Phần III Cuộc đấu không cân sức
13. Ai đáng bị cách chức

Cuộc họp toàn thề hội viên hội nhà văn để công bố quyết định của tỉnh ủy cách chức Minh Hương và Hoài về mặt hội được thường vụ tình ủy chuẩn bị kỳ. Thường vụ tỉnh ủy đã quyết định xuống tay sau khi thấy không thể dùng sức ép nào để khống chế Minh Hương và Hoài. Sau quyết định khai trừ đảng, hai anh đã họp ban chấp hành hội nhà văn, tranh thủ ban chấp hành, nhất trí ra một thông báo đặc biệt tường trình toàn bộ vụ việc, công khai hóa mọi chuyện, quay ronéo gởi đi khắp nơi để nêu vấn đề ra trước công luận. Thường vụ tỉnh ủy xem đây là một hành động công khai chống đối, thách thức sự lãnh đạo của đảng và là một việc sỉ nhục cho cả tỉnh ủy trước dư luận cả nước.
Trước cuộc họp, ban thường vụ tỉnh ủy đã triệu tập ban chấp hành hội nhà văn hai lần, một lần không mời Minh Hương và Hoài, lần sau có mời cả hai anh. Trong cuộc họp sau, dưới sức ép của thường vụ tỉnh ủy, một nửa ủy viên ban chấp hành đong ý để tỉnh ủy chỉ định chủ tịch hội nhà văn mới, một nửa yêu cầu tổ chức đại hội bầu lại. Ban thường vụ tỉnh ủy đã tạo ra một tình thế khôi hài là có hai lần ban chấp hành họp biểu quyết 100% tín nhiệm hai anh và một lần biểu quyết có 50% yêu cầu tỉnh ủy chỉ định chủ tịch mới. Song song với quyết định cách chức Minh Hương và Hoài trong đó riêng đối với Hoài còn có thêm điều trục xuất anh ra khỏi cơ quan hội nhà văn, thường vụ tỉnh ủy cũng ra quyết định chỉ định Văn Hổ, giám đốc sở văn hóa thông tin làm chủ tịch hội nhà văn. Trong cuộc họp này, tỉnh ủy yêu cầu chủ tịch mới chỉ định chủ trì. Cuộc họp có đông đảo hội viên và đại biểu các ban ngành của tỉnh ủy, chính quyền tỉnh nhất so với các cuộc họp từ trước tới này. Minh Hương và Hoài xem đây là một cuộc đọ sức để đo lường thái độ của hội viên đối với sự việc nên hai anh đồng ý để chủ tịch mới được chỉ định chủ trì. Hai anh cũng đã viết, quay ronéo hai bài phát biểu xác định thái độ của mình và phân phát cho hội viên trước cuộc họp. Sau cuộc họp này hai anh sẽ quyết định những biện pháp mới cho cuộc đấu tranh của mình. Sau phần thủ tục, phó bí thư tỉnh ủy nói rõ lý do, mục đích của cuộc họp, ông yêu cầu trưởng ban tuyên huấn trình bày lại toàn bộ vụ việc theo cách tổng hợp và quan điểm của tỉnh ủy. Mặc dù nhiều điều mọi người đã biết, trưởng ban tuyên huấn đã trình bày dài hai tiếng đồng hò, nêu tình hình ở các nơi mà đoàn La Ban đã đi qua với nhiều chi tiết không đúng sự thật, chỉ theo cách phản ánh của ban tuyên huấn các nơi đó nhằm né tránh trách nhiệm và lập công với trung ương khi thấy chuyện đoàn La Ban đi qua đã gây ảnh hưởng không tốt đối với văn nghệ sĩ, trí thức của địa phương họ. Trưởng ban tuyên huấn đã buộc tội Minh Hương và Hoài trong từng chi tiết của sự việc. Thật là một bản báo cáo nặng nề chưa từng có ở hội nhà văn cũng như ở tất cả các hội nghị trong thành phố Sương Mù này suốt bao nhiêu năm qua.
