63 - 64

     ả thị xã bàng hoàng. Giặc Pháp đã đánh chiếm Hà Nội. Như, năm ngoái, tiếng súng gây hấn của xâm lăng đã vang sông núi miền Nam, lại vang sông núi miền Bắc, năm nay. Những chiếc xe Con Voi của ông Lê văn Định nằm xếp hàng, ở bến Hà Nội, không về Thái Bình được. Tài xế và ét đành bỏ xe, chạy bán sống bán chết. Họ thuật chuyện Hà Nội cháy. Lửa bốc cao. Đứng tận Phủ Lý còn thấy lửa rực một phía trời. Dân chúng lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau, ùa ra năm cửa Ô, tản mạn về các vùng lân cận. Chỉ có thanh niên ở lại chiến đấu, quyết bảo vệ thủ đô. Họ nói giặc Pháp đưa xe tăng, thiết giáp, khạc đạn liên hồi, san bằng những ổ súng liên thanh kháng chiến của ta. Họ làm như tận mắt họ nhìn rõ hai bên giao tranh. Mọi người tin họ, hối thúc họ kể chuyện Hà Nội cháy. Và, họ say sưa kể, giọng đầy phẫn nộ và tin tưởng. Câu chuyện truyền đi rất mau. Nội buổi tối, cả thị xã biết giặc Pháp đang bị phơi xác, trên ba mươi sáu phố phường Hà Nội. Nỗi bàng hoàng tan biến. Dân Thái Bình hướng về Hà Nội, trông chờ tin chiến thắng.
Mấy hôm sau, báo Cứu Quốc mới rao bán. Dân thị xã mua đọc. Không đủ. Chuyền tay nhau đọc. Hồ chủ tịch kêu gọi toàn dân kháng chiến, đuổi thực dân Pháp khỏi Việt Nam yêu dấu. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Khẩu hiệu mới đó. Tăng gia sản xuất là diệt Pháp. Cũng khẩu hiệu mới. Nhớ ngày Hồ chủ tịch sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, nhi đồng được dạy hát nhiều bài ước vọng:
Vắng bác Hồ yêu dấu
Lòng bâng khuâng cháu sầu nhớ nhung
Bác có nhớ cháu không
Từ lúc con chim bằng cất cánh
Buồn thẫn thờ nhìn theo chim kia
Nhẹ nhàng khuất trong mây
Quay bước chân trở về
Chờ mong tháng ngày
Nhớ nhung bác Hồ ở nơi xa vắng
Nối tâm chí tranh giành
Để quyền lợi cho nước Nam
Trong tâm mong nghe thấy
Khải hoàn vang khúc ca
Mong bác mau trở về với chúng ta
Không có khúc ca khải hoàn, khi bác Hồ hồi hương. Giặc Pháp chiếm gần hết Nam Bộ, và kéo quân ra Bắc Bộ. Bác Hồ trở về, buồn thiu. Bác Hồ khó mà vui, nghe nhi đồng hát:
Đêm trăng cháu nhớ bác Hồ
Cháu ca cháu hát cháu hô vang trời
Bác Hồ ơi bác Hồ ơi
Bác cho chúng cháu những mười cái hôn
Bác Hồ quên cả những lời hứa hẹn, trước ngày sang Pháp. Bây giờ, bác bảo trường kỳ kháng chiến. Thế là đánh nhau lâu lắm. Thế là chắc chắn có chia ly, xa cách. Trái tim Bắc Bộ bị lưỡi lê giặc đâm thủng. Toàn Bắc Bộ đau đớn, run rẩy. Nghĩ đến thù nước. Chỉ nghĩ đến thù nước. Chẳng cần nghĩ đến bác Hồ. Giặc Pháp mà chiếm xong Hà Nội, sẽ xuống Nam Định, và tràn qua Thái Bình. Dân thị xã mong mỏi thủ đô là mồ chôn giặc Pháp. Hướng về Hà Nội, tin tưởng tràn trề. Báo Cứu Quốc bán đều đều. Hà Nội đã lập đội Tự vệ thành, gồm toàn những thanh niên yêu nước, tình nguyện ở lại giữ từng căn gác, từng khu phố, từng khe cống Hà Nội. Tường nhà nọ dục thủng xuyên qua tường nhà kia, tuổi trẻ Hà Nội đứng lên làm lịch sử. Tóc lộng gió, mắt rực căm thù, tuổi trẻ Hà Nội nhào ra cướp súng giặc, giết giặc. Tuổi trẻ Hà Nội nằm giữa đường cản xe tăng. Xe tăng nghiến nát. Không dọa nạt nổi lòng kiêu hùng. Ôm lựu đạn xông thẳng vào xe tăng. Nhảy lên xe tăng, dùng thân xác mình, bịt kín lòng súng giặc. Một mình ngạo nghễ với chai xăng, đốt cháy xe tăng giặc. Giữ từng con phố, giữ từng hàng cây. Tâm hồn chiến đấu với súng đạn tối tân của giặc. Chết cho tổ quốc. Chết cho Hà nội tồn tại, bất diệt. Thịt máu tung lên. Cây Việt Nam sẽ tươi thắm.
