Đoạn kết
Phụ Lục 2
Nửa đời nhìn lại và Nửa Đời Còn Lại

Phạm Ngọc Lân
(Giới thiệu những bài viết về cuốn Nửa đời nhìn lại và lời tâm sự của Tiêu Dao Bảo Cự khi đọc những bài đó)
Lời nhà xuất bản: Khi cuốn Nửa đời nhìn lại được xuất bản lần thứ nhất năm 1994 do nhà Thế Kỷ ở Cali, đã có hơn chục bài báo giới thiệu và phê bình tác phẩm trong làng báo cộng đồng người Việt hải ngoại. Chúng tôi có ý định phổ biến những bài phê bình đó trong lần xuất bản thứ hai này, nhưng vì khuôn khổ cuốn sách, không thể in nguyên văn, nên chỉ xin được trích đoạn sau đây, qua phần trình bày của Phạm Ngọc Lân là người sưu tầm những bài viết đó, cũng là người giữ bản thảo Nửa đời nhìn lại.
"Ông nhắn lại với tác giả cuốn Nửa đời nhìn lại là quân cảnh chúng tôi chắc chắn không có "quê" như trong cuốn truyện đâu. Gặp tay tôi mà vây bắt Việt Cộng là không thể thoát". Hoàng Khởi Phong vừa nói vừa cười rung rinh râu mép. Anh từng là Đại úy quân cảnh, đồng thời là tác giả nhiều tập thơ và truyện trước cũng như sau 75. Bảo Cự cũng có râu mép, nhưng anh từng là đảng viên cộng sản, nay là cựu đảng viên và tác giả cuốn Nửa đời nhìn lại, trong đó có đoạn anh tả nhân vật Hoài - một giáo sư trung học hoạt động cho cộng sản - tổ chức tập hợp một số học sinh cốt cán bồi dưỡng về quan điểm cách mạng dưới hình thức trao đổi chuẩn bị thuyết trình môn văn trong trường. Quân cảnh ập vào lục soát vì tinh nghi Việt Cộng, nhưng không bắt được tang chứng. Cành này xảy ra tại một thị xã miền cao nguyên trước năm 1975.
Hoàng Khởi Phong nói đùa với tôi khi gặp nhau ở Cali trong tòa soạn nhật báo Người Việt đầu tháng 8 năm 94, vài tháng sau khi cuốn Nửa đời nhìn lại được xuất bản lần thứ nhất. Sở dĩ có câu nói đùa đó vì tôi hỏi anh đã đọc đoạn văn kể chuyện "Quân cảnh bắt hụt Việt cộng" chưa? Sau câu trả lời đầy khẳng định của anh, tôi cùng đùa lại: "Quân cảnh Bảo Lộc chắc phải thua quân cảnh Pleiku các ông rồi".
Sự tình cờ đã không khiến anh thi sĩ quân cảnh Hoàng Khởi Phong phải vây bắt anh giáo sư cộng sản Bảo Cự trước đây, nhưng giờ đây đã đưa đảy anh nhà văn Hoàng Khởi Phong ở tận Quận Cam bên Cali viết bài giới thiệu cuốn sách của anh nhà văn Bảo Cự ở xứ sương mù Đà Lạt. Trên nhật báo Người Việt chủ nhật 17 tháng 7-94, Hoàng Khởi Phong mào đầu bằng cái tên Bảo Cự của tác giả:
"Đối với người cộng sản thì cái tên đó chính là một trong những cái đích triệt hạ ngay từ khi đả cộng sản vừa mới nhú ra từ trong bóng tối. Nội cái tên đó đã không lấy gì làm lợi cho người mang nó. Đã thế anh lấy bút hiệu là Tiêu Dao, cái bút hiệu này cũng cho ta thấy anh sẽ không bao giờ thực sự sờ được quyền bính chứ đừng nói tới việc nắm được quyền bính. Những người hiện nay đang nắm quyền bính trong tay có biệt hiệu là Sóng Hồng, Sao Đỏ, Bạch Đằng, Tam Đảo... Cũng có thể rất giản dị là Văn, Vũ, hay mộc mạc như anh Ba, Năm, Bảy. Chẳng có ai tiêu sái giang hồ, ngao du sơn thủy cả. Cái bút hiệu Tiêu Dao này để dành cho những anh tiểu tư sản, những anh lãng đãng ngoài vòng. Mới thấy cái tên ông không thôi, tôi đã thấy hàm chứa đôi điều bất ổn".
Nói về bố cục và thể loại của quyển sách, Hoàng Khởi Phong viết:
"Mỗi tiểu đoạn đều có tiêu đề rõ rệt, có thể đứng riêng rẽ như một bài viết trong bất cứ tờ báo hay tạp chí nào. Đôi khi những tiểu đoạn này được viết như là những truyện ngắn với một kỹ thuật cao. Tôi có cảm giác ngờ ngợ khi quyển sách đề là Truyện, có lẽ chính nhà xuất bản cũng như tác giả cùng phân vân trước thể loại của quyển sách. Nó có thể là một "truyện dài", mà cũng có thể là rất nhiều "truyện ngắn" kết hợp lại xoay quanh vài nhân vật, những mẩu chuyện hàng ngày trong cuộc đấu tranh ghê gớm giữa con người và con người, giữa đồng chí và đồng chí, giữa những người trung kiên và những người phản bội. "
Luận về Sự Thực và Lý Tưởng, Hoàng Khởi Phong cho rằng Tiêu Dao Bảo Cự
"không hề nghĩ đến việc làm văn chương trong tác phẩm đầu đời của ông. Cái ông nhắm tới là Sự Thực. Phải, đúng như thế, sự thực cho dù có đau lòng đến đâu Tiêu Dao Bảo Cự cũng phải bước qua sự thực một lần trước khi nói đến chuyện văn chương chữ nghĩa. Văn chương mà làm gì, nếu nhà văn cứ phải nói dối, cứ phải bịt tai lại, nhắm mắt lại mà đi thì chẳng thà nôm na mách qué, nhưng nói thật, nói thẳng để mọi người cùng thấy vì đâu mà lý tưởng càng ngày càng mỏng đi, càng ngày càng khan hiếm nơi những con người đã có một thói sẵn sàng chết cho lý tưởng, lại nói về lý tưởng, khoan hãy nói tới đúng sai. Biết thế nào là đúng, và biết thế nào là sai. Đúng với sai nhiều khi chỉ cách nhau có một sợi tóc. Nếu không vì một lý tưởng thì chắc chắn không có quyển sách này. Trong tiểu sử của Bảo Cự, nếu ông muốn sống một cuộc đời bình lặng, êm ả thì trong cương vị của một giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ông đã có thể gây dựng được căn nhà nhỏ yên bình bên người vợ ông yêu quý. Phải nói là ông đã được đời đãi ngộ hơn nhiều người cùng thế hệ với ông đang dập mật trong cuộc chiến. Ông là người yêu cái đẹp, chuộng lẽ công bằng, thế mà cái xã hội miền Nam ông đang sống đó chứa nhiều bất công, nhiều áp bức. Trong khuôn khổ của các đại học đường, ông được dạy dỗ những điều khác, và khi ông giáp mặt với cuộc đời, ông chạm mặt với những điều khác. Ông được đào tạo như một trí thức thế tất phải hành động như một trí thức. Ông muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hon, nên vì thế mà ông ngã vào vòng tay của những lực lượng đang chống lại cái xã hội ấy, chính quyền ấy. Đó là con đường ngắn nhất của Tiêu Dao Bảo Cự dẫn ông đến tình trạng hiện nay".
"Căn bệnh chung của những người trí thức tiến bộ là khuynh tả. Bảo Cự cũng không tránh khỏi điều này. Khi ông hoạt động nội thành cho cộng sản tôi không nghĩ là ông đã có đủ thời gian nghiền ngẫm, tìm tòi, quan sát lực lượng mà ông sẽ tham gia. Tuổi trẻ thì bị chi phối bởi cảm xúc. Những người liên hệ với ông có biết bao nhiêu hình ảnh đem tuyên truyền, để kết thân, do đó mà chỉ một thời gian ngắn sau ông đã được kết nạp vào Đảng cộng sản".
Hoàng Khởi Phong tiếp tục phân tích những chuyển biến nội tâm của tác giả Nửa đời nhìn lại, khi mà những người cầm quyền đã trở thành những kẻ thống trị:
"Cái máu cách mạng của Bảo Cự lại vùng dậy. Anh lại dại dột đứng về phiá sự thật để đòi hỏi những gì anh đã có trước năm 75. Anh đau lòng nhận ra anh đã góp phần vào công việc lật đổ một chế độ tồi tệ để thiết lập một chế độ tồi tệ hơn. Giờ đây anh đã bước vào tuổi ngũ tuần anh không còn là những người cách mạng nhiệt thành trẻ tuổi như trước kia anh đã từng. Bây giờ anh chỉ còn có thể nói lên sự thật. Tất cả những sự thật anh đã trải qua, anh đã biết, anh đã nếm. Anh đã đau... "
Hoàng Khởi Phong cũng chia xẻ ý kiến của một số người về cách pha trộn thể loại của tác giả:
"Rất nhiều người cho là cách pha trộn thể loại giữa tiểu thuyết và hồi ký của Tiêu Dao Bảo Cự không có lợi cho anh. Nhiều người khác cho là với những gì chứa trong hơn ba trăm trang sách này anh có thể thực hiện hai tác phẩm. Một là quyển hồi ký những đắng cay anh gặp trong lúc hoạt động nội thành, trong khi được kết nạp đảng viên cũng như trong khi làm phó tổng biên tập tạp chí Langbian, hai là một quyển truyện tuyệt hay đưa vào đời của vài nhân vật như Mây Đầu Non, như Sơ Huyền, thậm chí đến con chó của Sao Trên Rừng được nhà thơ của miền Nam gọi là Người...Trộn những dữ kiện này lại làm mất đi tính thuyết phục của hồi ký, đồng thời trên lành vực tiểu thuyết nhà văn cũng không phô diễn hết được những ban sắc riêng biệt của nhà văn".
