn giấc mộng mơ thành người sông Lô. Anh Kim Đồng phóng khỏi nhà, té nhào trên sân, vùng lên chạy trốn. Trung đội trưởng Khoa đánh rơi nhiệm vụ chỉ huy nhi đồng rồi.
Khoa nằm úp mặt. Cằm nó đập xuống đất vườn, theo nhịp run của hai hàm răng. Giặc Pháp đã vào tới xóm. Giặc Pháp xông vào vườn dâu của bác Hạch. Bốn thằng giặc cao lớn, mặc quần áo lốm đốm hai ba mẩu, đầu đội bê rê đỏ chói. Chúng bắt được cô Nhài. Chúng lôi cô Nhài ra giữa vườn. Chúng lột quần áo cô Nhài. Khoa nhắm mắt. Nó chết giấc. Khoa không biết gì nữa. Khi nó mở mắt, bốn thằng giặc Pháp, đã biến đâu mất. Cô Nhài ngồi ôm mặt, khóc tức tưởi. Quần áo cô rách nát. Tóc tai rũ rượi. Khoa lồm cồm ngồi dậy. Có tiếng động đậy, cô Nhài ngước mặt đẫm lệ ngó Khoa. Thằng Khoa đứng dậy, rón rén bước. Cô Nhài gọi nó:
- Khoa!
Khoa đua tay lên miệng xuỵt xuỵt. Cô Nhài nói:
- Giặc rút rồi.
Khoa đến gần cô Nhài.
- Lúc nãy, cháu có thấy gì không?
Khoa lắc đầu:
- Cháu nhắm mắt, cháu sợ.
- Thật cháu không thấy gì chứ?
- Dạ.
- Cháu đừng nói với ai là cô bị Tây bắt ở đây, nhé!
- Dạ.
- Cháu hứa đi!
- Cháu hứa.
Khoa không hiểu cô Nhài bắt nó hứa để làm gì. Cô Nhài dọa nó:
- Cháu mà nói cho ai biết, cô sẽ cắn lưỡi tự tử.
Khoa tròn xoe mắt:
- Cháu không dám nói đâu.
Khoa chui khỏi vườn dâu, chạy về nhà. Cha mẹ nó đamg lo giùm nó. Giặc sắp vào nhà Khoa, có lệnh rút lui. Chưa ai dám nhúc nhích. Đến trưa, dân làng đổ xô ra lối ngõ. Dân quâm du kích liệng hết lựu đạn, dây mìn xuống ao, đang mò lên. Du kích Da gặp giặc, giặc đá đít ngã lăn, và giặc cười. Du kích Da thuật chuyện một cách hân hoan. Thằng Nhai bị giặc bắt đi làm bồi. Mẹ nó bị Tây đen rạch mặt hãm hiếp, nằm chết ở bờ ngòi. Thôn dưới có năm người chết vì đạn lạc. Giặc không cố tình giết ai, dù là dân quân, du kích. Giặc không đốt một căn nhà nào. Chúng chỉ hãm hiếp đàn bà. Chúng đến chớp nhoáng, gây hoảng sợ, phá vỡ niềm tin kháng chiến, rồi rút ngay. Thôn trên, một du kích bị giặc đốt cháy. Anh du kích này gài quả mìn rùa, ròng dây vào căn nhà gần đó, và chui xuống hầm bí mật. Giặc đứng trên mìn. Anh du kích giật, không nổ. Giặc theo đường dây, biết chỗ ẩn nầp, phóng lửa đốt căn nhà. Anh du kích chết trương dưới hầm bí mật. Buổi chiều, lôi anh ra, xác anh to tướng, cháy vàng, y hệt con lợn quay. Người thôn trên nói, thằng phó cúp tóc tản cư là Việt gian. Gặp giặc, nó giơ hai tay đầu hàng, miệng nói tiếng Tây moa coáp phơ, giặc xoa đầu nó, dẫn nó đi. Rất nhiều chuyện vừa kinh hãi vừa bụồn cười xảy ra, sau khi giặc rút. Có thằng giặc không nghe được lệnh rút, mải mê tìm đàn bà. Lúc nó ra khỏi xóm, nó ngơ ngác. Ông phó Đẩu thấy nó. Nó vất súng, giơ tay hàng, mà ông phó Đẩu sợ, bỏ chạy. Du kích Nhẫn dẫn nó ra đê. Thế là nó thoát thân.
