Phần I Những dấu hỏi
3. Nguồn gốc bi kịch

Dư luận về chi bộ Trung Kiên "trước giải phóng có vấn đề" bắt đầu âm ỉ. Nhiều tin đồn được đưa ra từ nhiều nguồn với nhiều dụng ý khác nhau. Trước khi bầu hội đồng nhân dân, một vài cán bộ tổ chức huyện ủy được một số "quần chúng" "phản ánh" nói Tâm, chủ tịch thị trấn, nguyên là sĩ quan ngụy và không phải là đảng viên. Nghi, bí thư huyện đoàn, trong một buổi trà dư tửu hậu, tiết lộ với một số cán bộ đoàn cơ sở rằng, Hoài, cán bộ huyện đoàn, đang bị nghi ngờ vì lý lịch không rõ ràng. Phòng giáo dục huyện xầm xì về việc Mân, cán bộ của phòng, một đảng viên của chi bộ Trung Kiên, đã đốt hồ sơ của phòng trong ngày giải phóng khi tiếp quản phòng giáo dục. Nghiêm trọng hơn là một số cán bộ có chức quyền nói một cách không chính thức đây đó, đặt vấn đề hoài nghi chi bộ Trung Kiên đã thỏa hiệp với ngụy quyền trong thời gian hoạt động hợp pháp vì chi bộ đã không vỡ sau khi Tư Trung ủy viên thường vụ tỉnh ủy phụ trách tổ chức, đã ra chiêu hồi.
Các tin đồn không công khai, người phát ngôn nói nhưng không chịu trách nhiệm, ai cùng nghe nói, hình như, có dư luận... Một buổi sáng, Tâm, Hoài và Mân, ba đảng viên của tổ đảng trí thức thuộc chi bộ Trung Kiên cũ, hẹn nhau đến gặp đồng chí Tân, nguyên cán bộ tỉnh ủy phụ trách vùng tạm bị chiếm, trực tiếp chỉ đạo và là bí thư chi bộ Trung Kiên, để trao đổi về những tin đồn khó chịu họ mới nghe.
Ngôi nhà của ông Tân ở phía nam của thị trấn, trong một xóm khá hẻo lánh tiếp giáp với những đồi chè bạt ngàn chạy dài đến tận bìa rừng. Con đường đầy ồ gà dẫn đến nhà ông Tân xuyên qua một xóm lao động nghèo nàn trước đây là căn cứ lõm° của chi bộ (° Căn cứ lõm: khu vực an toàn trong một vùng địch, như căn cứ của những người hoạt động nội thành). Ba người hẹn gặp nhau ở nhà Tâm rồi cùng đi bộ, lòng bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cũ, đã bao lần ba người cùng đến nơi này nhưng phải đi riêng rẽ, với nhiều lý do và thời điểm khác nhau để đánh lạc hướng theo dõi của mật vụ.
Khu vườn yên tình lạ lùng. Mấy cây vú sữa già cành lá xum xuê tỏa bóng rợp mái lối đi. Nhiều loại cây ăn trái đều đã lâu năm bao quanh căn nhà rêu phong tạo cho nó một vẻ yên bình bề ngoài. ít ai nghĩ rằng suốt mười mấy năm dài, đây là một cơ sở hoạt động cách mạng đã nhiều phen gây sóng gió cho đối phương và trong bản thân nó cũng đầy sóng gió.
