PHẦN THỨ NHẤT: THUNG LŨNG
Chương 3

Henry Rositer áp sát hơn telephone vào tai, như để nghe rõ hơn tiếng nói của người đàn bà. Ông tập trung những lời của bà căng thẳng và chăm chú, bởi vì mặc dù giọng nói của Emma Harter vẫn trầm bổng như thường lệ, nhưng bà đã nói nhẹ nhàng hơn mọi ngày.
- Henry này, tôi sẽ rất mừng nếu ông vui lòng tới cửa hàng vào lúc mười một giờ ba mươi sáng nay. Tôi nghĩ chúng ta có thể trò chuyện chừng một tiếng rồi ăn trưa trong phòng giám đốc này. Tất nhiên nếu ông rỗi.
Ông do dự một thoáng hầu như không nhận ra, nhưng ông biết là Emma đã nắm được, ông vội vã nói:
- Tốt, bà thân mến ạ, tôi sẽ rất sung sướng tới gặp bà.
- Ông có cuộc hẹn gì khác không? Henry? Tôi không muốn làm phiền ông.
Đúng là ông có, và đó là cuộc hẹn ăn trưa quan trọng đã được sắp xếp từ trước, nhưng ông không thể làm phật ý người khách hàng quan trọng nhất của ông, cũng là một trong những người phụ nữ giàu nhất nước Anh, có lẽ là nhất thế giới, bởi vì khó có thể đánh giá tài sản thật của bà. Ông biết bà cũng đủ sắc sảo để nhận ra ông đã có hẹn từ trước, vì thế ông thôi không nói dối, đằng hắng một tiếng, ông nói:
- Có, tôi có hẹn, nhưng cũng dễ huỷ bỏ thôi, nếu bà muốn, bà bạn thân mến.
- Tốt. Tôi rất biết ơn, Henry ạ. Vậy tôi sẽ gặp ông lúc mười một rưỡi. Tạm biệt, Henry.
- Tạm biệt, Emma - ông lẩm bẩm, nhưng bà đã đặt máy.
Henry biết Emma Harter đã gần bốn mươi năm, đủ để hiểu một cách đầy đủ rằng dưới những lời yêu cầu nhỏ nhẹ bao giờ cũng là một mệnh lệnh đầy uy quyền, thực sự là những mệnh lệnh được thốt ra bằng một giọng dịu dàng, êm ái nhất và một dáng điệu hấp dẫn nhất. Sự hấp dẫn bẩm sinh này đã đưa bà đi xa như Henry đã phát hiện ra từ đầu.
Bà không nói điều gì đặc biệt và ông cũng không phát hiện ra được một sự bối rối hay giận dữ nào trong giọng nói của bà, thế nhưng một linh tính không hay đã tới với ông khi họ nói chuyện. Henry không phải là người không biết nhận thức, và là một giám đốc ngân hàng lớn nhất, lúc nào ông cũng cẩn thận làm cho thích hợp với các khách hàng của mình, ông nhận thức được một cách hoàn toàn đầy đủ những đặc tính cơ bản của họ, những điểm mạnh điểm yếu trong cá tính của họ. Ông phải làm như vậy bởi vì ông cần giữ công việc của họ. Từ nhiều năm trước, ông đã nhận ra được rằng những người rất giàu có thể khó tính, đặc biệt là về chuyện tiền nong của họ.
Lời mời ông của Emma đến ăn trưa thật bất ngờ làm ông bối rối. Trước đây chưa hề như vậy, vì thế ông thấy đáng ngờ Emma, như ông đã biết quá rõ, là một con người của thói quen. Bà rất ít khi có hẹn ăn trưa và khi nào có hẹn thì bà đều chuẩn bị cẩn thận trước. Sự khác thường này đúng là lạ. Suy nghĩ về điều này, Henry càng tin chắc là có chuyện gì không bình thường. Vả lại, ông đã nói chuyện với bà ba lần từ khi bà từ New York về một tuần trước đây. Bà vẫn bình thường, nhanh nhẹn và mặt ngoài hình như không có gì khuấy động.
Ông bỏ kính ra, ngả người trong ghế và tự hỏi không hiểu có phải bà không hài lòng về cách thức nhà băng điều hành công việc của bà không. Henry luôn luôn lo ngại trước, đặc biệt là về nhà băng và sau này, điều đó trở thành mãn tính. "Có lẽ lời mời cũng chỉ đơn giản là như thế thôi. Mình chỉ tưởng tượng là có điều gì không ổn đó thôi". Ông lẩm bẩm pha chút bực bội, tuy nhiên ông vẫn bấm hệ thống liên lạc và bảo với thư ký của ông nói với Osborne đến gặp ông ngay.
Tony Osborne và hai nhân viên khác của ngân hàng tư, giám sát công việc kinh doanh của Emma Harter ở Anh, cả công ty cổ phần lẫn tư nhân. Tất cả bọn họ đều trả lời ông đầy đủ, ông điểm lại công việc của Emma hai lầm và có khi là ba lần trong một tuần. Osborne thường khiển trách là tại sao lại dùng tới nhiều nhân lực như vậy và luôn luôn đòi hỏi phải dùng máy tính để giải quyết những công ty mẹ của Harter. Nhưng Henry không tin máy tính, ông vốn bảo thủ, thậm chí còn cổ lỗ nữa, theo kiểu riêng của ông. Hơn nữa, ông nghĩ việc giám sát một cái gì đó trong phạm vi ba trăm triệu bảng, cho hoặc lấy một vài triệu, thì cũng đáng bất cứ một số lượng nhân lực nào của ngân hàng. Emma đòi hỏi và bà ta quỷ quái, có lẽ thực tế là quỷ quái hơn bất cứ một chủ ngân hàng nào ông biết kể cả chính ông nữa. Henry tin tuyệt đối chắc chắn họ có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào vào bất cứ lúc nào vì vậy tất cả các tài khoản đều được giám sát hàng ngày. Henry muốn tất cả những thông tin, có thể thấy được đều trong tay mình, cả ngày lẫn đêm lúc nào cần đến là có.
Osborne làm ngừng sự suy nghĩ của ông khi anh gõ cửa và lướt vào phòng. Là một thanh niên tự phụ, anh ta chỉ cho mình là nhất và quá nhiều tham vọng, lại quá mượt mà. Henry nhìn người thanh niên ăn mặc không thể chê vào đâu được trước mắt mình. Nhưng ở trường Eton là như vậy đó.
- Xin chào ông Henry.
- Chào Osborne.
- Hôm nay đẹp trời quá, phải không ạ? Tôi nghĩ xuân năm nay sẽ đến sớm, ông Henry. Ông có đồng ý thế không ạ?
"Tôi không phải là cái máy đo thời tiết", Henry lẩm bẩm. Osborne không hiểu lời nhận xét chua cay đó, và quyết định lờ đi. Tuy nhiên, cung cách của anh ta trở nên sự vụ hơn và giọng nói của anh ta lạnh hơn.