Nhắc đến kiểu pha trộn thể loại lên đây, tôi lại nhớ trong một dịp gặp Nguyễn Thị Hoàng Bắc ở nhà Trương Vũ, chị hỏi thăm tôi về gia đình Bảo Cự bây giờ ra sao, vì cuối truyện thấy nhân vật Hoài bị vợ là Vy bỏ đi lần thứ "n" thì ái ngại quá, tôi nói trời ơi chị lầm hư cấu với thực tại rồi, hai vợ chồng Bảo Cự vẫn sống với nhau hạnh phúc chứ đâu có hợp-tan tan-hợp như hai nhân vật Hoài-Vy trong truyện? Khi cuốn Nửa đời nhìn lại được nhà xuất bản Thế Kỷ cho ra đời đầu 94, hai người viết bài đầu tiên về cuốn sách là hai nhà văn nữ, Nguyên Thị Hoàng Bắc và Trương Anh Thụy. Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong lời "Chúc Lành" trên tạp chí Thế Kỷ 21 xuất bản tại Cali tháng 3-1994, đã bắt đầu bằng một câu hỏi:
"Nửa đời nhìn lại là tiểu thuyết hư cấu hay là bút ký người thật việc thật hay hơn nữa là những bài lý luận mang tính bút chiến của một tác giả tràn đầy tình cảm, thiết tha sôi nổi, đau đớn nhọc nhằn, nhức nhối băn khoăn, nhiệt tình và rực lửa dù có lúc đã chìm sâu xuống tận đáy vực của đau khổ tuyệt. và ruồng bỏ?"
và tự trả lời:
Nửa đời nhìn lại mang tất cả những tính cách đó và hơn thế nó là xương là thịt, là máu, là tủy, là tình yêu. là nước mắt, là hạnh phúc, là đớn đau, là nhục tình, là hy sinh, là đóng góp và tất cả là thể nghiệm của một con người đem chính cuộc đời mình ra - chứ không thể là ai khác, cái gì khác - để chứng minh cho những suy tư, khắc khoải, những lý tưởng và ngụy tín, những chân lý và trá ngụy, những điều đáng sống và những mất mát của cuộc đời.
Về sự đón nhận cuốn sách, Nguyễn Thị Hoàng Bắc tiên đoán:
"Nhắm mắt lại tôi cũng có thể hình dung ra vài thái độ đón nhận tiêu cực Nửa đời nhìn lại trong không khí của bạn đọc hải ngoại như sau:
Một số người đọc sẽ dè bỉu: ồ, có cái gì đâu mà làm ầm ĩ, một tên ngu dốt dại dột hám danh hám lợi, cách mạng ba mươi, một tên chầu rìa theo đảng nay bị đảng cho de và đang ai oán. Một số khác lại xoa tay sung sướng. ta đã bảo, Việt Cộng là cái tụi không ra gì, ngay từ đầu ông đã sáng suốt đem vợ con tếch đi Mỹ. Nay thì cả nhà ta đã may mắn và hạnh phúc, các con đều đỗ đạt ông này ông nọ, dại dột ở lại thì rán mà chịu chứ than thở cái nổi gì. Một số khác lại có thể xem Nửa đời nhìn lại của anh như một bản cáo trạng về những xấu xa và tội ác của Cộng sản và như thế càng làm sáng ngời thêm chính nghĩa chống cộng đến chiều và triệt để của phe ta.
Có lẽ phản ứng trong nước cũng không thuận lợi theo một chiều hướng khác và có lẽ đã đoán trước được những lạnh nhạt dè bỉu đó, ở cuối tác phẩm, Bảo Cự đã viết mấy lời gởi gắm nửa đời, của mình đến các bạn thân của anh. Và do đó, vượt hẳn trên tất cả những tố cáo, phê phán suy tư trăn trở, đánh giá, những cảm nhận về tình yêu, hạnh phúc đau khổ những ngọt bùi cay đắng của tình bạn bè, đồng chí, tình vợ chồng, những đấu tranh để giành lại các giá trị thiêng và tối cần thiết của tự do, vượt lên tất cả những phản ánh hồn nhiên và có dụng ý của Nửa đời nhìn lại của Bảo Cự, có lẽ có nỗi cô đơn của tác giá. Bảo Cự và Mây Đầu Non (mà người đọc dễ dàng nhận ra hình ảnh của nhà thơ Sao Trên Rừng) ở đây có những điểm tương đồng đặc biệt và có lẽ vì thế trong một hoàn cảnh lịch sử, hai người từ ở hai thế đứng hoàn toàn khác biệt nhau, một người là đang viên cộng sản tin tưởng và dồn hết nhiệt tình của mình cho sự nghiệp của đảng gắn liền với trách nhiệm đối với đất nước một người tuyệt đối chống đảng, chống một cách hầu như triệt để, đem vợ con về một nơi rừng hoang vu "trồng lấy ruộng mà ăn, đào lấy giếng mà uống thì vua chúa làm gì được ta", lại hết sức thân thiết, thật thà, thẳng thắn với nhau như trong một tình bạn lý tưởng. Bảo Cự đã phác vẽ mấy dòng về chân dung của Sao Trên Rừng hay chính trong tâm tư tiềm thức, anh cũng đã tự tìm thấy mình như thế, như những con người trung thực luôn luôn thấy mình cô đơn giữa cuộc đời này...
"Anh ta điên hay anh ta đích thực là một con người chân chính không thể sống giữa cuộc đời trá ngụy này?"
Nguyễn Thị Hoàng Bắc có thấy hơi lấn cấn về hình thức mà tác giả đã chọn lựa, nối kết hai phần hoàn toàn khác nhau về thề loại tiểu thuyết và bút ký, nhưng vẫn kết luận:
Dù xét dưới dạng một tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, viết ra vì tính cách văn chương hay nhằm phục vụ một luận đề như học giả Hà Sĩ Phu đã định loại thì tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại vẫn là một tiểu thuyết thành công. Dù là không có ý trích dẫn để bình luận phê phán, tôi vẫn không thể cầm lòng mà không đọc lại những câu văn là thơ của Nửa đời nhìn lại
"Tình cảm như con ngựa bất kham chợt lồng lên, như cơn gió lốc tự nhiên xoáy tròn bốc cao đến tận trời xanh, như hoa nở về đêm âm thầm tỏa hương, như sương mù mỗi sớm mỗi chiều trên xứ sở này cuồn cuộn dâng lên rồi tan đi trong khoảnh khắc. " Những nét phác họa mà như những giọt lệ nóng còn đọng mãi nơi khóe mắt một người."
Còn vợ của Mây Đầu Non, chao ôi, hầu như Hoài không còn nhận ra người phụ nữ xinh đẹp với cặp mắt xanh biếc và hàng mi dài rợp bóng liêu trai. Trước mặt Hoài là một phụ nữ tong leo, quần áo rách rưới, tóc vàng cháy, đang còng lưng dưới bó củi nặng. Khi chị vứt bó củi ngước lên, Hoài mới nhận ra giữa khuôn mặt gầy guộc lem luốc bụi than, một phần đôi mắt xưa, nhưng nhuốm nỗi u Hoài mù mịt trong đó ánh lên nét hoang dã căm hờn như trong đôi mắt của mấy đứa con. " Những nụ cười tuy hiếm nhưng không phải là không có, duyên dáng cách hồn nhiên như câu chuyện ông bí thư tỉnh ủy tán gái rất "ngộ". "Tao bây giờ muốn lấy vợ, mày chịu lấy tao không, tao cưới liền... "
Tóm Lại là một tiểu thuyết có đủ hỉ nộ ái ố dục theo quan niệm cổ điển hay tân thời và làm cho người đọc khóc cười theo với nó, là một tiểu thuyết thành công, chứ sao! Nhưng Nửa đời nhìn lại và Bảo Cự không dừng lại ở mức viết một tiểu thuyết và thành ở một tiểu thuyết. Cái can đảm đi suốt nửa đời mình, sống với những điều mình tưởng, chiến đấu trong cô đơn và đôi khi tuyệt vọng trong một cuộc chiến không cân sức mà vẫn không đầu hàng khuất phục, cái can đảm không mù quáng, chấp nhận phê phán những sai trái trong lý tưởng của mình, nhận trách nhiệm trong riêng tư cũng như trách nhiệm trước lịch sử đó phải chăng mới là niềm gửi gắm của Bảo Cự và Nửa đời nhìn lại "
Và cuối cùng Nguyễn Thị Hoàng Bắc gửi đến tác giả một lời chúc:
"Anh Bảo Cự, Nửa đời nhìn lại anh đã qua một cách trọn vẹn, chúng tôi đón chờ, tin tưởng và xin chúc lành anh ở Nửa đời còn lại".
Đoàn Văn trên Phụ Nữ Diễn Đàn (số 122, trang l01) cũng xuất bản tại Cali đã trích lại Nguyễn Thị Hoàng Bắc về sự đón nhận Nửa đời nhìn lại trong cộng đồng người Việt hải ngoại để "vững tin rằng những điều lo xa của tác giả Chúc Lành là không có, không xảy ra đâu!"
Đoàn Văn cho rằng:
"đây là một kinh nghiệm sống thật, một nửa đời đã qua mà nay nhìn lại một cách chân thành, dõng dạc, để rồi quyết tâm đi nốt phần còn lại cho tròn, đến chỗ viên mãn chăng? Và đây là một quyển sách đẹp, từ hình thức đến nội dung, qua đó tác giả, cũng như người viết Tựa, viết Bạt, không ai đã xử dụng đến thứ ngôn ngữ kém khiêm nhường, trái lại, đầy thông cảm, xót xa."
Tâm Việt cũng viết một bài giới thiệu nhiệt tình đăng trên bán nguyệt san Ngày Nay xuất bản tại Houston, Texas (số 293, 15-3- 94) và Ti vi tuần san xuất bản bên úc (số 417, ngày 23-3-94):
"Đầu năm, ở trong nước đưa ra một cuốn sách mà chắc chắn sẽ còn được nói đến dài dài trong những ngày tháng tới.
Tâm Việt có một cái nhìn khác nhà phê bình Đặng Tiến về việc pha trộn thể loại trong Nửa đời nhìn lại:
"Nói như thế, thật ra Đặng Tiến chỉ chứng tỏ được mình là một người thích lối văn cổ điển, "tiểu thuyết phải ra tiểu thuyết, bút ký phải ra bút ký, không thể lẫn lộn được"
và dẫn chứng John Dos Passos trong tác phẩm The 42nd Parallet xuất bản năm 1930 đã pha trộn hư cấu và lịch sử, cũng như Faulkner đã kết hợp những đoạn kể truyện và những đoạn mơ... để kết luận:
"Một người quen đọc loại sách "nonfiction" kiểu này (lối bút ký được cố ý đưa vào để làm tăng thêm tính chất xác thực của những đoạn hư cấu) sẽ không hề ngỡ ngàng khi đọc sách của Tiêu Dao Bảo Cự. Do vậy nên tôi, cá nhân tôi, thấy cuốn sách rất dễ đọc, hấp dẫn từ đầu đến cuối, và niềm tin của người đọc được củng cố bởi những điều mà chính mình có thể kiểm chứng được. Nếu chuyện Mây Đầu Non chính xác, ăn khớp với những ký ức ta có về nhà thơ Nguyễn Đức Son - cái ngang tàng, cái yêu quê hương đất nước, yêu cả cỏ cây của anh - thì những truyện trong sách có nhiều khả năng là cùng đúng nốt."