Du kích xuống thớ, không dám ti toe. Du kích được mỗi cái tài tiêu diệt chó. Giặc vừa càn lướt, chưa đầy tiếng đồng hồ, mà tinh thần trường kỳ kháng chiến đã lép xẹp [33]. Không khí cách mạng, không khí thi đua lập công tan rã. Mặt đất khô cằn, câm nín tưởng đã nứt nẻ cho mầm hy vọng đâm chồi. Hy vọng ấy vừa nhú lên, đã bị đâm nát, bởi giầy đinh bạo tàn của quân xâm lược. Mặt đất, bây giờ, lộ rõ những kẽ kinh hoàng.
Dân làng căm thù giặc. Dân làng không tin tưởng cụ Hồ, và kháng chiến nữa. Người ta đề phòng chạy giặc lần thứ hai, lần thứ ba... Khoa, thật sự, mất hẳn buổi trưa thần tiên, buổi chiều thơ mộng. Con đường in đầy dấu vết kỷ niệm của nó đã bị giầy đinh giặc Pháp cầy nát. Súng đạn giặc đã về đây. Lưỡi lê giặc đã tới đây. Với bạo tàn, man rợ. Chiến tranh đã hiện hình con khủng long gớm ghiếc. Khoa, thật sự, sợ hãi và buồn phiền. Chiến tranh không giống cuộc chơi giặc giã. Chiến tranh sẽ còn khốc liệt, tàn nhẫn gấp ngàn lần. Đời sống êm đềm cũ thế là hết. Khoa đã đến nhà Đường, tìm Liên, ngay khi rời nhà mình. Giặc chưa xâm phạm nhà Đường. Liên sợ hãi tái mặt. May là cha Liên về, trước vài hôm. Sự hồn nhiên, vẻ tinh nghịch của Liên không còn. Súng đạn tước đoạt cả nỗi ước mơ của con người. Súng đạn tệ thật. Chiến tranh tồi bại quá.
Kể từ hôm giặc lướt về làng, không ai thiết làm lụng. Thì giờ dành cho đề phòng chạy giặc. Ngót một tháng, sinh hoạt mới gần như xưa. Không còn trống đồng, hội họp, mít tinh, trận giả, và hô khẩu hiệu Chuẩn bị tổng phản công nữa. Dân làng cầu Trời, Phật để giặc đừng về. Trời, Phật không chứng giám. Giặc lại về. Lần này, dân làng biết trước mà chạy. Gia đình Khoa chạy với gia đình Liên, lên Giai, Lạng. Giặc về càn quét đủ mọi thứ. Đi với giặc, còn có nhiều lính Việt gian. Giặc bắt lợn, gà, trâu, bò, rồi phóng hỏa đốt nhà. Du kích thôn trên ngứa tay, ném trái lựu đạn chầy giết chết vài tên giặc. Giặc vây cả thôn, chém giết ông già, bà cả, đàn bà có mang, và con nít để trả thù. Giặc Pháp dã man, như những bài hát kể tội chúng. Chúng quăng dân ta vào lửa, rồi chính ngọn lửa đó, chúng nướng gà, ăn ngon lành. Buổi chiều, giặc rút, làng thôn ngập lụt tang tóc. Mùi thịt người cháy khét lẹt. Máu loang lổ trên khắp đường ngõ. Những tiếng khóc tức tưởi vang vọng lên trời xanh, thâu đêm, tới sáng.
