Phần I Những dấu hỏi
16. Linh mục và tôn giáo

Sau khi Nga bỏ chạy khỏi nhà thờ, linh mục Hoan lững thững đi về khu nhà riêng của ông ở phía sau. Ông vừa đưa tay mở cổng, chợt có tiếng nói:
- Xin chào linh mục.
Ông quay lại, thấy Hoài đang đứng nhìn ông chăm chú. Hoài đi sau ông một lúc nhưng mải suy nghĩ ông không hay biết. Ông có vẻ ngạc nhiên nhưng rồi mỉm cười lịch sự:
- à vâng. Chào ông. Mời ông vào chơi.
Hai người đã có gặp và biết nhau nhưng chưa lần nào nói chuyện riêng. Linh mục Hoan đưa Hoài vào nhà. Hoài ngạc nhiên thấy phòng khách của ông có vẻ khô khan và bàn ghế đầy bụi. Ngoài mấy ảnh tượng tôn giáo trên tường, căn phòng chỉ có một kệ sách và một bộ bàn ghế gỗ đơn sơ. Ông xin lỗi Hoài, lấy chổi lông quét sơ bàn ghế rồi ra sau gọi người lấy nước pha trà.
Hoài tự hỏi phải chăng ông có phòng tiếp khách nữa ở nơi khác vì anh biết các linh mục thường xuyên có nhiều người đến gặp.
Linh mục Hoan trở ra, lấy một bao thuốc đầu lọc trên kệ mời Hoài và nói giản dị:
- Xin ông dùng tự nhiên. Tôi không hút thuốc, chỉ mời khách thôi.
Hoài chưa vội mở lời, anh chậm rãi mồi thuốc lá để quan sát ông. Linh mục Hoan khoảng gần sáu mươi tuổi, người mập mạp, khuôn mặt hồng hào, lông mày rậm luôn nhíu lại và đôi môi mỏng một cách khác thường. Trước khi đến đây, Hoài đã suy nghĩ về nội dung nói chuyện và cách xưng hô. Bình thường trước đây, tuy không phải tín đồ công giáo, trong quan hệ Hoài vẫn gọi các linh mục bằng "cha" theo cách gọi của giáo dân nhưng từ sau giải phóng, cách xưng hô đối với các linh mục bỗng trở nên lấn cấn.
Có cán bộ đã phát biểu trong cuộc họp về vấn đề này: "Cha gì! Cha ai chứ cha chúng ta à. Già thì gọi bằng cụ, sòn sồn gọi bằng anh, trẻ thì gọi bằng cậu. Việc gì phải rắc rối." Nhưng vấn đề không đơn giản. Nói chuyện riêng hoặc khi làm việc ở cơ quan thì dễ nhưng trước mặt giáo dân mà gọi linh mục bằng anh, bằng cậu quả có cái gì không ổn. Các cán bộ tôn giáo ở miền Bắc khuyên nên gọi linh mục bằng "cha xứ", nhưng ở đây cách xưng hô này hơi lạ tai, vả lại đâu phải linh mục nào cũng là cha xứ vì có nhiều linh mục dòng không trông coi giáo xứ. Hoài chọn cách xưng cho có vẻ "trung tính" và lịch sự nhất: khi có tín đồ, gọi là linh mục. Khi gặp riêng gọi bằng ông.
Linh mục Hoan lên tiếng trước:
- Nghe nói ông về xã này công tác đã khá lâu. Được mấy tháng rồi ông nhỉ?
- Mới gần hai tháng thôi ạ.
- Ông thấy xã này thế nào, có khá không?
- Thật khó nói một cách ngắn gọn. Theo tôi có nhiều mặt tốt nhưng cũng có mặt chưa tốt.
- Ông nói đúng thôi. Làm sao mà tốt hết được. Giải phóng mới ba năm, dân chưa quen đâu. Cái gì cùng phải có thời gian, nhất là vấn đề làm ăn tập thể.
"Làm ăn lập thể". Hoài hơi ngạc nhiên thấy linh mục Hoan đề cập vấn đề này. Anh cứ tưởng ông sẻ né tránh và anh phải tìm cách gợi ý để thăm dò thái độ của ông. Anh không bỏ lỡ cơ hội:
- Theo ông, làm ăn tập thể khó khăn ở điểm nào và giáo dân có tự nguyện chấp nhận không?