Tâm Việt trích tựa của Đặng Tiến, đoạn về "thế hệ bất hạnh" của Bảo Cự: "nhìn từ phía nào đi nữa, anh và các bạn đồng hội đồng thuyền của anh đều bị nghi kỵ và đố kỵ. Từ phía cộng sản, ngoan ngoãn lắm anh sẽ được yên thân trong một chức vụ gì đó ở Mặt Trận Tổ Quốc hay Hội Đồng Nhân Dân, xông xáo khôn khéo lắm, may ra được một chân đại biểu quốc hội ngồi chơi xơi nước - là hết nấc. Từ phía những người chống cộng, hay không ưa cộng sản, anh là ké phản bội, nối giáo cho giặc, họ thù ghét anh hơn thù ghét các đảng viên chính tông chính thống hét ra lửa mửa ra khói."
"Anh Đặng Tiến đã nhầm ". "Từ phía những người chống cộng, hay không ưa cộng sản như tôi (tôi còn tự gọi tôi là Quốc gia nữa), tôi xin thưa ngay là tôi không hề "thù ghét anh! Không phải chỉ có mình tôi nghĩ vậy, bằng chứng là nhà xuất bản Thế Kỷ chắc cũng không thù ghét anh " nên mới in sách của anh. Chúng tôi biết ơn anh, cũng như chúng tôi biết ơn tất cả những người nào đi lầm đường rồi có can đảm nhận ra điều đó, để mà cảnh tỉnh anh em. Như sự trở về của đứa con hoang trong Kinh thánh, anh vì hối lỗi thực sự nên có thể tin là Mẹ Việt nam sẽ mở rộng cánh tay đón nhận anh về trong lòng dân tộc".
Trên báo Diễn Đàn xuất bản tại Paris (số 31 tháng 6-94), Hòa Vân chú trọng hơn tới luận đề:
Trang đầu cuốn sách, tác giả ghi thể loại tác phẩm: truyện. Nhưng đây không phải là tiểu thuyết. Tự truyện có lẽ đúng hơn. Nửa đời nhìn lại. Tư truyện với nhiều chi tiết hư cấu, một số tên người và địa danh được thay đổi, tuy tác giả không hẳn là nhân vật trung tâm của tác phẩm! Nhân vật trung tâm là một luận đề: sự tha hóa con người. Đúng hơn, như Hà Sĩ Phu viết trong lời bạt, một sự tha hóa "đặc biệt ở chỗ nó diễn ra ở một xã hội theo chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân danh chống tha hóa, nhân danh sự giải phóng và tôn vinh con người". Sát hơn nữa, một sự tha hóa trong đó tác giả là một nạn nhân trực tiếp, được kể lại trong khung cảnh thực của nó với những sự việc xảy ra chung quanh hoặc liên quan tới anh, cả trong cuộc sống riêng và cuộc sống xã hội, với cao điểm là một sự kiện chính trị - văn học nhiều người còn nhớ, cuộc đàn áp văn nghệ sĩ chỉ hơn một năm sau chính sách "cởi trói văn nghệ" của đảng cộng sản Việt nam. "
Hòa Vân đánh giá cuốn sách qua giá trị nhân chứng của nó: "Nửa đời nhìn lại có những mặt yếu (Đặng Tiến đã nêu vài điểm trong lời tựa), cũng có nhiều trang viết hay và cảm động (mối tình của Hoài với Vy hay với Sơ Huyền). Nhưng mục đích của tác giả không phải là viết một tiểu thuyết, một truyện về đời mình, mà muốn chiêm nghiệm qua chính cuộc sống của mình gửi tới người đọc những thao thức ưu tư, suy nghĩ rộng lớn hơn về cuộc đời, về tình hình đất nước hiện nay. Giá trị của tác phẩm là một giá trị nhân chứng. Một nhân chứng ôn tồn và rất tâm huyết mà người đọc có thể cảm nhận trong phần kết "Trầm tư từ thung lũng" tác giả viết như một bức thư trò chuyện với bạn bè về chính cuốn sách của mình, về những tâm tư, suy nghĩ mình gửi gấm trong sách".
Đỗ Mạnh Tri thì "Lan man chuyện... tình với Bảo Cự" trên Thông Luận xuất bản tại Paris (số 73, tháng 7 và 8-94):
"Đối với một số đảng viên đảng cộng sản, chuyện đảng là chuyện tình và chuyện thất tình. Trong Nửa đời nhìn lại, Bảo Cự viết "Tâm trạng của anh phải chăng là tâm trạng của một kẻ có người tình phản bội?". Đó là tâm trạng của Hoài khi nghĩ tới chuyện bỏ đảng. Sau khi bị khai trừ, Hoài - Bảo Cự thú nhận: " Minh Hương và tôi đã lường trước mọi điều, lý giải chúng đến tận cùng, kể cả tình huống bị khai trừ đảng. Nhưng điều gì đó khác thường vẫn xảy ra trong lòng Minh Hương và tôi [... l. Một chút nao lòng. Một cơn đau đớn dịu nhẹ. Thấm dần, thấm dần. Len giữa những lý luận. Len giữa những cuộc gặp gỡ bạn bè... ". "Len giữa những lý luận! " Hiểu rồi. Người ta tống ra khỏi đảng mà còn thế, huống chi trước kia! Trước kia rõ rành là len át những lý luận? Le coeur a ses raisons. Ôi cái lý của tình, khéo là trói buộc cái lý của lý. Muốn thông cảm với những người như Hoài nên mới nói ói cái gì "xảy ra trong lòng " trước khi lý giải " cái gì diễn ra trong đầu. Máy Đầu Non nói đúng. Hoài là anh cộng sản dỏm ". Vợ Hoài cay chua. "Em không có lý luận bằng anh nhưng rồi anh sẽ sáng mắt ra". Thâm lắm nàng Vy. Hoài sẽ sáng mắt ra khi nào anh bớt lý luận để biện hộ cho đảng như một kẻ si tình. Tốt nhất là anh đừng lý luận, lý giải, chỉ mở to đôi mắt nhìn vào thực tại sẽ thấy ngay cái đảng anh quý mến là một ảo tưởng hoàn toàn xa lạ và trái ngược với cái đang có thực. Anh sẽ nhận ra ngay rằng mối tình giữa anh và đang cộng sản là một sự lầm lẫn thảm hại. Anh đã yêu thương một guồng máy vô nhãn đạo, anh đã khoác vào cỗ máy đảng tất cả lý tưởng trong sáng và mãnh liệt của đời mình để rồi anh tôn vinh nó và để nó nghiền nát anh. Anh phải mất đảng để mất hết, mất hết ảo tưởng và lấy lại được lý tưởng, tìm lại được chính mình...
"Hoài đặt cây đàn xuống, nhìn qua cửa kính, cơn mưa đang ào ạt bên ngoài:
- Thế mà đã có lúc, hồi mới giải phóng, khi làm công tác đoàn, nói chuyện với thanh niên, anh đã phê phán những bài hát này và cả những người hát nó....
...Anh đã cuồng lên và cực đoan khi tiếp thu chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ, ngược lại, anh cảm thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những bản tình ca, những lời yêu thương, những nỗi muộn phiền riêng tư vẫn mãi mãi bất tử vì đó chính là con người. Con người cao hơn và trường cửu hơn chủ nghĩa cộng sản hay bất cứ chủ nghĩa nào."
Con người cao hơn chủ nghĩa! Đôi mắt đắm đuối của Vy đã giúp một phần không nhỏ vào việc làm "sáng mắt" Hoài. Càng yêu càng thấy rõ: người là tiêu chuẩn. Yêu phải lấy người làm tiêu chuẩn. Đúng hơn: phải lấy người yêu làm tiêu chuẩn. Hoài - Bảo Cự có nhắc lại câu nói của một nhà văn Pháp: "Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn theo một hướng? Trời ơi, yêu nhau không nhìn nhau thì nhìn ai? Lại đặt cái hướng cao hơn con người rồi. Nếu có cùng một hướng cùng tốt thôi nhưng không vì khác hướng mà phụ bạc như Quân đối với Nga để lấy cô gái đồng hương, con ông phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện mà anh không yêu. Đồng hướng thành đồng loã. Dù sao một hướng chung không làm nên tình ái.
Ngay cả giữa Hoài và Vy, mặc dầu mỗi bên rất tôn trọng tự do của người kia, đôi bên vẫn qua đòi hỏi sự đồng ý hướng. Sự đòi hỏi này biểu lộ một quan niệm khá "truyền thống ": trong tình yêu hai phải thành một. Sơ Huyền thổ lộ: "... Em tìm tới anh để thành Một hoàn chỉnh. Còn em là Một bất toàn, Một bất cập." Yêu nhau muốn kết hợp với nhau. Nhưng một kết với một là hai. Muốn cho một với một thành một là phủ định thực tại. Mỗi người là một người, không phải nửa người. Phủ nhận thực tại đó sẽ gây nhiều rắc rối. Vy. " Em vẫn cho anh là ích kỷ... Anh chỉ sống cho anh [.. l. Còn em ngược lại em sống tất cả vì đứa con. Vậy khi nào Vy sống cho Vy? Và có thật Vy sống cho người khác? Tính xả kỷ của Vy cũng nuôi dưỡng tính ích kỷ của Hoài đấy. Và sự xả kỷ ấy có mặt ích kỷ của nó, cho hết cũng là một cách muốn lấy cả. Đặt tất cả cuộc đời mình vào người khác cũng là một cách bắt người khác hoàn toàn lệ thuộc vào mình. Tòng phụ, tòng phu, tòng tử. Cả một nền "văn hiến " cấu tạo một cơ chế xã hội tôn ti trật tư dành đặc quyền cho bọn tu mi bắt người phụ nữ phải tư xóa bỏ mình đi. Để sống nổi trong xã hội đó người phụ nữ cần đối phó bằng những đòn tâm lý. Chẳng hạn để cho họ quyền, mình cứ việc hành. Cũng là một cách quản lý người cai quản mình. Mặt khác thời thế thay đổi, chính sách "tam tòng" cũng cần sơn phết lại. Phục tòng thành xả thân, quên mình, hy sinh... dễ nghe hơn, cao thương hon. Cải trang những hủ tục bất công thành những đức tính đặc biệt của người phụ nữ, dễ đánh lừa hơn. Nhưng vỏ quít dày, có móng tay nhọn. Trong tâm tư Vy cứ sống cho người khác, trong thực tế Vy vẫn bỏ Hoài.
Chả trách trong một lúc tâm sự với Hoài, Minh Hương thú nhận "có khi tôi không hiểu được đàn bà". Nói thế là khiêm tốn. Những rồi cũng đưa ra vài nhận xét về đàn bà. Toàn là những nhận xét khá truyền thống" và nguy hiểm cho Minh Hương. Và anh kết luận: "Đáng lý Chúa phải trừng phạt nặng nề hơn kẻ cám dỗ đầu tiên trong vườn địa đàng!. Một cựu đảng viên lại vin vào Kinh Thánh để tấn công các bà! Chúa mà làm theo ý Minh Hương thì nạn nhân đầu tiên chắc là Minh Hương vì chính anh thú nhận rằng thiếu họ "anh chỉ là một cái bóng vật vờ" với Minh Hương kẻ cám dỗ đầu tiên không phải chỉ Eva đâu. Kẻ cám dỗ đầu tiên là chàng Rắn. Mách thế thôi. Đừng hỏi tại sao có tên Rắn nằm vùng trong vườn địa đàng. Đừng hỏi ai đã gửi hắn vào đấy. Không trả lời được. Chỉ cần biết tại sao nhà, xin lỗi, vườn địa đàng, có "khách" quý như vậy mà anh để chị ấy một mình.
