Phần III Cuộc đấu không cân sức
11 Bút ký của người bị khai trừ đảng
(Bút ký của Hoài)

Chúng tôi đã chờ đợi điều đó xảy ra nhưng vẫn hơi có chút bất ngờ cả về sự việc lần thời điểm. Chúng tôi nghĩ vẫn còn khả năng khác và người ta cần thời gian lâu hơn để chuẩn bị cho một điều không phải dễ dàng tuy sự việc xảy ra đã hơn sáu tháng. Vả lại gần đây cũng có những phản ứng thuận lợi từ nhiều phía. Trong cuộc họp của hội nhà văn, nhiều hội viên tuyên bố sẽ ra khỏi hội, có người nói sẽ ra khỏi đảng nếu chúng tôi bị kỷ luật. Mười lăm cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ đã gởi kiến nghị lên tỉnh ủy, mười ba văn nghệ sĩ là đảng viên ở miền Trung có liên đới trách nhiệm với chúng tôi trong chuyến đi cũng đã gởi thư vào đề nghị tỉnh ủy hết sức thận trọng để khỏi gây bất lợi cho tình hình chung và làm mất niềm tin trong cộng đồng văn nghệ sĩ.
Những tiếng nói đó làm chúng tôi ấm lòng và vững tin. Trong thời đại này vẫn có những người chân chính, vẫn còn tiếng nói của lương tri, vẫn có những người dũng cảm bảo vệ chân lý. Những người có chức quyền dù thế nào chăng nửa cũng cần phải đắn đo, cũng không thể bất chấp công luận, xem thường tiếng nói của trí thức và văn nghệ sĩ. Do đó, một tuần trước đây, nghe phong thanh trong cuộc họp của thường vụ tỉnh ủy ngày 10-6 người ta đã quyết định kỷ luật, chúng tôi vẩn không tin. Theo lịch công tác tháng 6 của tỉnh ủy, ngày 9 và 10-6 ban thường vụ tỉnh ủy họp về vấn đề dân tộc và tổ chức, ngày 16-6 mới xét kỳ luật đàng viên.
Chúng tôi đã lầm.
Ngày 17-6 là một ngày đáng ghi nhớ. Tỉnh ủy tổ chức ba cuộc làm việc. Mời Minh Hương lúc 7 giờ 30, mời tôi lúc 10 giờ, mời những người ký kiến nghị lúc 14 giờ. Chúng tôi có hội ý và dự đoán đây là những cuộc tiếp xúc để giải thích, răn đe cốt ngăn chặn những phản ứng có thể lan rộng.
8 giờ 30, lúc mấy anh em đang ngồi ở cơ quan hội nhà văn, Minh Hương đi gặp tỉnh ủy về, nét mặt hơi căng thẳng, nói vắn tắt:
- Thông báo quyết định khai trừ đảng.
Chúng tôi hơi bàng hoàng, lặng đi một chút. Có người thốt lên: "vô lý quá", "Sao lại thế được?"
Tôi hỏi Minh Hương:
- Thế anh phản ứng ra sao?
Minh Hương đáp:
- Tôi bực quá nên không nói gì nhiều, chỉ nói vắn tắt mấy ý phản đối quyết định. Người ta đã có quyết định rồi thì còn nói làm gì nữa vô ích. Tuy nhiên vì có người nói mấy câu chướng tai nên tôi có phản ứng lại.
Minh Hương kể vắn tắt mấy câu đối đáp trong cuộc gặp rồi vội vã đi dự cuộc tọa đàm do hội nhà báo mời. Sau này nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết sau lúc được thông báo khai trừ đảng một tiếng đồng hồ, Minh Hương vẫn phát biểu mạnh mẽ trong buổi tọa đàm, với tất cả nhiệt tình và trách nhiệm vì công việc chung.