Linh mục Hoan trả lời ngay như thể ông đã từng suy nghĩ chín chắn về vấn đề và không e ngại khi phải bày tỏ chính kiến:
- Tôi chưa hiểu rõ lắm về việc làm ăn tập thể ở miền Bắc trước đây nhưng hiện nay tôi đã được phổ biến về chủ trương này, nghe nói về sự ưu việt của nó và tôi chú ý các nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi. Như thế việc tiến hành đòi hỏi phải có thời gian, sự hiểu biết và tự nguyện thực sự. Giáo dân chúng tôi vẫn có tinh thần tập thể đấy, nhất là trong các vấn đề bác ái và công ích. Họ làm theo lời răn của Chúa Ki-tô và tinh thần "lá lành đùm lá rách" của dân tộc. Nhưng còn về công việc làm ăn của từng người, mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng, khó có thể lo toan chung. Không phải "đèn nhà ai nhà nấy sáng" nhưng việc riêng, trước hết mỗi người phải tự lo rồi tập thể giúp đỡ sau. Vả lại còn có tình trạng "cha chung không khóc" là một tâm lý thông thường trong nhân dân, nếu làm không tốt thì làm ăn tập thể sẽ không có kết quả gì. Người ta ta quen với đầu óc tư hữu và cái đó không dễ gột bỏ được. Ông có thấy thế không?
Qua vài lời của linh mục Hoan, Hoài thấy rõ ràng ông đã để tâm nghiên cứu vấn đề và những lý lẽ ông đưa ra có thể hiểu theo nhiều cách, hoặc có ý nghĩa chống đói, hoặc tán thành nhưng xem xét nó một cách thực tế, không chủ quan ảo tưởng. Tuy nhiên nếu muốn quy kết ông là chống đối cùng rất khó vì ông nói rất đúng theo đường lói chính sách và nhìn nhận vấn đề trên cơ sở thực tiễn. Hoài đã có chủ định, anh không tranh luận mà chỉ cốt thăm dò, tìm hiểu. Anh đưa đẩy câu chuyện:
- Ông phân tích rất có lý có tình. Nhưng quần chúng không phải tự nhiên mà giác ngộ, phải có người vận động, thuyết phục. ở đây vai trò của cán bộ rất quan trọng và cả những người có ảnh hưởng đến giáo dân như các linh mục nữa. Chắc ủy ban mặt luận huyện đã trao đổi nhiều với các linh mục về vấn đề này.
- Vâng, có đấy. Mặt luận huyện vẫn mời chúng tôi họp luôn và chúng tôi vẫn xác định, làm theo phương châm "tốt đời, đẹp đạo": Cái gì không trái với tinh thần giáo lý của Chúa Ky-tô và xây dựng cuộc sống trần thế tốt đẹp hơn, chúng tôi đều gắng sức làm và kêu gọi giáo dân thực hiện. Đó chẳng phải là mục đích của chúng tôi hay sao? Nhưng trách nhiệm và ảnh hưởng của linh mục chỉ có giới hạn phần nào thôi. Cũng như ông nói, vai trò của cán bộ là quyết định. Tôi không dám nói về cán bộ ở cấp cao hơn vì tôi chưa có điều kiện hiểu rõ, còn về cán bộ ở cơ sở, ở xã này, tôi có thể nói với ông vài điều thẳng thắn. Những người trong chi bộ là đảng viên cộng sản, cán bộ do cấp trên đưa xuống lãnh đạo. Công lao và thành tích của họ trong kháng chiến chúng tôi không dám có ý kiến gì nhưng tôi sợ rằng ngày nay khi phải lãnh đạo toàn diện, nhất là về kinh tế - văn hóa, dù chỉ ở phạm vi một xã, họ không đủ năng lực đề làm tròn nhiệm vụ. Tôi đã nghe nói lại có cán bộ chỉ đạo sản xuất nhưng không biết một hecta có bao nhiêu mét vuông và không phân biệt được các loại phân hóa học. Họ lên án phim "con heo" nhưng không biết đó là phim gì, cứ tưởng là có chiếu các con heo trong đó. Không phải tôi bịa ra đề bôi bác đâu. Chuyện xảy ra tại xã này đấy. Còn các cán bộ khác là người địa phương như cán bọ ủy ban xã, các đoàn thể, thôn, xóm, tập đoàn sản xuất đều là giáo dân trong xã nên tôi hiểu họ lắm. Có người có trình độ nhưng không hiểu gì về cách mạng, về chủ nghĩa xã hội mà chỉ xu thời để kiếm lợi. Có người quá dốt nát, tôi nói xin lỗi, một chữ bẻ đôi không biết, do thành phần nghèo đói nên được lựa chọn đưa lên làm cán bộ. Nhà nước dựa vào họ, gọi là cốt cán. Nếu bộ máy cai trị xã hội mà chỉ toàn thành phần như thế, tôi e rằng xã hội sẽ không tiến lên nổi mà ngày càng lụn bại đi thôi.
