-33 -34 -
Vừa biết chớm buồn

     ứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, hở?
- Không, tứ tử làm lấy mà ăn.
- Tám đen ăn kết tám đỏ ăn phu, đấy nhé!
- Ừ.
- Cấm tướng sĩ tượng đi đầu.
- Mỗi quân mấy đẹt đây?
- Hai.
- Đẹt ở đâu?
- Ở mũi.
- Rồi, bắt cái đi.
- Tượng. Tam tượng, cái Côn.
Luyến chia bài. Tết nhất không còn ai giận nhau nữa. Mùa xuân là mùa xum họp, đoàn tụ. Thúy đã theo mẹ đến nhà Côn, chúc tết gia đình nó. Bác Thụy mừng tuổi Côn mười đồng. Và, Thúy mừng tuổi nó một nụ cười. Nụ cười làm thân của Thúy, khiến Côn nóng bừng tai, dù đầu xuân vẫn còn lạnh lắm. Mùa đông không chịu đi. Nó nằm ăn vạ mùa xuân. Mồng một tết thiếu mưa bụi rây trong không gian. Mà chỉ có những hạt mưa hắt vào mặt, giá buốt. Chưa biết tháng mấy mùa đông mới biến mất. Cá ở hồ Phúc Khánh đã chết cóng, nổi lềnh bềnh. Côn chẳng thấy lạnh, từ lúc Thúy nhìn nó, mỉm cười. Mùa xuân chắc ấm áp, với riêng thằng Côn. Côn tháo cái lồng chim cu gáy mừng tuổi Thúy. Con bé vui vẻ nhận ngay. Thế là Côn quên phát xít Nhật, quên chuyện giang hồ Hà Nội. Sự hồn nhiên vừa bỏ nó đi được một quãng, lại trở về cùng nó, cùng mùa xuân của đất trời. Côn rủ Luyến tới nhà Thúy chơi tam cúc. Cả Ngọc nữa, bàn tam cúc đủ bốn chân.
- Cái Côn, gọi đi chứ!
Thúy giục. Con nhà Côn liếc bài Thúy. Nó ngồi cạnh Thúy, lại khéo giả vờ, nên nó biết rõ bài Thúy. Côn rút ra một cây bài, đặt xuống chiếu:
- Một cây.
Cả làng cùng rút một trong tám cây bài, úp mặt có vẽ hình xuống chiếu. Côn lật cây bài lên:
- Lính khố đen!
Lính khố đen là tốt đen. Tam cúc gồm ba mươi hai quân bài, giấy cứng. Mười sáu quân đen, mười sáu quân đỏ. Tướng ông chỉ huy mười sáu quân đỏ: Đôi sĩ điều, đôi tượng điều, đôi xe điều, đôi pháo điều, đôi mã điều, và năm tên tốt điều. Tướng bà chỉ huy mười sáu quân đen: Đôi sĩ thâm, đôi tượng thâm, đôi xe thâm, đôi pháo thâm, đôi mã thâm, và năm tên tốt thâm.
Hai cây đỏ giống nhau, kết thành một đôi. Xe pháo mã đen, hay đỏ, là bộ ba. Tướng sĩ tượng, cũng vậy. Ai cầm bài, cuối cùng còn tướng ông, tướng bà, mà làng gọi hai cây, thì tướng ông tướng bà đi... tháo tỏng. Hai cây đen, hay ba cây đen sau rốt, làng không ai bắt được, người đánh ăn kết, tức là ăn gấp đôi tiền làng. Bọn thằng Côn không bao giờ kêu đúng tên con bài cả. Chúng nó đặt tên cho từng quân.
- Vần cánh. Thúy lật bài lên.
Thúy hồi hộp nói:
- Xe đen.
Ngọc đẩy con bài vào giữa:
- Chui.
Luyến khoái chí:
- Mừng quá. Đây xe ông Lê văn Định sơn đỏ. Xe đỏ đè xe đen.
