- 12- 13 -14-15 -

    
ũ, Vũ!
-...
- Vũ
-...
- Vũ! Tại sao dì gọi ba bốn lần, mà con cứ giả vờ ngủ thế?
-...
- Dậy dì hỏi cái này. Chết đòn bây giờ, Vũ!
Vũ vẫn nằm im. Nó quay mặt sát tường. Mặc kệ dì dọa nạt. Vũ biết thừa dì nó dọa, chứ chẳng đánh, nhất là những hôm cha Vũ đi vắng, dì nó lại càng không dám đánh nó, sợ mang tiếng dì ghẻ ác nghiệt. Vũ được thể, ăn vạ.
Tối qua, bà Thụy với bà cả Hồng đến nhà nó. Bà Thụy xui dì Vũ đánh nó mấy roi, kẻo nó nhờn. Còn bà cả Hồng thù dai, khăng khăng bắt nọc Vũ ra, lấy roi mây quất vãi máu, rồi lấy muối sát, cho Vũ chừa tội nghịch trước cửa thánh. Vũ ta mò mẫm về, nghe tiếng con mẹ đồng bóng, vội vàng cút mất. Nó tới nhà thằng Côn ngủ nhờ, sáng hôm sau vù sớm, lẻn vào giường, vờ mê man.
- Vũ!
-...
- Thằng ranh con này giỏi thật. Khoa, tìm cho mẹ cái phất trần.
Khoa lắc đầu:
- Con chịu thôi.
Mẹ nó mắng:
- Mày a dua thằng Vũ, hở?
Khoa khôn ngoan lẻn tránh. Dì Vũ đi lục lạo một lúc. Vớ được cái sào màn, bà thúc nhẹ trúng lưng Vũ, giục nó:
- Mày đã chịu dậy chưa, thằng gan lì?
Tưởng anh sắp bị đòn đau, Khoa bù lu bù loa:
- Mẹ đừng đánh chân anh Vũ, đánh chân anh Vũ đau, anh Vũ hết đá ban, mẹ ơi!
Mẹ nó cáu tiết:
- Tao đánh què chân mày nữa, thằng ôn con kia ạ, xéo đi!
Và, bà nện thằng Vũ một cái khe khẽ vào mông, khiến Vũ ta bắt đầu nhúc nhích.
- Đồ hư thân mất nết, dám xô ngã bà cả Hồng, vồ tiền thánh, chia nhau ăn quà. Thánh vật mày chết, Vũ ạ! Mày lấy mười đồng làm gì? À, chiều mày quá, mày nhờn hở, Vũ! Thánh vật mày chết tươi, dám hỗn với thánh!
Vũ toét miệng cười.
- Mày còn cười à? Để tao xem mày cười thế nào! Nằm sấp xuống, thằng ôn con!
Bà buông cái sào, cuộn màn lên, rồi nắm chặt cái sào, phết Vũ liền hai ba cái.
Vũ hết cười. Mắt nó mở trừng trừng kinh ngạc. Dì nó đánh đau thật. Lần đầu tiên dì nó đánh đau thế. Nó là Mẫn Tử Khiên rồi. Cha Mẫn Tử Khiên đi vắng, dì ghẻ bắt nạt Mẫn Tử Khiên. Vũ cảm thấy cô độc và đau khổ quá. Nó không kêu la, nước mắt nó ứa ra. Tủi thân. Những giọt nước mắt của Vũ làm tay dì nó chùn lại. Dì nó hối hận.
- Vũ!
...
- Vũ!
...
- Vũ
...
- Thôi, dì tha cho, lần sau đừng nghịch dại dột, thánh vật chết. Dậy rửa mặt, rồi dì cho tiền xem xi nê.
Vũ úp mặt xuống gối, khóc rưng rức. Dỗ ngon, dỗ ngọt chán, thằng Vũ cứ câm họng, dì nó bỏ đi chợ. Con nhà Khoa chẩu biệt tích. Nằm một mình, Vũ ta chửi con mẹ đồng bóng thậm tệ. Nó thù bà cả Hồng, thù luôn con Thúy. Tại bà cả Hồng, con Thúy mới dở chứng trêu tức nó, gọi nó là đứa vồ tiền. Tại bà cả Hồng, mà bà Thụy vốn yêu thương nó, mới xui dì nó đánh nó. Nai mốt, cha nó sẽ mắng nó nữa. Vũ tức ghê. Phải tỏ cho mọi người, nhất là cái con nhặng Thúy, biết nó oan uổng. Vũ nghĩ ngợi liên miên. Nó sắp đặt trong đầu óc một cuộc trả thù xứng đáng.
