61 - 62

     iặc Pháp không còn ở mãi tận Nam Bộ xa tít tắp mù khơi nữa. Chúng đang lần mò ra Bắc Bộ, đang có mặt tại Hải Phòng, Hà Nội. Hội nghị Fontainebleau thất bại. Hồ chủ tịch về nước buồn thiu. Giặc Pháp sẽ chiếm Nam Định, sang Thái Bình. Pháp tới Thái Bình là có thái bình. Lời tiên tri của Hồ chủ tịch được dân thị xã nhắc lại, bàn tán. Không một ai thích giặc Pháp sang Thái Bình. Chúng đã ở đây lâu quá, đã gieo nhiều đau khổ quá. Pháp, Nhật, Tầu, hay bất cứ một giống nòi xa lạ nào, đến quê hương ta, cũng chỉ mang theo những phiền muộn, và đọa đầy, những tàn bạo, và man rợ. Không thích chưa đủ. Dân thị xã còn sợ giặc Pháp tràn qua tỉnh lỵ, vốn đã ngập lụt oan khiên, và đang lo âu, khắc khỏai. Những người vô Nam Bộ chiến đấu chẳng ai hồi hương. Chắc là họ đã hy sinh cho tổ quốc. Cái lưới sợ hãi sắp tung xuống. Người ta, mơ hồ, thấy số phận của mình bị nhốt kín trong đó. Ôi, tỉnh lỵ Thái Bình thân yêu, tỉnh lỵ nhỏ bé, với những giấc mơ nhỏ bé, muôn đời thiếu nắng làm ấm tâm hồn, làm vàng mộng ước!
Để trấn an dân thị xã, lớp vôi mới quét vội vàng, xóa bỏ những khẩu hiệu cũ. Bây giờ là, Thái bình, mồ chôn thực dân Pháp, Liên khu ba, mồ chôn thực dân Pháp, Kháng chiến nhất định thắng lợi. Độc lập, thống nhất nhất định thành công... Những khẩu hiệu mới chỉ làm tăng nỗi lo âu. Giặc Pháp dã man, đã ném trẻ con vào lửa đỏ, ở Sàigòn, sẽ ném trẻ con vào lửa đỏ, ở Thái Bình. Mấy đời rồi, chả ai nghĩ chuyện chạy giặc. Và, cũng chả ai dám nghĩ, nếu giặc Pháp sang Thái Bình, mình sẽ làm gì, sẽ chạy đi đâu. Triệt để tin tưởng vào Hồ chủ tịch. Đành tin tưởng Hồ chủ tịch sẽ đuổi giặc Pháp khỏi đất nước Việt Nam. Không lẽ, Hồ chủ tịch và chính phủ chỉ chiến thắng giậc Pháp bằng khẩu hiệu? Bao nhiêu vàng ủng hộ, súng cối xay chưa bắn tan giặc Pháp, để chúng lần mò ra Bắc Bộ thì lạ thật. Dân thị xã nóng lòng chờ đợi tin tức. Báo chí từ Hà Nội về chậm vô cùng. Xe hàng chạy than đốt, làm sao nhanh nổi? Người ta chuyền báo cho nhau coi. Thủ đô Hà Nội vẫn còn. Giặc Pháp co ro đóng quân một chỗ. Chúng hèn nhát, không dám dời khỏi doanh trại. Quân dân ta sẽ đập vỡ mặt chúng.
Dân thị xã đã biết tình hình Hà Nội, qua nhật báo Cứu quốc. Báo này quả quyết, nếu giặc Pháp giở trò xâm lăng, máu của chúng sẽ nhuộm đỏ sông Hồng, xác của chúng sẽ chất đống cao hơn gò Đống Đa. Giặc Pháp sẽ phơi thây, ở Sàigòn, sẽ phơi thây, ở Hà Nội. Báo Cứu Quốc, luôn luôn, nhóm lửa chiến đấu trong lòng mỗi người. Lần này, ngọn lửa ấy không bừng sáng, như lần thanh niên thị xã nô nức tình nguyện vào Nam diệt thù. Giặc gần kề, người ta hồi hộp.
