PHẦN THỨ NHẤT: THUNG LŨNG
Chương 34

Joe Lowther mặc chiếc áo khoác đen và thọc sâu hai tay vào túi, vừa bước nhanh vừa run lên. Một cơn gió dữ dội gầm rú xuống đường, gió thổi tung mưa tuyết và tuyết vào người anh tơi tả, cuồn cuộn. Anh lại ướt sũng, như tất cả mọi đêm trong tuần này. Tháng mười hai là một tháng thời tiết ghê gớm nhất bây giờ là cuối tuần đầu của cuộc bao vây dài dặc này. Đêm nay anh chậm hơn bao đêm khác. Một lần nữa anh bị dụ dỗ ở lại xưởng đúc để hoàn thành những cuốn sách coi như một đặc ân của ông Ramsbotham, ông này, gần đây có cái thói quen đáng bực mình là cứ chồng chất công việc lên đầu anh. Sự chậm trễ của ông ta còn làm anh bực mình vì một lý do chính yếu khác. Thường thường vào tối thứ sáu, sau bữa ăn chiều, anh tới nhà Emma Harte để xem sổ sách cho nàng. Tối nay anh sẽ không thể đến đó mãi đến tận gần mười giờ, và Joe, sản phẩm của một nền giáo dục giai cấp trung lưu lớp dưới là môt con người rất cứng rắn trong nguyên tắc. Đến thăm một phụ nữ trẻ tuổi sống một mình vào giờ khuya khoắt như thế này là không đúng. Dù sao, anh đã hứa rồi, và anh cảm thấy phải giữ danh dự với lời hứa ấy.
Joe đã dạy Emma kế toán, và bây giờ anh thấy không cần phải xem sổ cái của nàng nữa. Tuy nhiên anh sẵn lòng làm điều đó và nếu như anh thành thật với bản thân mình thì đúng là anh mong làm điều đó. Emma có khả năng kỳ lạ đối với những con số và giữ sổ sách rất kỹ lưỡng, cẩn thận. Gần đây anh mới nhận thấy là nàng thực sự mê thích những cột số dài vô cùng tận, cái mà anh không làm được. Nói thật ra, anh không thích làm sổ sách kế toán một chút nào. Đó không phải là nghề của anh. Tuy nhiên anh đã được học nghề trong phòng kế toán của xưởng đúc khi anh mười lăm tuổi và sau chín năm thì nó đã trở thành cuộc sống đối với anh. Joe thấy không tìm nổi một người chủ thích hợp hơn thế nữa. Anh là con người quá khuôn khổ, theo kiểu của mình và vì anh không có tham vọng và thiếu sáng tạo trong việc đi tìm những phương hướng mới nên anh vẫn đóng khuôn trong những cuốn sách buồn tẻ của Ramsbotham. Joe cũng không hề nghĩ là anh chẳng cần phải làm việc gì nếu như anh muốn. Anh ghét sự nhàn rỗi và quan trọng hơn là anh sợ sự buồn chán. Công việc của anh ở xưởng đúc đã lấp hết cả ngày và những buổi tối trống rỗng cô đơn vô tận hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác.
Nhưng Joe Lowther đáng lẽ đã có thể ngừng làm việc khi mẹ anh chết bốn năm trước đây. Lúc ấy Frederick Ainsley, cố vấn pháp luật của gia đình đã mời anh đến để nghe đọc di chúc và Joe vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ anh không những để cho anh sống trong một hoàn cảnh thoải mái mà còn cực kỳ giàu có nữa. “Đây là cả một di sản con ạ”, ông Ainsley nói: “Một cố gắng hết sức to lớn qua bao năm tháng của bà mẹ tội nghiệp quá cố và của bà ngoại con”, vị luật sư đã nói như vậy. Frederich Ainsley đã kể ra những gia sản mà Joe làm chủ lúc này, nhờ sự cần mẫn không ngừng của hai người đàn bà đằng họ ngoại. Di sản mà Joe bắt buộc phải nghĩ tới bao gồm tám cửa hàng ở phố Town, một dãy nhà ở Armley, nhiều ngôi nhà tầng ở gần Wortley, và trước sự ngạc nhiên của Joe, hai khu đất lớn gần phố St. Paul ở ngay Leeds. “Giữ lấy những cái đó, Joe ạ”, Ainsley khuyên: “Giá trị của chúng sẽ tăng lên. Nhiều tòa nhà lớn được xây dựng ở Leeds. Khi nào bán sẽ được nhiều tiền lắm đấy!”. Cuối cùng, anh chàng Joe ngạc nhiên đến sững sờ khi biết rằng mẹ anh còn để lại cho anh năm mươi lăm nghìn pound tiền mặt ở ngân hàng Midland. Joe đã lảo đảo ra khỏi phòng luật sư, choáng váng trong cái ngày kinh hoàng đó. Sau đó, lúc ngồi tàu trên đường về Armley, một cơn giận tê tái đã tới với anh. Mẹ anh sinh thời đã không ngừng báo về những thảm họa tài chính đang lù lù nơi chân trời. Người cha hiền lành, sợ vợ của anh đã bị xô đẩy xuống mồ sớm một cách tàn bạo vì làm việc quá sức, ăn uống thiếu chất, thuốc men không đầy đủ. Tại sao mẹ anh lại tàn nhẫn như vậy trong khi họ có nhiều đến thế? Anh đã tự hỏi, và nỗi bực tức của anh không giảm đi với thời gian.
