Phần II : Trong vòng kiềm tỏa
4. Tạp chí La Ban

Minh Hương, Hoài và một số anh em nhà văn nòng cốt bàn việc chuẩn bị xuất bản tạp chí của hội nhà văn.
Đứa con tinh thần chung đầu tiên của anh em nhà văn xứ này ra đời với bao gian lao. Hội đã có trụ sở, nhưng cán bộ nhân viên. ngoài Minh Hương, Hoài, mới có thêm một họa sĩ lo cộng tác trình bày và mấy nhân viên hành chính. Bài vở anh em trong tỉnh và các tỉnh bạn gởi đến khá nhiều, cơ quan hội chưa có ban biên tập riêng nên Minh Hương và Hoài phải mời một số anh em nhà văn ở ngoài tham gia ban biên tập. Việc này cũng thành vấn đề vì các nhà văn nào có ai chịu ai, ai là người đủ năng lực để biên tập văn người khác. Trong số những người được mời tham gia ban biên tập có Hoàng Ly Chân vì Chân trước đây đã từng làm công tác biên tập ở các đài, báo địa phương. Chân vốn là người ba hoa nên tạp chí chưa xuất bản, anh ta đã đi nói chuyện nhiều nơi, khen bài người này, chê bài người khác, và tuyên bố: "Tác phẩm anh em gởi đến quá tệ. Một trăm bài may ra mới chọn được năm ba bài". Thế là nhiều người phản ứng. Họ đã biết rõ tính chất cá nhân và bè phái của Hoàng Ly Chân trước đây nên họ nói thẳng, nếu hội nhà văn dùng Hoàng Ly Chân làm biên tập, họ sẽ không cộng tác với tạp chí. Minh Hương và Hoài tuy đã có nghe một số tai tiếng về Hoàng Ly Chân trước đây, nhưng cùng định kéo anh ta về công tác ở cơ quan chuyên trách hội vì thấy anh ta rất nhiệt tình, hy vọng môi trường mới sẽ giúp anh ta công tác thuận lợi. Tuy nhiên, sự việc anh em phản ứng làm Minh Hương và Hoài tạm ngưng ý định này lại. Thế là mối ác cảm bắt đầu nảy sinh giữa Hoàng Ly Chân đối với Minh Hương và Hoài, tuy thế Hoàng Ly Chân vẫn lui tới với hai anh vì còn chờ đợi đại hội thành lập hội nhà văn sắp tới sẽ có những thay đổi.
Vấn đề khó khăn đặt ra đối với Minh Hương và Hoài là khuynh hướng của tạp chí và vấn đề tài chánh. Làm sao để tạp chí văn nghệ của hội nhà văn phải là một tạp chí có xu hướng đổi mới thực sự, không phải chỉ trong văn học nghệ thuật mà còn cả trên những lãnh vực chính trị, văn hóa, xã hội. Tạp chí phải là nơi chuyên chở những tư tưởng cấp tiến nhất, phải là kẻ tiên phong trong công cuộc đổi mới chứ không phải là một lờ báo lá cải không ai thèm đọc và chỉ có công dụng gói hàng là chính như một số tờ báo của nhiều địa phương lâu nay. Điều này không dễ dàng từ cả hai phía. Tỉnh ủy vẫn có quan niệm tạp chí là công cụ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ chính trị địa phương. Anh em nhà văn, tuy có một số người tiến bộ, nhưng lâu nay họ sáng tác theo đường mòn, chưa viết được cái gì thật mới, dù đảng đã tuyên bố họ được cởi trói. Nhiều người nói đùa một cách cay đắng: "Gà công nghiệp ở trong chuồng quen nên nay thả ra ngoài cứ lớ ngớ không biết kiếm ăn ra sao".
Minh Hương và Hoài đã bàn kỹ về định hướng của tạp chí và những bước đi cần thiết. Không bộc lộ rõ rệt tính cấp tiến ngay từ đầu gây ra những phản ứng bất lợi nhất là về phía tỉnh ủy, nhưng cũng không làm cho những người tiến bộ thất vọng hoặc đi vào con đường thỏa hiệp. Hai người tin rằng chỉ cần khôn khéo và vượt qua khó khăn ban đầu, về sau khi tạp chí đã có chỗ đứng vững vàng, họ sẽ đưa tạp chí đi lên mạnh mẽ hơn.
