- 16 - 17 - 18 -

     ố thằng Vũ đen quá. Giang hồ đúng ngày cô nó ốm nặng. Bác nó, chừng hiểu rõ tâm sự của kẻ trốn nhà, bắt bí nó thổi cơm, rửa bát, nấu cám lợn, bế em, những việc Vũ chưa hề làm bao giờ. Họ hàng cũng chẳng tốt gì. Chỉ có cha nó, dì nó, em nó tốt thôi. Nếu bác nó tốt, đã không sai nó, như sai thằng nhỏ. Bác nó cứ xoen xoét cái mồm, khen nó khéo, khen nó giỏi, để nhờ giúp việc này, giúp việc nọ. Bác nó tưởng nó ở đời với bác nó đấy. Chiều mai, cha nó đón nó về, nó sẽ cho bác nó biết tay.
Vũ ăn cơm xong, quẳng bát vào chậu. Nó không thèm rửa vội. Vũ móc bị lấy cái kèn ác mô ni ca, lững thững ra ngoài cống. Trăng đã lên cao. Ánh sáng bạc trải lên con sông đào đang cuồn cuộn chảy, đẹp vô cùng. Gió đêm mát rợi. Nhiều người tụ họp gần cống, hóng mát.
Vũ cảm hứng, đưa kèn lên thổi. Lũ trẻ con bu quanh nó, thưởng thức âm nhạc. Vũ chơi bài Căn nhà êm ấm. Bài này, anh Phú, huynh trưởng hướng đạo, dạy nó. Anh Phú bảo, tác giả Căn nhà êm ấm là một người Anh cát lợi, anh Phú quên mất tên. Chỉ biết ông ta là một ông lão hành khất, nghèo khổ, gia đình không có, họ hàng cũng không. Ông ta, ngày đi ăn mày, đêm về ngủ gậm cầu, xó chợ. Ông ta mơ ước một căn nhà êm ấm, có ánh lửa, có tiếng trẻ nô đùa, để quên cuộc đời hành khất, nằm vỉa hè hết một kiếp người, dưới tuyết lạnh mùa đông. Nỗi mơ ước của ông lão hành khất thấm nhập vào tâm hồn ông, thành bài hát. Rồi, ông hát bài này, trước cửa từng nhà, thay vì con lạy ông lạy bà, lạy cô, lạy cậu hãy bố thí cho con miếng cơm, bát gạo... Dân Anh cát lợi nghe bài này cảm động, khóc sướt mướt.
Đến nốt nhạc cuối cùng, Vũ nhớ nhà quá. Nước mắt nó ứa ra. Nó mường tượng căn nhà ở phố Jean Dupuis, nơi đó, cha nó, dì nó, em nó đang buồn rầu vì vắng nó. Vũ không nén nổi xúc động, nó nhìn giòng sông bạc cuồn cuộn chảy, cất tiếng hát:
- Nhà tôi bên sườn đồi thênh thang, chiều về gió lay ngàn thông cùng reo... Từ miền xa, ngân nga tiếng sáo diều vi vu hòa bao cung đàn... Chiều vàng trên mái tranh hoa leo... Hàng bóng cau ngả nghiêng ngoài hiên...
Đời bạt gió như chim lìa đàn. Còn vấn vương nếp tranh bên đồi...
Vũ hát kém thằng Vọng và thằng Côn. Hôm nay, nó nhớ nhà, nó lại bị hầu hạ bác nó, bị bế em, Vũ tưởng, chính nó là ông lão ăn mày người Anh cát lợi. Giọng nó trầm buồn tha thiết.
Vũ hát xong bài Căn nhà êm ấm, bọn trẻ con vỗ tay khen ngợi ầm ỹ. Chúng nó xúm gần bắt chuyện, làm quen với Vũ. Vũ bớt buồn. Chúng nó hỏi Vũ ở đâu. Vũ cho chúng nó biết, Vũ ở nhà ông lang Tặng. Bọn trẻ rủ Vũ vào xóm đình chơi. Vũ lắc đầu. Một lát sau, chúng nó tản mạn hết, còn lại hai đứa. Một thằng hỏi Vũ:
- Tên đằng ưới là gì?
- Tên tớ là Vũ.
- Tên tứa cũng là Vũ, anh tứa đây là Thân.
