Phần VI - 103 - 104
Cuối thu đường đời

     hị xã đã hoàn toàn thay đổi. Mới chưa đầy ba năm, mà tưởng chừng dâu biển qua đây hàng mấy thế kỷ. Trên hoang tàn của gạch vụn, ngói nát, rêu cỏ mọc xanh um, người ta đua nhau xây dựng lại những căn nhà lá, sống tạm bợ. Chiến tranh còn đó, đã hết đâu. Thành ra, dân chúng vùng Pháp tạm chiếm đóng đêm vẫn nghe tiếng súng nổ ran, bên kia sông Trà Lý; ngày vẫn nhìn xe căm nhông xám xịt chở lính viễn chinh từ Nam Định sang. Không khí ngột ngạt sáng tối. Và, nỗi lo sợ căng thẳng. Tháng 5, 1950, Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Lạc Đạo, gần khít An Tập, rồi tiến nhanh qua Phụ Dực, Quỳnh Côi. Chắc mặt trận bên đó nặng lắm. Phi cơ Pháp đã rải truyền đơn đe dọa: Quỳnh Côi, Phụ Dực ra tro, Đống Năm, Trực Nội ăn no đạm đồng. Nỗi lo sợ muốn đứt tung. Chỉ mấy tháng đầu. Tình hình có vẻ im lặng trở lại. Như chính phủ Bảo Hoàng lẽo đẽo mang Bảo Chính Đoàn và các cơ cấu cai trị của mình theo Pháp lập quyền bính, người hồi cư cũng vững bụng về tề. Mỗi lúc, một đông.
Người về trước, thường là dân 12 phủ huyện, không phải dân thị xã, đã làm nhà cửa bừa bãi trên đất Vọng Cung, bệnh viện và trường học. Phố chính có ba nơi quan trọng, dân hồi cư choán hết. Chỉ ba nơi đó tuyệt tích, đã đủ nói lên cảnh tượng thương hải biến vi tang điền. Dinh tổng đốc biến thành nơi cư ngụ bên ngoài, chợ búa bên trong. Nhà thương biến thành chỗ buôn bán. Trường học biến thành xóm điếm. Trường Monguillot cao quý ngày xưa đã là chốn chơi bời của lính viễn chinh ngày nay. Dân thị xã giầu sang tản cư đã không chờ hôm nay mới hồi cư. Họ lén lút vào Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng từ 1947, giã biệt Thái Bình tiêu thổ kháng chiến. Nhà sách Mậu Hiên, mà cái bảng hiệu bị xi măng cốt sắt chôn vùi, đã nhường chỗ cho Đông A, Học Hải ngoi lên. Hiệu bánh Con Rồng của bà Hanh Tụ đã bỏ rơi tết Trung Thu thị xã ngậm ngùi. Không còn bánh nướng, bánh giẻo và những con giống nữa. Những hiệu cao lâu của người Trung Hoa đã theo gió bụi cuốn đi, cùng với chủ nhân của nó. Dược sĩ Vũ Ngọc Anh về đâu rồi? Mà nay thị xã mới mọc một pharmacie dépositaire. Những người tài giỏi của Thái Bình đều vắng mặt.
Chính phủ Bảo Hoàng của vua Bảo Đại, vừa từ chức, hồi 19-8-1945, thà làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, lại nhận chức Quốc trưởng của một nước nô lệ, năm 1949. Quốc trưởng Bảo Đại dấy động cuộc cách mạng giấy tờ. Lính Bảo An rồi Bảo Chính, mặc quân phục, khác hẳn lính lệ, lính khố xanh. Có nội các ra đời. Nội các nới rộng. Thủ tướng thao túng quyền hành. Quốc trưởng nằm tận Paris hóng mát, chẳng cần biết cái tâm sự của nước non. Thượng thư khoác áo bộ trưởng. Tổng đốc xuống hàng Tỉnh trưởng. Tri phủ, Tri huyện lui gót về Quận trưởng.