Sau bản báo cáo lê thê đó, phó bí thư lại tiếp tục phân tích thêm và nêu ý kiến của thường vụ tỉnh ủy đối với vụ việc. Ông nhìn lên trần nhà, theo thói quen khi nói chuyện trong các hội nghị, và nói đúng một tiếng đồng hồ nữa. Ông rào đón rất chặt chẽ và tỏ ra có lý có tình, lý luận đanh thép. Ông nói:
- Thường vụ tỉnh ủy thừa nhận hai anh Minh Hương và Hoài đã làm được một số việc tốt, có ý nghĩa đóng góp, đó là thực tế, nhưng hai anh đã có một số sai sót, khuyết điểm nổi rõ lên trong và sau chuyến đi xuyên Việt ra thủ đô, tập trung trong ba vấn đề lớn sau đây:
Một là hai anh đã lợi dụng danh nghĩa hội để làm những việc không nên làm và đi vận động có tính cách bè phái.
Việc can thiệp vào vụ tuần báo Văn nghệ của trung ương, yêu cầu cách chức một số đồng chí lãnh đạo ở trung ương là gây ra sự chia rẽ, bè phái trong khi hiện nay đảng ta đang ra sức bảo vệ sự đoàn kết và chống bè phái. Sắp tới, có thể cách làm này là bình thường nhưng hiện nay là không bình thường và tất cả chúng ta đều phải hết sức tôn trọng luật pháp, các quy định của đảng và nhà nước. Đừng hiểu làm về đường lối đổi mới của đảng. Đổi mới không phải là phá vỡ cái cũ.
Sự việc hai anh làm là không bình thường, mang tính chất bè phái, gây phức tạp cho tình hình ở nhiều địa phương, can thiệp vào nội bộ các cơ quan khác, không khách quan khi lên án một số đồng chí ở trung ương. Tất cả đều xuất phát từ những suy nghĩ không đúng và gây rối rắm chưa từng có cho đảng bộ của thành phố Sương Mù trong 14 năm qua.
Hai là vi phạm ý thức tổ chức kỷ luật và nguyên tắc của đảng, không tôn trọng sự lãnh đạo của đảng.
Trước khi đi, hai anh có báo cáo với thường vụ tỉnh ủy về chuyến đi nhưng không hề nói rằng đó là một chuyến đi vận động.
Ngay cả ban chấp hành hội nhà văn, trong chương trình hành động của mình, cũng không hề có việc đi vận động, và ban chấp hành hội nhà văn, kể cả đồng chí phó chủ tịch hội kiêm bí thư chi bộ, cũng không được báo cáo. Việc hai anh làm là tùy tiện với động cơ cá nhân chứ không phải do tính chủ động, năng nổ. Đã thế, khi ra tới thành phố Thơ, tỉnh ủy biết sự việc, điện gọi về cũng không về. Đó là xem thường sự lãnh đạo của đảng. Mới đây khi hai anh triệu lập họp hội viên hội nhà văn, phó bí thư tỉnh ủy đã có thư yêu cầu hoàn họp cũng không chấp hành, cho là ý kiến không chính thức.
Hai anh đã dùng phương tiện, kinh phí của cơ quan in hàng loạt văn bản để bảo vệ mình trong khi kiểm điểm không nghiêm túc. Tự ý in và lưu hành bức thư của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ trong đó có nhiều quan điểm sai trái mà chính đồng chí tổng bí thư đã phê phán. Kể cả việc khi đi vận động, tổ chức hội họp ở các địa phương bạn mà không báo cáo, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền ở các địa phương đó và đã phát biểu xúc phạm đến một số người. Tất cả đều do ý thức tổ chức kỷ luật và tính đảng kém.