Vũ nhìn thằng nhãi nhà quê. Nó toét miệng cười. Ánh trăng sáng đủ để Vũ biết nó bị sún. Vũ nói:
- Vậy, đằng ấy là Vũ sún, nhé!
- Ừa, bố tớ vưỡn gọi tớ là thằng sún, đằng ưới ạ! Anh em tớ con nhà thuyền chài.
Thằng Thân tiếp em:
- Chỉ có hai anh em tứa thôi, chúng tứa bơi thuyền câu trên sông, đằng ưới ạ! Đi gần tối mưới về, đông lắm, thích lắm cưa...
Vũ phởn chí. Bụng nó mở cờ mừng vui. Con thuyền, cánh buồm máu, sông dài bể rộng, tướng cướp biển, hà hà, giang hồ thế mới gọi giang hồ. Vừa có chuyện làm lác mắt bọn thằng Côn, vừa trả thù bác Tặng, cho bác ta tìm trối chết, vừa thoát thổi cơm, rửa bát một ngày. Vũ thích rên lên. Nó gọi nhỏ:
- Vũ sún ơi!
- Ươi.
- Đằng ấy thích chơi với tớ, hở?
- Ừa, anh tứa thích chươi vưới đằng ưới. Chúng nó bỏ đi hết, anh em tứa không bỏ đi. Đằng ưới đi câu vui lắm, mang kèn thủi cho cá nó nghe, đằng ưới ạ!
Vũ giả vờ:
- Tớ còn một việc, mai không đi được.
Thân hỏi:
- Việc gì hả, đằng ưới?
Vũ trả lời:
- Bác tớ bắt tớ rửa bát, quét sân. Tớ lười chưa rửa, quét gì cả. Nếu các đằng ấy thích tớ mang kèn đi thổi cho cá nghe, thì Vũ sún rửa bát, Thân quét sân hộ tớ. Mới lại, nhân tiện, để tớ xem hai đằng ấy có thật lòng với tớ không?
Hai anh em thằng Vũ sún khờ khạo, hăng hái nhận việc. Vũ lôi chúng nó về. Vũ sún rửa cả chậu bát, lẫn chậu quần áo của bọn nhãi, con ông lang Tặng. Thân khom lưng quét sân, thái bèo cho lợn, còn thằng hiệp sĩ Vũ ngồi dựa lưng vào tường, thổi bài nhạc vui Trên lưng ngựa.
Làm xong việc, anh em Vũ sún về, hẹn thằng Vũ, sáng mai, lúc mặt trời chưa mọc, anh em nó đợi Vũ hiệp sĩ ở ngoài cổng. Vũ vừa lách liếp vào, bác nó túm lấy, sai việc:
- Bác phải sang thăm bệnh ở bên kia sông, cháu sắc cho cô chén thuốc này, nhá! Đổ ba bát nước, để lửa lom rom, canh lấy già nửa bát, gạn ra đưa cô uống.
Rồi, bác nó đi luôn. Vũ nghiến răng, lẩm bẩm. Nó cáu sườn, cớp táo tầu chén. Tối mò mò. Vũ mở nhầm liễn thục địa. Thục địa nó cũng ăn. Ăn xong, Vũ cớp táo, lại nhầm ô mai. Vũ chửi thầm, đứa nào sắp hàng liễn lộn xộn. Ném nắm ô mai vào chuồng lợn, Vũ xuống bếp nhóm hỏa lò. Sắc một chén thuốc, ít nhất cũng mất hai tiếng đồng hồ. Vũ thương cô mới thức, chứ người khác, bác lang Tặng chẳng hạn, đừng hòng.
Vũ chẻ vài cái củi nhỏ, rưới tí dầu hỏa làm mồi, xếp than lên, đoạn châm lửa. Củi cháy vèo hết ngay. Vũ ngồi chồm hổm, phồng mang trợn mắt thổi lửa. Nó nhớ tới bài tập đọc, trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư, lớp sơ đẳng, học năm ngoái, mà phì cười. Nó giống hệt ông Lý Tích, thổi than, sắc thuốc cho chị, cháy cả râu. Khác một điều, nó không làm quan to, chưa có râu, và sắc thuốc cho cô nó thôi.