Tổng khởi nghĩa đã chôn vùi đầu óc thực dân của người Pháp. Thực dân Pháp khuyến khích tay sai của mình làm cách mạng. Họ bầy một thế chính trị, hỗ trợ cho quân sự: Cách mạng chống cách mạng. Vì thế, thời đại diện áo nhiễu dài, đeo mề đay chấm dứt. Bi cảnh mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ, thì vẫn còn. Miền Bắc đã ngoi lên sân khấu Tổng trấn Bắc Hà, Thủ hiến Bắc Việt. Miền Nam trưng bầy các Thủ tướng. Thủ đô bay tít, từ Hà Nội, vô Sàigòn. Đảng phái lừng danh nhất là Đại Việt, đã ngoan ngoãn vâng lời triều đình nhà Nguyễn, cúc cung phục vụ thực dân, coi chiến đấu như bát canh xuông. Cho nên, Pháp cho phép Đại Việt vùng vẫy. Xứ bộ miền Nam độc quyền ra đất Bắc, hiêu hiêu tự mãn. Nguyễn Ngọc Tân, ngồi ở căn nhà 48 phố hàng Ngang, nơi Hồ Chí Minh viết tuyên ngôn độc lập, xem mình trổ mã. Nguyễn văn Hướng, lộng hành kiểu quốc gia trên lưng ngựa. Quan huyện miền Bắc, Nguyễn Hữu Trí, nhảy vút lên ghế Thủ hiến. Thấy Đại Việt thua kém mình, mà hiển hách hơn mình, Việt Nam quốc dân đảng, của đảng trưởng Vũ Hồng Khanh, chơi nước cờ thời thế. Gặp may. Vũ Hồng Khanh được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Thanh niên, quên luôn các đồng chí Nguyễn Thái Học, Ký Con..., rơi đầu trên máy chém thực dân. Trong nghịch cảnh đó, dân vùng tạm chiếm sống một cổ ba, bốn tròng. Người ta vẫn gửi giấc mơ về kháng chiến. Thị xã Thái Bình, chẳng hạn.
Dọc phố chính, nằm trên quốc lộ số 10, đi từ cầu Bo trở xuống, phía tay phải, có ba nơi không bị tiêu thổ. Thứ nhất: Dinh công sứ giữ lại, để chủ tịch cách mạng công tác thường xuyên, nên tỉnh trưởng mới có chỗ làm việc. Thứ hai: Đền Mẫu giữ lại, vì lý do tôn giáo. Tỉnh trưởng tiếp thu ngoài đền, để làm ty thông tin tuyên truyền và cho dân chúng tới coi báo chí. Chẳng ai dám phản đối, xâm phạm vào tín ngưỡng cả. Thứ ba: Nhà thờ Tin Lành. Không hiểu mục sư đi kháng chiến hay vào Hà Nội rồi, thành thử, nhà thờ hoang vắng, nhường chỗ cho quận Vũ Tiên. Huyện Vũ Tiên nằm sát thị xã, nên huyện đường, nhà dân, và các nhà hát cô đầu đều bị hủy hết. Gần nhà thờ Tin Lành, có cái nghĩa địa thành phố. Vẫn còn nguyên, bất diệt như người chết, tuy cỏ hoang mọc đầy các ngôi mộ. Cái bục, ở ngã tư Vũ Tiên - Thị Xã, xây bằng gạch, với nóc che mưa nắng, nơi cảnh sát đứng hướng dẫn xe cộ lưu thông, bị san bằng. Bên cạnh nhà thờ, còn có một hồ nhỏ bé, thơ mộng lắm. Tiêu thổ kháng chiến, gạch ngói đã lấp kín hồ. Rồi, nước mưa làm bùn, gió thổi cát bụi về đây, xóa lấp hết dấu tích kỷ niệm. Bên tay trái, chỉ một nhà bán bánh Vạn Phát Tường còn y như cũ. Trường trung học cũng tan tành.
Ngày xưa, thị xã chia làm ba khu phố. Từ cách mạng, phố chính Jules Picket đổi thành Lê Lợi. Tất cả biến tên Pháp sang tên Việt Nam. Chính phủ Bảo Hoàng vẫn dùng tên phố cách mạng. Tính ở phía Lê Lợi, từ cầu Bo tới đền Mẫu và những phố ngang, đường dọc nằm trong địa hạt cầu Bo - đền Mẫu thuộc về khu phố đệ nhất; từ đền Mẫu tới Vọng Cung: khu phố đệ nhị; từ Vọng Cung tới nhà thờ Tin Lành: khu phố đệ tam. Bây giờ, đã mất tích những khu phố, chỉ còn lại thị xã Thái Bình với những căn nhà mái rạ tồi tệ, sống không biết ngày mai
Đi dạo con phố phụ, song song với phố chính và cách nhau những con phố ngắn. Trước hết, phố Trưng Trắc, khởi đầu tự lối xuống cống Đậu, bên trái, là trại lính khố xanh hoang vu. Thoạt tiên, người ta xây bệnh viện bằng nguyên liệu tiền chế, do Mỹ viện trợ, sau đền Mẫu. Được ít lâu, bệnh viện nhỏ bé quá, phải dọn tới trại lính khố xanh. Nhà tiền chế của Mỹ thấp và mái tôn, tường tôn nóng hừng hực. Mùa nóng, mồ hôi chảy ròng ròng. Mùa lạnh, giá rét run bần bật. Không một thứ cây nào còn sống. Nhà thương của chính phủ Bảo Hoàng, ở đấy. Đối diện với nó là bãi gạch vụn của Sở Cẩm và Sen Đầm, bên phải. Để bắt cảnh trống vắng bớt sầu thảm, quân đội Pháp chở ra đây giàn đại bác khổng lồ, câu sang biên kia sông Trà Lý, ngày đêm. Bệnh viện bớt buồn tẻ.
