Phần III Cuộc đấu không cân sức
16. Dân chủ và quyền lực

Sau cuộc họp toàn thề hội viên hội nhà văn để công bố quyết định cách chức Minh Hương, Hoài và chỉ định chủ tịch mới của hội, mặc dù bị hội viên phản ứng không thuận lợi, tỉnh ủy vẫn kiên quyết thực hiện quyết định của mình. Ba hôm sau cuộc họp, khoảng 8 giờ sáng, một phái đoàn gồm đại diện các ban tuyên huấn, tổ chức đảng và chủ tịch được chỉ định đến trụ sở hội để yêu cầu tiến hành bàn giao.
Khi được thông báo, lúc đó Minh Hương đang ở trong phòng trên gác rất tức giận, không thèm xuống gặp, bảo nhân viên hội xuống trả lời với phái đoàn là anh không được thông báo trước nên không chuẩn bị và không thể làm việc với phái đoàn được. Chờ một lúc Minh Hương vẫn không xuống, trưởng ban tổ chức đành lên phòng gõ cửa gặp Minh Hương, Minh Hương vẫn kiên quyết giữ vững thái độ, phái đoàn đành ra về trong nỗi nhục nhà và căm tức.
Ngay hôm sau, buổi sáng Minh Hương nhận được giấy thông báo phải tổ chức bàn giao vào 2 giờ chiều cùng ngày. Vì đã được báo trước, Minh Hương đành phải tiếp phái đoàn - vẫn phái đoàn cũ có tăng cường thêm mấy người bên ban tổ chức chính quyền tỉnh - nhưng tuyên bố dứt khoát không chấp nhận và không thực hiện quyết định sai trái của thường vụ tỉnh ủy vì nó trái với pháp luật và các nghị quyết của đảng. Sau một hồi tranh cãi gay gắt, phái đoàn đành lại phải thất bại ra về.
Thấy có sức ép của tỉnh ủy ngày càng mạnh, Minh Hương và Hoài họp ban chấp hành và một số anh em hội viên nòng cốt bàn tìm giải pháp. Họ quyết định sẽ triệu tập họp hội viên để ban chấp hành xin từ chức và hội viên bầu ra ban trù bị đại hội chuẩn bị cho đại hội giữa nhiệm kỳ theo đúng điều lệ hội. Có 10 trên 14 ủy viên ban chấp hành đồng ý từ chức, 4 người còn lại không đi họp và không hiểu thái độ họ ra sao nhưng quyết định đã có trên 2/3 ủy viên ban chấp hành nhất trí nên họ cứ tiến hành. (Ban chấp hành lúc đầu có 15 người nhưng ông Tú, phó chủ tịch kiêm bí thư chi bộ, thấy anh em văn nghệ đấu đá quá nên xin từ chức, về hưu).
Điều quan trọng và tế nhị là làm sao chuẩn bị một ban trù bị đại hội có thể thực hiện được nguyện vọng của hội viên, đồng thời thường vụ tỉnh ủy có thể chấp nhận được. Mọi người nhất trí Minh Hương sẽ tiếp tục ở lại trong ban trù bị, Hoài tạm thời đứng ra bên ngoài chờ đến đại hội sẽ tính tiếp vì Hoài đối với tỉnh ủy là một chướng ngại khó chịu do thái độ triệt để của anh mà họ cho là cực đoan. Một số ủy viên ban trù bị khác được dự kiến là những người tốt hoặc có thái độ trung dung, trong đó có Hà Sĩ Phu. Khó nhất là người được chọn làm trưởng ban trù bị, vì Minh Hương không nên làm nhưng người được chọn tuy không gai góc, không "có vấn đề" nhưng phải đủ vững vàng, có bản lĩnh để đối phó với thường vụ tỉnh ủy. Mọi người đều nhất trí đề cử Chinh Ba. Chinh Ba làm thơ, là đảng viên, đại tá quân đội nhân dân, đang công tác ở học viện quân sự nhưng chuẩn bị về hưu, trong chỗ thân tình khi tiếp xúc riêng với Minh Hương và Hoài tỏ ra cấp tiến nhưng đối với tỉnh ủy chưa có vấn đề gì. Nghe nói tỉnh ủy còn định xin Chinh Ba về làm giám đốc trường đảng tỉnh, nơi đang có khủng hoảng nhân sự lãnh đạo khi giám đốc cũ về hưu, phó giám đốc là một tỉnh ủy viên trẻ được đề bạt nhưng không nhận mà lại xin từ chức tỉnh ủy viên và xin ra khỏi đảng luôn. Vụ này đang gây dư luận xôn xao trong đảng bộ và làm tỉnh ủy hết sức khó xử.