Thúy úp con xe đen, vất lên con bài chui của Ngọc. Luyến ta hí hửng:
- Đôi cây.
Luyến chờ làng đặt bài xuống chiếu, lật lên:
- Voi đỏ.
Luyến lại ăn. Nó gọi tiếp:
- Một.
Luyến ta tướng bà, bị tướng ông của Côn bắt đúng. Côn cười:
- Hì hì, tướng ông bắt tướng bà ăn vụng. Chui đi, Luyến!
Côn khiêu khích Luyến:
- Một nữa.
Con sĩ điều, bây giờ, là chúa tể. Côn ăn luôn, và gọi ba cây. Nó vật bài liền, vì xe pháo mã điều, mất hai tướng, kể như vô địch. Mỗi người phải ăn hai cây mới hòa. Luyến ăn ba cây. Nó vất sang chỗ Ngọc một cây:
- Hai cái đẹt mũi.
Côn vất tiếp cho Ngọc một cây:
- Hai cái đẹt mũi.
Thúy nhanh nhảu:
- Côn cho Thúy nợ bốn đẹt nhé, Côn nhé?
Côn nhé, hai tiếng ấy sao mà êm ái thế. Côn lặng người đi. Nó không trả lời Thúy. Luyến đã vơ một nắm bài, xếp gọn, cầm trên tay. Nó hạch Ngọc:
- Ngẩng mặt cao cao một tí.
Ngọc năn nỉ:
- Cho nợ đi.
Luyến lắc đầu:
- Vừa mới được ván đầu, phải mở hàng, chứ.
Và, nó đẹt xấp bài cứng vào mũi Ngọc, hai cái nên thân. Ngọc xoa mũi:
- Lát thua, đừng có ăn vòi nghe chưa.
Luyên bĩu môi:
- Đây đâu thèm ăn vòi.
Nó nheo mắt:
- Đến phiên mày đẹt, Côn ạ?
Côn vơ tất cả bài lại, trang lia lịa:
- Bắt cái đi Luyến. Côn cho nợ.
Bốn đứa tiếp tục chơi tam cúc. Côn đỏ, được hoài. Thúy nợ Côn đến một trăm cái đẹt. Ngọc đã trả thù Luyến. Sau đó, chúng nó giao hẹn, lúc nào thôi, hãy đẹt một lượt. Thúy cũng nợ Luyến hai chục đẹt rồi. Gần tối, Ngọc phải về, nên bàn tam cúc tan. Chơi ba người càng thích, nhưng Luyến đã chán đánh tam cúc ăn đẹt. Nó muốn chuồn về nhà, ngồi đánh ké bất với chị nó, ăn tiền cơ. Côn rủ Ngọc ở lại, con bé khăng khăng đòi về. Luyến tính sổ nợ. Nó giơ cỗ bài:
- Thúy, giơ mũi ra! Đây đẹt nhẹ thôi.
Côn nắm lấy cỗ bài:
- Mày còn tao mười lăm đẹt, tao trừ cho Thúy.
Luyến ngó Côn, cười xỏ:
- Mày nợ gì nó mà đòi trừ? ờ, mày đẹt ông mười lăm cái đi, ông đẹt lại nó hai mươi cái. Mày bảo mày ghét con gái mà?
Côn chối bai bải:
- Tao bảo bao giờ?
Luyến lượm hạt dưa, cắn tanh tách:
- Năm ngoái, mày quên à?
Côn cứng họng, chẳng biết nói sao. Cuối cùng, nó cù nhầy:
- Hòa cả làng. Giao hẹn rồi.
Luyến cãi:
- Giao hẹn gì?
- Đang chơi bỏ về, không được đẹt.
Luyến đứng dậy:
- Từ nay không chơi với mày nữa, mày ăn gian cho con Thúy.