Vũ không còn được ngồi một mình, dưới giàn hoa thiên lý, nghĩ đến Thúy, và phiêu lưu bằng mộng tưởng, trong mùa xuân thơm ngát mùi hương tóc người yêu. Vũ bị quyến rũ vào nỗi hồi hộp chung, nỗi hồi hộp đe dọa, phá nát sự êm đềm của tỉnh lỵ. Súng đạn, chắc chắn, sẽ gây tang tóc, khói lửa, và buồn thảm, chứ không chỉ ồn ào tẻ nhạt giống cách mạng. Súng đạn làm nên chiến tranh. Và, chiến tranh là hậu quả của cách mạng. Chiến tranh đã tới Thái Bình, bằng những trận không chiến giữa Mỹ và Nhật. Chiến tranh đã tới Thái Bình, bằng những hồi còi phòng thủ thụ động. Sau hết, chiến tranh mang tới những khẩu súng liên thanh, những thanh kiếm sắc bén của phát xít Nhật, và bọn Tầu phù gớm ghiếc. Chiến tranh làm chia ly, ngăn cách. Người ta sinh ra không phải để buồn thảm vì chia ly, ngăn cách. Mà, để gần gũi và thương yêu. Đời sống ấy đã thay đổi, xáo trộn. Hẳn còn thay đổi, xáo trộn nhiều nữa.
Vũ, mơ hồ, thấy, một ngày không xa, giặc Pháp sẽ tràn sang Thái Bình, đốt phá, giết chóc. Vùng trời thân yêu của Vũ mất hết tiếng sáo diều vi vu đêm hạ. Thúy sẽ xa Vũ, xa mãi, xa thành vĩnh biệt. Hàng cây hồi, bên hè phố nhà Thúy, sẽ tàn úa. Như thế, cuộc đời, chẳng mảy may ý nghĩa. Không, không thể để mất quê hương nhỏ bé của mình. Căn nhà, ngôi trường, con phố, sân cỏ, hàng cây, và người thân yêu phải gắn bó lấy đời mình. Muốn sống hoài với kỷ niệm, phải bảo vệ chiếc nôi êm ái, chứa chất kỷ niệm của mình. Phải đuổi kẻ thù khỏi quê hương mình, không cho những bước chân thô bạo của chúng giẵm chết lối cỏ, nơi ấy mình và người yêu đã đi qua. Nghĩ thế, Vũ yêu cái thị xã Thái Bình quá đỗi. Dòng sông Trà Lý, chiếc cầu Bo, những hòn đảo năm xưa, Vọng bất hạnh, thầy Đàn kính mến, và Thúy, và mùa xuân hồng, và bàn tay huyền diệu của Thúy, và hương tóc Thúy, toàn là những thứ cần bảo vệ bằng xương máu của Vũ.
Vũ phóng ra đường. Con đường, tự nhiên, bốc khói, như thể hơi thở của Vũ vào ngày mùa đông lạnh nhất. Vũ nhìn hàng cây. Hàng cây rung rinh lá. Tiếng gió xào xạc một nỗi niềm. Vũ ngước trông trời. Trời muốn thấp xuống. Ôi, tất cả tràn ngập luyến lưu, tất cả đều không muốn dời xa Vũ. Vũ chạy một mạch lên phòng thông tin. Gặp đủ mặt bạn bè. Côn và Luyến đang đứng chờ anh phụ trách thiếu nhi viết nốt chữ cuối cùng của khẩu hiệu Đả đảo thực dân Pháp. Luyến khoe Vũ:
- Mày biết chưa, chúng tao dán khẩu hiệu chống Pháp khắp thị xã.
Luyến xăn tay áo:
- Ông đếch sợ giặc Pháp. Nó bằng nhắng, ông tẩn bỏ mẹ chúng nó.
Luyến bĩu môi:
- Chúng nó là bọn hèn. Dạo trước, Nhật lùn bắt vợ con chúng nó kéo xe bò chở đất. Dêm nay, biểu tình, đốt đuốc, đả đảo giặc Pháp, rồi đốt luôn giặc Pháp ở cầu Bo. Mày chỉ huy, nhé?
Vũ chưa kịp trả lời Luyến, Côn đã kéo Vũ ra khỏi phòng thông tin. Hai đứa ngồi trên chiếc ghế xi măng, gần sân ten nít. Côn hỏi:
- Bố mày có nói gì không?
Vũ ngơ ngác:
- Nói gì?