- Tôi muốn nói chuyện với ông về tài khoản Rowel - Tony bắt đầu.
Henry giơ tay lên và lắc đầu:
- Bây giờ thì không, Osborne. Tôi gọi anh đến vì tôi vừa nói chuyện với bà Harter. Bà ấy yêu cầu tôi tới cửa hàng sáng nay. Mọi thứ vẫn đâu vào đấy chứ? Không có vấn đề gì chứ?
- Hoàn toàn không! - Osborne nhấn mạnh, ngạc nhiên - Mọi thứ đều ở trong tầm kiểm soát.
- Tôi chắc anh đã để mắt tới những công ty nước ngoài của bà ta. Anh có tới đó hôm qua không? - Henry nghịch chiếc bút trên bàn, lòng vẫn bồn chồn lo lắng.
- Chúng tôi luôn luôn làm ngày thứ hai. Chúng tôi đã kiểm tra tiền lãi của Mỹ, Úc và của bà, tất cả đều đâu vào đấy. Sản xuất làm ăn cũng khá. Thực tế là giá cả có tăng lên kể từ khi có chủ tịch mới. Này, ông Henry, có chuyện gì vậy? - anh ta băn khoăn.
Henry lắc đầu:
- Tôi cũng chẳng biết là thế nào, Osborne. Nhưng tôi muốn biết hoàn toàn chính xác mọi sự trước khi tôi gặp bà ấy. Tôi nghĩ tôi sẽ xem những tài khoản của bà cùng với anh. Chúng ta hãy tới văn phòng của anh đi.
Sau một tiếng rưỡi đồng hồ tập trung vào những điểm tinh tế nhất trong tài khoản của Harter, Henry hoàn toàn hài lòng là cả Osborne và những trợ lý của anh ta đều chính xác và cần mẫn trong công việc của họ. Tất cả những con số của anh đều mới và các con số của những cổ phần Harter ở nước ngoài đều hiện đại như có thể với thị trường thế giới thay đổi, những vùng khác nhau và sự lên xuống của giá chứng khoán. Đúng mười một giờ, bởi vì ông rất chính xác về giờ giấc, Henry mặc áo khoác đen, cầm mũ quả dưa, ô, và rời văn phòng. Ông đứng trên những bậc thềm của nhà ngân hàng, hít không khí một lúc. Trời lạnh, khô và có nắng. Osborne nói đúng, một ngày tháng giêng như thế này là đẹp, như mùa xuân, tươi mát và trong sán. Ông bước nhanh xuống phố, vung vẩy chiếc ô một cách vui vẻ. Một người đàn ông cao lớn, đẹp trai ở tuổi đầu sáu mươi, cung cách nghiêm trang, đầy tư thế của ông gây một ấn tượng sai lầm về óc hài hước và bản chất thích tán tỉnh của ông.
Henry Rositer có một đầu óc lạnh lùng, hết sức sắc sảo, một con người có học thức, một người sành sỏi nghệ thuật, một nhà sưu tầm những ấn phẩm đầu tiên, một người mê kịch và âm nhạc. Ông cũng có thể đi ngựa và bắn súng như một quý ông lịch sự và ông là bậc thầy của săn bắn trong vùng quê hương của ông. Sản phẩm của một gia đình cổ, giàu có, thực tế mà nói, ông là một hỗn hợp những nguyên tắc bảo thủ của gia đình thượng lưu Anh và sự tinh vi của thế giới. Ông đã lấy vợ hai lần, hiện nay ông đang ly dị. Điều này làm ông trở thành một người chưa vợ được ngưỡng vọng nhất, bởi vì ông vui vẻ, lịch thiệp, khéo léo trong tất cả mọi thứ phong lưu của xã hội, một kẻ thích ăn sung mặc sướng. Nói tóm lại, ông hấp dẫn và quyến rũ, một con người thành công trong cả công việc làm ăn và trong xã hội.
Henry gọi taxi ở góc phố và bước vào. Ông nghiêng người về phía trước, nói: "Công ty Harter, làm ơn", và ngồi ngả người ra sau, thoải mái và tin tưởng Emma sẽ không thể có một điều gì phàn nàn về ngân hàng cả. Hoàn toàn không có một điều gì hết, ông vẫn chưa có thể dò được lý do của lời mời bất ngờ này, nên ông đã tỏ ra lo ngại. Phụ nữ, ông nghĩ với một nỗi bực bội hay hay, là những sinh vật không thể nào lường trước được, ngay cả trong những lúc tốt đẹp nhất. Ông thực sự tin là hầu hết các phụ nữ đều không sao có thể chịu nổi, bọn họ làm lạc lối, lúng túng, mê hoặc trong suốt cuộc đời ông. Nhưng giờ đây, ông cảm thấy bắt buộc phải điều chỉnh lại suy nghĩ của mình trong trường hợp của Emma. Hết sức thành thật mà nói, ông không thể gọi Emma là không thể lường trước hoặc là không thể chịu nổi. Cứng đầu cứng cổ, đúng, và đôi khi thậm chí còn ương ngạnh đến độ cứng nhắc. Nhưng bình thường, ông thấy Emma là người khôn ngoan, điềm đạm và sự thận trọng không thể nghi ngờ gì nữa là tính chất cơ bản nhất của bà. Không, "không thể lường trước được" không phải là chữ ông có thể gán cho Emma.
Khi taxi chạy chầm chậm qua khoảng đường ứ đọng thì những ý nghĩ của Henri dừng lại ở Emma Hactơ. Họ đã từng là bạn và cộng sự làm ăn với nhau trong nhiều năm, và mối quan hệ giữa hai người rất tốt, rất tương hợp. Ông luôn luôn thấy Emma là người dễ làm việc bởi vì đầu óc bà luôn luôn logic và thẳng thắn. Bà không suy nghĩ theo kiểu luẩn quẩn đàn bà, đầu óc bà cũng không có những điều tủn mủn, vớ vẩn. Ông mỉm cười với mình. Một lần ông đã nói với bà là đầu óc bà không giống đầu óc một người đàn bà chút nào, nó giống đầu óc một người đàn ông hơn. "Ồ, thế có sự khác nhau à?", bà hỏi lại một cách nghiêm khắc, nhưng một nụ cười vui đã nở trên nết mặt bà. Lúc đó ông thấy hơi phật ý một chút, bởi vì ông nói điều đó như một sự ca ngợi lớn, vì ông vốn có ý chê bai phụ nữ và khả năng am hiểu của họ.