Báo Cứu Quốc không ngày nào quên tường thuật những cuộc chống trả gan dạ, phi thường của Tự vệ thành. Nam Bộ có Thanh niên tiền phong. Bắc Bộ có Tự vệ thành. Dân Thái Bình đọc báo, mà cảm xúc, mà chiên ngưỡng dân Hà Nội. Và, mỗi ngày, một cuộc biểu tình tuần hành đả đảo giặc Pháp, hoan hô Tự vệ thành chiến đấu anh dũng. Tiếng súng chưa vang tới Thái Bình. Sinh hoạt vẫn bình thường. Thì giờ dành nhiều cho thù hận giặc Pháp. Ở góc phố, ở sân trường, những trái đấm phóng vào không khí, những lời nói rít qua kẽ răng: Căm thù giặc Pháp.
Vũ và bạn bè của Vũ, lớn thêm một chút. Lịch sử làm lớn những hồn đào niên thiếu. Lịch sử, luôn luôn, có phép nhiệm mầu. Nó quyến rũ cả những ai không thích nó. Nó huyễn hoặc nhiều người. Và, khối kẻ theo đuổi lịch sử, cho đến khi tỉnh giấc mê đời, mới biết mình lạc đường vào lịch sử [4]. Những bài báo tường thuật những trận đánh như đùa giỡn với giặc Pháp của Tự vệ thành, khiến Vũ say mê. Nỗi ám ảnh mất mát, xa lìa đã có chố trốn nấp kín đáo. Tưởng tượng Pháp chiếm Thái Bình, Vũ và bạn bè của Vũ sẽ noi gương Tự vệ thành, sẽ chiến đấu giữ từng con phố, từng bờ tường, từng mái hiên. Chắc chắn, Vũ sẽ bảo vệ con phố nhà Thúy, bảo vệ hàng cây hồi.
Vũ chiến đấu cho sự bình thản của Thái Bình, nơi Vũ sinh ra, lớn lên, hưởng trọn hoa niên, và biết yêu thương. Vũ sẽ chỉ chiến đấu vì thế, chiến đấu vì quê hương bé nhỏ của Vũ. Chiến đấu cho xum họp, gần gũi. Chiến đấu để khỏi chia lìa, ngăn cách, và buồn thảm. Ước mơ của Vũ thật giản dị. Thái Bình, mãi mãi, là Thái Bình. Chẳng cần huy hoàng, mới lạ. Mới lạ dễ thành xa lạ. Huy hoàng cũng là biên giới cách ngăn. Cứ nhỏ bé cho những tâm hồn gần gũi, thân mật những tâm hồn. Dòng sông Trà Lý có một mùa nước lũ cuồn cuộn. Rồi, lại lờ lững, êm đềm. Dòng sông ôm gọn nỗi vui buồn của cuộc đời tỉnh lỵ. Mùa xuân, mùa hạ rộn rã tiếng cười. Mùa thu thở dài lo lắng. Mùa đông ngồi buồn ôm kỷ niệm. Hạnh phúc làm bằng những thứ bình thường đó. Người ta phải chiến đấu, cũng bởi người ta không muốn mất hạnh phúc đơn sơ. Như Vũ, Vũ bằng lòng sống đến già ở thị xã Thái Bình. Vũ nghĩ rằng, những phương trời xa có thể rực rỡ gấp ngàn lần thị xã của Vũ, không thể có cầu Bo, sông Trà Lý, đền Mẫu, hồ Phúc Khánh, cống Kỳ Bá, những nơi Vũ đã dàn trải kỷ niệm ấu thời với bạn bè. Nhất là không thể có Thúy, có hàng cây hồi mùi thơm hăng hắc khắp phố, trừ phố nhà Thúy. Thúy là mùa xuân của Vũ, là ý nghĩa tuyệt vời của cuộc đời nối tiếp.
