Phần III Cuộc đấu không cân sức
19. Sương mù

Sau nhiều lần bàn bạc với anh em nòng cốt, Minh Hương và Hoài quyết định đến gặp riêng bí thư tỉnh ủy. Đây là việc cuối cùng hai anh có thể làm được, hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp.
Thực lòng hai anh không muốn làm điều này. Vừa qua hai anh đã đứng trên thế đối lập với những người lãnh đạo đảng, những người cầm quyền và mối quan hệ với họ đã rất căng thẳng. Trong cuộc đối đầu này, chưa bên nào chịu xuống thang và hai anh cho rằng sự xuống thang nếu có phải đến từ hai phía chứ hai anh nhất định không chịu khuất phục. Tuy nhiên anh em nòng cốt bàn rằng Minh Hương và Hoài nên tỏ một thái độ thiện chí. Nếu thiện chí đó được đáp ứng, có thể một giải pháp chung sẽ được tìm ra từ sự nhượng bộ của hai phía. Cũng cần thông cảm rằng, những người cầm quyền cũng có sĩ diện của họ và họ cũng không thể dễ dàng nhượng bộ, chịu mất mặt.
Mặt khác, một vấn đề sâu kín và tể nhị hơn là đánh giá cho đúng vai trò của bí thư tỉnh ủy trong vụ việc của hội nhà văn. Mọi người đều biet bí thư và phó bí thư tỉnh ủy đang ở trong cuộc đấu tranh giành chức bí thư tỉnh ủy và ủy viên trung tương đảng nhiệm kỳ tới. Vụ hội nhà văn chính là một vụ gai góc mà cả hai có thể dùng như một ngón đòn để hại nhau. Từ lâu, những cuộc tiếp xúc đương đầu công khai với anh em hội nhà văn đều do phó bí thư tỉnh ủy chủ trì, nhưng những quyết định quan trọng như khai trừ đảng, cách chức Minh Hương và Hoài, chỉ định chủ tịch mới của hội nhà văn đều do bí thư tỉnh ủy ký. Ai là người quyết định thật sự và quan điểm mỗi người như thế nào mặc dù bề ngoài họ có vẻ thống nhất và làm việc tập thể theo nguyên tắc đảng? Phải tìm một kẽ hở trong mối quan hệ giữa hai nhân vật đứng đầu tỉnh này.
Rất khó gặp riêng bí thư tỉnh ủy vì ông bận họp, đi công tác liên miên. Những ngày ở nhà, ông cùng thường xuyên có khách đến bàn công việc, xin xỏ. Một buổi tối thứ bảy, Minh Hương và Hoài quyết định đi gặp bí thư tỉnh ủy tại nhà riêng, không báo trước.
Bí thư tỉnh ủy ở trong một biệt thự lớn yên tĩnh gần nơi làm việc Đến gần nhà, Minh Hương và Hoài đã thấy một người đàn ông đứng thập thò ở cổng. Cánh cổng to lớn mở toang, không có chuông bấm nhưng lại có một con chó rất dữ nằm án ngữ đang gầm gừ. Hai anh rất khó chịu, không lẽ lại kêu to lên vì cửa kính trong nhà đóng kín, trong khi con chó đang hầm hè tiến đến. Con chó không biết lai giống gì, rất to lớn, màu trắng luốc, một mắt bị hư nên trông mặt rất dữ tợn và khó ưa. Bỗng nó nhảy chồm lên người Minh Hương. Minh Hương giật lùi lại nhưng đã bị nó đớp một miếng vào vạt áo. Hoài vội vàng nhặt một cục đá ném vào người nó. Nó nhảy lùi lại sủa rống lên. Hai anh rất khó chịu định bỏ về thì trong nhà có người ra mở cửa gọi chó.
