Trong khi Minh Hương và Hoài chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để chờ đợi một cuộc tấn công từ phía thường vụ tỉnh ủy thì trung ương đã tạo ra một thời cơ để tỉnh có thể làm mạnh hơn. Trưởng ban tuyên huấn trung ương, người đây bị Minh Hương và Hoài cùng với những người ký tuyên bố ở bảy tỉnh miền Trung yêu cầu cách chức, viết một bài dài về công tác tư tưởng đăng trên báo đảng của trung ương. Trong bài có một đoạn nêu vụ việc của đoàn La Ban, và quy kết đây là một vụ việc lợi dụng dân chủ để hoạt động bè phái, có tính chất kích động lật đổ. Nhiều người cho rằng sự quy kết nêu trên báo đảng là một đòn nặng nề, nếu ở trong thời kỳ trước, chắc Minh Hương và Hoài đã phải vào nằm nhà đá rồi. Tuy nhiên, ở giai đoạn bắt đầu đổi mới này, người ta cũng có những dè dặt nhất định.Vì chính trưởng ban tuyên huấn trung ương đã đưa vấn đề ra công khai trước, Minh Hương và Hoài nhân dịp đó tung ra bản báo cáo tường trình về chuyến đi của đoàn La Ban. Bản báo cáo này hai anh đã chuẩn bị kỳ, dài đến 25 trang, quay ronéo đến 500 bản và gởi đi đến các nơi cần thiết khắp cả nước. Vì tất cả báo chí đều đã bị răn đe không được thông tin về vụ này nên hình thức ronéo phổ biến rộng là cách làm duy nhất có hiệu quả trong tình hình đó. Trong bản báo cáo, hai anh trình bày rất chi tiết chuyến đi về tất cả mọi hoạt động, thời gian, địa điểm, nội dung, con người cụ thể để cung cấp một thông tin đầy đủ nhất, tránh sự bóp méo, vu cáo. Phần cuối, hai anh nêu ra một số luận điểm phản bác lại những lời buộc tội về ý thức tổ chức, kỷ luật, hoạt động bè phái, gây phức tạp cho tình hình, vô chính phủ... Ngay sau khi tung bản báo cáo này đi, hai anh lập tức triệu lập toàn thể hội viên hội nhà văn để thông báo và chính thức xin ý kiến của anh em. Giấy mời cuộc họp chỉ mời thường trực tỉnh ủy chiều ngày hôm trước để đề phòng việc ngăn cản cuộc họp. Sau khi giấy mời được gởi đi vài giờ, đến chiều tối, Minh Hương và Hoài nhận được thư của phó bí thư tỉnh ủy. Bức thư viết trên giấy có tiêu đề của tỉnh ủy nhưng không đóng dấu, nội dung đề nghị hoãn cuộc họp vì chưa có chỉ đạo của tỉnh ủy và chưa đủ thông tin. Minh Hương và Hoài trao đổi về bức thư, nhất trí cho rằng đây chỉ là một thư, không phải công văn chính thức, có tính cách gợi ý, không phải chỉ thị của cấp ủy. Vả lại cuộc họp là công việc nội bộ của hội nhà văn và anh em hội viên có quyền biết rõ công việc của những người lãnh đạo hội. Do đó, hai anh cứ tiến hành phiên họp. Bất đắc dĩ, thường trực tỉnh ủy phải chỉ thị cho ban tuyên huấn cử cán bộ sang theo dõi. Sau khi tuyên bố lý do và chương trình cuộc họp, Minh Hương nêu ngay ý kiến của phó bí thư tỉnh ủy qua bức thư và xin ý kiến chung. Lập tức ba bốn người đứng lên phát biểu tán đồng cứ tiến hành họp và tỏ ra tức giận trước sự can thiệp của phó bí thư tỉnh ủy. Chỉ có một người, mà anh em biết rõ là tay chân của phó bí thư, phản đối nhưng rất yếu ớt. Minh Hương lấy biểu quyết chung và đa số hội viên đều nhất trí chương trình và quyết định cứ họp, coi đây là một hoạt động nội bộ của hội nhà văn. Sau khi nghe Minh Hương và Hoài báo cáo, Nguyễn Vũ hăng hái đứng lên phát biểu đầu tiên, giọng anh oang oang