Ông bị Emma hấp dẫn ngay từ ngày đầu họ gặp nhau. Lúc ấy ông nghĩ bà là người phụ nữ hấp dẫn nhất mà ông đã từng gặp và hiện nay ông vẫn còn nghĩ vậy. Có một lần, đã lâu lắm rồi, thậm chí ông còn tin là ông phải lòng bà, mặc dù bà không bao giờ biết đến những tình cảm của ông. Dạo ấy ông 24, bà 39, một phụ nữ hết sức hấp dẫn, có kinh nghiệm. Bà có dung nhan gây ấn tượng sâu sắc, mái tóc dày mượt chải hình chữ V trên vầng trán rộng, đôi mắt to màu xanh sáng và linh lợi. Con người bà tràn đầy một nghị lực phi thường, một sức sống mạnh mẽ lây sang cho mọi người. Ông luôn thấy mình sôi nổi hẳn lên vì cái sinh động, cái lạc quan không thể tưởng tượng nổi của bà. Bà là một phụ nữ uyển chuyển tươi mát khác những phụ nữ tẻ nhạt và gượng gạo mà ông đã thấy vây bọc xung quanh cuộc đời ông. Emma có một trí óc sắc sảo đầy hài hước, một khả năng để tự cười mình và những nỗi gian lao của mình, một nỗi vui vẻ bên trong và nhiệt tình sống mà Henri thấy thực là xuất sắc. Từ đó cho đến tận hôm nay, ông luôn bàng hoàn vì trí thông minh của bà, khả năng thấy trước, tính kiên quyết không thể lay chuyển nổi của bà, một vẻ lôi cuốn mà Henri biết là đã được chắt lọc một cách có chủ định trong nhiều năm. Bà đã học để sử dụng nó với sự khéo léo tột bực, vận dụng triệt để tác động của nó để đạt được những kết quả tốt nhất.
Trong gần 30 năm, ông là cố vấn tài chính của bà. Bà lúc nào cũng chú ý lắng nghe ông, đánh giá cao những gợi ý của ông và họ không bao giờ cãi cọ nhau trong suốt thời gian đó. Theo cung cách riêng của mình, ông hết sức tự hào về Emma và những điều bà đã đạt được. Một phụ nữ vĩ đại. Một sự thành công trong kinh doanh có một không hai. Cửa hàng ở London của Hactơ đã vượt lên trên mọi cửa hàng khác trên thế giới là một thực tế rõ ràng, không chỉ về tầm cỡ mà còn về chất lượng các mặt hàng của nó. Không phải không có lý do mà bà được coi như bà hoàng vĩ đại trong kinh doanh, mặc dù ít người biết bà đã phải trả một cái giá to lớn và khủng khiếp như thế nào cho sự thành công. Ông vẫn luôn cảm thấy rằng nền tảng của đế quốc bán lẻ khổng lồ của bà là kết hợp của sự hy sinh và nghị lực, tài năng của bà, sự hiểu biết bản năng về thị hiếu của công chúng, con mắt không lầm lẫn để nhận ra chiều hướng và đủ nghị lực để đánh canh bạc khi cần thiết. Ông đã có lần nói với Tony Oxborn rằng gạch và vôi vữa cửa hàng của bà được tạo nên bởi viễn kiến lớn lao của bà, tài khéo léo đáng ngạc nhiên về tài chính, khả năng kỳ lạ vươn lên từ những tình huống không thể giải quyết nổi để đạt tới chiến thắng. Ý kiến của ông là như vậy. Theo như Henri biết, bà đã làm mọi điều một mình, cừa hàng London và tất cả các cửa hàng khác của bà là một chứng cơ hùng hồn về sức mạnh bất khả chiến bại của bà.
"Tới nơi rồi", người lái taxi nói một cách vui vẻ. Henri bước ra, trả tiền rồi vội vã đi xuống phố bên, tới lối vào, lên thang máy tới tầng trên cùng - các phòng hành chính của Emma.
Gaye Sloan đang nói chuyện với một người thư ký ở phòng đón tiếp phía ngoài thì Henri bước vào. Chị chào ông một cách niềm nở "Bà Hactơ đang đợi ông", chị nói và mở cửa văn phòng của Emma, dẫn ông vào.
Emma đang ngồi ở bàn phủ đầy giấy tờ. Ông nghĩ, trông bà mỏng manh một cách kỳ lạ. Bà ngước nhìn lên khi ông bước vào, bỏ kính và đứng dậy. Ông nhận ra rằng sự mỏng manh của bà chỉ là một ảo ảnh do chiếc bàn to lớn đồ sộ gây ra, bởi vì bà tiến lại phía ông nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, đầy sức sống, nét mặt bà rạng rỡ trong nụ cười. Bà mặc chiếc áo nhung xanh sẫm duyên dáng với một đường viền gì đó như lụa trắng nơi cổ, cài trâm ngọc bích, đôi bông tai ngọc bích lóng lánh.
"Henri thân mến, hết sức vui được gặp lại ông", bà nói và nắm lấy cánh tay ông một cách trìu mến. Ông mỉm cười, cúi xuống hôn vào má bà và nghĩ: bà vẫn khoẻ mạnh. Nhưng ông đã phát hiện được một nét đau đớn quanh đôi mắt bà, và thấy bà xanh hơn thường lệ.
"Cho tôi được nhìn bà nào, Emma thân mến", ông nói và giữ bà ở một khoảng cách để có thể nhìn bà kỹ hơn. Ông cười lớn, lắc đầu ngạc nhiên giễu cợt. "Bà phải nói cho tôi biết bí quyết của bà, cưng. Tôi không biết bà làm cách nào, nhưng trông bà như hoa nở".
Emma mỉm cười: "Làm việc chăm chỉ, một cuộc sống sạch sẽ, một lương tâm trong sáng. Và ông cũng chẳng có gì phải phàn nàn, Henri. Trông ông cũng tuyệt vời. Nào, cưng, chúng ta uống rượu anh đào và trò chuyện". Bà dẫn ông tới một dãy ghế bà biện thoải mái và một chiếc xôpha trước lò sưởi với ngọn lửa đang reo. Họ ngồi đối diện nhau. Emma rót rượu anh đào vào hai chiếc ly pha lê.
"Xin chúc mừng con người vĩ đại tên Emma", ông noi và chạm cốc với bà.
Emma nhìn ông nhanh và ngạc nhiên, rồi cười to vui vẻ. "Kìa, Henri", bà lại cười rồi nói một cách thích thú. "Với tất cả lòng kính trọng cần thiết, tôi không phải là Catơrin vĩ đại (Nữ hoàng Nga 1729-1796), và ông không phải Vônte (nhà văn Pháp). Nhưng, cám ơn ông, tôi nghĩ ông nói vậy như một lời khen ngợi.
Henri cười: "không hiểu còn cái gì nữa mà bà không biết, Emma thân yêu. Vâng, tất nhiên tôi nói vậy như một lời khen ngợi".
Emma vẫn còn cười: "Còn nhiều điều tôi không biết, Henri ạ. Nhưng một trong những đứa cháu trai của tôi đã tới đây trước ông, nó cũng nói đúng như vậy với tôi hôm qua. Và khi tôi khen ngợi nó vì lời khen ngợi của nó, nó đã nói lý do cho tôi nghe. Ông chậm mất một ngày, cưng ạ".