Chỉ có cách khăn gói quả mướp bỏ nhà ra đi. Vũ sẽ xuống cống Đậu, ba hoa rằng dì nó ghét nó, chắc bác lang Tạng sẽ chứa chấp nó. Mai chủ nhật, ngày kia lễ, được nghỉ hai ngày, tội gì chả trốn nhà, làm kẻ giang hồ. Nó chơi cái trò này, nhất định, mọi người phải khóc, con Thúy sẽ khóc hết nước mắt.
Nói là làm ngay. Vũ ta vùng dậy. Mắt nó đã ráo hoảnh. Con nhà Vũ hiện nguyên hình một hiệp sĩ đang bày mưu kế, cứu khốn phò nguy. Nó bước tới bàn, lục cặp sách, xé tờ giấy trắng, viết để lại cho dì nó những dòng chữ sặc mùi tiểu thuyết kiếm hiệp sau đây:
Thưa dì,
Dì đừng tìm con vô ích. Con đã tung cánh bay đến một chân trời vô định, đáp theo tiếng gọi của sông hồ. Con không bao giờ trở về nữa vì dì và bác Thụy đã bảo con vồ tiền của “con mẹ đồng bóng”. Dì còn bảo con ăn cắp mười đồng của dì. Thưa dì, có hiệp sĩ nào đi vồ tiền đâu. Con có vồ tiền của “con mẹ đồng bóng” thì con cũng cho ăn mày hoặc đội bóng của con ăn phở cho sướng mồm, chứ con có đâu ăn quà một mình con. Thôi, con không nói nữa, cánh buồm máu đã trương, lưỡi kiếm diệt trừ tham quan ô lại đã rút khỏi bao. Con đi đây dì ạ! Con cười can đảm chứ không thèm khóc. Ha ha ha! Trời rộng, sông dài, bể mênh mông, hiệp sĩ vùng vẫy cho thỏa chí tang bồng.
Lạy dì
Con
Vũ tức Triều Dương Hiệp tức Dã Tượng
Tái bút: Dì đừng đánh em Khoa dì nhá! Em Khoa, em mang cái lồng bẫy chim và bốn chú vành khuyên cho chị Thúy. Anh thua cuộc đau quá em ạ!
Viết xong thư, Vũ không quên vẽ hình người bị treo cổ, và ký ngòng ngoèo mấy nét đè lên. Nó lấy con dao nhọn, phóng chặt, ghim bức thư trên bàn cho có vẻ rùng rợn. Đoạn, nó mở tủ, vơ vội bộ quần áo, nhét vào bị cói. Thế là hiệp sĩ Vũ với cái kén ác mô ni ca lên đường.
Nó chưa lên đường gió bụi. Vũ chạy lại nhà thằng Côn, báo cho thằng bạn của nó biết. Côn bỗng lây chất giang hồ vặt, nó ca ngợi thằng Vũ:
- Mày cừ quá, cho tao đi với.
Vũ phổng mũi đắc chí:
- Mày không đi được.
- Không có mày, ở nhà tao buồn lắm, cho tao đi giang hồ với, nhá!
- Mày đi, tao khó tuých dì tao.
- Tuých cái gì?
- Tao nói, mày đừng hé răng với thằng nào, nhé!
- Ừ.
Vũ ghé tai Côn, thầm thì một lúc. Côn khoái chí:
- Tao đóng vai Kỳ Phát hở, mày?
- Ừ.
Vũ từ giã bạn:
- Thôi, tao đi, nhớ nhá!
Côn níu Vũ:
- Mang vài cái bánh gai đi mà chén. Cái nhà ăn canh bánh đa mọi bận hở, Vũ?
- Ừ, tao đi đây...
Vũ nháy Côn. Hai đứa rúc rích cười. Bây giờ, trong bị của hiệp sĩ Vũ có thêm bốn cái bánh gai.