Joe đã không động tới tài sản ấy mấy năm qua. Anh chỉ thêm vào và đóng thu nhập hàng tháng vào ngân hàng. Không giống bà mẹ keo kiệt của anh, ở Joe có ít máu tham, chừng nào giải quyết được những nhu cầu hàng ngày của anh thế là đủ. Hầu như, tiền không hề vấn vương đầu óc của anh chút nào.
Tuy nhiên đêm nay khi đi qua những phố tối và ẩm ướt, anh lại nghĩ đến nó. Hai tuần trước, Emma đã nói là nàng sẽ đầu tư vào nhà máy quần áo đầu tiên của David Kallinski ở đường York. Nàng đã thiết kế một loạt quần áo phụ nữ cho David và sự hăng hái của nàng đã lây sang mọi người. Khi Emma gợi ý là David cũng có thể để cả anh đầu tư nữa, Joe đã ngạc nhiên. “Phải để cho đồng tiền làm việc, Joe ạ”, Emma đã nói vậy và nàng đã báo cho anh biết nàng hy vọng tăng gấp đôi tiền trong một thời gian không xa.
Mặc dù bản tính Joe thận trọng, nhưng đã có nhiều phương hại bởi sự thẹn thò nhút nhát, chứ không phải do lọc lõi đặc biệt nào. Cái thái độ được đến đâu hay đến đó của anh về tài chính đã khiến anh nhún vai và đồng ý đầu tư nếu David muốn anh làm vậy. Emma nói nàng sẽ thu xếp chuyện này. “Tôi nghĩ hai nghìn pound sẽ là số tiền cần thiết”, nàng nói tiếp. “Nếu như anh có đủ. Là một con người tài chính hẳn anh dư biết, không cần phải để đến tôi nói, tiền là một công cụ phải được sử dụng để làm ra thêm tiền, Joe ạ! Để nó ở ngân hàng thì có ích gì?”.
Mình quả thực không cần kiếm thêm tiền nữa. Joe tự nói với mình. Anh đã ổn định cả đời rồi. Mặt khác, anh không muốn mất hai nghìn pound. Anh vội gạt bỏ cái ý nghĩ tiêu cực này, Joe hết sức tin tưởng ở sự khôn ngoan bẩm sinh của Emma, anh đã được chứng kiến điều đó và từ lâu đã thừa nhận sự sắc sảo trong công việc làm ăn buôn bán đối với một cô gái hai mươi tuổ. Anh tin tưởng ở sự xét đoán của nàng. Hơn nữa, Joe cũng đủ thông minh để thấy rằng anh đầu tư vào nhà máy quần áo cho vui thôi. Anh thích David và Emma, bởi anh ít bạn và cô đơn một cách dễ sợ nên anh ao ước dính dấp vào cuộc đời của họ, làm một bộ phận của cuộc phiêu lưu kỳ thú này.
Đắm chìm trong muôn ngàn ý nghĩ, Joe đã ở ngưỡng cửa nhà mình lúc nào không hay. Anh rũ tuyết ra khỏi đôi ủng khi bước lên bậc; mùi thức ăn thơm ngào ngạt đón chào anh, hơi ấm của lửa bếp xua tan những cảm giác cô đơn của anh.
Bà Hewitt đang dọn bữa ăn tối cho anh. “Của cậu đây, Joe”, bà kêu lên, mặt rạng rỡ. “Trời ơi, cậu ướt sũng xĩnh cả rồi. Đến bên ngọn lửa mà sưởi cho ấm đi”.
- “Chào bà Hewitt”, Joe vừa nói vừa bỏ mũ và rũ ra khỏi áo. Anh vội đến bên chậu nước, hai tay chà sát vào nhau để xua tan cái giá rét. Anh lau khô tóc và mặt, rửa tay rồi ngồi xuống bên ngọn lửa. “Thật là một đêm ào ào gió thổi, bà Hewitt ạ, lạnh quá đi. Tôi nghĩ chắc có sương muối dày đặc”.
Bà Hewitt gật đầu. “Ừ, chắc cậu nói đúng”. Bà liếc nhìn anh và cau mặt” “Này, Joe, đừng ngồi đó với đôi ủng đẫm nước nữa, cưng. Cởi ngay ra. Vì thế mà bị đau răng đó, cưng ạ, đi ủng sũng nước ấy”.
Joe mỉm cười vì câu nói của người đàn bà này, nhưng anh vẫn cởi ủng ra và đặt ở bệ lò sưởi để vừa ý bà. Bà là một bà già tốt bụng, trông nom anh hơn cả mẹ đẻ của anh và cứ ba tối một lần, bà cải biên cái ngôi nhà phiền muộn này thành một mái ấm. “Nhìn cái bánh Flan sữa trứng này kìa” bà Hewitt thốt lên, vừa chỉ vào đồ ăn tráng miệng trên bàn. “Cậu đã thấy cái gì đẹp như thế chưa. Tôi mua cho cậu ở cửa hiệu nhà bà Harte đấy. Trời, Joe ạ, thảo nào mà công việc làm ăn của bà ấy chẳng phát đạt. Cái cách bà ấy huấn luyện hai cô gái nhà bà Long để giúp việc, nó thật làm cho tôi cứ ngây người”.
