Buổi tối sau hai ngày công tác ở xã về, Hoài vào nhà thấy im ắng, cửa khóa bên ngoài, anh linh cảm có điều gì bất thường. Anh mở khóa vào nhà, bật điện, thấy trên bàn nước, dưới lọ hoa có một lá thư gởi cho anh, với nét chữ quen thuộc của Vy. Anh ngồi xuống ghế mở thư ra đọc. Anh thân yêu, Khi đọc thư này, em và con đã ra đi. Điều này có lẽ làm anh sửng sốt nhưng "mọi chuyện đều có thể xảy ra" kia mà, như anh vẫn nói. Vả lại, cũng như anh vẫn nói, "chúng ta đã đến với nhau hoàn toàn tự do thì cũng có thể rời bỏ nhau không có gì ràng buộc". Anh thấy không, em vẫn nhớ như in vào lòng bao điều anh nói và em đã chiêm nghiệm nó hằng ngày cũng như vẫn có những suy nghĩ độc lập của mình. Chuyện chúng ta chia tay nhau đã bao lần được nói đến ngay cả khi chúng ta mới về với nhau kìa. Chúng ta đã có nhau như một số phận đẹp đẽ và nghiệm ngã mà từng ngày từng giờ biết bao thử thách được đặt ra. Chúng ta đã sống với nhau những giờ phút ấm lòng nhất và cũng đã nếm trải bao vị chua cay, có khi lướt êm trên dòng sông mơ mộng và cũng có lúc quay cuồng trên thác lũ gập ghềnh. Biết sao được. Phải chăng đó là định mệnh của chúng ta, những người khát khao hạnh phúc nhưng lại quá trung thực và nhỏ bé trong cuộc đời. Em nói thế có nghĩa là em không oán trách anh đâu, mặc dù cũng có lúc anh hiểu làm em, cho em đã có trong mình tình cảm oán hận. Không đâu, chúng ta khao khát tìm về với nhau đâu phải để oán hận nhau. Ngày đó, trong những quán cà-phê dịu dàng của Sài Gòn, anh và em đã nói với nhau biết bao điều. Quán Mộng và quán Chiêu, hai quán cà-phê quen thuộc đã đi vào tình sử của chúng ta ghi dấu mãi mãi bằng tên đứa con gái đầu lòng. Mộng Chiêu, đó là một cái tên đẹp, dù nó có thể không có ý nghĩa gì, nhưng nó đã là nơi kết hợp ước mơ của chúng ta, những con người xa lạ đã gặp nhau và chia xẻ với nhau đến tận cùng hồn xác. Ôi, sài Gòn, em không bao giờ quên được thành phố vĩ đại lạ lùng mà quen thân những ngày tháng đó. Anh, một chàng trai tỉnh lẻ vì đấu tranh cho công bằng và những giá trị nhân văn anh theo đuổi đã bị trục xuất về đây chờ ngày lãnh án kỷ luật. Anh, một kẻ cô độc, lòng đầy phẫn nộ, lang thang trong thành phố xa lạ mênh mông này. Đã bao lần anh ngồi nghiền ngẫm tâm trạng mình hàng buổi trong các quán cà-phê hoặc gặm bánh mì và ngủ quên trên ghế đá công viên. Em, một cô gái mới lớn đã u sầu, ngột ngạt trong cuộc sống gia đình, một gia đình đông đảo và chật vật vì miếng cơm manh áo. Em phải vừa đi học vùa đi làm thêm và luôn luôn khao khát một chân trời hạnh phúc mơ hồ. Anh và em đã gặp nhau như một định mệnh. Những quán cà-phê của Sài Gòn những ngày tháng ấy thực ra cũng không có gì thơ mộng đẹp đẽ lắm. Những mái tranh, vách nữa và cây cảnh giả tạo phủ lên các căn nhà bê-tông cốt sắt để mong tạo nên một chút êm đềm đồng nội giữa thành phố đầy xe cộ tiếng ồn ào và không khí chiến tranh bao trùm. Những căn hầm, những gian phòng nhỏ, những ngọn đèn mờ, nhạc êm dịu, cho người ta những giờ riêng tư để nói chuyện tâm tình. Như anh và em, chúng ta đâu còn chỗ nào khác giữa thành phố bốn triệu người lúc nào cùng cuồn cuộn sôi trào vì cuộc sống. Trong khung cảnh đó, chúng ta đã nói với nhau về một hạnh phúc thanh bình riêng rẽ. "Thanh bình riêng rẽ - Separate peace" đó là ý tưởng trong tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Hemingway mà anh đã nói với em. Mơ ước của con người trong cơn lốc ác nghiệt của chiến tranh, mà có lẽ ở bất cứ thời đại nào, chân trời