- Chuyện Pháp đóng quân ở thủ đô Hà Nội.
- Không.
- Tao đét thích biểu tình nữa, nhưng biểu tình chống Pháp, tao phải tham dự.
- Tại sao?
- Vì tao không muốn mất thị xã. Không ai muốn mất thị xã cả, mọi người sẽ đánh nhau với Pháp, nếu nó trở lại Thái Bình. Mày nghĩ thế nào?
- Giá vài năm nữa nó hãy sang nhỉ? Mình đủ tuổi vào bộ đội, sợ chó gì nó.
- Bố tao lo lắm. Chưa chi bố tao đã bắt sửa sang nhà cửa ở Ô Mễ.
- Tao không thích Pháp sang thị xã mình.
- Nó cứ sang thì mày làm gì?
- Chắc đánh nhau to. Và, chúng mình sẽ xa nhau, chả biết ngày nào gặp gỡ. Tao chỉ sợ cầu Bo sụp dổ, và những hàng hồi chết cháy. Chiến tranh không bao giờ vui hết. Hồi Mỹ dội bom giết Nhật, bác tao bị cụt một cánh tay, trên chuyến ca nô Hà Nội-Nam Định. Xuýt bác tao chết oan, chết đuối khổ sở dưới sông Hồng. Có chiến tranh, nhiều người chết thảm. Và, chỉ nghe tiếng khóc. Bọn Pháp sang thị xã mình, chúng ta sẽ đánh đuổi chúng. Tao yêu Thái Bình. Tao yêu Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ đã đánh nhau với Pháp, và đang chiến thắng. Phương hen còn lên đường vào Nam Bộ đuổi giặc Pháp, nữa là...
- Sợ chúng mình chưa đủ tuổi, người lớn bắt chạy giặc.
- Pháp sang đây, chúng mình đủ tuổi rồi. Biết đâu, dân Hà Nội chẳng sắp đánh văng chúng nó.
Hai thằng bạn thân vừa tâm sự tới đó, đã nghe tiếng Luyến bi bô:
- Đi dán khẩu hiệu, chúng mày ơi!
Vũ và Côn đứng dậy, nắm tay chạy vào. Chúng chia công tác, đứa ôm mớ giấy, đứa xách thùng hồ, kéo nhau đi dán khẩu hiệu. Đến tối, nhi đồng thị xã đốt đuốc, biểu tình tuần hành. Nhà đèn được lệnh tắt đèn phố. Những ngọn đuốc tầm dầu bừng bừng cháy. Không khí chống Pháp lại được nhi đồng làm sôi nổi. Nỗi lo âu của dân thị xã, dường như, bị lửa đốt cháy. Thị xã vang vang lời gầm thét căm thù thực dân Pháp khiêu khích Bắc Bộ, như năm ngoái gầm thét căm thù thực dân Pháp gây hấn Nam bộ. Bài hát mới rít qua kẽ răng:
Thề một lòng dân Nam ta quyết xông pha một lòng
Thề chiến thắng
Trang nam nhi hồn non nước vững vàng ta bảo toàn bờ cõi một ngày mai
Nhắc hồi xưa dân Nam ta tám mươi năm đã bao phen nhục nhằn
Nào gông xích đói rét lũ tham tàn đồng lòng muốn đem lòng giầy xéo
Ôi giang san ôi đất nước
Ta quyết thề chẳng sống nhuốc nhơ...
Những bàn chân giẫm nát mặt đường. Những cánh tay giơ cao. Những khuôn mặt cương quyết. Những tâm hồn réo sôi. Những khẩu hiệu vỡ phổi.