Gạn lần cuối cùng, đúng phân lượng bác đã dặn. Vũ rưới nước tắt bếp, rồi bưng thuốc lên cho cô nó. Nó vặn ngọn đèn sáng hơn, gọi cô nó dậy. Cô Vũ không ngờ Vũ thức đêm sắc thuốc cho mình. Bà cứ tưởng đây là công việc của ông chồng yêu dấu. Cô Vũ cảm động, đỡ bát thuốc, uống ừng ực một hơi hết liền. Một lát, cô nó ngạc nhiên gọi:
- Cháu ơi!
Vũ kinh hãi:
- Dạ.
- Cháu xích gần đây.
Vũ bổng nghĩ đến chuyện quỷ nhập tràng. Nó run sợ bần bật:
- Cháu đứng đây được rồi, cô ạ!
- Cô nhìn thấy rồi, cháu ơi!
Vũ thở phào. Nó nói:
- Thuốc của bác hay ghê!
Cô Vũ lắc đầu:
- Không phải đâu, nhờ cháu mà cô mở mắt được. Cháu xích gần đây, cô cho cháu một đồng...
Vũ mon men lại gần. Cô nó nắm tay nó. Nước mắt cô nó rơi, nghe rõ từng giọt. Vũ thấy lòng nó se lại. Nó không nghĩ xấu về họ hàng nữa. Mai, nó sẽ mua kẹo cho mấy đứa nhãi, đền bù những cái béo, những cú đá cáu kỉnh.
Chờ cô nằm yên, Vũ trở ra. Nó chui vào màn nằm, mơ mộng vớ vẩn. Lạ nhà, lạ chiếu, lạ màn, Vũ không thể ngủ được. Mà ngủ, nhỡ dậy muộn, mất một dịp may lênh đênh trên sông nước cả ngày, tiếc chết người. Vũ ta chập chờn từng giấc ngủ ngắn, không đầy mười lăm phút.
Vũ muốn chiêm bao. Nó nhớ con Thúy quá. Càng xa, càng nhớ. Tại sao những giấc mơ mới không bao giờ giống giấc mơ cũ? Và, tại sao lúc muốn mơ lại không mơ được? Vũ tự hỏi thế. Lạy trời cho Vũ mơ thấy Thúy.
Vũ nằm nghiêng, quay mặt ra cửa sổ. Bóng con Thúy không chịu tới. Chỉ có bóng cây in hình đen thẫm, trên nền sân đất, dưới ánh trăng bạc. Mỗi khi gió thổi, bóng cây lay động.
17
Họ kéo xuống cống Đậu, từ lúc tám giờ rưỡi. Hai cái xe chở bốn người. Cha Vũ, dì Vũ, thằng Khoa, và thằng Côn.
Tối hôm qua, trong lúc Vũ đợi giấc mơ, ở nhà, cha nó cằn nhằn dì nó suốt đêm.
Cha nó đi kiếm khắp cái thành phố Nam Định, hỏi hết các hiệu ăn Tầu, chẳng ai biết thằng Vũ với thằng Coóng cả. Cha nó chán nản về Thái, không thiết ăn uống gì, cứ nghĩ đến con là điên đầu, điên ruột. Dì nó nằm khóc tấm tức. Bà Thụy xôn xao. Thằng Khoa sợ anh tự tử. Bà cả Hồng cũng hối hận.
Mãi tám giờ sáng hôm sau, con nhà Côn xách lồng bẫy chim đem đến nhà con Thúy, và nhắn lại những lời thằng Vũ dặn con Thúy, chuyện giang hồ của Vũ mới vỡ lở. Vô phúc cho thằng Côn, lúc ấy, cha thằng Vũ ngồi đằng nhà bà Thụy. Cha nó bắt nọn thằng Côn mấy câu. Côn ta phun ra hết. Thế là, ba người theo thằng Côn, thuê xe tay kéo xuống cống Đậu.
Ông lang Tặng bối rối nhất. Ông không biết trả lời sao, vì hiệp sĩ Vũ cậy liếp, đi câu thuyền với anh em thằng Vũ sún, từ sớm tinh mơ. Cha Vũ vặn hỏi, ông lang ấm ứ, tắc họng. Ông nhận thằng Vũ có ở nhà ông, ông bịa rằng, Vũ bảo dì nó cho phép nó đi thăm vợ chồng ông. Cha Vũ trách ông anh rể đã không săn sóc Vũ cẩn thận. Đôi khi, cha Vũ nói nặng lời, khiến dì Vũ phải xua tay, can khéo.