Vũ co chân chạy một mạch ra đê. Nó leo lên, đi xuôi về cống Đậu. Dòng Trà Lý êm êm không gợn sóng. Chiếc thuyền nhỏ thuận gió, ngại chèo, căng manh chiếu thay buồm, trôi từ từ. Cô gái trên thuyền ngân nga điệu ru, thương nhớ xa xôi. Bên kia sông, nắng trải xuống bờ tre, hàng chuối xanh mướt, tươi ngon. Cảnh tượng tĩnh mịch và nên thơ quá.
Tâm hồn thằng Vũ nao nao...
 
13
Vũ bỏ đi chưa đầy hai tiếng đồng hồ, cha nó ở Hà Nội về. Cha Vũ về chuyến xe khuya. Dì Vũ đinh ninh rằng, Vũ giận dì nó, chuồn lại nhà mấy đứa bạn chơi, rồi trưa về ăn cơm. Quá trưa, thằng Vũ vẫn biệt dạng. Dì nó bắt đầu chột dạ. Cha Vũ hỏi rối rít, và giục đầy tớ tìm Vũ. Đầy tớ đi khắp chỗ, không gặp Vũ. Mãi lúc thằng Khoa rút con dao, đem bức thư run rẩy đưa cho cha nó, cha nó đọc xong, quẳng cho dì nó đọc. dì thằng Vũ mới vỡ lẽ, nó đã trốn nhà, đi giang hồ.
Cha Vũ, thoạt tiên, cằn nhằn dì nó. Dần dần, thương Vũ, ông to tiếng với vợ. Ông kể lể lôi thôi, những là tại công việc buôn bán, để con vất vưởng; tại vợ ông hất hủi đứa con riêng của ông, nó tủi phận; tại nghe con mẹ đồng bóng xúi bảy, đánh đập con ông, nó khổ sở; tại tiếc con ông mười đồng, rỉa rói, nó xấu hổ.
Dì Vũ im lặng không cãi. Cha nó, được thể, mắng dì nó nặng lời hơn, khiến dì nó phân trần này nọ. Thế là hai vợ chồng cãi nhau. Đàn con chờ quà bố, bị thiệt. Cơm nước dọn sẵn sàng, không ai thiết ăn uống. Dì Vũ ngồi khóc ấm ức.
Trách vợ chán chê, cha Vũ mới sực nhớ ra điều quan trọng, là kiếm ngay thằng Vũ. Dì nó cũng nghĩ như vậy. Hai ông bà cùng đứa đầy tớ tất tưởi, một mặt đến các nhà quen thuộc, một mặt đi hỏi thăm xem có ai biết Vũ đi ngả nào.
Cha Vũ tới nhà thằng Côn. Mẹ nó bảo nó ăn cơm xong, chưa kịp xỉa răng uống nước, đã cút mất. Ngỡ rằng con mình rủ thằng Côn đi chơi, như mọi bận, cha Vũ về nhà đợi. Dì Vũ chẳng nhận được tin tức gì. Hai người lại tiếp tục trách móc nhau.
Trong khi ấy, thằng Côn chui vào rạp Odéon xem Tác Dăng đâm hổ. Đúng ba giờ hết phim, Côn mò mẫm lại nhà Vũ. Gặp cha nó, mặt Côn tái mét, tay chân run rẩy. Cha Vũ hỏi nó thằng Vũ đâu. Côn nhớ những lời thằng Vũ dặn nó tuých dì thằng Vũ. Cha thằng Vũ về, không lẽ tuých luôn cha nó. Mà, không tuých, con nhà Vũ sẽ giận chết. Có thể, nó không thèm chơi với thằng Côn nữa. Côn vẫn coi thằng Vũ là chúa đảng. Thiếu thằng Vũ, đời hết vui nhộn. Nên, cuối cùng, Côn đành tuých cha Vũ. Nó nói, thằng Vũ theo thằng Coóng sang Nam Định, làm nghề hầu sáng. Theo đúng lời Vũ dặn. Côn bảo chính mắt nó trông thấy thằng Vũ lên xe Con Voi, của ông Lê văn Định. Nó tả thằng Vũ đeo cái bị, mắt đỏ ngầu, mồm méo xệch, tang thương lắm.