nào, những con người nhỏ bé vô danh cùng hướng tới. Đó nào phải là sự yếu hèn, chạy trốn? Người ta đã nhân danh bao điều cao cả để kêu gọi hy sinh nhưng rút cục hạnh phúc riêng tư của mỗi người có phải là một trong những điều cao cả nhất mà xã hội phải đạt đến? Nếu không, xét cho cùng, mọi sự hy sinh vì những điều tưởng là lớn lao nhất lại chỉ là một bi kịch của con người, trong đó những kẻ có uy quyền định đoạt số phận của cả xã hội trở thành những tên trục lợi. Nói như thế, bây giờ có lẽ anh lại cho rằng em bị nhiễm độc tư tưởng tiểu tư sản. Em không tranh luận với anh đâu. Em chỉ nói lên lòng mình. Dù sao đã có một thời anh và em đã nói với nhau và khát khao thứ "thanh bình riêng rẽ" đó. Nào có nhiều nhặn gì và gây phiền phức, thiệt hại cho ai đầu Một ngôi nhà nhỏ ấm cúng, một mảnh vườn đầy hoa, một ngọn đồi cỏ mượt, những đứa con xinh xắn chào đời... Chúng ta đã hối hả tìm về với nhau chỉ vì những ước mơ bé nhỏ đó thôi. Em đã từ bỏ tất cả những liên hệ củ đế về với anh. Cả gia đình, bạn bè, trường đại học, công việc, thành phố Sài Gòn... để đến với anh ở một tỉnh lẻ miền cao đèo heo hút gió. Anh còn nhớ chứ. Ngày chúng ta vội vã rời Sài Gòn, sau khi mua vé máy bay, đến nơi, anh và em chỉ còn hai trăm đồng trong túi, đủ đề ăn hai tô bún bò, trong ngày đầu tiên của cuộc sống tự do và chung đôi... Nhưng "thanh bình riêng rẽ" của chúng ta không sao thanh bình và riêng rẽ được. Anh đã cay đắng đọc câu thơ của kẻ sĩ ngang tàng Cao Bá Quát: "trói chân kỳ ký tra vào rọ, Rút ruột tang bòng trả nợ cơm". Và còn tâm hồn của anh nữa, một tâm hồn tràn đầy phản kháng không sao yên tình được trước những bất công, áp bức của cuộc đời. Căn nhà nhỏ ấm cúng, dù là căn nhà thuê, không giữ nổi chân anh. Anh lại lao vào cuộc đấu tranh mới. "Thanh bình riêng rẽ" chỉ là một giấc mơ, một thoáng lặng của cuộc đời anh luôn sôi trào bão tố.Anh đã đến với những người cộng sản. Tuy hồi đó anh chưa nói rõ lắm nhưng em cũng đã hiểu phần nào và chia xẻ với anh những gì có thể. Trong vòng vây của những người mà anh gọi là "kẻ thù, nếu anh sa cơ, thì ngoài anh ra, chính em - chứ không ai khác - sẽ là nạn nhân và kẻ thiệt thòi đầu tiên. Em làm sao không chia xẻ được khi lý tưởng của anh là độc lập, tự do, hạnh phúc cho mọi người, là chống xâm lược, tay sai ngoại bang, bất công áp bức, nghèo đói, tủi nhục mà dân tộc ta đã gánh chịu biết bao năm tháng? Dù nhỏ bé, anh vẫn luôn tự hào là kẻ ngẩng cao đầu đi trong lịch sử, không bao giờ chịu làm kẻ đứng bên lề. Ngày hôm nay, anh và những đồng chí của anh đã trở thành những kẻ chiến thắng, đạt được mục tiêu của mình. Mục tiêu thôi, nghĩa là những dấu mốc, nhưng cái đích trên đường đi, chứ mục đích sau cùng, lý tưởng đầy đủ của các anh hãy còn xa lắm, có khi còn xa hơn so với chế độ mà các anh đã đánh đổ. Em không hề bênh vực cho cái mà các anh gọi là "chủ nghĩa tư bản", "chế độ ngụy quyền tay sai". Trong chế độ đó, cả anh và em đều là nạn nhân, là những kẻ khốn cùng kia mà. Nhưng chế độ mới này, chế độ xã hội chủ nghĩa ngàn lần ưu việt hơn, nào đã thấy gì là tốt đẹp ngoài hào quang quá khứ, chiến thắng của những người cộng sản đang ngày một phai nhạt dần?Cũng như anh, sau năm 75, em cũng đã từng phấn khởi, tin tưởng. Nhưng đó có phải là thời gian bắt đầu được "giải phóng" không? Em và bao nhiêu người khác đã được giải phóng khỏi những cái gì và mang vào cổ nhưng cái ách mới nào? Thí dụ một điều nhỏ thôi, nhưng em không chịu đựng được cái gọi là