Joe mỉm cười với bà. “Tôi không thể ngờ cô ấy lại làm ăn được như thế khi cô ấy thuê cái cửa hàng đầu tiên đó. Nhưng cô ấy đã chứng tỏ cho tôi thấy là tôi lầm và cả nhiều người khác nữa”.
- “Ấy, cậu ạ, bà ấy là người thuê nhà tốt đấy”, bà Hewitt thừa nhận.
- “Ăn tối với gì thế bà”, Joe vừa hỏi vừa sưởi ấm đôi tay.
- “Mùi thơm quá”.
- “Tối nay tôi không làm gì đâu, Joe ạ”, người đàn bà già trả lời. “Tôi mua cho cậu beef steak và bầu dục ở đằng nhà bà Harte, chẳng là cậu thích thứ đó mà”.
- “Thật tuyệt, bà Hewitt”.
- “Hôm nay tôi nói chuyện với Laura Spencer ở cửa hàng kim chỉ, mà cậu có biết không, cái áo cưới cô ấy may cho con gái của bà em tôi là một trong những kiểu của chính bà Harte đấy. Cô Spencer nói với tôi là bà Harte sẽ vẽ kiểu cho một trong những cửa hàng lớn ở Leeds”.
- “Tôi hiểu”, Joe nói.
- “Thế mà cậu không bao giờ nói cho tôi biết”.
- “Tôi không nghĩ ra, bà Hewitt. Có quan trọng không?”.
- “Tất nhiên là có chứ, Joe. Tất cả những gì liên quan tới Emma Harte đều quan trọng. Ai cũng nghĩ bà ấy là một phụ nữ đáng yêu. Rất lịch sự và tư thế. Đó là đầu đề câu chuyện của phố Town với những cửa hàng quần áo của bà. Một cô gái thật có duyên”, bà mang bát củ cải ra bếp lò và nói tiếp: “Joe, cậu có thích bia không? Tôi có bia lạnh ở đầu hầm rượu đó”.
- “Tôi không từ chối, bà Hewitt. Cảm ơn bà”, Joe châm tẩu thuốc và ngả người trong ghế, sưởi đôi chân ướt của mình.
- “Vâng, tất cả đã xong rồi đây Joe”, bà Hewitt tuyên bố.
- “Các nồi thức ăn đã chuẩn bị, bữa tối của cậu sẽ nóng trên bếp lò, cưng ạ. Uống bia trước đi rồi ăn sau. Bây giờ tôi phải về. Tạm biệt”.
Lát sau, khi đã đọc xong báo, Joe lấy bánh kẹp thịt, rau và ngồi ăn bữa tối. Anh vừa ăn xong thì có tiếng đập cửa ầm ầm làm anh giật mình nhỏm dậy. Cửa bật mở mang theo những bông tuyết tơi tả cùng với bà Minton, một trong những người thuê nhà của anh. Mặt bà ta đỏ lựng và qua ánh mắt dữ dội của bà, Joe biết đây không phải do gió lạnh mà vì sự tức giận.
- “Trời, bà Minton…”, anh bắt đầu.
- “Đừng bà Minton Mintiếc gì với tôi nữa, Joe Lowther”, bà ta rống lên: “Đây là một tội ác! Một tội ác đốn mạt. Tôi biết hết! Kể từ khi cô ta dọn đến tôi đã biết ngay cô ta nhòm ngó cửa hàng của tôi mà. Và khi anh cho cô ta thuê cái cửa hàng khác ở góc phố, tôi đã nói với ông nhà tôi là chẳng bao lâu nữa cô ta sẽ hất mình ra thôi. Thế là bây giờ tôi bị kẹp giữa cửa hàng thực phẩm và cửa hàng kim chỉ của cô ta, cô ta cứ ép cứ ép mãi cho đến khi cô ta hất tôi ra giữa phố Town. Anh cũng phải thừa nhận là tôi nói đúng chứ!”. Bà Minton nổi khùng ngừng lại để lấy hơi, hai tay chống nạnh, dáng điệu thách thức.
- “Bà Minton, xin bà bình tĩnh nào. Tôi không hiểu bà đang nói cái chuyện khỉ gì”.
- “Tôi đang nói về Emma Harte, cái chuyện ấy đấy! Cô ta muốn cửa hàng của tôi! Tôi không cần phải xem tướng xem số cũng biết được điều đó. Cô ấy muốn bành trướng sang cửa hàng của tôi. Cái cửa hàng mà tôi có trong mười năm nay. Những người làm ăn buôn bán cho là cô ta không ra gì, cái bà Harte dương dương tự đắc đó. Nhớp nhúa phu nhân, họ gọi cô ta như thế. Chặt đứt đường làm ăn của người ta, tự mình trực tiếp tới các xưởng sản xuất và các nhà kho để mua bán, không thông qua khâu trung gian. Rồi cô ta phá giá để không một người nào ở phố Town có thể bán chen được một tí gì. Ấy cái con bé Emma Harte ấy thật là đồ giảo quyệt”.
