79 - 80

     uộc trường kỳ kháng chiến đã sang giai đoạn tổng phản công, và sắp bước tới giai đoạn tổng tấn công. Khi toàn dân tích cực tổng tấn công giặc Pháp xâm lăng, bấy gìờ, kháng chiến thành công. Kháng chiến thành công, là giặc đã thua tan tành. Quân ta kéo về, chiếm lại thủ đô:
Trùng trùng say trong câu hát
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay dưới phố
Trùng trùng quân đi như sóng
Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời...
[28]
Bài hát Tiến về Hà Nội vang vang khắp làng Tường An, gây phấn khởi vô vàn. Tiền tuyến, giặc sắp sửa đầu hàng. Hậu phương, đã chiến thắng hết các thứ giặc. Giặc dốt, có thể, còn sót vài tên già lụ khụ. Chứ giặc mê tín dị đoan, giặc nghiện rượu thì bị tiêu diệt hoàn toàn. Uống rượu là uống máu đồng bào, mỗi giọt rượu là một giọt máu đồng bào. Hai khẩu hiệu này nghe ghê quá. Lại cái tranh vẽ mới khiếp. Người đàn ông ngồi uống rượu, với cái thủ lợn. Vợ con anh ta ngồi trên đầu anh ta, gầy gò nheo nhóc. Máu vợ con anh ta chảy vào chai rượu, và anh ta uống tì tì. Anh ta uống máu vợ con anh ta. Không ai dám uống rượu nữa. Du kích đi bắt nấu rượu, gắt gao hơn đoan Tây ngày xưa. Nấu rượu là Việt gian. Tội Việt gian nặng lắm, ai cũng sợ. Những người nghiện rượu bị chỉ trích tàn nhẫn. Ngay cả sách i tờ cũng có câu chê bai rượu chè:
Rượu vào chếnh choáng hơi men
Nói khuếch nói khoác chỉ nên khinh thường
Cờ bạc bị bài trừ tận gốc. Tết nhất, hội hè, nhi đồng không thèm quay thò lò hay đánh cò cua tôm cá. Đám cưới đời sống mới, đám giỗ đời sống mới, không cần rượu. Ca hát là đủ. Tặng cô dâu bài Thi đua tăng gia sản xuất. Tặng chú rể bài Lên đường giết giặc. Những nhãn hiệu thuốc độc Văn Diển, Phông Ten [29], chẳng ai buồn nhớ tiếc. Thuốc phiện càng hết đường tồn tại. Vì, thuốc phiện nguy hiểm hơn thực dân Pháp. Như thế, hậu phương đã hoàn thành các công tác chính phủ đề ra. Hậu phương chuẩn bị tổng phản công. Ta sắp chiến thắng giặc Pháp rồi. Làng thôn tưng bừng mở hội, đón chờ kháng chiến thành công. Tường An lại rộn rã những trò chơi mới, ở ao đình. Đó là những trò bắt Việt gian, đập vỡ đầu phản động, và khắc phục gian khổ, để chiến thắng giặc Pháp.
Người ta thả ba chú vịt xuống ao đình rộng lớn. Ba chú vịt mang tên Việt gian gộc. Hàng chục người tham dự trò chơi bắt Việt gian. Họ cởi trần, mặc trần xì chiếc quần đùi, nhảy xuống ao, đuổi, bơi, lặn bắt ba con vịt, mà thời thế đã được hóa kiếp làm... Việt gian hạng nặng. Vịt bay là là trên mặt nước. vịt bơi nhanh. vịt lặn trốn. Vịt kêu hốt hoảng. Trên bờ, tiếng hoan hô cổ võ, tiếng đả đảo Việt gian vịt ầm ỹ, khiến vịt càng hoảng sợ. Chừng mười lăm phút, chưa bắt được Việt gian, là thua cuộc. Mười người khác thay thế, nhảy xuống ao tiếp tục bắt Việt gian. Ai bắt được Việt gian, đem về cắt tiết, làm lông, mà thưởng thức tiết canh,và vịt luộc chấm nước mắm gừng. Trò chơi đập vỡ đầu phản động cũng rất hào hứng. Một hàng niêu đất buộc bằng dây chuối luộc, và treo toòng ten, trên một sợi dây thừng dài, cao quá đầu người. Mỗi người tham dự phải để ban tổ chức bịt mắt lại, dẫn quanh co một lát, rồi mới buông ra. Người tham dự cầm cái gậy, quờ quạng, đi trên sân đình. Đến nơi, mà anh ta tin chắc, có bè lũ phản động, anh ta vung gậy đập. Đập vỡ cái niêu, anh ta được hoan hô. Đập hụt, anh ta bị cười ồ. Trò chơi khắc phục gian khổ để chiến thằng giặc Pháp gây thích thú nhất. Cây tre bương thật dài. Gốc cắm sâu vào bờ ao, người ta cắm một cành tre tươi, máng một tặng phẩm. Cây tre bương vàng óng. Không cần bôi mỡ, mà vẫn cứ trơn. Nó chòng chành, rún rẩy. Chỉ múa tay, uốn éo thân hình đi quá nửa cây tre bương, là rơi ùm xuống ao. ít người hy vọng giật giải này. Những người lớn không thích hợp với trò bắt Việt gian, và khắc phục gian khổ để chiến thắng giặc Pháp. Họ đã làm trò cười cho phụ nữ, nhi đồng.