Henri cùng cười với bà. "Đúng, rõ ràng là chúng tôi cùng nghĩ như nhau. Đứa cháu trai nào vậy?", ông hỏi, và luôn ngạc nhiên vì cái gia đình lớn và không chính thống của Emma.
"Tôi có vài đứa, phải không nhỉ? " Emma nói với một nụ cười trìu mến. "Đôi khi cũng lẫn lộn. Đó là thằng Alexandre, con trai của Elisabeth. Nó đến đây chiều hôm qua từ Yorkshire và bực bội vì bác Kit của nó hết sức ương ngạnh về chuyện đặt máy mới vào một trong những xưởng máy. Nó rất tốn phí nhưng cuối cùng lại tiết kiệm được cho chúng tôi rất nhiều tiền, và thúc đẩy sản xuất. Alexandre hoàn toàn đúng. Cuối cùng, chúng tôi đã giải quyết được, không đến nỗi quá kinh khủng".
"Cậu ấy là một thanh niên xuất sắc và rất tận tâm với bà, Emma ạ. Nhân tiện nói về Kit...", ông dừng lại và mỉm cười. "Xin lỗi Emma, tôi tình cờ gặp Kit vài tuần trước đây và tôi hơi ngạc nhiên thấy ông ta cùng Edwina và Robin. Họ ăn ở nhà hàng Savoy".
Emma đã thư thái trở lại, nhìn Henri một cách trìu mến thích thú vì cử chỉ lịch sự với phụ nữ của ông. Giờ đây bà căng thẳng, nhưng bà cố tỏ ra bình thường, không để lộ tình cảm. "Ồ thế à, tôi rất sung sướng thấy cuối cùng các con tôi đã hoà thuận", bà nói nhẹ nhàng trong khi vẫn cẩn thận ghi nhớ cái tin này.
Henri châm thuốc và nói tiếp: "Tôi ngạc nhiên vì tôi không ngờ là Kit lại thân mật với hai người kia. Và nói thật, tôi không ngờ Robin vẫn thân mật với Edwina. Tôi nghĩ đây là một tình trạng tạm thời sau tất cả những chuyện rắc rối về vụ đặt giá chuyển nhượng vài năm trước. Thực tế, tôi không bao giờ có thể hiểu được mối liên hệ này, Emma. Tôi luôn nghĩ là hai người đó ghét nhau cho đến lúc họ lại hẩu với nhau như thế. Rõ ràng là nó bền vững".
Emma mỉm cười nhợt nhạt: ''''Ông nói ông không hiểu sự thân thiết của họ, Henry, thế nhưng từ lâu tôi đã phát hiện ra là, những âm mưu đen tối nhất đưa người ta trở thành bạn đồng sàng. Ông nói đúng. Tất nhiên, chúng ghét nhau ghê gớm, nhưng chúng không thôi móc túi nhau kể từ chuyện rắc rối với cônglômêra".
"Câu chuyện thật kỳ cục, phải không? Nhưng cám ơn Chúa, tất cả đều đã qua đi. Vâng, như tôi đã nói đó, thấy ba người với nhau thật là kỳ quá", ông kết thúc và uống rượu anh đào, hoàn toàn không nghĩ gì tới những xao động mà ông đã khuấy lên trong lòng Emma.
Bà nhìn ông chăm chú và nói với giọng hết sức bình thản: "Ồ, tôi không cho rằng điều đó là kỳ lắm đâu. Nói thật với ông, tôi đã nghe được từ nguồn thông tin mật của gia đình là cả ba người đó đang có dự định họp gia tộc nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của tôi", bà nói một cách mỉa mai. "Tôi cho là họ gặp nhau để sắp xếp công việc".
"Tôi tưởng ngày sinh của bà vào cuối tháng 4''''.
"Đúng thế, cưng ạ, nhưng như vậy cũng chỉ còn vài tháng nữa.
"Tôi hy vọng sẽ được mời''''- ông nói - "xét cho cùng, bà sẽ phải cần tới một người hộ tống, mà tôi thì trong gần 40 năm trời vẫn không ngừng là người ngưỡng mộ bà".
"Ông sẽ được mời, cưng ạ", Emma trả lời, nhẹ nhõm trong lòng vì giây phút lúng túng đã qua một cách dễ dàng. "Nhưng tôi không mời ông tới đây để chuyện phiếm về con cháu tôi. Tôi muốn nói với ông một số việc..."
Điện thoại reo. Emma đứng bật dậy. "Xin lỗi Henry, chắc là Paula gọi từ Paris. Đó là điện thoại duy nhất tôi nói với Gaye là tôi có thể nghe".
"Tất nhiên rồi, cưng", ông nói, cùng đứng lên. Bà đi qua phòng tới bàn giấy. Ông ngồi xuống thư thái trước ngọn lửa, nhấm nháp rượu anh đào và hút thuốc, đầu óc thảnh thơi. Emma trông dáng mệt mỏi, tuy vây ông cũng không đoán được những dấu hiệu bên ngoài là bà đang có chuyện rắc rối. Sự thật, ông nghĩ, bà dường như còn khá vui vẻ nữa. Ông nhìn quanh căn phòng trong khi bà tiếp tục nói chuyện điện thoại. Ông thèm có được cái văn phòng này của Emma, nó giống một thư viện trong một ngôi nhà gia thế hơn là một nơi kinh doanh. Với những bức tường gỗ lát, những giá sách cao ngút, những bức hoạ tuyệt vời của Anh, những đồ gỗ Georgia, đó chính là nơi lui về nghỉ ngơi thú vị, một nơi ông ao ước muốn có để làm việc.
Emma nghe xong điện, ông đứng lên, đón bà tới bên lò sưởi. Bà cầm trong tay tập giấy mà ông không thể không chú ý. Bà để tập giấy lên bàn gần ghế của bà và ngồi xuống. Henry ngồi vào ghế của mình, châm một điếu thuốc nữa.
"Paula gửi lời chào, Henry ạ. Nó đang ở Paris, trông nom một vài thứ ở cửa hàng cho tôi".
"Một cô gái đáng mến", Henry đáp, sự thán phục biểu lộ trong giọng nói của ông. "Cô ấy giống Daisy, dịu dàng, cởi mở, không phức tạp. Bao giờ cô ấy trở lại?"
Emma không hề nghĩ là Paula không phức tạp, nhưng bà kìm không bình luận gì về cháu gái.
"Thứ Năm, Henry ạ. Một ly anh đào nữa?", bà hỏi và rót vào ly của ông. ''
"âng, cảm ơn cưng. Bà nói bà muốn nói chuyện với tôi về một số việc trước khi bà nghe điện của Paula?". Ông liếc nhìn tập giấy một cách tò mò.
"Có gì nghiêm trọng không?"
