PHẦN THỨ NHẤT: THUNG LŨNG
Chương 33

Và thế là mọi sự bắt đầu, một cuộc săn đuổi không khoan nhượng để kiếm tiền, một kế hoạch làm việc không ngừng, không nghỉ, không tiếc đời được ấp ủ và tiến hành bởi một cô gái mười bảy tuổi.
Ban ngày, Emma làm việc ở nhà máy; ban đêm sau bữa ăn nhẹ vội vàng, cô trở về phòng ngủ ở nhà Laura để cắt, khâu quần áo cho các khách hàng. Laura quảng cáo về tài vá may và giá cả phải chăng của Emma nên các bà ở xung quanh càng tín nhiệm.
Vào những ngày chủ nhật, Emma nướng bánh hoa quả, bánh thịt trứng, bánh nhân thịt và đủ các loại bánh, bánh ga tô. Cô làm món kem mứt, nước quả nấu đông và bánh xốp kem, dùng những công thức của Olivia Wainwright, cung cấp cho các cuộc liên hoan, những dịp đặc biệt cho những người ở vùng lân cận và cho những nhà sang trọng giàu có. Khi không làm những công việc bếp núc cho những khách hàng, cô đóng chai hoa quả và rau tươi, hành muối, cải bắp đỏ và quả hồ đào; làm tương ớt xoài, đồ gia vị và mứt được dán nhãn (do tay cô viết thật nắn nót) chất đầy trong hầm chứa để sẽ được đem bán sau này trong cửa hàng của cô. Emma sống rất tằn tiện bằng đồng lương hằng tuần ở nhà máy. Mỗi đồng penny cô kiếm được do may vá và đưa hàng thì đổ cả về “công việc kinh doanh”, cô gọi nó như thế để mua sắm vật dụng may và thực phẩm.
Điều này làm Laura lo ngại, nhưng Emma đã chỉ ra rằng “mình phải tiêu tiền thì mới kiếm được ra tiền”, và cô bỏ ngoài tai lời nói nữa: “khéo lại quá tay”. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Emma đã có chút lãi nhỏ, làm cô hết sức hài lòng, và Laura thì nhẹ nhõm cả người.
Emma bền bỉ, không sợ vất vả cho bản thân mình, dành dụm, tiết kiệm và làm việc bảy ngày một tuần và cả bảy đêm nữa. Bây giờ cô không còn thì giờ để lãng phí nữa. Mục đích đầu tiên của cô… cửa hiệu đầu tiên. Và sau đó, nhiều cửa hiệu nữa cho đến khi cô có một dãy cửa hiệu đúng như Michael Marks có một dãy ở chợ Penny.
Nhưng cửa hiệu của cô sẽ là những cửa hiệu thanh lịch. Đó là nơi có tiền thực sự, với những số tiền lớn có thể thu lượm được. Để có được cửa hàng thứ nhất đó Emma phải cần có tiền. Tiền để thuê. Tiền để sửa sang, bày biện. Tiền để mua hàng dự trữ. Bằng cách nào đó và cô đã quyết định không gì và không ai có thể ngăn được mình. Emma không chút nghi ngờ nào về thắng lợi cuối cùng của cô. “Thất bại” và “Chiến bại” là những từ hoàn toàn bị xóa bỏ khỏi vốn từ ngữ của cô, bởi vì sự tin tưởng ở bản thân mình là tuyệt đối, và cô cũng biết rằng cô có một đặc tính chủ yếu và quan trọng nhất – đó là khả năng làm việc vô cùng to lớn của mình.
Trong cả một năm tròn, sau khi cô hay tin cha cô mất, Emma không ngừng làm việc chỉ trừ đi thăm Edwina một ngày mỗi tháng. Cô tiếc không có thì giờ đi Ripon thường xuyên hơn, như cô đã hứa với Freda, nhưng cô đã làm nguôi cảm giác tội lỗi và lo lắng khủng khiếp bằng cách luôn nhắc nhở mình rằng cô đang làm việc cho tương lai của Edwina.
Trong thời gian này Emma chỉ đi Fairley có một tuần và đó cũng là khi Winston về nhà nghỉ phép nữa.
Vào cái ngày chủ nhật tháng tư tàn hại ấy, cô và anh trai đã quyết định là Frank sẽ ở lại Fairley cùng với dì Lily của họ. Hình như cả hai đều thấy rằng đó là giải pháp tốt nhất. Cậu có thể tiếp tục làm việc ở nhà máy cho đến khi cậu mười lăm tuổi: hai người đồng ý với nhau đến lúc đó Frank có thể tự quyết định xem cậu có còn muốn tiếp tục sự nghiệp hay không. Nếu như vẫn còn thì Emma và Winston sẽ tìm ra cách để em họ thực hiện được điều đó, có lẽ làm việc ở Leeds, làm thư ký chép lại trong một tòa báo chẳng hạn, học nghề báo và học lớp ban đêm; hoặc sẽ có đủ tiền để cho em đi học hẳn.
- “Frank có đầu óc lắm, anh Winston ạ. Một đầu óc tuyệt vời. Và em nó có tài dùng từ. Đó là trời phú, thật đó. Không nên để hao phí đi”. Emma tuyên bố. “Chúng ta phải tạo cho em mọi điều kiện, dù có thế nào”, Winston gật đầu đồng ý. Chiều hôm ấy Emma cũng làm một quyết định nữa. Cô thông báo cho Winston, với những điều khoản dứt khoát là anh phải gửi cho Frank giấy bút liên tục. “Thậm chí ngay cả khi anh phải cho qua một vài vại bia và thuốc lá”. Cô đã ra lệnh như vậy. Còn cô sẽ chịu cung cấp cho Frank một cuốn tự điển tốt và những sách khác theo sự lựa chọn của cô. Cậu phải được làm quen với văn học như kịch của Shakespeare, tiểu thuyết của Dickens, Trollope, và Thackeray, những tác phẩm triết học và lịch sử. Victor Kallinski biết nhiều về sách vở, cậu có thể giúp cô chọn những cuốn thích hợp. Frank cũng nhận được lênh. Cậu phải học hành chăm chỉ, đọc sách hằng đêm và vào tất cả những lúc rỗi để tự bản thân trau dồi thêm kiến thức.
Dì Lily được giao trách nhiệm đôn đốc chương trình này.
- “Không thể trù trừ lẩn tránh, Frank ạ, bởi vì anh Winston và chị đã làm một cố gắng đặc biệt cho em”, Emma đã báo trước bằng một giọng nghiêm khắc nhất. Tất nhiên là Frank quá sung sướng để chấp nhận lời đề nghị ấy, cậu không hề sợ cái thời gian biểu rất căng mà chị cậu đã vạch ra cho cậu. Cậu nóng lòng chờ những cuốn sách đầu tiên tới và cậu cũng biết là cậu sẽ không thay đổi ý kiến về chuyện viết lách của mình.
Emma đã kể với Winston, Frank và dì Lily một phần của sự thật khi cô đưa cho họ địa chỉ của cô ở Amrley. Cô đã giải thích rằng cô tự gọi mình là Harte và đã bị góa chồng ở Hải quân; cốt chỉ để ngăn chặn những người đàn ông không cần thiết có thể đến ve vãn tán tỉnh cô. Winston đã mỉm cười trước cái mưu kế này. Anh thực sự đã khen ngợi cô vì đã biết tự bảo vệ mình và nói với em mình là cô rất thực tế. Emma không hở ra một lời nào về Edwina cả.