Cùng tại ngôi nhà này, trong ngày giải phóng thị xã, các lực lượng trong ngoài đã lập kế lại đây, đặt bộ chỉ huy để tiếp lục hành quân truy quét địch và chỉ đạo tiếp quản thị xã. Hoài không bao giờ quên được giờ phút thiêng liêng đó. Trong buổi sáng mờ sương cao nguyên, giữa lúc những lực lượng cuối cùng của ngụy quân tháo chạy và dòng người di tản hỗn loạn, Hoài đã lách khỏi đám đông về đây để nhận chỉ thị. Những chiếc mũ cối, mù tai bèo huyền thoại và đồng phục xanh lá cây rừng đầm mồ hôi và mùi thuốc súng. Nhưng gương mặt đồng chí trong vùng tạm bị chiếm lạ và quen. Tiếng cười nói râm ran và những ôm choàng thắm thiết. Nhất là cuộc họp chi bộ Trung Kiên đông đủ lần đầu tiên để chuyển giao cho tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Tân, bí thư chi bộ đã nghẹn ngào, ấp úng mãi mới nói được, gần như nước mắt lưng tròng. Lời phát biểu của ông đã làm những người tham dự rung động đến tận tâm can. "Hai mươi năm sống trong lòng địch, tôi đã mơ ước và chiến đấu cho ngày hôm nay. Tôi đã tập họp, giáo dục và rèn luyện một đội ngũ giác ngộ và trung kiên với cách mạng, chiến đấu với địch ngay trong lòng địch. Hôm nay, ngày giải phóng đã đến, ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi. Tôi xin trình diện và chuyển giao cho đảng đội ngũ trung kiên này. "
"Đội ngũ trung kiên". Hoài cay đắng nhớ lại lời ông Tân.
Ngày giải phóng qua chưa đầy ba năm, đội ngũ trung kiên đó hiện nay đang bị nghi ngờ là "có vấn đề", thậm chí cả vấn đề "phản bội", như một vài ý kiến thâm độc đã được tung ra. Hoài không sao hiểu và lý giải ngay được tình hình lạ lùng đang được đặt ra, tình hình đã làm anh cảm thấy thương tổn đến xé lòng.
Nghe tiếng chó sủa ông Tân từ nhà sau đi ra. Ông có vẻ hơi ngạc nhiên nhưng tươi cười đón khách:
- A! Chào ba anh. Hôm nay sao lại đi cả bộ ba thế này? Đâu còn họp chi bộ ở đây nữa. Vào đây? A, mà lâu lâu ta lại họp chi bộ cũ hàn huyên chuyện xưa thì còn gì hay bằng. Sau giải phóng có mấy khi gặp nhau đầy đủ đâu.
Hoài thấy ông Tân vẫn thế. Khuôn mặt cao quý với đôi mắt sâu, lông mày rậm, đôi môi mỏng, hàm râu quai nón luôn cạo nhằn và giọng nói trầm tĩnh, toát ra một cái gì tự tin, chín chắn và lạc quan làm người khác tin cậy. Hiện ông đang phụ trách một ngành của huyện và cũng luôn bù đầu với công việc như nhóm anh em Hoài.
Vào phòng khách, sau khi trà nước, hỏi thăm sức khỏe, gia đình và công việc của nhau xong, Hoài nóng lòng nêu ngay vấn đề:
- Bác Tân này, gần đây bác có nghe dư luận gì về chi bộ Trung Kiên cũ của ta không?
Đôi mày rậm của ông Tân nhíu lại và ánh mắt ông thoáng một tia chớp lạ lùng. Ông đắn đo một lúc:
- Tôi cũng có nghe loáng thoáng. Nhưng các anh đã nghe nói những vấn đề gì và ý kiến được tung ra từ đâu?
Hoài không cần vòng vo rào đón:
- Đại khái là "có vấn đề", nhiều nghi vấn, một kiểu như thòa hiệp với địch, đặc biệt có liên quan đến việc tân Tư Trung, ủy viên thường vụ tỉnh ủy ra chiêu hồi địch mấy năm trước. Dư luận tung ra từ nhiều phía, cán bộ ngoài bắc vào, trong rừng ra, thậm chí cán bộ tổ chức, kể cả một số người tại chỗ mà ta đã biết là xấu trước đây.
Ông Tân nhìn Hoài chăm chú rồi quay sang Tâm và Mân, giọng ông nhẹ nhàng nhưng hơi khàn khàn như đang cố kiềm chế một cơn xúc động.
- Đó là lý do mà ba anh cùng đến đây phải không? Tôi sẽ nói ý kiến của mình nhưng trước hết tôi muốn nghe suy nghĩ của các anh.