- Đả đảo thực dân Pháp!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Phải chiến đấu tiêu diệt Pháp, để giành độc lập. Dân thị xã không còn sợ rượu, khi đã nhấm một ngụm. Rồi, mềm môi. Rồi, say sưa. Nhi đồng, luôn luôn, đóng trọn vẹn vai trò khích động dân chúng. Mọi người đều tưởng chừng Pháp đang cuốn gói, tếch khỏi Hà nội. Vũ tin rằng Thúy sẽ yêu Vũ hơn, vì Vũ đang cùng mọi người lo bảo vệ quê hương nhỏ bé. Đội nhi đồng cầu Kiến Xương dẫn đầu đoàn biểu tình tuần hành. Đốt đuốc đi thắp sáng quê hương độc lập. Đốt đuốc đi thiêu rụi mộng xâm lăng của thực dân Pháp. Vũ cho nhi đồng rẽ vào phố nhà Thúy. Tiếng động từ đầu đường đã vọng tới. Thúy mở cửa sổ, đứng chờ. Và, Thúy đã nhìn rõ Vũ hiên ngang dưới ánh đuốc bập bùng. Vũ mỉm cười, khi Thúy vẫy tay. Thúy khích lệ Vũ chống Pháp, giữ lại Thái Bình đó. Vũ nghĩ thế. Qua cửa nhà Thúy, Vũ đến gần Côn:
- Dẫn nhi đồng tới phố nhà con Ngọc nhé!
Côn gật đầu, và nói:
- Để tao chỉ huy.
Đoàn biểu tình tuần hành khắp các phố thị xã. Cuối cùng, tiến thẳng lên cầu Bo, đốt hình nộm Tây mũi lõ, đẩy xuống sông Trà lý. Rồi, giải tán. Đêm ấy, Tây đen bán vải được phen hoảng sợ. Bọn nhi đồng đập cửa nhà Tây đen bán vải thình thình. Chúng diễn lại trò chống Pháp, gây hấn ở Nam Bộ.
62
Khúc đê từ cầu Bo xuống cống Đậu đã biến thành con đường mòn. Mặt đê cao hơn mặt đường gần hai thước. Năm xưa, Vũ và bạn bè thường đi xe đạp thi, trên khúc đê này. Đi thật nhanh, mà chẳng đứa nào ngã. Xe đạp của bọn Vũ không chuông, không phanh, không đèn. Phóng xe ở khúc đê hẹp và cao, y hệt người làn xiếc đi trên dây. Nên chỉ những thằng cừ mới dám đùa giỡn. Gặp quãng đê soải xuống sông, Vũ và Vọng còn biểu diễn bông nhông cả người lẫn xe. Bây giờ, Vũ không thích trò chơi nguy hiểm này. Vũ đâm ra sợ hãi. Vũ đã đứng ở cầu Bo, nhìn những con sóng lớn xô đẩy nhau, những hôm gió lộng. Sóng sông Trà, ma cửa Hộ. Vũ giật mình, hồi tưởng, ngày nào, ngày nào mới đây, mà tưởng chừng xa lơ xa lắc, đảo chánh, cách mạng, thù hận đẩy tuổi thơ lui hẳn về dĩ vãng một thiếu niên, để người thiếu niên sớm thương nhớ kỷ niệm ấu thời. Vũ và bạn bè đã bơi qua sông, khinh thường sóng cả. Khi người ta biết lo âu, là lúc người ta giã từ hẳn hồn nhiên. Tâm hồn đào đã vẩn bụi đen. Bụi đen của phiền muộn.
- Vũ đang nghĩ gì thế?
- Không nghĩ gì cả.
Vũ và Thúy đi bên nhau, bước chậm trên con đê. Vũ nhìn dòng sông lững lờ chảy. Dòng sông cơ hồ mang một tâm sự buồn.
- Vũ định đi mãi à?
- Ừ.
- Không sợ mỏi chân sao?
- Không. Thúy có dám theo Vũ đi đến cuối con đê, tới cửa biển không?
- Xa qua, Vũ ạ!
- Đi xa mới hết buồn.
- Vũ mà cũng buồn ư?
- Buồn chứ.
Thúy cười giòn giã. Nắm chặt bàn tay Vũ, Thúy nói:
- Đến cống Đậu rồi trở về, đấy nhé!
Vụ gật đầu. Rồi, dừng lại:
- Mình ngồi đây.
Hai đứa ngồi xuống mặt đê, quay mặt sang xóm làng bên kia sông. Vũ quàng tay qua cổ Thúy. Hai đứa xích gần nhau. Giọng Vũ mơ hồ:
- Ở xa không có khúc đê này, Thúy nhỉ?
- Chắc phải có.
- Không có hàng hồi bên đường, giống hàng hồi phố nhà Thúy.
- Ừ, chắc không có.
- Vũ thích hàng hồi phố nhà Thúy, thích con đường nhà Thúy, thích cầu Bo, thích hết những gì của thị xã mình. Nếu ngày nào phải xa thị xã, Vũ sẽ khóc.