Bốn người nóng ruột ngồi chờ. Nước mời chẳng ai thèm uống. Côn chỉ cái bị giang hồ của Vũ cho Khoa xem. Khoa chỉ cho mẹ nó, mẹ nó nhăn mặt, ra hiệu, bảo Khoa đừng đùa.
Giữa khi mọi người đứng ngồi không yên ấy, trên dòng sông Trà Lý, xuôi về mạn dưới, Vũ hiệp sĩ đang gạ anh em thằng Vũ sún:
- Chơi cướp biển đi, câu buồn bỏ mẹ đi ấy!
Vũ sún hỏi:
- Chơi cướp biển như thế nào?
Vũ hiệp sĩ giảng giải:
- Dễ lắm, chúng mình xông thuyền lại thuyền của những thằng khác, xô chúng nó xuống sông.
Thân lắc đầu:
- Anh em tứa yếu lắm, chúng tứa không dám chơi cướp biển đâu, đằng ưới ạ!
Vũ hiệp sĩ tán tỉnh:
- Các đằng ấy sợ chúng nó à? Đừng sợ, đã có tớ, một mình tớ đánh được mười thằng. Mà, các đằng ấy bơi cừ không?
Vũ sún lạ lùng:
- Cừ là gì hả, đằng ưới?
Vũ hiệp sĩ trả lời:
- Cừ là giỏi, bơi cừ là bơi giỏi, dìm không chết đuối.
Vũ sún cười hềnh hệch:
- Tụi tứa đi thuyền, thằng nào bơi cũng cừ cả.
- Thế còn chờ gì không chơi cướp biển?
Vũ sún gạ anh:
- Chơi cướp biển nhá anh, nhá! Thằng Vũ sẽ oánh hết bọn thằng Ngải, thằng Hợi, thằng Bảy, anh ạ!
Thân gật đầu bằng lòng. Vũ sún quay nói với Vũ hiệp sĩ:
- Đằng ưới hỏi chúng nó xem, chúng nó có thích không đã.
Vũ hiệp sĩ vênh mặt:
- Không cần chúng nó thích, cần các đằng ấy thích thôi. Chúng mình đánh, cớp hết cá của chúng nó, về sớm. Tớ làm tướng cướp, hai anh em đằng ấy làm lính, chịu chưa?
Vũ sún hỏi lại:
- Cớp là gì hả, đằng ưối?
- Là ăn cắp hết cá của chúng nó.
Vũ sún vỗ bụng ha hả cười:
- Tứa chịu.
Thân hùa theo:
- Tứa cũng chịu.
Vũ hiệp sĩ nói:
- Bây giờ, anh em đằng ấy phải nghe tớ. Tớ bảo cái gì, anh em đằng ấy phải làm cái ấy, nhá! Vũ sún lặn cừ không?
- Anh em tứa cùng cừ.
- Tốt, bravo.
Vũ sún khen Vũ hiệp sĩ:
- Đằng ưới nói tiếng Tây giỏi quá, nhả?
Vũ cởi phăng quần xoóc, buộc vào khúc cây dài, mà nó mang sẵn theo, dựng lên, và buộc chặt vào thanh gỗ ngang của chiếc thuyền gỗ. Đó là cánh buồm máu tưởng tượng của nó. Vũ hiệp sĩ bắt anh em Vũ sún lôi hết mồi câu, xếp trong khoang thuyền. Nó giục thằng Thân chèo nhanh lại chiếc thuyền của anh em thằng Đường, là hai thằng gấu nhất trong bọn trẻ đi câu. Cách chừng mười thước, Vũ hét:
- Tao là tướng cướp cánh buồm máu. Ê, hai tên nhãi ngóe, nộp cá cho tao mau lên!
Thằng Đường nghe tướng cướp cánh buồm máu bảo nộp cá, ngứa tai quá, nó đứng lên, hai tay chống hai bên cạnh sườn, trừng trừng nhìn thằng nhãi mới nhập nghề câu thuyền. Nó thách:
- Tao không nộp, mày làm gì?