- “Bà Minton!”, Joe thét lên. “Emma Harte là một cô gái tốt và cô ấy làm việc chăm chỉ. Cô ấy không có ý định hất bà ra đâu. Cô ấy chỉ điều hành các cửa hàng của cô ấy một cách có hiệu quả thế thôi”. Joe khó chịu nhìn người đàn bà lôi thôi lốc thốc trong chiếc áo bẩn thỉu và chiếc khăn quàng cáu ghét. “Bà ta là một phản ánh sinh động của các cửa hàng bẩn thỉu của bà, một sự bừa bộn và hỗn tập không thể tưởng tượng nổi”.
- “Ồ, tôi đã nghĩ là thế nào anh cũng bênh vực cô ta mà”. Bà Minton hét lên: “Tôi đã nói với ông nhà tôi là nói với anh thì chẳng đi đến cái thế giới nào đâu. Anh cũng thích con bé ấy rồi! Này, đừng có vẻ như thế. Tất cả chúng tôi đều biết giữa hai người có chuyện gì với nhau rồi!”. Bà bước thêm một bước tới gần Joe, nhìn vào mắt anh và rít lên. “Con phò của anh, con khốn nạn Emma Harte là thế đó, thế mà là gái đã có chồng chứ! Tôi ngạc nhiên là anh vẫn chưa tọng cái của anh vào cái bếp lò của con bé đó. Nhưng cứ chờ đấy rồi xem!”.
Joe mặt trắng bệch. “Sao, đồ thối mồm, con mụ già đê tiện. Không có chuyện gì giữa bà Harte và tôi ngoài chuyện làm ăn buôn bán. Mà bà phải giữ mồm giữ miệng đấy, bà Minton, nếu không bà sẽ mang tội vu khống. Tôi không cho phép những lời nói bỉ ổi này!”.
Bà Minton nghiêng người về phía trước, vẫy vẫy cuốn sổ thuê nhà bà ta đang nắm chặt trước mặt anh, Joe nghĩ bà ta sẽ đánh anh bằng cuốn sổ đó. “Tôi nghĩ bà nên đi, bà Minton”, anh nói lạnh như băng. “Trước khi tôi hết kiên nhẫn. Như thế là đủ lắm rồi”.
Bà ta hất đầu rồi quay đi, tiến bước ra cửa. Bà ta nhìn lại, ánh mắt đầy thù hận và thét lên. “Ồ, cô ta sẽ không có nổi sự sung sức bật tôi ra đâu, bởi vì chính tôi sẽ bỏ đi trước! Và anh có thể cầm lấy cái cuốn sổ thuê nhà khốn khiếp của anh mà cho thuê lại!”. Bà ta quăng quyển sổ qua phòng vào người Joe và nó rơi trên chiếc bánh Flan sữa trứng.
Cánh cửa đóng sầm lại sau bà ta, Joe nhìn cuốn sổ đè lên sữa trứng, anh nhấc nó ra, mang tới chậu nước, lấy khăn lau đĩa gột sạch. Anh nhìn vào trong. Cái mụ già hung hăng này, anh nghĩ, còn nợ mình một tháng tiền nhà. Anh biết đáng lẽ anh phải gọi lại để đòi. Nhưng anh không cần.
Joe kinh hoàng vì những điều bà Minton đã nói về Emma và anh. Chắc chắn những điều ấy được thốt lên để mà trả mối thù nung nấu. Hay có ai hàng xóm láng giềng thực sự tin là có chuyện gì đó giữa hai người. “Con phò” chẳng phải là một cái tên hay ho gì. Đó là cái cách để nói một người phụ nữ đĩ thỏa, anh có thể đoán là một số người nói như vậy, những loại người như bà Minton. Nhưng anh không bao giờ đụng chạm tới Emma, anh bỗng thấy nóng bừng mặt. Anh cảm thấy tội lỗi khi anh nhớ lại những đêm anh nằm thừ trên chiếc giường trinh trắng của mình, hầu như nghẹt cả thở, lòng ham muốn của anh đối với Emma bừng bừng khiến anh không sao có thể chịu nổi. Bởi vì quả là anh ham muốn nàng. Vào những đêm khủng khiếp ấy, anh hình dung mình đang lướt hai bàn tay trên thân thể đẹp đẽ của Emma, miết đôi môi mình lên đôi môi nàng, sờ nắn đôi vú rắn chắc của nàng và cuối cùng là yêu nàng say đắm. Anh rùng mình, nhắm mắt lại, cố gắng xóa những hình ảnh gợi tình ấy, những viễn tưởng mê đắm, đầy nhục dục ám ảnh anh.