Số là tuy không đến nổi vô trách nhiệm, Ađam cũng không phải là một đức ông chồng luôn luôn cảnh giác. Chuyện nhà đã phó mặc cô vợ, người lại dễ dài, sao cùng xong. Chúa cấm ăn cũng vâng, vợ bảo ăn cũng dạ. Trong vườn có cái cây vừa nguy hiểm vừa chướng mắt, thế mà nhổ quách nó đi. Cạnh nhà có người rình mò cũng không để ý. Eva khác hẳn tính tình phóng khoáng, táo bạo, độc lập, giàu sáng kiến. Đồng ý, Eva lầm khi ăn trái cấm. Nhưng không ăn làm sao biết rõ thực hư. Mà chú rắn là tay cáo già, tâm lý cao, cám dỗ trúng tủ? Cái cây này lạ lùng lắm, Chúa cấm ăn trái của nó là Ngài lo cho các người đấy. Vì ăn vào khó mà chịu nổi những hậu quả khôn lường. Mắt các người sẽ mở ra trước một sự đổi đời, một cuộc cách mạng tuyệt đối. Trí khôn các người sẽ thông suốt. Hiện tại và tương lai. những cái có và những cái không có, những cái đã có và những cái chưa có sẽ bày ra trước mặt các người. Và quyền lực của các người cùng sự vô biên như sự hiểu biết của các người. Các người sẽ là chúa tể của cái có và cái không có, của cái có thể và của cái không có thể, của phi lý và hợp lý. Các người sẽ làm ra cái xấu cái tốt, dựng nên cái thật cái giả... tóm lại, các người sẽ trở nên như Thiên Chúa! Thật tài tình! Đúng với khát vọng của Eva. Đã từ lâu nàng bực bội với cái khung viên quyến rũ nhưng hạn hẹp và cạm bẫy này với con rắn ghen tưông, với cái cây cấm kỵ sừng sững trước mặt như thách thức ngày đêm. Nếu nàng có quyền hành tuyệt đối, nếu... đúng rồi. Nếu nàng là... Thiên Chúa, mọi sự sẽ hoàn hảo, nàng sẽ xây ngay một địa đàng thực thụ, một địa đàng không còn ghen tuông đố kỵ, không còn cấm đoán, thử thách. Một địa đàng thích hợp với khát vọng của nàng. Ai ngờ giải pháp trong tầm tay. Đây rồi cái nàng từ bao năm tìm kiếm..."
Chẳng có chú rắn nào cả. Chỉ có người với người. Chỉ có người với khát vọng vô song của người. Có Thiên Đàng không? Điều chắc chắn là không có địa đàng. Quê hương của Ađam Eva sẽ mãi mãi là một vườn địa đàng như trong Thánh Kinh: đầy bất trắc. Và cũng sẽ có những bà, nhất là những ông Eva đòi xây địa đàng thứ thiệt. Như ông Mác đấy. Nhưng mỗi khi con người nói địa đàng là hỏa ngục gần kề.
Phải chấp nhận trường đời thôi. Chấp nhận chú rắn nằm vùng để khỏi phá hoại cả cái "vườn địa đàng" chật hẹp này. Trái đất là một khu vườn. Nếu có diễm phúc sánh đôi, anh cày em cấy thì còn đời gì hon. Nhưng không, lúcc ấy lại bực tức vì thấy tình yêu không phải thiên đàng vì hai chưa thành "Một hoàn chỉnh", chưa thành Thượng Đế, vì hạnh phúc tuyệt đối vẫn xa vời. Một thi hào kinh nghiệm như L. Aragon nói rằng "Il n'y a pas d'amour heureux" Không có tình yêu hạnh phúc. Yêu là hạnh phúc. Nhưng người ta không yêu để được hạnh phúc. Ta cũng chẳng yêu nhau vì đồng chí hướng hay không đồng chí hướng. Người ta yêu nhau. Thế thôi. Chẳng hiểu tại sao. Bằng chứng mối tình sâu đậm giữa Vy và Hoài. "Hoài biết đến một lúc nào đó Vy sẽ trở lại với anh hoặc anh sẽ tìm đến với cô. Lẽ nào một gắn kết và chia xẻ đến như thế lại kết thúc bằng chia lìa. Dù có biết bao nhiêu mâu thuẫn ngộ nhận, đau đớn, đó mãi mãi là ân tình". Không có địa đàng. Yêu cũng không phải địa đàng. Nhưng nếu đường trần có gì đáng so sánh với hình ảnh địa đàng thì hẳn là tình yêu. "
Trương Anh Thụy viết từ Hoa Thịnh Đốn một bức thư ngỏ vào dịp đầu xuân Giáp Tuất gửi Tiêu Dao Bảo Cự (tạp chí Thế Kỷ 21, tháng 4-94), trong khi ngồi đối diện cửa sổ trông ra vườn sau tuyết phủ trắng xóa, ngồi ngẩn ngơ như thế không biết mất bao lâu trước cuốn sách đã gấp lại? Chị đáp lại lời của tác giả ở cuối sách xin bạn bè cho vài lời tâm sự và lời khuyên? Tôi không muốn tự giới thiệu dài dòng ở đây. Anh chỉ cần biết tôi là một độc giả của anh. Tôi ở xa anh nửa vòng trái đất. Tôi dược thở không khi tự do nhưng lại ở ngoài nước. Anh ở trong nước nhưng lại ở trong bàn tay Cộng Sản (dù nó đã bị nhiều biến chất). Tôi lúc nào cùng tự hào là người Quốc Gia. Anh đã chối bỏ Quốc Gia, đi theo cộng sản. Bấy nhiêu thôi, chắc anh cùng thấy được sự đối cực quá rõ ràng giữa anh và tôi. Nhưng hôm nay tôi viết bức thư này, không phải để nêu ra những mâu thuẫn đó mà để tâm sự, theo lời yêu cầu của anh.
Trước hết là cảm tưởng của tôi đối với cuốn Nửa đời nhìn lại. Cuốn sách lôi cuốn tôi từ đầu đến cuối. Các tình tiết được sắp xếp một cách lớp lang họp lý. Văn giản dị trong sáng, hấp dẫn người đọc. "
Trương Anh Thụy không đi sâu vào văn chương và bút pháp mà chú trọng đến phần tư tưởng. Lời tâm sự đầu tiên của chị là "vô cùng khâm phục" anh, "cũng như trước đây chị đã từng
"dành sự kính trọng tới các vị như Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Đoàn Viết Hoạt, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đan Quế, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, v. v... những người dám nói không, viết thật ngay trong lòng chế độ. Riêng trương hợp anh, tôi còn đặc biệt khâm phục khi thấy anh đã can đảm nhạn lỗi về phiá mình, một điều mà ít ai dám làm. Anh thắng được mình, thắng được lòng tự ái, thắng được cái thành kiến cố hữu nó ăn sâu bám rễ trong anh trong nhiều năm tháng, thì tôi nghĩ cái gì trên đời này mà anh lại không thể thắng được?
Trương anh Thụy cùng chú ý đến một câu trong phần bút ký ở cuối sách làm chị "hơi ngỡ ngàng". "Gác qua một bên mọi định kiến, hòa giải hòa họp dân tộc phải chăng là một con đường tuy khó khăn nhưng là con đường duy nhất đúng trong hoàn cảnh hiện nay? " Chị hơi ngỡ ngàng bởi lẽ "tư tưởng" hòa giải hòa hợp chưa bao giờ được nêu ra trong suốt cuốn truyện, và chị không hiểu ý anh muốn nói hòa giải hòa hợp giữa ai với ai?.
Phù Du trên Thông Luận (số 71, tháng 5-94) trả lời hộ tác giả: Khó quá. Đã nói là hòa giải và hòa hợp dân tộc sao lại còn đặt câu hỏi "với ai "? Với nhau. Nếu câu hỏi đặt ra là hòa giải với ông nào bà nào thì quả nhiên hắn (chỉ tác giả) không đề cập tới, nhưng câu hỏi là hòa giải trên căn bản nào và để xây dựng cái gì thì toàn cuốn truyện, một cách trc tiếp hay gian tiếp "hắn" đã trả lời.
Phù Du phân tích thân phận của người trí thức trong guồng máy đảng:
"Ngày trước hắn được trọng dụng vì hắn là một trí thức tiểu tư sản, sống trong thành phố và vì thế có khả năng sách động đám thanh niên sinh viên, học sinh, trí thức choai choai phản chiến làm tê liệt chính quyền miền Nam. Đảng thành công, hắn bị cho ra rìa cũng vì hắn là trí thức tiểu tư sản miền Nam và sống trong thành phố. Sau khi bi đuổi khỏi đảng, hắn lại có thể trở thành có ích cho đảng bởi vì hắn là một trí thức miền Nam có nhãn hiệu chống đảng để có thể sử dụng qua Hội Những Người Yêu Thành Phố Sương Mù để giúp đảng xâm nhâp vào cộng đong hải ngoại. Trước sau đảng vẫn chỉ có thể cho hắn vai trò của một con cờ. Huyện ủy Nghi nói rằng "Vấn đề căn bản là lập trường giai cấp và đây là chỗ yếu của đồng chí." Chỗ yếu này hắn không làm gì được hắn là trí thức tiểu tư sản thành phố. Không ai đổi được gia phả của mình. Số phận của những trí thức theo đảng cộng sản là thế. Họ có tội giai cấp. May mắn lắm họ chỉ được vinh dự tháp tùng làm đề-co cho các lãnh tụ vô sản. Cùng lắm họ được một chiếc ghế đẩu với điều kiện là phải biết câm mồm và biết vỗ tay.
Đối với đảng, họ chỉ là những cô gái vài đêm trong từ quán. Vai trò của họ là vai trò của những kẻ để cho lịch sử cắm sừng. Hoài biết thân phận và tự hỏi. "Mình làm được gì trong bộ máy như thế này?". Nhưng hắn vẫn cố phấn đấu phục vụ đảng, làm tốt đảng, hắn viết bài, ra báo làm công tác cơ sở. Nhưng hắn thất bại hoàn toàn, tờ báo La Ban (Langbian) của hắn chỉ ra được ba số rồi bị đóng cửa. Hắn cố vùng vẫy, tìm hậu thuần, biện bạch, thanh minh, ra kiến nghị, v. v... nhưng đều vô ích. Hắn chẳng làm gì được trước những cán bộ "tưởng Nguyễn Du là một tên ngụy nào", trước một bí thư tỉnh ủy hỏi vợ bằng câu: "Tao muốn lấy vợ, mày chịu tao cưới liền", trước các đảng viên ăn cắp hiếp dâm như hắn mô tả trong Nửa đời nhìn lại.