- Thế theo ông, đảng và nhà nước nên lựa chọn cán bộ như thế nào và với tư cách linh mục, có ảnh hưởng nhất định đối với cán bộ cơ sở là giáo dân, ông có khuyên răn họ điều gì không?
Linh mục Hoan đã nói ý kiến mình rất thoải mái nhưng khi nghe câu hỏi của Hoài, đôi mắt ông ánh lên vẻ cảnh giác:
- Đó là việc của đảng và nhà nước, tôi không dám lạm bàn. Tôi chỉ xin trình bày một thực tế để đảng và nhà. nước xem xét thôi. Còn một số cán bộ cơ sở là giáo dân cũng có hỏi ý kiến tôi đấy. Tôi cũng chỉ khuyên họ cái câu "tốt đời, đẹp đạo" thôi. Nhiệm vụ của cách mạng giao họ cứ làm nhưng họ còn là tín đồ công giáo thì không thể quên giáo lý của Đức Ky-tô được, ông nghĩ có phải thế không?
Hoài thấy thuận lợi để chuyển đề tài khác:
- Vấn đề tôn giáo là vấn đề rất lớn, đảng và nhà nước đã có chính sách rõ ràng, nhưng theo ông việc thực hiện chính sách đó ở địa phương ta như thế nào?
Nét mặt linh mục Hoan sinh động lên khi đề cập đến vấn đề tôn giáo. Ông nói một cách sôi nổi, có lúc vung tay lên để diễn đạt.
- Thú thật hồi mới giải phóng chúng tôi rất lo ngại vì chính chúng tôi đã bỏ miền Bắc di cư vào đây từ năm 1954 và đã nghe bao nhiêu chuyện nặng nề về sự đối xử của cộng sản đối với tôn giáo. Tuy nhiên khi được phổ biến về chính sách tôn giáo chúng tôi hơi yên tâm. "Tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân", nhà nước bảo hộ các cơ sở tôn giáo và các hoạt động tôn giáo bình thường của giáo dân"...
Nếu chính sách đó được thực hiện một cách đầy đủ, chúng tôi không mong muốn gì hơn. Tuy nhiên, trong thực tế còn nhiều vấn đề lắm. Tôi sợ rằng không phải chỉ cán bộ cơ sở mà ngay cả cán bộ tỉnh, huyện nhiều người không hiểu được và không thực hiện chính sách tôn giáo nên chúng tôi thường xuyên gặp khó khăn.
Xin nêu với ông vài chuyện: Có cán bộ đã cảnh cáo các linh mục không được kéo chuông nhà thờ sớm vì làm cán bộ và nhân dân mất ngủ. Các ngày lễ trọng, người ta không cho nhân viên cơ quan nhà nước và học sinh nghỉ đề dự lễ, không cho đi hành hương các nơi thánh tích, viện cớ trật tự an ninh. Khi linh mục quản xứ đau ốm muốn nhờ linh mục ở giáo xứ bên cạnh sang làm lễ giúp cũng không cho, nói rằng vi phạm địa hạt hành chính. Ngay giám mục cai quản toàn địa phận mà xuống các giáo xứ làm lễ thêm sức cho các cháu cùng phải xin giấy phép, đăng ký tạm trú và trình diện với chính quyền địa phương. Nhà thờ hư hỏng chỉ sửa chữa cây cột, mái ngói cùng phải làm bao nhiêu thủ lục, cứ sợ chúng tôi mượn cớ để khuếch trương tôn giáo. Thậm chí linh mục đi thăm người ốm, làm lễ cho người hấp hối tại nhà cũng bị cảnh cáo, cho rằng linh mục chỉ được làm lễ tại nhà thờ... Ôi, biết bao nhiêu chuyện rắc rối mà chúng tôi đã nhiều lần trình bày với chính quyền, mặt trận nhưng không có ai giải quyết cả.