Khoa, người bạn gái Hà Nội tản cư, và đồng chí cu Đường thân mến của nó đang đứng trên bờ ao, trong hàng ngũ khán giả. Một vùng trời thôn dã náo nhiệt, vang vọng tiếng cười, tiếng hét. Chưa bao giờ, kể từ ngày khai thiên lập địa, làng Tường An vui đến thế. Trẻ già, trai gái cùng vui. Những keo vật, những đêm chèo năm xưa đã vui lắm. Nhưng, niềm vui có giới hạn, và phụ thuộc vào sự được mùa hay mất mùa. Bây giờ, tiếng trống đồng mở rộng một tương lai chan chứa, chứ không dìu vể dĩ vãng hắt hiu, như tiếng trống chèo, trống vật. Ngay cả tiếng trống ngũ liên canh đê gợi chết chóc, đói lạnh cũng bị tiếng trống đồng lấn át. Tiếng trống ngũ lôi của đám đông đồng tử áo mầu sặc sỡ, nón lá quét sơn rước thần, đón thánh thì chịu khuất phục hoàn toàn bởi tiếng trống đồng cách mạng của bầy nhi đồng đầu trần, áo nâu. Mặt đất cằn khô muôn thuở và phẳng lì an phận, câm lặng chờ đợi một kiếp đời sau khấm khá hơn kiếp đời này, đã nứt nẻ. Ở những kẽ nứt nẻ, những mầm ước mơ nhú lên. Người nông thôn đã biết mộng mơ cuộc sống khác cuộc sống hiện tại. Kháng chiến là thửa ruộng gieo rắc mạ mộng mơ. Kháng chiến thành công, mạ sẽ thành tương lai vàng ngập đầy đồng. Người nông thôn tin tưởng thế. Sự câm lặng lên tiếng rộn ràng.
- Đồng chí cu Đường!
Liên vỗ vai Đường, nheo mắt:
- Dám bắt Việt gian không?
Đường xăn tay áo:
- Sợ gì nhảy.
Nó cởi áo. Khoa nắm chặt cánh tay Đường:
- Gượm đã.
Liên hỏi:
- Tại sao lại gượm?
Khoa đáp:
- Đề cho Việt gian nó mệt phờ râu ông cụ.
Liên khoái chí, cười khúc khích. Đường gạ Khoa:
- Tao với mày thi đua... khắc phục gian khổ, nhé!
Khoa lắc đầu:
- Mày thi đua một mình đi.
Đường nói:
- Giải thưởng mấy chục bạc, tha hồ chén bánh cuốn. Xuống chợ Mễ ăn bánh cuốn bà phó Nhự, là nhất. Thừa tiền, ta uống nước dừa. Có ngu mới chê.
Liên vỗ nhẹ vai Khoa:
- Bánh cuốn bà phó Nhự ngon lắm hở, Khoa?
Khoa nuốt nước bọt:
- Tuyệt cú mèo! Liên chưa đi chợ Mễ à?
- Chưa.
- Khoa sẽ đưa Liên xuống Ô Mễ, vào nhà anh Côn chơi.
- Ăn bánh cuốn bà phó Nhự, nữa chứ?
- ừa.