- Một chuyện đê tiện? Hoài lớn tiếng một cách phẫn nộ.
- Một việc đau đầu đáng cho ta suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Giọng Tâm tầrm trầm.
- Phải tìm nguyên nhân trong hoàn cảnh hiện nay. Không phải tự nhiên người ta tung ra chuyện này.
Mân lên tiếng sau cùng theo thói quen của anh trong các buổi nói chuyện, hội họp. Ông Tân lại chăm chú nhìn từng người đối thoại, trán hằn vết nhăn đã sâu hơn so với hồi trước giải phóng:
- Có lẽ các anh rất thắc mắc và thắc mắc cả chính tôi nữa. Kể ra sự việc có nguyên ủy của nó. Đó là việc tên Tư Trung đầu hàng địch trước giải phóng. Hồi đó tôi không hề nói với các anh việc này vì thấy chưa cần thiết và sợ các anh giao động. Từ ngày tôi hoạt động ở đây, không phải đó là lần đầu có tên "chiêu hồi". Ngay sau khi sự việc xảy ra, tỉnh ủy có chỉ thị cho chi bộ phải chạy để bảo toàn lực lượng nhưng sau khi phân tích tình hình, tôi thấy trụ lại có lợi hơn nên đã trực tiếp vào rừng xin ý kiến của thị ủy và đã được đồng ý. Tư Trung tuy đầu hàng địch nhưng chủ yếu là do sợ gian khổ, phạm hủ hóa chứ không phải vì lập trường chính trị. Hắn tuy phụ trách tổ chức nhưng đối với các chi bộ bên trong, hắn chỉ biết qua bí số chứ không biết con người cụ thể, do đó dù muốn khai báo với địch, hắn cũng không thể khai báo cụ thể được. Vả lại tình hình năm 1972 đầy chuyển biến mạnh, tôi không muốn chi bộ chúng ta tan vỡ và mất vai trò trong những ngày tháng quyết định đó. Dĩ nhiên điều này cũng rất nguy hiểm.
Tuy nhiên tôi cũng đã chuẩn bị phương án hai, đề phòng hắn khai báo và ta bị địch truy bắt. Chắc chắn anh còn nhớ hồi đó tôi đã bàn với các anh về tình huống xấu nhất tuy không nói rõ ra là việc gì. Và các anh có lẽ cũng không quên tôi đột nhiên bạc nửa mái tóc sau một đêm mà các anh đã hỏi nhưng tôi nói tránh đi. Chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ cho phương án hai nhưng rất may là tình huống xấu nhất vẫn chưa xảy ra cho đến ngày giải phóng. Sau giải phóng, trong những ngày chỉnh đảng để công nhận đảng viên phong trào, tôi đã nói rõ vấn đề này trong kiểm điểm của mình. Không ngờ bây giờ vấn đề đó lại được đặt ra theo một chiều hướng tệ hại như thế. Tôi cho rằng nguyên nhân bắt đầu từ tình hình hiện nay như anh Mân nói. Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích thêm. Về phần tôi, tôi có thể bảo đảm với các anh rằng không bao giờ có vấn đề thỏa hiệp hay phản bội. Tôi khẳng định điều này với tất cả những gì mà các anh đã thấy là tốt đẹp ở tôi trong suốt những năm qua.