Lần này, giặc Pháp đóng đồn ở chợ Ô Mễ, kiểm soát phạn vi mười cây số. Cờ tam tài treo cao trên nóc quán chợ. Làng Ô Mễ lập Hội Tề, theo giặc, để cầu an. Giặc tung tin không bắt bớ ai, không ngăn cản ai muốn trở về thị xã làm ăn. Những người tản cư hoang mang, bán tín, bán nghi. Người muốn trở về thị xã cũng chẳng dám mói cho ai nghe y nghĩ của mình. Sự ngờ vực nhau đã có từ lâu. Bây giờ, ngờ vực nhiều hơn.
Tường An cách Ô Mễ chừng năm cây số. Đứng ở cây đa đường Lầy, trông rõ cờ Pháp ngạo nghễ tung bay. Và, đó chính là nỗi đe dọa thường xuyên. Đồn Mễ, mỗi ngày đi càn quét một lần. Giặc chỉ cần đến Thọ Bi, dân làng Tường An đã bồng bế, cuốn gói chạy miết. Thoạt tiên, cả dân làng chạy giặc. Dần dà, đàn bà, trẻ con, ông già, bà lão ở lại nhà. Khổ cực quá, dân làng đâm liều mạng. Chạy giặc mãi, ruộng đồng ai làm, thóc gạo đâu mà ăn. Miễu Vang là nơi tụ tập hàng ngày của thanh niên, và... dân quân, du kích. Một hôm, có chiếc tầu nhỏ của giặc chạy trên sông Trà Lý. Anh du kích Muôn định làm người sông Lô, núp dưới chân đê, tung bừa trái lựu đạn. Lựu đạn nổ. Súng ca nông của giặc bắn đáp lễ hai mươi trái. Miễu Vang tán loạn. Người này ôm người nọ, lăn cả xuống hồ. Mặt đất muốn rạn vỡ. Cây cối rung rinh. May mà giặc chỉ bắn thị uy. Tầu giặc chạy cả tiếng sau, mọi người mới hoàn hồn, để nguyền rủa du kích Muôn thậm tệ.
Bộ đội biệt tăm dạng. Hai tháng liền, không hề thấy bộ đội về làng. Hình ảnh những anh bộ đội áo nâu, vai đeo ba lô nặng chĩu, súng cầm tay hiên ngang đi, đã bị phai nhòa trong ý nghĩ của dân làng. ít người tản cư đã mon men sang Ô Mễ. Và, họ biết Hà Nội bây giờ vui lắm. Dân Hà Nội hồi cư về đông như trẩy hội. Con đường Thái Bình Nam Định Phủ Lý Hà Nội, Tây kiểm soát hết, xe hàng đã chở khách chạy tấp nập. Những người tản cư mang tâm trạng vọng tề.
Đống Năm không còn. Đống Năm đã tan nát. Những người tản cư bốn phưong về Thái Bình, tạo Đống Năm thành một thị trấn ở hậu phương kháng chiến, cũng biến hết. Kẻ lê gót lên Việt Bắc xa mù, kẻ về tề sống an phận. Đất tề lạnh, nhưng đất tề không lo chạy giặc. Tin đồn thị xã Thái Bình, dân chúng hồi cư về, mỗi ngày một đông. Người ta dựng nhà mái rạ, mái tôn tạm bợ, trên những nền nhà tiêu thổ kháng chiến năm xưa. Giặc Pháp đặt chân qua khắp mười hai phủ, huyện rồi. Xa tít tắp, như Thần Đầu, Thần Huống, giặc còn tới chém giết, đốt phá, hãm hiếp. Và, chẳng thấy bộ đội tổng phản công.