Mấy anh em ở cơ quan dang ngồi trao đổi thì có điện thoại. Văn phòng tỉnh ủy mời tôi sang làm việc. Giấy mời 10 giờ mà bây giờ mới hơn 9 giờ. Người ta dự đoán sai phản ứng của Minh Hương nên dành thời gian làm việc với Minh Hương quá lâu trong khi Minh Hương bỏ về sớm, khước từ những giải thích, tranh luận không cần thiết ở thời điểm này.
Tôi chuẩn bị đi thì Lê Tân đưa mấy anh em văn nghệ ở Sài Gòn đi nghỉ mát thành phố Sương Mù lại thăm hội nhà văn. Đây là những người đầu tiên ngoài cơ quan biết tin chính thức về quyết định kỷ luật.
9 giờ 30, tôi tiên khách về và đi sang gặp thường vụ tỉnh ủy.
Ngôi nhà làm việc của ban thường vụ tỉnh ủy trang nghiêm và yên tĩnh. Một người đang đi dạo trước hành lang, mấy người đang ngồi nói chuyện ở phòng ngoài nơi đặt bộ xa-lông. Họ đang chờ đợi tôi. Tôi vào. Phó bí thư tỉnh ủy và một vài người khác bắt lay tôi rồi mời vào phòng trong làm việc Tôi đưa mắt nhìn. Có gần mười người dự họp. Ngoài phó bí thư tỉnh ủy chủ trì có ba ủy viên thường vụ, một số cán bộ lãnh đạo của ban tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và đảng ủy dân chính đảng, hai cán bộ văn phòng ghi biên bản. Căn phòng vắng lặng một cách khác thường dù tiếng nói của phó bí thư vẫn vang lên thong thả, đều đặn, nhẹ nhàng một cách kèm chế, hình như có chết mỏi mệt. Lý do, đọc quyết định kỷ luật, giải thích sai phạm khuyết điểm: Lợi dụng danh nghĩa của hội để làm những việc có tính chất bè phái. Vi phạm ý thức tổ chức kỷ luật của đảng, vi phạm nguyên tắc của đảng. Không trung thực, kiểm điểm không nghiêm túc. Hình thức kỷ luật: " Khai trừ ra khỏi đảng". (Kết luận thứ nhất về sai phạm không hề được nhắc đến trong các buổi kiểm điểm trước đây).
Quyết định kỷ luật ký ngày 10-6-1989.
Tôi tỉnh táo ghi nhận. Tôi chọn thái độ khác với Minh Hương. Tôi nhìn từng người dự họp. Sự lặng thinh đương nhiên của họ hình như có một cái gì hơi khác thường, quá trang nghiêm và u uất. Hay là cảm giác khác thường ở tôi?
Tôi phát biểu ngay khi phó bí thư ngừng lời và yêu cầu. Tôi không bất ngờ và đã sẵn sàng đón nhận quyết định kỷ luật. Tôi phản đói quyết định và sẽ khiếu nại lên tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên cho đến ban chấp hành trung ương theo điều lệ. Tôi ghi nhận thường vụ tỉnh ủy vi phạm điều lệ đảng vì đã không để chúng tôi trình bày trước tập thể ban thường vụ tỉnh ủy trước khi ban thường vụ quyết định như điều lệ đảng đã quy định. Tôi xem quyết định này là một điều đáng tiếc vì có thể có khả năng giải quyết khác có lợi cho tình hình chung hơn, không phải đáng tiếc cho tôi mà là đáng tiếc cho đảng. Tôi muốn nói những lời tâm huyết đối với đảng như trước đây đã nói và hôm nay, ngay lúc bị khai trừ. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn tin mình làm đúng, bảo vệ chân lý, đòi thực hiện nghị quyết của đảng chứ không chống lại đảng. Chung quanh vụ kỷ luật này đã và sẽ có nhiều phản ứng của văn nghệ sĩ trí thức tỉnh ta và cả nước. Nếu tình hình đó phát triển, rõ ràng có sự không đồng tình, dẫn đến đối lập giữa quần chúng với đảng. Tình hình hiện nay của đất nước ta không có con đường nào khác hơn là mở rộng dân chủ. Hạn chế dân chủ sẽ dẫn đến sự phản kháng, thậm chí bùng nổ, hoàn toàn không có lợi cho đảng và là bước đầu thảm họa của chế độ. Tôi muốn báo động với đảng về tình hình này với tất cả tâm huyết và trách nhiệm.