"Không, không có gì hết. Tôi muốn thanh toán một vài tài sản cá nhân và tôi nghĩ ông có thể giải quyết cho tôi", Emma trả lời, giọng bà bình thản, nét mặt thư thái. Bà uống chầm chậm và chờ đợi, nhìn Henry chăm chú, bà biết quá rõ ông ta sẽ phản ứng ra sao.
Mặc dù những lo ngại của ông trước đó, ông đã bị ngạc nhiên. Ông không chờ đợi điều này chút nào. Ông đặt ly rượu xuống, ngả người về phía trước, nỗi lo ngại hằn trên trán. "Bà có vấn đề khó khăn sao, Emma? "ông lặng lẽ hỏi.
Emma nhìn thẳng mắt ông: "Không, Henry. Tôi nói với ông là tôi muốn thanh toán một vài bất động sản của tôi, vì những lý do riêng. Không có vấn đề gì đâu. Ông nên biết như vậy, cưng. Dù sao thì ông đã chẳng giải quyết tất cả những công việc nhà băng của tôi là gì."
Henry suy nghĩ một lúc, trí óc nhanh chóng tập hợp tất cả những con số ông đã thấy sáng nay. Ông đã bỏ sót điều gì hết sức quan trọng chăng? Không. Không thể như thế được. Ông thở ra thoải mái hơn một chút, dọn giọng: "Vâng, đúng thế", ông nói một cách suy nghĩ. "Sự thật là tôi đã nhìn lại tất cả các tài khoản của bà trước khi tôi đến đây. Mọi thứ đều ngăn nắp, đâu vào đấy. Hết sức ngăn nắp", ông nói một cách hết sức thành thật.
"Tôi cần một chút tiền, Henry ạ. Tiền mặt. Vì những lý do cá nhân, như tôi đã nói. Như vậy, thay vì bán đi những cổ phần, tôi nghĩ tôi sẽ cho đi một ít bất động sản, đồ nữ trang và một phần bộ sưu tập nghệ thuật của tôi".
Henry kinh hoàng đến độ không nói nên lời. Trước khi ông kịp trấn tĩh lại để đưa ra một lời bình luận, bà đã trao chiếc cặp giấy cho ông. Ông lấy kính ra đeo vào và nhìn xuống danh sách bên trong, giật mình lo ngại. Khi mắt ông nhìn những tài sản kê khai, ông nhớ lại cái linh tính không hay của mình vào buổi sáng. Có lẽ linh tính của ông đúng.
"Emma! Tất cả những cái này không phải là một chút tiền mặt như bà đã gọi nó một cách bình thường. Những bất động sản này đáng giá hàng triệu pao"
"Ồ, tôi biết. Tôi đoán là 7 hoặc 8 triệu pao. Ông nghĩ gì, Henry thân mến", bà hỏi một cách bình tĩnh.
"Trời ơi, Emma! Tại sao bỗng nhiên bà lại cần 7 hoặc 8 triệu pao? Và tôi nghĩ gì? Bà hỏi tôi? Tôi nghĩ phải có chuyện gì không hay và bà đã không nói cho tôi biết. Bà hẳn phải có vấn đề mà tôi không sao biết được". Cặp mắt xám trong trẻo của ông mờ đi trong khi ông cố gắng kiềm chế cơn giận dữ của mình. Ông chắc bà đang che giấu một điều gì và điều đó làm ông bực bội.
"Ồ, thôi nào Henry", Emma chặc chặc lưỡi. "Đừng kích động như thế. Không có chuyện gì lôi thôi đâu. Thực tế, tôi chỉ cần khoảng 6 triệu pao cho...tôi có thể gọi nó là dự án cá nhân của tôi không? Tôi thích bán những thứ đó, vì đằng nào tôi cũng không cần đến chúng nữa. Tôi không bao giờ đeo những đồ trang sức ấy. Ông biết là tôi không bao giờ thích kim cương một cách thái quá. Và cho dù có đem bán chúng đi, tôi vẫn còn thừa đủ để đeo đối với một phụ nữ ở tuổi tôi. Bất động sản của tôi cồng kềnh quá. Tôi cũng không cần đến nó, và lúc này là lúc tốt nhất để bán và kiếm lời. Tôi cũng khá khôn ngoan đó", bà kết thúc bằng một giọng tự khen mình và mỉm cười vui vẻ với Henry.
Ông nhìn bà bàng hoàng. Bà có cái tài làm cho tất cả những hành động của bà nghe thực tế một cách đáng kính phục và thường thường, nó làm ông điên người. "Những bộ sưu tầm nghệ thuật, Emma. Emma thân mến, bà đã để biết bao yêu thương, thời giờ và sự chăm sóc để thu thập những...những kiệt tác ấy. Bà có chắc là bà muốn cho chúng đi không?", giọng của ông đượm buồn và đăm chiêu. Ông liếc nhìn danh sách trong tay ông. "Hãy xem những gì bà kê ở đây? Sisley, Sagan, Monet, Manet, Dali, Renois, Pissaros và một bức của Dega. Sự thực là hai bức. Thật là một bộ sưu tập không thể tìm được"
"Bộ sưu tập mà ông đã hào hiệp giúp tôi thu lượm được trong nhiều năm, qua những tiếp xúc của ông trong giới nghệ thuật. Tôi rất biết ơn ông vì điều đó, Henry ạ, biết ơn ông nhiều hơn là ông có thể nghĩ. Nhưng tôi muốn bán đi. Như ông nói, đó là một bộ sưu tập không thể nào tìm được, và như vậy nó cũng sẽ đưa lại một cái giá không thể nào tìm được", bà nói một cách hoạt bát.
"Ờ, quả là vậy", Henry xác nhận, con người ngân hàng của ông lại trỗi dậy."
"Nếu quả thực bà hoàn toàn chắc chắn là bà muốn bán bộ sưu tập ấy thì tôi có thể làm điều đó quá dễ dàng", giọng của ông trở nên hăm hở. "Thực tế là tôi có một khách hàng ở New York muốn đặt tay tới những bức hoạ đó, và ông ấy cũng sẽ trả giá đúng thôi, cưng ạ. Nhưng mà Emma, thực đó, tôi không biết phải nói thế nào, thật là đáng tiếc..." Giọng ông kéo dài ra một cách yếu ớt, bởi vì ông bỗng nhiên nhận ra rằng bà đã điều khiển ông một cách khá khéo léo, ông không chú ý tới những lý do bà đưa ra để bán nữa.
"Tốt", Emma nói một cách vội vã, nắm lấy thời cơ để thôi thúc nhiệt tình của Henry, bản năng chủ ngân hàng của ông. "Thế còn những bất động sản ở Lidơ và London? Tôi nghĩ dãy nhà ở Hampstead và nhà máy cuối khu Đông cũng được giá lắm".
"Vâng, sẽ được giá lắm. Cả dãy nhà cơ quan ở cuối khu Tây nữa. Tất nhiên bà nói đúng, đây là thời cơ tốt để bán".