Sự nghiệp của Winston trong hải quân tiến triển tốt, tương lai Frank tạm thời được ổn định, Edwina được an toàn ở Ripon, Emma thấy cô được rảnh rang để tiến hành kế hoạch với chữ K hoa và chỉ chuyên tâm nhất trí về những hoài bão của mình. Cô dốc toàn trí lực vào công việc của mình một công việc có thể làm bất cứ một người nào khác phải gục đổ. Cô lãng quên cả thời gian, cả mọi sự chung quanh, cả mọi thứ có thể len lỏi vào ý nghĩ của một cô gái bình thường.
Đôi khi Emma lãng quên cả bạn bè. Lúc đầu Blackie không tin rằng Emma có thể chịu đựng được sự căng thẳng, và vì thế anh đã căn dặn Laura không can thiệp. Nhưng hết tháng này qua tháng khác, Emma vẫn kiên trì trong lao động khôn cùng vì thế mà cả hai bắt đầu quan tâm. Đặc biệt là David Kallinskin lo lắng, đến mức một đêm anh tìm Blackie ở quán Con vịt nhớp nhúa.
David rất căng thẳng, không kịp mào đầu gì hết, anh đi thẳng ngay vào lý do việc viếng thăm của anh, - "Emma sẽ không nghe tôi, anh Blackie ạ. Lần trước khi nói chuyện với cô ấy, tôi có nói là cô ấy nên nhân từ với bản thân mình thêm một chút, chỉ nên làm việc vào những ngày trong tuần như mọi người có lý trí thôi, và hãy nghỉ ngơi những ngày cuối tuần. Tôi có nói là làm việc cũng phải nên điều độ, anh có biết cô ấy trả lời thế nào không?”
Blackie lắc đầu, nỗi lo lắng của anh cũng giống như của David. “Tôi chẳng biết gì hết. Dạo này cô ấy có đủ mọi nhận định kỳ quái”.
- “Cô ấy nói với tôi, “Theo ý tôi, điều độ là một đức tính mà người ta quá sức thổi phồng, nhất là khi đem dụng vào công việc, David ạ”. Anh có thể tin được điều đó không?”
- “Ồ, tin được chứ. Emma, cô ấy ương bướng lắm. Những điều anh kể cho tôi nghe không làm tôi ngạc nhiên chút nào. Gần đây chính tôi cũng nói chuyện với cô ấy mà không thành công. Cô ấy không nghe bất cứ ai”. Balckie làu bàu.
- “Anh Blackie, xin anh cố nói với cô ấy một lần nữa”. David van
nài. “Nói với cô ấy hãy nghỉ chủ nhật này. Tôi sẽ lên Amrley, chúng ta sẽ đi bộ trong công viên nghe nhạc. Anh Blackie, xin anh hứa với tôi ít nhất anh sẽ thử một lần nữa.”
- “Xin thề là tôi sẽ làm điều ấy, David! Tôi sẽ phải ép cô ấy. Bây giờ tôi phải nói với cô ấy là cô làm cho tất cả chúng tôi lo ngại. Tôi nghĩ mẹo ấy sẽ được. Tôi sẽ đưa Emma ra công viên cùng với Laura, thậm chí tôi có phải túm gáy cô ấy mà lôi ra đó”.
Một ngày chủ nhật đã định buổi chiều tháng bảy nắng ấm, David Kallinski đi dọc theo đường Stanningley tới lối vào công viên Amrley. Anh mặc quần áo đẹp nhất, một chiếc sơ mi trắng tinh thắt chiếc cavát màu rượu vang có đính một cái trâm ngọc. Quần áo của anh được là cẩn thận và đôi ủng đen đánh bóng lên, trông anh như chú rể. Mái tóc dầy đen như mun và khuôn mặt đẹp trai của anh vừa cạo xong hãy còn thoang thoảng mùi rhum, nó ngời ngời hạnh phúc khi nghĩ tới được gặp Emma.
Anh đi vào công viên qua cánh cổng sắt lớn, đi tản bộ xuống lối đi chính dẫn tới vòi nước. Anh đứng thoải mái, hai tay đút túi, nhìn những dòng nước phun cao vút rồi lại rơi trong bồn nước, lóng lánh như hàng trăm viên kim cương nhỏ xíu khi chúng bắt gặp tia sáng mặt trời. Bộ say mê, hấp dẫn bởi bồn nước kiến trúc tinh xảo, anh tiến lại gần hơn và đọc dòng chữ.
Do William Gott của nhà Amrley dựng
Để kỷ niệm năm thứ sáu mươi
triều Nữ hoàng Victoria
1837 đến 1897
Gia đình nhà Gott là gia đình của những chủ nhà máy cực kỳ giàu có và đã quyên trợ tiền để dựng nhiều tượng cho thành phố Leeds. David quyết định khi nào có điều kiện, anh sẽ góp tiền để giúp đỡ mọi người hơn là dựng tượng và các bồn nước, tuy rằng có đẹp nhưng vô ích.
Anh quay đi và đi qua khu vườn phong cảnh trang trí tuyệt xảo theo kiểu Ý hai bên có những cành cây đu, cây phong non tất cả đều tỏa bóng mát vào ngày nóng nực này. Những khu vườn bừng lên với những màu sắc rực rỡ. Những luống hoa cắt tỉa cách điệu với màu đỏ và hồng của phong lữ, màu tím màu vàng thẫm của hoa pansy cánh nhung, màu trắng, màu hồng, màu hoa cà của cây mao địa hoàng duyên dáng. Những lùm cây sặc sỡ như mời đón trải dài thật xa điểm thêm màu hồng màu trắng, những cây sen cạn nhỏ bé vươn lên như những đốm lửa, dọc theo đám cây bướm tím bao quanh khu vườn là đủ loại bụi cây, bởi vì công viên Amrley có nhiều loại cây, hoa hơn bất cứ một công viên nào ở Leeds, nhiều loại cây trải dài về phía hàng cây cỏ hoa như hoa táo, những cây sồi lá màu hồng thau run rẩy trong làn gió ấm vươn cao đường bệ trên những cây cam nở hoa điểm một màu hồng nhạt. Những lối đi gọn ghẽ và những thảm cỏ mượt như sa tanh màu lục bảo, chung quanh có viền những bụi cây và cây lớn, những cây cúc zinnia hai bên lối đi trải sỏi.
Dọc các lối đi, những nhũ mẫu quần áo hồ cứng đẩy những xe nôi; những đôi trai gái tán tỉnh nhau; những thiếu phụ quần áo lịch sự đi bên những người chồng quần áo cứng đơ. David đi hòa vào họ, anh nghĩ cảnh tượng nầy thật là thôn dã trong một ngày đẹp trời như hôm nay. Anh sung sướng được sống với tương lai ở phía trước và với biết bao nhiêu điều dễ thấy để làm và cần phải hoàn thành nữa. Thành công đang vẫy gọi và anh cũng tin chắc như Emma rằng công việc kinh doanh của anh sẽ phát đạt.
