Đại Nhạc về tới nhà khi Giai Lập cũng vừa về được một lúc. Vào phòng ngủ anh có nghe tiếng nước máy chảy nhẹ trong buồng tắm. Tới trước cửa phòng tắm anh lên tiếng gọi Giai Lập. Nàng đáp lại với giọng hơi hoảng hốt, y như những lần anh giục giã nàng trước khi đi dự tiệc. Anh hơi mỉm cười, nếu như đẩy cửa, hẳn là nàng sẽ rú lên, vội vàng trốn trốn tránh tránh, lấy tay che tấm thân trần. Hồi mới cưới, nàng vẫn làm như vậy. Ngày nay, anh đã thông thuộc mọi chi tiết trong người nàng, vậy mà vẫn cố tình làm ra vẻ bí mật, nàng cứ tưởng làm như vậy sẽ tạo được sự hấp dẫn. Tiếc thay giọng nói và các cử chỉ của nàng đối với chàng không còn chút hấp dẫn nào nữa. Con cái đã lớn cả rồi, việc gì cứ phải làm như gái tơ?Công việc trong một ngày quả là căng thẳng, anh thở phào. Tháo cravat, cởi áo sơ mi, vừa định treo lên mắc áo, tấm gương hóa trang làm anh chững lại. Anh ghé sát vào gương đưa tay sờ sờ dưới cằm, thấy râu đã mọc ra tua tủa. Đáng ghét thật, lúc chiều vừa cạo xong, giờ đã lại trồi ra. Dưới ánh đèn, những sợi râu dưới cằm làm anh thấy mình già đi nhiều. Thứ ánh sáng đó vốn dĩ không thích hợp với sắc mặt mệt mỏi sau một ngày làm việc. Giữa đám râu đen, lốm đốm những sợi màu tro, đặc biệt những sợi trắng cứ lấp lánh dưới ánh đèn gai cấn. Anh nhíu lông mày một cách khắc khổ, công việc bận quá, chứ với tuổi anh, râu tóc đã làm gì đến nỗi bạc sớm thế.Nghĩ đến tuổi tác, anh không khỏi giật mình. Mới ngày nào đó mà nay đã ngoại tứ tuần. Khi bình tâm nghĩ lại thấy cũng phải thôi, chẳng cứ tuổi tác, ngay cả thế giới này mọi thứ đều biến đổi theo thời gian. Trước kia, anh trẻ trung thật, nhưng địa vị lúc đó còn thấp kém. Trải qua một thời gian dài cố công phấn đấu, sự nghiệp ngày càng đi lên, con cái đã cao gần bằng anh. Mọi thứ đều tiến triển, lẽ nào tuổi tác lại cứ đứng nguyên tại chỗ.Đại Nhạc mỉm cười anh vốn không hay lo những điều vô bổ. Hoàn cảnh sống thời thơ ấu đã hình thành ở anh cách sống thiết thực. Nhà đông anh em, trong số bảy người, anh thứ ba, trên có anh chị, dưới có em trai em gái. Với vị trí đó, tất nhiên anh không được cha mẹ yêu nhiều. Nhưng anh có tính hiếu thắng, khéo chiều người lớn tuổi. Mọi việc anh làm đều vị kỷ, song bề ngoài, anh tỏ ra đường đường chính chính vì nghĩa lớn. Anh bẩm sinh là con người nhiệt tình, nhưng bầu nhiệt huyết của anh dễ bị lung lạc bởi những lợi ích trước mắt.Anh yêu các con, nhưng anh còn yêu sự nghiệp của mình hơn. Với cách nhìn đời thiết thực, anh cho rằng con cái lớn lên sẽ cao chạy xa bay, chỉ có sự nghiệp là gần với mình suốt đời. Như anh, chưa hề tận hiếu với cha mẹ, vậy thì anh cũng không đòi hỏi sự đền đáp của con cái đối với mình. Chính vì nhiệt thành với sự nghiệp, hằng ngày anh bận túi bụi, đâm ra sống xa cách các con. Có lúc anh muốn tìm cách gắn bó tình cảm với con cái nhưng không ngờ quan hệ giữa con người cũng giống như các linh kiện trong cỗ máy, lâu ngày không xử dụng, đến khi phát động guồng máy không thể chạy đều và trơn tru được. Anh gọi các con đến, định trò chuyện thân mật giữa cha con, đến