- Thế thì giật giải khắc phục gian khổ đi!
- Cần gì, Khoa xin tiền mẹ.
- Tiền giải thưởng ăn bánh cuốn mới ngon.
Chiến sĩ thi đua Khoa nổi máu thi đua. Nó bảo Đường:
- Nào, thi đua.
Hai đứa trẻ cởi áo đưa cho Liên cầm. Những người tham dự trò chơi khắc phục gian khổ để chiến thắng đang làm trò cười cho khán giả. Họ đi trên cây tre bương, như đi cột mỡ. Mgã là thường. Mỗi lần, một người rớt xuống ao, cây tre lại rung rinh. Đường xung phong đi trước. Nó chờ cây tre hết rung rinh, mới đặt chân lên. Đường giống con khỉ. Đường giống người làm xiếc đi trên dây. Nó không được cầm cây tre dài, lấy thăng bằng thân thể. Đường đã tới giữa đường khắc phục. Đường rón rén thêm chút nữa. Nó mở kỷ lục. Khán giả hoan hô Đường. Đường nắm chắc giải thưởng rồi.
- Đồng chí cu Đường!
Liên muốn dặn dò gì nó. Đường giật mình ngoái lại nhìn. Và, nó rơi tỏm xuống ao. Khán giả cười ồ. Đưòng bơi vào bờ, ngoi lên, khắc phục gian khổ lần thứ hai. Nó nhìn Liên, càu nhàu:
- Đừng gọi tớ, nghe chửa!
Đường đã đứng ở gốc tre. Nó uốn éo thân hình. Lần này, chưa tới giữa đường, nó đã ngã. Còn lần cuối cùng, Đường cố gắng khắc phục gian khổ. Nó thất bại, phải nhường người khác tranh giải. Chưa ai đi xa hơn Đường. Đến lượt Khoa, Đường hất đầu:
- Cái Liên nó có gọi, mặc kệ nó nhé!
Khoa hỏi Liên:
- Lúc nãy, Liên muốn dặn gì cu Đường?
- Muốn bảo cu Đường là, ra quá nửa cây tre, chạy nhanh, và chụp lấy giải.
Khoa gật gù:
- ờ, ờ, hay đấy.
Khoa thận trọng bước. Thấy Khoa tranh giải, mọi người tận tình khích lệ Khoa. Vì, khoa là con yêu của làng Tường An. Khoa hát hay. Khoa đóng kịch giỏi. Khoa chỉ huy nhi đồng gương mẫu. Khoa lễ phép, và ngoan ngoãn. Ai cũng yêu mến Khoa, muốn Khoa đoạt giải. Khoa giơ tay chào mọi người. Hoan hô Khoa! Hoan hô thằng Khoa! Khoa đã bước lên kỷ lục của cu Đường. Khoa phá kỷ lục. Hoan hô Khoa! Khoa rơi tõm xuống ao. Khán giả tiếc rẻ giùm Khoa. Con Liên ngẩn ngơ giây lát. Khoa đã bơi vào bờ.
- Tích cực thêm đi Khoa!
- Gắng sức nữa nhé, khoa!
Khán giả người lớn khích lệ Khoa ồn ào. Khoa ngước nhìn Liên. Chỉ nhìn rõ một mình Liên. Hai cánh tay con bé Hà Nội tản cư dang rộng, và giơ cao, như thể hối thúc Khoa hãy chiếm bằng được giải thưởng. Ở sân đình, tiếng hoan hô vang dội, vì đã có người đập vỡ đầu phản động. Một góc ao, ba tên Việt gian gộc đang bị vây hãm. Khán giả cổ võ những kẻ bắt Việt gian náo nhiệt hơn. Khoa không biết. Không cần biết. Không thèm biết, cả những ồn ào khuyến khích mình.
- Mau lên, Khoa ơi!