Bao giờ kháng chiến thành công, bao giờ đuổi giặc Pháp khỏi Thái Bình, chủ tịch Tường An không giải thích. Mã tấu, lựu đạn, dao găm, dây mìn thì giấu tận dưới ao. Du kích chạy giặc, như bất cứ ai, và sợ hãi, như bất cứ ai. Một vùng trời lãng mạn, một vùng trời tin tưởng bị lưỡi lê đâm rướm máu. Thôn ổ mất luôn cả sự an phận ngày xưa. Và, Khoa, Khoa mất luôn con đường ngập trăng, mất luôn buổi trưa thần tiên, mất luôn buổi chiều thơ mộng. Tiếng thầm tình tự luồn qua bờ tre, khóm lá đã câm nín. Ngọn cỏ thôi ngậm sương. Giặc Pháp dẫm nát một khối hạnh phúc nhỏ bé của Khoa. Khoa hối tiếc. Khoa buồn nản. Rồi, Khoa nghiến răng. Mạch máu Khoa chuyển dạt dào. Khoa nhớ đến Vũ, đến Côn. Khoa nhớ cả báng súng Nhật đập vỡ mặt anh Đạo, nhớ Vọng đã chết đói, nhớ cô Nhài dọa tự tử, nếu Khoa không giữ kín vụ vườn dâu.
Khoa thoáng hiểu một nỗi niềm cay đắng cô Nhài phải chịu đựng, như một người suốt đời ngậm trái bồ hòn. Những người quê hương Khoa đã từng ngậm trái bồ hòn. Chết đi, trái bồ hòn vẫn chưa thoát khỏi miệng. Người ta cựa quậy mạnh, là để trái bò hồn, hoặc trôi xuống dạ dày, hoặc văng ra. Trái bồ hòn, như một định mệnh oan nghiệt, mãi mãi, vướng ở cuống họng. Vũ đã ra đi, Côn đã ra đi, bao nhiêu người đã ra đi, chắc chắn không phải vì một mưu đồ gì ghê gớm. Mà, chỉ vì một mộng ước khiêm nhường. Là trở về với hạnh phúc thân yêu cũ, với quê hương, không còn ai phải ngậm đắng, nuốt cay. Tự nhiên, mạch máu Khoa chuyển dạt dào như, tự nhiên, tiếng Khoa vỡ ra, một hôm nào đó. Không bởi những khẩu hiệu, những bài hát, những lời dạy... Tất cả đã bị xóa đi, ở Tường An, từ hôm giặc về đốt phá, chém giết.
Khoa đã bước hẳn ra cái không gian thần tiên vây phủ bằng những lớp sương mầu lãng mạn. Cách mạng không giản dị, như tiếng hát câu ca. Kháng chiến không dễ dàng, như khẩu hiệu tuyên truyền. Kháng chiến phải gian khổ. Khoa nghĩ chuyện trốn nhà ra đi. Cậu bé vừa chợt xấu hổ chuyện sợ giặc, trốn lủi ở vườn dâu.
82
Ngày nào, giặc Pháp, ở đồn Ô Mễ, cũng đi càn quét. Chúng chỉ đến đường Lầy, bắn vào làng, rồi kéo quân về. Hoặc, chúng đứng trên bờ đê, ria đạn liên thanh thị uy. Làng Tường An không còn gì để giặc vơ vét. Con đường dẫn tới không thể chạy bằng xe căm nhông, nên giặc khó lòng đặt đồn bót. Đêm đêm, đạn ô buy, đạn đại bác câu về hàng trăm trái, bảo vệ đồn Mễ. Dân làng ngủ dưới hầm tránh đạn. Nhiều đứa trẻ sinh ra dưới hầm. Chúng cất tiếng khóc cùng với tiếng đạn bay trên đầu, và nổ tung đâu đó. Ban ngày, lo chạy giặc. Ban đêm, lo tránh đạn đại bác. Trong nỗi chết đe dọa thường xuyên, dân làng quên mất kháng chiến, quên mất chính phủ, quên luôn cả Hồ chủ tịch. Công việc đồng áng, lo vào sáng sớm. Đại bác câu về từ mười giờ khuya tới ba giờ sáng. Những đêm có trăng, đại bác nghỉ câu. Và, dân làng cầy cấy, gặt hái vào những đêm đó. Đại bác thường câu vu vơ. Thỉnh thoảng mới chết một người. Có khi ngót năm chục trái rơi xuống một thửa ruộng, biến thửa ruộng thành cái ao sâu có bờ. Đại bác làm vườn tược ngả nghiêng, xơ xác. Những cây chuối trúng mảnh đạn, ngã rũ, nom phát rợn người.
