Phần II : Trong vòng kiềm tỏa
19. Câu chuyện một học giả

Để nâng cao chất lượng tạp chí La Ban, Minh Hương và Hoài đang tìm cách mở rộng và xây dựng một hệ thống cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, gồm những nhà văn, nhà nghiên cứu, học giả, nhà chuyên môn có uy tín. Hai người không chấp nhận được quan điểm tạp chí văn nghệ địa phương phải và chỉ để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mơ ước của hai người là tạp chí La Ban trở thành tạp chí có tầm vóc quốc gia và thực hiện tính không biên cương của văn học. Điều này các vị lãnh đạo ở đây đã lên tiếng cảnh cáo nhưng Minh Hương và Hoài không chịu nhượng bộ.
Minh Hương và Hoài hôm nay đến thăm ông Nguyễn Bạt Tụy, một học giả có uy tín và nổi tiếng khó tính ở đây, để mời ông cộng tác với tạp chí. Hai người đã nghe nói nhiều về ông này, thỉnh thoảng thấy ông đi ngoài phố nhưng chưa bao giờ tiếp xúc. Đó là một nhân vật kỳ dị ngay từ ngoại hình. Ông người to lớn, cao dễ đến trên một mét tám, chiếc đầu to lạ thường với một vầng trán mênh mông. Đặc biệt ông có đôi mắt cũng rất to, hơi lồi, một cái nhìn dữ dội, xét nét như xoáy vào tận tim gan người khác. Ông bị thương tật ở chân và thường chống một cây gậy khập khiễng đi dạo phố mỗi buổi chiều, ít khi nói chuyện với ai. Hình ảnh ông trên đường phố nhiều khách du lịch này có cái gì lạc lõng, cô độc và câm nín lạ lùng.
Nhà ông ở là một căn phố ngay trung tâm, cửa luôn luôn đóng kín. Minh Hương và Hoài gõ cửa, nghe tiếng lục đục bên trong một lúc lâu rồi chủ nhân mới ra mở cửa. Ông nhíu mày, nhìn hai anh một cách dò xét, nghiêm khắc và không hỏi gì trước. Hoài nói ngay:
- Thưa bác, chúng tôi ở tòa soạn tạp chí La Ban đến thăm bác.
Ông ngần ngừ một lúc rồi mở rộng cửa:
- Mời hai anh vào. Tôi rất ít tiếp khách và có những khách tôi không tiếp. Đặc biệt, tôi không tiếp những người lãnh đạo đảng, chính quyền ở đây và các cán bộ khoa học xã hội ở trung ương. Mời hai anh ngồi.
Trong khi Minh Hương tự giới thiệu và nói mục đích của cuộc thăm viếng, Hoài đưa mắt quan sát căn phòng. Phòng khách nhỏ, ngoài bộ xa-lông bằng gỗ để giữa, chung quanh toàn là kệ sách và các hình ảnh trang trí. Sách ngoài tiếng Việt còn có tiếng anh, Pháp, Hán, phần lớn là tự điển và sách nghiên cứu về ngôn ngữ học, dân tộc học, lãnh vực chuyên môn của ông. Các hình ảnh và đồ dùng trang trí cũng chính là tư liệu hay có liên quan đến chuyên môn của ông. Hai con ngựa đang tung bờm với những dòng chữ thảo bay bướm của Trung Quốc. Ngôi nhà rông của dân tộc thượng ở Gia Lai. Một số tượng nhà mồ tây nguyên. Trống đồng Đông Sơn với những hoa văn rõ nét...
Ông Nguyễn Bạt Tụy nhìn hai người, nói khô khan nhưng không kém phần lịch sự:
- Hai anh thông cảm. Tôi tiếp khách không có nước trà. Tôi sống có một mình, tự lo sinh hoạt rất khó khăn nên đơn giản hết mọi chuyện.
Hoài rút bao thuốc mời nhưng ông giơ tay từ chối:
- Cám ơn. Tôi không hút thuốc lá. Các anh cứ tự nhiên.
Minh Hương nói thêm về tạp chí La Ban và ý định mời ông cộng tác. Ông yên lặng nghe rồi cúi xuống dưới bàn lấy ra hai số tạp chí La Ban đặt lên bàn. Mắt Minh Hương và Hoài đều sáng lẽn khi thấy tờ báo của mình đã có trong tay nhà học giả. Ông nói:
- Tôi tiếp các anh vì đã đọc tạp chí này. Bước đầu các anh làm việc đứng đắn đấy nhưng tôi nói ngay là những bài nghiên cứu về đất nước, con người của địa phương chưa được đâu. Có bài còn vớ vẩn lắm, tưởng tượng nhiều hơn là có cơ sở nghiên cứu thực tế nghiêm túc. Tôi đã làm công tác nghiên cứu gần ba mươi năm nên hiểu rõ yêu cầu của công việc này. Các anh mời tôi cộng tác? Được thôi. Nhưng điều kiện của tôi thế này: Các anh phải đưa tiền trước. Cứ mỗi trang đánh máy hai ngàn. Các anh cần bài gì, bao nhiêu trang, ngày nào có, cứ giao tiền trước rồi đúng ngày đến nhận. Tôi không bao giờ sai hẹn.