Bước đi, còn có gì trong cảnh đổ vỡ này mà chiêm ngưỡng. Một khúc dài, thấy ngôi trường trung học công lập Nguyễn Công Trứ vừa cất xong. Ngôi trường cao, lợp mái tôn, xây dựng trên nền nhà người Pháp. Còn đợi giáo sư ở Hà Nội về mới khai giảng. Bao giờ giáo sư mới về? Sát nách Nguyễn Công Trứ có trung học tư thục Trần Lãm. Một ông là Sứ quân, sau triều đại Ngô Quyền, án binh vùng Bố Khẩu, Thái Bình. Khi mất đi, quyền hành vào tay Đinh Bộ Lĩnh. Nhờ họ Đinh, mới dẹp tan 11 Sứ quân, thu giang san về một mối và lập một kỷ nguyên sáng tạo. Một ông là Doanh điền sứ, thời nhà Nguyễn, có công khai phá đất Tiền Hải, cũng Thái Bình. Ai nghĩ tên trường cho thị xã rất đáng khen. Lác đác đó đây, những ngôi trường tiểu học lợp rạ, trét vách bùn, học trò đang học. Trường Monguillot tiêu tan, tuổi thơ hết chỗ học làm người. Chả còn những thầy giáo Nguyễn Công Hoan, Trần Cao Đàn nữa,
Bước thêm những bước dài. Nhìn thây ma rạp chiếu bóng Odéon mà buốt ruột gan. Odéon không ngờ có ngày mình gục xuống, như thành phố Babylone đã gục xuống. Trong khi ông Lê văn Định đang sửa chữa máy móc, sơn xe. Ông không vẽ Con Voi lên cửa xe nữa. Còn đua chi với Con Sóc, Con Ngựa Bay mà vẽ Con Voi! Đường số 10 Thái Bình-Hải Phòng, ông chỉ chạy đến Đống Năm. Cầu Nghìn ở Phụ Dực, giật mìn nổ tung rồi. Đường đào hố chữ chi khá dài. Họa chăng có hòa bình ngay mới sửa nổi. Bến xe thị xã vẫn còn nguyên. Chỉ tiếc, những căn nhà quanh bến xe, đêm ngày khóc suốt mướt.
Bước dồn thẳng tắp. Thấy sân vận động bỗng rơi nước mắt. Hôm nào, sĩ quan Nhật ngự ở Câu lạc bộ thể thao, kè kè thanh kiếm, mặt lầm lỳ. Phút biến đổi, theo dự tính trước, Nhật đảo chính và hành hạ Pháp. Nhanh vù vù, Nhật đầu hàng Mỹ vô điều kiện. Vậy mà, khuôn mặt lầm lỳ của Nhật vẫn còn. Mặt trời mọc quên mất mặt trời lặn. Khi tổng khởi nghĩa, Nhật gây nhiều khó khăn cho dân thị xã. Đến lượt, Trung Hoa sang tước kh1 giới Nhật, cái lầm lỳ đi sang cái van nài tha thứ. Dân thị xã lại thương Nhật như đã thương Pháp. Câu lạc bộ thể thao trơ trụi trên miếng đất lầm than. Nạn nhân của tàn phá văng ra tận sân vận động. Cỏ mọc rậm rì, che lấp cả gạch ngói. Bãi cỏ này, bọn thằng Vũ, thằng Côn, thằng Luyến, thằng Vọng đã từng sút những cú bóng ngả bàn đèn, đã đánh đầu những cú bóng không gôn nào bắt nổi, lúc này giống bãi tha ma làm sao!