Nửa đời nhìn lại. hắn chỉ thấy toàn những chuyện không đâu vào đâu, nhưng bi đát, cho chính bản thân hắn và cho đất nước hắn. Tại sao? Có lẽ câu trả lời nằm ngay ở đầu cuốn sách qua lời của bí thư. "Nếu đồng chí hết lòng với đảng...". Tại sao lại có chuyện "hết lòng với đảng"? Người ta hết lòng với vợ con với đất nước, với dân tộc, với nhân loại, với lẽ phải, chứ tại sao lại có chuyện hết lòng với đảng? Đản cộng sản, hay đảng Tự do, hay đảng gì gì đi nữa thì cùng lắm cùng chỉ là một công cụ để thực hiện một lý tưởng. Dụng cụ đã hư hỏng thì vứt bỏ, tại sao lại phải hết lòng với dụng cụ? Cái nhầm là ở chỗ đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với đảng. Và đó là cội nguồn của mọi nhảm nhí bắt buộc sau đó.
Trong câu chuyện chỉ có hai người sáng suốt. Một là Vy, vợ hắn, người con gái mới 23 tuổi mà "đã có vài vết nhăn trên khóe mắt và khóe miệng". Vy yêu chồng, nhưng nhìn những loay hoay vô bổ của chồng với con mắt thường hại. Vy bỏ đi, rồi lại trở về rồi lại bỏ đi dù vẫn yêu hắn hết lòng, Vy không nỡ nhân tâm tiếp tục nhìn sự bi đát của hắn nữa. Hai là Mây Đầu Non, bỏ lên rừng làm sơn nhân hái sim độ nhật, nuôi một con chó đặt tên là người vì thấy trong xã hội này chó còn có tư cách hơn người, cố gắng trồng cả ngàn cây thông trong khi người ta thi nhau phá rừng. Mây Đầu Non nói thẳng, nói ngang, nhưng nói đúng "Văn nghệ cần quái gì ai lãnh đạo, văn nghệ sĩ cần gì phải mặc đồng phục".
Hắn kết luận câu chuyện bằng một câu hỏi bất ngờ "Các bạn có bình yên không? ". Thì ra hắn không bình yên. Hắn dằn vặt và khổ tâm lẵm. Hắn vẫn muốn làm một cái gì cho đất nước. Nhưng làm với ai đây? Chính vì thế hắn chịu nhục để cho người ta đuổi ra khỏi đảng chứ không bỏ ra đi để không bị cắt bỏ với những đồng chí cũ vẫn còn lương thiện. Và hắn cũng mong được bắt tay với những người khác. Câu cuối cùng hắn viết có vẻ rất bất ngờ. "Gạt qua một bên mọi định kiến, hòa giải và hòa hợp dân tộc phải chăng là con đường tuy khó nhưng là con đường duy nhất đúng trong hoàn cảnh hiện nay?".
Và một lần nữa, Đỗ Mạnh Tri lại mỗ xẻ Nửa đời nhìn lại trên báo Tin Nhà (Paris, số 16, mùa hè 1994). nhưng với một văn phong và chủ đề hoàn toàn khác:
"Cuộc cách mạng lột xác của Bảo Cự, Bùi Minh Quốc và Nguyển Hộ. Anh mào đầu bằng cách đánh giá đúng mức ba cái tẽn thiệt. Hon lúc nào hết danh chính ngôn thuận là điều kiện tiên quyết và điều kiện tối hậu để khởi đầu tiến trình dân chủ hóa Việt nam. Đem cái tên thật của mình ra, chính là đem cái thân mình mà bảo đảm, đỡ đạn cho điều mình nói. "
"Có những người như Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Hộ đứng dậy nối tiếp truyền thống bất khuất của dân tộc thẳng thắn và bình thản đối diện với bạo lực. Họ ôm cái "mộng lấp bể vá trời", sẵn sàng "trả giá và hy sinh" để "làm một khởi đầu, khởi đầu cho mọi biến động mà nếu không có nó các biến động khác không thề diễn ra" "
Đỗ Mạnh Tri phân tích cái lầm của Bảo Cự:
Trước 1975, hồi còn chiến đấu "trong lòng địch", dù không là đảng viên, Hoài "tự coi mình như một người cộng sản", "sống và chiến đấu như một người cộng sản". Vào đảng đối với Hoài là một điều tất yếu không thể khác được". Vì thế Hoài đã bỡ ngờ khi thấy các đảng viên khác bỡ ngờ trước thái độ bình tình, ít xúc động của anh trong lễ kết nạp Đảng. Số là Hoài đã đồng hóa Đảng với lý tưởng của đời mình. Hoài đinh ninh rằng Đảng đem lại cho Hoài một lý tưởng. Và lý tưởng của đời anh được thể hiện nơi Đảng. Đây là nền tảng của một sự lầm lẫn làm bằng những ràng buộc sâu xa, liên quan đến khát vọng cao quý và lẽ sống chết của con người. Nếu Hoài chỉ theo Đảng vì quyền lợi, tham vọng, địa vị xã hội... Anh sẽ dễ thấy bộ mặt thật của Đảng. Nhưng theo Đảng vì lý tưởng, Hoài nhìn Đảng qua đôi kiềng của lý tưởng. Anh đã khoác vào cho Đảng chính cái lý tưởng của anh rồi tôn vinh cái lý tưởng đó, giờ đây không còn thuộc về anh và có quyền sinh sát trên anh, có quyền đòi hỏi anh một sự phục tùng tuyệt đối. Đúng là một hiện tượng tha hóa anh Mác đã từng phán tích. Mây Đầu Non có lý khi chê Hoài cộng sản dỏm. Vy, vợ anh, tàn nhẫn hơn: "Anh đừng có ảo tưởng. Em không có lý luận bằng anh nhưng rồi anh sẽ sáng mắt ra. Anh còn cuồng tín lắm. "
(Hoài - Bảo Cự thành thật biết bao nhiêu khi nhắc lại thái độ của Vy,) Sự thật mà Vy và người dân bình thường nhìn ra dễ dàng, người đảng viên thành tâm như Hoài nhìn không ra, vì không muốn nhìn ra. Mắt anh vẫn sáng, nhưng anh quay lưng lại thực lại để khỏi chứng kiến một sự đổ vỡ thảm hại. Sự đổ vỡ của ảo ảnh đã bị lột đi bộ áo huy hoàng của lý tưởng. Vy trách anh ích kỷ cũng đáng. Tất nhiên không phải thứ ích kỷ của con buôn, của kẻ cơ hội. Đó là ích kỷ của những tâm hồn cao thượng, vì quá chăm lo thành thực với chính mình mà không nhìn ra sự thực chung quanh mình, vì quá yêu chuộng sự thật và lý tưởng rồi tưởng rằng cái Đảng mình yêu quý là sự thật, là lý tưởng. Vì thế tỉnh ngộ rất khó. Phải bị thực tại đánh đi đập lại rất nhiều mới rũ bỏ được những xác tín đã thành như bản chất"
Và Đỗ Mạnh Tri nêu lên một điểm đã được nhiều người bàn tán sôi nổi sau khi đọc đoạn 20 của phần II cuốn sách, nhan đê "Mê đồ trận cuối cùng".
"Một số người chống cộng vẫn còn nghĩ rằng những cựu đảng viên hiện nay chống đối chỉ là những lá bài của Đảng. Có những người chống giả để nằm vùng. Có những người chống lừng chừng kiểu phê bình "xây dựng" để giúp Đảng dằng dai tại chỗ. Có những người chống thật đấy nhưng chính những người này mới nguy hiểm: mình tin ở họ, sẽ bị họ lừa. Bằng chứng là câu chuyện của Hải Đăng (Trần Bạch Đằng và Hoài.
Hải Đăng:
"Tôi đã tìm hiểu kỹ về cậu và báo cáo chuyện này với thứ trưởng Bộ Nội vụ và đã được Bộ Nội vụ đồng ý. Đồng chí thứ trưởng cũng đã làm việc với thường vụ tỉnh uỷ ở đây và thường vụ tỉnh ủy cũng đã nhất trí. Còn chuyện khai trừ Đảng? Cậu biết không, chính tôi đương cần cái "mác" khai trừ Đảng của cậu. Cái "mác" này của cậu bây giờ lại có giá hơn là đảng viên. Cậu đóng vai trò này rất thích hợp".
Hải Đăng, con cáo già trong nghề tình báo muốn tiếp tục dùng Hoài như một dụng cụ của Đảng. Dụng cụ này Đảng vừa nghiền nát, những chính vì thế đảng có thể dùng lại nó một cách hiệu quả hơn.
Đỗ Mạnh Tri nhắc lại đoạn này chỉ với mục đích dùng nó đề báo động về thái độ hoài nghi quá trớn của một số người chống cộng sẽ tiếp tục đào hố sâu chia rẽ không có lợi gì trong cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện tại:
"Những người chống cộng yêu nước do, khao khát dân chủ sẽ lầm một cách thảm hại nếu không nhận diện nổi những người cùng ấp ủ một chí hướng như mình và đương trả giá rất đắt cho từng bước đi."
Tiêu Dao Bảo Cự, sau khi được đọc vài bài trong những bài nói trên, đã viết Nửa đời nhìn lại và Nửa đờii còn lại? Bài này viết xong ngày 9 tháng 4-1994 tại Đà Lạt và được gửi cho nhà xuất bản Thế Kỷ ba tháng sau đó, nhờ nhà xuất bản "sao lại và gởi cho những người đã giúp đỡ việc xuất bản, giới thiệu và quan tâm đến tác phẩm và tác giả như một thư riêng. Nếu tôi không lầm một cái gì đối với những người đó, tôi tự thấy mình không thể tất." Tác giả không muốn cho đăng báo bài viết 11 trang nói trên mà chỉ xem nó như một "thư riêng", vì "thấy không nên tự nói về mình quá nhiều và quá sớm" (Thư gửi Lê Đình Điểu ngày 7 tháng 7-1994).
Trong lần tái bản kỳ này, chúng tôi mạn phép trích một đoạn bài viết đó ở đây, nếu không phần phụ lục này sẽ còn như dang dở. Đoạn này bắt đầu bằng quan niệm của tác giả về tiểu thuyết. Tiêu Dao Bảo Cự viết tác phẩm đầu tay khi còn là sinh viên năm 1967, mang tựa đề "Đi trong lịch sử" và chỉ được báo Điện Tín giới thiệu mấy chương năm 1972. Người thanh niên tác giả 22 tuổi này gọi nó là "tác phẩm viết".