Luyến bỏ về. Côn giữ Ngọc lại. Con bé không chịu. Con bà cô này dễ ghét. Nó muốn cầm cỗ bài, đẹt vào mũi con Ngọc, cho sưng đỏ lên. Côn không về. Nó muốn ngồi bên Thúy, mãi mãi, để đánh tam cúc, và bênh vực Thúy. Nhưng hết người đánh tam cúc rồi. Thúy bảo hai người chơi buồn lắm, vì biết hết bài của nhau. Căn phòng còn hai đứa. Chúng nó cắn hạt dưa, ăn mứt, và nhìn nhau. Đôi mắt con Thúy, ban đêm, cũng long lanh như ban ngày.
- Côn này, Luyến nó không chơi với Côn nữa, Côn chơi với ai?
- Côn chơi với Thúy.
- Thúy không biết đá bóng.
- Cần gì đá bóng. Côn chán đá bóng rồi.
- Thế Côn thích gì?
Côn nuốt nước bọt ừng ực. Hạt dưa không làm nó khô cổ đâu. Nó muốn nói Côn thích chơi với Thúy, mà chẳng dám nói. Côn vừa bảo Côn chơi với Thúy. Tiếng thích nào khó khăn chi, mà Côn không dám nói. Nó nhón miếng mứt gừng, bỏ vào miệng:
- Muốn cho con chim cu nó gáy, Thúy đừng mở miếng vải che kín cái lồng, Thúy nhé!
- Sao thế?
- Chim nó xấu hổ.
- Nó xấu hổ thì nó không gáy à?
- Ừ.
- Buồn cười nhỉ?
- Ừ.
Đồng hồ trên tường điểm boong boong tám tiếng. Dưới nhà, bác Thụy đang đánh chắn. Côn bước ra cửa. Trời đã dứt mưa, và ngập đầy bóng tối.
- Côn về đây, Thúy ạ!
Tới hè, Côn ngoái cổ dặn Thúy:
- Thúy đừng chơi với thằng chó Hội, nhé!
Thúy hỏi theo:
- Sao thế, hở Côn?
Côn không đáp. Nó quấn lại chiếc khăn phu la, rồi bước nhanh. Đêm nay, Côn sẽ nằm mơ, thấy nụ cười đầu xuân của Thúy.
34
Khi những cây nêu vừa hạ, và khi vôi bột rắc dưới cửa mỗi nhà vừa sạch dấu vết, thì tỉnh lỵ chuyển mình. Dân thị xã ngủ vùi trong chăn ấm, sáng sau thức dậy, mới biết có đảo chính.
Nhật đã đảo chính Tây. Nhật chiếm tòa sứ, rút cờ tam tài xuống, kéo cờ mặt trời đỏ ối lên. Những nơi có Tây, Nhật chiếm hết. Ông Tây, bà Đầm, Tây con bị Nhật bắt giam một chỗ. Trại lính khố xanh, Nhật chỉ canh giữ chung quanh. Thị xã Thái Bình được phen kinh ngạc. Mọi nhà đóng chặt cửa. Đường phố vắng hoe. Lính Nhật phóng xe khắp đường, súng chĩa hai bên, để thị uy. Đến trưa, có lệnh dân chúng phải mở cửa, buôn bán như thường. Lệnh được những người thông ngôn bắc loa, đi trên xe cam nhông, kêu gọi. Lệnh còn nhắc đi, nhắc lại câu Quân đội Thiên Hoàng diệt thực dân Pháp, và trao trả độc lập cho nước Việt Nam.
Từ một khe cửa hở, Côn đã nhìn rõ người thông ngôn Việt Nam, đứng bên viên sĩ quan Nhật đeo kiếm, trên xe. Người thông ngôn đó tên là Ban. Ông ta được dân thị xã kính sợ, từ ngày lính Nhật sang Thái Bình. Chính ông Ban nói lớn Quân đội Thiên Hoàng diệt thực dân Pháp, và trao trả độc lập cho nước Việt Nam.