Tiểu đoàn trưởng Hoàng Sĩ Tính bị xử tử giữa sân vận động, về tội để giặc Pháp sang Thái Bình như vào chỗ trống không. Những kỷ niệm xám buồn hay rực vui, người ta gửi ở sân cỏ, đều bay biến hết. Trên cái vẻ tịch liêu đó, cây cột cao, treo miếng vải trắng vòng tròn vệt đỏ, báo hiệu cho máy bay trực thăng và Bà Già, quân đội Pháp mới dựng lên, nghĩ mà đau cho sân vận động, tủi cho mình. Kế bên Câu lạc bộ thể thao là hồ tắm. Đã ba năm, không ai săn sóc, cái plongeoir ai đã gỡ xuống và đem đi. Mưa tràn ngập hồ, mang theo sỏi đất. Bão lốc thổi tung cát bụi, cành cây khô héo cho nó định cư hồ tắm, đỡ bị phiêu lưu mệt mỏi. Lau sậy lổn ngổn tứ bề. Hồ tắm đáng yêu của thị xã biến thành cái ao tù, bùn lầy nước đọng, bèo tây đóng đầy. Người ta tìm cống Kỳ Bá mà bơi lội. Hồ tắm buồn thiu, nước còn cau mặt với tang thương. Bảo Chính Đoàn, đáng lẽ phải đóng quân ở trại lính khố xanh, ai dè đóng quân ở làng Kỳ Bá. Cổng chính, lính không đi, cứ nhè cổng hậu mà chui tọt. Cổng hậu là sân vận động thị xã. Lính kèn Bảo Chính thích ra hồ tắm tập thổi kèn. Tiếng kèn và giọng chửi thề của lính làm cho sân cỏ đã hiu quạnh, lại hiu quạnh thêm.
Bây giờ, đi dạo con phố phụ thứ hai, từ gần cuối, lên lưng chừng thị xã. Phố Trưng Nhị có bốn nơi cần nói cho hả dạ.
Nơi nói trước nhất là cái chateau d’eau, đằng sau trường Monguillot. Ngày xưa, nhà máy dẫn nước về chatean d’eau, cả thị xã dùng thỏa thích. Ngày nay, nhà máy nước, trong cơn thịnh nộ của tiêu thổ, đã chết dí một xó. Và, cái chateau d’eau theo chân Monguillot về với đất. Đánh gẫy nó ba chân, chateau d’eau ngã thảm thương. Nhìn nó nằm bất động, cỏ heo may lấp trùm kín mít, lòng không khỏi ngậm ngùi. Mất cái cũ, đành trở về với cái cũ, lạc hậu hơn. Dân thị xã đua nhau ra sông Trà Lý mà tắm giặt, mà gánh nước, thổi cơm, nấu nước. Giầu thì thuê người gánh. Nghèo thì oằn vai gánh lấy. Mùa đông và mùa xuân, nước sông trong vắt, đỡ khổ. Mùa hạ, nước cạn đục ngầu. Mùa thu, nước lũ đỏ ối. Phải đánh phèn chua lâu tay, nước mới lắng lại và trong được. Nỗi khổ của dân thị xã vùng tề, ai mà biết. Những ống nước dẫn vào tận từng nhà, giờ đã hoen rỉ hết. Nước máy, chỉ quân đội Pháp, chở từ Nam Định sang, được dùng. Ngay cả bệnh viện cũng dùng nước sông. Thị xã không có điện. Máy điện chở lên Việt Bắc rồi. Nhá máy bị dẵm nát dưới chân tiêu thổ. Thị xã đúng là một huyện lỵ nghèo nàn, không điện, không nước máy, nhà cửa rơm rạ, sập sùi. Có hơn gì huyện lỵ. Dân thị xã lại phải đi mua đèn Hoa kỳ, thắp bằng dầu hỏa, kiếm chút ánh sáng, ban đêm. Thôi được, còn tìm ra ánh sáng chân trời, bằng cách đọc nhật báo Tia Sáng của Ngô Vân, Giang Sơn của Hoàng Cơ Bình, mà nhà sách Đông A đã làm đại lý. Ở Thái Bình heo hút biết đầy đủ tin tức của Hà Nội, của khắp nơi, của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp, của Việt Minh, của thế giới. Mong gì hơn nữa.
Nơi nói thứ hai là khu nhà Bà Sơ. Cách mạng chẳng dại gì tiêu thổ trường mẫu giáo, trường nuôi trẻ con mồ côi, trường dạy người mù, câm, điếc, trường dạy con gái thêu thùa. Các bà hồi cư sớm nhất. Chưa thấy ai gửi em nhỏ đến học. Chưa thấy anh câm nào đi chăn bò. Chưa thấy cô nào đi học thêu... Tạm thời, các bà tới nhà thương săn sóc bệnh nhân, theo đúng ý Chúa.
Nơi nói thứ ba là nhà thờ Thiên Chúa. Nhà thờ rất uy nghiêm, đụng vào nó là điêu đứng. Cách mạng đã giả vờ quên. Đã ba năm liền, không được nghe hồi chuông kêu gọi con chiên, người ta trông đợi linh mục cũ trở về. Bốn tháng, không thấy linh mục hồi cư. Linh mục Nguyễn văn Chỉnh, từ nhà thờ Lạc Đạo, tiếp thu nhà thờ thị xã. Không ai dám ngăn cản. Lạc Đạo là làng Thiên Chúa giáo. Ngày Pháp chiếm Thái Bình, Lạc Đạo xin tình nguyện phục vụ quân đội Pháp. Thanh niên Lạc Đạo được võ trang súng ống, ăn mặc quân phục như lính Bùi Chu, Phát Diệm. Lnh mục Nguyễn văn Chỉnh vừa đóng vai thầy tu, vừa đóng vai chỉ huy quân Lạc Đạo, bắt giết Việt Minh và những người vô tội. Chắc Pháp nể nang, nên mặc kệ linh mục Chỉnh trông coi luôn xứ đạo thị xã. Người ta chán nản chuyện nhà thờ.
