Phần I Những dấu hỏi
8. Tôn giáo

Cuộc họp ở huyện ủy đã gần như trong một lúc xóa tan mọi thắc mắc, mặc cảm của Hoài đối với bí thư huyện ủy, bí thư huyện đoàn cũng như hoàn cảnh khó khăn của riêng anh. Anh là một người cộng sản và dù ở cương vị nào anh cùng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình của đát nước, nhất là ở địa phương này. Anh sẽ đòi hỏi ở ai và đổ lỗi cho ai? Anh thắc mắc về số phận cá nhân để làm gì? Có phải hàng triệu người đã ngã xuống, trong đó có đảng viên cộng sản và nhân dân, cho cuộc chiến thắng hôm nay, họ có đòi hỏi và thắc mắc gì đâu? Đóng góp của anh vào cái chung còn quá bé nhỏ. Mà bây giờ tình hình còn khó khăn lắm, đặc biệt là ở địa phương này.
Huyện có hơn 90 phần trăm là đồng bào theo các tôn giáo. Sau hai năm phát động và xây dựng, tình hình chung của huyện chưa phấn khởi lắm. Trong cuộc họp chỉ có đảng viên này, lần đầu tiên bí thư huyện ủy xác nhận một đánh giá tình hình có tính thực chất làm mọi người lo lắng.
"Trừ thị trấn huyện lỵ và một vài xã có cơ sở cũ trước giải phóng, các xã còn lại, nhất là các xã tôn giáo, ta vẫn chưa thực sự nắm được chính quyền, có thể nói chính quyền vẫn còn là của địch, dù ở đó vẫn có chi bộ đảng, có đoàn thanh niên và các tổ chức cách mạng khác. Tại sao thế? Đảng viên, người thực sự của ta vẫn chỉ là người của trên đưa xuống, không có cốt cán tại chỗ. Người trong bộ máy của ủy ban, hợp tác xã đoàn thể đều là người lại chỗ chưa thể tin cậy. Ngụy quân, ngụy quyền cũ, các chức sắc tôn giáo hoặc bà con gần xa của họ nằm đầy trong các bộ máy mà ta không sao gạt ra hay nắm chắc được Một chủ trương trên đưa xuống, nghị quyết mật của chi bộ chỉ ngày hôm sau là các nhà thờ đã biết và có chủ trương đối phó.
Ngay các đảng viên cùng bị chi phối, mua chuộc, thậm chí mất lác dụng. Gia đình bị khống chế gây sức ép với đảng viên, nhất là những đảng viên gốc đạo. Có đảng viên gốc Thiên Chúa giáo vẫn bí mật đi nhà thờ và xưng tội với linh mục. Chưa kể các tổ chức phản động chính thức hoạt động đã bị ta phá tan hoặc đang manh nha. Tại ba xã Thiên Chúa giáo, một tổ chức "phục quốc" phản cách mạng đã thành lập một bộ khung từ sư đoàn cho đến đại đội, có cả hệ thống hành chính kèm theo. Có đảng viên nói đùa bọn này chỉ là "tướng không quân" nhưng hãy coi chừng, khi tình huống xảy ra, bọn chúng và các linh mục hô lên, sẽ có bao nhiêu người cầm súng, lính trong dân chứ không phải ở đâu cả. Nhiều linh mục cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp dính líu vào các tổ chức này. Tại một xã Thiên Chúa giáo, mới đây một bí thư chi bộ và một xã đội trưởng đã bị bắn trọng thương. Đó là chưa nói đến vùng dân tộc mà bọn phản động Fulro cũng đã xây dựng bộ máy chính quyền của chúng khắp buôn xã. Vậy thì chính quyền này của ta hay của địch, hay là chính quyền hai mặt?"
Tình hình và sự đánh giá này chưa bao giờ được nói ra đầy đủ trong các cuộc họp, kể cả họp huyện ủy. Bí thư huyện ủy có vẻ lo lắng thật sự, khuôn mặt ông đăm chiêu khi nghe các ngành báo cáo bổ xung. Ông liên tục nhấc kính lên và bỏ xuống, ghi vào sồ tay vắn tắt những ý mới nảy ra hoặc các chi tiết đáng chú ý trong các báo cáo.