Tôi viết "Đi trong lịch sử" với tư tưởng hoàn toàn tự do và đầy tham vọng ngông cuồng của tuổi tác ngay sau cao trào đấu tranh năm 1966 ở Huế mà tôi đã dấn thân hết mình. Sau đây là gần như toàn văn lưỡi dần nhập 1, của "Đi trong lịch sử" viết lúc đó mà tôi muốn dẩn lại ở đây, vì hiện nay tôi vẫn muốn tiếp nối con đường đã vạch ra từ gần 30 năm trước.
"Giữa cơn ly loạn của lịch sử, những người trẻ phải già trước tuổi. Già trong ý thức. Già trong tâm hồn. Già trong hành động. Bởi những người trẻ phải đương đầu với những vấn đề lớn của thế hệ mình. Những người trẻ nhiệt tình và nóng lòng. Họ muốn lấp bể vá trời. Muốn dựng đại nghiệp cho đời mình và cho dân tộc. Như một nhân vật trong tác phẩm này đã nói: "Ta phải mong chờ chính ta như mong chờ một đấng cứu thế. Vì không còn ai khác nữa". Những biến động lịch sử đã làm ý thức họ chóng trưởng thành. Họ nhìn rõ chỗ đứng của mình. Họ can đảm nhận trách nhiệm và sẵn sàng chu toàn với mọi giá.
Nhân vật chính trong tác phẩm này đã dấn thân vì những thúc bách nội tâm không thể cưỡng lại được. Trong thâm sâu của tâm hồn, hắn vốn là một nghệ sĩ. Hắn tham dự vì không thể ngồi yên trước cơn đau nhức, khát vọng rực lửa và sự cuồng phẫn chung của quần chúng. Quần chúng của một dân tộc nhược tiểu nhưng bất khuất. Hắn sáng suốt trong ý thức và lãng mạn trong hành động. Đó là định mệnh của đời hắn.
Tác phẩm trình bày đời sống và nội tâm sôi trào của một kẻ nhập cuộc trong biến động. Đó là khuôn mặt của một cá nhân. Và cũng là khuôn mặt của một thế hệ. Đời sống bản thân cá nhân cũng là một lịch sử. Và ở đây, một lịch sử cuồng nộ, một suối nguồn mênh mông, một trung thực tột đỉnh cá nhân chảy dạt dào trong lịch sử mê cuồng của dân tộc. Nhân vật chính trong tác phẩm, một người trẻ tuổi, muốn gởi gắm thật nhiều điều. Những phẫn nộ và phản kháng của dân tộc nhược tiểu. Những cuồng nhiệt bão lửa dành cho quê hương. Những trang sử vô danh hào hùng. Mặt trái của một cuộc chiến đấu thần thánh. Những mâu thuẫn khốc liệt giữa giá trị vĩnh cửu và giai đoạn, giữa con người nhân loại và con người dân tộc. Những cuộc tình si mê điên rồ, choáng váng nhưng phù du, trôi nổi. Những tương giao bằng hữu tuyệt vời. Những cuộc chạy trốn của kẻ bị truy nã. Những địa ngục trần gian trong lao tù. Không khí ngạt thở của giờ thứ 25 trên đất nước. Và ngọn lửa thiêu xiềng hủy xích vẫn bập bùng không dứt...
Hắn nói bằng chính những gì hắn sống trải, chịu đựng. Người trẻ tuổi lắm cao vọng. Nhưng không ai có thể trách hắn. Vì người trẻ tuổi nào không có cao vọng chỉ là đồ chó chết. Người viết cũng là một người trẻ tuổi vô danh trong thế hệ trẻ tuổi. Tác phẩm của hắn chứa nhiều mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn cần thiết. Bởi hắn nghĩ hắn muốn viết một tác phẩm nghệ thuật, không phải một tác phẩm tuyên truyền. Tuyên truyền là giai đoạn, nghệ thuật là vĩnh cửu. Và khát vọng nào không là khát vọng vĩnh cửu.
Bối cảnh của tác phẩm chứa đựng một số sự thực lịch sử. Những sự thực mà chính người viết đã chứng kiến và sống trải. Bối cảnh đó chỉ là nguyên nhân và cơ hội cho nội tâm tuôn chảy. Người viết không sợ nhưng muốn tránh những ngộ nhận. Đất nước đã chịu đựng quá nhiều ngộ nhận tàn khốc. Hắn muốn trung thực với mình, với người một cách tuyệt đối. Những nhận định của hắn có thể chủ quan, phiến diện, hay sai lầm, hay chỉ đúng trong một giai đoạn. Dù sao đó là những sự thực đã có. Sự thực không thề bị chổi bỏ hay bóp méo. Và người viết cũng chỉ là một sinh viên 22 tuổi.
Hắn chỉ muốn trung thực. Dù đôi khi trung thực cũng là một trọng tội. Người viết cũng muốn trình bày vài nét chính về lý thuyết xây dựng tác phẩm.
1 Tác phẩm phải nói điều đáng nói. Tác phẩm đây là tác phẩm viết, văn xuôi. Điều đáng nói là tư tưởng. Không tác phẩm lớn nào không là tác phẩm tư tưởng. Giờ thứ 25 của C. V. Gheorghiu. Cuốn theo chiều gió của M. Milchell. Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi. Câu chuyện của dòng sông của H. Hesse. Tư tưởng của chính mình, không vay mượn của thiên hạ. Tư tưởng nào của cá nhân trong hoàn cảnh cá biệt cũng có giá trị tự tại đặc thù của nó.
2. Tác phẩm phải dám trình bày sự thực. Có nhiều người quan niệm những vấn đề tính dục là những sự thực ghê gớm. Thực ra những cảnh khỏa thân, giao hợp, thủ dâm... là những sự thực tầm thường nhất, xảy ra đầy dẫy nhất ở khắp nơi, bất cứ lúc nào và ở tất cả mọi người. Có nhiều sự thực sắc nhọn ghê gớm hơn. Như sự dày dụa hấp hối của tâm hồn. Sự bội phản. Sự hèn nhát bẩn thỉu. Những ý định tội lỗi. Những si mê điên cuồng. Những phẫn nộ chính trực...
3. Tác phẩm không cần liên tục. Chưa một tác phẩm nào từ xưa đến nay đã trình bày hết mọi hoạt động của một nhân vật trong một ngày. Như thế là thiếu liên tục. Và liên tục không càn thiết. ở đây người viết muốn đi xa hơn. Trong đời sống mỗi người có thể ba năm, năm năm hay mười năm không đề lại một dấu vết. Có những người thân bằng đi một thời gian không hề được nhớ đến. Những người tình bỗng dưng có mặt... Cho nên trong tác phẩm này có nhân vật bị bỏ quên lúc nào không hay và có nhân vật đột ngột xuất hiện. Đó là không liên tục. Nhưng có liên tục trong tinh thần của toàn tác phẩm.
4. Tác phẩm không cần thuần nhất. Đời sống đầy dãy mâu thuần. Tác phẩm thể hiện đời sống nên tác phẩm phải mâu thuẫn. ý tưởng trong tác phẩm này cùng tràn đầy mâu thuẫn cần thiết đó. Và bởi ý tưởng quyết định thể tài và bút pháp nên thể tài và bút pháp cũng không thuần nhất. Tác phẩm này viết theo nhiều thể tài: đối thoại ý thức, đối thoại thực tế, độc thoại nội tâm, tường thuật, hời ký, hoạt cảnh, xã luận, tuyên truyền, diễn thuyết, tùy bút, nhật ký, ghi vội... Và vì thế người viết muốn gọi tác phẩm này là "tác phẩm viết" Không phải truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, ký sự... vì những từ này không mô tả được tác phẩm.
5. Tác phẩm phải có bút pháp độc sáng. Cùng một ngôn ngữ nhưng mỗi người có một cách nói: bóng bảy, tế nhị, chất phác, đểu cáng... Từ ngữ tự nó không sáo rỗng, cũng không quê mùa. Vấn đề là sử dụng đúng chỗ, cho nó một nội dung. Từ ngữ trong thơ Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử chẳng hạn. Viết là sáng tạo nên người viết càng cần có bút pháp riêng. Người viết phải làm giàu từ ngữ, làm phong phú cách hành văn. Nên người viết ở đây đôi lúc đã chặt đứt câu văn, phá vỡ văn phạm.
Và trong tinh thần cuồng nhiệt của tác phẩm, người viết muốn viết bằng một bút pháp mà ngòi bút cắm xuống trang giấy như những nhát dao đâm.
Trên tất cả mọi điều, người viết quan niệm làm nghệ thuật là chủ quan. Rộng hơn nữa, tất cả mọi nhận thức đều chủ quan. Phải hủy bỏ từ khách quan trong ngôn ngữ loài người. Vì không có gì gọi là khách quan cả. Mỗi người nhìn bằng mắt mình. Nói bằng lời mình. Nghĩ bằng trí mình. Nhận thức bằng cơ thể, đời sống và kinh nghiệm bản thân mình nên không thể khách quan được Và cảm thức sâu xa nhất là cảm thức của người trong cuộc. Do thế, người viết nghĩ rằng những tác phẩm hay nhất là những tác phẩm tự truyện hay ít ra người viết phải gởi gắm chính mình rất nhiều trong tác phẩm.
Trên đây là vài nét về lý thuyết xây dựng tác phẩm. Nhưng lý thuyết không làm nên tác phẩm mà chính tác phẩm làm nên lý thuyết. Lý thuyết tiên khởi chỉ là những ý niệm dân đạo. Khi người viết đặt bút xuống trang giấy, người viết luôn sáng tạo, tìm kiểm thêm, đôi khi đi ngược cả ý niệm dần đạo. Vì thế một tác phẩm đã hoàn thành không thể hiện được lý thuyết dự tính là điều dễ hiểu. Và sau một tác phẩm, lý thuyết bị người viết chối bỏ cùng là điều bình thường. Viết là sáng tạo. Sáng tạo là phủ nhận và làm mới hơn. Đó là nguyên lý của nghệ thuật vĩnh cửu." Phải chăng những điều trên đây quá ngông cuồng. Xin được thông cảm và tha thứ cho tuổi trẻ. Có thời kỳ nào đẹp bằng tuổi trẻ trong đời người.
Sau một thời gian khá dài bị chi phối bởi đủ mọi loại tư tưởng, chủ nghia, ở gần tuổi 50, sau khi bị khai trừ ra khỏi đảng Cộng sản, tôi mới thấy thực sự mình lại được giải phóng, làm người tự do như thời trẻ và muốn tiếp tục con đường ngày xưa. Tuy nhiên khi viết Nửa đời nhìn lại tôi vẫn còn bị hạn chế nhiều điều, có thể làm người đọc thấy lấn cấn như Đặng Tiến và Hoàng Bắc đã có nhận xét. Riêng Hoàng Bắc cho rằng tôi đã phải làm như thế vì muốn tránh những "kiện cáo lôi thôi lẩm cẩm". Trong Nửa đời nhìn lại có một vài nhân vật có thực đi vào tiểu thuyết, có thực nghĩa là họ tên, địa chỉ, hoàn cảnh thực. Tôi muốn thông tin đến bạn đọc về những con người và sự việc này như bằng một bài báo vì không có báo nào ở đây đăng bài như thế của tôi cả. Tôi cũng muốn những người đọc của thế hệ sau biết đến những con người này đã là như thế khi tác phẩm may ra còn sống sót đến một lúc nào đó. Tôi biết chắc những người này không "kiện" tôi.