Thanh niên Hà Nội đang sống chết giữ Hà Nội, nhất định không bao giờ vì những khẩu hiệu, vì ảo vọng cách mạng, vì thích làm lịch sử, vì chủ tịch Hồ Chí Minh, vì những thúc giục phù du mà, phần lớn, chỉ vì thành phố của mình, nơi mình sinh trưởng, nơi mình ghi khắc kỷ niệm, nơi mình biết yêu, và được yêu. Nguời ta chiến đấu cho tình yêu, trước hết. Vũ sẽ chiến đấu cho tình yêu. Mà, tình yêu Thúy là lý tưởng chiến đấu tuyệt đối. Không vì tình yêu, không ai say mê chiến đấu. Không vì tình yêu, kẻ chiến đấu giống hệt gã điên rồ bắn bừa, chém bậy. Và, khi chiến thắng trở về, lòng kẻ chiến đấu sẽ trống rỗng, quạnh hiu. Thường là chiến bại. Bởi, có gì mong đợi mình chiến thắng trở về? Chiến đấu cho tình yêu, chết cho tình yêu, đó là ý nghĩa rạng rỡ nhất của cuộc sống một người.
Vũ chấp nhận chiến đấu. Để, bảo vệ thị xã thân yêu của Vũ. Để, bảo vệ người thân yêu của Vũ. Để, dòng sông Trà Lý muôn thuở êm đềm. Để, cầu Bo muôn thuở vững chãi. Để, hàng cây hồi, con phố nhà Thúy, muôn thuở ngát thơm. Để, mãi mãi yêu Thúy. Nhưng, có lẽ, Vũ không cần chiến đấu. giặc Pháp sẽ bị đuổi khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Bộ. Giặc Pháp sẽ bị đuổi khỏi Việt Nam. Giặc Pháp khó mà bén mảng sang Thái Bình.
64
Thế là hết hy vọng giữ Hà Nội. Giặc Pháp đã chiếm gọn thủ đô. Quân ta không kịp tiêu thổ kháng chiến. Tự vệ thành bị đánh bật khỏi thành phố kỷ niệm của mình. Dân Hà Nội tưởng chạy giặc năm bữa, nửa tháng sẽ hồi cư. Đành nước mắt đẩm lệ, nhìn Hà Nội trong tay thù, rồi tản cư sống đời áo nâu, biệt ly gấm hoa, làm những chuyến phiêu lưu vô định. Giã từ Hà Nội. Theo thác lũ người Hà Nội giao thành phố cho giặc chiếm đóng, có kẻ cảm khái hẹn về:
Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dậm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già
Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
Theo tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về trở về chiếm lại quê hương
Hà Nội mất, khắp nơi xúc động. Hải Phòng cũng mất luôn. Các chiến sĩ thành Tô tạm biệt dòng sông Cấm. Những thành phố chưa bị giặc kéo tới, được lệnh tiêu thổ kháng chiến. Nam Định rục rịch phá nhà, đốt cháy dinh thự. Những cây cầu quan trọng, những khúc đường rầy bị giật sập, lột lên. Thái Bình còn ở quá xa, nên chỉ chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến, và chờ đợi chiến đấu tiêu diệt giặc. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp. Khẩu hiệu đầy lửa và tin tưởng. Sinh hoạt không có gì thay đổi. Phố xá vẫn buôn bán tấp nập. Trường học vẫn mở cửa. Báo Cứu Quốc kêu gọi toàn dân đoàn kết kháng chiến chống Pháp, và cho rằng, mất Hà Nội không thể là mất Việt Nam. Quân ta sẽ tống cổ giặc Pháp khỏi thủ đô, ngày gần đây.