Nhiều gia đình tản cư đã bồng bế nhau xuống đồn Mễ, xin giấy thông hành vào thị xã. Từ đây, họ sang Nam Định hay lên Hà Nội. Xe Con Voi của Ông Lê văn Định đã chạy khúc Thái Bình Tân Đệ. Mẹ Khoa muốn hồi cư, muốn về tề. Cha Khoa chưa quyết định. Cha Khoa vẫn tin tưởng giặc Pháp sắp bị đánh bật khỏi Thái Bình. Về tề sớm, vừa mang tiếng theo giặc, vừa không biết chạy đâu, nếu quân ta tấn công, san bằng đồn bót giặc. Ở làng, chạy giặc đã quen rồi, khổ cực cũng quen rồi. Miễu Vang là nơi tụ họp hàng ngày.
Gia đình Liên vẫn còn ở Tường An; mỗi ngày, Khoa đều gặp Liên, ở miễu Vang. Khoa thường trèo lên cành cây cao, nhìn về đường số 10, xem xe giặc chạy tới, chạy lui. Một buổi sáng, không giống bất cứ buổi sáng nào, Liên rủ Khoa đến ngồi dưới gốc cây cổ thụ. Con bé cầm tay Khoa, giọng bùi ngùi:
- Tiếc nhỉ, Khoa nhỉ?
Khoa chưa hiểu Liên tiếc điều gì. Thằng bé đã quên đi cái cảm giác tuyệt vời, những lần Liên cầm tay nó hay khoác tay lên vai nó.
- Khoa có tiếc gì không?
- Tiếc chứ.
- Nếu giặc Pháp đừng về Tường An, Liên sẽ muốn ở đây mãi, cho tới ngày hai đứa mình lớn lên. Rồi, kháng chiến thành công, Liên về Hà Nội, Khoa về Thái Bình. Mùa hè, chúng mình về Tường An nghỉ.
- Kháng chiến sẽ thành công.
- Bây giờ, buồn quá. Liên thích cầu Chờ ở quê nhà Khoa. Liên chưa đến bến Đợi. Chắc Liên sẽ thích lắm, nếu Liên được tới. Quê nhà Khoa có nhiều kỷ niệm, Liên không tài nào quên nổi. Như mật ngọt ở cuống hoa mẫu đơn...
- Sáng mai, Liên làm ong nhé!
- Chịu thôi, nhỡ giặc Pháp đi càn.
- Khoa thù giặc Pháp.
Khoa nghiến răng ken két. Mắt Khoa long lên. Không có trái cam, để Khoa chộp mà bóp nát. Giọng Liên vẫn bùi ngùi:
- Liên nhớ những ngọn đèn dầu đĩa, ở lớp Bình dân học vụ. Liên nhớ tiếng trống đồng, Khoa bảo, để phá giấc ngủ của Liên. Tiếc nhỉ, Khoa nhỉ?
Liên xích lại gần Khoa hơn:
- Ở Hà Nội, không có cầu Chờ, không có con đường đất nhễ nhãi ánh trăng.
Con bé nói thật nhỏ:
- Liên sắp về Hà Nội.
Khoa hốt hoảng:
- Liên sắp về tề!
Liên đưa tay, đặt lên miệng Khoa:
- Đừng nói to.
Khoa bứt tay mình khỏi tay Liên. Nó túm một nắm cỏ, dứt mạnh, rồi ném xa. Liên hỏi:
- Khoa giận Liên à?