Ba là thiếu trung thực và kiểm điểm không nghiêm túc. Như đã nói ở trên, trước khi đi, hai anh không báo cáo nhưng lại trình bày là đã báo cáo với thường vụ tỉnh ủy, làm như thường vụ tỉnh ủy đã đồng ý và hỗ trợ cho chuyến đi, có thể gây hiểu lầm nơi lãnh đạo các địa phương bạn. Khi hoạt động ở các địa phương đó hai anh dùng hình thức đọc thơ, tọa đàm để đưa vào các nội dung khác, đó là cách làm hay là thủ đoạn chính trị không tốt. Trong bàn tường trình của mình gởi đi khắp nơi, hai anh đã phản ánh không đúng nội dung làm việc với các cơ quan của trung ương và nói không đúng thái độ của tỉnh ủy đối với cơ quan hội nhà văn và sự ủng hộ của tỉnh ủy đối với văn nghệ. Khi được thường vụ tỉnh ủy cho kiểm điểm, hai anh đã kiểm điểm không nghiêm túc, không hề tự thấy khuyết điểm, luôn cho mình là đúng, tỉnh ủy sai, trung ương cùng sai. Dù thế quan điểm của tỉnh ủy là bằng mọi biện pháp để hai anh có thể nhận thức đúng, không áp đặt và tỉnh ủy đã mất hơn sáu tháng với thái độ bình tĩnh, chân tình, khách quan và biết chờ đợi. Phương pháp của tỉnh ủy là thuyết phục, giáo dục, trao đổi nhưng hai anh vẫn không lay chuyển. Đến nỗi trong tỉnh ủy có người phê bình phó bí thư tỉnh ủy là hữu khuynh trong việc xử lý. Dù thế, hai anh vẫn tìm cách xuyên tạc sự thật, tôi kéo sự đồng tình của anh em văn nghệ sĩ để chống lại sự lãnh đạo của cấp trên. Do đó, cuối cùng tỉnh ủy không còn cách nào khác là phải xử lý kỷ luật với các hình thức khai trừ đảng và cách chức về mặt hội.
Tình hình không bình thường nên phải có biện pháp không bình thường. Tỉnh ủy yêu cầu ban chấp hành và hội viên ủng hộ quyết định của tỉnh ủy.
Phó bí thư tỉnh ủy kết luận phần phát biểu và tin rằng ông sẽ được ủng hộ. Tình hình trong cuộc họp lại diễn ra khác điều ông mong muốn. Sau ba tiếng đồng hồ ngồi nghe một cách chịu đựng, những người dự họp đã bùng lên. Người phát biểu đầu tiên như trong hầu hết các cuộc họp của hội nhà văn vẫn là Nguyễn Vũ. Lần này, thay vì mở đầu hùng hồn theo thói quen, giọng anh lại đầy cảm thán:
- Chao ôi, thế là mọi sự đều đã được an bài. Cũng như tất cả các vụ việc khác liên quan đến văn nghệ, báo chí ở xứ này mười mấy năm qua. Hãy xem thử tỉnh ủy đã cách chức và kỷ luật bao nhiêu người lãnh đạo văn nghệ, báo chí. Có lẽ đến hơn chục người rồi. Tỉnh ủy kỵ văn nghệ, báo chí chăng? Có thể như thế thật. Vì văn nghệ, báo chí hay nói thẳng và có những người không biết cúi đầu. Ngay trong vụ Minh Hương và Hoài, giả thử hai anh có sai phạm đi nữa nhưng tỉnh ủy đã quên xét một điều, một điều rất quan trọng, đó là cái tâm của hai anh. Tôi tin rằng mọi hành động của hai anh đều xuất phát từ cái tâm đầy thiện chí và khát vọng cho tự do, dân chủ, công bằng của mình. Đó là cái tâm của người văn nghệ sĩ chân chính.