Nước ta đã độc lập. Độc lập ra sao, Côn không hiểu, nhưng nó mừng rỡ. Côn sẽ gặp lại thầy Đàn. Chẳng bao giờ nó còn thấy lính sen đầm Tây vào trường, bắt các thầy, đem về Sở mật thám.
Côn hỏi cha:
- Nước ta độc lập rồi hở, bố?
Cha nó mắng:
- Con là trẻ con, biết cái gì mà nói nhảm.
- Ông Ban nói.
- Kệ ông Ban. Con lo học hành đi. Không ôn bài vở, mai mốt đi học, theo sao kịp bạn bè. Bố đã dặn, chớ nói chuyện độc lập.
- Rồi thầy con có về Thái không?
- Bố không biết. Đêm qua lính Nhật nổ súng, con chớ ra đường, sẽ bị lạc đạn đấy.
Dưới mắt người lớn, Côn vẫn chỉ là thằng con nít. Cha thằng Côn đâu biết thầy Đàn và thằng Vọng đã nhồi vào tâm hồn nó những danh từ không hề học ở trường. Những danh từ ấy đã ám ảnh Côn. Nó chỉ quên khi ngồi gần Thúy. Và, nếu cuộc sống cứ bình thản trùm kín dân tỉnh lỵ, ngày nào đó, Côn sẽ tưởng thầy Đàn là một nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp. Sự bình thản, thật sự, bị phá rối. Nhật đã nổ súng, bắt Tây nhốt một chỗ! Mấy đời nay chưa xảy ra chuyện lạ đó. Côn biết một vài điều, mà cha nó không bao giờ tưởng tượng rằng nó đã biết.
- Bố ơi, có phải Nhật là phát xít không?
Cha thằng Côn trợn mắt:
- Mày chết, ai bảo mày thế?
Chuyện quan trọng rồi. Đến nỗi cha nó gọi nó bằng mày. Côn không dám khai cho Vọng. Nó lấm lét:
- Ở trường, mấy anh lớp nhất nói.
- Tao phải xích chân mày ở nhà. Nhật nó nghe thấy, nó rút kiếm chém mày làm hai.
Thằng Vọng đã nói đúng. Nhật hung ác lắm. Côn nín thinh, lỉnh xuống dưới nhà. Trưa hôm sau, thằng Vọng tới tìm Côn. Nó hả hê khoe:
- Nước ta độc lập rồi.
Côn bịt miệng Vọng:
- Nói khẽ chứ, bố tao sợ. Độc lập là gì hở mày?
- Là người mình cai trị người mình. Mày sang bên kia cầu Bo chơi không? Vui lắm. Nhật nó bắt Tây kéo xe bò, chở đất.
- Có bố thằng Dương không?
- Thằng phó cẩm ấy à? Nó bị ông Ban tát hộc máu mồm, giữa phố chính. Mày đi coi Tây kéo xe bò không? Tụi trường mình kéo nhau đi coi hết.
Côn theo Vọng đi. Hai đứa rủ thêm bọn thằng Luyến. Chúng nó chạy một mạch sang bên kia cầu Bo. Ở đó, những ông Tây, mấy ngày trước còn khệnh khạng, hét ra lửa, mặt mày hốc hác, quần áo lôi thôi, chân đất, đang đào đất, xúc đất đổ lên xe bò. Những ông Tây sen đầm bị kéo, và đẩy xe bò đất, đem đổ trên đê. Bọn trẻ con đã ôm bụng cười thích chí. Lính Nhật cũng cười theo. Thỉnh thoảng, lính Nhật bắt Tây chạy thật nhanh. Mấy anh Tây đẩy xe ngã chúi mặt xuống đường. Quen đi giầy, nay mấy ông Tây đi đất, đá dăm đâm vào chân, chảy máu, nhăn nhó. Nhiều anh chịu không thấu, cởi áo bó lấy chân. Các bà Đầm bồng bế Tây con, đứng một chỗ, nhìn chồng bị hành hạ, khóc như gi vỡ tổ. Thằng Vọng leo lên vồng cầu, hét lên:
Ai sinh ra cái xe bò
Để cho Tây phải kéo gò lưng tôm.