Vũ hét lớn hơn:
- Nộp ngay, không ông đánh bỏ bố!
Em thằng Đường là thằng Lại, buông chèo, tụt quần:
- Nộp cái củ c. đây này...
Vũ ra lệnh:
- Chèo nhanh!
Thân vận hết sức chèo. Thuyền của tướng cướp cánh buồm máu rẽ nước, xô mạnh chiếc thuyền địch, khiến nó bị đẩy lùi khá xa. Vũ tướng cướp nháy mắt. Vũ sún nhận lệnh, nhảy lọt khỏi thuyền mình. Anh em thằng Đường đứng lên khiêu khích. Thân chèo sát gần. Cách ba thước, Vũ phóng sang, tóm cổ thằng Đường. Nó vung tay, đấm mạnh vào bụng Vũ. Vũ trả miếng, đạp nó ngã. Đường lồm cồm bò dậy. Chiếc thuyền chòng chành. Nó sấn tới ăn thua với Vũ. Hai thằng ôm nhau nhào xuống nước, vật lộn.
Trận đấu tay đôi, giữa tay sừng lớp nhì 1 trường tỉnh và tay anh chị thuyền chài giữa lòng sông, diễn ra hết sức sôi nổi, ngoạn mục, mà chỉ có cá thưởng thức. Vì, cá mới biết mở mắt. Còn người, kể cả tay tướng cướp cánh buồm máu Vũ và tay gấu sông bến Đường, cũng chẳng nhìn rõ nhau. Chúng nó nhắm mắt vật, túm tóc, cấu bẹo lung tung. Chừng hai thằng cùng thèm thở, chúng nó bèn tự ý buông nhau, ngoi lên mặt nước.
Đường gấu thấy em mình là thằng Lại hỗn đang loay hoay lật ngửa cái thuyền lên. Thuyền bị Vũ sún, bất thần, lật úp. Bao nhiêu cá của anh em con nhà Đường được thả tự do hết. Đường gấu mím môi, nhìn tướng cướp Vũ bằng đôi mắt căm tức. Nó bỏ địch thủ, bơi lại tiếp sức em, dìu cái thuyền vào bờ, hất mạnh cho sạch nước, rồi chèo về phía bên bọn thằng Ngải, thằng Hợi.
Đánh tan thuyền địch, tướng cướp Vũ bắt lính Thân bơi thuyền ra giữa sông. Nó bô bô gạ tụi nhãi chia bè đánh nahu. Có mười lăm chiếc thuyền. Năm chiếc theo thằng Vũ, thành một phe. Còn mười chiếc kia, có tụi thằng Hợi, thằng Bảy, thằng Ngải, theo con nhà Đường, quyết trả thù thằng Vũ. Chúng nó chửi nhau ỏm tỏi, đánh nhau loạn xạ, lội bì bõm dưới nước, không khác gì cuộc thủy chiến của hải tặc ngày xưa.
Đánh nhau chí chóe, từ chín giờ đến mười hai giờ trưa mới dứt. Bọn thằng Vũ thắng, nhờ chủ tướng đã từng xem phim Thuyền trưởng Blood, nên giàn trận tuyệt vời. Năm chiếc thuyền chiến thằng, no nê cá của bọn thua trận, men bờ, bơi trở về. Bọn chiến bại còn phải câu mờ người mới bù được số cá bị cướp giật. Con nhà Vũ sún hỏi chủ tướng:
- Đằng ưới là con ở của ông lang Tặng, hả?
Vũ hiệp sĩ gật bừa:
- Ừ.
- Con ở mà đằng ưới giỏi ghê. Đằng ưới định ở cho ông lang Tặng mấy năm?
- Tớ ở hai ngày thôi, tối nay tớ về.
Vũ sún buồn bã ra mặt:
- Đằng ưới về chóng thế?
- Ừ.
- Đằng ưới về, mai chúng tứa đi câu, chúng nó bắt nạt, cớp hết cá thì sao?
Vũ bắt đầu mến anh em thằng Vũ sún. Chúng nó thành thật và ngộ nghĩnh quá chừng. Vũ an ủi chúng nó:
- Tớ nói dối đằng ấy đấy.
Vũ sún hớn hở:
- Đằng ấy không về à?