Một phụ nữ ăn mặc diêm dúa nhưng vẫn còn nét quê mùa đi ra cổng giữ con chó lại, hỏi lý do đến gặp và mời khách vào nhà. Người đàn ông đứng thập thò ở cổng nhanh nhẹn len vào trước. Khi người phụ nữ mời khách ngồi uống trà đợi bí thư tỉnh ủy, Minh Hương than phiền về con chó dữ. Bà ta nói:
- Con chó quý lắm và hái ra tiền đó ông. Tôi nuôi để cho thuê nhảy đực. Mỗi lần cùng kiếm được mấy phân vàng. Một ông cán bộ đã biếu nhà tôi năm ngoái. Ông nhà tôi quý nó lắm.
Minh Hương và Hoài nhìn nhau ngán ngẩm. Thì ra bà ta là vợ bí thư tỉnh ủy và nhà bí thư tỉnh ủy cũng nuôi chó đực giống. Minh Hương nhăn mặt:
- Nó dữ thế chị phải xích nó lại chứ. Nó cắn người ta thì phiền lắm. ở đây lại có khách khứa luôn.
Vợ bí thư tỉnh ủy điềm nhiên:
- Cũng có xích đấy nhưng phải thả nó ra để giữ nhà chứ không người ta ra vào tự do lắm. Ông biết không, nó rất kén ăn, toàn ăn thịt bò nhưng bù lại mỗi năm cho nó đi nhảy đực cùng kiếm được vài cây vàng, hơn nuôi heo nhiều.
Bà ta tiếp tục phân tích, so sánh chi tiết chuyện nuôi heo và nuôi chó một cách hết sức tự nhiên, như nói chuyện với một người thân trong gia đình. Nhìn phong cách của bà ta, Minh Hương và Hoài chợt nhớ lại những chuyện mà người ta đàm tiếu về việc lập gia đình của bí thư tỉnh ủy. Trong kháng chiến và sau giải phóng khá lâu, ông vẫn sống độc thân. Mãi cho đến khi lên làm bí thư tỉnh ủy ông mới lấy vợ. Vợ ông là một nhân viên trong cơ quan, cũng là người từ trong rừng ra. Nhân viên trong cơ quan kể chuyện ông tán bà rất ngộ. Một buổi chiều sau giờ làm việc, ông đến phòng bà chơi rồi hỏi nửa đùa nửa thật: "Tao bây giờ muốn lấy vợ mày chịu lấy tao không tao cưới liền". Sau đó là đám cưới tổ chức theo nếp sống mới, kết hợp với một cuộc liên hoan của công đoàn cơ quan, chỉ có trà thuốc và bánh kẹo để thực hành tiết kiệm.
Khoảng mười phút sau, bí thư tỉnh ủy từ nhà trong đi ra. Ông gật đầu chào khách. Người đàn ông cùng vào với Minh Hương và Hoài vội vã đứng lên chạy tới bắt lay bí thư tỉnh ủy:
- Chào anh Mười. Anh Mười độ này trông khỏe thật, hồng hào hằn ra. Tôi có việc cần gặp anh Mười mà khó gặp quá. Tôi đã đến mấy lần mà anh Mười đều đi vắng. May hôm nay được gặp anh.
Ông ta ngoái nhìn Minh Hương và Hoài đang ngồi ở ghế xa- lông như ngần ngại rồi cứ đứng bắt tay bí thư tỉnh ủy nói luôn một hơi:
- Tôi xin anh Mười mấy phút thôi. Có chuyện thế này anh Mười ạ. Tôi có thằng con trai mới tốt nghiệp đại học ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng nó không muốn về đây mà muốn ở luôn dưới đó làm việc. Đáng lý nó phải về phục vụ tại địa phương vì tỉnh ta cử đi học nhưng vì nó sắp lấy vợ dưới đó nên công tác dưới đó tiện hơn. Chỗ nó định xin vào làm, nghe nói giám đóc là người quen của anh Mười. Do đó tôi định nhờ anh Mười viết cho mấy chữ giới thiệu với ông giám đốc dưới đó. Còn ở đây tôi sẽ làm giấy y tế xác nhận sức khỏe cháu không phù hợp với khí hậu tỉnh ta và nhờ anh Mười nói mấy tiếng với bên tổ chức đề họ đừng khó dễ. Anh Mười với tôi là chỗ quen biết đã lâu, tôi cũng là cán bộ chủ chốt của tỉnh, xin anh Mười giúp cho việc này tôi rất cám ơn. Bí thư tỉnh ủy nhíu mày nghe ông ta nói, có vẻ ngượng và khó chịu vì có mặt Minh Hương và Hoài. Ông đẩy người khách về phía ghế.