Liên giục khoa. Khoa nghe rõ. Nghe xong, thì tỉnh táo ngay, thì quên cú ngã vừa rồi. Khoa đưa tay vuốt cho hết những giọt nước còn dính trên mặt. Khoa chớp mắt. giấc mơ ngắn hiện ra liền. Bắt đầu là con đường bậc thang, con đường gập ghềnh như sống trâu, mùa mưa lầy lội nhất, phải, vì thế, nên mang tên đường Lầy, đưa xuống chợ Mễ. Chợ Mễ một tháng sáu phiên. Những ngày thường, chợ cũng họp, nhưng không đông bằng ngày phiên chính. Chợ phiên mới có bánh cuốn bà phó Nhự, mới có nước dừa, mới có cùi dừa kẹp bánh đa, ăn vừa dòn, vừa ngậy. Liên muốn xuống chợ Mễ ăn bánh cuốn. Ăn bánh cuốn bằng tiền giải thưởng, ngon vô cùng. Khoa sẽ đưa Liên xuống chợ Mễ, sẽ đưa Khoa ra khỏi lũy tre làng Tường An.
- Mau lên, chứ Khoa!
Khoa nhảy lên bờ. Khoa lại khắc phục gian khổ. Để, làm vui lòng Liên. Để, chiến thắng Liên. Lúc này, chỉ có Liên. Chỉ vì Liên. Khoa đã đi quá giữa. Quá một chút nữa. Cây tre rung rinh nhiều. Khoa nghiêng mình bên phải. Khoa nghiêng mình bên trái. Khoa rung rinh cùng với cây tre bương quái ác. Khoa hồi hộp. Liên còn hồi hộp hơn. Khán giả vỗ tay rền vang. cu Đường nhảy cỡn, hét ỏm tỏi:
- Bánh cuốn bà phó Nhự!
Khoa chợt nhớ lời Liên. Mắt Khoa rực sáng. Nó nhìn rõ giải thưởng rồi. Khoa chạy nhanh. Chạy, và bông nhông, chụp lấy giải thưởng, y hệt Luyến mít sơ lanh vừa chạy, vừa bông nhông, chụp bóng. Giải thưởng và Khoa lăn tòm xuống ao. Trên bờ, tiếng hoan hô vang dậy. Khoa đã ngóc đầu khỏi mặt nước, một tay giơ giải thưởng, một tay bơi vào bờ. Liên chạy tới cầm tay Khoa, lôi Khoa lên. Cu Đường vồ lấy giải thưởng, bóc ra xem. Nó hả hê nói:
- Khoái tỉ quá, một trăm cụ Hồ, Khoa ơi! Tha hồ chén bánh cuốn.
Đường nheo mắt:
- Bắt thêm con vịt chăng?
Khoa lắc đầu. Liên đập lưng Đường:
- Cu đồng chí Đường được mỗi cái nước ăn tham.
Giải khắc phục gian khổ đã mất, khán giả kéo vào sân đình. Trời đã nhạt nắng, nên trò chơi bắt Việt gian kém hấp dẫn. Ba tên Việt gian bơi lặn rất giỏi, chúng chưa bị bắt. Khoa nằm ngửa trên bờ ao đình, vươn tay thoải mái. Nó nghe Đường ca ngợi bánh cuốn bà phó Nhự, và, tưởng tượng, phiên chợ Mễ mùng sáu sắp tới, tưởng tượng, con đường Lầy, nó và Liên sẽ sóng đôi bước. Cu Đường lẽo đẽo đi sau, hay đi trước, tùy nó.
80
Mùa xuân lại sắp về. Kháng chiến, thế mà, đã được bốn năm. Cuộc trường kỳ kháng chiến có thể kéo dài hằng trăm năm. Vua Lê Lợi, ngày xưa, kháng chiến chống quân nhà Minh, ròng rã, mười năm mới chiến thắng. Hồ chủ tịch kêu gọi toàn dân đẩy mạnh cách mạng thành công, kháng ciến thắng lợi, dù phải hy sinh tới giọt máu cuối cùng. Nhất định, trường kỳ kháng chiến sẽ đánh bại thực dân xâm lăng Pháp. Nhất định, Việt Nam sẽ độc lập muôn năm. Hồ chủ tịch đoan quyết: Chúng ta sắp thắng lợi. Chỉ cần toàn dân thi đua giết giặc.
Người người thi đua
Ngành ngành thi dua
Ta nhất định thắng
Giặc nhất dịnh thua
Hồ chủ tịch dạy thế. Dân làng Tường An tin tưởng triệt để vào lời dạy của Hồ chủ tịch, phấn khởi phát động cuộc thi đua mùa xuân tới, để lập công dâng lên Hồ chủ tịch:
Lập công ta dâng lên Bác
Chúng ta là con của Người
Luôn luôn lúc nào cũng nhớ
Trung thành với Đảng với dân...