Trưởng công an huyện, người to lớn, giọng miền Trung trọ trẹ nhưng nội dung phát biểu rõ ràng, chi tiết chính xác làm mọi người hết sức chú ý, nhất là khi ông đi sâu vào các vấn đề cơ mật:
- Phương châm của bọn phản động trong Thiên Chúa giáo hiện nay là "Thà mất một nhà thờ còn hơn mất một linh hồn cho cộng sản " Do đó chúng ra sức củng cố niềm tin tôn giáo, tuyên truyền phá hoại chính sách của ta. Các em đội viên thiếu niên tiền phong trên đường đi học và về nhà không dám đeo khăn quàng vì sợ bị trêu chọc, thậm chí dọa đánh. Đã có trường hợp mấy em bị đánh.
Hình thức đọc kinh liên gia, tức là nhiều nhà tập trung lại một nhà đọc kinh buổi tối, trước đây đã bỏ, nay lại khôi phục. Đây là một hình thức tập hợp hết sức nguy hiểm mà ta không sao cài người vào được để nắm nội dung. Các hình thức hội đoàn tôn giáo khác đã bị giải thể đang có dấu hiệu được tổ chức lại. Trong các buổi rao giảng, các linh mục bắt đầu nói đến tình hình cụ thể của địa phương, đặc biệt là đã phá chính sách hợp tác hóa nông nghiệp. Bộ máy hội đồng giáo xứ, các trương trùm ta không thừa nhận nhưng vẫn lén lút hoạt động để nắm chặt tín đồ. Có bằng chứng cho thấy những hoạt động của các giáo xứ đều được chỉ đạo từ trên xuống hết sức nhanh chóng và đồng bộ. Có thể nói rằng việc nắm quần chúng, ta chưa bằng họ, nếu không nói là thua xa. Cốt cán của ta quá ít, nhiều nơi là cơ sở trắng. Một số cốt cán là người tôn giáo, tuy có giác ngộ nhưng bị khổng chế nên không dám hoạt động. Đã có người bị đánh lén khi đi họp về khuya.
Sắp tới chúng tôi đề xuất phải có tổ chức chi bộ và nhóm trung kiên mật, như thời kỳ còn trong vùng địch, nếu không, cốt cán của ta sẽ không dám hoạt động hoặc sẽ bị vô hiệu hóa, bị thanh toán.
Bí thư chi bộ xã X, một xã Thiên Chúa giáo toàn tòng, nói về tình hình quần chúng của xã mình:
- Tôi cho rằng, đúng như quan điểm của đảng, quần chúng cơ bản của ta là rất tốt, rất cách mạng, kể cả quần chúng vùng tôn giáo. Họ cùng bị áp bức, bóc lột, thậm chí còn nặng ne hơn ở nơi khác vì còn bị niềm tin tôn giáo ràng buộc, bộ máy giáo hội chi phổi. Vấn đề là chúng ta phải thực sự chứng tỏ sự tốt đẹp của các chính sách, của chế độ ta. Mới đây, trong một cuộc họp, một ông già đã nói: "Tôi đã sống qua ba chế độ, tôi chưa thấy chế độ nào lo cho dân từ cái lớn cho đến cái ăn, cái mặc, thậm chí nơi đi tiêu, đi tiểu, vấn đề sinh đẻ như chế độ ta".
Tôi tin đó là lời phát biểu thực lòng. Nhưng niềm tin đó sẽ đổ vỡ ngay nếu ta chỉ hô hào suông mà không làm đúng. Tôi đề nghị huyện ủy chỉ đạo các ngành thực sự quan tâm đến vùng tôn giáo, nhất là cung ứng đầy đủ lương thực, hàng hóa, vật tư nông nghiệp theo chính sách, các đoàn thể tăng cường đi cơ sở để xây dựng đoàn thể tại chỗ. Cán bộ được phân công đi xây dựng vùng Thiên Chúa giáo phải là người có trình độ, có nhiệt tình và hiểu biết về tôn giao.