Vấn đề đau đầu nhất là tài chánh. Lãnh đạo tỉnh cho rằng cấp trụ sở, trả lương cho cán bộ chuyên trách hội là ưu ái lắm rồi. Còn tạp chí phải lấy thu bù chi. Nhà văn phải sống bằng tiền nhuận bút. Đây chính là cái gọng kìm mà đảng và nhà nước ở đây đã giương ra để siết anh em nhà văn. Mặc dù đến thời điểm này, trong cả nước, tuy mới hô hào chống bao cấp, nhưng không một tờ báo, tạp chí nào lại không được nhà nước tài trợ và bù lỗ. Tạp chí của hội nhà văn ở đây mới ra đời mà phải tự lực cánh sinh ngay là điều không dễ dàng. Minh Hương và Hoài đã đi vận động khắp nơi để kêu gọi ủng hộ, kể cả các cơ quan nhà nước cũng như tư nhân, nhà thờ, chùa... nơi nào có người hiểu và ưu ái văn học nghệ thuật. Có một hội viên nhiệt tình là Nguyễn Vũ có sáng kiến lập ra một tổ hợp tư nhân đầu tư vốn, hợp tác với hội nhà văn để xuất bản sách và tạp chí.
Hôm nay, Nguyễn Vũ mời Minh Hương, Hoài và năm người dự định tham gia nhóm hợp tác đi uống cà-phê tại nhà Thủy tạ, để bàn việc thành lập nhóm. Nhà Thủy tạ là một công trình độc đáo trên hồ Hương Xuân, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhà hàng nằm trên một doi đất nhỏ ven hồ, cạnh đường, nhưng vươn hẳn ra mặt hồ bằng những trụ chân cắm xuống đáy. Nhà hàng gọn gàng, xinh xắn, có sân thượng bên ngoài và cầu nhảy dành cho câu lạc bộ bơi lội ngày trước. Đây là một công trình kiến trúc rất đặc trưng và nổi tiếng của thành phố du lịch trên cao này. Từ ngày nhà nước quản lý và nhà hàng trở thành quốc doanh, có mất đi không khí yên tĩn và vẻ thơ mộng ngày xưa. Thay vì chỉ bán cà-phê giải khát, người ta bán cả đồ nhậu, bia rượu và căn phòng chính của nhà hàng lúc nào cùng đông nghẹt. ồn ào và sặc sụa mùi thuốc lá. Rồi lại lối phục vụ ghi phiếu, trả tiền trước của các mậu dịch viên ăn lương nhà nước lúc nào cùng uể oải. Người ta chỉ nghĩ đến kinh doanh, chưa hiểu được tính chất văn hóa trong những nơi giải trí, tham quan du lịch. Người ta đã vật chất hóa và tầm thường hóa mọi công trình và thắng cảnh, làm cho trung tâm du lịch này xuống cấp và xuống giá một cách khủng khiếp.
Nhưng lãnh đạo của tỉnh có nhiều điều đáng lo hơn là những vấn đề này. Vả chăng cũng đã mấy người hiểu được khía cạnh của vấn đề, kể cả việc làm kinh tế trong du lịch, khai thác thế mạnh của nền công nghiệp không có khói này..
Nguyễn Vũ mời mọi người ra ngồi ở bàn đá ngoài bao-lơn của nhà hàng. Anh nói:
- Ngồi ngoài này lạnh một chút nhưng yên tĩnh và có không khí đề bàn chuyện văn học. Trong kia là chốn phàm phu để người ta nhậu và bàn chuyện làm ăn kinh tế.
Mọi người đều cài lại nút và kéo cao cồ áo khoác vì hơi lạnh phả lên từ mặt hồ. Chiếc hồ uốn một vòng cũng chạy mãi ra phía xa, nơi có ngọn tháp hình quả chuông độc đáo. Bờ hồ viền cỏ xanh và những hàng thông trầm mặc. Mặt nước về chiều gợn sóng lăn tăn. Mấy con thiên nga trắng toát bơi chầm chậm ngoài xa. Bên kia hồ đồi cỏ xanh pha tím dịu dàng trong nắng chiều vàng óng. Dưới các gốc thông, những cặp tình nhân ngồi âu yếm, nhìn xa như một bức tranh phong cảnh. Xa hơn nữa phía chân trời, hình núi Mẹ sừng sửng in hình lên trời xanh.