Vấn đề khó là làm sao thuyết phục được Chinh Ba chấp nhận, còn việc vận động hội viên bầu Chinh Ba không khó dù về phương diện nghề nghiệp, Chinh Ba không phải là một nhà thơ được nhiều người biết tới. Minh Hương, Hoài và Hà Sĩ Phu ba lần đến nhà riêng Chinh Ba để trao đổi và cuối cùng thuyết phục được anh.
Cuộc họp hội viên để ban chấp hành từ chức và bầu ban trù bị đại hội được tiến hành gấp rút, bất ngờ và diễn ra khá thuận lợi theo đúng dự kiến, chỉ thông báo cho ban tuyên huấn trước một giờ để khỏi bị gây trở ngại. Trước khí thế của hội viên về việc phát huy quyền làm chủ, Chinh Ba sau khi được bầu đã hăng hái đứng ra nhận nhiệm vụ. Minh Hương và Hoài hy vọng kết quả này sẽ đặt thường vụ tỉnh ủy trước một việc đã rồi, không thể đảo ngược, buộc phải chấp nhận và khi tổ chức đại hội, thường vụ tỉnh ủy sẽ không chi phối nổi việc bầu cừ ban chấp hành, như thế đương nhiên các quyết định của thường vụ tỉnh ủy về cách chức, chỉ định vừa qua sẽ mặc nhiên bị vô hiệu hóa. Đó là một giải pháp mà Minh Hương và Hoài nghĩ tương đối êm thấm, đỡ làm thường vụ tỉnh ủy mất mặt, có thể chấp nhận được, đồng thời không đi ngược lại tiến trình dân chủ hóa mà hai anh đang theo đuổi và được đa số hội viên ủng hộ.
Khác với nhận định của Minh Hương và Hoài, phản ứng của thường vụ tỉnh ủy hoàn toàn trái ngược. Khi Chinh Ba đem trình các văn bản và báo cáo với thường vụ tỉnh ủy, anh đã bị xài xể một trận nên thân. Phó bí thư tỉnh ủy nói như tát nước vào mặt anh, cho anh là ấu trĩ, bị giật dây chống lại nghị quyết của đảng, vi phạm pháp luật và sẽ bị kiểm điểm để xử lý thích đáng. Thường vụ tỉnh ủy không chấp nhận ban chấp hành từ chức, không thừa nhận ban trù bị đại hội và kiên quyết thi hành nghị quyết đã có. Chinh Ba thất vọng và hốt hoảng về báo lại với Minh Hương và Hoài. Cùng trên chiếc ghế ngoài ban-công, nơi mấy hôm trước anh đã ngồi và nói rất hăng hái về việc đấu tranh cho dân chủ, cho tự do sáng tác, anh nói ỉu xìu:
- Có lẽ tôi đã sai lầm khi nhận việc này. Tôi là đảng viên, đang ở trong quân đội nên việc này đối với tôi thật nguy hiểm. Chắc tôi phải rút lui thôi. Ta không chống nổi thường vụ tỉnh ủy đâu. Minh Hương, Hoài và Hà Sĩ Phu nhìn nhau. Họ ngầm cảm thông về một ý nghĩ đã đánh giá không đúng tỉnh ủy và không đúng về Chinh Ba. Kẻ nắm quyền lực không bao giờ tự từ bỏ quyền lực của mình và con người trước đe dọa của quyền lực rất khó đứng vững. Ba anh cố gắng động viên Chinh Ba giữ vai trò, khích động đến danh dự của kẻ sĩ, trí thức - văn nghệ sĩ vì Chinh Ba đã nhận nhiệm vụ và hứa trước toàn thể hội viên, đoán chắc toàn thể hội viên sẽ ủng hộ anh, nhưng nhưng lời động viên này không đủ làm Chinh Ba bình tâm lại.
Ngay chiều hôm đó, ban giám đốc công an tỉnh cử cán bộ đến yêu cầu văn phòng cơ quan hội nhà văn nộp khuôn dấu để kiểm tra định kỳ(?). Lúc đó, Minh Hương và Hoài đi vắng, trước áp lực của công an, anh em văn phòng đành phải làm biên bản giao khuôn dấu. Thế là thường vụ tỉnh ủy đã tước đoạt công cụ pháp lý của hội nhà văn. Họ vẫn ngại Minh Hương và Hoài gởi văn bản đi các nơi thông báo tình hình có đóng dấu chính thức của cơ quan hội. Đây là một đòn khá bất ngờ hai anh không thể nghĩ tới và không thể đối phó.

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2