- “Sẽ có chiến tranh ở Thái Bình Dương cũng chắc chắn như sẽ có chiến tranh ở châu Âu”, Paul McGill nói một cách bình tĩnh. “Sự thật là không thể tranh cãi được. Nhật Bản công nghiệp hóa chậm như Đức, và thành công của hai nước này đã làm cho họ trở thành những dân tộc kiêu căng, hiếu chiến với những kế hoạch thống trị thế giớ”. Anh ngừng lại, hút thuốc: “Tôi biết là tôi không lầm Dan ạ. Mỹ đã chuẩn bị. Châu Âu không may là chưa”. Daniel P. Nelson, một trong những người có thế lực nhất thế giới và là cháu nội của một nam tước lừng danh nhất gật đầu tư lự. Anh mỉm cười nhưng đôi mắt thì lo lắng khi anh nói: “Tôi không nghi ngờ anh, Paul. Tôi cũng nói như vậy nhiều tháng nay. Nói với tổng thống mới tuần trước ở công viên Hyde Park là Nhật Bản có những mục đích thực sự của họ ở Thái Bình Dương. Nói cho chính xác là từ những năm hai mươi. Roosevelt không mù. Ông đã nhận ra tình thế. Mặt khác, đất nước này vẫn còn đang phục hồi sau thời gian đình trệ. Không phải là công nghiệp trong nước, vẫn còn mười triệu người thất nghiệp ở đây, Paul”. - “Có, tôi biết. Điều làm tôi lo ngại là Quốc hội thông qua ba đạo luật trung lập mấy năm trước, thái độ nói chung là vẫn theo chủ nghĩa biệt lập. Tôi sợ là bây giờ tình hình vẫn là như vậy. Tuy nhiên, nước Mỹ không thể giữ trung lập nếu nước Anh bước vào cuộc chiến tranh với Đức”. Dan nói: ‘Nhưng Roosevelt thì tôi biết, ông ấy không phải là người theo chủ nghĩa biệt lập. Tôi cảm thấy ông ấy sẽ tới giúp nước Anh nếu cần thiết. Chúng tôi là những đồng minh tự nhiên đã hơn một thế kỷ nay, và ông ấy cũng nhận ra được rằng không thể để cho phương Tây bị sụp. Nhưng- thôi, nói đến câu chuyện chiến tranh đáng buồn ấy thế là đủ rồi, Emma có vẻ nghiêm trọng quá”. - “Tôi rất quan tâm”, Emma nói, “như bất cứ một người được biết tin tức ngày nay. Em tôi là một người viết bài bình luận chính trị ở London, cậu ấy tin rằng Hitler đang muốn làm bá chủ toàn cầu và sẽ không trừ một việc gì để đạt được điều đó. Không may, giống như người bạn thân của cậu, Winston Churchill, Frank bị phớt lờ. Không biết đến ban giờ thế giới mới mở mắt ra để mà nhìn vào cái đang diễn biến”. Dan mỉm cười yếu ớt: “Cái viễn cảnh của cuộc chiến tranh thế giới mới thật là đáng kinh sợ. Có một khuynh hướng là làm ngơ trước cái tai họa sắp xảy ra. Công chúng có một cái tật xấu là rúc cái đầu tập thể của nó vào cát, cũng như một số lớn chính khách”. - “Tôi nghĩ đó cũng là bản tính của con người – lòng ao ước không gặp phải một sự thật khủng khiếp như chiến tranh. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị…” Nàng ngừng lời khi bắt gặp ánh mắt của Paul. Nhận thấy anh muốn bàn công chuyện với Dan P. Nelson, nàng lẩm bẩm: ‘Vâng, thôi tôi tạm biệt các anh. Xin thứ lỗi, tôi phải tiếp các vị khách khác của tôi”. Hai người đàn ông nhìn nàng lướt qua phòng khách, chiếc áo lụa trắng bồng bềnh, những viên đá quí ánh lên ở cổ và tai, cánh tay và bàn tay nàng. Dan nói: "Tôi tin rằng Emma là người đàn bà đáng chú ý nhất chưa bao giờ tôi được gặp. Anh là một người may mắn”. - “Tôi biết”, Paul trả lời. Anh hướng sự chú ý vào Dan P. Nelson và nói tiếp: “Tôi muốn nói chuyện với anh về những tàu chở dầu của tôi và một số công việc cấp bách khác. Tôi nghĩ chúng ta vẫn còn đủ thì giờ trước khi đi xem nhạc kịch. Chúng ta hãy vào thư viện đã”. Họ tuồn ra lặng lẽ. Trong khi Emma đi lại giữa những người khách khác, tụ tập trong tòa nhà sang trọng ở đại lộ số