Có những nhân vật tiểu thuyết rất gần với đời thực, họ là bạn bè, người thân và những người tôi đã từng quen biết, tiếp xúc. Người đọc có thể nhận ra, đối chiếu nhân vật và người thực nhưng rõ ràng đây là những nhân vật tiểu thuyết hư cấu. Những người thực "người mẫu" cũng không thể "kiện" tôi được.
Một số thơ trích dẫn ra không ghi xuất xứ tôi biết theo nguyên tắc, người đọc sẽ hiểu đây là sáng tác của tác giả. Những trong hoàn cảnh cụ thể của Nửa đời nhìn lại, tôi cho rằng những tác giả được trích dẫn biết rõ rằng tuy tôi không ghi xuất xứ nhưng đó là tôi trích thơ của họ chứ không phải thơ của tôi và cũng không phải của ai khác. Tôi tin họ sẽ vui lòng cho tôi làm thế, không ai" kiện" tôi và cũng không kẻ nào khác có thể vin vào đó để kiện tôi.
Trong bản thảo Nửa đời nhìn lại đầu tiên có bốn phần mà phần ba là bút ký "Hành Trình Cuối Đông " dài gần 100 trang, ghi lại khá đầy đủ chuyến đi xuyên Việt năm 1988 của đoàn văn nghệ Langbian, liên quan đến hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức và cả một số quan chức cấp cao. Bạn bè đã khuyên tôi nên bỏ phần này ra vì hai lý do, lý do thể loại và lý do có thể bị kiện, vì thời điểm chưa thích hợp.
Chao ôi, tôi ghê tởm chuyện kiện tụng mà ở đáy tôi phải nói đến bốn lần chữ kiện. Trong đời, tôi không kiện ai mà cùng không muốn ai kiện tôi. Tôi thật buồn cho Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn đã mang vợ con lên núi ở mà do tranh chấp đất vẫn bị đập bể đầu và vác chiếu ra tòa.
Trong Nửa đời nhìn lại tôi không viết về những chuyện tàn bạo của cộng sản theo kiểu đấu tố, chém giết... Tôi chỉ viết về những kinh nghiệm cá nhân, tâm trạng và tâm hồn toi khi sống trong chế độ cộng sản là những gì phi nhân mà chế độ cộng sản đã mang lại cho con người, đặc biệt đã tàn phá tâm hồn con người. Những chương về tình cảm tôi viết một cách mê đắm những những chương về chính trị, tôi viết rất tỉnh táo. Tôi không hề muốn bôi nhọ hình ảnh của cộng sản. Tôi muốn mô tả họ một cách chân thực nhất theo cách tôi nhận thức.
Lịch sử thế giớí đã chứng minh rằng những người lãnh đạo sai lầm, thoái hóa, biến chất chính là do quyền lực không có cơ chế hãm. Độc tài đảng trị chính là nguyên nhân của mọi tai họa. Những không phải chỉ ở những nước cộng sản, những nước có chế độ độc tài mà ngay ở những nước dân chủ cũng có những người lãnh đạo sai lầm, tham nhũng gây tai họa. Cần dân chủ nhưng còn phải cần cái bởi hơn thế nữa. Người lãnh đạo ngoài trí tuệ còn phải là người có đạo đức tâm linh. Và rút cục chế độ chính trị nào cũng không mang lại gì nhiều cho con người nếu tâm linh con người không thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên phải là cuộc cách mạng về ý thức tâm linh. Hàng ngày xem truyền hình, thấy nhân loại đau khổ chịu đủ thứ tai ương, xâu xé giết hại nhau, càng thấy điều đó có lý. Thực ra, đối với tôi là một quá trình tự nhận thức, một cách tự thú trước lương tâm và lịch sử. Tôi không oán thù, không sợ hãi và cũng không cầu cạnh xin xỏ. Nửa đời nhìn lại là một giai đoạn sám hối trước khi tiếp tục cuộc chiến đấu vì tôi vẫn không thôi muốn chiến đấu, muốn luôn ở giữa lòng cuộc đấu tranh cho phận người bằng cách này hay cách khác. Có thể tôi viết Nửa đời nhìn lại chưa được nhuần nhuyễn, không phải chỉ trong bút pháp mà chính là trong tư tưởng. Những băn khoăn mâu thuẫn từ thời trẻ vẫn còn: nhân loại và dân tộc vĩnh cửu và giai đoạn, tiêu dao và dấn thân... Tôi mê Trang Tử lấy bút hiệu là Tiêu Dao nhưng nào tôi có rong chơi được. Những tác phẩm tôi đã viết lại có các tựa đề như Đi trong lịch sử, Trong chiến tranh này, Tự do hay là chết, Chọn một con đường, Phạm trù lỗ khóa và ô vuông kẽm gai (đã đăng báo) và các tựa khác như Xác người vắt vẻo trên bờ tường kẽm gai, Cọng cỏ trên dòng nước lũ (chưa đăng) ấy mà khi được đăng, "Đi trong lịch sử", chỉ được gíơi thiệu có mấy chương dù Điện Tín là một tờ báo đối lập hàng đầu. Đối Diện là một tạp chí đối lập hàng đầu khác, gần như bất hợp pháp, mà khi đăng "Tự do hay là chết " cũng phải tự ý, cắt đục một đoạn, hẹn một mai khi hòa bình sẽ trả lại cho tác gỉa? Còn bây giờ Nửa đời nhìn lại chỉ có thể xuất ban ở nước ngoài.
Phải chăng Đặng Tiến đã nói đúng về một thế hệ bất hạnh " không chỉ trên lãnh vực chính trị nhưng thế hệ đó lại không bất hạnh khi đã sống hết mình trên mọi chiều kích của tâm hồn và thế sự. Điều may mắn là do một tình cờ lạ lùng, Nửa đời nhìn lại đã được đưa ra xuất bản ở nước ngoài. Có người xem việc xuất bản này là một sự hòa hợp, họp tác khá lạ lùng. Tác giả, nguyên là một đảng viên cộng sản. Hà Sĩ Phu, người viết lời bạt, một trí thức xã hội chủ nghĩa, hiện đang ở trong nước. Đặng Tiến ở Pháp viết lời tựa. Nhà xuất bản Thế Kỷ ở Mỹ ấn hành và tác phẩm được nhiều báo chí và đài phát thanh nước ngoài giới thiệu. Tôi muốn nói điều gì ở đây khác hơn những lời cám ơn thông thường.
Hà Sĩ Phu, một nhân vật của tác phẩm, cũng là người bạn đầu tiên đã đọc bản thảo, viết lời bạt như một cách diễn giải và đúc kết tác phẩm theo phong độ của một nhà lý luận. Một người bạn anh đã không ngại hiểm nguy khi mang đi hơn 400 trang bản thảo và sau đó làm hết sức mình, cùng với những bạn bè khác mà tác giả không quen, góp công góp của cho tác phẩm được chào đời.
Đặng Tiến. một người không quen, đã viết lời tựa cho Nửa đời nhìn lại i với sự rung cảm và thiết tha như khi viết cho một người bạn thân. Dù bài tựa của Đặng Tiến có chỗ cay đắng, phũ phàng, mỉa mai và có người trong nước cho là hơi trịch thượng, nhưng tôi và nhiều người khác tin rằng Đặng Tiến đã nói với thiện chí và nỗi đau của một kẻ có lòng trước lịch sử dân tộc chứ không phải nói cho hả dạ hay lên lớp người khác.
Phạm Hoán, cũng một người không quen, trình bày bìa với một khuôn mặt - khuôn mặt tâm hồn - đầy vết tàn phá hằn khắc khổ đau, đầy ấn tượng và tác giả rất thích. Lê Đình Điểu và những người chủ trương nhà xuất bản Thế Kỷ đã chấp nhận khó khăn về tài chánh, tình hình phát hành sách báo hiện nay và có thể cả phản ứng không thuận lợi của một số bạn đọc ở hải ngoại để xuất bản một tác phẩm của một tác giả chưa nổi tiếng dù đã thấy trước những điều này.
Tâm Việt đã giới thiệu, bênh vực cuốn sách và tác giả một cách nồng nhiệt cả về kỹ thuật tiểu thuyết và quan điểm tư tưởng dù có một vài chỗ hiểu lầm và phần cuối bài hết hơi có giọng chiêu hồi.
Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã đọc Nửa đời nhìn lại với một sự đồng cảm sâu sắc, không phải chỉ trên quan điểm chính trị mà cả trong tâm trạng và những khát vọng, hoài nghi, dằn vặt tế nhị, sâu xa trong tâm hồn người viết. Chỉ còn một người đọc như Nguyễn Thị Hoàng Bắc cũng đủ an ủi cho một đời văn.
Thụy Khuê phỏng vấn Đặng Tiến và Lê Đình Điểu trên đài RFI về sự ra đời của Nửa đời nhìn lại, giới thiệu tác phẩm và tác giả bằng những lời trân trọng và xem sự xuất hiện của Nửa đời nhìn lại như một biểu hiện của "một sự cộng tác của nhiều khuynh hướng tư tưởng và chính trị, đến từ nhiều nơi, gặp nhau trên con đường đấu tranh cho dân chủ.
Và nhiều bài báo khác viết về Nửa đời nhìn lại mà tôi có nghe nhưng chưa được đọc vì quyền được thông tin còn là một điều mỉa mai trên đất nước này.
Và còn bao nhiêu bạn đọc đã cầm đến cuốn sách khi nó được phát hành dù một cuốn sách đôi khi thật vô nghĩa giữa thời đại tranh sống vội vàng và đầy lo toan phiền muộn này.
Tôi chịu ơn những người và việc làm này.
Tâm Việt trong phần kết của bài viết cũng có nói đến việc biết ơn tác giả. Tôi không dám nhận lơi cám ơn đó. Và tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta, nếu là kẻ có lòng, đều phải làm hết sức trách nhiệm của mình.
Nếu nói đến ơn, có nghĩa là chúng ta chịu ơn nhau chứ không ai ban ơn cho ai cả. Chịu ơn ở đây chính là sự đồng cảm, chia xẻ giữa những người muốn sống và chiến đấu một cái gì tốt đẹp cho dân tộc, cho con người. Nhưng trước hết, tôi chịu ơn những người đang sống bên cạnh mình.