Một lát sau, Joe cảm thấy bình tĩnh hơn. Muốn một người đàn bà và ao ước chiếm đoạt người ta là một chuyện, nhưng đó không phải là một hiện thực, và anh thấy tức giận những lời lẽ ám chỉ khủng khiếp của bà Minton. Joe thở dài mệt mỏi, anh nhận ra rằng Emma quả đã làm hại công việc buôn bán của cái bà già lắm điều đó, mặc dù là không cố ý. Nàng đã làm những sản phẩm của mình và những cửa hiệu đẹp đẽ, hấp dẫn hơn những cửa hiệu khác ở vòng xung quanh. Nhưng đặc sản của nàng, như những thức ăn làm thật nổi tiếng, còn quần áo thì nàng đã kiếm được khách ở cách đó hàng nhiều dặm. Với sự mạnh dạn và tài buôn bán, hai cửa hàng của nàng đã trở nên sầm uất nhất ở phố Town trong thời gian không đầy ba năm và lợi nhuận của nàng rất cao; Joe biết điều này qua những cuốn sổ cái của nàng. Nó cao đến nỗi bây giờ nàng có thể đầu tư hai nghìn pound vào công việc kinh doanh của David cũng như chính anh có ý định làm. Một thành công như vậy rõ ràng là gây ra sự ghen ghét và tiếng xấu rồi.
Joe đứng lên, quyết định không nghĩ tới những lời buộc tội của bà Minton nữa. Anh sẽ đi gặp Emma ngay và nói với nàng là bà Minton sẽ trả lại cửa hàng. Emma bây giờ có thể có cửa hàng thứ ba. Mặc dù nàng không bao giờ nói một lời nào với Joe, anh biết nàng có ý định đối với cửa hàng này từ lâu. Điều đó có ý nghĩa, anh phải thừa nhận điều đó. Khi bà Minton đã dọn đi, Emma có thể bành trướng và ba cửa hàng liền nhau sẽ giống như một cửa hàng bách hóa mà nàng ấp ủ một ngày nào đó sẽ có. Anh nhìn đồng hồ. Kim chỉ chín giờ. Anh nhún vai. Mặc kệ hàng xóm láng giềng. Ta chẳng cần họ nghĩ gì. Anh lên gác mặc một chiếc sơ mi sạch.
Emma đứng giữa cửa hàng thực phẩm và xem xét công việc của mình một cách hài lòng. Mọi thứ trông rất đẹp, cô quyết định như vậy, đúng là cũng bỏ công dậy từ bốn rưỡi sáng để sắp xếp bày biện cho ngày Noel. Đôi mắt tinh tường của nàng vừa nhác thấy một hạt bụi ở một chiếc ly, nàng vội chạy ngay đi lấy khăn. Nàng phủi bụi, rồi đứng lùi lại ngắm nghía chiếc tủ đựng đồ quý lóng lánh trong ánh sáng của những ngọn đèn gas gắn trên tường. Bây giờ chúng thật là hoàn hảo, không một vết gợn. Thức ăn bên trong trông ngon lành. Có những chiếc bánh Noel điểm hạnh nhân, những chiếc bánh pudding mận tròn phủ vải muxơlin, mỗi chiếc có buộc nơ đỏ, một loạt bánh nhân quả băm đủ kích thước, những khúc củi đốt ngày lễ Noel làm bằng bánh xốp, bên ngoài bọc bằng chocolate thẫm màu và điểm trang bằng những cành tầm gửi, bằng bánh hạnh nhân. Emma, được các cô gái nhà Long giúp việc đã dành nhiều tiếng đồng hồ nướng các loại bánh thời trang này, nhưng nàng biết sự cần mẫn này sẽ được đền bù. Mỗi loại hàng sẽ được bán cùng với những nguồn cung cấp khác chứa trong những hộp thiếc lớn để trong hầm lạnh.
Emma vuốt phẳng tấm vải trắng trên bàn trước tủ kính đựng thức ăn và ngắm nhìn những hàng nhập khẩu của nước ngoài, những của ngon vật lạ nàng đã mua cho mùa giáng sinh mà không một cửa hiệu nào ở Anh có. Nàng để hoa quả của Pháp trong những chiếc lọ thủy tinh trong suốt, sắp xếp một cách khéo léo những hộp chà là Ai Cập và từ Hy Lạp. Rồi nàng vội vã đến sau quầy và trở lại với một khay đựng bánh hạnh nhân, trái cây từ Đức đến hôm qua. Đêm hôm trước, Emma đã bọc những chiếc giỏ đó với giấy quăn màu xanh và nơ đỏ ở chỗ tay cầm. Hàng rất nhiều nhưng nàng dự đoán trong một vài ngày tới sẽ phát đạt. Đây là lễ Noel thứ ba trong cửa hiệu, và bây giờ thì nàng đã quá ổn định, không còn lo sợ gì về chuyện bán hàng nữa. Nàng tin chắc sẽ không hết khách hàng, cả những khách quen và khách mới.