Minh Hương và Hoài hơi ngạc nhiên, có phần khó chịu khi nghe ông đề cập ngay đến vấn đề tiền bạc, nhưng ông nói tiếp ngay, giọng phẫn nộ:
- Tôi nói thế vì tôi bị lừa nhiều rồi. Bao nhiêu người đã đến đây kể cả học giả này, tiến sĩ nọ, người của uỷ ban này, của viện kia, họ lấy bài của tôi rồi không đăng, không trả tiền, lại cướp không công trình của tôi làm tư liệu riêng của họ. Ban đầu tôi ngây thơ, tin tưởng nhưng bây giờ tôi biết rồi. Đừng hòng. Tôi phải tự đặt ra nguyên tắc và nói rõ trước. Các anh đừng phật lòng. Không phải tại tôi mà tại người khác đã buộc tôi phải làm như thế. Ngay chính đối với các anh bây giờ, tuy tôi có cảm tình qua tạp chí La Ban nhưng tôi vẫn chưa tin. Hiện nay tôi không tin ai cả.
Ông ngừng nói, nhìn hai người một cách dữ dội rồi chìa cái chân bị thương tật ra khỏi gậm bàn, chỉ cho hai người xem:
- Các anh thấy không? Trước kia tôi còn khỏe mạnh, đi bộ vài chục cây số không biết mỏi khi sục sạo vào các vùng dân tộc xa xôi hẻo lánh trên núi cao để tìm tư liệu, nhưng bây giờ tôi què rồi, suốt ngày chống gậy đi cà nhắc trong nhà hoặc ra phố lanh quanh một tí, sống như thằng tù. Người ta hại tôi đấy. Họ ép tôi vào tổ chức mặt trận, đoàn thể này nọ, bắt đi họp chỗ này chỗ kia để làm cảnh cho chính sách gọi là đại đoàn kết. Trong một lần đi họp đêm, tôi bị tai nạn xe gẫy chân. Họ cố tình làm cho tôi què luôn để tôi khỏi đi đâu xa. Họ bao vây tôi, may mà tôi chưa chết?
Tôi biết họ chỉ muốn chiếm đoạt những tư liệu của tôi. Tí nữa tôi sẽ cho các anh xem. Trước đây tôi đã bỏ ra một trăm cây vàng và hai mươi năm đi khảo sát thực tế để tìm tư liệu. Những tư liệu đó vô giá, cả thế giới không nơi nào có. Nhưng đừng hòng ai chiếm đoạt được. Chết tôi sẽ đem theo chúng xuống mồ. Khi tôi chết, cả căn nhà này cùng sẽ chỉ còn là một đống tro thôi. Các anh hiểu không?
Ông ngừng nói, thở hổn hển, ngả người dựa lưng vào thành ghế như kiệt sức. Minh Hương và Hoài bàng hoàng nhìn nhau. Họ không ngờ gặp phải một tâm sự u uất và cuồng phẫn đến thế nơi nhà học giả. Hai anh không thể mở miệng nói ra một lời an ủi can gián hay bất cứ điều gì. Hình như câu chuyện đã làm hai anh bị tê liệt. Một lúc lâu, sự im lặng làm cho không khí trong phòng nặng nề đến ngợp thở. Hoài cố gắng cựa mình, ấp úng:
- Thưa bác, chúng tôi... chúng tôi chưa hiểu nhiều câu chuyện đời bác, nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể thông cảm tâm trạng của bác hiện nay. Dù sao, tình thế đâu đã đến nỗi tuyệt vọng.
Ông chợt ngồi thẳng dậy, giơ tay xua xua:
- Các anh đừng an ủi tôi, không ích gì đâu. Tôi đã viết thư tới chủ tịch nước, chủ tịch hội đồng bộ trưởng và bao nhiêu cơ quan. Họ chỉ trả lời tôi toàn bằng những lời lẽ giả dối, lừa bịp và không làm một điều gì thực tế để giúp tôi cả. Ngay cả việc tôi muốn về Sài Gòn liên hệ để bán đi một ít tư liệu sống qua ngày họ cũng không cho. Tư liệu của tôi mà. Có bất công và vô lý không chứ? Nhưng họ có quyền nên họ cứ làm.