Khoa lặng thinh. Tâm hồn nó rối bời. Giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ đã bị dẫm đè. Sương tan, và cỏ nát. Khoa chớp mắt. Nó cúi đầu. Kỷ niệm hôm qua hiện lên rực rỡ, rồi ủ rũ, cơ hồ những hàng chuối trúng đạn đại bác của giặc Pháp. Khoa nắm chặt đôi bàn tay. Nó cắn chặt môi. Rồi, khẽ lắc đầu:
- Khoa không bao giờ giận Liên cả.
- Liên biết mà.
- Liên về tề, Khoa sẽ buồn lắm.
- Rồi Khoa cũng về thị xã.
- Khoa không về.
- Tại sao?
- Vì Khoa là em của anh Vũ. Anh Vũ đã ra đi... À, bao giờ Liên bỏ làng Tường An?
- Liên mới chỉ nghe bố nói. Hôm nào Liên đi, Liên sẽ bảo Khoa.
Liên dặn dò:
- Nếu Khoa về thị xã, cố xin bố mẹ cho lên Hà Nội chơi, nhé! Nhà Liên ở số 42 phố cửa Bắc.
Khoa vuốt tóc:
- Khoa không về thị xã đâu. Khoa thù giặc Pháp.
Liên hỏi:
- Kháng chiến thành công, Khoa phải về chứ?
Khoa đáp:
- Khoa sẽ theo đoàn quân về, chiếm lại thủ đô Hà Nội.
Liên đặt nhẹ bàn tay lên vai Khoa:
- Có cho Liên chờ Khoa ở một cửa ô không?
- Cửa ô nào?
- Cửa ô trong một bài hát mà Khoa thích đó.
Khoa ngẩng mặt. Nó chớp mắt lia lịa. Cái tưởng đã quên, lại được nhớ. Và, mộng ước tưởng đã phong kín, lại mở ra. Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Khoa sẽ về Hà Nội, sẽ vào Hà Nội, từ một cửa ô. Khoa không thể về tề, vào tề, sống chung với giặc Pháp. Những bông hoa ngày mai, đón tương lai về tay, đang xuân đời mỉm cười vui hát lên... Khoa mỉm cười:
- Ngày ấy, Liên còn nhớ mặt Khoa không nhỉ?
- Nhớ Khoa mãi. Chỉ sợ Khoa quên Liên thôi.
- Đời nào quên Liên.
- Nhỡ Khoa quên.
- Thì Khoa còn nhớ căn nhà Liên, ở cửa Bắc.
- Chúng mình sẽ dạo chơi quanh hồ Hoàn Kiếm, và sẽ nhắc chuyện Tường An, chuyện cầu Chờ, chuyện bến Đợi...
- Và chuyện hẹn hò gặp nhau, ở miễu Vang, dưới gốc cây cổ thụ.
Liên ngả đầu lên vai Khoa. Rất hồn nhiên. Bây giờ, Khoa đã nghe rạo rực tự đáy hồn. Mạch máu Khoa chuyển mạnh. Liên đã phả thêm lý tưởng vào chuyến ra đi sắp tới của Khoa. Tất cả, còn nguyên vẹn. Tất cả, chưa bị bắn phá. Không có bom đạn nào bắn phá nổi tình người. Không có lưỡi lê nào đâm thủng nổi mộng ước. Hai đứa trẻ vừa chớm buồn một chia ly, ngồi yên dưới gốc cây. Gió kéo đến làm lá reo vui. Bầu trời xanh nhiều sắc mây lang thang. Một ngày bình thản trong mùa ly loạn. Một ngày đủ cho Khoa thu xếp hành lý yêu thương. Một ngày Khoa muốn dài thêm. Để, ngồi bên Liên tính chuyện mai sau.