Côn vừa nói dối, vừa run, cha thằng Vũ tưởng thật. Ông hối hả thay quần áo, chạy nhanh ra bến xe, sang Nam Định tìm Vũ. Dì thằng Vũ khóc thành tiếng. Con nhà Khoa mặt ỉu như bánh đa nhúng nước. Côn sợ đứng lâu, dì thằng Vũ đổ tội nó, để thằng Vũ đi không mách dì nó, nên Côn ta từ từ rút êm.
Ra đường, nó mới hoàn hồn. Và, Côn nghĩ rằng, con nhà Vũ nghe chuyện này, chắc thế nào cũng khen tuyệt cú mèo.
 
14
Ông lang Tặng lấy cô thằng Vũ. Cô Vũ là chị ruột cha nó. Vũ gọi ông Tặng bằng bác. Bác Vũ có ba đứa con, đứa lớn nhất, mới lên năm. Bọn thằng Vũ, hễ hôm nào kéo nhau xuống cống Đậu phá phách, thường ghé thăm bác nó, và được cô nó cho ăn canh bánh đa, nấu với cua đồng. Canh bánh đa, nấu với cua đồng, ngon ba chê. Gạch cua đóng từng mảng trên bát canh, giống những hòn đảo nhỏ vẽ trên bản đồ. Nước mầu phi hành mỡ, vàng ngậy, thơm phức, quyến rũ. Chỉ tưởng tượng, đã thèm nhỏ rãi rồi, chứ đừng nói chuyện trông thấy người ta bê bát canh, và vào mồm, húp sùm sụp.
Vũ yên chí thế nào nó cũng được tiếp đón niềm nở, ăn canh bánh đa thỏa thê. Tung tăng cái bị cói, Vũ rảo bước, mong chóng tới nơi. Vũ xuống cái dốc đê thoai thoải, quen thuộc. Nhà bác nó ở ngay chân đê, bên cạnh cái cống lớn. Cống này thông sang sông Trà Lý. Đến mùa cầy cấy, người ta mở cửa cống, để nước theo con sông đào ùa vào đồng ruộng. Chỗ bác nó lập nghiệp là làng Đậu, nên cái cống đó mang luôn tên làng: cống Đậu.
Vũ rất ngạc nhiên. Hiệu thuốc của bác nó đóng cửa im ỉm. Nguy to, bác nó đi vắng, hiệp sĩ Vũ đành khăn gói quả mướp hồi hương mất. Hiệp sĩ hồi hương với cái bị cói, ê mặt chết. Bọn lâu la, phó đảng Côn sẽ coi nó ra cái thớ gì nữa. Vũ không thể lầm lũi về một cách hèn nhát được. Dì nó phải xuống đây vuốt ve nó, nịnh nọt nó, giúi vào túi nó mười đồng, nó mới về. Phải về vinh quang, Vũ nghĩ thế. Nó lẩm nhẩm lạy trời bác Tặng có nhà, và hăng hái gõ cửa.
Bác nó đẩy tấm liếp, ló đầu ra. Vũ mừng quýnh. Nó lách mình, chui tọt vào nhà. Chưa kịp ném cái bị xuống, Vũ đã méo xệch cái mồm, cố tình tủi thân, cho nước mắt ứa ra vài giọt, rồi tả oán, khiến bác nó mủi lòng. Nó nhìn quanh quẩn. Trên cái sập gỗ, ba đứa nhãi mình trần trùng trục, đang nằm ngửa tênh hênh. Rãi nhớt đã khô từ lúc nào, đóng vệt trắng hai bên mép chúng nó. Mấy con muỗi ngày đốt no căng bụng, vỗ cánh không nổi, bám chặt, ăn vạ thân thể mấy đứa bé. Vũ ngán ngẩm. Sống với bọn chết dấp này, hai ngày, chắc nó xỉu mất.
Bác Vũ bảo cô nó bị đau mắt nặng mấy hôm rày, không nhìn thấy gì. Cơm nước không ai thổi nấu, ăn uống thất thường Mấy con lợn đói, kêu eng éc điếc cả tai. Vũ thất vọng. Nó an ủi rằng nó giang hồ có hai ngày, hai ngày thôi, thể nào dì nó cũng xuống đây, đón nó về. Hiệp sĩ Vũ cắn răng chịu đựng vậy.