tiêu chuẩn, chế độ phân phối. Mà có phải là nhỏ không, hay nó lại là cái cơ bản của những điều vô cùng lớn của một chế độ? Tại sao cán bộ, đảng viên có chức quyền được ăn thịt nhiều hơn, mua vải tốt hơn, các mặt hàng cung cấp đều đầy đủ hơn, có xe cộ đi lại, cái gì cùng hơn cả so với công nhân viên chức thường và nhân dân? Quá khứ họ đã cống hiến nhiều hơn ư? Có thể. Nhưng hiện nay họ làm việc nhiều hơn thì cái đó không chắc. Một giáo viên bình thường như em làm việc vất vả hơn nhiều so với hiệu trưởng và trưởng phòng giáo dục. Nhân dân làm việc nhiều hơn so với cán bộ. Phải chăng đây bắt đầu hình thành một giai cấp mới, một giai cấp bóc lột của kẻ cầm quyền mà bất cứ chế độ nào cũng có, nếu nhân dân, những kẻ bị cai trị không có hoạt động chống đối lại? Phải chăng đó là "sự tha hóa của uy quyền" mà chế độ nào cũng thế, kể cả đối với nhưng người cộng sản, dù họ đã có cảnh giác đối với nguy cơ này? Cộng sản cũng là con người thôi. Và như anh vẫn nói, con người cao hơn cộng sản, phổ quát hơn cộng sản, trường tồn hơn cộng sản. Chao ôi, trong bức thư này mà em lại nói "chính trị" nhiều quá. Bức thư giã biệt và cũng có thể là vĩnh biệt. Nào ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra? Em vốn là con người sống nặng về tình cảm, không thiên về lý trí, thế mà sau năm 75 cũng đã bị chính trị hóa. Anh và em thường xuyên tranh cãi về các vấn đề chính trị. Chính trị đã đến trong bữa ăn, theo dõi lúc đi chơi và len cả vào giường ngủ của vợ chồng. Ghê gớm quá. Đó là dấu hiệu của con người được giải phóng hay sao? Cũng có thể một phần là như thế, khi con người có suy nghĩ và quyền làm chủ đối với cuộc sống xã hội và bản thân mình. Nhưng tiếc thay, ở đây người ta chỉ được nói, bàn và làm theo nghị quyết chứ không hề có tự do tư tưởng, lựa chọn thái độ cá nhân. Nói và làm khác nghị quyết có nghĩa không phản động cũng là lạc hậu. Đây là một thứ chính trị độc tài chuyên chế, không phải của giai cấp vô sản là nhân dân lao động, mà chính là của những người cộng sản, một số ít những người lãnh đạo và cầm quyền. Bất kể mọi ngôn từ hào nhoáng hay lý thuyết gì đi nữa, theo em, đó là bản chất của chế độ chính trị hiện nay. Em nói thế tức là đã chống lại quan điểm của những người cộng sản, trong đó có anh. Em nhỏ bé, yếu đuối quá, kể cả trước riêng anh, nói gì trước bộ máy không lồ ghê gớm của những người cộng sản. Những người cộng sản có thể mặc kệ họ. Lịch sử sẽ phán xét họ. Nhưng đối với riêng anh, em phải lựa chọn một thái độ. Em phải nói hết lòng ý mình và lặng lẽ giã biệt anh. Bởi vì những cuộc đối thoại, tranh cãi giữa chúng ta, dù mục đích để cảm thông nhiều hơn, nhưng rút cục chỉ có bất đồng và ngộ nhận nhiều hơn, đưa đến căng thảng hơn. Chúng ta về với nhau để chung cùng một thanh bình riêng rẽ, nhưng bây giờ sóng gió, thậm chí bão tố đã nổi lên. không phải từ chỉ bên ngoài mà chính ngay từ trong căn nhà nhỏ này, nơi chúng ta chung sống. Xa anh em đau lòng biết bao nhiêu. Cả Mộng Chiêu nữa, dù con còn quá bé nhỏ. Em đã hỏi nó trước khi ra đi: "Xa bố con có buồn không?". Nó trả lời: "Buồn lắm mẹ ạ" và nước mắt lưng tròng. Em chỉ nói với con đơn giản là hai mẹ con về với ngoại ít lâu chứ làm sao giải thích được cho con những điều em viết trên đây May ra mai sau con lớn lên. Anh yên tâm em sẽ dạy con nên người. Em sẽ truyền cho nó khí phách cương trực của anh, người không biết cúi đầu trước uy quyền và bạo lực và làm cho con hiểu những gì là giá trị chân chính trên