Đại hội thành lập hội nhà văn thành phố Sương Mù có thuận lợi vì được tiến hành sau khi trung ương đảng đã có nghị quyết đặc biệt về văn hóa văn nghệ. Đối với quan điểm về văn hóa văn nghệ trên phạm vi toàn thế giới và ngay cả đối với những văn nghệ sĩ có đầu óc cấp tiến, những nội dung trong nghị quyết này thật ra không có gì mới, nhưng đối với đảng cộng sản, nghị quyết này quả thực là một bước tiến rất xa so với quan điểm văn nghệ phục vụ chính trị một cách giản đơn lâu nay. Trong đại hội, ông trưởng ban văn hóa văn nghệ trung ương đảng đã về dự và truyền đạt nghị quyết này. Người ta nói chính ông là người đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết và làm mọi sự cho nó được ra đời, mặc dù không thiếu những ý kiến không đồng tình ở ngay trung ương. Nghị quyết là một bước cụ thể và đổi mới trên lãnh vực văn hóa văn nghệ, cái cụ thề làm nhiều người lo ngại, thậm chí hoảng sợ vì nói đổi mới chung chung thì dễ nhưng việc đi vào cụ thể đã va chạm, làm đảo lộn những hình thức cũ của nhiều người. Đó là vấn đề không dễ dàng, vì hơn ai hết, những người cộng sản lại cực kỳ giáo điều và bảo thủ, đã quen đi theo lối mòn, chưa kể đến khía cạnh sự đổi mới này có thể đụng chạm đến uy quyền và đặc quyền đặc lợi của họ. Nghị quyết đã chỉ ra những yếu kém trong công tác lãnh đạo văn nghệ, đặc biệt là những biểu hiện giản đơn, thô thiển, thiếu dân chủ. Lần đầu tiên, nghị quyết khẳng định tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa văn nghệ, để phát triển tài năng. Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật, không phản động, không đồi trụy đều có quyền được lưu hành và đặt dưới sự đánh giá, phán xét của công luận và sự phê bình. Nghị quyết yêu cầu phải khắc phục và ngăn ngừa những hiện tượng cấp ủy đảng và chính quyền can thiệp thô bạo vào các vấn đề văn hóa nghệ thuật và từng cá nhân tuỳ tiện quyết định số phận các tác phẩm văn học nghệ thuật. Những điểm tiến bộ trong nghị quyết của trung ương đã được vận dụng vào các báo cáo và nghị quyết của đại hội thành lập hội nhà văn thành phố Sương Mù, và được thường vụ tỉnh ủy thông qua. Tuy nhiên trong việc sắp xếp nhân sự ban chấp hành hội nhà văn, cách làm vẫn theo kiểu cũ mặc dù bề ngoài thay đổi đôi chút để có vẻ dân chủ hơn. Người ta đã dự kiến nhân sự trước, thăm dò dư luận, tìm cách làm rõ hướng chỉ đạo của đảng. Đây vẫn là thói quen và phương thức lãnh đạo của đảng lâu nay. Thực tế, trong ban thường vụ tỉnh uỷ đã hình thành hai xu hướng ủng hộ hai nhóm khác nhau tham gia ban chấp hành hội nhà văn, một nhóm cấp tiến cùng quan điểm với Minh Hương và Hoài, nhóm kia do Văn Hổ đứng đầu, đại biểu cho các nhà văn có khuynh hướng cũ. Trong các cuộc họp trù bị, sự sắp xếp diễn ra một cách khá tế nhị, và cuối cùng người ta cùng thỏa thuận được với nhau theo kiểu cài răng lược. Minh Hương sẽ làm chủ tịch, Văn Hổ, giám đốc sở văn hóa thông tin và Hoàng Tú, bí thư chi bộ hội nhà văn, làm phó chủ tịch, Hoài là thường vụ trực. Cho đến giờ này, thực ra nhiều người chủ chốt trong ban thường vụ tỉnh ủy không thích Minh Hương nhưng đành phải chấp nhận vì ở trong một hoàn cảnh tế nhị là chính thường vụ tỉnh ủy đã mời Minh Hương về làm một ngọn cờ tập hợp để thành lập hội nhà văn. Đối với Hoài, thành kiến lại nặng nề hơn, và người ta đã nêu đến cả vụ nghi vấn về chi bộ Trung Kiên để không đưa anh vào chức vụ phó chủ tịch. Tuy nhiên Minh Hương và Hoài đã đấu tranh để giành lấy vai trò chính thức phụ trách tạp chí La Ban, cơ quan ngôn luận của hội, công cụ quan trọng nhất để chiến đấu cho đổi mới. Hai người nhất trí có thể giao hết mọi việc cho người khác nhưng nhất thiết phải nắm lấy tờ tạp chí. Đó là điều