Hoài cảm thấy một cái oi bức bối. gần như khó chịu khi nghe ông Tân nói. Cho tới bây giờ. chưa lúc nào Hoài nghỉ xấu về ông cả. Trái lại, anh kính trọng ông vì nhiệt tình cách mạng luôn bùng cháy trong con người cộng sản suốt mấy mươi năm sống và hoạt động trong vùng tạm bị chiếm, vì sự kiên trì và nhận thức chín chắn của ông trước những vấn đề chính trị, vì cả tình cảm chân thành mà ông đã đối xử với đồng chí trong đó có anh. Nhưng tại sao một vấn đề nghiêm trọng như thế mà ông lại không bàn với các anh? Hoài nói không đắn đo:
- Sự việc đã qua rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta sẽ trao đổi xem quyết định của bác vào thời điềm đó có phải là giải pháp đúng đắn nhất không? Nhưng tôi lấy làm tiếc là tại sao lúc đó bác lại không đem ra bàn với chúng tôi. Bác thiếu tin ở chúng tôi chăng? Hồi đó, thoát ly ra chiến khu là một nguyện vọng của anh em kia mà. Dĩ nhiên, vấn đề không đơn giản. Đối với cá nhân mỗi người thì dễ thôi, nhưng còn gia đình và các ràng buộc khác. Nhưng lẽ nào chúng tôi lại không đủ can đảm khi cần thiết để quyết định hay sao? Còn về niềm tin đối với bác, cá nhân tôi chưa hề thấy biểu hiện gì xấu và cũng chưa hề có ý nghi ngờ.
Nhưng khi có dư luận, làm thế nào đề khẳng định sự trong sáng và đánh tan mọi nghi vấn? Tôi cho đó là vấn đề không thể xem nhẹ.
Những vết nhăn trên trán hằn sâu hơn, ông Tân nói:
- Đây là một vấn đề của lịch sử và lịch sử sẽ làm sáng tỏ, tôi không e ngại gì cả. Vả lại, ngay sau giải phóng, theo tôi biết, ta đã tịch thu được các tài liệu của địch để lại, kể cả hồ sơ về vụ này, với lời khai báo của tên Tư Trung, trong đó không có chi tiết nào liên quan đến chi bộ Trung Kiên cả. Dĩ nhiên cần có thời gian nhưng tôi cho rằng hiện nay và sau này, tổ chức đảng có đủ điều kiện để thẩm tra lại mọi chuyện. Cho đến nay, chi bộ Trung Kiên và các đảng viên trong chi bộ vẫn được công nhận, vẫn giữ các chức vụ nòng cốt trong bộ máy của đảng và chính quyền ở huyện, tổ chức đảng chưa hề có ý kiên chính thức gì về việc này. Nếu có vấn đề gì không rõ ràng, chắc chắn tổ chức đảng không đề yên cho chúng ta. Về bản thân, tôi rất trong sáng nên không có gì phải băn khoăn cả.
- Hồi đó, nếu quyết định cần phải chạy, bác có sợ gian khổ không? - Hoài buột miệng hỏi vì một ý mới lóe lên trong đầu và khi nói ra xong anh mới thấy mình thiếu thận trọng.
- Sợ gian khổ ư? Ông Tân chau mày nhìn Hoài. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi, tôi đã chịu gian khổ nhiều. Nhưng vấn đề không phải là sợ hay không, chấp nhận hay không chấp nhận gian khổ. Vấn đề là lựa chọn được giải pháp đúng đắn nhất trong các tình huống để đạt đến mục đích sau cùng. Tôi xây dựng và duy trì chi bộ hoạt động trong lòng địch hơn mười năm trời, lẽ nào vì một nỗi hoài nghi mà để nó tan vỡ vào một thời điểm quyết định nhất? Tôi không có quyền làm như thế. Tổ chức đảng và tương lai sẽ đánh giá đúng việc làm của tôi.
Còn về những dư luận hiện nay chúng ta xét xem. Phải chăng là âm mưu của địch muốn đánh vào lực lượng tại chỗ? Hay vì sự thiếu thông cảm, đố kỵ giữa các nguồn cán bộ? Hay vì tranh chấp địa vị trong các bộ máy tổ chức đảng và chính quyền? Vì bè cánh? Vì những va chạm cá nhân mà mỗi người chúng ta đều không tránh được khi thực hiện công tác và muốn giữ sự trung thực, bảo vệ những nguyên tắc mà có người không muốn thực hiện? Các anh thấy thế nào?