khi ngồi bên nhau, cha con không biết nói chuyện gì với nhau. Thiên Nhu là con gái thường đi theo cha, tính tình nũng nịu, làm cho bầu không khí giữa hai cha con ấm áp, êm dịu hơn. Còn với Thiên Uy thì khác hẳn, nó đứng trước mặt anh ngây như phỗng, thiếu tính hoạt bát của đứa trẻ. Thấy thế, anh bất giác thở dài, muốn chỉnh đốn đôi điều, song thấy trái với nguyện vọng cha con chan hòa với nhau, rút cuộc anh đành khoát tay cho nó đi lui ra.Dạy dỗ con cái là việc của đàn bà. Ấn tượng về người cha làm quan ini sâu trong ký ức của anh. Những khi nhàn rỗi ở nhà, nét mặt cha anh bao giờ cũng nghiêm nghị, lạnh băng. Ông rất ít khi nói chuyện với con cái, mọi trách nhiệm nội trợ khoán trắng cho mẹ anh. Do đó, anh có tâm lý nể sợ cha, coi thường mẹ. Đôi khi anh cũng nhắc Giai Lập cách dạy dỗ con cái, song thâm tâm anh cũng cảm thấy trách nhiệm của người đàn bà hiện đại to lớn quá. Trước kia, mẹ anh không bao giờ hỏi đến công việc của cha anh, dĩ nhiên ngày nay anh cũng không thích Giai Lập can thiệp vào công việc của mình, song anh đòi hỏi nàng tham gia các hoạt động trong giới xã giao để có lợi cho sự tiến thân của mình.Kể ra, nàng cũng khá bận, cho nên phòng ngủ lúc nào cũng bừa bãi. Người đàn bà trước khi ra khỏi nhà, các thứ rối bời, đến lúc trở về, người mệt nhoài chả thiết thu dọn nữa. Vả lại, Giai Lập lớn lên trong sự nuông chiều, cho nên có hơi biếng nhác một chút. Kia, như một việc làm chỉ tiện tay thôi như đóng ngăn kéo tủ chẳng hạn, vậy mà nàng cũng không chịu nhắc tay ngọc lên một chút.Vừa định đóng ngăn kéo thì Giai Lập từ trong buồng tắm ra. Nàng mặc áo ngủ bằng voan màu mỡ gà, bóng nàng hiện lên trong gương đầy vẻ quyến rũ, nhưng Đại Nhạc không chút để ý, chỉ nhìn chăm chăm một vật trong ngăn kéo.- Từ đâu em có tấm danh thiếp này nhỉ? - Giai Lập ghé mắt vào, thì ra danh thiếp của chàng trai nàng gặp trong tiệc rượu. Qua thái độ, nàng hiểu ngay đó là một người không đáng cho Đại Nhạc để mắt tới.- Chính cậu ta đưa cho em còn bảo rằng hôm nào sẽ đến thăm vợ chồng mình, anh ạ.Như không nghe thấy nàng nói gì, anh lấy tay búng tấm danh thiếp một cái như vứt một phế vật. Anh định búng vào ngăn kéo, do lơ đễnh tấm danh thiếp rơi tọt xuống sàn.Đại Nhạc đi treo áo, Giai Lập chải tóc trước gương, không thèm nhặt tấm danh thiếp lên.Hai vợ chồng trao đổi vài ba câu chuyện về ván bài, tiệc rượu. Khi Đại Nhạc đi vào phòng tắm, Giai Lập đứng lên rời khỏi tủ hóa trang, chân dẫm lên danh thiếp, nàng nhìn xuống chứ không nhặt lên. Nàng hỏi:- Anh có quen cậu ta không? Cậu Lê Thiên Lập ấy mà.Đại Nhạc ừ hữ, trả lời nhạt nhẽo:- Hắn sẽ về làm dưới trướng anh.Đại Nhạc đi tắm, nàng xếp quần áo, nhớ lại câu chuyện thị phi của bà Phùng, nàng mỉm cười một mình. Suy cho cùng lời bà Phùng cũng có cái lý của nó.Vô tình chân nàng lại dẫm lên tấm danh thiếp lần nữa nhưng nàng không để ý.Sau đó, đầy tớ dọn dẹp phòng ngủ, quét luôn tấm danh thiếp Lê Thiên Lập với đống rác trong phòng.Ít lâu sau, vào một ngày chủ nhật, chàng trai kia xuất hiện trong phòng khách biệt thự nhà họ Trương.