Ông tập trung vào những danh sách khác nhau bà đã trao cho ông, làm một con tính nhẩm nhanh. Bà đã đánh giá thấp tổng giá trị, ông chắc chắn như vậy. Những bức hoạ, bất động sản, đồ nữ trang sẽ đem lại 9 triệu bảng. Ông để tập giấy xuống, châm một điếu thuốc, nỗi lo ngại của ông tăng lên. "Emma cưng, bà phải nói cho tôi biết nếu bà có gặp khó khăn. Còn ai khác có thể giúp bà ngoài tôi? ", ông mỉm cười với bà, nghiêng người vỗ vào cánh tay bà một cách âu yếm. Ông không bao giờ có thể giận bà được lâu.
"Henry, Henry thân yêu, tôi không có khó khăn gì đâu'''', Emma trả lời với thái độ dàn hoà và chắc chắn nhất. "Ông biết là tôi không có khó khăn gì mà, chính ông cũng đã nói mọi chuyện không bao giờ tốt hơn bây giờ mà".
Bà bước lại, ngồi xuống bên ông trên sôpha và cầm lấy tay ông. "Henry này, tôi cần số tiền này vì một lý do cá nhân. Nó không liên quan gì tới vấn đề khó khăn cả, tôi đảm bảo với ông điều ấy. Xin hãy tin lời tôi, Henry, tôi sẽ nói để ông biết. Chúng ta đã là bạn của nhau trong nhiều năm và tôi đã luôn luôn tin ông, có phải thế không?". Bà mỉm cười với ông, dùng tất cả sức mạnh của sự mê hoặc, đôi mắt bà ánh lên trìu mến.
Ông mỉm cười lại và nắm chặt tay bà. "Đúng, sự thực là chúng ta luôn luôn tin nhau. Là giám đốc ngân hàng của bà, tôi biết là bà không có những vấn đề khó khăn về công việc và tiền bạc đến vậy, Emma. Nhưng đúng là tôi không thể hiểu tại sao bà lại cần đến 6 triệu bảng và bà lại không nói với tôi là để làm gì. Bà không thể nói được sao, Emma thân yêu?"
Nét mặt bà trở nên bí ẩn. Bà lắc đầu. "Không, tôi không thể nói được. Ông có thể thu xếp việc bán tài sản cho tôi được không?", bà hỏi bằng một giọng nói mang tính chất công việc nhất.
Henry thở dài: "Tất nhiên rồi, Emma. Không bao giờ phải nghi ngờ về điều đó nữa, có phải không?"
Bà mỉm cười: "Cám ơn Henry. Mất bao lâu để thanh toán cho xong?"
Ông nhún vai: "Quả thực tôi không biết. Có lẽ một vài tuần. Tôi chắc là có thể bán bộ sưu tập nghệ thuật trong tuần tới. Tôi cũng nghĩ rằng tôi có một khách hàng sẽ mua đồ nữ trang riêng, như vậy chúng ta có thể tránh được việc rao bán công khai. Bất động sản thì lại càng dễ. Vâng, tôi có thể nói nhiều nhất là một tháng".
"Tuyệt vời", Emma thốt lên. Bà nhảy lên, tiến về phía lò sưởi, đứng quay lưng lại. "Đừng đau khổ như vậy chứ, cưng. Ngân hàng cũng sẽ được tiền mà. Và cả nhà nước nữa, với tất cả thuế khoá tôi sẽ phải trả".
Ông cười: "Đôi khi tôi nghĩ bà hoàn toàn không thể nào sửa đổi đuợc, Emma Hactơ".
"Đúng thế đó. Tôi là người phụ nữ không thể nào sửa đổi được nhất mà tôi biết. Nào, bây giờ chúng ta hãy vào phòng giám đốc và ăn trưa, ông có thể kể cho tôi nghe về tất cả những bạn gái mới đây nhất của ông, và những bữa tiệc hấp dẫn ông đã dự trong khi tôi ở New York".
"Ý kiến tuyệt vời", ông nói, mặc dầu vẫn còn hoang mang vì nỗi lo lắng kỳ lạ trong khi ông đi qua phòng theo bà.
Ngày hôm sau, Emma bắt đầu cảm thấy khó ở. Cơn ho bà mắc phải ở New York vẫn còn làm bà khó chịu, ngực bà thắt lại. Nhưng phải sau một tuần bà mới chịu thua, và trong suốt một tuần ấy, bà dứt khoát từ chối thừa nhận điều gì không hay đến với sức khỏe vốn dồi dào của bà. Bà đường hoàng gạt đi sự lo lắng rối rít của Gaye và con gái Daisy. Bà không chịu đi chệch khỏi kế hoạch làm việc thường ngày và cần mẫn tới văn phòng vào lúc 7h30 mỗi sáng, trở về nhà ở quảng trường Belgrève vào 7h tối. Bởi vì bà đã quen làm việc trong phòng điều hành tại cửa hàng cho đến tận 8h30 và đôi khi đến 9h đêm, bà cảm thấy việc về nhà sớm như thế này là cả một sự nhượng bộ lớn.
Đôi khi vào cuối ngày, bà nhìn hàng núi giấy tờ quyết toán, những báo cáo chứng khoán, giấy cổ phần và những chứng từ hợp pháp, bà ho rũ rượi. Cơn ho làm bà kiệt lực, yếu đi và thờ thẫn một lúc. Đối với Emma, cơn ho xé ruột này là một triệu chứng xấu. Tuy nhiên bị thôi thúc vì cảm giác cấp bách nên bà vẫn tiếp tục. Đống giấy tờ hợp pháp do các cố vấn pháp luật của bà chuẩn bị theo yêu cầu là mối quan tâm lớn nhất của bà. Chúng trải ra trước mặt bà trên chiếc bàn làm việc khổng lồ vẫn còn đợi để hoàn thành. Bà nghĩ: ta sẽ không làm xong nổi. Không còn đủ thì giờ nữa. Đầu óc bà bỗng ngưng đọng lại vì cơn hốt hoảng chợt đến. Những cảm giác tê liệt về tinh thần này chỉ thoáng qua thôi, và bà tiếp tục làm việc, đọc và ghi chú. Trong khi làm việc, một ý nghĩ nảy ra trong đầu bà: những tư liệu này phải không thể đảo ngược, không thể huỷ bỏ được. Nó phải thật kín kẽ. Mình phải chắc chắn, hết sức chắc chắn là không bao giờ có thể bị tranh đoạt tại một phiên toà.