- Ông ngồi xuống đi. Sao lại vậy? Con em cán bộ được cử đi học phải về phục vụ địa phương chứ. Anh làm vậy coi sao được. Rồi người ta suy bì. Tôi không giúp anh đâu.
Bí thư tỉnh ủy ngồi xuống ghế, tự rót trà uống rồi nhìn người khách, nói nghiêm khắc:
- Tư tưởng của anh thế là không được đâu. Con anh đã sai anh phai giáo dục nó chứ sao lại theo đuôi nó. Thanh niên ở đầu mà không cống hiến được, cứ gì ở thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh ta lại đang thiếu cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật.
Người khách nhăn mặt khổ sở và cố nằn nì:
- Anh Mười thông cảm. Tôi chỉ có một cháu trai duy nhất. Nó sắp lấy vợ dưới đó và tôi định khi về hưu cùng chuyển về dưới đó. Tôi đã có nhà cửa dưới đó rồi. Anh Mười phải giúp cho cán bộ kháng chiến cũ chứ. Anh Mười bây giờ uy tín lớn quá, chỉ viết mấy chữ, nói một tiếng là xong hết chứ có gì đâu.
Bí thư tỉnh ủy lên giọng giáo huấn và người khách cứ nằn nì về câu chuyện đến hơn 15 phút. Hoài sốt ruột quá không chịu đựng được đành ngắt lời ông khách, nói với bí thư tỉnh ủy:
- Anh Mười à, chúng tôi có việc quan trọng cần trao đổi với anh.
Bí thư tỉnh ủy bỏ mặc người khách, quay lại với Minh Hương và Hoài:
- Có việc gì đó? Chuyện hội nhà văn chứ gì? Các ông làm tỉnh ủy đau đầu quá. Sao các anh không chấp hành quyết định của tỉnh ủy? Các anh có tôn trọng sự lãnh đạo của đảng không?
Minh Hương cố giữ giọng điềm tĩnh:
- Anh Mười à. Hôm nay chúng tôi đến gặp anh tại nhà riêng là để có dịp nói kỹ hơn về chuyện hội nhà văn. Chúng tôi hành động theo tinh thần các nghị quyết của đảng về hoạt động của các đoàn thể quần chúng và sự lãnh đạo của đảng đối với các đoàn thể. Chúng tôi đâu có phủ nhận sự lãnh đạo của đảng và đảng vẫn xác nhận tôn trọng quyền tự chủ của các đoàn thể kia mà.
Bí thư tỉnh ủy ngắt lời Minh Hương một cách gay gắt:
- Ông đừng ngụy biện nữa. Tôn trọng đảng lãnh đạo sao không chấp hành nghị quyết của đảng? Các ông tự đặt mình cao hơn đảng chứ gì? Tôi mới nghe ông Minh Hương có viết bài nói rằng tác phẩm nghệ thuật sẽ sống lâu hơn những người lãnh đạo cầm quyền. Ông tự kiêu quá đó. Nghệ thuật của các ông là cái gì mà không phục tùng nhiệm vụ chính trị, không phục tùng sự lãnh đạo của đảng? Các ông làm nghệ thuật tư sản hay nghệ thuật xã hội chủ nghĩa?