Năm, ý nghĩ về một cuộc chiến tranh luôn luôn lẩn quẩn trong đầu nàng. Mới sáng hôm nay thôi, nàng đã nhận được một lá thư đáng bận tâm của Frank, vừa từ Berlin về. Anh có đầy những tiên đoán kinh khủng, và tin tưởng ở phán đoán của anh, nàng biết là anh không cường điệu. Anh nói nước Anh sẽ bước vào chiến tranh cuối năm nay, và nàng tin em. Nàng liếc nhìn ba người đàn ông khác trong phòng. Họ cũng có những ảnh hưởng quốc tế to lớn và của cải kết hợp của họ lên tới hàng trăm tỉ dollar. Nàng thấy ánh mắt của họ để lộ sự sợ hãi, mặc dù họ cố vui vẻ đình đám thích hợp với hoàn cảnh này. Phải, họ biết rằng thế giới đang ở trên bờ của sự hủy diệt khác. Nàng nghĩ tới hai người con trai mà lòng nhói lên lo âu. Cả hai đứa đều có khả năng để bị gọi ra nhập ngũ. Lại một thế hệ trai trẻ nữa trong tuổi hoa niên bị hy sinh cho bộ máy chiến tranh. Mặc dù hơi ấm của căn phòng, nàng vẫn run lên và nghĩ tới Joe Lowther, và nhớ tới cuộc đại chiến sự tàn phá ghê gớm nó đã mang lại. Phải chăng hai mươi mốt năm qua chỉ là hưu chiến? Sau khi hai người đã ngồi trong lô của rạp Metropolitan, Emma tạm thoát ra khỏi nỗi âu lo tràn ngập không khí, mắt nàng lướt qua cái trang trí lộng lẫy đỏ và bắt gặp cái đẹp lóng lánh của những người phụ nữ đeo trang sức lộng lẫy và cái thanh lịch của những người đàn ông. Nàng nghĩ, họ hình như có vẻ bình thường biết bao, thậm chí còn vô tư lự y như thể quên lãng cơn bão đang tích tụ. Emma cúi nhìn tờ chương trình, quyết định xem nhạc kịch. Chính nhờ Blackie O’Neill mà nàng đã học được về âm nhạc, và khi cảnh nhà hát làm người ta ngạt thở mở ra trên sân khấu, nàng đột nhiên ao ước được Blackie ở cạnh họ để cùng chia sẻ. Nàng bắt đầu thư thái, lôi cuốn bởi vở “Mignon”, Rise Stevens, giọng ca nữ trung trẻ mới lên sân khấu được hai tháng và có một lúc, giọng hát tuyệt vời của cô làm Emma xúc động muốn khóc. Thật là giọng hát thiên phú, nàng để mình cuốn đi bởi khúc arias mê đắm bởi màn biểu diễn của Rise Stevens và Ezio Pinza, trong những bộ trang phục đắt tiền và trong mấy tiếng đồng hồ nỗi sầu muộn của nàng hoàn toàn bị quên lãng. Paul đã mời tám người khách của họ tới Delmonico để ăn chiều, và khi họ đã ngồi vào bàn, Emma nhìn sang Paul, cố gắng tìm hiểu tâm trạng của anh. Mặc dù cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh với Dan P. Nelson trước đó, lúc này anh tỏ ra không quan tâm và lúc nào cũng tỏ ra là một chủ nhà cởi mở, gọi rượu Dom và Pérignon cùng trứng cá caviar, khiến tất cả mọi người khuây khỏa. Anh là một con người rực rỡ và đẹp trai nhất ở đây, Emma nghĩ và thấy một chút sở hữu của mình. Đó là ngày 3 tháng 2 năm 1939. Ngày sinh của anh. Anh năm mươi chín tuổi, nhưng anh còn rất phong độ, chút đốm bạc trên mái tóc đen của anh chỉ làm tăng thêm vẻ phong sương. Đôi mắt vẫn không mất màu xanh linh hoạt và đôi lông mày ở trên vẫn mang màu đen hạt huyền cũng như hàng ria mép của anh. Có những đường hằn quanh đôi mắt ấy, nhưng khuôn mặt rám nắng của anh hoàn toàn không có vết nhăn, thân thể anh rắn chắc, nổi bắp như hai mươi năm trước đây. Emma lúc nào cũng hơi bàng hoàng vì hình dáng của anh, đôi vai rộng và bộ ngực nở nang. Đêm nay, trong chiếc cà vạt trắng và áo đuôi tôm, trông anh có dáng vẻ quyến rũ, hấp dẫn hơn bao giờ hết. Mắt anh bắt gặp ánh mắt nàng, anh nháy mắt rồi nhìn nàng, cái nhìn tán thưởng ngày xưa mà nàng từng quen thuộc. Sao, cái anh chàng quỉ sứ này lại đang ve vãn nàng. Và, sau bao