Một đêm vào cuối tuần, bà đang làm việc ở bàn trong cơn sốt hừng hực, bà bỗng có một sự thôi thúc đột ngột và hoàn toàn không thể cưỡng lại được là đi xuống cửa hàng. Lúc đầu, bà gạt bỏ ý nghĩ đó, coi như một sở thích chốc lát ngốc nghếch của một người già đang cảm thấy yếu đuối, nhưng ý nghĩ đó dai dẳng đến nỗi bà không thể phớt lờ đi được. Bà có một nỗi ao ước không thể cắt nghĩa được, một nhu cầu phải đi qua những căn phòng lớn, thênh thang phía dưới, y như thể tự đảm bảo với mình về sự tồn tại của chúng. Bà chậm chạp đứng lên, xương cốt run lên vì cơn sốt rét và cái đau trong lòng ngực. Sau khi xuống thang máy và nói với người gác trực nhật, bà đi qua phòng giải lao dẫn tới những gian hàng ở tầng trệt. Bà do dự ở ngưỡng cửa gian hàng bán đồ kim chỉ, nhìn cái cảnh im lặng như ma quái trải ra trước mắt bà. Ban ngày, nó lóng lánh dưới những chùm đèn khổng lồ, những quả cầu pha lê hắt ra những tia sáng rực rỡ. Giờ đây trong bóng tối và trong yên lặng của đêm, nó như một khu rừng hoá thạch, ngưng lại trong thời gian và không gian bất động, giá băng và không sức sống. Bà di chuyển lặng lẽ qua sàn trải thảm cho đến khi tới phòng lớn chứa thức ăn, một dãy phòng hình chữ nhật rộng thênh thang, phòng nọ thông sang phòng kia qua những cửa hình cung kiến trúc theo kiểu tu viện thời trung cổ.
Đối với Emma, những phòng lớn chứa thức ăn luôn là cốt lõi của cửa hàng, bởi vì thực chất, nó là bắt đầu của tất cả, hạt giống nhỏ mà từ đó dãy cửa hàng Hactơ đã lớn mạnh và nở hoa để trở thành một đế quốc kinh doanh hùng mạnh như ngày nay. Tương phản với những khu khác của cửa hàng, ở đây, đêm cũng như ngày, những chùm đèn treo chiếu ánh sáng băng giá toả xuống từ trần và vòm giống như những nhũ đá khổng lồ, nó làm cho những phòng bên mang một ánh sáng lóng lánh ban sơ. Bà đi từ phòng này sang phòng khác, quan sát những trưng bày thức ăn, những sản phẩm của người sành ăn, những của ngon vật lạ nhập từ khắp nơi trên thế giới, món ăn hoàn hảo của Anh, các loại rượu nhiều đến kinh ngạc. Bà hết sức tự hào về tất cả. Emma biết rằng không có phòng thức ăn nào, không một cửa hiệu nào trên thế giới có thể sánh kịp nơi đây. Bà mỉm cười một mình, lòng mãn nguyện hoàn toàn và sâu sắc. Mỗi một gian, mỗi căn phòng là một khiếu thẩm mỹ bẩm sinh của bà, óc tổ chức đầy sáng tạo và sự cần mẫn tạo nên. Nói chung, các xí nghiệp nhà Hactơ không ai dám tự hào có được chút sáng tạo gì ngoài chính bà. Quả vậy. Lòng bà tràn đầy sảng khoái, mãn nguyện đến nỗi cơn đau trong lồng ngực đã tan biến đi.
Khi bà tới gian hàng lớn, một hình ảnh tưởng tượng của cửa hàng đầu tiên ở Lidơ thoáng qua trước mắt bà và lập tức rõ ràng trong mọi chi tiết. Nó thôi thúc quá khiến bà sững người. Cái cửa hàng nhỏ bé đã làm nảy sinh ra tất cả, nó thật nhỏ nhoi, vô ý nghĩa làm sao so với cái kiến trúc cao sang, lịch sự và giàu có này. Bà lặng yên, cảnh giác, căng thẳng, nghe ngóng, y như thể bà nghe được những âm thanh từ xa xưa trong cái yên lặng của đêm nay. Những kỷ niệm đã quên lãng, nỗi buồn thương se sắt xô về mạnh mẽ và rành rọt. Những hình ảnh không còn mờ đục và bị bỏ rơi nữa, tạo thành những hình thể sống động. Khi bà lướt bàn tay lên quầy hàng bằng gỗ sồi nhẵn bóng, hình như ngón tay bà chạm vào mặt quầy hàng bằng gỗ thông thô nhám ở cửa hàng cũ. Bà như có thể ngửi thấy mùi gắt của xà phòng giặt bà đã dùng để cọ cửa hiệu của mình. Bà có thể nghe tiếng lách cách khe khẽ của chiếc máy tính tiền cũ kỹ mua lại trong khi bà vui sướng tính toán những số tiền bán hàng còm cõi của mình.
Ôi, bà yêu làm sao cái cửa hàng nhỏ bé nghèo nàn chật chội đó, đầy những thức ăn và mứt làm lấy, những chai bạc hà, những lọ đá đựng đầy đồ ngâm dấm và gia vị. "Ai có thể nghĩ được rằng nó sẽ trở thành như thế này?" Emma nói to, tiếng nói của bà vang vọng trở lại trong cái yên lặng của căn phòng không người. "Mình tìm được nghị lực ở đâu?". Trong giây lát, bà bàng hoàng. Bao nhiêu năm trời bà không hề nghĩ đến những thành tựu của bà, lúc nào cũng quá bận với công việc, không có lúc nào rảnh rang để lục lại sự thành công của mình. Từ lâu bà đã để công việc đó cho những người cạnh tranh, những đối thủ của bà. Vì sự ăn ở hai lòng và sự tàn nhẫn của chính họ, họ sẽ không bao giờ có thể hiểu được sản nghiệp nhà Hactơ lại được xây dựng trên một cái gì đó cơ bản như sự lương thiện, lòng dũng cảm mãnh liệt, lòng kiên nhẫn và đức hy sinh.
Đức hy sinh. Cái từ đó đọng lại trong óc bà như một con ruồi bị kẹp trong hổ phách. Bởi vì quả thật bà đã hy sinh to lớn để đạt tới sự thành công không thể nào sánh được, của cải không thể lường được và quyền lực không thể phủ nhận được trong thế giới kinh doanh quốc tế.
Bà đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, gia đình, cuộc sống gia đình, rất nhiều hạnh phúc cá nhân, tất cả thời giờ nhàn rỗi và vô vàn những thú vui nhỏ bé phù phiếm nhưng cần thiết mà hầu hết phụ nữ đều thích.. Với sự nhận thức to lớn, bà nhận ra tầm quan trọng của sự mất mát, một phụ nữ, một người vợ và người mẹ. Emma để cho những giọt nước mắt tuôn rơi không kìm lại và nỗi đau đớn của bà trôi theo dòng lệ.
Chỉ một lát sau bà lại hoàn toàn làm chủ được mình, bà lấy làm hổ thẹn đã nhượng bộ trước những tình cảm tiêu cực đó, cho sự thương thân trách phận, bà khinh miệt sự yếu đuối ở những người khác và đó là một thứ tình cảm không quen thuộc trong con người bà. Bà suy nghĩ một cách tức giận: ta đang sống cuộc sống chỉ riêng mình ta tạo ra. Bây giờ ta không thể thay đổi được gì hết. Ta chỉ có việc đi tới cùng.