kiện tối thiểu đề hai người tham gia vào tổ chức hội nhà văn, nếu không việc tham gia chỉ làm mất thì giờ và không có ý nghĩa gì thiết thực. Cả Minh Hương và Hoài đều không phải là người quen nhượng bộ, nhất là trong sáng tác văn học, nhưng rõ ràng đây không phải là văn học mà chính là một trò chính trị và trong hoàn cảnh hiện nay, sự nhượng bộ này là sách lược cần thiết. Mặc dù đã được sắp xếp trước, nhưng trong đại hội, việc bầu cử cũng khá sóng gió. Với tinh thần tự do và dân chủ sẵn có, được các nghị quyết của đảng thổi bùng lên, những người dự đại hội đã tranh cãi gay gắt, không chấp nhận danh sách dự kiến nêu ra mà yêu cầu đề họ tự ứng cử và giới thiệu. Có hơn ba mươi người được đề cử trong khi đại hội biểu quyết chỉ bầu mười lăm người vào ban chấp hành, một việc bầu cử hoàn toàn khác với xưa nay, chỉ đưa một vài người dôi ra để làm đệm cho có vẻ dân chủ. Những kẻ chống Minh Hương và Hoài đã công khai vận động trong đại hội, nhưng ngoài những người đã có chính kiến rõ, đám đông thầm lặng còn lại lần này đã xác định quan điểm của mình, không để ai lung lạc. Kết quả, Minh Hương trúng cử với số phiếu cao nhất, Hoài trúng cử với số phiếu khá gay go, và những người còn lại vào ban chấp hành thuộc hai phái rõ rệt. Ngay trong đại hội, ban chấp hành mới được bầu đã họp riêng dưới sự chỉ đạo của thường vụ tỉnh ủy và kết quả bầu chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên thường vụ đã đúng như dự kiến trước. Đảng cộng sản thật là cừ khôi trong các thủ thuật kiểu này. Đại hội kéo dài hai ngày, có lúc khá căng thẳng, nhưng sự kiện nổi bật nhất lại là một việc tình cờ khi nhà thơ Hữu Lần, ẩn tích hơn ba mươi năm sau vụ án Nhân Văn, bất ngờ xuất hiện vào buổi bế mạc đại hội. Trưa hôm đó, Hoài đi với mấy anh em ở cơ quan ra một nhà hàng lớn ngoài phố lấy bia để chuẩn bị cho buổi liên hoan bế mạc đại hội thì gặp hai người khách hỏi thăm đường về cơ quan hội nhà văn. Sau khi nói chuyện, Hoài biết nhà thơ Hữu Lần lần đầu tiên ra khỏi quê nhà sau hơn ba mươi năm bị quản thúc, đang đi về phương nam, làm một chuyến vẫên du thăm lại đất nước. Đang ở Sài Gòn, qua bạn bè văn nghệ, anh được biết thành phố Sương Mù đang thành lập hội nhà văn, anh bèn nhờ một người quen đưa lên chơi. Thế là Hoài mời luôn Hữu Lần lên xe đưa về dự buổi bế mạc đại hội. Hữu Lần, nổi tiếng với bài thơ trừ tình "Màu tím hoa sim" và những bài thơ chống bọn nịnh hót xuất hiện trên Nhân Văn, Giai Phẩm năm nào, đã đến với anh em văn nghệ sĩ thành phố Sương Mù như một nhân vật đi ra từ Huyền thoại. Đó mà một ông già tuổi bảy mươi, nhỏ bé nhưng rắn chắc và quắc thước. Bộ quần áo luộm thuộm bên ngoài và dáng dấp quê mùa không làm mờ đi tính chất tinh anh của một con người trí thức đầy khí phách bao nhiêu năm kiên cường chịu đựng oan khuất nơi chốn quê nhà. Ông khoác áo vét màu xanh đã cũ ngoài chiếc sơ-mi xanh nhạt hở nút cổ. Chiếc quần tây nâu rộng lụng thụng, một ống xắn lên, chân đi vớ màu xanh thẫm, xỏ đôi dép da còn mới. Dưới chiếc mũ vải trắng nhỏ có in chữ Sai gon Tourism là mái tóc trắng như cước vuốt ngược lên rồi xòa xuống dài tận vai. Cái trán nhô bướng bỉnh và đôi mắt nhỏ lấp lánh sáng sau cặp kính lão gọng vàng thanh mảnh. Ria mép và râu cằm bạc trắng phơ phất rung động. Đó là hình ảnh và ấn tượng đầu tiên của Hữu Lần khi đến với anh em nhà văn thành phố Sương Mù. Khi Hoài đưa Hữu Lần về nơi tổ chức đại hội, các đại biểu đang đứng nói chuyện ngoài sân chờ đến giờ làm việc. Khi nghe Hoài giới thiệu, nhiều người đã đổ xô đến ôm chầm lấy anh mừng rỡ, máy ảnh bấm lách tách và người ta kéo anh ngồi ngay xuống bài cỏ để thăm hỏi chuyện trò. Đến giờ làm việc của buổi bế mạc đại hội, ngoài