Mà tại sao không? Đây là năm 1907 khi sự trị vì của vua Stuart đã ở đỉnh cao của nó và được dân chúng yêu thích điều ấy, không còn nghi ngờ gì nữa; một năm khi mà giai cấp quí tộc thờ kính Chúa và không chú ý gì tới những thực trạng ác liệt của cuộc sống hoặc của chiến tranh, bởi vì sự sụp đổ của châu Phi đã được quên lãng và hòa bình ở Châu Âu được bảo đảm. Tóm lại, năm 1907 là một năm khi mà các giai cấp thống trị sống cuộc sống vô tư của họ, không để ý tới cái thế giới cay nghiệt bên kia bờ biển nước Anh huy hoàng và bất khả chiến bại của họ. David Kallinski kết luận mỗi một người Anh, đều bị ru ngủ vì một sự an toàn giả tạo. Những năm tháng phía trước đầy hứa hẹn. Sự thay đổi đã rõ. Sự việc chỉ có nên tốt đẹp hơn. Tương lai đối với tất cả mọi người, rực rỡ hy vọng.
Bước chân David rộn ràng khi anh bước về phía bục dàn nhạc kiến trúc kiểu đền chùa này vừa như nhắc tới thời đế chế Anh trải rộng bao la thêm vào hương vị xa xôi của phương Đông cho công viên đặc biệt Amrley này, khiến nó có vẻ lạc lõng trong một khung cảnh yên tĩnh và dịu dàng. Buổi chiều hôm nay lại càng thấy rõ, bởi vì nó có cả một đội quân nhạc làm lóa mắt vì những bộ quân phục của họ từ đầu đến chân đều bóng lộn, điển hình của quân đội Anh.
Anh đưa mắt nhìn những hàng ghế phía trước ban nhạc, khi không thấy một người bạn nào, anh mới ngồi xuống một chiếc ghế sắt nhỏ. Ban nhạc chuẩn bị đôi chút, họ bắt đầu chương trình bằng bài quốc ca. Khi buổi hòa nhạc tiếp tục, những ý nghĩ về Emma lại lởn vởn trong đầu óc David và hoàn toàn làm anh choáng ngợp. Dạo này cô ít khi ra khỏi ý nghĩ của anh và anh nhận thấy mối quan tâm của anh đối với cô không phải chỉ như một đồng sự làm ăn mà còn như một người đàn bà. Những tình cảm dịu dàng mà đầy say đắm anh dành cho nàng đã thầm lén len vào trong anh làm anh ngạc nhiên. Mà không hiểu nàng nghĩ gì về anh, anh tự hỏi. Không biết có gì khác ngoài lòng trìu mến và tình bạn? Phải chăng nàng quá bận với công việc để mà nghĩ tới anh? Và nàng đã có chồng, đó là một tình huống mà anh phải đương đầu. Tương lai thật ảm đạm cho bất cứ một người đàn ông nào bất hạnh đi yêu một người phụ nữ đã có chồng. Nhưng anh đã yêu nàng. Cái tay chồng khốn kiếp của nàng ở đâu không biết? David tự hỏi. Cái người chồng mất tích đó không hề xuất hiện một chút nào ngay cả khi đứa bé sinh. Thủy thủ vẫn được phép về nhà, có phải vậy không? Đây là một điều bí ẩn, nhưng David chưa hề hỏi Emma về chồng nàng hoặc nàng còn yêu anh ta không? David ngờ rằng nàng không còn yêu nữa.
Emma không bao giờ nhắc đến anh ta hoặc không tỏ ra nhớ nhung gì anh ta hết. David thở dài: anh phải thừa nhận rằng anh bị trói tay. Anh không thể, với tất cả lương tâm của mình, nhận là mình thuộc về nàng do tình trạng hôn nhân của nàng.
David đắm chìm trong mơ mộng, anh giật mình vì tiếng nói của Blackie ở vai anh. “A, đây rồi, anh bạn!”. David nhìn nhanh lên và thất vọng khi chỉ thấy Laura Spencer đi cùng. David đứng và nắm lấy bàn tay đưa ra của Blackie. Anh cúi xuống và hôn Laura một cách trìu mến vào má và cười vui với cô để che giấu tình cảm thật của anh. Tuy nhiên, anh không thể kìm được chán nản trong giọng nói khi anh hỏi: “Emma làm sao? Cô ấy đâu?”
- “A, David, tôi phải làm tiếc nói với anh là Emma từ chối lời mời. Tôi đã cố gắng hết sức thuyết phục để cô ấy cùng đi. Nhưng cô ấy vẫn ương bướng như bao giờ. Cô ấy phải hoàn thành chiếc áo cho một bà ở Towers, cô ấy không chịu nhúc nhích một ly”. Blackie giải thích, mặt hơi nhăn nhó. “Tuy nhiên cô ấy nói là sẽ rất sung sướng được gặp anh trong bữa ăn tối ở nhà Laura sau đó”. Blackie nói tiếp một giọng vui vẻ: “Nào, thôi cậu cả, đừng ỉu xìu như thế? Vài tiếng nữa chúng ta sẽ trở về nhà. Lúc đó cô ấy sẽ xong công việc mà!”. Anh quay đầu về phía Laura: “Em thấy thế nào, cưng? Em muốn làm gì bây giờ?”
- “Chúng ta đi dạo một chút, nếu David đồng ý”. Laura nói khe khẽ.
- “Vâng, chúng ta làm như thế”, David nói.
Ba người đi khỏi chỗ ban nhạc và sự ồn ào căng thẳng càng ngày càng tăng của “Mảnh đất của Hy Vọng và Vinh Quang”. David liếc nhìn Laura. Trông chị rạng rỡ. Chi mặc một chiếc áo giản dị bằng hàng muxơlin không đắt tiền màu vàng nhạt, điểm hoa cúc và một cành cây xanh, chiếc áo tha thướt quanh chị như áng mây pha màu mặt trời, làm tăng thêm dáng liễu và vẻ duyên dáng của chị. Một chiếc mũ rơm rộng vành điểm những bông hồng vàng và hồng che mặt chị, hôm nay ở con người chị tóat ra một vẻ thiên tiến. Dưới vành mũ, mặt chị trông sáng rực, trong mớ tóc vàng và sáng lên bởi đôi mắt long lanh.
- “Trông chị đẹp quá, Laura”, David nói một cách hào hiệp.
- “Tôi rất thích cái áo của chị. Nó rất hợp với chị”.
- “Cám ơn David”, chị nói. “Emma may cho tôi đấy. Cô ấy cũng sửa lại cả chiếc mũ cũ này và biến nó thành một chiếc mũ mới tinh. Cô ấy tài lắm cơ”.
David gật đầu, còn Blackie thì càu nhàu: “Ừ, nhưng mà tài năng của cô ấy không có ích gì trong nghĩa trang, tôi nghĩ vậy”.
- “Blackie! Anh nói gì mà ghê thế!”. Laura kêu lên. Cô liếc mắt nhìn David. Anh yên lặng nhưng cô để ý thấy anh cắn môi và trông lo lắng. Laura khôn khéo không đả động gì thêm nữa và nhìn Blackie một cách lạnh lùng, anh ta làm vẻ ăn năn hối hận.