Sau khi mọi người đã nhắp ngụm cà-phê đầu tiên do cô phục vụ bưng ra, Nguyễn Vũ hắng giọng:
- Các ông nghĩ sao? Ta ngồi trên hồ Hương Xuân, nhìn về núi Mẹ, bàn về văn học của thành phố Sương Mù, ý nghĩa và thú vị lắm chứ? Tôi suy nghĩ về việc này lâu rồi. Văn học nghệ thuật mà lệ thuộc nhà nước bao cấp sẽ không ra gì đâu. Đó là cái thòng lọng buộc ở cổ ta và là sản phẩm của một chế độ độc tài về tư tưởng. Anh sẽ không viết được cái gì tự do khi bao tử anh bị người ta nắm. Ta phải tính đến chuyện độc lập vì không có độc lập làm sao có tự do. Nếu mỗi người góp hai trăm ngàn đồng, hai mươi người sẽ có bốn triệu hay mỗi người góp năm trăm ngàn đồng, chỉ cần mươi người đã có năm triệu. Với số vốn ban đầu này, trong thời giá hiện nay, ta đủ sức xuất bản ba số tạp chí và ba, bốn đầu sách. Từ đó, la có uy tín và tiếp tục quay vòng vốn.
Về mặt kinh tế, tôi cho sẽ không lỗ mà còn lãi, không chừng lãi to nếu nội dung tạp chí của ta tốt và các đầu sách bán chạy. Dĩ nhiên lãi chủ yếu là do ở sách còn tạp chí hòa vốn là quý rồi. Tạp chí của ta là tạp chí văn học, độc giả ít nhưng chọn lọc. Bước đầu chúng ta cần khoảng mười đến hai mươi người góp vốn để thành lập nhóm. Nhóm có ban điều hành riêng và sẽ chính thức hợp tác với hội nhà văn để hoạt động. Nhóm lo kinh tế và các vấn đề in ấn, phát hành, hội nhà văn lo nội dung và thủ lục pháp lý. Các ông thấy sao? Chúng ta nhất trí trên nguyên tác rồi sẽ đi vào bàn cụ thể.
Phan Quang đốt một điếu thuốc mặc dù anh rất ít khi hút. Anh chỉ bập bập ở môi rồi phà khói ra ngoài:
- Bây giờ đang có phong trào tái bản sách dịch. Ta cứ chọn vài cuốn hấp dẫn in trước. Sau khi có lãi sẽ tiếp tục in tác phẩm của anh em. Sách hiện nay là một thị trường phong phú và người ta kiếm lãi không ít. Tôi có quen một vài tay chuyên làm nghề xuất bản, nghe hắn nói chuyện thấy dễ ăn lắm.
Nguyễn Vũ nhướng mắt:
- Đúng. Bây giờ bọn vô văn hóa còn nhảy ra làm văn hóa được huống gì anh em nhà văn chúng ta. Chúng ta sẽ làm thừa sức. Tôi cũng quen nhiều nhà xuất bản, nhà in và cơ quan phát hành sách ở Sài Gòn. Các ông cứ yên chí.
Trần Dương tỏ ra thận trọng hơn:
- ấy các ông đừng bốc. Xuất bản là một nghề hoàn toàn khác chuyện viết văn. Các ông coi chừng. Xuất bản là một hoạt động văn hóa nhưng lại nặng về kinh tế, phải tính đến thị trường với tất cả quy luật của nó. Lơ mơ không được đâu. Vốn bỏ ra không thu lại được là thành chuyện ngay.