Bài hát mới nhất, và chữ đảng cũng mới nhất. Không ai biết đảng là gì, đảng ra sao. Cứ hát. Say sưa hát như loài vẹt, như con sáo, con yểng, trong lồng kín mít, nói những câu người ta dạy chúng nó nói. Chờ đón xuân về, Khoa ôm đàn banjo, ngồi trên hè nhà mình, tay vê dòn, miệng nghêu ngao:
Chim ca vang mừng mùa xuân sang
Nghe gió xuân lòng nhớ mong chàng
Xuân đến vui với hoa
Riêng có em sót sa
Nhìn về phương trời xa
Em thương ai lạnh lùng biên khu
Trong gió sương chờ giết quân thù
Em ngóng trông chiến công
Ghi khắp trên núi sông
Trời Việt Nam thắm hồng...
[30]
Khoa say sưa hát, không biết có người đang đứng nhìn nó.
- Hay lắm!
Khoa cụt hứng, ngước mắt. Nó reo mừng:
- Anh Côn!
Khoa đặt cây đàn banjo xuống thềm, chạy tới nắm chặt tay Côn:
- Hôm nọ, em đi chợ Mễ, ghé vào thăm anh mà anh không có nhà. Anh trốn em, hở?
Côn xoa đầu Khoa:
- Anh sang Đống Năm. Em tìm anh hỏi tin anh Vũ, hả?
- Không. Em muốn chơi banjo alto, nên nhờ anh dạy cách ác co.
- Tiếc quá nhỉ! Anh sắp đi rồi.
- Anh đi đâu?
- Tình nguyện lên Sơn Tây, học ở trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Anh đến chào bố mẹ em. Bố mẹ có nhà không?
- Có.
Khoa dẫn Côn ra vườn sau, tìm cha mẹ đang cắt ngồng cải. Cha Khoa đưa Côn vào nhà, và bắt Khoa rót nước, mời Côn uống, làm như Côn đã lớn lắm. Mà Côn đã lớn thật. Vẻ trịnh torng của cha Khoa khiến Côn buồn buồn. Một chiều nào đó, tưởng đã xa vô cùng, đứng trên cầu Bo với Vũ, Côn đã nghĩ tới ngày bạn bè xa nhau, xa thật lâu, và lớn lên, lớn thật mau. Gặp gỡ nhau, chắc sẽ ngỡ ngàng, lạnh nhạt. Ba năm rồi, từ tiêu thổ kháng chiến, Côn không gặp Vũ lần nào. Vũ đã đi chiến đấu. Côn muốn gặp Vũ, tìm lại tình bạn xưa trong chiến đấu. Chắc, không đến nỗi ngỡ ngàng.
- Anh Côn uống nước đi.
Côn đau nhói ở tim. Côn chợt hiểu, lớn khôn là biết đón nhận những nỗi đau sót. Cha Khoa không gọi Côn là cháu nữa. Sự thân mật vất trả về quá khứ. Côn nâng chén nước. Uống cạn nỗi buồn.
- Cháu sang chào hai bác, độ nửa tháng sau, cháu lên đường.
- Anh Côn tính đi đâu?
- Cháu theo học trường lục quân Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây.
- Xa quá nhỉ!
Cha Khoa trầm ngâm giây lát:
- Anh suy nghĩ kỹ chưa?
Côn đáp:
- Cháu tình nguyện.
Cha Khoa thở dài:
- Thằng Vũ nhà này chẳng hiểu sống chết ra sao. Các anh vừa lớn, ham vui, và thường làm khổ gia đình.
Côn chớp mắt:
- Lớp cháu, người ta tình nguyện đi hết. Anh nào ít tuổi, khai dối tuổi. Nhiều anh không được nhận đơn, khóc cạn nước mắt. Cháu ở nhà, không biết làm gì. Chúng cháu sẽ lên Việt Bắc.
Khoa khen ngợi Côn:
- Anh hách ghê! Vài năm nữa, em cũng sẽ ra đi.
Cha Khoa hỏi:
- Anh Côn ở lại dùng cơm với em Khoa, nhé?
Côn nói:
- Cháu sang chào hai bác, chơi với em Khoa một lát thôi. Chiều nay cháu phải lên Lạng.