Một cán bộ khác, trưởng phòng tài chính, đã phát biểu một quan điểm hoàn toàn ngược lại với chính sách tôn giáo:
- Tôi không nghiên cứu kỹ chính sách tôn. giáo của đảng, nhưng về tâm tư mà nói, tôi thấy có điều không ổn và không nhất trí. Tại sao lại ưu đãi, trọng vọng bọn cha cố khi bọn chúng là đối tượng của chúng ta. Uỷ ban mặt trận mở hội nghị cho tầng lớp trên trong tôn giáo yêu cầu tài chính phải chi theo chế độ đặc biệt, gấp đôi tiêu chuẩn họp cán bộ. Bọn chúng là những tên cầm đầu chống phá ta, việc gì phải ưu đãi chúng? Tên nào lôi thôi, có bằng chứng, cứ bắt nhốt là xong. Ngoài mồm chúng vẫn nói ủng hộ cách mạng nhưng thực chất, chúng coi ta là kẻ thù. Chính chúng đã tuyên bố "Tôn giáo và cộng sản không đội trời chung" kia mà. Đồng chí nào đó cũng mới phát biểu nói rằng hiện nay chúng tuyên truyền tôn giáo và cộng sản là hai con đường song song không bao giờ gặp nhau. Cả quần chúng theo tôn giáo cùng vậy. Có phải năm 54 họ bỏ miền Bắc chạy vào nam theo Chúa? Sao bây giờ họ không chạy theo Chúa sang Mỹ luôn đi?
- Tôi cho là phải lo cho các xã căn cứ, các xã có cơ sở cách mạng trước đã. Chính họ trong kháng chiến đã hy sinh đóng góp cho cách mạng nhiều hơn cả, bây giờ họ cùng rất khó khăn và là chỗ dựa của cách mạng. Nói thật, đối với các xã Thiên Chúa giáo tôi vẫn có mặc cảm. Các xã này chính là vòng đai bảo vệ thị xã vững chắc nhất của địch trước đây. Bao nhiêu đồng chí của ta đã phơi xác khi đột nhập vào các xã này. Chính tôi cũng đã suýt bỏ mạng ở xã X. Vậy mà bây giờ phải ưu tiên cho họ là sao? Chính sách gì thì chính sách nhưng thâm tâm tôi không tán đồng đâu. Nói thật với các đồng chí thế.
Sau ý kiến này, người ta bắt đầu tranh luận về chính sách tôn giáo. Thực ra, trừ một vài cán bộ có trách nhiệm nghiên cứu, nắm tương đồi vững vấn đề, còn lại rất lơ mơ. Tại sao quần chúng nghèo khổ vùng tôn giáo cũng là quần chúng cơ bản của đảng ưu đãi tầng lớp trên trong tôn giáo không phải vì chính họ mà là vì quần chúng. Các địa phương vùng tôn giáo chính là mắt xích yếu nhất trong thế trận cách mạng nên cần phải hết sức chú ý. Tại sao phải dựa vào quần chúng tín đồ, tranh thủ tàng lớp trên và đấu tranh chống bọn phản cách mạng đội tốt tôn giáo?
Hoài là người tại chỗ, trước đây anh quen biết nhiều linh mục, sư sãi cũng như giáo dân và quan hệ với họ bình thường. Bây giờ, sau giải phóng, vấn đề tôn giáo bỗng nổi cộm lên như một vấn đề chính trị xã hội hết sức phức tạp. Đây là một thực tế của lịch sử. Cả về phía những người cộng sản lẫn tín đồ tôn giáo đều có mặc cảm đối với nhau, không dễ gì trong một sớm một chiều có thể xóa bỏ được. Do đó, công tác phát động quần chúng vùng tôn giáo là điều hoàn toàn không dễ dàng. Hoài chợt nhớ tới một câu tổng kết về các trường hợp thất bại trong khi phát động xây dựng vùng tôn giáo ở miền Bắc trước đây mà anh được nghe trong một lớp tập huấn về công tác tôn giáo vận: "Chân ta đến với họ mà lòng la không đến". Hoài đã phát biểu về điều này trong cuộc họp và thực sự âu lo không biết có bao nhiêu cán bộ, đảng viên cộng sản hiểu thấu thực chất của vấn đề. Những người có quan điểm như ông trưởng phòng tài chánh, tuy là quan điểm riêng nhưng không phải là không có người đồng tình, sẽ là sự cản trở không nhỏ cho việc xóa bỏ hận thù, xây dựng đoàn kết thực sự trong nội bộ dân tộc. ở vị trí của mình, Hoài thực sự có sứ mạng riêng trong việc đóng góp vào sự hòa hợp chung đề vượt qua khó khăn trong lúc này.

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2