Hoài biết tất cả những điều linh mục Hoan nói đều có thực và rất khó giải quyết trong tình hình hiện nay. Chính Hoài đã có lần phát biểu trong cuộc họp của huyện về các vấn đề đó và đã bị phê bình là hữu khuynh. Chính sách tôn giáo nói chung thì dễ, nhưng khi đi vào những việc cụ thể có những việc không ai biết nên xử lý ra sao. Tư tưởng "tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng", "tôn giáo và cộng sản không đội trời chung" đã chi phối mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm của đa số cán bộ và vì không đi sâu nghiên cứu nên mọi hoạt động tôn giáo mà người ta không hiểu đều bị nghi ngờ, quy kết là có dụng ý thù địch. "Đồng tế" là gì? Người ta nhất định không cho một linh mục xứ khác đến làm lễ đồng tế dù là chỉ để chia xẻ nỗi đau buồn về một người thân mới mất. Đọc kinh "liên gia" nhất định là có âm mưu tụ họp bàn tán chuyện phản cách mạng. Cần gì phải sơn quét, làm đẹp các tượng Phật, tượng Chúa ở các đầu đèo, sườn núi trong khi cơm chưa đủ ăn.
Các lớp giáo lý cho trẻ em, các ca đoàn của Thiên Chúa giáo chính là hình thức tập họp thanh thiếu niên, các đoàn thể trá hình vi phạm pháp luật. Tại sao Phật giáo lại tổ chức tụng riêng kinh Pháp hoa trong khi chỉ cần đi lễ chùa vào ngày rằm và mồng một là đủ? Các mục sư Tin Lành phụ trách vùng dân tộc đi thăm tín đồ chỉ có thể là đi vận động chống phá cách mạng... Dĩ nhiên mọi việc đâu có thể bị lợi dụng nhưng nếu vì thế mà cấm hết thì còn gì là tự do lên ngưỡng. Tuy vẫn nói chính sách tôn giáo một cách cởi mở nhưng Hoài biết rõ tư tưởng chỉ đạo của huyện là ra sức thu hẹp, khống chế, nếu được, triệt tiêu dần các tôn giáo. Vì thế, thánh thất Cao Đài đã bị buộc phải hiến cho nhà nước, các nhà thờ, chùa chiền, thậm chí các cốc của nữ tu khất sĩ phật giáo hư cũng không được sửa chữa. Một số linh mục, mục sư, đại đức không được làm lễ vì lẽ này lẽ khác. Thanh niên theo tôn giáo không được đi nghĩa vụ quân sự, không được vào học các ngành giáo dục, y tế... Hậu quả là sự căng thẳng ngấm ngầm tăng lên. Và điều không mong đợi là tín đồ các tôn giáo đi lễ ngày càng đông đảo hơn so với trước giải phóng.
Buổi nói chuyện với linh mục Hoan đã làm cho Hoài lo ngại sâu sắc. Hoài thấy rõ đối với tôn giáo không thể dùng quyền lực và sự thô bạo đề khuất phục mà phải có mỗi chính sách đại lượng, thực sự tôn trọng tự do tín ngưỡng và tạo ra sự hòa hợp trong nhiệm vụ chung xây dựng đất nước. Điều này thật không dễ dàng.
Khi Hoài cáo từ ra về, anh thấy linh mục Hoan có vẻ gần gũi với anh hơn. Ông ân cần mời Hoài lúc nào có dịp đến thăm ông để chuyện trò. Tiếng chuông nhà thờ vang lên báo hiệu giờ lễ chiều. Một số giáo dân đến sớm tò mò nhìn anh bắt tay từ giã linh mục Hoan. Hình như có một vài ánh mắt hằn học và nghi kỵ.

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2