Họ chầm chậm đi quanh công viên. Blackie và Laura trò chuyện một cách thân mật những chuyện chung chung. David yên lặng và suy tư. Cuối cùng họ thấy mình đã lên tới đỉnh của bờ dốc dẫn tới sông Aire. Laura kêu nóng, vì thế họ ngồi xuống chiếc ghế dài dưới bóng cây thúy liễu. David buồn bã nhìn sang bên kia sông, đôi mắt anh đọng lại trên đống hoang tàn của tu viện Christerian ở phía bờ đối diện. Rồi lướt qua cảnh trí yên bình trải dài đến tận chân trời, tới rừng Horsforth bên kia đống hoang tàn. Anh thở dài và lấy gói thuốc là ra. Anh mời Blackie một điếu. Blackie đón điếu thuốc và lẩm bẩm cám ơn. Cuối cùng, David không thể nhịn được nữa. Anh quay sang Blackie nói:
- “Anh Blackie, thật tôi không hiểu nổi. Cái gì đã khiến Emma làm việc đến như vậy?”
- “Lòng căm thù, chỉ đơn giản là như vậy”, Blackie trả lời một cách máy móc, nói xong anh muốn cắn lưỡi mình. Tự giận mình, anh quay đi.
Laura há hốc, lấy tay bưng miệng. Chị nói: “Ồ, Blackie, chắc chắn không phải như vậy”.
David cũng bối rối không kém gì lời nói đó: “Lòng căm thù!”, anh nói gay gắt. “Không phải Emma thế! Cô ấy đáng yêu và hiền dịu. Mà căm thù ai?”
Blackie không trả lời trong một lúc. Anh tự nguyền rủa mình. Anh thật là một thằng trống miệng. Một thằng ngu. Đúng là một thằng ngu. Theo quan niệm của Blackie, lòng căm thù của Emma là đối với gia đình nhà Fairley. Nhưng anh sẽ không tiết lộ điều ấy với David hoặc Laura.
- “Nào, Blackie. Anh trả lời tôi đi”, David thúc. “Đừng ngồi đó vẻ huyền bí như thế”.
Blackie bừng tỉnh: “Tôi thực không biết, David ạ. Đáng lẽ tôi không nên nói năng bộp chộp như thế. Nhưng anh biết một người Ireland là như thế nào rồi đó, luôn luôn nói lung tung. Nói cung, tôi không có ý định nói ai cả”. Blackie dừng lời, mặt anh là cả một bức tranh ngây thơ cố đóng kịch. “Tôi nghĩ đó là lòng căm thù cái hoàn cảnh của đời cô”, anh nói, cố lấp liếm sự sai lầm của mình. “Và căm thù cái nghèo khổ. Điều đó đã thúc đẩy Emma làm công việc để thỏa mãn cái cần tiền khủng khiếp của cô”.
David có vẻ hơi hoài nghi, anh cau mặt: “Tôi biết Emma cần tiền. Nhưng mà, cả anh cũng thế. Tôi cũng thế. Mặt khác chúng ta đâu thể dành cả cuộc đời chúng ta để tích lũy nó đến độ loại trừ tất cả những cái khác”.
Blackie nghiêng người về phía trước, đôi mắt đen của anh chăm chú. “Đúng, nhưng chúng ta cần tiền với những lý do khác hơn là Emma. Tôi cần tiền để mua cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đúng thế có phải không? David, mình cần một ngôi nhà tốt, một chiếc xe sang trọng và quần áo lịch sự. Một ít thứ đẹp, tôi nghĩ như thế, giống như tôi. Và một chút an toàn cho tương lai, phải thế không?”
David gật đầu, bởi vì đúng là Blackie nói lên sự thật. Nhưng anh nói Emma cần tiền vì một lý do khác.
- “Nàng cần tiền để làm gì?”
Blackie khẽ mỉm một nụ cười lạ lạ. “Như một vũ khí” – “Một vũ khí! Chống lại ai?”, Laura vặn hỏi.
Blackie nhẹ cầm lấy tay chị: “Em đừng tự giày khổ mình, Laura em hiểu lầm anh rồi, cưng. Anh tiếc là đã đề cập đến vấn đề này và anh không muốn tiếp tục một chút nào, nhưng họ đã dồn anh”. Hai cặp mắt dò hỏi đã ghìm anh xuống. Anh phải giải thích lời nói của mình một cách mà anh có thể làm được. Blackie hắng giọng: “Ý tôi muốn nói là bản thân Emma tin rằng tiền là một vũ khí!...”
- “Chống lại ai?”, David kêu lên và ngắt lời anh. “Anh vẫn chưa trả lời Laura”.
- “Không chống lại ai một cách đặc biệt hết, David”. Anh nhún vai: “Có lẽ chống lại cuộc đời. Phải, tôi nghĩ cô ấy sẽ dùng tiền, khi cô ấy có, để chống lại cuộc đời. Hoặc những người trong đó, những người đã làm cô khốn khổ. Các bạn thấy không, Emma cần tiền để che chở cho mình và cho Edwina. Cô ấy muốn xây dựng một pháo đài chung quanh mình và đứa bé đó, để không gì có thể làm tổn thương đến họ. Không bao giờ. Tôi chỉ có ý muốn nói như thế thôi, anh bạn ạ”.
David không chỉ không tin, mà còn choáng váng: “Blackie anh đang vẽ một bức tranh rất lạ lùng. Đó không phải là Emma mà tôi biết”.
- “Ồ, nhưng tôi biết cô ấy rõ hơn và lâu hơn anh nhiều. Và tôi hiểu cái gì thúc đẩy cô ấy”. Blackie lẩm bẩm và nhớ lại cái nhìn khẩn thiết trong con mắt Emma ngày đầu họ gặp nhau trên đồng hoang. “Tôi biết chắc rằng cô ấy không chịu nghỉ ngơi chừng nào cô ấy có được cái cửa hiệu ấy. Rồi thì sẽ là một cửa hiệu nữa, một cửa hiệu nữa, và lại một cửa hiệu nữa, Emma sẽ trở thành một phụ nữ giàu có một ngày nào đó, anh có biết không, David? Cô ấy sẽ thành công. Dứt khoát là như thế”.
- “Nhưng với một gia đình như thế nào?”, David hỏi. “Hãy nhìn nàng xem. Trông nàng gầy guộc xanh xao. Mắt quầng thâm ghê gớm”. Mắt anh nhìn Laura: “Chị phải thừa nhận là tôi nói đúng”.
Laura thú nhận: “Vâng, ở một chừng mực nào đó, anh nói đúng, nhưng phải nói thật, cô chịu khó ăn uống và giữ gìn sức khỏe lắm”.
- “Chỉ có điều nàng không bao giờ ngủ”.
- “Ồ, có đấy, David”, Laura bảo vệ bạn. “Ít nhất là năm tiếng. Cô hình như không cần nghỉ ngơi như những người khác. Nhưng tất nhiên, thật tình, tôi cũng lo ngại cho cô”. Laura chạm nhẹ vào cánh tay Blackie: “Có lẽ anh nên nói chuyện lại với cô. Em muốn nói là, để cô làm việc bớt đi”.