Hôm nghe tin Hà Nội thất thủ, Vũ thả bộ đến nhà Thúy. Hai tay thọc túi quần, Vũ cúi đầu, lặng lẽ đi. Nhiều sợi khói buồn vướng ở mắt Vũ. Hà Nội chiến đấu anh dũng, thế mà còn bị mất, thì dễ gì Thái Bình giữ nổi? Câu hỏi luẩn quẩn trong đầu óc Vũ. Nhất là lệnh tiêu thổ kháng chiến. Không để một căn nhà, một hàng cây, một viên gạch nào lọt vào tay giặc. Phá đổ, đốt cháy hết trước khi giặc tới. Giặc tới với những đống gạch hoang tàn, với những hàng cây ngã gục thê lương. Giặc đến với đồng không, nhà trống. Như vậy thị xã của Vũ sẽ bị thiêu hủy. Con đường số 10, từ bến đò Tân Đệ, xuyên qua phố chính, qua cầu Bo, sang Hải Phòng, sắp bị đào xẻ. Những cây cầu sắp bị gài mìn cho nổ tung. Vũ thương cầu Bo vô vàn. Chắc rồi cầu Bo cũng bị giật tung. Vũ sẽ khóc hết nước mắt. Sự chia lìa, ngăn cách, đổ vỡ, mất mát không còn mơ hồ cảm thấy nữa. Nó đã hiện dần, rõ ràng, đắng cay, và ác nghiệt. Nỗi ám ảnh, tưởng đã trốn mất, lại xuất hiện. Vũ không thể tin rằng thị xã của Vũ vẫn nguyên vẹn những hình ảnh thân yêu, khi chiến tranh lướt qua. Vũ chớp mắt, nghe lòng dậy lên những xót xa, bùi ngùi.
Đã đến cửa nhà Thúy. Vũ không muốn gặp Thúy ngay. Vũ đứng dựa lưng vào thân cây hồi quen thuộc, ngẩn ngơ, như cậu trai vừa biết yêu đã thất tình. Cánh cửa sổ mở rộng. Thúy đang mong Vũ, chờ Vũ tới sớm hơn giờ hẹn. Thúy xuýt phì cười, thấy Vũ lim dim đôi mắt:
- Vũ ngủ gật đấy à?
Vũ mở mắt. Khuôn mặt Thúy hiện giữa khung cửa sổ, một sáng nắng hiền tỉnh lỵ, đẹp tựa chiêm bao. Gió ngoan bỗng luồn qua lá hồi. Gió yêu lá. Gió và lá thầm thì tình tự. Chẳng biết gió và lá có nghĩ ngày xa nhau, ngày tiêu thổ kháng chiến, ngày cây gục đổ, lá úa vàng chết, và gió đậu trên những đống gạch vụn nát, tương tư lá?
Thúy giơ tay vẫy:
- Lại đây, Vũ.
Vũ dời thân cây hồi, chậm chạp bước tới. Cánh tay Thúy vẫn để ra ngoài song cửa. Vũ cầm cánh tay nõn nà của Thúy, bằng cả hai tay mình. Một bàn tay Vũ mơn man bàn tay Thúy. Vũ nâng niu bàn tay Thúy, nâng niu mùa xuân của mình.
- Vào nhà với Thúy, đi!
- Vũ đứng ngoài được rồi.
- Sao hôm nay Vũ buồn thế?
- Vũ buồn à?
- Ừ, buồn ghê. Mắt Vũ như dính nước mắt. Vũ vừa khóc, hở?
- Không.
Vũ cười. Nụ cười không giống nụ cười hôm qua:
- Thúy bảo Vũ không biết buồn mà?
Thúy nói:
- Hôm nay, Vũ buồn.
Vũ nhớ vụ lụt năm ngoái, một mình chống bè vào phố nhà Thúy. Vũ buông sào, ngồi giữa bè thổi ác mô ni ca. Tiếng nhạc lan tỏa trên mặt nước. Một vùng ánh sáng, từ khung cửa sổ nhà Thúy, đủ soi sáng lối dẫn Vũ tới thế giới thần tiên của Vũ. Tay Vũ lạnh. Tay Thúy làm ấm tay Vũ. Mùa xuân Thúy làm ấm mùa đời Vũ. Ngọn cỏ Vũ ngậm ngọn sương Thúy long lanh. Và, giọt sương đó, bây giờ, muốn tan biến, muốn bắt ngọn cỏ héo hắt, úa vàng. Nắng lửa thích làm tan rã những giọt sương mai. Chiến tranh thích làm cuộc đời héo hắt, mòn mỏi.