- Không, tớ nói dối chuyện khác cơ...
- Chuyện gì hả, đằng ưới?
- Tớ không phải con ở của ông lang Tặng đâu. Tớ là cháu ông ấy, nhà tớ ở tỉnh, tớ xuống cống Đậu chơi. Đứa nào bắt nạt anh em đằng ấy, bọn tớ đánh bỏ mẹ. Bọn tớ đông lắm, thằng nào cũng cừ gần bằng tớ cả, các đằng ấy đừng lo.
Vũ kể chuyện thằng Côn, thằng Luyến, thằng Long, thằng Lộc, cho anh em Vũ sún nghe. Vũ sún đỡ buồn. Khuôn mặt anh em nó vương vương ít nhiều lưu luyến. Đôi khuôn mặt rạm nắng ấy, không ngờ, lại có lần ưu tư, vì một thằng nhãi láu tôm, láu cá thành thị.
Thuyền cập bến. Vũ móc túi quần xoóc, lấy hai đồng cô nó cho nó, tặng anh em Vũ sún. Vũ tặng luôn anh em Vũ sún hai chiếc bánh chưng, mang đi ăn, mà chưa ăn. Anh em thằng thuyền chài ngẩn người sung sướng. Chưa ai cho chúng nó một hào chỉ. Vũ vỗ vai hai thằng bạn, chia tay. Chúng nó nhìn theo Vũ, không chớp mắt.
Vừa đặt chân lên mặt đê, Vũ đã thấy bác nó hớt hơ hớt hải chạy tới, nắm lấy tay nó, dặn dò:
- Bố cháu có hỏi, cháu bảo cháu nói dối bác rằng, dì cháu cho phép cháu xuống thăm vợ chồng bác, nhá!
Vũ buột miệng nói:
- Bố cháu chiều mới xuống cơ...
Bác nó không hiểu nó tuých dì nó, gắt gỏng:
- Bố cháu đã xuống đón cháu rồi!
Vũ vớ được dịp trả thù bác, nó lắc đầu:
- Thưa bác, cháu không dám nói dối ạ! Nói dối là một thói xấu.
Bác Vũ dúi vào túi nó năm đồng, dỗ ngọt:
- Cháu nói dối một tí thôi...
Vũ suýt phì cười, nó vòi thêm:
- Bác cho cháu ít táo tầu nữa, bác nhé!
Bác nó dặn lại:
- Cháu nói thế nhá, cháu ngoan của bác, nhá!
Vũ gỡ tay khỏi tay bác:
- Vâng ạ!
Rồi, nó rảo cẳng chạy về. Nó hết sợ hãi vớ vẩn. Đã liều thì không sợ bị đòn. Trông thấy Vũ quần áo nhầu nát, tóc tai bơ phờ, cha nó thương quá, ôm chầm nó vuốt ve, âu yếm. Vũ cố lách cái đầu. Nó nhìn dì nó, mắt nó đỏ hoe. Dì nó lại gần, nắm tay nó. Vũ khe khẽ xin lỗi dì. Dì nó gật đầu, tha thứ. Khoa cũng đến hỏi han anh. Côn sợ bạn giận, lỉnh đâu mất. Vũ ôm chặt cha nó hơn. Nước mắt nó tràn ra, sung sướng. Vũ không còn tủi thân, không còn cô độc nữa.
Hai chiếc xe vẫn đậu chờ khách. Bây giờ, có thêm Vũ, là năm người. Họ từ biệt ông lang Tặng. Ông lang Tặng không quên gói táo tầu cho Vũ. Côn đã gặp Vũ. Hai đứa nháy mắt, ra cái điều ăn giơ lắm. Vũ ngồi chung xe với Côn và Khoa.
Xe chạy được một quãng, không hiểu con nhà Vũ phiệu chuyện gì, mà thằng Khoa cười như nắc nẻ. Dì nó nhìn xuống. Ba đứa đang thay phiên nhau gậm củ thục địa.
18
Vũ, và Thúy châu đầu vào cái lồng chim khuyên. Hai đứa bé lại thân nhau, như cũ. Thúy không bảo Vũ giỏi vồ tiền lộc thánh. Vũ không muốn Thúy hóa thành con nhặng nữa. Chúng nó đã làm lành.