- “Laura, em biết cô ấy còn ít quá, anh nói chẳng ăn thua gì. Cô ấy không nghe đâu”. Blackie nói một cách buồn bã.
- “Anh định nói là chúng ta cứ đứng trơ ra đó để nhìn nàng tự giết mình bằng công việc sao!”, David kêu lên sôi nổi. Blackie không thể không mỉm cười. “Đừng để cho Emma nghe thấy anh nói điều đó”. Anh nói qua tiếng cười: “Cô ấy không tin là công việc vất vả. Có lẽ chính sự lười nhác. Và chính anh cũng biết cô ấy nói như thế nào về sự điều độ rồi, David”. Blackie lắc đầu, đôi mắt anh vẫn vui vẻ.
- “Ấy, Emma thật là độc đáo”.
David nhìn anh một lúc quay đi và hút thuốc, cố gắng lượng định những lời nói của Blackie.
- “Anh ạ, em nghĩ ý tưởng của Emma về một cửa hàng lúc đầu là ngớ ngẩn, Blackie”, Laura đánh bạo nói: “Nhưng bây giờ thì em cho là điều tốt nhất. Nó sẽ đưa cô ấy ra khỏi nhà máy. Cô ấy ghét chỗ ấy”.
David nói: “Tôi hy vọng cô ấy cùng kết hợp làm ăn với tôi. Giờ này sang năm tôi sẽ để dành được đủ tiền để bắt đầu một nhà máy riêng của tôi. Tôi có ý định làm một nhà máy dây chuyền may quần áo phụ nữ cũng như là nhận hợp đồng bên ngoài, giống như cha tôi. Emma đã thiết kế một đường dây cho tôi”. Mắt anh sáng lên.
- “Chị đã thấy chưa, chị Laura?”
- “Có, Emma đã cho tôi xem bảng vẽ. Những ý kiến của cô thật là tuyệt vời. Tôi nghĩ thế. Nào là áo khoác với mũ có thể tháo rời, áo vét mặt hai mặt và quần áo cho các bà mẹ, vâng – thật là cách mạng, nói như thế được không? Tôi chưa thấy ai làm chiếc váy cuốn quanh những chiếc áo cánh, áo dài để có thể lớn ra hợp với thân thể khi mập hơn. Phải không, David?”
- “Đúng thế. Nàng đi trước thời gian trong kiểu quần áo. Tôi không thể tranh luận với các bạn về vấn đề đó”. Blackie chen vào: “Này các bạn ơi, đừng nhìn vào khía cạnh đen tối. Cuối cùng rồi Emma sẽ tốt thôi. Cô ấy là người tồn tại thực sự. Nhưng nếu điều ấy làm cho hai bạn cảm thấy dễ chịu hơn, tại sao tối nay chúng ta không cùng nói với cô ấy một cách thận trọng để khỏi làm cô ấy bực bội. Có lẽ chúng ta có thể khiến cô ấy thư thư lại một chút. Cả ba chúng ta cùng hiệp lực thì có thể tiến triển được”. Blackie không thấy là Emma sẽ chú ý tới điều đó, nhưng anh muốn làm họ bớt lo lắng, đặc biệt là Laura.
- “Vâng, chúng ta hãy làm như vậy”, David đồng ý. Bây giờ anh nhìn Blackie một cách cảnh giác trước khi bắt đầu bằng một giọng thận trọng: “Anh Blackie này, tôi biết đây không phải là việc của tôi, nhưng tôi không hiểu chồng của Emma đi đằng quái nào ấy nhỉ? Tôi thấy hơi lạ một chút là anh ta không về nghỉ phép. Emma đến làm việc cho ba tôi tháng tám năm 1905. Như vậy đã gần hai năm và chồng nàng rõ ràng là vắng mặt trong suốt thời gian đó”.
Blackie đã chờ đợi câu hỏi đó, sự thật là sợ nó đã hàng tháng nay rồi. Anh đã nhiều lần báo cho Emma chuẩn bị một câu chuyện hợp lý. Tuần trứơc, cô đã nói với anh là cô sắp sửa thông báo rằng người chông thủy thủ của cô đã bỏ cô. Hít một hơi dài, Blackie lúc này mới quyết định gỡ cho cô khỏi sự bối rối này. “À, David, tôi mừng là anh đã hỏi tôi, thật thế”. Anh quay nhanh sang Laura cầm lấy tay nàng trong tay anh. “Và cả em nữa cũng có thể biết, cưng. Emma có hơi bối rối đôi chút. Không biết nói với hai người như thế nào. Em thấy không, cái thằng chồng đốn mạt…”, anh dừng lại, nắm lấy bàn tay Laura xin lỗi. “Xin lỗi em, anh biết em không thích anh văng tục. Ừ, cái thằng chồng đểu cáng của cô ấy đã cuốn xéo, có thể gọi như thế. Nó đã bỏ Emma một thời gian trước đây”. Blackie cầu thầm lời nói của anh có sức thuyết phục, anh nói tiếp: “Hình như thằng cha này muốn sự nghiệp lớn lao trong Hải quân, rõ ràng là như vậy. Nó nói với Emma là không muốn bị ràng buộc bởi một người vợ, tôi không nghĩ là chúng ta có thể thấy bóng dáng, tung tích của nó. Không, nó sẽ không bao giờ trở lại đâu. Tôi đoán như thế”.
- “Trời ơi, Blackie, như thế thì khổ cho Emma và đứa bé quá”, Laura kêu lên, anh thấy bàn tay cô run lên trong tay anh.
Blackie vòng tay ôm lấy nàng: “Thôi nào, em gái, không có lý do gì để em hốt hoảng như thế. Emma không quan tâm đến chuyện đó đâu, không quan tâm một chút nào hết”. “Tôi lại nghĩ cô ấy lấy làm thích. Đúng thế, chính cô ấy đã nói với tôi”. Thật là thoát nợ sau khi kể mọi chi tiết cho tôi nghe”, anh nói dối một cách trơn tru.
David lặng câm, nhưng tim anh đập rộn ràng, và nỗi kích động lan khắp cơ thể anh. “Tôi lấy làm buồn khi nghe chuyện đó”. Anh nhận xét bằng một giọng bình thản, để không làm lộ nỗi sung sướng anh đang cảm thấy.
- “Nhưng dù sao, nếu Emma không cảm thấy khổ thì có lẽ đó là điều tốt hơn cả”. Vừa nói anh vừa tự hỏi: “Không hiểu ly dị phải tốn kém bao nhiêu”.
Blackie gật đầu. “Ồ, anh nói đúng”.
David nhảy lên. Nỗi buồn bã của anh đã tan biến.
- “Chúng ta có nên quay lại nghe âm nhạc một lúc trước khi về nhà không?”
- “Sao lại không”, Blackie đồng ý. Anh giúp Laura đứng lên và họ chầm chậm đi về phía ban nhạc. Blackie nghĩ: mình phải báo với Emma là mình đã tống khứ được thằng chồng thủy thủ của nàng đi rồi.
Trong khi những câu chuyện này đang xảy ra ở công viên Armley thì Emma không ở nhà khâu vá như các bạn của cô tin như vậy. Cô đang trên đường đi gặp Joe Lowther sống tại một vùng khác ở Armley.