Nơi nói thứ tư là chợ thị xã. Chợ thị xã cũng phá tiêu tan rồi. Nằm trong khu vựa hành dinh của quân đội Pháp. Do đó, Pháp rào kẽm gai ba vòng, cả miếng phố trước nhà thờ lẫn chợ thị xã, ăn tuốt vào hồ Phúc Khánh, bên bờ sông Trà Lý. Khu vực của quân đội Pháp giam giữ luôn tù binh Việt Minh. Những hoạt động của Pháp, chỉ Pháp biết. Dân thị xã bị cấm chỉ bước tới hàng rào kẽm gai. Ai đi lễ nên về nhà ngay. Nếu đứng lại ngó nhìn để thỏa mãn chút tò mò là có chuyện lớn. Và, chợ đành họp ở Vọng Cung, vì thế. Dân thị xã sống dưới những nghịch cảnh như vậy. Ở đời ai có qua cầu mới hay.
Vẻ buồn tỉnh lỵ rõ rệt...
104
Tháng 11, 1950, gia đình Khoa vào thị xã. Mùa đông năm nay ít mưa dầm kéo dài dưới nửa tháng. Cái lạnh nó chẳng thương kiếp nghèo. Gió chướng tự do xoáy vào da thịt con người trong thế trống tung của chống đỡ rét buốt. Dân chúng đã về đông. Sự sinh hoạt có phần tấp nập.
Tuần lễ đầu tiên, Khoa phải giúp cha mẹ ổn định nơi ăn chốn ở, chưa đi tới đâu xem bạn bè Vũ hồi cư chưa. Đến nay, cha mẹ Khoa đã tìm được thợ làm nhà nên Khoa rảnh rỗi, muốn ghé thăm Luyến. Vì, nghe nói, Luyến đã trở lại thị xã. Bạn bè thân thiết với Vũ có ba người thôi. Côn thì đang theo học lớp sĩ quan Trần Quốc Tuấn, trên Sơn Tây. Vọng thì mải lo huấn luyện bộ đội tân binh, tại Tường An. Chỉ còn Luyến, chả biết đi kháng chiến hay ở Đống Năm học hành.
Đống Năm vui lắm. Nằm bên đường số 10, quy tụ dân tản cư của những thành phố Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương. Người ta buôn bán đủ các thứ hàng, ăn diện sang trọng. Lịch duyệt hơn thủ đô Hà Nội. Nhà cửa đua nhau mọc san sát. Dù không mái ngói và tường đúc xi măng. Ngôi trường trung học của giáo sư Hà Nội mọc lên. Đông nghít học trò. Đống Năm lừng danh như Cống Thần, Chợ Đại, một thị trấn ăn chơi khét tiếng của Liên Khu 3. Pháp ghét Đống Năm khủng khiếp, dọa dẫm từ mấy măm trước, sẽ cho Đống Năm ăn no đạn đồng. Chả hiểu tại sao? Hôm Pháp trải quân đầy mười hai phủ huyện, chắc Đống Năm bị đốt phá, giết chóc không gớm tay. Khoa lo sợ giùm Luyến.
Đằng xa, trông về phía cửa nhà Luyến, Khoa thấy một người chống nạng gỗ, quay lưng lại. Khoa bước nhanh tới:
- Làm ơn cho tôi hỏi thăm...
Người chống nạng xoay mặt.
- Anh Luyến. Trời ơi!
Khoa ôm lấy Luyến, khóc nức nở:
- Anh bị thương hả? Pháp bắn anh, hả?
Luyến mỉm cười thân ái, đưa tay vuốt tóc Khoa:
- Em Khoa, sao lại khóc? Anh vẫn cười mà. Em đã đọc truyện Tái ông thất mã chưa?
Khoa rút khăn, thấm nước mắt:
- Thưa anh, rồi ạ!
Luyến vui vẻ:
- Anh theo triết lý Tái ông thất mã. Mà, đứng ngoài lạnh lắm, vào trong nhà, anh em mình nói chuyện.