Vũ vào buồng thăm cô nó. Cô nó che khăn kín mít, Vũ khỏi méo xệch cái mồm, và trổ tài nhỏ nước mắt cá sấu. Nó chỉ cần kể lể câu chuyện thật bi thảm. Cô nó nghe xong, kéo nó sát gần, nắm tay nó, rờ rờ đầu giường một lúc, rồi an ủi nó một đồng bạc. Vũ đút vội vào túi quần. Cô nó hỏi:
- Dì cháu đánh cháu đau lắm, hở?
- Vâng, dì cháu đánh cháu nổi lươn ở mông. Cháu cho cô xem, nhé!
- Thôi, cô không nhìn thấy.
Vũ cười, nó bịa thêm:
- Dì cháu đuổi cháu đi, dì cháu bảo giỏi đi đâu mà sống thì đi!
Cô nó dễ tin. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Trẻ con không biết nói dối. Thằng Vũ biết nói dối, nối dối hết mọi người. Nói dối là thói xấu. Hồi học lớp ba, thầy giáo cho tập đọc bài ngụ ngôn, trong cuốn Luân lý giáo khoa thư. Bài này kể chuyện thằng nhãi thích nói dối. Cả làng đi làm lụng ngoài đồng, nó ra hô ầm lên cháy nhà, khiến mọi người vất cả cầy cuốc, tất tả chạy về. Đến nơi, chẳng thấy cháy thiêu gì hết. Thằng nhãi đánh lừa được người lớn, hả hê cười. ít lâu sau, nhà nó cháy, nó ra đồng tri hô, người lớn sợ mắc mưu nó, không ai thèm về. Kết quả, vì thích nói dối, nhà nó cháy ra tro. Vũ không thích nói dối để cười. Nó thích nói dối để người ta thương nó. Nó nói dối cô nó, để cô nó thương nó, nói dối dì nó, để dì nó thương nó, nói dối bà Thụy, để bà Thụy thương nó, nó nói dối bọn lâu la, để bọn lâu la phục nó. Xấu gì mà xấu. Vũ lý luận vậy. Và, nó cứ tiếp tục nói dối. Cô Vũ bảo:
- Dì cháu đuổi đi, cháu ở với cô. Cháu có bằng lòng ở với cô không?
Vũ khe khẽ đáp:
- Có ạ!
- À, tại sao dì cháu đánh đuổi cháu?
- Tại cháu nhận cháu là Mẫn Tử Khiên.
- Mẫn Tử Khiên là làm sao?
- Mẫn Tử Khiên rất dường hiếu nghĩa, Xót nhà huyên quạnh quẽ từ lâu, cô ạ! Mẫn Tử Khiên không ăn cắp, dì ông ta cứ bảo ông ta ăn cắp. Ông ta tức quá, bỏ nhà, đi như cháu ấy.
Cô thằng Vũ chẳng hiểu mô tê gì, gật gù cái đầu, tỏ ý thương cảm. Vũ xin phép cô nó, ra nhà ngoài. Bác nó giục nó treo bị, cởi áo, cho đỡ nực. Vũ răm rắp tuân lời. Bác nó hỏi:
- Cháu có biết thổi cơm không?
Vũ tần ngần một lúc. Biết nó trả lời không, bác nó khuyến khích:
- Thổi cơm dễ lắm, bác dạy một lần, là cháu thổi được. Con trai tập thổi cơm cho quen đi, chứ!
Nó đờ người, tựa hiệp sĩ hạng bét bị vây kín bốn phía. Bác nó nói tiếp:
- Rồi, bác dạy cháu nấu cháo, sắc thuốc, nấu cám lợn. Cháu giúp bác, vài hôm thôi. Cô cháu khỏi bệnh, cháu sẽ ngồi chơi. Ở với bác sướng như tiên. Về nhà, đì cháu đánh chết.
Bác thằng Vũ không để cho nó mở mồm. Ông với tay lên tủ, bưng cái liễn sứ, mở nắp, nhón năm quả táo tầu, cho Vũ. Vũ chìa tay nhận, mắt dán chặt vào cái liễn táo tầu, xem đếm từ ngoài vào trong, nó đứng thứ mấy.