Tôi nghe giọng mình âm vang trong căn phòng lặng lẽ. Mọi người lắng nghe một cách nhẫn nhục, vừa chịu đựng vừa khó chịu. Tôi cảm giác thế. Và cuộc đối thoại mang tính chất tranh luận gay gắt kéo dài hơn một tiếng hồng hồ, bằng những giọng nói không ồn ào nhưng dày sức nặng. Tôi một mình. Và những người còn lại. Có lẽ tôi sẽ còn nhớ lâu cuộc đối thoại này. Tôi không đối đáp hết ý kiến của những người đối thoại vì tôi không có thời gian, tôi chỉ một mình, nhưng trong óc tôi vang lên những lời phản bác tức khắc đối với từng ý kiến.
- Tại sao đồng chí nói là không bất ngờ và đã sẵn sàng chờ đợi kỷ luật?
- Điều đó không khó hiểu. Trước đây đã có điện của ban bí thư, rồi kết luận của ban thường vụ tỉnh ủy cho việc làm của chúng tôi là sai trái, tiếp theo là đề nghị khai trừ đảng của đáng ủy dân chính đảng. Kết luận hầu như đã có trước khi kiểm điểm.
Tại sao đồng chí nói đảng đối lập với quần chúng? Đảng không bao giờ đối lập với quần chúng cả.
- Đó là nguyên tắc nói chung. Tôi nói cụ thể, trong trường hợp này, với chứng minh cụ thể.
- Đồng chí có nói đến sự bùng nổ. Bùng nổ như thế nào, ở đâu, lực lượng nào?
- Tôi không rõ. Nhưng theo tôi, đây là sự báo động. Xin ghi nhận ý tôi. Đừng quy chụp lôi kích động. Tôi nói công khai với tâm huyết trước những người có trách nhiệm. Nếu có ý đồ kích dộng đã không nói. Cũng như vừa qua nông dân Nam bộ biểu tình vì bị áp bức...
- Với tư cách lãnh đạo phụ trách nông nghiệp của tỉnh, tôi xác định nông dân không hề bị áp bức.
- Đó là nhận định của đồng chí. Theo tôi có áp bức, có cường hào mới ở nông thôn.
- Không nên nói nhiều đến việc sẽ có lực lượng này kia phản ứng, bùng nổ. Lực lượng nào, làm gì, pháp luật sẽ điều chỉnh và phán xét họ. (Người ta sẽ làm đúng pháp luật và làm để thực hiện nghị quyết của đảng. Tôi phản ứng trong ý nghĩ). Có người sẵn sàng hy sinh quyền lợi chính trị của bản thân vì động cơ nào đó chúng tôi không cần biết. (Tại sao không cần biết? Động cơ nào đó là động cơ gì, có chính đáng hay không?) Đảng cần sự thống nhất cao về hành động và ý chí trong toàn đảng, nêu cao tính liên phong đồng thời đòi hỏi ý thức tổ chức kỷ luật. (Không phải thống nhất một chiều mà là thống nhất trên cơ sở đấu tranh cho chân lý. Tính tiền phong đòi hỏi phải sáng tạo, dũng cảm, không đối lập với ý thức tổ chức kỷ luật). Ai xa rời đảng phải tự xem xét có xứng đáng ở trong đảng không? Những người không xứng đáng tự giác ra khỏi đảng càng sớm càng tốt, chúng tôi không hề thương tiếc. (Hiện nay có người xứng đáng đã tự ý ra khỏi đảng, nhiều kẻ không xứng đáng lại bám chặt vào đảng. Lãnh đạo của đảng sao không xem xét việc này?)