Luyến chống nạng đi trước, Khoa theo sau. Phòng khách của nhà Luyến, bây giờ, đơn sơ lắm. Mấy chiếc ghế đẩu cho khách, bàn xa lông đóng lấy để bầy ấm tích và chén uống nước. Luyến và Khoa cùng ngồi xuống.
- Bố anh đi làm ở Lục lộ. Pháp nó gọi thế. Cách mạng biến thành Sở cầu đường. Bảo Hoàng chuyển sang Ty công chính. Còn đổi nữa. Mình là dân, cứ để thời đại nó đổi thay mà theo thời đại. Tội gì nghĩ vẩn vơ cho mệt óc. Mẹ anh đi ăn giỗ ông ngoại. Chị Nhi theo chồng về Hưng Yên. Anh Lưu theo vợ sang Hải Phòng.
Luyến rót chén nước nóng mời Khoa:
- Uống cho ấm bụng, em.
Khoa hỏi:
- Còn anh Ái đâu?
Luyến đáp:
- Nó vào bộ đội, lâu lắm rồi không về.
Nhấp một ngụm nước trà nóng, Luyến nói:
- Nhà anh chia làm hai phe; Phe triệt để tích cực và phe thời cơ chủ nghĩa. Thằng Ái phe đầu. Anh và bố phe cuối. Thằng Ái tin bác Hồ Chí Minh như thánh sống, coi giai cấp vô sản như xứng đáng lãnh đạo dân tộc. Bố anh theo thời Bảo Đại, thời Pháp. Anh thì chỉ theo thời đại, mặc cho thời đại cuốn xoáy mình.
Khoa ngạc nhiên:
- Anh nói khác hẳn xưa.
Luyến cười:
- Anh khác hẳn xưa à? Cái cây còn biết lớn, hỏi chi con người. Ngày xưa còn bé của anh đã chết rồi, chết hẳn rồi. Năm năm cách mạng dạy ta nhiều thứ, khiến ta lớn khôn ra. Ngôn ngữ thay đổi, con người cũng đổi thay. Anh theo thời đại mà. Có gì lạ đâu? Em còn muốn bé nhỏ mãi, tốt thôi. Khó mà bé nhỏ mãi như ý ta mong muốn. Cuộc đời chia ra thành ba chu kỳ: Sinh, Lão. Tử. Ta bắt chước, chia cuộc đời làm ba giai đoạn: Ấu thơ, Thanh niên, Tuổi già. Có người bất hạnh không biết tuổi thơ của mình. Có người bất hạnh hơn, bị đốt cháy thuở thanh niên. Như anh chẳng hạn. Anh may mắn được làm tuổi thơ Monguillot, được làm Luyến mít sơ lanh. Dã đủ hạnh phúc rồi, em ạ! Người ta càng khôn ra, càng lớn lên, tâm hồn càng già nua, em nhỉ?
Khoa hối hận, khoanh tay lễ phép:
- Em xin lỗi anh.
Luyến xua tay:
- Can chi. À, sao lúc nãy em khóc?
- Em đau khổ với anh.
- Đau khổ vì anh mất chân phải à?
- Vâng.
- Đừng đau khổ. Anh không đau khổ mà. Nhờ mất chân mà gia đình anh về tề sớm nhất. Anh bị đạn trúng chân, nằn giẫy giụa trên sân. Ông đại úy nhảy dù Pháp hỏi anh là ai, anh đáp là học sinh. Ông ta cho gia đình anh lên xe căm nhông vào thị xã, rồi chở anh đến Bệnh viện dã chiến của quân đội, cưa chân anh. Lành bệnh, họ cho anh đôi nạng gỗ, chở anh về nhà, và chúc anh cam đảm lên.
- Họ tốt nhỉ?
- Với anh, họ đầy tình người. Với những người khác, anh không biết. Họ đốt hết thị trấn Đống Năm, người ta xét đoán thế nào về họ?
- Họ chỉ làm theo cấp trên, Bộ tư lệnh tối cao của họ. Đống Năm, Trực Nội ăn no đạn đồng cơ mà.
- Em biết điều này lâu chưa?
- Mới đây, nghe anh bảo họ khuyên anh can đảm.