Minh Hương cố nén:
- Chuyện nghệ thuật chúng tôi sẽ trình bày khi có thì giờ. Hôm nay chúng tôi muốn trao đổi với anh về vấn đề tổ chức, cách giải quyết cụ thể vụ hội nhà văn dễ tìm ra một giải pháp cho vấn đề.
Bí thư tỉnh ủy to tiếng hơn:
- Chuyện tổ chức các ông cứ chấp hành quyết định của tỉnh ủy là xong. Rắc rối là do các ông thôi. Đảng lãnh đạo các ông hay các ông lãnh đạo đảng? Các ông đã làm nhục tôi, làm nhục cả tỉnh ủy.
Hoài nghe Minh hương và bí thư tỉnh ủy đối đáp mấy câu, thấy không khí hoàn toàn không thuận lợi như hai anh mong muốn. Bí thư tỉnh ủy đã bộc lộ tất cả sự tức giận và cũng đã thể hiện rõ quan điểm của ông, không còn mơ hồ gì nửa.
Hoài xen vào:
- Anh Mười à. Thực ra anh em hội nhà văn cũng đã rất nhân nhượng trong việc ban chấp hành từ chức và bầu ban trù bị đại hội, chúng tôi đã tạo một tình thế đỡ khó xử cho tỉnh ủy trong việc tiếp tục giải quyết vấn đề.
Bí thư tỉnh ủy bỗng đỏ mặt, đứng vụt lên:
Nhân nhượng à? Ông là ai? Anh em hội nhà văn là ai mà nhân nhượng tỉnh ủy? Các anh thật quá quắt không coi đảng ra gì cả Thôi các anh về đi. Tôi không giải quyết gì đâu.
Minh Hương và Hoài cùng sửng sốt trước thái độ thô bạo của bí thư tỉnh ủy và cũng tức giận không kém. Hai anh cùng đứng dậy. Minh Hương nói:
- Chúng tôi đã lầm. Chúng tôi cũng không có gì để nói nữa. Hai anh bước nhanh ra cửa không chào bí thư tỉnh ủy.
Ra đến bên ngoài, khí lạnh làm dịu cơn sốt của Hoài. Chút xíu nữa anh đã nặng lời với bí thư tỉnh ủy về thái độ của ông ta. Thật là thiếu văn hóa. Đây là nhà riêng của ông ta và ông ta đã tiếp khách như thế. Nội dung câu chuyện là một việc nhưng còn thái độ của chủ nhà đối với khách. Thói quen gia trưởng và uy quyền đã làm ông ta tự coi mình như một ông vua. Chính thái độ của những cán bộ như ông khách đến xin xỏ cho con đã càng ngày càng củng cố thêm uy quyền và sự hách dịch của bí thư tỉnh ủy. Biết bao người đã đến gặp ông để xin ân huệ vì ông có quyền lực là có tất cả. Nào chức vụ, nhà cửa, đất đai, áp-phe làm ăn, việc xử lý kỷ luật, điều động cán bộ... cái gì cũng phải có ý kiến chỉ đạo của bí thư tỉnh ủy. Và người ta phải trả ơn bằng nhau cách: biếu hàng hóa, máy móc, vàng bạc, xây nhà cửa... và cả biếu chó như ông cán bộ nào đó.
Hoài hối tiếc về việc đã đến đây và lâm vào một tình thế khó xử anh hỏi mà như nói với Minh Hương ý nghĩ của mình:
- Anh có hối tiếc về việc chúng ta đến đây không?
Minh Hương im lặng đăm đăm nhìn xuống mặt đường. Hoài cảm nhận tất cả sự phẫn nộ, cay đắng và thương tổn trong lòng Minh Hương, cũng chính là tâm trạng của anh.
Hai anh im lặng đi bên nhau. Con đường đêm đã phủ đầy sương mù. Không phải sương mù thơ mộng của thành phố cao nguyên bềnh bồng tâm hồn nghệ sĩ mà là một lần sương mù nặng nề, đến làm ngợp thở.

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2