Thực ra thường vụ tỉnh ủy không ai có thành kiến, ác ý riêng tư gì với hai đồng chí cả và cũng không muốn thi hành kỷ luật khai trừ dù tính chất, mức độ sai phạm so với hình thức đó không quá đáng. Có khả năng khác là ở chỗ hình thức kỷ luật còn tùy sự tự giác của hai đồng chí nhưng hai đồng chí đã không tự giác.
- Trong vụ việc này nhận thức của thường vụ và chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi chỉ tự giác trên cơ sở nhận thức trung thực của mình. Chúng tôi không tự giác khi bị áp đặt. Các đồng chí chưa thể thuyết phục được chúng tôi.
- Dù bây giờ thường vụ đã quyết định nhưng cũng không phải là quyết định sau cùng. Thường vụ vẫn có thể xem xét lại nữa nếu các đồng chí có nhận thức mới.
- Với ý kiến đó, tôi xem là cánh cửa vẫn còn hé mở. Tôi đã nói là chúng tôi hy vọng một khả năng khác có lợi cho tình hình chung. Tôi đề nghị thường vụ sắp xếp một buổi làm việc với chúng tôi như chúng tôi đã đề xuất nhưng văn phòng tỉnh ủy trả lời chưa bố trí được.
- Nếu điều đó cần thiết, thường vụ sẵn sàng sắp xếp.
11 giờ 30, phó bí thư tỉnh ủy chủ động đến bắt tay tôi trước khi tôi rời phòng họp.
Trên đường về lại gặp vợ tôi chờ đón. Vy đã mấy lần đi đón tôi lúc tôi được tỉnh ủy mời đi họp kiểm điểm vì e rằng tôi có thể đi luôn không về. Tôi đã trấn an Vy nhiều lần là bây giờ điều đó không thể xảy ra được. Ngày xưa, khi hoạt động bí mật, vợ tôi đã bao lần đợi tôi trong đêm khuya và nước mắt khi tôi đi họp đang, đi hoạt động về muộn. Tôi không hài lòng nhưng tôi không thể ngăn cản được những giọt nước mắt của người phụ nữ yêu thương mình. Ngày xưa tôi đến với đảng trong hoàn cảnh đất nước còn lệ thuộc, bây giờ tôi ở trong đảng của mình và đất nước tự do nhưng vợ tôi vẫn không hết lo âu. Điều oái oăm cay nghiệt này xuất phát từ đâu?
Buổi chiều, tôi đến nhà Nguyễn Hữu. Một số anh em ký kiến nghị được tỉnh ủy mời, vừa làm việc xong mới kéo về đây nói chuyện. Mọi người đang ồn ào. Có cả rượu trên bàn. Thấy tôi vào, mọi người nhao nhao lên:
- Cụng ly đi! Mừng thắng lợi! Hai bên cùng thắng cả.
- Yên chí đi. Chúng tôi sẽ kết nạp ông.
Không khí đang sôi nổi. Nhiều người tranh nhau nói về buổi làm việc với thường vụ tỉnh ủy. Tôi chưa biết được chi tiết, chỉ hiểu nhận định chung duy nhất: Thường vụ tỉnh ủy và anh em không gặp nhau. Bên nào nói bên ấy nghe. Thường vụ coi thường ý kiến của trí thức, anh em sẽ tiếp tục có thái độ.