năm tháng, nàng nghĩ, bản thân nàng đến tháng tư này sẽ là năm mươi tuổi. Hình như không thể nào tin được. Mười sáu năm khó tin. Không phải lúc nào cũng là những năm dễ dàng. Paul có thể có thẩm quyền và bướng bỉnh như chính nàng, và anh thường cảm thấy sự cần thiết phai khẳng định mình một cách ép buộc. Anh hách dịch thường có vẻ ông chủ và anh thường làm rõ ai là người có quyền trong ngôi nhà này. Nàng đã làm theo ý mình trong hầu hết mọi việc thuộc về cuộc sống riêng tư của họ và đến lượt mình anh cũng đủ khôn ngoan để không can thiệp vào công việc kinh doanh của nàng. Paul cũng là một người thích tán tỉnh ve vãn và không che giấu gì việc anh thích phụ nữ. Emma ngờ anh có thể có những phụ nữ khác khi anh đi ra nước ngoài một mình, nhưng anh không bao giờ tạo cho nàng những lý do để đau lòng, hoặc bối rối và nàng không bao giờ nghi ngờ lòng tận tụy của anh. Và, bởi vì nàng coi sự ghen tuông về xác thịt là một xúc động vô ích, nên nàng ít khi xét đến chuyện thiếu chung thủy của anh, nếu như quả là có. Sự say mê của anh đối với nàng không giảm theo thời gian và nàng biết mình là một phụ nữ may mắn.Emma ngả người trong ghế và giữa những ly champagne, đồ ăn ngon, trò chuyện sôi nổi, không khí vui vẻ ngự trị lên khách khứa, bạn bè của họ, nàng đã đẩy được những ý nghĩ bận lòng về chiến tranh đã choán tâm hồn nàng chiều nay. Tuần lễ tiếp theo, Paul không nhắc tới chiến tranh nữa và thích nàng cũng cẩn thận cái đề tài ấy. Họ tới Đông Texas nơi Paul đã mua những giao kèo cho thuê dầu lửa ở Odessa và Midland trước sự bực tức của Harry Marriott. Emma không đặc biệt thích người canh ty của Paul và không ngần ngại nói lên điều đó khi nàng gặp anh vài năm trước. Trên đường trở về New York, nàng đã nhắc lại ý kiến của mình và hỏi Paul tại sao Marriott lại không vui về chuyện mua mới này. Paul cười và nói: “Bởi vì anh ấy luôn luôn muốn đứng về phía an toàn. Anh ấy không bao giờ đánh bạc. Anh ấy sợ mất hoặc làm giảm bới những cái chúng ta đã tích tụ được qua năm tháng. Thằng điên. Chúng ta là một trong những công ty dầu lửa lớn nhất ở Mỹ ngày nay, nhưng bành trướng vẫn là cần thiết. Không, là sống còn. Hary có ý định tốt nhưng anh ấy thiếu trí tưởng tượng. Em nhớ anh ấy càu nhàu anh như thế nào khi anh mua những tàu chở dầu? Anh đã chứng minh là anh ấy sai. Chúng là những tài sản khổng lồ của công ty và đem lại nhiều tiền hơn nhiều. Anh có tài đánh hơi dầu lửa và anh bảo đảm với em nó sẽ được phát hiện ở Odessa và Midland trong vòng vài ba năm nữa. Anh có ý định bắt dầu khoan ở đó, không, cuối năm nay”. - “Cũng may mà anh có đại cổ phần trong công ty đó, nếu không anh hẳn sẽ có những vấn đề không thể vượt qua nổi với Marriott”, Emma nói. - “Em nói đúng”, Paul cười. “Chắc em không nghĩ là anh ngu đến nỗi tiêu hàng triệu để đầu tư ban đầu mà lại không kiểm soát được công việc, phải không”. - “Vâng, nàng thừa nhận và cười. “Anh đủ cứng cáp và thông minh để làm điều đó”. Nàng ngập ngừng: “Anh có buồn vì Daisy không phải là con trai không?”. “Trời, không! Cái gì đã khiến em hỏi như vậy, em yêu?”