những nội dung tối cần thiết, các đại biểu đã yêu cầu gác lại những phát biểu có tính cách thủ tục để nghe Hữu Lần nói chuyện. Lần đầu tiên, người ta được nghe Hữu Lần nói về trường hợp sáng tác bài thơ "Màu tím hoa sim", một bài thơ tình chân thật, cảm động và tài hoa mà tác giả đã phải chịu bao nhiêu đầy đọa vì sự chân thật của mình. Mọi người cùng lặng đi khi nghe Hữu Lần kể về ba mươi năm bị quản thúc ở quê nhà, phải cày ruộng và đẩy xe thồ chở đá kiếm sống, không cần làm nhà mà chỉ làm người, không làm cán bộ và đi ăn cắp, giữ vững nhân cách của mình trước sự bao vây, đe dọa, áp bức, mua chuộc của bạo quân. Đại biểu dự đại hội thành lập hội nhà văn có lẽ học được nhiều điều từ phần nói chuyện bất ngờ của Hữu Lần hơn từ các ý kiến chỉ đạo và các bài tham luận đã chuẩn bị trước. Buổi tối sau khi bế mạc đại hội, ban chấp hành hội nhà văn đã quyết định tổ chức ra mắt và đọc thơ trước công chúng tại nhà hát lớn thành phố. Tại đây, một lần nữa, trước hai ngàn khán, thính giả, Hữu Lần lại gây sự bất ngờ. Rất nhiều anh em học sinh nam nữ đã quây quần chung quanh ông để hỏi chuyện và xin chữ ký. Ông lại kể chuyện ba mươi năm ẩn tích, chuyện "Màu tím hoa sim" và sự thật trong văn nghệ. Khi người ta yêu cầu đọc những bài thơ mới làm, vì không nhớ, ông đã ung dung từ sân khấu đi xuống hàng ghế phía dưới lấy chiếc xắc lên, thản nhiên ngồi xổm trên sân khấu dưới ánh sáng đèn pha chói lòa để lục tìm cuốn sổ chép thơ, bắt người nghe chờ đợi hơn mười phút. Sau đó, ông lại tự nhiên đem cuốn sổ đến gần ngọn đèn pha để xem cho rõ, mặc cho người phụ trách âm thanh phải xách micrô chạy theo ông. Ông vừa đọc thơ vừa thò tay vào quần để gãi. Hoài là trưởng ban tổ chức của buổi ra mắt và đọc thơ này. Trước hình ảnh Hữu Lần loay hoay trên sân khấu tự nhiên như ở nhà mình, anh vừa xấu hổ vừa chua xót. Anh cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc đưa ra trình diện trước công chúng một nhà thơ nổi tiếng trong hình ảnh một kẻ quê mùa chưa quen với cách xuất hiện trước đám đông trên sân khấu, chưa biết cách sử dụng micro, gần như đang đóng một vai hài kịch. Mặt khác, anh lại thấy biết đâu hình ảnh này lại có tác dụng tốt. Người ta đã nhìn tận mắt hình ảnh thảm hại của một trí thức, một nhà thơ tài hoa đầy nhiệt huyết và khí phách, ba mươi năm sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đã trở thành một con người như thế. Và từ đó, chính anh và anh em trong hội nhà văn cũng phải cảnh giác và tỉnh táo hơn. Phải chăng những kẻ cầm quyền chỉ muốn và cần những tên bồi bút, còn những nhà văn chân chính dám nói lên lương tri và sự thật sẽ bị vùi dập đầy đọa và đưa vào ngõ cụt? Những nhà văn đàn anh cách đây ba mươi năm đã chấp nhận trả giá để không bẻ cong ngòi bút, còn thế hệ của Hoài sẽ phải làm gì? Câu hỏi đó và hình ảnh Hữu Lần lần đầu gặp gỡ đã gây ấn tượng mạnh nơi Hoài, xóa đi những cảm xúc căng thẳng do việc tổ chức đại hội gây ra, một việc hoàn toàn không có tính cách văn học, chỉ là một trò chính trị, mà anh đã bắt đầu gờm tởm khi nhúng tay vào.Mặc dù kinh phí khó khăn và đã có những ý kiến khó chịu không chính thức từ phía lãnh đạo về Hữu Lần, Minh Hương và Hoài đã quyết định tiếp Hữu Lần như khách quý, bố trí ăn ở tại một nhà nghỉ gần cơ quan hội, mua cho ông mấy bộ quằn áo để ông thay đổi, tắm rửa, vì ông chỉ có một bộ duy nhất mặc trên người. Minh Hương đã nói khảng khái: "Ai đối xử với Hữu Lần ra sao là trách nhiệm của họ, còn chúng tôi, chúng tôi trân trọng Hữu Lần như một nhà thơ, một đồng nghiệp, một trí thức chân chính. Chúng tôi có quyền và bổn phận phải làm như thế. Nếu nói về đảng, đó không phải là một cách lấy lại thanh danh cho đảng hay sao?"