Tuần trước, Minh Hương và tôi đã bàn nhau về một khả năng khác của tình hình, thông qua văn phòng tỉnh ủy, đề nghị thường vụ bố trí một buổi làm việc với chúng tôi. Sau buổi làm việc vừa rồi với thường vụ, mặc dù đã thông báo quyết định kỷ luật, nhưng với ý kiến sau cùng của phó bí thư tỉnh ủy, tôi vẩn còn một chút hy vọng. Không phải chúng tôi sẽ nhận khuyết điểm gì đó để được giảm nhẹ hình thức kỷ luật, điều đó đối với chúng tôi không cần thiết. Chúng tôi đã sẵn sàng trả mọi giá. Nhưng khả năng khác ở đây là sự tính toán đi đến một giải pháp có lợi cho tình hình chung hơn là gây thêm căng thẳng. Tôi có nói lại nhận định này của tôi với Minh Hương và một số anh em khác. Chúng tôi có ý chờ đợi.
Lại một lần nữa, chúng tôi đã lầm.
Sáng 19-6, đảng ủy dân chính đảng mời chúng tôi tới để trao quyết định kỷ luật. Cùng chiều ngày hôm đó, trong một cuộc họp có đầy đủ cán bộ của tỉnh và các huyện, thành, thường vụ tỉnh ủy đã kết hợp công bố, giải thích về quyết định kỷ luật đối với chúng tôi và yêu cầu triển khai đến tận cơ sở, một việc chưa từng có trước đây. Việc trình bày, giải thích trong cuộc họp của tỉnh ủy có những chỗ xuyên tạc, bóp méo sự thật và khi triển khai đến cơ sở lại càng bị thổi phồng, bóp méo hơn. Chúng tôi được thông tin lại, chỉ vài ngày sau cuộc họp của tỉnh ủy, ở thành ủy thành phố và một vài chi bộ phường, việc này đã được triển khai. Những người chưa biết sự việc, chỉ nghe thông báo "chính thức' trong các cuộc họp, đã phẫn nộ và xem chúng tôi như những kẻ gây rối, phản loạn, phá đảng. Người ta nói khi chúng tôi đi các tỉnh miền Trung, không những các tỉnh ủy và các ban tuyên huấn mà cả các hội văn nghệ và văn nghệ sĩ không ai hưởng ứng cả. Chúng tôi chỉ lừa gạt họ. Thế mà đại diện bốn hội, ba tạp chí và 108 văn nghệ sĩ và những người hưởng ứng đổi mới đã cùng ký kiến nghị và tuyên bố với chúng tôi và cho tới nay, chưa ai "phản cung" cả.
Người ta nói số anh em ở địa phương ký kiến nghị ủng hộ chúng tôi sau khi được tỉnh ủy mời giải thích, một số đã sáng ra, không còn thắc mắc nữa. Thực tế, trong cuộc gặp này, tất cả anh em đều không đồng tình, thậm chí phẫn nộ và nhận định chung là tỉnh ủy và anh em không gặp nhau. Chao ôi, cách làm dùng quyền lực và cả bộ máy lớn lao của mình để khống chế dư luận, đè bẹp những người đấu tranh có chính đáng không? Trước đây trưởng ban tuyên huấn trung ương đã dùng thủ đoạn này đối với chúng tôi. Rõ ràng cuộc chiến đấu không cân sức. Một bên chỉ có sức mạnh của chân lý mà mình tin tưởng, một bên là quyền uy và cả bộ máy không lồ. Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng chúng tôi không ở thế yếu vì quần chúng mãi mãi có đó lịch sử vẫn muôn đời tiếp diễn, chân lý và sự sống bất diệt, không ai dập tắt được.
Vợ tôi nói với tôi sau khi tôi thuật lại với Vy tình hình này:
"Em đã bảo anh mà. Thế mà anh cứ tin tưởng vào cánh cửa hé mở. Em biết ngay là họ sẽ đóng sập lại và chỉ nói thể cho anh yên tâm. "
Tôi giật mình vì thực ra Vy nhạy cảm hơn tôi.