trong phòng họp:- Trước hết tôi trách hai anh Minh Hương và Hoài tại sao không thảo luận và lấy chữ ký của anh em ở đây trước khi đi các tỉnh bạn. Nội dung như thế mà anh em các tỉnh bạn ký nhiều hơn ta, ta cùng xấu hổ chứ. Nếu hai anh lấy chữ ký ở đây, tôi sẽ là người ký đầu tiên và tôi tin đại đa số anh em ở đây đều ủng hộ. Các anh dở ở chỗ đó. (Nguyễn Vũ nhìn Minh Hương và Hoài mỉm cười khi nói đến đây. Hai anh nhìn nhau lắc đầu. Thằng cha này bao giờ cũng thế). Tôi biết sắp tới, thường trực tỉnh ủy sẽ xử lý kỷ luật Minh Hương và Hoài. Tôi cho rằng việc xử lý của đảng phải công khai. Trước hết, hội nhà văn cũng phải công khai hóa toàn bộ vụ việc này nên tôi đồng ý Minh Hương và Hoài chủ trương có cuộc họp là đúng. Minh Hương và Hoài không làm việc cá nhân mà nhân danh lãnh đạo của hội nhà văn. Đây là vận mệnh của hội. Y kiến của anh em ta ra sao, ta cứ công khai phát biểu và đảng phải lắng nghe ý kiến của chúng ta. Tôi muốn nhắc lại vụ việc báo đảng của tỉnh ta trước đây, tổng biên lập bị trù dập, xử lý oan phải bỏ chạy khỏi đất này. Chỗ anh em tôi khuyên hai anh Minh Hương và Hoài nếu ngã xuống ở đâu cứ đứng lên tại đó để tiếp tục chiến đấu. Đừng bỏ chạy. Chúng tôi sẽ đứng bên cạnh hai anh. Mong rằng thường trực tỉnh ủy không để xảy ra vụ tương tự như vụ tổng biên tập báo đảng trước đây. Thời kỳ đó đã qua rồi. Trần Dương, một hội viên có thái độ khó hiểu, khi thân thiện khi đố kỵ với Minh Hương và Hoài phát biểu tiếp theo Nguyễn Vũ:- Về chuyến đi tôi được biết có nhiều thông tin trong đó có những thông tin nhiều. Bản báo cáo của hai anh Minh Hương và Hoài tuy rất dài nhưng tôi vẫn cho là chưa đủ vì cần phải có thông tin ở các phía khác nữa. Dù sao tôi vẫn thừa nhận hai anh Minh Hương và Hoài có nhiệt tình và tấm lòng đối với sự nghiệp đổi mới. Trước đây có lúc tôi xa hai anh, nhưng nay qua việc hai anh làm tôi thấy thương và quý hai anh. Tôi cho đó là tấm lòng của nghệ sĩ đối với đất nước. Tuy nhiên tôi có thể nói tôi không tán thành cách làm của hai anh và cũng không tán thành bản báo cáo tường trình có tính cách kiểm điểm hai anh đã trình bày. Kiểm điểm như thế tôi cho là không nghiêm túc. Các anh nói cái gì mình cùng đúng. Phải có khuyết điểm, phải có sai gì chứ sao lại đúng hết được. Tôi cho rằng cần có ý thức bảo vệ nhau nhưng không phải bao che. Chúng ta phải giúp hai anh Minh Hương và Hoài nhận rõ đúng sai.Nhiều người đưa mắt nhìn nhau trong khi Trần Dương nói. Người ta hình như chưa nhận ra được thực chất của ý kiến Trần Dương, người trước đây đã lăm le tham gia ban chấp hành hội nhà văn nhưng không được. Hà Sĩ Phu người nhỏ nhắn, nói giọng nhỏ nhẹ nhưng rất khúc chiết, đúng phong cách của một nhà khoa học:- Về chuyến đi, mặc dù rất có cảm tình và ủng hộ hai anh Minh Hương và Hoài nhưng tôi cùng nhất trí rằng phần hai anh báo cáo chỉ là một phía thông tin. Phải có thêm thông tin từ các nơi đoàn La Ban đã đi qua, đặc biệt từ những người hai anh đã tiếp xúc, chứ không phải chỉ là ý kiến của ban tuyên huấn các địa phương đó. Cần phải làm sáng tỏ vấn đề và đừng để điều gì đáng tiếc xảy ra. Hình như Marx đã nói sự mập mờ là cái bẫy của nền dân chủ. Phải dân chủ trong quần chúng và cả