Vả lại nhiều người lãnh đạo ở trung ương có xứng đáng không? Bộ trưởng văn hóa thông tin và trưởng ban tuyên huấn trung ương có xứng đáng không trong khi lãnh vực các vị này chịu trách nhiệm lại đầy bê bối. Cách chức là đúng quá và mọi người có quyền vận động cho sự cách chức này. Hai anh có quyền đi vận động, đó không phải là thủ đoạn, vì văn nghệ sĩ phải truyền bá tư tưởng của mình cho công chúng. Đây không phải là điều mới mẻ gì. Tạp chí Ngọn lửa nhỏ ở Liên xô cũng đã đòi cách chức một số lãnh đạo ở bên đó. Mới đây, đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phản ánh nguyện vọng của cử tri yêu cầu cách chức một số bộ trưởng. Không đủ năng lực phải bị cách chức chứ ngồi đó chỉ ăn hại thôi. Rất tiếc là Minh Hương và Hoài đi khỏi thành phố Sương Mù mới làm vụ này nên không đưa tôi ký chứ nếu hai anh đưa, tôi sẽ ký vào bản tuyên bố đó ngay và tôi tin đại đa số anh em văn nghệ sĩ ở đây cùng sẽ ký. Tôi biết trưởng ban tuyên huấn trung ương có nói với một cán bộ cách mạng lão thành tôi quen là bọn hội nhà văn thành phố Sương Mù chống đảng. Chống bọn độc tài ăn hại đâu phải là chống đảng. Nếu đảng chỉ toàn bọn đó thì chống cũng đáng quá chứ sao?
Thế là tôi đã lầm. Tôi vẫn tưởng hội viên có quyền, nhân dân có quyền, thực ra chúng tôi không có quyền gì cả. Ban chấp hành do hội viên bầu nhưng tỉnh ủy lại cách chức.
Anh bỗng nổi khùng gầm lên:
- Cách chức đi. Cách hết. Cả ban chấp hành không còn ai xứng đáng nữa. Cách hết để chúng tôi bầu lại.
Trần Thái Tình, một hội viên bị mù cả hai mắt, lâu nay vẫn nhiệt tình với hoạt động của hội, đứng lên nói lớn, không đợi người chủ trì cho phép, đôi mắt đeo kính đen không nhìn thấy gì lại như nhìn thẳng vào phó bí thư tỉnh ủy:
- Tôi phản đối quyết định của thường vụ tỉnh ủy. Tôi là một người lính đã chiến đấu và hy sinh nhưng bây giờ tỉnh ủy quyết định như thế này đã làm tôi mất niềm tin. Tại sao tỉnh ủy cách chức hai anh Minh Hương và Hoài mà không hỏi ý kiến hội viên?
Tôi phản đối. Tôi phản đối...
Anh nghẹn lời không nói được nữa. Trà Giang đã đứng dậy sẵn gào lên:
- Tôi biết tỉnh ủy làm theo ý kiến của trung ương mà. ở trung ương cũng có bọn vô học và cơ hội. Cách chức hai anh Minh Hương và Hoài kiểu này sắp tới tôi sẽ không tới hội nữa. Hội hè cái gì lạ vậy?
Nguyên Lâm cùng đứng lên giơ tay nhưng người chủ trì yêu cầu anh ngồi xuống và la lớn: "Trật tự! Trật tự! Nguyên Lâm vẫn đứng nói:
- Yêu cầu để chúng tôi nói.
Phó bí thư tỉnh ủy bỗng đứng dậy giơ hai tay: "Yêu cầu im lặng!" Mọi người lắng dần. Nguyên Lâm đành ngồi xuống. Phó bí thư giận dữ nhíu mày, rồi quốc mắt lên. cố gắng tự kiềm chế rồi lại nhìn lên trần nhà, ông dằn giọng:
- Bây giờ đã là mười hai giờ trưa rồi. Rất tiếc tôi không có thì giờ để nghe hết ý kiến của các đồng chí. Chiều nay tôi có cuộc họp quan trọng. Như đã thông báo, tối nay bí thư tỉnh ủy mời toàn thể anh em đến gặp để nói chuyện về cuộc họp quốc hội vừa qua, cần gì các đồng chí sẽ nói thêm trong cuộc gặp đó. ở đây tôi nói ngay là thường vụ tỉnh ủy không phải chỉ làm theo ý kiến của trung ương. Dĩ nhiên trung ương chỉ đạo nhưng tỉnh ủy cũng có quyền chủ động của mình và thường vụ tỉnh ủy đã cân nhắc kỹ trong việc xử lý kỷ luật hai anh Minh Hương và Hoài. Tôi nói không là các đồng chí không nên quá tự kiêu. Văn nghệ sĩ, trí thức cũng có sai lầm, khuyết điểm và nhiều khi cùng ngã không đứng dậy được. Vả lại, cần quan niệm rõ thế nào là dân chủ. Dân chủ phải có đảng lãnh đạo, phải có định hướng chứ không phải dân chủ lung tung, vô tổ chức.