Bọn nhãi vỗ tay rào rào. Chúng nó bảo Vọng dạy hai câu đó. Thuộc rồi, chúng đến gần các ông Tây, lải nhải đọc. Nhiều ông Tây biết tiếng Việt Nam, xấu hổ, cúi gầm mặt. Có ông khóc hu hu. Giữa trưa, Nhật bắt đào đất, đổ đất, và không cho uống nước, các ông Tây khát lè lưỡi ra, giống hệt những con chó khát. Nhật còn bắt bà Đầm ngồi trên xe tay, chĩa súng, sai ông Tây kéo lên dốc cầu và xuống dốc cầu. Xuống dốc, xe có đà, ông Tây không biết kéo xe, bị ngã nằm bất tỉnh. Xe lật xuống vệ đường, bà Đầm ngã nhào. Nhật cười ha hả. Thằng Vọng lại hét lớn:
Ai sinh ra cái xe tay
Để Tây vất vả thế này hỡi xe.
Luyến rút súng cao su, định tia thằng Tây nhà đoan chuyên môn đi bắt rượu lậu. Thằng Tây này đã, có lần, đến nhà nó, lấy cái que sắt nhọn chọc khắp chỗ. Nó còn sừng sộ với cha thằng Luyến, đòi bắt cha nó nữa. Luyến nạp đạn. Nó kéo căng hai sợi dây cao su. Khi sắp buông tay, Luyến lại thôi. Nó thấy thương hại bọn Tây. Một người lính Nhật dùng tay chỉ trỏ, khuyến khích Luyến bắn. Nó lắc đầu. Côn đã không cười chế nhạo Tây nữa. Sự ghét bỏ của nó kể như hết. Nó bảo Luyến:
- Nhật nó đểu quá, mày nhỉ?
- Ừ.
- Nó không cho Tây uống nước, tao sợ Tây chết khát mất. Hay là tao với mày lấy nước cho tụi nó uống đi.
- Nhật nó giết, mày ạ!
Côn vẫy Vọng xuống. Nó hỏi Vọng:
- Mày có dám đem nước cho Tây uống không?
Vọng trề môi:
- Kệ mẹ chúng nó. Chúng nó có thương mình đâu. Thầy tao bảo vì Tây mà dân ta khổ sở.
Côn rủ Luyến và Lộc về. Vọng nói theo:
- Tây nó còn trốn một mớ, ông sẽ đi tìm, bắt giao cho Nhật lấy tiền thưởng.
Chiều hôm ấy, lính Nhật giải các ông Tây, bà Đầm thất thế đi bộ, áo quần lếch thếch, mặt mày phờ phạc, diễu khắp phố. Dân thị xã kéo ra hai bên vỉa hè coi rất đông. Không ai nỡ ném trứng thối, cà chua ủng, hay vỏ sữa bò vào đám người chiến bại. Lính Nhật kêu gọi dân chúng hãy chỉ chỗ Tây trốn tránh. Và dọa ai chứa chấp Tây sẽ bị xử tử.
Mấy hôm sau, Nhật tóm cổ cả chục ông Tây, mặc áo tơi, đội nón mê, từ các làng xa thị xã về. Chẳng hiểu những người nông dân nào đã giúp Tây trốn tránh. Chỉ tiếc những cái mũi lõ không giấu nổi lính Nhật và thông ngôn người Việt Nam của họ. Những ông Tây trốn không thoát, bị đánh đập tàn nhẫn. Côn nghĩ tới Vọng. Nó thấy hơi hơi giận Vọng.