Minh Hương hỏi xen:
- Thế hiện nay bác sống ra sao? Gia đình đâu cả rồi?
Ông nhìn Minh Hương, chớp chóp đôi mắt to, nói chậm rãi:
- Tôi không vợ con gì cả. Có mấy đứa cháu xa nhưng chúng nó có gia đình, công việc riêng nên không đứa nào đến giúp tôi được Tôi hiện dạy thêm ngoại ngữ để kiếm sống. Các anh thấy, tôi gần bảy mươi tuổi, què quất thế này mà phải tự lo mọi thứ có khổ không? May còn có mấy người học trò và người quen cũ thỉnh thoảng lui tới đỡ đần khi tôi đau ốm. Nhưng chuyện sinh hoạt tôi không lo lắm, tôi chỉ đau về công trình một đời không được công bố. Các anh vào đây tôi cho xem một tí.
Ông đứng dậy, vén tấm màn sáo ở cửa thông, đi vào phòng trong. Hai người theo vào. Căn phòng trong cùng nhỏ, chung quanh tường là kệ sách chất cao đến mái. ở giữa có một bàn rộng choán gần hết phòng, trên để những tập bản thảo giấy khổ lớn. Ông bảo:
- Hai anh ngồi xuống đây.
Minh Hương và Hoài phải len người mới ngồi được vào ghế vì phòng chật, ghế để sát bàn, chỉ kéo nhích ra được một tí. Ông ngồi vào ghế đối diện, mở một tập giấy để trên bàn ra. Đó là một tập giấy manh khổ lớn, dán lại với nhau thành một cuốn sổ rất dài, trong có kẻ nhiều cột dọc, ngang và chữ chi chít, có những chữ rất lạ. Ông nói:
- Đây là bản thảo cuốn tự điền đối chiếu chữ viết các dân tộc ít người ở Đông Nam A. Tôi đã thực hiện hàng chục tập như thế này. Các anh xem biết bao công phu.
Ông lật lật tập bản thảo rồi gấp lại, kéo hộc bàn lấy chìa khóa mở một hộc tủ lớn đóng sát tường ngay phía sau, lôi ra một thùng đạn bằng sắt cờ nhỏ đặt lên bàn. Ông mở thùng đạn, lấy ra một xấp ảnh màu, mỗi ảnh bọc trong một bao ni-lông cẩn thận.
Hoài xuýt xoa:
- Bác bảo quản tư liệu cẩn thận quá.
Ông đưa cho hai người xem mấy tấm ảnh chụp cảnh lễ hỏi của các đồng bào dân tộc miền Trung:
- Tôi chỉ cần bán một bức ảnh này thôi cùng đủ sống cả tháng rồi. Thế mà sắp tới tôi sẽ đốt tất cả. Tôi có hàng ngàn tấm như thế. Tôi đau lắm nhưng không còn cách nào khác.
Minh Hương nhìn ông ái ngại, rồi nói đắn đo:
- Chúng tôi không dám hứa gì với bác vì bác đã chán ngấy những lời hứa suông rồi. Chúng tôi cũng không có quyền hạn gì và khả năng kinh tế rất hạn chế, nhưng nếu bác đồng ý, chúng tôi sẽ nêu vấn đề của bác trên tạp chí La Ban. Tốt nhất là bác viết cho một bài về việc của bác. Tôi tin là khi đưa ra công luận, sẽ có cách đề giải quyết vấn đề. Công trình như thế này mà để mai một thì thật đáng tiếc quá, không phải cho riêng bác mà cho cả nền văn hóa, nếu tôi nói không quá đáng.
Ông cất tài liệu vào hộc tủ:
Chuyện đó để tôi nghĩ xem. Nhưng trước mắt các anh cần bài loại gì?
Minh Hương nói:
- Có lẽ bác có nhiều đề tài để viết cho tạp chí của chúng tôi nhưng trước mắt xin bác một bài nói về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ở tỉnh ta. Bài viết nhẹ nhàng, không đi quá sâu vào chuyên môn để phù hợp với người đọc rộng rãi.
Khi ra về, bắt tay ông, Hoài thấy nét mặt ông có về vui vui, tưởng ông sẽ cười, nhưng ông chỉ nghiêm sắc mặt, nói lạnh lùng:
- Tôi nhắc lại là tôi đã hứa viết nhưng chỉ khi nào các anh đem tiền tới đặt trước tôi mới viết. Nguyên tắc của tôi là bất di bất dịch.
Minh Hương và Hoài nhìn nhau một cách đau khổ. Minh Hương cười gượng;
- Bác yên chí. Ngày mai chúng tôi sẽ cho người tới gặp bác ngay.

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2