Emma nhìn cửa hiệu lần cuối, đôi mắt soi mói của nàng cố tìm ra chỗ không hoàn hảo nhỏ nhất. Không thấy một chỗ nào hết. Những giá nhiều không sao kể hết chạy quanh tường, vút lên tận trần chất đầy những hộp jambon, thịt lợn và những hộp trà các loại màu đen màu vàng, đủ loại nguyên vật liệu, hoa quả đóng chai do nàng làm, rau và mứt. Phía dưới là những vò mứt vỏ chanh, anh đào, nhân quả băm, quất, sốt táo để cho vào gà tây ngày Noel và ngỗng. Ba thùng khổng lồ ở phía bên quầy phụ đầy đến tận ngọn những quả hạnh táo, cam để cho vào vớ ngày Noel truyền thống của trẻ em, mùi thơm nhè nhẹ của trái cây bay ngọt ngào trong không gian lẫn với hương vị cay hăng của những món ăn Ấn Độ, mùi bánh mới nướng, mùi phó mát và thịt làm chảy nước miếng. Ôi, sao mà nàng yêu cửa hiệu của mình! Ở đây, nàng được yên ổn được che chở lánh xa gia đình nhà Fairley. Nàng cũng vô cùng sung sướng nghĩ đến việc bán hàng sắp tới, lợi nhuận tăng lên vùn vụt, và nàng nở một nụ cười.
Emma bước tới cửa kép rèm, tháo gióng chuẩn bị đón những khách hàng đầu tiên. Những khách hàng này hẳn sẽ là những đầu bếp và quản gia của những tòa nhà lớn thường ùa vào rất sớm để đặt hàng. Emma hy vọng danh sách mua sắm của họ tuần này sẽ dài hơn bao giờ hết.
Khi đồng hồ điểm tám tiếng, Emma ra chỗ thường lệ sau quầy ngồi trên một chiếc ghế cao gần bếp lò paraffin. Nàng cúi xuống mở tủ buffet, lấy cuốn sổ cái của cửa hàng sơ mi ca vát. Trong một năm nàng đã thuê cửa hàng thứ hai của Joe Lowther, công việc làm ăn đã vượt xa cả những giấc mơ cuồng nhiệt nhất của nàng. Laura, người mà nàng đã thuyết phục trông coi cửa hàng cho nàng đã tỏ ra vừa có khả năng vừa có hiệu quả, số hàng bán đã tăng gấp đôi trong sáu tháng đầu. Emma đọc kỹ những cột số đẹp đẽ này, nàng thở dài mãn nguyện và sung sướng. Tương lai của Edwina và nàng giờ đây được bảo đảm.
Tiếng chuông leng keng làm Emma ngẩng ngay đầu lên, nàng để cuốn sổ cái sang bên và khóa tủ lại. Nàng đứng lên mỉm cười với người phụ nữ đang bước vào. Đó là người quản gia của một trong những dinh thự sang trọng của khu nổi tiếng Towers. “Chào bà Jackson”, Emma nói: “Bà đi mua sắm sớm”.
- “Xin chào bà Harte. Trời, hôm nay giá quá, tôi rất sung sướng được vào trong cửa hàng ấm áp dễ chịu của bà. Tôi không hiểu sao những người có cửa hiệu khác lại không theo gương của bà mà sưởi ấm cửa hàng của họ”. Bà Jackson rùng mình khi bà tiến tới bên quầy với hai chiếc giỏ lớn: “Tôi nghĩ là tôi sẽ đặt hàng trước mặc dù đến cuối tuần tôi mới sai con ông làm vườn đến lấy”. Bà đưa hai cái giỏ và ngồi trên chiếc ghế cao phía bên kia quầy.
Emma cất cái giỏ đi và nói: “Bà Jackson, để tôi pha cho bà một tách trà nóng nhé?”
Mặt người đàn bà, trắng nhợt và dúm lại vì thời tiết rét cóng, bừng lên: “Thế thì tốt quá, bạn thân mến, nếu điều đó không làm phiền hà. Đi xuống phố Town quả thực là giá buốt, xin cam đoan với bà như thế”.
Emma luôn luôn có một ấm trà nóng khổng lồ chuẩn bị cho thời tiết lạnh và nàng luôn mời khách hàng một cách rộng rãi. Nàng đã phát hiện ra rằng, một chút hiếu khách chẳng tốn kém gì và lợi thì rất nhiều. Nàng nhấc chiếc ấm ra khỏi bàn bên cạnh bếp lò, xoay lại ấm giỏ và rót rà. “Sữa và đường chứ, bà Jackson? Cháu bé Freddy ra sao rồi? Cháu đã khỏi sởi chưa?”, Emma hỏi. Nàng có thói quen hỏi thăm con và chồng của những khách hàng, nàng luôn luôn lắng nghe đồng cảm.
Bà Jackson nhận chén trà, mặt bà bừng lên sung sướng: “À, bà nhớ đến cháu Freddy thật là tử tế quá. Đến Noel này thì cháu sẽ đi lại được”. Bà mở túi xắc và lấy ra một mảnh giấy. “Đây là danh sách của tôi, bà Harte ạ. Tôi nghĩ là nó đầy đủ rồi, nhưng tôi sẽ xem lại, nếu bà không phiền và…”. Bà Jackson ngừng lại giữa câu. Chuông lại leng keng và cửa mở.
Emma nở một nụ cười ngạc nhiên nhưng sung sướng. “Blackie”, nàng thốt lên, “em tưởng tối nay mới gặp anh”.