- Dạo ấy vui, Thúy nhỉ?
- Dạo nào?
- Dạo Vũ nhốt con chim khuyên vào túi quần xoóc đem cho Thúy ấy. Thúy nuôi chim bằng cái ấm tích. Vũ ăn cắp cái lồng bẫy chim khuyên của thằng Hội, nhớ chưa?
Giọng Vũ chìm trong xa vắng:
- Dạo ấy, chưa có đảo chính, cách mạng... Dạo ấy, chẳng ai nghĩ chuyện chiến tranh, chẳng ai nghĩ có ngày thị xã mình sẽ bị tiêu thổ kháng chiến.
Thúy hỏi;
- Tiêu thổ kháng chiến là gì?
Vũ buồn buồn:
- Là mình phải đập phá nhà mình, chặt cây hồi trước cửa nhà mình, giật đổ cầu Bo.
Thúy chớp mắt:
- Rồi mình ở đâu?
Vũ thẫn thờ:
- Mình dời thị xã mà đi, như dân Hà Nội bỏ Hà Nội mà đi. Gọi là dân tản cư đó, Thúy ạ. Tản cư là yêu nước.
- Mình tản cư đi đâu?
- Không biết.
- Thúy không muốn đi đâu. Tại sao mình phải bỏ nhà mình?
Thúy quên mất lời ông chủ tịch Thái Bình mà, hôm nào, ở bờ sông, Thúy đã nhắc Vũ. Đôi mắt Thúy cũng đã vương khói buồn:
- Không giữ thị xã mình à?
Vũ khẽ lắc đầu:
- Chỉ còn hy vọng.
- Hy vọng gì?
- Pháp đừng về Nam Định. Pháp về Nam Định là Thái Bình tiêu thổ kháng chiến. Cả trường học cũng bị tiêu thổ.
- Phá trường học?
- Phá luôn nhà thương.
- Phá tất cả?
- Phá hết.
Thúy sững sờ nhìn Vũ:
- Mình sắp xa nhau?
Vũ nghẹn ngào:
- Mình sắp xa nhau...
Trái cây tưởng chín dần, và ngon ngọt. Trái cây đã chín thật nhanh, và làm ê răng Vũ, ê răng Thúy. Chưa bao giờ, Vũ nghĩ, có lần Thúy nói một câu ngắn ngủi mà buồn não nuột. Tháng giêng vừa tới hiền dịu, đã tháng năm quái ác. Và, tháng chạp sầu thảm gần kề. Cuộc đời tỉnh lỵ sắp bị bão táp thổi tung, cuốn mất hút. Vũ nắm chặt tay Thúy:
- Chắc giặc Pháp không sang Thái Bình đâu, Thúy ạ!
Thúy đưa cánh tay trái, luồn nốt qua song cửa, đặt lên vai Vũ:
- Thế là không tiêu thổ?
- Tiêu thổ cũng không sợ, nếu giặc đừng tới. Mình phá rồi mình làm lại.
- Những cây hồi trồng lâu lắm.
Vũ lặng thinh. Những cây hồi trồng tự đời nào nhỉ? Có lẽ tuổi cây nhiều hơn tuổi Vũ.
- Mình không phải xa đây, thì những cây hồi sẽ mau lớn.
- Nhỡ người ta không trồng hồi thì sao?
Vũ rời tay Thúy. Xót xa đùn dần, ngập lụt tâm hồn Vũ. Vũ quay mặt ra đường:
- Vũ về đây.
Bàn tay Thúy không còn đặt trên vai Vũ nữa. Biên giới ngày mai giống hệt khung cửa sổ. Khung cửa sổ đóng kím mít, không tỏa nổi một chút ánh sáng. Rồi, Vũ chỉ biết nhớ Thúy. Vũ sẽ khóc. Vũ chạy ra đường. Vũ chạy nhanh, lẩn trốn một ưu phiền đang đuổi Vũ. Thúy nhìn theo. Đôi mắt vướng thêm bụi. Đôi mắt chớp mau. Hạt bụi không chịu trôi theo nước mắt.