Minh Hương cũng có vẻ dè dặt:
- Trước đây tôi cũng đã có làm chuyện này. Không dễ đâu nhưng không phải không làm được. Có cuốn chúng ta cho là hay nhưng xuất bản ít người mua. Có cuốn rất tầm thường lại bán chạy. Nhưng khổ nỗi chúng ta là nhà văn, lấy danh nghĩa hội nhà văn, không thể cho xuất bản bừa bài được, sẽ mất uy tín. Việc này dĩ nhiên nên làm nhưng phải bàn tính kỹ.
Nguyễn Vũ khoa khoa tay:
- Được rồi. Được rồi. Ta đủ sức giải quyết mọi chuyện đó. Nhưng trước hết là đồng ý trên nguyên tắc chuyện thành lập nhóm và hợp tác với hội nhà văn. Những chuyện cụ thể khác sẽ bàn sau. Các ông nhất trí nhé. Bây giờ phải đặt cho nhóm một cái tên. Hương Xuân được không? Hương Xuân cũng là Xuân Hương, tên bà chúa thơ nôm. Hương Xuân chuyên xuất bản sách văn học. Tuyệt! (Nguyễn Vũ vỗ đùi đánh đét khoái trá). Khi làm ăn có lãi, chúng ta sẽ đặt ra giải thưởng văn học Hương Xuân cho các tác phẩm có giá trị hằng năm của tỉnh. Đảng và nhà nước của tỉnh này không làm được nhưng ta sẽ làm. Chà, được đấy. Các ông nhất trí không
Biết tính bốc đồng của Nguyễn Vũ, Hoài cười khích thêm:
- Được quá đi chứ. Mà sao ông chỉ nói giải thưởng văn học cho tỉnh mà không làm giải thưởng luôn cho cả nước? Hằng năm cứ lập ra hội đồng để xét rồi trao giải. Trị giá mỗi giải chừng hai triệu thôi là bà con đủ lác mát rồi. Đã không làm thì thôi, làm phải làm cho ra trò.
Nguyễn Vũ vỗ tay:
- Đúng. Đúng. Ta sẽ làm. Sợ gì không làm? Các ông có ý kiến gì khác không? Nhất trí nhé. Khỏi bàn cãi nhiều. A, phải gọi một chai rượu mừng ngày thành lập nhóm và sáng kiến về giải thưởng văn học này..
Nguyễn Vũ đứng dậy đi vào quay lấy rượu trong khi mọi người cười ngất. Đúng là một tay bốc trời. Nhưng không sao. Cứ nói đi cho sướng miệng. Nào có hại gì cho ai đâu? Lại còn thêm khí thế. Nguyễn Vũ trở ra tự tay cầm chai rượu Ararat và mấy cái ly, không cần đợi phục vụ. Anh mở chai, rót rượu ra ly rồi yêu cầu mọi người nâng cốc. Anh đứng thắng giơ ly rượu lên cao nói lớn:
- Nào. Chúc mừng sự ra đời của nhóm Hương Xuân và giải thưởng văn học Hương Xuân.
Mọi người đứng cả dậy, nhiều tiếng nói tiếp theo:
- Chúc những giấc mơ thành hiện thực.
- Chúc mừng đổi mới.
- Chúc sức khỏe anh em nhà văn.
- Chúc anh em nhà văn thành phố Sương Mù thức giấc.
Tiếng chạm ly lốp bốp vang lên và mọi người đều cạn ly trước khi ngồi xuống.
Hoài bỗng thấy cảm động vì chuyện bốc đồng này. Thuở tuổi hai mươi, anh cũng đã từng cùng bạn bè lập nhóm văn học với bao ước vọng làm chuyện lấp bể vá trời. Hơn ai hết, nhà văn phải là kẻ biết ước mơ, cả trong tác phẩm và ngoài cuộc đời. Nhưng anh linh cảm những khó khăn sắp tới. Cái gọi là hội nhà văn, một tổ chức của nhà văn nhưng lại mang tính chất hành chính nhà nước và bị ràng buộc bởi bao nhiêu chuyện không có gì là văn học cả Tại sao không có tự do thành lập nhóm? Ai thích, cùng khuynh hướng cứ việc chơi với nhau. Muốn viết gì thì viết theo bất cứ trường phái nào. Văn học sẽ đa dạng biết bao. Việc gì cứ phải họp nhau vào một hội để rồi đấu đá nhau như bao nhiêu hội ở các địa phương và trung ương mà anh đã nghe từ khi về chuẩn bị thành lập hội nhà văn của tỉnh này?