Dưới mắt Vũ, hôm nay, con Thúy hiền nhất trên đời. Dưới mắt Thúy, hôm nay, thằng Vũ ngoan không thể chê được. Như mấy chú chim khuyên nhảy nhót trong lồng, hai đứa bé cũng đang chuyện trò vui vẻ. Tâm hồn chúng nó lâng lâng, chẳng gợn một chút bụi ưu tư nào. Bốn con mắt long lanh nhìn nhau, trong vắt, cơ hồ những giọt sương mai đọng trên lá xanh non.
Bốn con chim khuyên Vũ thua cuộc Thúy, còn có ba con thôi, một con chết tối hôm qua rồi. Thúy hái hoa râm bụt, kết đầy cái lồng bẫy, đỏ sặc sỡ. Thúy khen Vũ đan lồng giỏi, khiến Vũ hả hê. Mải nói chuyện chim, Vũ quên khuấy một việc quan trọng. Nó móc túi quần xoóc, lôi ra một gói nhỏ xinh xắn, bọc bằng giấy bóng tím, khoe bạn:
- Vũ có cái này hay lắm cơ!
Thúy hỏi:
- Cái gì thế hở, Vũ?
Vũ làm bộ bí mật:
- Đố Thúy biết?
Thúy ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Kẹo chứ gì?
Vũ lắc đầu:
- Sai rồi.
- Thế gì?
- Vũ đố Thúy mà...
- Thúy chịu.
Vũ cười:
- Chịu thật hay chịu dối?
- Chịu thật.
Vũ truyền gói nhỏ từ tay này qua tay kia:
- Táo tầu!
Thúy mừng rỡ:
- Táo tầu à? Táo tầu ngon ngon là... Mẹ Thúy sắc thuốc hay cho Thúy những quả táo tầu nát nhừ. Ăn bã táo tầu chán chết. Táo tầu của Vũ sắc thuốc chưa?
- Chưa.
- Vũ cho Thúy một quả, nhá!
Vũ trao tay Thúy gói táo:
- Vũ cho Thúy tất.
Thúy cầm gói táo, bóc ra xem. Con bé mở to đôi mắt. Eo ôi, nhiều quá, những mười bốn quả, phải ăn dè mới được. Thúy đưa Vũ một quả, giục Vũ:
- Ăn đi!
Hai đứa nhai táo một cách ngon lành. Thúy hỏi:
- Táo ở đâu hở, Vũ?
- Táo Vũ được cuộc đấy.
- Thích nhỉ. Vũ đánh cuộc thế nào?
- Thằng nhãi Tầu ở cống Đậu, to hơn Vũ, khỏe hơn Vũ, thách Vũ vật ngã nó, đè ngửa nó ra, vỗ vào bụng nó ba cái. Được thì nó mất mười bốn quả táo tầu, thua thì Vũ mất cái kèn ác mô ni ca. Vũ vật nó ngã ngon ơ. Nó thua cuộc.
Thúy tấm tắc:
- Vũ cừ nhỉ!
Vũ khuỳnh đôi tay, tựa nhà đô vật:
- Giang hồ phải cừ chứ!
Thúy nhớ chuyện Vũ bỏ nhà, nó hỏi Vũ:
- Hai hôm ở cống Đậu, Vũ làm gì?
Vũ có dịp phiệu. Nó lim dim đôi mắt, ra chiều mơ mộng. Nó tưởng tượng những kỷ niệm không hề có, kể cho con Thúy nghe. Kỷ niệm làm tướng cướp cánh buồm máu thì nó kể thật, kể say sưa. Tuy nhiên, Vũ vẫn giấu không nói với con Thúy chuyện cớp táo tầu, nhầm phải thục địa, ô mai, hay chuyện trằn trọc trên giường đợi giấc mơ thấy con Thúy, chỉ thấy bóng cây lay động. Vũ nhắc lại kỷ niệm bằng giọng nói mơ hồ, làm con Thúy chăm chăm theo rõi.