Người bạn đời đã chia xẻ với tôi biết bao ngọt bùi, cay đắng, những giờ phút nặng nề, những cơn khổ nạn, cả những ước mơ và thất vọng trong việc sáng tác của chồng. Trong mấy năm gần đây, khi tôi bị kỷ luật, không muốn và cũng không thể làm việc ở các cơ quan nhà nước, không muốn đi làm thuê, tôi chi có thể cuốc đất lên trồng hoa mang ra chợ bán và thu nhập mỗi tháng chưa tới một trăm ngàn đồng, người phụ nữ đó đã làm việc cực nhọc biết bao nhiêu cho việc mưu sinh để cho chồng có thẻ sống và viết. Cuộc sống chung của chúng tôi còn một năm nữa là đến đám cưới bạc, dù chúng tôi về với nhau không có đám cưới, dù cuộc sống chung này không dễ dàng. (Và tôi cũng chưa từng biết một cuộc sống chung nào dễ dàng cả).
Hai đứa con, hi chàng thành niên đang trưởng thành, đứa phải bỏ dở học đại học để kiếm sống, đứa vừa đi học vừa đi làm một cách vất vả, vào đời với hai bàn tay trắng, không oán trách gì người bố đã chỉ có thể để lại cho con không có gì nhiều ngoài tình thương yêu và một thái độ sống.
Những người bạn thân thiết và không thân thiết nhưng đã chia xẻ hy vọng dân chủ và tự do, đã cùng sát cánh trong một cuộc đấu không cân sức và sẽ còn tiếp tục chiến đấu đến cùng.
Và cả những cuộc tình làng đàng đã mang lại niềm rung cảm êm dịu trong những giờ phút cô độc định mệnh của kiếp người, những lúc cheo leo bên bờ vực hư vô.
Phải chăng mỗi một người đều chịu ơn đời biết bao nhưng nhiều khi ta không cảm nhận hết và thường tỏ ra bội bạc.

*

Trên đây là những lời tâm sự của tác giả Nửa đời nhìn lại gửi gắm trong một thư riêng viết vào tháng 4-94. Sau khi có hoàn cảnh đọc thêm những bài khác viết về tác phẩm của mình, và để tạo sợi dây liên lạc giữa độc giả ngoài nước và tác giả trong nước, Tiêu Dao Bảo Cự viết bài: "Hoà giải hòa hợp dân tộc và giao lưu văn học", mục đích trình bày quan điểm của mình về một vấn đề gần như năm ngoài tác phẩm, chỉ được nêu ra bằng một ý, một câu trong phần kết của tác phẩm nhưng lại được nhiều người quan tâm, vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc, và đặt vấn đề trong mối quan hệ với việc giao lưu văn học.
Trong bài viết này (đăng trên Thông Luận số 74 tháng 9-94, Ngày Nay số 304 ngày 1-9-94 và Thế Kỷ 21 số tháng 9-94 dưới tựa đề Văn học không biên cương), Bảo Cự cho rằng cuộc chiến vừa qua là một cuộc nội chiến:
Trong những cuộc chiến gần đây của đất nước, dù ai dùng ngôn từ nào, với bất cứ lập luận nào, đứng trên bất cứ lập trường nào, những cuộc chiến đó đều có mang tính nội chiến, vì người Việt đã nổ súng vào nhau trên chiến trường, đã hận thù nhau trong tim óc. Đó là một giai đoạn lịch sử phân ly và bi thảm. Vì nghĩ rằng có hận thù nhau trong tim óc nên Bảo Cự mới nói đến hòa giải hòa hợp dân tộc:
Tôi nghe thời gian trước đây ở nước ngoài đã có nhiều cuộc tranh luận về hòa giải hòa hợp dân tộc nhưng vì thiếu thông tin nên không rõ các cuộc tranh luận đó đã diễn ra như thế nào và có đi đến kết luận nào không. Tuy nhiên tôi nghĩ vấn đề vẫn còn đó và phải được tiếp tục giải quyết. Cần tiếp tục mở ra những cuộc trao đổi về vấn đề này giữa trong và ngoài nước, đi đến sự thống nhất từ nhiều phiá để từng bước thực hiện. Đó chính là lối ra của dân tộc sau bao nhiêu máu chảy phân ly, hận thù và khổ nhục. Hòa giải hòa hợp dân tộc chỉ có thể được thực hiện khi đó là niềm thôi thúc, là sự nghiệp của cả dân tộc chứ không phải chỉ là vấn đề của một số cá nhân."
Nhưng Bảo Cự cùng thấy được những khó khăn đến từ mọi phía cho việc thực hiện chủ trương trên, mà khó khăn lớn nhất là từ phía nhà cầm quyền:
Khó khăn và trở ngại lớn nhất là nếu toàn bộ hay một bộ phận chủ chốt những người đang cầm quyền không muốn hòa giải hòa hợp hay họ chỉ nói mà không làm, hoặc chỉ làm theo những điều kiện mà họ bắt buộc người khác phải chấp nhận.
Thực ra chưa có quyền lực chính trị, quyền lực thế gian nào là vĩnh viễn, bất khả chiến bại. ý chí của một người phát huy đến mức cao nhất cũng rất mãnh liệt và tác động đến toàn xã hội, đè nặng lên số phận hàng nhiều người. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên, một mình họ không đủ, sau lưng họ còn là cả một tập đoàn. Nhưng một tập đoàn không thể mạnh hơn một dân tộc, mạnh hơn cả nhân loại. Vậy thì tại sao đa số người cùng chung một nguyện vọng, một ý chí lại sợ hãi, bất lực trước một tập đoàn.
Những người cầm quyền thường lộng hành và chống nhân dân bằng cách dùng bạo lực gây ra nỗi sợ. Muốn chóng lại cái ác, mỗi người bằng cách nào đó của mình phải vượt qua nỗi sợ, để làm một cái gì. ý chí của đám đông lương thiện, nếu được thể hiện và tập hợp lại, dù dưới hình thức bất bạo động, nhất định sẽ gây sức ép, chuyển hóa và buộc thiểu số phải chấp nhận hòa giải hòa họp, dù thiểu số đang nắm quyền lực, được tổ chức và trang bị bằng bất cứ vũ khí nào. Đó là hòa giải hòa hợp đi đôi với việc chống lại cái ác bằng những phương tiện hòa bình.
"Nhận thức đó nhất định mở ra nhiều con đường mà văn học có thể là một trong những con đường đầu tiên".
Và tác giả Nửa đời nhìn lại tin tưởng rằng giao lưu văn học giữa trong và ngoài nước sẽ là một yếu tố tích cực:
"Văn học tự bản chất không biên cương không gian và thời gian nên dễ vượt qua mọi rào cản, ràng buộc, hạn chế của những thế lực cầm quyền và của cả lòng người. Giao lưu văn học là một giao lưu chiều sâu đưa con người lại gần nhau, xóa dần những dị biệt. Hiện nay, ở trong nưóc người ta đã chính thức nói đến văn học Việt nam hải ngoại là một bộ phận không thể thiếu của văn học Việt nam. Tác phẩm văn học bị cấm ở trong nước bắt đầu xuất hiện ở nước ngoài. Văn học Việt nam hải ngoại bằng nhau cách đang tìm về với độc giả trong nước. Nghĩa là đã đến lúc văn học Việt nam trước hết phải dành cho mọi người Việt nam, không phân biệt vì bất cứ lý do gì. Sự giao lưu này nhất định sẽ mang lại một cái gì tích cực trên con đường hòa giải hòa hợp dân tộc
Việc trao đổi bước đầu vừa qua chung quanh tác phẩm Nửa đời nhìn lại phải chăng là một dấu hiệu đáng mừng không phải chỉ cho riêng tác giả mà là cho tình hình chung khi những khái niệm về "quốc gia - cộng sản, kẻ thù- đối cực" đã được hóa giải một cách nhẹ nhàng và những người đã từng ở trong thế đối nghịch nhau lại có thể nói với nhau, về nhau một cách hết sức mở lòng và thân ái. "
Nửa đời còn lại, góp phần vào công cuộc đó, thuận ý nghĩa lắm thay!
Phạm Ngọc Lân
° Phần "Hành Trình Cuối Đông" cùng một số tài liệu chung quanh "Vụ án Langbian" sẽ được nhà Văn Nghệ xuất bản trong nay mai.

*

____________________________________________

Xem Tiếp: ----

Truyện Nửa đời nhìn lại Tựa của Đặng Tiến Đoạn mở đầu 1. Dấu hỏi đầu tiên 2. Một nét ưu tư 3. Nguồn gốc bi kịch 4. Chính trị và tình cảm 5. Xung đột 6. Chính trị và tình cảm 7. Chủ nghĩa xã hội 8. Tôn giáo 9. ích kỷ 10. ý đồ 11. Mây Đầu Non 12. Nỗi đau 13. Thực chất một chi bộ 14. Bài giảng trong nhà thờ 15. Giữa hai sức ép 16. Linh mục và tôn giáo 17. Thương cảm 18. Kiểm điểm 19. Né tránh trách nhiệm 20. Vĩnh biệt 21. Giọt nước làm tràn ly 22. Mây Đầu Non 23. Nhức nhối 24. Căm giận 25. Bất lực 26. Giã biệt. Những dấu hỏi Phần II : Trong vòng kiềm tỏa 2. Lại về với nhau 3. Đối thoại với tỉnh ủy 4. Tạp chí La Ban 5. Bên bờ vực hư vô 6. Cú đấm trong bóng tối 7. Sơ Huyền ngày gặp lại 8. Âm mưu và đố kỵ 9. Ngựa hoang bị xiềng 10. Thủ đoạn 11. Bi kịch 12. Mây Đầu Non 3 13. Điều kiện 14. Đuổi bắt đến hư vô 15. Nhà văn và quyền lực chính trị 16. Tự do và ràng buộc 17. Sự thật ơi 18. Xót xa êm dịu 19. Câu chuyện một học giả 20. Đổi mới? Mây Đầu Non 21. Thêm một lần giã biệt Đoạn trung chuyển Phần III Cuộc đấu không cân sức 2. Đảng 3. Dưới mưa đêm 4. Tranh thủ hay đấu tranh 5. Bước đầu sôi động 6. Cơn lốc xoáy vào trong 7. Sức mạnh từ chân lý 8. Trước khi quá muộn 9. Chuyên chính vô sản 10 Phản trắc 11 Bút ký của người bị khai trừ đảng 12. Thung lũng mai anh đào 13. Ai đáng bị cách chức 14. Nguồn gốc của tai họa 15. Gốc thông trăm năm 16. Dân chủ và quyền lực 17. Con đường của quyền lực 18. Ân tình và khổ lụy 19. Sương mù 20. Mê đồ trận cuối cùng 21. Tiếng ngân dài trong hư không Đoạn kết Bạt ( của Hà Sĩ Phu) Phụ Lục 1 Phụ Lục 2