Ngay trưa hôm ấy, Bác Vũ dạy Vũ bài học thổi cơm. Trời mùa hè, ngồi trong bếp, nóng chảy toát mồ hôi. Một tay cầm que đun, một tay trải rơm cho đều, Vũ loay hoay làm bồi. Nó thấy nó giống thằng nhỏ ở nhà nó quá.
Thổi cơm chẳng khó khăn gì. Chúng nó đi cắm trại, vẫn thổi cơm lấy mà ăn. Vũ còn biết rán đậu, kho thịt, tráng trứng, nấu canh cà chua nữa. Đấy là công việc hứng thú, vui vẻ. Đằng này, bác nó sai nó thổi cơm. Vũ có cảm tưởng như mình xuống đây hầu hạ gia đình bác. Giang hồ kiểu này là giang hồ... bếp, không thấy trời rộng, sông dài, bể mênh mông, cánh buồm máu đâu, mà chỉ thấy ông đồ rau tròn trùng trục, câm như... đất sét. Chả lẽ lưỡi kiếm diệt trừ tham quan ô lại lại đem chọc tiết mấy con lợn đói? Hiệp sĩ Vũ, tức Triều Dương Hiệp, tức Dã Tượng, đành... nuốt nước bọt tiêu sầu.
Bác nó chỉ dặn qua loa cách thức ghế cơm, vùi cơm, rồi ra quán vác về cái đuôi lợn luộc sẵn, lởm chởm lông đen, béo phát ớn, Hiệp sĩ Vũ treo kiếm, lau bát đĩa, rót nước mắm. Bác nó ngồi thái thịt, thỉnh thoảng nhón một miếng đút vào mồm, nhai ngấu nghiến. Vũ ta lắc đầu.
Mâm cơm dọn xong, Bác Vũ đánh thức ba đứa con dậy. Không khác gì mấy con lợn đói, không cần rửa mặt, súc miệng, ba đứa nhãi xông vào ăn hùng hục. Đũa của chúng nó chĩa xuống đĩa thịt mỡ, cơ hồ kiếm của các hiệp sĩ chụm lại bêu đầu bạo chúa.
Vũ nhìn đĩa thịt. Mó muốn mửa. Vũ cố ăn nhạt hai bát để cầm cự. Bác nó khen nó thổi cơm dẻo, ngon. Ba đứa nhãi tranh nhau gặm cái đuôi. Chúng nó giành giật, làm bắn tung nước mắm vào người Vũ.
Hiệp sĩ Vũ thở dài. Than ôi, đã tung cánh bay đến chân trời vô định, Vũ có ngờ đâu, giờ phút này, dì nó đang lo cuống cuồng, cha ngồi trên chuyến xe Con Voi, máy thở phò phò, trên con đường sang Nam Định.
 
15
Đến chiều, Vũ bế thằng nhãi ba tuổi lên đê chơi. Trước khi rời nhà, Vũ đã béo mạnh vào đùi thằng nhãi mấy cái, khiến nó khóc thét, rồi giả vờ nói thằng nhãi không chịu nó bế. Bác nó mải hốt thuốc cho bệnh nhân, giục Vũ cứ mang thằng nhãi đi. Vũ cáu tiết. Nó trả thù bằng những cái búng muốn rách tai, bằng những cái tóc dứt muốn lột da đầu nó lên. Thằng nhãi sợ con nhà Vũ quá, nín thin thít.
Bấy giờ, nắng gần tắt. Vũ đặt thằng nhãi xuống mặt đê. Nó hướng về thị xã. Những nhịp cầu Bo không nhỏ đi bao nhiêu, và những bến tắm trông rõ người lố nhố. Vũ chờ Côn. Nó đã hẹn thằng Côn, thế nào chiều nay cũng phải xuống đây tìm nó, kể cho nó nghe chuyện tuých ra sao. Còn nó, nó sẽ phiệu ra năm ba chuyện ly kỳ của chuyến giang hồ này, cho thằng Côn tiếc rẻ.
Mắt Vũ nhìn không chớp. Nó thấy một bóng người in hình, trong khung trời chiều, tự dằng xa. Bóng người đó không ai ngoài thằng Côn. Côn cắm cổ chạy, chẳng mấy đỗi, con nhà Vũ đã nhận ra nó.