- “Chào em, Emma, và xin chào bà”, Blackie trả lời vui vẻ, nghiêng đầu về phía bà Jackson: “Anh hy vọng là không làm phiền em, Emma”.
- “Không, không phiền một chút nào hết. Anh lại quầy uống một chút nước chè để em tiếp bà Jackson một chút”, Emma nói, nàng quay sang phía bà khách hàng.
Nàng liếc nhanh danh sách. “Vâng, thưa bà Jackson, mọi thứ hình như là rõ cả. Tuy nhiên, có lẽ bà nên…”, Emma dừng lại và nhìn bà Jackson một cái nhìn suy nghĩ, “không biết bà có nên lấy thêm một ít bánh patê và bánh hình khúc củi Noel không? Bà biết trẻ con thích loại bánh ấy lắm và mùa nghỉ năm nay dài. Nói thật với bà tôi có rất nhiều nơi đặt hàng. Tôi không thể hứa là còn nhiều vào cuối tuần nếu bà quyết định mua thêm nữa”.
- “Ôi, tôi quên không nghĩ tới điều đó. Vâng, thế thì có lẽ bà tăng số lượng lên. Tôi không muốn bà chủ của tôi bực mình với tôi. Bà hãy thêm ba chiếc nữa mỗi loại và thêm cả bánh Noel nữa”, bà Jackson nói. Mắt bà nhìn những hàng nhập khẩu, bà bước tới bên bàn mang theo cốc nước. “Trời, những cái này trông đẹp quá nhỉ”. Bà xem xét một hộp kẹo bánh Thổ Nhĩ Kỳ và đọc tấm card của Emma được viết một cách cẩn thận. “Đặc biệt của nhà Harte. Cung cấp hạn chế”.
Emma làm ra vẻ kiểm tra lại danh sách mua sắm vừa liếc nhìn bà Jackson dưới hàng mi. Đêm qua nàng đã cố tình chọn những từ này, biết rằng chúng sẽ khơi dậy thói đua đòi của những khách hàng.
Bà Jackson tiếp tục nhìn những mứt kẹo của nước ngoài rồi nói. “Những cái này tôi không biết chắc nữa. Trông nó hay hay, nhưng có thể nó hơi quá lạ lùng đối với bà chủ của tôi”.
- “Ồ, bà nghĩ như vậy sao, thưa bà Jackson? Tôi luôn luôn thấy giới thượng lưu thích những loại của ngon này”, Emma nhấn mạnh: “Thực tế mà nói, tôi lấy làm tiếc đã không đặt nhiều hơn. Những thứ này lan đi nhanh như đám cháy. Vâng, mới hôm qua đây thôi, một bà bếp ở Tower yêu cầu tôi để cho bà ấy mỗi thứ hai cái”, nàng bịa thật nhanh: “Dù sao tôi cũng thấy nó hơi đắt một chút”.
Bà Jackson nhìn xoáy vào Emma. “Bà chủ của tôi không quan tâm đến chuyện giá cả, bà Harte ạ”, bà nói một cách chống chế. “Mỗi thứ tôi lấy ba cái”.
Emma mỉm cười, nàng đã học được cách kích động tính ganh đua giữa các bà bếp và các bà quản gia, các bà này luôn luôn cố tỏ ra là mình hơn người kia. “Tốt lắm, bà Jackson. Tôi sẽ ghi lại và để riêng ra ngay”.
Đôi mắt bà Jackson đảo trên những giá phía sau Emma. “Nhân tiện, xin bà thêm vào một hộp jambon nhập khẩu và bốn chai tương ớt xoài vào danh sách cho. Bà chủ của tôi đợi những vị khác sang trọng đến nghỉ. Phải chuẩn bị trước mới là khôn ngoan”.
- “Vâng, đúng thế đấy ạ. Và bà vẫn có thể sai cậu bé con người làm vườn đến nhà cuối tuần nếu như bà còn quên một cái gì đó. Bà Jackson bà biết là bao giờ tôi cũng làm hết sức mình cho bà”.
Bà quản gia làm điệu bộ: “Bà Harte, bà biết tôi là một khách hàng tốt. Tôi biết tôi có thể trông cậy ở bà. Nào, bà có nhiều kinh nghiệm, bà thử xem hộ xem tôi còn bỏ sót cái gì không ghi trong danh sách. Tôi muốn bà chủ hài lòng, với mớ mứt của tôi trong những ngày lễ”.
Emma làm bộ suy nghĩ: “Nếu là bà tôi sẽ thêm hai hộp thịt hộp và ba lọ nước xốt táo. Để phòng những lúc cần kíp. Và có lẽ là cheese để ăn kèm với bánh ngọt ngày Noel. Bà cứ để đấy cho tôi. Tôi sẽ chọn ra loại cheese hạng nhất và có lẽ đôi ba thứ khác nữa”.