- Thì Vũ ở thị xã mình, mãi mãi, với Thúy. Chúng mình sẽ lớn hơn. Rồi, chúng mình vẫn học thành chung một trường.
- Ngộ giặc Pháp sang thị xã mình?
- Vũ đừng cho nó sang. Vũ quên lời nói của ông chủ tịch Thái Bình rồi à?
Đêm qua, dân thị xã tập trung ở sân vận động, nghe ông chủ tịch Thái Bình nói chuyện. Thúy đứng cạnh Vũ. Ông chủ tịch giơ nắm đấm, tiếng nói nảy lửa: “Một tấc đất Thái Bình cũng không cho giặc Pháp chiếm. Dân Thái Bình sẽ đập tan âm mưu xâm lăng của Pháp. Chúng ta đào mồ sẵn chôn giặc Pháp. Chúng dại dột sang Thái Bình, chúng ta sẽ giết hết chúng, từ bến đò Tân Đệ. Xác chúng sẽ lấp đầy khúc sông Hồng, làm cầu Tân Đệ. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp”.
- Thúy muốn Vũ đánh nhau với giặc Pháp?
- Vũ phải bảo vệ thị xã mình. Đừng bao giờ nghĩ có ngày chúng mình xa thị xã, Vũ nhé!
Vũ hơi nghiêng mặt về phía Thúy, và Thúy hơi nghiêng mặt về phía Vũ, cùng lúc. Hai đứa nhìn nhau. Ngập ngừng. Vũ hôn tóc Thúy. Hương tóc làm rạo rực tâm hồn Vũ. Phút chốc, Vũ quên dòng sông, quên nỗi buồn, quên giặc Pháp, quên cách mạng. Hương tóc đưa Vũ bay bổng. Vũ hôn má Thúy. Bàn tay Vũ bóp mạnh vai Thúy. Im lặng. Vũ nói nhỏ bên tai Thúy, như điệu gió đàn:
- Vũ không muốn xa Thúy.
Đưa từ xa tới, mùi thơm huyền diệu. Mùi thơm của chiêm bao. Mùi thơm của tình yêu thơ mộng. Mùi thơm vây quanh Vũ, và Thúy. Chiều ngại ngùng trốn. Chiều cố tình lưu lại chút nắng nhảy múa trên khoảng trời hồng. Mùa xuân ở đây. Chiều vàng ở đây. Mộng ước ở đây. Và, Vũ sẽ bảo vệ khoảng trời hồng yêu mến này.
- Vũ.
- Thúy nói đi.
- Thúy không muốn xa Vũ.
- Chúng mình không bao giờ xa nhau. Vũ sẽ giữ từng cây hồi phố nhà Thúy.
- Vũ hứa chứ?
- Hứa.
- Giữ cả những con chim buổi sáng, trên cây hồi, trước cửa nhà Thúy?
- Giữ tất cả. Thị xã mình sẽ nguyên vẹn. Chẳng một ai phải xa nhau.
Thúy lách tay trái ra sau lưng Vũ, đưa cả cánh tay quàng cổ Vũ. Gắn bó. Thị xã của Vũ, bây giờ, mới đẹp hoàn toàn. Đẹp nhất thế giới.
- Vũ ơi!
- Ơi...
- Đưa Thúy về.
- Chưa tới cống Đậu mà?
- Mai mình tới.
- Ngồi đây thêm một lát.
- Thôi.
- Về làn gì vội?
- Về nằm nhớ Vũ.
Vũ lặng người. Gió sông lùa lên. Tóc Thúy bay tung phủ cả mặt Vũ. Vũ không muốn về. Vũ không muốn ngày mai. Vũ muốn mãi mãi là hôm nay, là lúc này. Ngày mai, biết đâu dòng sông Trà Lý chẳng còn lặng lờ chảy xuôi. Nước lũ sẽ đỏ ngầu, và cuốn phăng nhiều thứ.
- Vũ nhé!
- Hở?
- Đưa Thúy về.