Vũ bỏ thằng nhãi ngồi một mình, chạy ngược lên. Hai thằng bạn nhỏ, mới xa nhau chưa đầy một ngày, mà gặp nhau, chúng nó mừng rối rít, như đã xa nhau hàng tháng. Vũ bá vai Côn, xoắn xít. Hai đứa sóng đôi đi tới chỗ thằng nhãi, anh họ thằng Vũ. Chúng nó nằm dài trên vệ cỏ. Vũ hỏi:
- Mày làm đúng lời tao dặn, hở?
- Ừ.
- Dì tao có khóc không?
- Có.
- Thằng Khoa có khóc không?
- Có
- Khoái quá! Con Thúy có khóc không?
- Tao không biết.
Vũ ngớ ngẩn tệ. Côn nó cần cóc gì biết con Thúy cơ chứ. Ngay Vũ, Vũ cũng cóc cần nữa rồi. Con Thúy đã xỉ vả nó là đứa vồ tiền, đã được cuộc cái lồng bẫy chim, nó cần gì con Thúy. Không hiểu tại sao nó lại hỏi thằng Côn rằng, con Thúy có khóc không? Từ hôm bị con Thúy làm xấu hổ, Vũ ghét con Thúy. Ghét chán, nó lại thương. Thương mãi, thành nhớ. Vũ ao ước có dịp khác, sẽ rủ bằng được con Thúy đi chơi cầu Bo. Nó không thể ghét con Thúy. Nó cần con Thúy. Nó cũng không hiểu nốt, tại sao nó không thể ghét con Thúy được. Mải nghĩ vớ vẩn, Vũ quên khuấy món quà tặng bạn chí thân.
Vũ móc túi lôi ra một gói, trao tay Côn:
- Chén đi!
- Cái gì đấy?
- Táo tầu, ngon lắm, mày ạ!
- Ai cho mày thế?
- Bác tao.
- Bác mày tốt nhỉ!
- Trưa nay, tao chén canh bánh đa căng cả bụng.
Vũ lại nói dối. Bác nó cho nó có năm quả, nó ăn hết ngay. Lúc bác nó với tay, bưng cái liễn sứ đựng táo tầu, Vũ đã chú ý cái liễn ấy. Và nó biết chắc món ăn hấp dẫn này đứng thứ năm, đếm từ ngoài vào trong. Vũ rửa bát đĩa xong, lên nhà; bác nó, và đàn con đã lăn kềnh trên sập, ngáy khò khò. Vũ bèn trả thù liễn táo. Nó bốc bừa hai ba nắm. gói để phần cho thằng Côn mười hai trái, nó thưởng thức thêm năm trái nữa. Vũ nhủ thầm rằng, nó ở đây ba ngày thôi, cái liễn táo tầu sẽ sạch sành sanh, bác nó sẽ hết đồ bốc thuốc.
Lấy lưỡi đẩy hạt táo ra môi, Côn thổi mạnh một cái. Nó gọi khẽ bạn:
- Vũ ơi!
- Gì?
- Tao sợ quá!
- Sợ cái gì?
- Nhỡ bố mày biết tao tuých bố mày thì chết!
Vũ véo lưng bạn:
- Mày sắp giống thằng Vọng rồi. Sợ cái đét gì?
- Sợ bố mày.
Vũ cười hô hố:
- Bố tao chắc giờ đang bán áo cho Thổ, ở Bắc Cạn.
Côn chớp mắt lia lịa. Nó nghiêng đầu nhìn thằng Vũ, do dự mãi, mới nói:
- Bố mày về rồi!
Vũ ngồi nhỏm dậy:
- Bố tao về rồi à?
- Ừ.
- Về bao giờ?
- Sáng nay.
- Bố tao có nói gì không?
- Bố mày cãi nhau với dì mày. Tao nói mày sang Nam Định. Bố mày vội vàng ra bến xe, sang Nam Định ngay lập tức. Tao vừa ghé qua nhà mày. Thằng Khoa nó bảo bố mày bây giờ còn ở bên Nam Định. Nó khóc sưng mắt, mày ạ! Tao phải nói với bố mày thế nào, hở Vũ?