Ngay khi Laura và Blackie vừa đi, Emma đã nhanh chóng thay quần áo, nàng mặc chiếc áo lụa đen, sửa lại chiếc mũ, lấy sáu mươi pound trong chiếc hộp thiếc đen đựng tiền để dành. Nàng lao ra khỏi nhà theo sát gót hai người vẻ kiên quyết trên nét mặt.
Hoàn toàn tình cờ, hôm qua khi cô đi mua thực phẩm, cô đã nhìn thấy nó. Cửa hàng. Cửa hàng của cô. Đó là một trong ba cửa hàng nối nhau ở một dãy phố nhỏ trước Town và cửa hàng trống… Emma đã đứng lại đột ngột, nàng như bị thôi miên.
Đứng về mọi mặt, đúng là một cửa hàng dành cho nàng. Thời điểm là hoàn hảo. Bây giờ nàng đã có đủ tiền cần thiết để thuê cửa hàng và các thứ hàng hóa. Chiếc cửa sổ lớn được quét sơn trắng nhưng có một khoảng trống ở giữa, ở đó một tấm biển được treo một cách gọn ghẽ bên trong. Cho thuê, biển viết như vậy ở bên dưới là tên của người chủ Joe Lowther và địa chỉ của ông ta. Emma đã nhớ những chi tiết và vội vã trở về muộn một buổi chiều, quyết định ngày mai phải là người đầu tiên. Nàng không cần để ý đó là Chủ nhật một ngày mà công việc thường không được tiến hành, nhưng nàng chuẩn bị để làm việc bất cứ ngày nào trong tuần.
Lúc này nàng đang bước một cách mạnh mẽ qua những đường phố ngoằn ngoèo, hầu như nghẹn thở với nỗi kích thích ngày một tăng, nàng tiếc là đã chọn áo đen. Đối với một ngày nóng nực như hôm nay, áo này quá ấm. Nhưng mặc kệ cái nóng ấm của chiếc áo, Emma không chậm bước chân và trong vòng mười lăm phút, nàng đã tới phố nơi Joe Lowther sống. Nàng tìm thấy ngôi nhà và bước lên những bậc đá một cách kiên quyết. Nàng gõ mạnh ba tiếng mạnh mẽ và đứng đợi. Vài ba phút trôi qua trước khi cánh cửa mở bởi một người đàn ông trẻ cao lớn, cường tráng. Người anh ta cân đối, đôi mắt to màu xanh, tóc màu nâu nhạt, vẻ mặt vui vẻ của anh cởi mở và thành thật. Anh mặc sơ mi, tóc bù xù.
Anh nhìn Emma, rõ ràng là ngạc nhiên khi nhìn thấy người khác. “Vâng, thưu cô, tôi có thể giúp cô được gì?”, anh ta hỏi một cách thô bạo.
- “Dạ, thưa tôi muốn gặp cha của ông”, Emma nói một cách lịch sự, và mỉm một nụ cười duyên dáng.
- “Cha tôi ấy à? Chắc là cô lầm nhà rồi, cô ạ. Cha tôi đã chết sáu năm nay rồi”.
- “Trời, có lẽ tôi lầm. Tôi đi tìm nhà của một cái ông tên gọi Joe Lowther”.
- “Vậy thì cô đã tìm thấy rồi, cô ạ. Tôi là Joe Lowther đây”.
Emma ngạc nhiên: “Ồ. Dạ, xin ông thứ lỗi, nhưng tôi nghĩ hình như ông còn hơi trẻ để làm chủ cửa hiệu ở phố Town”. “Cái cửa hiệu cho thuê”, Emma nói với vẻ thẳng thắn hàng ngày của nàng. Nàng thấy ngay rằng cái người đàn ông trẻ tuổi này là con người mạnh mẽ và nàng tiếp luôn. “Ông là ông Lowther đó sao?”
- “Phải, tôi đây”, người trẻ tuổi nói. Mắt anh ta nheo lại: “Vậy cô thích cái cửa hiệu đó! Cho mẹ cô?”.
- “Không”, Emma nói, cô thấy vui vui. Rõ ràng anh ta còn cay cú vì cô đã nhận định về vẻ ngoài trẻ tuổi của nah và thế là cô mỉm một nụ cười rạng rỡ và cặp mắt xanh không hề nao núng của cô, cái nhìn ấm áp và đầy tự chủ của cô không hề rời khuôn mặt anh. “Thật ra là tôi muốn thuê cửa hiệu ấy cho tôi”.
Joe Lowther nói: “Ồ, thế à! Cô có hơi trẻ một chút không? Cô đã có kinh nghiệm bán lẻ gì rồi, cô?”
Emma cho rằng điều đó hoàn toàn không phải việc của anh ta, nhưng cố kìm để không nói với anh ta điều đó, cô đủ sáng suốt để không sa đà vào chuyện đó. Thay vào đó, cô nói: “Tôi có một chút kinh nghiệm; tôi có may nhiều quần áo và giao hàng ở Armley này. Tôi có công việc làm ăn phát đạt và bây giờ tôi muốn một cửa hàng để có thể tiến hành công việc từ đó”. Giọng nàng run lên hết sức tự tin khi nàng nói thêm: “Và chắc chắn là tôi không quá trễ đâu, thưa ông Lowther”.
Joe lắc đầu: “Không, không. Không được đâu. Tôi không thể nói tôi sẵn lòng cho cô thuê cái cửa hiệu đó, cô ạ”, anh ta nói một cách sống sượng.
Emma phớt lờ câu trả lời lỗ mãng của anh ta. “Nhưng tôi lại sẵn lòng lấy cửa hiệu đó từ bàn tay của ông ngay bây giờ, thưa ông Lowther. Ngay lập tức. Hôm nay”.
Emma bước lên hai bậc nữa cho đến khi cô đứng ngang tầm với Joe Lowther. Nàng nhìn anh chằm chằm, dùng tất cả sức hấp dẫn của mình, nàng mỉm cười một cách mê hoặc. “Chúng ta có thể vào và bàn vấn đề này không, ông Lowther”. Cô nói giọng mượt như nhung.
- “Tôi không thấy điều đó có ý nghĩa gì bởi vì tôi không thay đổi ý kiến”, anh ta tuyên bố một cách ương bướng. Sự gần gũi của nàng làm anh ta đãng trí và khi anh nhìn vào mặt nàng, chỉ cách mặt anh có vài phân, Joe thấy nóng chung quanh cổ.
Emma mở túi xắc, giở cái mẹo duy nhất mà nàng tin tưởng tuyệt đối. “Tôi có thể trả tiền trước thưa ông Lowther”.
Joe miễn cưỡng ngước mắt lên để nhìn cặp mắt Emma, và phát hiện ra rằng anh đã bị thôi miên bởi cặp mắt sáng đang quan sát anh với một sự tập trung lạnh lùng đến như vậy. Hàng xóm láng giềng sẽ nghĩ sao nếu mình mời nàng vào? Anh tự hỏi mình. Nhưng nói chung anh không phải là một người bất lịch sự, lúc này Joe thấy xấu hổ và anh thấy mình nói bằng một giọng tử tế hơn. “Vâng, cô nói một điều đúng, chúng ta nên vào trong nhà”. Điều này thực sự là vì anh sợ những lời xì xào bàn tán ở ngoài phố, vì thế nàng không nên nghĩ là anh đã thay đổi ý kiến, Joe cảm thấy buộc phải nói thêm: “Bàn công việc ở ngoài ngưỡng cửa không tiện lắm nhất là vào ngày Chủ nhật. Tôi không thường làm việc vào ngày Chủ nhật cô ạ”.