Minh Hương đang dõi mắt về ngọn núi Mẹ xa xa đang nhòa dần trong sương chiều rồi như sực tỉnh:
- Này, nhân tiện đặt tên nhóm Hương Xuân, tôi muốn tham khảo ý kiến các ông về việc đặt tên cho tạp chí văn học của chúng ta. Nhiều anh em đã đề xuất, nào là Ngàn Thông, Cao Nguyên, Sương Mù, Ngàn hoa... Nhưng tôi thấy chưa ổn. Tên tạp chí phải đặc trưng hơn, gợi hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Ngọn núi cao nhất của vùng đất này là núi Mẹ, còn có tên là La Ban, một cái tên dân tộc đầy âm hưởng và chứa đựng một huyền thoại lạ lùng. Tôi rất mê cái tên này. Tạp chí văn học phải có một cái tên thật văn học. Tôi biết mấy ông lãnh đạo của tỉnh chỉ muốn gọi là tạp chí văn học của tỉnh, cũng như tờ báo mang tên của đảng bộ tỉnh. Tham vọng của chúng ta đâu phải chỉ làm một tạp chí trong khuôn khổ của tỉnh này mà còn lớn hơn nhiều. Ta phải chọn một cái tên thật hay rồi thuyết phục mấy ông lãnh đạo.
Hoài lẩm nhẩm rồi nói lớn ý nghĩ của mình:
- La ban... La Ban... Minh Hương và tôi đã nhiều lần trao đổi về cái tên này. Đây là một truyền thuyết về chàng La và nàng Ban. Chàng La vì tình yêu và công lý cho con người đã dùng cảm lên tới tận trời đấu tranh cho chính nghĩa. Nàng Ban cùng vượt qua tục lệ khe khắt của bộ tộc để đến với tình yêu. Cả hai đều chọn cái chết hơn là phân ly vì những luật tục hẹp hồi mù quáng. Tính chất nhân văn đẹp đẽ biết chừng nào. La Ban còn là đỉnh cao. Đỉnh cao của trí tuệ, nhân phẩm, văn học nghệ thuật. La Ban lại là suối nguồn, dòng sữa mẹ, vì theo một truyền thuyết khác, hai đỉnh núi kia là hai bầu vú của Mẹ in hình lên trời xanh. Đó là suối nguồn của văn học nghệ thuật. ở xứ này, trời đã cho la một cái tên như thế mà không dùng thì uổng quá.
Nguyễn Vũ đảo mắt nhìn mọi người. Anh lẹ miệng hưởng ứng ngay:
- La Ban. Nghe được quá. Chúng ta phải dựng ngọn cờ trên đỉnh cao này. Bao lâu nay người ta đã bôi bẩn đỉnh cao tuyệt đẹp này. Bây giờ chúng ta phải làm cho nó tỏa sáng lên.
Trong khi mọi người đang hào hứng bàn chuyện làm tỏa sáng ngọn La Ban, những đám mây đen từ đâu bỗng xuất hiện trên nền trời và chẳng mấy chốc trời đất tối xầm lại. Một cơn mưa buổi chiều đột ngột đồ xuống. Mọi người đều vội vã chuyển vào trong. Giữa cảnh ồn ào, họ đành gọi thêm rượu ngồi nói chuyện tào lao đợi ngớt cơn mưa ra về.
Sau đó, Minh Hương và Hoài phải nhờ Nguyễn Diêu, một nhà nghiên cứu dân tộc học, viết hai bài về sự tích núi La Ban và phân tích ý nghĩa vị trí ngọn núi này trong lịch sử các dân tộc ở địa phương. Theo ý kiến của bí thư tỉnh ủy, phải cần đến cả một cuộc họp của ban thường vụ tỉnh ủy để thông qua tên của tạp chí. Minh Hương và Hoài đã mướt mò hơi, như cất được gánh nặng, khi lãnh đạo nhất trí với tên gọi của tạp chí. Đảng lãnh đạo đến mức đó thì làm văn học ở xứ này chắc sẽ còn lắm gian truân.

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2