Vũ bỗng hối hận. Nó tưởng dọa dì nó một tí, ai ngờ cha nó về, to chuyện thế. Dầu sao, chiều mai Vũ mới về. Đằng nào cũng bị đòn. Vũ đâm liều. Nó thương cha nó, thương dì nó, thương em nó, nó trót lỡ. Nấn ná thêm ngày nữa có sao. Vả lại, dì nó đánh nó ba bốn cái sào màn cơ mà. Cha nó có đánh nó, nó sẽ dổ riệt cho bà cả Hồng vu nó vồ tiền, khiến nó xấu hổ với bà Thụy, với con Thúy, nên nó phải ra đi. Vũ kiếm cớ vững chắc quá, nó vỗ vai thằng Côn:
- Đừng sợ mày.
- Bố mày hỏi, tao nói sao?
- Không nói gì cả.
- Thế, chiều mai, nói thế nào?
- Nói như tao đã dặn mày.
- Tao bảo mày nói dối tao, mày leo lên xe, đến ngã tư, mày xuống đi lối Kỳ Bá về cống Đậu hở?
- Ừ.
- Nhỡ bố mày hỏi tại sao tao gặp mày, thì nói sao?
- Thì mày phiệu rằng, tụi mày đóng bè xuống cống Đậu, gặp tao tha thẩn trên bờ đê.
- Bố mày có tin tao không?
- Tin chứ.
- Nhỡ bố mày không tin thì sao?
- Mày cứ nhỡ với ngộ mãi, chán quá. À, Côn này...
- Gì?
- Mày có qua nhà bà Thụy không?
- Không. Gì thế mày?
- Không có gì cả.
Hai thằng bạn nhìn nhau giây lát, rồi toét miệng cười. Côn hỏi:
- Thú không mày?
- Thú lắm. Vừa đặt chân xuống đất cống Đậu, tao đã choảng ba thằng rồi, mày ạ!
- Nó gây sự à?
- Ừ, nó huých khuỷu tay vào bụng tao. Tao đét nói gì. Nó tưởng tao yếu, huých thêm cái nữa. Tao giả vờ sợ nó, nó khoái chí, sán lại gần, tao xơi nó hai quả liền, hộc mẹ nó máu mồm. Hai thằng bạn nó xông vào. Tao hạ cả hai. Mày có biết, nó là gì ở đây không?
- Không.
- Tổ sư ăn cắp, mày ạ!
- Mày không sợ chúng nó trả thù à?
- Trả thù cái củ thìu biu ấy. Chúng nó bầu tao làm đại ca rồi.
- Khoái nhỉ?
- Tối nay, chúng nó khao tao chầu chim sẻ rán. Giang hồ phải cừ mới trị được lũ súc sinh chứ. À, Côn này...
- Gì?
- Mày có muốn qua nhà bà Thụy không?
- Không.
Vũ định nhờ Côn qua nhà bà Thụy, xem con Thúy vui hay buồn. Vũ ngượng không dám hỏi thẳng, chỉ nói bâng quơ. Côn không ngại, Vũ nhờ việc gì, thằng Vũ chẳng chịu hỏi rõ ràng. Trông chiều xuống vội vã, Côn bảo bạn:
- Tao về nhá?
- Gượm đã mày.
- Mày có dặn gì thêm không?
- Không. À, thằng Khoa nó đem cái lồng bẫy chim sang nhà con Thúy chưa, mày?
- Tao không biết.
- Mếu nó chưa đem, mày đem hộ tao, nhé!
- Ừ.
- Mày nói với con Thúy rằng, nó bảo tao vồ tiền, tao tức quá, tao bỏ nhà, tao không ghét nó, mày nhé!
- Ừ.
- Ngày kia, chúng mình đi học hở, mày?
- Ừ.
- Còn nửa tháng nữa hè, nhỉ?
- Ừ, hơn nửa tháng.
- Nhớ chiều mai, Côn ạ!
- Ừ, tao về nhá!
- Ừ.
Hai thằng bạn chia tay nhau. Côn sợ tối, co chân chạy miết. Vũ đứng nhìn theo. Nó bế thằng nhãi lên, đi xuôi xuống phía dưới. Phía tây, trời nhuộm máu giây lát, rồi xám dần. Nó thấy hai ngày dài quá. Vũ nghĩ tới việc thổi cơm sắp tới. Nó béo mạnh thằng nhãi một cái. Thằng nhãi khóc oe oe...