Các đồng chí đừng hiểu lầm, thường vụ tỉnh ủy và bản thân tôi không ngại gặp, đối thoại với anh em văn nghệ sĩ đâu. Chính gặp gỡ, trao đổi mới tạo được sự thông cảm, xích lại gần nhau. Thôi, tôi xin phép về trước. Các đồng chí ở ban tuyên huấn sẽ ở lại để theo dõi nội dung cuộc họp và báo cáo lại với thường vụ tỉnh ủy.
Nói xong, phó bí thư cắp cặp ra về, đi len giữa các hàng ghe chật ních của phòng họp. Mọi người chưng hửng. Bất ngờ, Nguyên Lâm đứng lên chắn ngang trước mặt khi phó bí thư ra tới cửa, gần chỗ anh ngồi. Anh nói kiên quyết:
- Chúng tôi yêu cầu đồng chí phó bí thư ở lại nghe chúng tôi nói. Chúng tôi đã quá hiểu việc các đồng chí lãnh đạo chỉ đến chỉ thị rồi ra về, không cần nghe ai nói gì. Tối nay gặp bí thư tỉnh ủy chỉ để nghe báo cáo nội dung cuộc họp quốc hội, chúng tôi còn thì giờ đâu để nói. Chiều nay chúng tôi không đi họp vì không công nhận người chủ trì do tỉnh ủy chỉ định. Chúng tôi yêu cầu phó bí thư tỉnh ủy ở lại nghe chúng tôi nói ngay bây giờ. Anh em đồng ý không?
- Đồng ý. Đồng ý. Cả hội trường vang lên lời tán thành.
Phó bí thư tỉnh ủy bối rối một lúc rồi đành quay trở lại chỗ ngồi vì Nguyên Lâm vẫn đứng chắn ngang trước mặt ông trên lối đi chập hẹp.
Đợi cho mọi người ổn định, Nguyên Lâm nói đĩnh đạc:
- Tôi cho rằng quyết định cách chức của tỉnh ủy đối với hai anh Minh Hương và Hoài là không đúng về pháp lý vì hai anh do hội viên bầu chứ không do tỉnh ủy bổ nhiệm. Bầu ban chấp hành là quyền của hội viên. Điều đó ghi rõ trong điều lệ hội mà đảng đã công nhận và các chỉ thị của đảng về việc lãnh đạo các đoàn thể quần chúng cũng khẳng định điều đó.
Những người đáng cách chức hơn hai anh Minh Hương và Hoài ở trung ương và tỉnh ủy rất nhiều sao không cách chức trước đi. Thí dụ tôi nói thẳng ở đây là tôi rất muốn cách chức phó bí thư tỉnh ủy và trưởng ban tổ chức đảng nhưng vì tôi không có quyền, trong khi đó tỉnh ủy lại bao che lẫn nhau.
Theo tôi, giám đóc sở văn hóa thông tin do tỉnh ủy chỉ định không đủ tư cách làm chủ tịch hội nhà văn. Nếu cần tôi sẽ chứng minh bằng các sự việc cụ thể. Nếu tỉnh ủy thấy anh em văn nghệ sĩ không ai khác đủ tư cách làm chủ tịch và không tin cậy hội nhà văn, anh em xin nhường hội lại cho phó bí thư tỉnh ủy làm thơ tình và trưởng ban tuyên huấn hát giọng nữ cao.
Cả phòng họp vang lên tiếng vỗ tay và tiếng cười nghiêng ngửa. Không khí hóa ra hài hước sau câu nói của Nguyên Lâm, không còn nghiêm trọng nặng nề như trước.

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2