cuộc đời này. Chúng ta đã có với nhau biết bao kỷ niệm, cả ngọt bùi và cay đắng. Anh mãi mãi là người thân yêu nhất của em. Ngày trước khi ngồi trong quán cà-phê "Hàm gió" ở Sài Gòn, anh đã nói với em về một câu của Saint Exupéry: "Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng". Nhưng có lẽ bây giờ chúng ta đã nhìn về hai hướng khác nhau rồi. Chính trị đã làm ra điều đó anh là người cộng sản, cách mạng, còn em là kẻ "chưa giác ngộ". Và anh không thể giác ngộ nổi em, dù anh đã từng kiêu hãnh bảo rằng "người cộng sản có thể cải tạo toàn thế giới". Em cũng đã đọc loáng thoáng đâu đó về "thói kiêu ngạo cộng sản". Mà thôi, nói thể lại rơi vào chính trị mất trong khi em đang cố thoát ra đây. Em đi rồi anh toàn quyền quyết định mọi chuyện. Và ngay cả khi chúng ta cùng chung sống cũng thế thôi. Chúng ta đâu có đầy đủ tự do mà, ít ra là trong những quyết định cá nhân. ở đây em cũng muốn nói đến chuyện anh với cô Nga nào đó mà em chưa hề biết mặt. Anh chưa bao giờ nói với em và em cũng chưa bao giờ nói với anh về chuyện đó dù em đã nghe người ta nói lại nhiều điều, nhất là từ hôm cô Nga tự tử được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Không phải em ghen đâu, dù em có quyền ghen vì em yêu anh và là vợ anh, lại càng không phải đây là lý do để em ra đi. Nếu anh yêu cô ta và em trở thành một ràng buộc nặng nề đối với anh, anh hãy cứ nói thẳng ra và đến với cô la. Anh vẫn luôn tự hào là người trung thực thì đừng bao giờ dói trá, đừng bao giờ làm kẻ phản bội. Em ghét cay ghét đắng sự dối trá và phản bội. Em vốn là người thủy chung, dù đối với anh, thủy chung trong tình yêu chưa chắc đã là một đức tính. Em sẽ không làm khó dễ gì anh đâu và chuyện pháp lý đối với chúng ta đâu có nghĩa lý gì. Chúng ta về với nhau đâu can đến pháp lý. Pháp lý cao nhất là con tim và tâm hồn chúng ta. Không có những điều đó, pháp lý chỉ là những tờ giấy lộn có đóng dấu bị vứt vào sọt rác mà thôi. Có bao giờ chúng ta lại về với nhau không? Câu hỏi làm em đau như dao cắt. Em vẫn yêu anh như ngày nào nhưng phải xa anh. "Hãy tự quyết định lấy đời mình". Đó là lời khuyên của anh và em đã thực hiện, lần thứ hai trong đời. Lần đầu em đã từ bỏ tất cả để về với anh và lần này em lại lìa bỏ anh. Phải chăng đó là số phận nghiệt ngã của em trong cuộc đời này. Cho em hôn anh lần cuối. Dịu dàng và xiết bao đau đớn.Vợ anhHoài đặt lá thư xuống bàn. Những cánh hoa bướm đủ màu mảnh mai trong lọ rung rinh nhẹ nhàng trước mặt anh. Những cánh hoa Vy yêu thích, trồng đầy vườn và vẫn cắm trong nhà. Gần như những cánh hoa mộc mạc vô danh. Những cánh bướm dịu dàng tráng muốt, tím nhạt. đỏ thắm... Những chiếc cành mỏng manh và những cánh hoa nhẹ nhàng rung động. Đó là tâm hồn của Vy. Làm sao Vy có thể chịu đựng được sự thô bạo phù phàng, bất cứ từ đâu tới?Nhưng em ra đi là vì mọi chuyện hay vì chính anh, kẻ dối trá và phản bội? Chao ôi, tưởng tình yêu và trong chính trị, anh cũng gớm ghét hai từ này. Thế mà bây giờ, dưới mắt em, người hiểu anh và yêu thương anh hơn ai cả, hai từ này đã hiện ra, tuy chưa khẳng định nhưng đã là một dấu hỏi. Dấu hỏi này, than ôi, anh cũng đang tự đặt ra, không phải chỉ cho riêng anh mà cho cả chế độ này, chế độ trong đó anh mơ ước được làm người trung thực. Hoài ngồi mãi ở đó. Trước lá thư và những cánh hoa bướm dịu dàng. Cả khi điện tắt theo giờ quy định và căn nhà chìm trong bóng đêm. Anh muốn chìm vào đêm đen để gậm nhấm nổi đau của mình và chiêm nghiệm về ánh sáng.