Côn đã ở lại chơi với Khoa hàng tiếng đồng hồ. Khoa bắt Côn dạy nó ác co một vài bản nhạc phổ thông. Khi Côn về, Khoa tiễn chân Côn đến tận cây đa đường Lầy. Khoa hãnh diện thêm, vì anh Côn của nó sắp trở thành người chỉ huy bộ đội. Khoa nghĩ rằng, măm nay, Vũ cũng làm bộ đội rồi.
Người bộ đội quần áo nâu đầy những mụn vá giang hồ, tóc cắt ngắn nhuốm bụi đời, da sạm mầu chinh chiến đường xa, thoáng nhìn đã thấy ngập tình yêu mến. Người bộ đội là linh hồn của kháng chiến. Người bộ đội đánh đuổi giặc Pháp, chịu đựng gian khổ cho hậu phương yên vui. Bộ đội đã về Tường An. Đó là tuổi trẻ thành phố ra đi từ chinh chiến. Mắt ngời sáng. Miệng cười tươi. Tuổi trẻ đi chiến đấu, mơ ước được trở về sống với Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định..., như Vũ mơ ước được trở về sống với Thái Bình, sống với kỷ niệm và tình yêu. Tuổi trẻ thần thánh của một giai đoạn lịch sử ngập ánh hào quang. Côn đã theo chân Vũ. Chắc Luyến, Long, Lộc, cũng đã theo chân Vũ. Ra đi. Bước chân chiến đấu in đầy dấu vết lãng mạn trên quê hương. Một ý nghĩa nào khác, không cần biết. Một âm mưu nào khác, không cần hay. Chỉ biết chiến đấu thắp sáng quê hương u tối, đang đầy bóng giặc cướp nước. Nếu chưa thắng giặc, còn trường kỳ kháng chiến. Và, Khoa sẽ lớn khôn, sẽ ra đi làm lịch sử, sẽ mơ thành người sông Lô.
Khoa tung tăng bước. Đã về tới con đường làng mình. Khoa đứng ngắm cánh đồng, sau mùa gặt nắng hanh vàng. Cơn gió lạnh nhẹ ướp tươi tâm hồn Khoa. Tiếng gà gáy te te nhọn. Buồn não nùng. Khoa không nhận ra cái vẻ buồn đó. Tiếng gà gáy báo trưa bắt không gian trải rộng, và thời gian thu cánh. Và, hoàn toàn im lặng, để cảm xúc dâng lên. Một mình Khoa đi giữa đường trưa. Trưa thần tiên. Trưa thanh bình trong kháng chiến. Khoa lại muốn được cùng Liên đi trên đường trưa. Trưa ngai ngái mùi dắt. Trưa phảng phất hương đồng. Trưa rất ca dao. Trưa khiến xốn xang lòng người. Khoa dang tay ôm chặt buổi trưa thần tiên của quê hương mình. Khoa bước chậm, cúi đầu nhìn dấu chân in trên mặt đường. Đưa từ một xóm nhỏ tới, tiếng hát bùi ngùi:
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre còm tả tơi
Ruộng khô có những ông giá rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy
...
Bao giờ anh chiếm được đồn Tây...
[31]
Bài hát làm Khoa buồn. Quê hương Khoa cũng chỉ nghèo đến thế là cùng. Người bừa thay trâu cầy. Và, đất cầy trên sỏi đá. Quê đã nghèo, mà giặc Pháp còn tràn về đốt phá, chém giết, và thiêu rụi tương lai. Khoa bỗng lo cho số phận con đường trưa. Giặc về đây, những dấu giầy đinh tàn bạo của chúng sẽ cầy nát mặt đường, sẽ xóa hết những dấu chân kỷ niệm của Khoa, và Liên, và của dân làng. Buổi trưa thần tiên bị phá tan bởi tiếng súng. Buổi chiều thơ mộng bị đâm chết bởi lưỡi lê. Tiếng gió luồn qua bờ tre khóm lá, như tiếng thầm tình tự, sẽ chỉ còn âm vang của hờn oán, đau thương. Khoa rùng mình sợ hãi. Khoa hốt hoảng. Khoa vụt chạy.
Thằng bé biến khỏi không gian thần tiên. Nó đã chìm vào ác mộng của chiến tranh. Nó, mơ hồ, thấy chia lìa, đứt đoạn.