. - “Chẳng là Howard không thể theo bước chân anh. Em thường có ý nghĩ anh có thể thất vọng vì không có một người con trai để nối nghiệp anh, dòng họ nhà McGill”. “Cái gì đã khiến em cho rằng anh gạt bỏ ý nghĩ Daisy sẽ làm điều ấy? Xét cho cùng, nếu nó giống bà mẹ đẹp của nó thì nó sẽ trở thành một phụ nữ kinh doanh tuyệt vời. Và một ngày nào, nó sẽ lấy chồng, có con, em hãy nghĩ đến điều ấy, Emma”. Nàng có nghĩ đến và không bao giờ quên lời nói của anh. Một hôm vào cuối tháng hai, Paul từ văn phòng Sitex New York trở về sớm và Emma hiểu ngay rằng có chuyện ghê gớm đã xảy ra. Anh có vẻ bận tâm khác thường hôn nàng lơ đãng, tự rót một ly rượu, điều ấy hơi lạ vì lúc ấy mới chỉ bốn giờ. Không phải là người rào đón, nàng hỏi ngay. “Anh có chuyện gì lo ngại, Paul. Cái gì vậy?”. - “Anh không bao giờ có thể giấu nổi em điều gì, em yêu”. Anh nhấm nháp ly rượu, châm điếu thuốc rồi nói: “Anh đã đặt một chuyến tàu về Anh cho em trên tàu Nữ Hoàng Elizabeth. Anh may mắn kiếm được phòng riêng cho em dù vào một thời gian muộn như thế này, như vậy em sẽ được thoải mái, em yêu. Em sẽ đi thứ năm”. - “Anh có đi cùng em không?”. Nàng hỏi cố gắng hết sức bình thản, nhưng cổ họng nghẹn lại. - “Không, em yêu. Anh không thể đi được”. - “Tại sao lại không, Paul? Anh đã có kế hoạch trở về với em cơ mà?”. - “Anh muốn trở lại Texas vài ba ngày để lo một vài chuyện và để làm cho mình yên tâm là Harry hoàn toàn hiểu anh muốn bắt đầu khoan dầu ở Odessa càng sớm càng tốt. Rồi anh sẽ về Úc”. - “Nhưng hình như cuối năm anh mới phải về đó cơ mà!”. - “Cuối năm có thể là quá muộn, Emma ạ. Bây giờ anh phải đi càng sớm càng tốt, Emma, để mà lo liệu những khoản lợi tức của anh ở đó và bàn bạc với những người điều hàng các công ty của anh. Em biết tâm trạng của anh về mối đe dọa của Nhật Bản đối với vùng Thái Bình Dương. Anh không thể phó mặc cho may rủi được”. Mặt Emma tái đi. “Em không muốn anh đi!”, nàng kêu lên. “Em sợ… sợ anh sẽ bị kẹt lại ở Úc nếu như chiến tranh xảy ra trước khi anh có thể trở lại Anh. Chúng ta có thể xa nhau hàng năm trời”. Nàng đứng lên quì dưới chân anh. Nàng ngước lên nhìn anh. “Anh đừng đi, em xin anh”. Nàng chạm nhẹ vào mặt anh, khuôn mặt thân yêu nhất trên đời này đối với nàng, đôi mắt nàng mờ đi. - “Em biết là anh phải đi, Emma thân yêu”, anh nói dịu dàng nhất. Anh vuốt mái tóc nàng và nhìn nàng âu yếm. “Nhưng anh sẽ không ở lâu. Nhiều nhất là hai tháng. Ở đó mọi việc cũng tương đối ổn. Nó đã tồn tại nhiều năm nay rồi. Tuy nhiên anh muốn biết chắc là mọi chuyện vẫn trôi chảy dù anh vắng mặt lâu hơn bình thường hàng năm. Và anh phải như vậy. Chúng ta không biết cuộc chiến này sẽ kéo dài bao nhiêu lâu một khi nó nổ ra, có phải không?”. Anh mỉm cười với nàng một cách tin cẩn. “Anh sẽ trở lại nhanh, anh muốn ở bên em ở nước Anh khi sự biến xảy ra. Chắc chắn là anh không muốn phải ở lại một mình. Thôi nào, vui lên, em yêu. Anh chỉ đi có tám tuần thôi mà. Có gì đâu”. Emma không tranh luận với Paul, hoặc định thuyết phục anh bỏ ý định vì nàng biết làm như vậy là vô ích. Tài sản của anh lớn đến choáng váng và anh không thể rũ bỏ trách nhiệm. Quyền lực có những đặc quyền không thể phủ nhận nhưng nó cũng đem lại những gánh nặng sụn lưng. Rõ ràng là Paul không thể làm ngơ với tình hình chính trị thế giới và ảnh hưởng của nó đối với công việc của anh. Emma là một người ở công việc và vị trí có thể hiểu được những động cơ của anh và thừa nhận kế hoạch cần thiết của anh, mặc dù nàng không thích nó. Và như vậy, nàng làm vẻ tươi vui một vài ngày tiếp theo trước khi đi. Nhưng ý nghĩ chia ly với Paul làm nàng buồn hơn bao giờ hết và nỗi buồn chán quanh quất bên nàng trong suốt cuộc hành trình về Anh. Ngay khi nàng đã về tới ngôi nhà ở quảng trường Belgrave nó cứ còn dai dẳng, gậm nhấm nỗi thanh thản của tâm hồn.