- “Vâng thì bao giờ chẳng phải có một lần bắt đầu, thưa ông Lowther”, Emma nói, cô đưa mắt nhìn anh dưới cặp lông mày rậm của mình. CÔ nhận biết Joe không thoải mái và cô có ý định sử dụng điều này.
Sao cô ta táo tợn ghê, Joe nghĩ trong lòng sôi sục vừa bực tức vừa bất lực. Tuy nhiên, anh mở to hơn cánh cửa và để nàng vào. Anh dẫn nàng vào phòng khách: “Xin lỗi. Tôi sẽ quay lại ngay… Xin mời ngồi”, Joe nói. Anh khép cửa lại và lui ra.
Emma đứng ở giữa phòng, mắt chớp chớp trong ánh sáng mờ mờ. Nàng nhăn mặt khi mắt làm quen với bóng tối. Căn phòng này làm nàng nhớ đến phòng khách phía trước của bà Daniel, đồ đạc thời Victoria và chất ngập cả phòng. Nhưng đồ là đồ tốt, nàng nghĩ. Chỉ có điều là quá nhiều. Nàng ngồi xuống chiếc ghế bện bằng lông ngựa không mấy thoải mái để đợi.
Emma đã phát hiện ra ba điều quan trọng từ khi cô ở Leeds. Tiền nói lên một tiếng nói có sức thuyết phục nhất. Đặt đồng tiền cứng lạnh lên bàn, ít người có thể cưỡng nổi mà không cầm nó lên; trả trước là một điều cám dỗ khác không thể cưỡng lại, mình càng trả sớm bao nhiêu thì mình càng mạnh bấy nhiêu, và cuối cùng phải nắm lấy ngay cơ hội khi nó vừa tới, bởi vì nó không gõ vào cùng một cánh cửa hai lần trong một tuần đâu. Emma cân nhắc những thứ đó, nhưng chủ yếu là cô tự hỏi xem Joe Lowther có bị nao núng vì đồng tiền không. Vì một lý do nào đó, nàng không hoàn toàn chắc. Nàng cau mày, suy nghĩ về Joe, cố gắng đánh giá anh ta. Chắc chắn là anh ta bẽn lẽn. Nàng cũng biết là nàng đã làm nhụt nhuệ khí anh ta lúc ở ngoài ngưỡng cửa và theo ý kiến của mình, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nàng. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là anh ta tin tưởng nàng còn quá trẻ, thế nhưng anh ta có thể cũng không nhiều tuổi hơn nàng là bao. Có lẽ anh ta độ hai mươi hai mốt gì đó. Dù sao thì nhất thiết nàng phải thuyết phục anh ta là nàng đã có khả năng, có kinh nghiệm trong việc bán lẻ và vì thế nàng sẽ là một người đáng tin cậy. Có lẽ tiền thuê nhà ba tháng sẽ là món tiền thích hợp. Nó sẽ không những làm anh ta tin tưởng ở ý định nghiêm chỉnh của nàng mà còn chứng minh cái nhạy bén trong việc làm ăn, kinh doanh của nàng trong năm qua. Emma chợt có ý nghĩ là nàng phải hết sức duyên dáng. Joe Lowther sẽ phải khuất phục trước sự dịu ngọt. Sự dịu ngọt và tiền. Một sự kết hợp bất khả chiến bại. Emma vuốt áo, cảm thấy bình tĩnh khi cánh cửa mở.
Joe đã thắt cà vạt, mặc áo vét, tóc anh đã chải gọn gàng. Emma có thể nhìn thấy nước lóng lánh trên đó. Nàng vội cúi nhanh xuống để anh không thấy nụ cười trên mặt mình. Cô thấy Joe Lowther hoàn toàn trong trẻo. Vẫn còn một chút mắc mớ giữa họ, nhưng cửa hiệu sẽ là của nàng khi nàng bước ra khỏi nhà này.
Joe ngồi đối diện với Emma, lấy giọng sống sượng nhất, anh ta bắt đầu: “Nào thưa cô, ta nói chuyện cửa hàng. Tôi đã suy nghĩ kỹ và tôi đã dứt khoát quyết định không cho cô thuê”.
- “Tại sao lại không?”, Emma hỏi bằng một giọng êm dịu nhất.
- “Bởi vì hai người đã thất bại trong năm nay đều có kinh nghiệm hơn cô. Tôi không muốn tỏ ra là khó dễ đâu cô ạ, nhưng xin cô hiểu cho tôi không thể liều lĩnh cho một người mới vào nghề thuê. Tôi đang tìm một người quả là quá hiểu nghề bán lẻ, người biết làm ăn để tôi khỏi phải lo cửa hàng rỗng không. Tôi còn việc khác phải làm hơn là làm vú già”.
Emma nở một nụ cười có thể làm cho một nửa khối băng Bắc cực tan ra nó làm mắt nàng to hơn nhưng lại nghiêm chỉnh: “Ồ, tôi cũng nhận thấy như thế, thưa ông Lowther”, nàng trả lời, “và, đứng về một vài phương diện tôi hiểu sự do dự của ông là do tôi còn trẻ. Tuy thế, điều đó quả thực không đáng lo ngại khi ông xét tới việc tôi bắt đầu làm ăn kinh doanh từ trước. Tôi đã giao dịch với mọi người, bán hàng cho họ. Công việc của tôi rất có lời. Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền với công việc may vá và bánh trái do tôi làm ở nhà. Tôi có những khách hàng thường xuyên, chủ yếu là làm xe ngựa, họ chắn chắn sẽ ủng hộ tôi nếu như tôi có một cửa hàng”. Emma dừng lại và mỉm một nụ cười mê hồn.
- “Vâng, họ đã bảo đảm với tôi điều đó”, cô đưa chuyện một cách khéo léo. “Đấy ông xem, tôi đâu có phải là một người khôg có kinh nghiệm như ông nghĩ và tôi có cơ sở chắc chắn hẳn hoi”.
- “Cô nói là nghề xe ngựa?”. Joe hỏi, không phải không bị gây ấn tượng. “Thế cô bắt đầu công việc làm ăn từ ở nhà bao lâu rồi?”.
- “Khoảng một năm”, Emma nói, nghiêng người về phía trước, hăm hở bừng lên trên khuôn mặt nàng. “Như vậy cũng không ít đâu”.
Joe nhìn nàng chăm chú. Nàng rất trực diện, nghe có vẻ thạo việc và rõ ràng là tự tin. Thực tế anh chưa bao giờ gặp một cô gái tự chủ đến như vậy. Sự nhiệt tình của cô tươi mát, gần như có sức lan truyền và sự ngờ vực về tuổi tác và khả năng của nàng đã nhanh chóng giảm đi. Tuy thế, nàng làm anh lúng túng, nhưng mà bao giờ anh chẳng lúng túng đối với các cô gái và một cô gái đẹp nhường này như nàng làm anh cảm thấy không an toàn. Dù sao thì nàng cũng chỉ muốn thuê một cửa hàng của anh và thế thôi. “Vâng, quả là tôi cũng không biết nói thế nào”. Anh bắt đầu nói một cách do dự.