Bà đứng thẳng người lên, thẳng lưng và kiêu hãnh: quá nhiều trong con người ta đã dành cho cái đó. Ta sẽ không để nó lọt vào tay những kẻ không xứng đáng, những bàn tay cẩu thả sẽ xé nát cả cơ đồ. Ta phải vạch kế hoạch, phải điều khiển, hành động là đúng. Không phải chỉ vì quá khứ, và vì những cái đã lấy mất của ta mà còn cho cả tương lai và cho những người đã làm việc ở đây, đã tự hào về cửa hàng này như ta vốn tự hào.
Sự kiện của mấy tuần qua đã cho bà thấy mối bất hoà to lớn về việc kiểm soát công cuộc kinh doanh và sự phân chia tài sản sẽ nảy sinh trong gia đình sau khi bà chết, trừ phi bà phải đập tan những phần tử bất đồng quan điểm trước khi bà chết. Bây giờ bà sẽ hoàn thành những tài liệu hợp pháp cuối cùng, nó sẽ ngăn chặn được việc phân tán cửa hàng và đế quốc kinh doanh mênh mông của bà, những tài liệu được hoạch định một cách cẩn thận, nó sẽ giữ gìn bất di bất dịch tất cả và sẽ chuyển đến tay đúng người, bàn tay của những người do bà chọn.
Sáng thứ Hai, cơn đau thắt ở ngực bà quá dữ dội và hơi thở của bà suy yếu đến nỗi Emma không thể rời giường. Chỉ mãi đến lúc ấy bà mới để Paula gọi bác sĩ Roger đến. Cuối tuần trước hầu hết các tài liệu đã được ký, được chứng thực và đóng dấu. Bây giờ Emma cảm thấy bà có thể cho phép mình được ốm. Sau khi bác sĩ khám cho bà, ông và Paula tụm lại ở một góc phòng ngủ của bà, nghe giọng nghẹn lại và hầu như không nghe thấy. Bà nghe lỏm được một vài chữ. Bà đã ngờ ngợ là mình bị sưng phổi và điều bà nghe được chỉ xác nhận thêm sự chẩn đoán của chính bà. Sáng hôm sau, họ đưa bà bằng xe cấp cứu tới bệnh viện London, nhưng trước đó bà đã moi được lời hứa của Paula đêm Henry Rositer đến gặp bà ngay hôm đó. Ông tới, kinh hoàng thấy bà đang thở oxy, các loại dụng cụ y tế bao quanh, rối rít các y tá khử trùng và các bác sĩ đầy quan tâm. Bà cười thầm trước khuôn mặt trắng bệch và cặp mắt lo âu của ông đã phản lại ông một cách dễ dàng, bởi vì bà đã nhận ra được Henry phụ thuộc vào bà, hay chính xác hơn vào công việc của bà. Ông nắm tay bà và nói chẳng bao lâu nữa bà sẽ khỏi. Bà cố đáp lại cái nắm tay ấy, nhưng bà cảm thấy quá yếu, bàn tay không nhúc nhích trong tay ông. Với một cố gắng to lớn, bà thì thào hỏi ông là mọi chuyện có ổn không. Nhưng ông hiểu lầm, ông nghĩ là bà muốn hỏi về bệnh tình của mình trong khi thực tế, bà muốn hỏi về việc thanh toán tài sản của bà mà ông đang thực hiện. Ông tiếp tục nói những lời an ủi, nói đi nói lại là chẳng bao lâu nữa bà sẽ lại trở về nhà, cho đến khi bà bực bội sôi lên với một nỗi tức giận bất lực.
Lúc ấy Emma mới nhận ra rằng bà hoàn toàn cô đơn cũng như lúc nào bà cũng vẫn luôn luôn cô đơn khi những vấn đề trọng đại nảy sinh. Qua tất cả những bước thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi bà phải đương đầu với những vấn đề nghiêm trọng nhất, bà hoàn toàn bị bỏ rơi và vì thế, buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn sức mạnh của chính mình. Và bà biết, bà chỉ có thể dựa vào chính mình lúc này để hoàn thành một số ít công việc còn lại để có thể giữ gìn được cơ nghiệp và triều chính của mình. Để làm được như vậy, bà phải sống và bà quyết định không chịu khuất phục trước cái căn bệnh lố bịch này, nó tràn ngập cơ thể yếu đuối già nua của bà. Bà sẽ sống và sẽ thở dù cho có phải dùng tới hết sức mạnh của mình. Bà đã đem tất cả sức lực của ý chí để chịu đựng. Không còn nghi ngờ gì nữa, nó sẽ là cố gắng to lớn nhất của ý chí mà chưa bao giờ bà phải dùng đến, nhưng bà sẽ buộc mình sống.
Mặc dù vậy, bây giờ bà mệt, rất mệt. Mơ màng ở xa xa bà nghe thấy những cô y tá yêu cầu Henry đi ra. Bà được đưa một ít thuốc và liều oxy lại dựng chung quanh bà. Bà nhắm mắt lại, ngủ thiếp đi và trôi nổi bềnh bồng. Bà cảm thấy mình trẻ lại, trẻ lại mãi. Bà lại trở thành một cô gái 16 tuổi, trở về Yorkshire, chạy trên vùng đồng hoang thân yêu, trên làng Feli, tới Đỉnh của thế giới. Những cây thạch nam và dương xỉ cọ vào chân nàng, gió thổi tung chiếc váy dài của nàng, tóc nàng như một suối lụa bay phía sau khi nàng chạy. Bầu trời xanh như vùng cận thuỷ cự, và những con chim sơn ca hướng về phía mặt trời. Lúc này, nàng đã nhìn thấy Edwin Feli đứng bên những tảng đá lớn ngay dưới bóng vách đá cheo leo Ramxden Ghin. Khi anh trông thấy nàng, anh vấy tay và tiếp tục trèo về phía vách đá, nơi họ luôn ngồi tránh gió, ngắm cuộc đời ở phía dưới. Anh không nhìn lại mà tiếp tục leo lên. "Edwin! Edwin! Đợi em với", nàng gọi, nhưng tiếng nàng bị gió thổi bạt đi và anh không nghe thấy. Khi tới được Ramxden Crăc, nàng mệt đứt hơi, khuôn mặt xanh xao của nàng bừng lên vì ráng sức. "Em chạy ghê quá, em tưởng em chết mất", nàng hổn hển trong khi anh đỡ nàng lên bờ đá. Anh mỉm cười: "Em không bao giờ chết, Emma ạ, cả hai chúng ta sẽ sống mãi mãi, ở đây, trên Đỉnh của Thế giới này".
Giấc mơ tan vỡ thành muôn nghìn mảnh và dần dần phai đi khi bà chìm trong giấc ngủ sâu.