- Những người lính Pháp vừa qua Việt Nam, có thích viễn chinh, xâm lăng một nước nào. Pháp bị Đức đô hộ, họ vùng lên giải phóng nước họ. Người ta hân hoan niềm vui giải phóng muốn tắt thở. Họ lại đi xâm lăng một nước đã bị họ đô hộ, mới tự giải phóng, chẳng kịp sung sướng. Họ đóng vai phát xít Đức. Họ mâu thuẫn với họ. Họ bất mãn chính phủ họ. Biết làm sao? Là lính, họ cam đành tuân lệnh chính phủ của họ, đuổi theo một chính sách lỗi thời. Chúng ta chống Pháp là chống chính sách lỗi thời của tập đoàn thực dân Pháp. Lính Pháp vô tội. Lính Pháp ra trận mạc phải đánh nhau lấy thắng, không thắng thì chết. Và, chúng ta căm thù họ dã man, tàn bạo. Muốn sống lâu, sống có ngày về với vợ con, lính ở bất cứ nước nào cũng sợ chết. Lính cách mạng và lính xâm lăng đều giống nhau. Tổng thống Pháp có chết trận đâu? Thủ tướng Pháp có chết trận đâu? Tướng lãnh, sĩ quan, lính Pháp chết ở Việt Nam vô kể. Chủ tịch Hồ Chí Minh có chết trận đâu? Thủ tướng Phạm văn Đồng có chết trận đâu? Bộ đội ta đã phơi xương máu ngút ngàn. Các ông ấy đều mang cái anh hùng ra dụ lính giết nhau.
Ngưng một lát, Luyến tiếp:
- Để ý đến hiếp dâm, bắn giết dân chúng, đốt nhà cửa, ăn cướp gà vịt mỗi lần hành quân làm gì? Bọn lính da đen mọi rợ, bọn lính lê dương vô tổ quốc, tội ác đã kín người chúng. Thôi, anh không nói nữa.
Khoa van nài:
- Anh cứ nói cho em học.
Luyến lảng chuyện:
- Khoa ạ, còn bé hay khóc lắm, khóc cả những trận đá bóng thua An Tập. Lớn lên, phải tiết kiệm nước mắt, em nhé! Anh giờ, còn chút ít nước mắt thôi. Bố mẹ anh chết, anh không khóc đâu. Anh để dành khóc hai thằng bạn thân nhất trên đời là Vũ và Côn, nếu chúng nó bị cuộc đời xua đuổi. Còn thằng Vọng, anh khóc vì nó nữa.
Khoa rướn người lên:
- Anh Vọng chưa chết.
Luyên cuống quýt:
- Vọng còn sống, em gặp nó ở đâu?
Khoa sung sướng:
- Ở làng em, hồi tháng trước.
Khoa say sưa kể những tháng Vọng đóng quân ở làng Tường An. Nó không gặp Vọng sớm sủa nên để lòng nhớ tiếc bộ đội năm xưa cùng bài hát của họ, và ghét bộ đội mới với những ca khúc suy tôn Malenkov, Mao Trạch Đông. Nó và thằng bạn ra bãi tha ma làm đám tang cho Vệ quốc quân và chào mừng Quân đội nhân dân. Khi gặp Vọng rồi, Vọng giải thích cho Khoa những điều Khoa chưa biết, Khoa mới yên lòng.
Tháng ba, năm Ất Dậu, Vọng sắp chết đói được thầy Nguyễn Công Hoan cứu, đưa nó vào cách mạng, trước Luyến, Côn, Vũ mấy ngày đem cơm cứu đói tới nhà Vọng. Khoa nói ba người bạn thương Vọng nhất trên đời này là Vũ, Côn, Luyến. Vọng khóc.
Luyến cảm động:
- Thầy Hoan dẫn Vọng làm cách mạng đúng nhất. Nó cứ kháng chiến diệt Pháp, kẻ thù của giai cấp nó. Chúng ta không phê bình và vẫn yêu mến nó.
Khoa tròn đôi mắt:
- Anh Vọng thuộc giai cấp nào?
Luyến trả lời thẳng thắn:
- Giai cấp vô sản. Nhà Vọng nghèo, giá làm nông dân, Vọng sẽ là bần cố nông. Công nhân với nông dân hợp thành giai cấp vô sản. Công nhân Vọng nhiều ưu đãi hơn. Vọng cấp gì trong quân đội?
Khoa nói:
- Em quên hỏi, chỉ biết anh ấy là chính ủy trung đội, bí danh Kỳ Bá.
Luyến quả quyết:
- Ít lâu nữa, chừng 32 tuổi, Vọng sẽ lên chính ủy sư đoàn.
Khoa bảo:
- Anh ấy phục Vệ quốc quân vô cùng, coi họ là lính tiểu tử sản lãng mạn cách mạng. Em nhớ anh ấy tâm sự với em: Còn anh, tim vẫn hé mở để lính tiểu tư sản đồn trú.
Luyến khen ngợi:
_ Vọng là người vô sản có tâm hồn. Em biết người cộng sản là người vô sản chứ?
Khoa lắc đầu. Và, tiếp tục:
- Anh ấy còn buồn bã: Một mai, em sẽ oán trách người này, bênh vực người nọ. Rồi, em sẽ ân hận, vì oán trách sai, bênh vực sai nốt. Con người này chống con người nọ không phải con người thích chống đối. Mà, hoàn cảnh nó dìu đi.