trong đảng. Nguy cơ lớn nhất của việc xử lý là sự mù mờ. Do đó nếu hai anh Minh Hương và Hoài phải làm kiểm điểm thì bản kiểm điểm đó phải có sự góp ý của hội viên. Hai anh Minh Hương và Hoài là cán bộ chủ chốt của hội, làm việc nhân danh hội, có liên quan đến vận mệnh của hội. Tỉnh ủy không thể xử lý hai anh với tính cách xử lý nội bộ đảng. Tuy nhiên, khi kiểm điểm, tôi cũng không đồng ý với anh Tràn Dương là phải có khuyết điểm, phải có sai trái, tự nặn ra cái sai để làm vừa lòng lãnh đạo. Dĩ nhiên, sự việc có thể đúng, có thể sai, hoặc có đúng có sai nhưng không phải lúc nào cùng bắt buộc có đúng có sai. Ta phải nhìn sự việc đúng với bản chất và giá trị của nó chứ không theo định kiến trước. Nguyễn Đại Lư, người viết lý luận, lâu nay thường phát biểu rất thẳng thắn, triệt để, thậm chí đốp chát, nhưng lần này lại tỏ ra thận trọng, khách quan:- Vừa qua tôi được nghe nhiều thông tin bên ngoài nói về chuyến đi với nội dung xấu, nay tôi được nghe hai anh trình bày đầy đủ nhưng tôi chưa phát biểu quan điểm của mình ở đây. Tôi chỉ phát biểu khi thực sự có ích. Đó là lúc có cuộc họp hội viên do tỉnh ủy tổ chức về vấn đề này để lấy ý kiến của anh em. Tôi đề nghị tỉnh ủy có cuộc họp đó trước khi xử lý và không nên phán quyết bản án trước. Đất nước ta hiện nay thiếu pháp luật và chuyến đi của hai anh đặt ra những vấn đề lớn, những hình thức đấu tranh trong chuyến đi đó chưa có cái gì làm cơ sở để kết luận đúng, sai cả. Vả lại, sự việc này không phải của riêng thành phố ta mà của cả nước. Vụ tuần báo Văn nghệ trung ương cũng thế. Có những vấn đề mới, liên quan đến toàn quốc. Tôi nghĩ rằng tỉnh ủy phải hết sức thận trọng trong cách xử lý. Hoàng Ly Chân cho đến giờ này, bên ngoài vẫn giữ thái độ trung dung trong khi Minh Hương và Hoài chờ đợi những lời phê phán nghiêm khắc:- Tôi cho rằng ta chưa nên bình luận gì nhiều khi chưa đủ thông tin. Tôi chỉ có một ý kiến ngắn là chuyển đi đã thắng nhưng chưa lợi. Vì không ai đưa ra tòa được nhưng ta chưa hiểu ta và chưa hiểu đối tượng. Không nên nói đấu tranh với đảng và nhà nước, không nên dùng từ nặng nề, phải có nghệ thuật, chiến lược và sách lược để giành chiến thắng. Trà Giang, một nhân vật thường được coi là cực đoan trong các cuộc họp, đứng lên đốp chát ngay:- Tôi tán thành ý kiến anh Nguyên Đại Lư và phản đối ý kiến anh Hoàng Ly Chân. Tại sao lại sợ đấu tranh? Phải đấu tranh để tồn tại. Đây là việc làm hết sức đúng đắn và trong sáng. Đã đến lúc phải làm như thế và chúng ta phải bảo vệ những người dũng cảm dám đi tiên phong. Cuộc họp bắt đầu sôi động lên. Anh em hăng hái tranh cãi, cướp cả lời nhau. Minh Hương và Hoài rất mừng khi thấy đa số anh em tuy giữ vị trí khách quan nhưng vẫn tỏ ra đồng tình, ủng hộ hai anh và yêu cầu tỉnh ủy phải công khai hóa vấn đề, phải tham khảo ý kiến hội viên trước khi xử lý. Có tình hình đáng chú ý là hai anh Yên Trung và Chinh Ba dự họp nhưng không có ý kiến gì. Có lẽ hai anh có tính toán và cách làm riêng của mình. Minh Hương và Hoài tin rằng ý kiến của anh em sẽ làm thường trực tỉnh ủy phải dè dặt dù họ có ý định xấu hay muốn trù dập hai anh. Công khai và dân chủ bao giờ cũng là một cái thắng rất tốt để ngăn chặn độc tài.