Con Thúy có cảm tưởng thằng Vũ là vị hoàng tử trong truyện cổ tích. Thúy chưa đủ mơ mộng để ví nó là công chúa ngủ trong rừng. Nó cho rằng, thằng Vũ xứng đáng là vị hoàng tử. Vũ cừ quá, thổi ác mô ni ca hay, bơi giỏi, học nhất lớp, đánh nhau không sợ thằng nào. Thúy thích Vũ lắm. Con bé nhỏ nhẹ:
- Vũ ơi, sao Vũ cừ thế?
Vũ kiêu hãnh lập lại câu nói cũ rích:
- Giang hồ phải cừ chứ!
- Không cừ, có giang hồ được không?
Vũ bĩu môi:
- Không cừ mà giang hồ, thì chỉ có giang hồ... bếp!
- Giang hồ bếp là gì hở, Vũ?
- Là đi thổi cơm, nấu cám, bế em; là đi ở.
Vũ ba hoa tiếp:
- Cừ như Vũ, mới dám bỏ nhà giang hồ, chứ. Vũ phiêu lưu trên sông Trà Lý, làm đại ca bọn nhãi cống Đậu, làm Lý Tích chữa bệnh mù cho cô Vũ.
Thúy biết chuyện Lý Tích, đùa Vũ:
- Thế có cháy râu không?
Vũ xoa cằm:
- Làm gì có râu mà cháy!
Hai đứa bé cười khúc khích. Thúy ăn thêm quả táo tầu nữa, rồi gói lại, để dành. Vũ nhìn ba chú chim ngơ ngác trong lồng. Hai chú đậu liền nhau, trên cái thanh ngang, gần cóng nước, còn một chú co ro, dưới đáy lồng. Mấy chú đã mỏi cánh, chán nhảy nhót. Chuyện của Vũ cũng cạn dần. Vũ nghĩ giấc mơ ban đầu. Nó vẫn muốn rủ con Thúy đi chơi cầu Bo.
Đắn đo mãi, Vũ mới ngớ ngẩn hỏi:
- Thúy có thích không?
- Thích chứ, táo tầu ngon lắm...
Vũ cụt hứng, hỏi lại, vẫn câu ngớ ngẩn:
- Thúy có thích không?
Thúy toét miệng cười:
- Thúy nói rồi thôi. Thúy thích táo tầu mà.
Vũ nuốt nước bọt. Cái vẻ hồn nhiên lúc mới đến, lúc ba hoa chuyện giang hồ biến đâu mất. Tướng cướp cánh buồm máu đâm ra rụt rè, ngượng nghịu. Hình như tai Vũ sắp sửa nóng ran, tay không biết bỏ vào chỗ nào cho đỡ vướng.
Vũ nuốt nước bọt lần nữa:
- Không phải thích táo tầu, thích cái khác cơ!
- Thích cái gì?
Vũ ấp úng:
- Thích... thích... hóng mát ở cầu Bo...
Vũ buông thõng đôi tay, chờ câu trả lời. Câu trả lời ấy, hoặc sẽ làm Vũ sung sướng, hoặc sẽ làm Vũ buồn rầu. Vũ vờ nhìn cái lồng chim, không dám nhìn con Thúy. Con Thúy đã thỏ thẻ:
- Hóng mát ở cầu Bo làn gì hở, Vũ?
Lời nói của con Thúy không khác gì một cơn gió mát, thổi vào tâm hồn Vũ, mát rượi. Nỗi hồi hộp tiêu tan. Tai Vũ hết nóng, tay nó hết dài. Vũ hân hoan đáp:
- Hóng mát ở cầu Bo, ăn kem cốc. Kem cốc ngon ba chê. Thúy có thích ăn kem không?
- Thích.
- Mới lại uống nước dừa nữa?
- Thích.
- Ăn ổi nữa?
- Ổi, Thúy cũng thích.
- Chiều nay, nhé!
- Chiều mai cơ...
- Sao lại chiều mai hở, Thúy?
- Chiều nay, Thúy đi thăm mộ ông, với bố mẹ.
- Thế nhất định chiều mai, nhé?
- Nhất định.
- Thôi, Vũ về đây.
Thúy đưa Vũ ra đường. Chờ Thúy khép kín cửa, Vũ co cẳng chạy, như thể chạy đua với niềm vui dào dạt. Chiều mai, chiều mai, chiều mai, bằng một ngàn buổi chiều khác. Đó là buổi chiều vàng, trong cuộc đời thơ ấu của thằng Vũ.