Chiều đã xuống. Chiều xuống vội vàng. Mọi người rời miễu Vang trở lại làng, lo cơm nước, và sửa soạn tránh đạn đại bác. Đêm ấy, đại bác câu về cơ man. Tiếng nổ tiếp theo tiếng nổ. Đất rung chuyển. Sáng mai, hẳn sẽ nhiều chuyện buồn thảm. Khoa nằm trên chiếc chiếu, trải dưới hầm, không nghĩ đạn bay ngang đầu. Qua kẽ lá, Khoa vẫn nhìn rõ bầu trời, lấp lánh những vì sao. Khoa mường tượng một vùng trời Hà Nội. Khoa chọn một vì sao đặt tên là sao Liên, để nay mai đi chiến đấu, sẽ có những đêm nằm gối đầu lên súng, ngắm một vì sao, mà nhớ một người, chở vào đời mình đầy ắp kỷ niệm. Khoa ngủ thiếp đi dưới hầm tránh đạn đại bác.
Buổi sáng, Khoa vừa thức dậy, cha mẹ đã giục hối lên miễu Vang. Khoa ngỡ sẽ cùng Liên ngồi dưới gốc cây hôm qua, nói những câu chuyện êm đềm. Liên đến muộn. Sao hôm nay Liên đến muộn thế? Khoa nóng lóng gặp Liên, bảo cho Liên biết, vì sao nào là Liên. Và, nhắc Liên, lúc nào, nhớ Khoa nhất, là lúc vì sao lung linh nhất.
Khoa ngồi một mình dưới gốc cây. Khoa nhắm mắt. Khoa mong mình có thể ngủ được một giấc dài, cho tới khi Liên đến. Liên sẽ đứng trước mặt Khoa. Khoa mở mắt, thấy Liên cười. Và, Khoa đã ngủ. Rồi, Khoa mở mắt. Nắng làm chói mắt Khoa. Đường đang đứng trước mặt Khoa, chứ không phải Liên. Khoa nháo nhác:
- Liên đâu, Liên đâu mày?
- Nó về Hà Nội, từ sáng sớm.
Khoa nghẹn ngào. Nó đưa hai tay úp mặt. Nước mắt Khoa ứa ra. Nó thấm ngay, bằng cánh tay áo.
- Nó nhắn tao nói với mày rằng, bao giờ kháng chiến thành công, mày nhớ lên Hà nội, rủ nó về Tường An nghỉ hè!
Tai Khoa ù đi. Tâm hồn Khoa rét mướt.
- Mày nghe rõ chưa, Khoa?
Khoa từ từ đứng dậy. Nó ngước nhìn trời. Trời chưa có sao.
- Lúc nó nhắn tao nói với mày, nó khóc. Tao thương hại con Liên quá. Nó bảo mày đừng quên nhà nó, ở cửa Bắc. Mày nghe rõ chưa, Khoa?
Khoa thẫn thờ bước. Đường lắc đầu chẳng hiểu gì. Khoa lần xuống hồ Mơ. Nó soi bóng nó dưới nước. Khoa tưởng như cái bóng của nó là Liên và tưởng như những lời Đường vừa nói với nó là Liên đang nói với nó. Khoa mơ hồ nghe tiêng hát vang vọng “... đi diệt thù cứu quê, giặc tan đón em về...”. Khoa nói cho cái bóng nghe: - Khoa sẽ đón Liên về ngồi trên cầu Chờ những đêm trăng sáng.
-----------------------------------
[1] Trích Du kích quân, của Đỗ Nhuận
[2] Trích Dân quân Việt Nam, của Đỗ Nhuận
[3] Trích Đoàn quân ma, của Lưu Hữu Phước.