Tâm xoay xoay tách nước trà đã nguội lạnh:
- Những vấn đề bác Tân nêu đâu có cơ sở cả đấy, không loại trừ vấn đề nào. Chúng ta đâu thiếu kẻ thù, những kẻ không ưa vì chúng ta hoạt động tại chỗ và biết rõ mọi người ở đây nên bọn xấu rất gờm. Các nguồn cán bộ ngoài bắc vào, trong rừng ra và tại chỗ rõ ràng chưa có được sự thông cảm, gắn bó cần thiết mà vẫn còn khoảng cách, trong đó có lẽ lực lượng tại chỗ như chúng ta yếu nhất cả về thể và lực. Điều này không tránh khỏi sẽ dẫn đến bè cánh, phe phái, tranh chấp địa vị và quyền lực. Va chạm cá nhân không tránh khỏi nhất là đối với những người làm công tác chính quyền và giữ nguyên tắc hơi cứng rắn như tôi. Tôi rất buồn là những điều này hoàn toàn không đúng với bản chất của người cộng sản nhưng tôi cũng tin đây chỉ là khó khăn nhất thời của tình hình mới giải phóng. Rồi nó sẽ được khắc phục. Về chuyện chi bộ Trung Kiên, cũng như bác Tân, tôi cho rằng chúng ta không cần thanh minh, kề cả đối với tổ chức đảng. Bản thân chúng ta trong sáng, chúng ta không sợ gì hết và thời gian sẽ làm sáng tỏ mọi chuyện.
Suốt buổi sáng, bốn người phân tích mãi những khía cạnh chung quanh vấn đề được đặt ra nhưng sau cùng cùng chưa rút ra được một kết luận gì chung nhất. Vấn đề bỗng trở nên một cái gì ám ảnh treo lơ lửng trên đầu mọi người. Hoài có cảm tưởng mỗi người còn giữ một ý kiến riêng chưa nói ra hết. Riêng anh, anh vẫn không có ý nghi ngờ ông Tân nhưng một câu hỏi chợt xuất hiện đã làm anh băn khoăn mãi. Có phải ông Tân đã quyết định như thế vì sợ gian khổ không? Sau bao năm sống ở đó thị, hoạt động trong vùng tạm bị chiếm tuy căng thẳng nhưng ông đóng vai một kẻ trung lưu nên cuộc sống vật chất, sinh hoạt hằng ngày khá thoải mái, có nhà cửa, xe cộ đàng hoàng. Nếu phải chạy, ông và cả gia đình không còn được như xưa nữa. Điều đó có ảnh hưởng gì đến quyết định của ông không? Quyết định đó cùng là một canh bạc lớn nguy hiểm, "được ăn cả, ngã về không". Có phải đó là một biểu hiện của cầu an, cố thủ của người hoạt động lâu năm trong lòng địch luôn bị kìm kẹp và trước một tình huống đặc biệt đã lựa chọn con đường tưởng như ít chông gai nhất nhưng lại có thể gặp cạm bẫy nguy hiểm nhất? Có thể cầu an nhưng thỏa hiệp và phản bội thì nhất định không. Chưa bao giờ Hoài gợn lên ý nghĩ về sự đốn mạt này đối với ông Tân. Ông đã quá đẹp, quá trong sáng đến nỗi Hoài cho rằng chỉ chớm nghĩ đến thôi cũng đã là một sự xúc phạm nặng nề. Tuy nhiên vấn đề đã được đặt ra, trong một số dư luận xấu, đầy ác ý, không phải chỉ riêng đối với ông Tân mà đối với mọi đảng viên trong chi bộ Trung Kiên. Điều này làm anh vừa phẫn nộ vừa đau đớn. Một tên đê tiện đầu hàng phản bội, một lúc nào đó, ở đâu đó, anh không hề biết lại choàng phủ lên cuộc sống và sinh mệnh chính trị của anh một quáng đen u ám bẩn thỉu, không phải chỉ bây giờ, mà anh dự cảm sẽ còn lâu dài trong chế độ này, chế độ trong sáng đẹp đẽ nhất anh ước mơ xây dựng nhưng anh đã bước vào hình như bằng một hình ảnh đã hoen ố. Đây là bi kịch của riêng anh hay chính là bi kịch của thời đại này?

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2