Nhận thức được anh dao động, Emma giơ tay lên.
- “Hãy khoan đã, thưa ông Lowther”, nàng nói một cách oai vệ. “Tôi đã nói trước là tôi sẽ trả trước ông”. Cô mở chiếc ví đen, ấy ra một cuộn giấy bạc. “Thưa ông Lowther, như ông có thể thấy, tôi không nói suông, tôi là một phụ nữ có một chút đích thực nào đó, dù tôi còn trẻ, và tôi có thể trả trước ông. Tôi có thể làm ăn phát đạt với cửa hàng, thưa ông Lowther. Tôi nghĩ có thể thành công trong vòng sáu tháng”.
Joe nhìn nàng một cách hoài nghi: “Ồ, thôi xin cô. Cô đi quá xa đấy. Cô nghĩ tôi đang đi một chiếc thuyền chuối chăng? Tôi không ngờ nghệch đâu, thưa cô”. Emma quyết định không cần trả lời cho câu nói đó. Thay vì, cô giơ bàn tay ra. “Tôi thật thô lỗ quá, thưa ông Lowther. Tôi còn chưa giới thiệu mình. Tên tôi là Emma Harte”.
Anh cầm lấy bàn tay nàng. Anh cảm thấy cái mát khô của nó qua găng tay móc và cái nắm của bàn tay cô chắc mạnh như tay một người đàn ông.
- “Rất hân hạnh được gặp cô, cô Harte”, anh nói.
- “Bà Harte”. Emma nói.
- “Ồ, xin lỗi”, Joe nói, thất vọng bất ngờ.
Emma nắm lấy thời điểm này để đạt mục đích. “Tôi cũng không biết tiền thuê là bao nhiêu, thưa ông Lowther, nhưng tôi dự định trả ông máy tháng trước”. Nàng phải làm cho lời đề nghị của mình thật cám dỗ để anh không từ chối. “Có thể sáu tháng trước được không? Chắc chắn điều ấy để ông thấy thiện ý của tôi và niềm tin của tôi đối với bản thân mình”.
Joe nao núng, sự quyết tâm của anh vụn nát, dưới sức mạnh của một nhân cách mạnh mẽ đầy tính khuất phục của nàng. Anh thấy mình bị cuốn hút lại với nàng. Bị lôi cuốn với nàng một cách nguy hiểm. Cái anh chàng Joe siêu tục này kinh hoàng. Một phụ nữ có chồng! Rồi đột nhiên ý nghĩ xô tới. Đó là lý do thật sự vì sao anh không muốn nàng thuê cửa hàng của anh. Anh sợ bị nàng mê hoặc.
Emma hiểu là mình đã nắm được mọi quân bài và nàng đi một bước quyết định nữa. Nàng nghiêng người về phía trước nhè nhẹ chạm vào cánh tay anh. Joe nhảy dựng lên như bị rắn cắn: “Này, thưa ông Lowther”, Emma nói môt cách nghiêm nghị. “Tôi còn có môt ý nữa. Ngoài việc trả ông trước tiền thuê tôi còn sẵn lòng viết cho ông một lá thư thỏa thuận rằng nếu công việc làm ăn của tôi thất bại tôi vẫn chịu mọi phí tổn cho đến khi nào ông tìm được một người thuê mới. Nói cách khác, tôi bảo đảm sẽ báo ông biết trước một thời gian đầy đủ trước khi tôi dọn đi. Có lẽ là ba tháng trước?”. Nàng gợi ý bằng một giọng ngay thật.
Joe thấy không thể tranh cãi với người con gái này. Không những các điều khoản của cô là hợp lý mà tất cả đều là có lợi cho anh hết. Nếu anh từ chối lời đề nghị đó thì anh khác chi một thằng khờ khạo. Cuối cùng anh nói: “Vâng, bà thật tự tin về thành công của mình trong cửa hàng, thưa bà Harte. Nếu không thì bà đã chẳng đề nghị một sự thu xếp như vậy. Tôi cho rằng như thế là được. Bà có muốn xem cửa hàng trước khi làm những công việc tiếp theo không?”.
- “Thưa ông Lowther, tôi đã biết cửa hàng”, Emma nói và vẫy tay. “Tôi đã tới đó nhiều lần. Người thuê trước của ông sắp xếp công việc rất tồi, hàng hóa tồi xấu và quá đát so với chất lượng của nó, rõ ràng bà ta không biết mua. Mà không phải chỉ có thế, bà ta không biết các khách hàng của mình!”.
- “Ồ”, Joe nói, hết sức ngạc nhiên.
- “Tôi cho rằng như vậy là xong, thưa ông Lowther”, Emma nói một cách nhanh nhảu.
- “À, vâng, tất nhiên. Tôi sẽ cho bà thuê cửa hàng đó”. Anh nói: “Mỗi tuần một guinea. Như vậy là bốn guinea một tháng. Bên cửa hàng có khu để ở. Một phòng khách rộng, bếp, một phòng ngủ, một tầng hầm rất rộng để chứa đồ. Bà có thể sống ở đó, sau cửa hàng, rất thoải mái nếu bà thích”.
Emma gật đầu: “Vâng, chắc là tôi sẽ sống ở đó. Nó có lý do. Vâng, bốn guinea một tháng là khoảng bốn mươi tám guinea một năm, thêm bớt một vài shilling, phải không ạ?”. Nàng bắt đầu lấy tập tiền ra, làm rất nhanh vài con tính nhẩm. “Ông có thể cho một cái biên nhận không ạ?”, nàng hỏi một cách lễ phép và đưa tiền.
- “Tất nhiên”, Joe nói: “Để tôi lấy cho cô chìa khóa và cuốn sổ thuê nhà. Tôi sẽ đánh dấu là cửa hàng đã được trả tiền trước sáu tháng. Tôi ghi tên bà hay tên chồng bà ạ?”
- “Xin ghi tên tôi. Chồng tôi ở trong hải quân, thưa ông Lowther. Ở nước ngoài”.
Emma gật đầu và nói tiếp: “Tôi sẽ viết cho ông một lá thư thoả thuận báo trước ba tháng. Chiều mai tôi sẽ mang tới. Như vậy có tiện không? Ông có thể trao nó cho luật sư của gia đình, nếu ông cần”.
- “Không. Không. Không cần. Và tối mai sẽ hoàn toàn thuận tiện”, Joe nói. Anh đứng lên: “Tôi sẽ đi lấy chìa khóa và cuốn sổ cho thuê. Chỉ một thoáng tôi sẽ quay lại ngay”.
- “Tôi tin bà”, Joe nói. “Xin lỗi bà, thưa bà Harte”, Emma nghe tiếng anh huýt sáo khi anh đi vào trong bếp. Một nụ cười mãn nguyện và sung sướng lướt qua mặt nàng. Nàng không thể tự chủ được mình.
Giờ đây nàng có cửa hàng thứ nhất của mình.