[4] Trích Lạng Sơn, của Phạm Duy
[5] Trích Chiến sĩ thành Tô, của Canh Thân
[6] Trích Đoàn quân ma, của Lưu Hữu Phước
[7] Trích Nhớ chiến khu, của Đỗ Nhuận
[8] Trích Người lính bên kia, của Phạm duy (đã đổi lời, khi vào Tề)
[9] Trích Đoàn quân đi, của Việt Lang
[10] Trích Vệ quốc quân, của Phan Huỳnh Điểu
[11] Trích Tiếng hát sông Lô, của Phạm Duy (đã đổi lời, khi vào Tề)
[12] Trích Tiến về Hà Nội, của Văn Cao
[13] Trước kháng chiến, Đống Năm là cái chợ. Sau biến thành một thị trấn nhỏ của những người thành phố tản cư nổi tiếng thời kháng chiến như Cống Thần, Chợ Đại. Đống Năm nằm trên đường số 10 khoảng Thái Bình-Hải Phòng
[14] Lời và nhạc Nguyễn Đình Thi. Bài hát khá dài. Tác giả trích hai đoạn và, chắc chắn, không đúng như nguyên bản. Vì trí nhớ của tác giả quá kém, không thể nhớ nổi một bài hát cách đây 47 năm.
[15] Được coi là nhi đồng tháng tám khó lắm, phải là nhi đồng gương mẫu được xã đề nghị lên huyện và huyện đề nghị lên tỉnh.
[16] Ở nhà quê miền Bắc, kho cá bằng nồi đất,đun sôi thì bắc xuống để giữa bếp gio, đốt lửa chung quanh, rồi lấy trấu trùm kín. Trấu cháy âm ỉ. Kho buổi tối, sáng sau trấu tàn và nồi cá cạn nước.
[17] Bài Trung đoàn 44 của bộ đội tiểu tư sản.
[18] Trích bài Tiếng hát quay tơ, của Tử Phác.
[19] Tác giả bản nhạc Cô Tú là Châu Long (hay Long Châu) thuộc phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ ra đời trước 1945. Nhưng giặc dốt bị thanh toán ồ ạt vào khoảng 1947. Và, Bình Dân Học Vụ thay thế Truyền Bá Quốc Ngữ
[20] Trên bến Búng, một truyện vừa của Hoàng Công Khanh, đề cao lòng yêu nước của một bà lão.
[21] Trích trường ca Nhớ thành Tô, của Tô Vũ.
[22] Khúc ca giữ làng, nhạc và lời của Canh Thân, sáng tác ngoài kháng chiến, và đổi lời mới khi tác giả về tề, thành Khúc ca mùa hè.
[23] Trích Làng tôi, của Văn Cao.
[24] Trích Bắc Sơn, của Văn Cao.
[25] Trích nhạc Phạm Duy. Về tề đổi thành Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời trọc phú có thương dân mình...
[26] Làng Phúc Khánh có hai thôn: Phúc Khánh thượng và Phúc Khánh hạ. Phúc Khánh thượng nhiều người làm quan. Phúc Khánh hạ thì chuyên nghề gắp phân. Thời kháng chiến, du kích bắng nhắng nên bị ghét và bị ví như dân cặp kè. Bài này nhại bài Du kích quân.
[27] Một đoạn thơ, của Tố Hữu.
[28] Tiến về Hà Nội, của Văn Cao.
[29] Rượu Văn Điển và rượu Phông Ten nổi tiếng và thịnh hành ở miền Bắc thời Pháp thuộc. Còn thứ rượu ngang bị coi là rượu lậu, nghĩa là rượu nấu không có môn bài của nhà nước bảo hộ.
[30] Nhạc phẩm Xuân nhớ chiến sĩ, của Ngọc Bích.
[31] Bài hát của Phạm Duy.
[32] Có một huyền thoại về ông vua giật mìn này. Trước khi đi gài mìn, ông ta uống cút rượu, ăn sáu bìa đậu phụ, rồi lên đường công tác. Giật đổ xe giặc, ông ta cười khá khà. Đoạn rút lui.
[33] Vào cùng một ngày, quân nhảy dù Pháp phân chia lực lượng, hành quân chớp nhoáng ở nhiều phủ huyện trong tỉnh. Cuộc hành quân này có tính cách phô trương lực lượng hơn là gieo rắc căm thù.