Khi nghe tôi nói lại về sự báo động của mình đối với tỉnh ủy, Nguyễn Hữu đã nói: "Ông quá tốt đấy. Làm sao tôi không thể tốt với đảng của mình, ngay cả khi bị khai trừ?"
Và như cổ nhân đã nói: "Quan nhất thời, dân vạn đại". Nguyễn Trãi nói: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân".
Đảng cộng sản Việt nam trước đây, bằng kinh nghiệm máu xương của mình, thấm nhuần hơn ai hết bài học này. Ngày nay đảng vẫn đề ra "lấy dân làm gốc" nhưng có những người vẫn không hiểu nổi điều đó. Rõ ràng hiểu đến nơi đến chốn điều đó không dễ nếu người ta không còn trong sáng, không có trái tim của người cộng sản chân chính.
Đảng cộng sản của tôi trước đây theo tôi hiểu, đảng của những con người chân chính, tôi không một chút nghi ngờ sự cao đẹp của lý tưởng và sự hy sinh quên mình của những người cộng sản thực sự tôi đã biết. Nhưng tôi đoan chắc hiện nay trong đảng không còn nhiều người như thế. Trong buổi trao quyết định kỷ luật, một cán bộ lãnh đạo đảng ủy khuyên tôi: "Đề nghị đồng chí tiếp tục phấn đấu giữ gìn phẩm chất, làm một cán bộ tốt của đảng dù không còn ở trong đảng". Một lời khuyên theo thói quen của người làm công tác đảng, thừa và có phần trịch thượng đối với tôi. Tôi không muốn trả lời. Nhưng tôi đã trả lời vì lời khuyên ấy phải dành cho những ai khác kia. Tôi không tự cao đâu.
Bút ký của người bị khai trừ đảng mà hình như chỉ toàn lý luận. Tâm trạng, cảm xúc đâu?
Hôm được thông báo khai trừ đảng, nét mặt của Minh Hương có hơi căng thẳng và hôm sau có lúc đượm buồn. Tôi chưa hiểu hết tâm trạng của Minh Hương. Trên lý luận, chúng tôi hoàn toàn nhất trí, kể cả dự định tuyên bố ra khỏi đảng mấy tháng trước đây nhưng không thực hiện vì xét cho cũng phải chiến đấu trong đảng cho đến giờ phút cuối. Minh Hương 22 tuổi đảng, chắc chắn đảng đối với Minh Hương là máu xương, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Minh Hương và tôi đã lường trước mọi điều, lý giải chúng đến tận cùng, kể cả tình huống bị khai trừ đảng. Nhưng điều gì đó khác thường vẫn xảy ra trong lòng Minh Hương và tôi. Tôi chưa chia xẻ với Minh Hương điều này. Một cái gì đã xảy ra. Một chút nao lòng. Một cơn đau đớn dịu nhẹ. Thấm dần, thấm dần. Len giữa những lý luận. Len giữa những cuộc gặp bạn bè. Len giữa những bước đi về. Len giữa đêm khuya. Len về quá khứ. Len vào tương lai. Len khắp mọi miền đất nước tôi đã đi qua.
Tôi không buồn đâu. Tôi tin có nhiều đảng viên cộng sản chân chính, trí thức, văn nghệ sĩ và quần chúng hiểu chúng tôi, đứng về phía chúng tôi. Những dòng thư của bạn bè khắp nơi đổ về, bát ngát thâm tình chia xẻ. Chúng tôi có phải là kẻ "tuẫn đạo" không? Khái niệm này tôi chưa lý giải đầy đủ. Chúng tôi sẵn sàng bị đóng đinh trên thập tự giá? Chúng tôi chiến đấu chưa có sách lược đúng đắn? Chứng tôi quá nôn nóng? Nhiều điều còn phải tranh cãi. Nhưng chúng tôi sốt ruột lắm rồi. Máu chúng tôi đã sôi lên trong mạch chảy. Lẽ nào chúng tôi không xông lên trong cuộc đấu tranh này?

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2