Vũ buông tay khỏi vai Thúy, đứng lên, với nỗi tiếc ngẩn ngơ. Vũ cầm tay Thúy, kéo Thúy dậy. Hai đứa lần theo con đê, trở về. Vũ bước thật chậm. Vũ đếm từng bước chân. Chiều tắt nắng. Trời ngậm ngùi. Vũ lại thấy lo lắng. Như có gì đe dọa cuộc sống bình thản của mọi người bên dòng sông Trà Lý. Như, cầu Bo sắp sụp đổ. Như, hàng hồi sắp bị cháy, và những con chim sớm mai của Thúy, tản mạn khắp phương trời xa.
- Thúy!
- Hở?
- Nằm nhớ Vũ, Thúy vui hay buồn?
- Không biết nữa.
- Có tưởng tượng gì không?
- Có.
- Gì?
- Cái lồng bẫy chim khuyên của thằng Hội.
Vũ cười sung sướng. Thúy nói:
- Với những quả táo tầu của ông lang Tặng.
Vũ siết tay Thúy:
- Vũ nằm nhớ Thúy, chỉ nhớ con nhặng, con mụ phù thủy Phi châu.
Thúy hỏi:
- Ghét Thúy à?
Vũ lắc đầu:
- Chuyện ngày xưa.
- Thế bây giờ?
- Bây giờ, Vũ thích dựa lưng vào cây hồi, trước nhà Thúy, thổi ác mô ni ca bài Căn nhà êm ấm.
Hai đứa đi tới gần cầu Bo, và tụt xuống dốc đường. Con đường dẫn về nhỏ dần, hẹp dần, không xa dần. Mà, Vũ thì muốn không có chỗ dừng ở hiện tại. Cứ đi. Đi mãi. Đi cạnh Thúy, tay trong tay, bước nhẹ vào chiêm bao, hái những trái mơ chín vàng. Đèn phố đã lên. Những ngọn đèn tỉnh lỵ bao giờ cũng vàng vọt, hiu hắt. Chưa từng lần nào Vũ thấy những ngọn đèn buồn thế. Những con mắt đêm của thị xã đang nghĩ gì?
- Chiều mai, Vũ lại đón Thúy, nhé!
- Ừ, chiều mai. Mình sẽ vào hồ Phúc Khánh, mình về Đoan Túc, mình sang Bồ Xuyên, mình xuống An Tập... Mình đi hết những nơi mình đã đi.
- Làm gì
- Để nhớ mãi.
Để nhớ mãi, Vũ vẫn bị ám ảnh bởi sự chia ly. Dường như, ồn ào, náo động là hứa hẹn một buồn tênh, câm nín. Chiến tranh sẽ về đây. Chiến tranh sẽ làm rớm máu thị xã êm đềm. Chiến tranh nào cũng ghét kỷ niệm. Và, nó sẽ chặt đứt gốc cây hồi, trước cửa nhà Thúy, làm những con chim nhỏ sớm mai trốn lẩn, sợ hãi. Chỉ cần nột chút thoáng qua, chiến tranh đã gây vô số mất mát. An ủi mình bằng cách mào, nỗi ám ảnh cũng không chịu tan biến. Bảo vệ quê hương của mình, là phải chiến đấu. Vũ sẽ không sợ chiến đấu. Mà, rất sợ, sau cuộc chiến, có thứ gì mất mát, rơi rụng, đổ vỡ.
Đã tới phố nhà Thúy. Vũ cố bước chậm hơn. Chẳng ai hối thúc, bước chân cứ gấp gấp. Nhà Thúy đây rồi. Cây hồi trước cửa đây rồi. Vũ rời tay Thúy, trông theo, Thúy qua cổng, vào sân, mất hút. Vũ chờ khoảng ánh sáng ở khung cửa sổ quen thuộc.
Vô tình, Thúy đã quên mở cửa sổ. Vũ không nhìn thấy khuôn mặt thân yêu rực rỡ trong mùa xuân hồng. Đêm chợt bùi ngùi. Vũ nghe lòng mình quạnh hiu. Vũ thật sự không còn bé. Muốn còn bé, Vũ phải nghiêng nghiêng hồn đào, khi tưởng nhớ. Vũ dựa lưng vào thân cây hồi. Hai tay thọc túi quần. Mắt thả trong mơ. Tiếng gió thầm thì trên đám lá. Mùi hoa hồi, tự nhiên, hăng hắc tối nay. Vũ bỗng thèm hút một điếu thuốc lá.