Luyến thở than:
- Trời ơi, thằng Vọng nó tiên tri thời đại. Nó tuyệt diệu, Vọng ghẻ tầu! Anh còn phải học nó, học người cộng sản có lòng như nó. Thầy anh dạy: Học hải, sự học như biển cả, biết đến khi nào mới tới đích. Cao Bá Quát nói: Trong thiên hạ có ba bồ chữ, ta chiếm hai bồ, anh ta bạn ta, Cao Bá Đạt Nguyễn Siêu, nửa bồ, còn nửa bồ phát cho thiên hạ. Cao Bá Quát đã hoàn toàn sai lầm. Trên đời, có những năm đại dương chứa đựng chữ nghĩa. Bao nhiêu bồ mới xuể? Hai bồ thì ít quá, tiểu học quá! Có lẽ, được sang Tân gia ba, Cao Bá Quát mới giật mình khi ở xó nhà, Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi. Anh thì đang đi trên đất Thái Bình, phải học mọi người, học thằng Vọng, mới có thể tiến xa nổi.
Khoa thắc mắc:
- Ông thầy nào đó, thưa anh?
Luyến gật gù:
- Thầy Trúc, dân Hưng Yên, dạy anh Việt văn ở Đống Năm. Anh đã tiêm nhiễm tư tưởng của thầy. Thầy bảo: Nếu mình đủ tài năng tạo ra một thời đại, hãy sống chết với thời đại đó, đi tới cùng sự thất bại hay thành công. Còn không đủ tài năng, mình nên sống yên ổn theo thời đại. Thầy Trúc phê bình kháng chiến: Chẳng phải kháng chiến chống Pháp mới giành được độc lập. Để cho chu kỳ của thời đại nó xoay vần. Rất mau, thực dân và đế quốc sẽ tàn lụi. Mình vẫn độc lập huy hoàng, có tình nghĩa. Dân không chết, bộ đội không chết và thành phố khỏi bị tiêu thổ như Thái Bình. Người ta chủ trương kháng chiến vì quyền bính thống trị nó làm hoa mắt mình và chỉ muốn nó độc quyền về tay mình. Còn nói kháng chiến cho dân tộc, bánh vẽ mà thôi.
Luyến lại lảng chuyện:
- Cách mạng bỏ lớp nhì 2, Khoa học đến đâu rồi?
- Em nghỉ học gần một năm, chứ không, niên học này, đệ tam.
- Anh đỗ Trung học phổ thông năm ngoái. Bây giờ, anh rảnh rỗi lắm, định xin làm giáo viên. Em lại đây, anh dạy em Toán, Lý, Hoá, Pháp văn, Việt văn cho hết đệ tam. Sang năm, em học đệ tứ, khỏi lãng phí một năm bị nghỉ. Em thông minh thế, thừa sức học hết cả chương trình đệ tứ, từ nay tới ngày khai trường.
- Cám ơn anh.
- Đừng khách sáo. Lâu nay, nhà có nhận được tin tức gì của Vũ không?
- Thưa anh, không.
- Chả sao. Mỗi người có một cuộc đời. Sự lo nghĩ của mình không giúp ích người khác đâu. Anh chỉ biết cầu cho Vũ mạnh khỏe.
Luyến rót ly trà mới mời Khoa uống. Khoa nghe Luyến nói Luyến đã đốt mất tuổi thanh niên; thoạt đầu, Khoa tưởng Luyến bị què quặt đâm ra yếm thế nói vậy. Ngồi lâu với Luyến, Khoa mới rõ, sự hiểu biết làm con người già đi. Côn đã già đi. Vũ đã già đi. Như Vọng và Luyến. Khoa đã sống trọn vẹn tuổi ngọc trong nhi đồng hậu phương bình an. Đó là những tháng năm đẹp nhất, một đời chỉ có một lần. Nó giã từ hồn đào vội vàng và nhanh lẹ quá, cứ ngỡ hồn đào còn lởn vởn đâu đây. Khoa quên không truy lùng bước chân hôm nay. Nó đã lớn mà chẳng biết. Thực ra, 16 tuổi, Khoa đã bị đuổi khỏi thế giới hoa mộng. Năm nay, cách mạng đẩy mạnh ta tới đoạn không tính toán. Mỗi người hiểu cách mạng một lối. Buồn xuống thấp hay vui lên cao. Luyến thì không vui không buồn. Cái triết lý sống theo thời đại của Luyến thế mà hợp với chính trị bây giờ. Khoa thì vui nhiều buồn ít. Nó có ba người đang kháng chiến ngoài xa: Vũ, Vọng, Côn.
- Anh em mình đi dạo thị xã đi!
- Vâng ạ!