Bà Jackson để chiếc cốc lên bàn, trông có vẻ hình như Emma vừa làm cho bà một đặc ân lớn lao. “Cám ơn bà Harte. Bà mất thì giờ quá nhiều vì tôi, thật là chu đáo. Tôi phải nói là bà đã làm cho cuộc sống của tôi dễ thở hơn, kể từ khi bà tới phố Town. Dạo này tôi không phải nấu nướng nhiều hơn nữa. Thôi, tôi phải đi thôi. Chúc bà ngày Noel vui vẻ, bà bạn thân mến”. Bà ta đứng lại ở cửa và vẫy tay. “Chúc bà ngày Noel vui vẻ, bà Jackson. Và xin bà nhớ cho là bà không phải lo lắng một điều gì hết. Đơn đặt hàng của bà sẽ được giải quyết đầy đủ, chu tất”. Emma nói với theo.
- “Anh chắc là như thế”, Blackie vừa cười vừa nói, anh bước vòng quanh quầy và buông mình xuống chiếc ghế đẩu cao bà Jackson vừa bỏ trống. “Em có thể bánh được cả than cho người bản xứ ở vùng tồi nhất ở châu Phi. Anh chưa từng được chứng kiến như thế bao giờ, Emma. Sao em đã tăng được gấp đôi số lượng mua của người đàn bà ấy”. “Gấp ba”, Emma nói và khẽ nở một nụ cười.
Blackie lắc đầu và làm vẻ nghiêm trang. “Emma ạ, anh tạt qua để chia buồn với em”.
- “Chia buồn?”
- “Ừ, anh được biết là người chồng thủy thủ của em vừa đột ngột qua đời vài tuần trước đây. Chết vì sốt thương hàn ở Ấn Độ Dương, anh nghe nói như thế. Thật là buồn quá”. Anh ngửa đầu ra sau và cười phá lên, Emma cũng cười theo với anh. “Trời đất quỷ thần ơi, em thật là giàu óc tưởng tượng. Chính em nên làm văn chứ không phải là Frank. Sốt thương hàn ở Ấn Độ Dương!”
- “Vâng, em phải giết chết hắn”, Emma nói: “Có một người chồng mới thật là nhiễu sự. Ngay cả cái tên đã ruồng bỏ em. Em nghĩ tốt nhất là để cho hắn ta chết ở xa, vùi sâu ngoài biển cả”.
Blackie cười: “Đúng. Đúng”. Anh nhìn chiếc áo len đỏ của nàng: “Anh thấy là em không để tang”.
- “Các bạn bè của em không mong em mặc đồ đen để tang một người đã ruồng rẫy em, có phải không nào? Em chắc Laura nói với anh”.
- “Có. Cô ấy nói là em nhận được một lá thư của Bộ Hải Quân sáng hôm nọ. Chắc là em cường điệu hóa”.
- “Em phải làm nó y như thật chứ, Blackie. Đó chỉ là những lời nói dối vô hại mà. Từ nay em có thể nói thật được rồi”.
- “Ồ, đúng thế, nhỉ?”
- “Vâng, tất nhiên”. Emma nói một cách kiên quyết.
- “Nhưng không phải về Edwina. Chúng ta phải che chở nó bằng
mọi giá. Không một ai được biết nó là con không hợp pháp, Blackie ạ”.
- “Anh không bao giờ phản bội em đâu, em gái của anh. Chính em biết điều ấy. À này, hôm qua anh gặp David Kallinski đấy. Anh đến xem nhà máy, để anh có thể làm những kế hoạch cho sự thay đổi. Anh mong em không phiền lòng, nhưng anh có nói với anh ấy là chồng em đã qua đời”.
- “Ồ. Thế anh ấy nói sao?”, nàng hỏi một cách thận trọng.
- “Anh ta nói anh ta chia buồn. Nhưng anh thì anh thấy trông cu cậu như người vừa được thừa kế một triệu pound vậy”. Blackie nhìn
nàng soi mói. “Có chuyện gì giữa hai người, Emma?”
- “Sao, có gì đâu”, nàng nói đều đều. “Em cũng làm ăn buôn bán với anh ấy, có thế thôi”.
- “Ồ, à”, Blackie nói một cách tư lự. “Ồ, anh lại nghĩ là cu cậu nghĩ khác cơ”.
- “Vớ vẩn! Do cái óc tưởng tượng Centic của anh thôi. Anh còn có óc tưởng tượng hơn cả Frank nữa”.
Blackie không trả lời. Anh thọc tay vào áo khoác, lấy ra một thiếp giấy và trao cho Emma. “Đây là kế hoạch để cải tiến cửa hàng cỡ trung bình, rồi kết hợp cả ba lại với nhau giống như em muốn, em gái. Anh sẽ vào cửa hàng của bà Minton cả hai phía. Nghĩa là từ cửa hàng sơ mi ca vát và qua tường phía kia. Anh sẽ làm một lối đi nối ba cửa hiệu. Em thấy thế nào?”. “Tuyệt với, Blackie. Anh biết em tin tưởng ở sự phán đoán của anh. Tối nay em sẽ xem bản kế hoạch. Bao giờ anh bắt đầu?”, nàng hỏi một cách hăm hở.
- “Anh biết tính em, anh chắc là em muốn anh bắt đầu ngay chứ gì, nhưng cũng sau ngày Noel, Emma ạ. Chúng ta sẽ làm nhanh thôi, và đến giữa tháng giêng em sẽ có mặt trong cửa hiệu”.